Thứ Sáu, 31 tháng 3, 2023

Nhất Linh: Giòng sông Thanh Thủy

CHƯƠNG HAI MƯƠI BỐN

Chiều hôm ấy, Thanh lấy khăn trùm lên tóc, cầm cái chổi cán dài để quét mạng nhện đen, mồ hóng giăng đầy mái nhà. Nàng nói với Tường:

“Em đã nghĩ kỹ rồi. Anh cứ để em ở ngoài, ở một ngoại vi tổ chức nào đó, lấy tên gì cũng được. Hay là lấy tên ‘Nữ hoả đầu phu đoàn’ [1] hợp với công việc em nhất.’’
Tường đương cặm cụi viết ngửng lên:

“Ý kiến ấy của chị hay đấy. Tôi sẽ đặt chị vào phụ nữ đoàn.’’

Thanh cười:

“Thế là em đã có đoàn thể, nhưng đoàn thể ấy chỉ có một mình em thôi. Bây giờ em là cán bộ thực thụ không còn là cán bộ hờ ở trong cái chi bộ ma của anh Ngọc nữa. Anh ấy lôi thôi lắm.’’

Nàng nhìn Ngọc khẽ nháy một cái rồi quét màng nhện, lau sàn gác, bàn ghế. Sau hai tiếng đồng hồ nhà trông sạch sẽ khác hẳn; nàng vui vẻ làm việc, không biết mỏi. Bốn giờ chiều nàng bưng lên hai cốc cà-phê nóng mời Tường và Ngọc uống rồi nàng hỏi:

“Hai anh có quần áo rách hay tuột chỉ để em khâu cho.’’

Tường mặc có mỗi chiếc áo cánh nhà binh nhồi bông. Nàng khâu vá xong rồi nói:

“Để em đi mua len đan cho hai anh mỗi người một áo. À, anh Ngọc thì không cần đến nữa vì...’’

Thanh không nói hết câu nhưng Ngọc cũng hiểu ý. Nàng nói:

“Bây giờ em đi mua len vì trời còn sáng chọn màu dễ hơn.’’

Nàng tạt qua nhà Quân nhưng chỉ gặp Kiệt:

“Có tin này quan trọng lắm, các anh nói lại với anh Quân. Ninh sắp về nước để liên lạc định ý đưa một đoàn đại biểu Việt Quốc lên Côn Minh rồi đi Trùng Khánh, Ngọc chắc đưa Ninh về biên giới. Hai người sẽ do ngã Hà Khẩu về Lao Cay.’’

Nói xong nàng đi ngay tạt qua hiệu mua len rồi về nhà thổi cơm.

Lúc đương ăn Thanh nói:

“Anh Ngọc ích kỷ quá việc bếp nước đều do tôi phụ trách. Anh là liên lạc viên nhưng bây giờ liên lạc với ai. Tối nay anh đi coi xi-nê tôi thết. Còn tôi, tôi bận lại qua nhà chị em bạn.’’

Khi Ngọc tới cửa rạp xi–nê thì Thanh đã chờ sẵn ở đấy. Hai người đi bộ qua Kim Bích lộ về phía Phục Hưng Tân Thôn rồi thuê xe ngựa đi Đại Quan Lâu. Xuống thuyền thì trăng vừa lên. Một bà già người Tàu và một đứa bé độ mười tuổi vốn đã quen việc đưa khách đi chơi hồ ban đêm nên thấy đôi trai gái xuống thuyền không ngạc nhiên, nhất là đêm ấy lại có trăng. Thuyền chui qua một cái cổng tò vò, đi ngang nhà nghỉ mát của Cậu Ba con Long Vân rồi ra hồ rộng.

Thuyền đi ven bờ một quãng. Ở giữa hồ nhỏ Đại Quan Lâu và hồ lớn có một biệt thự đường vào rất nhỏ hai bên toàn nước. Trong nhà thắp đèn sáng, có tiếng nhiều người nói cười vui vẻ nhưng nhìn vào các cửa sổ mở rộng tuyệt nhiên không thấy có bóng một người nào.

Thanh lay người Ngọc chỉ về phía biệt thự và thỏ thẻ vào tai Ngọc:

“Nhà ma đấy.’’
Ngọc nói:

“Chị thực very lôi thôi. Hết chi bộ ma lại đến nhà ma.’’

Tình cờ Ngọc đã dùng câu nói đùa riêng biệt của Thanh. Thanh mỉm cười:

“I am not so very lôi thôi as you think. Tôi không lôi thôi lắm như anh tưởng đâu. Vốn nhà này trước vẫn là một nhà bỏ hoang, người ta bảo là có ma nên không ai dám ở. Chúng mình bỏ không làm cách mệnh nữa mà cũng chẳng cần đi tìm thiên thai cho tốn công. Thiên thai là cái nhà này. Chúng mình đến đây ở, chẳng ma nào biết vì đây là cái nhà ma rồi. Này anh nghe, tiếng người cười nói vui vẻ mà nhìn vào có thấy một bóng ma nào đâu.’’

Bà lái đò lái cho thuyền đi xa phía biệt thự rồi lẩm bẩm nói một mình:

“Chắc là bọn quân nhân Mỹ đến đóng. Người thường ai dám bén mảng.’’

Thanh nói:

“Anh có xem truyện Liêu Trai tả một đám cưới ma trong một cái lầu cũ không?’’

“Có, hình như có đọc qua nhưng không nhớ.’’

Thanh kể chuyện lại cho Ngọc nghe:

“Đấy, trong nhà có đèn sáng lại có tiếng nói cười vui vẻ mà từ lúc nẫy nhìn vào không thấy một người nào cả. Chắc là tụi hồ ly tinh cưới nhau. Để tôi vào phá đám họ rồi chúng mình đến đấy ở thay. Tôi cứng bóng vía lắm; ma cũng phải sợ. Như vậy đỡ tốn tiền mà không ai đến quấy rầy mình nữa.’’

Thanh quay nhìn bà lái đò, nói tiếng Tàu:

“Bà lái đò, bà ghé thuyền vào cái nhà này. Chúng tôi đến ăn tiệc cưới nhưng đến muộn sợ hai họ đợi. Bà cố chèo cho mau, đến thẳng mấy cái bực đá chỗ có hai cô, một cô mặc áo đỏ và một cô mặc áo vàng đương đứng giơ tay vẫy ấy mà.’’

Thanh cúi xuống lấy tay che miệng cho khỏi bật lên cười. Bà lái đò trù trừ, Thanh nói:

“Hay thôi bây giờ ăn cỗ cũng gần xong. Bà cứ chở chúng tôi đi ra ngoài xa ngắm trăng một lát. Mai chúng tôi viết giấy kiếu vậy.’’

Thuyền mỗi lúc một ra xa. Thanh nhìn kỹ thấy lưng chừng núi Tây Sơn một mảng trắng mờ, nàng đoán đó là chùa Tây Sơn. Trăng mười bẩy và trời lại trong nên rải xuống mặt hồ một làn ánh sáng trông phảng phất như một con đường dẫn lối đến Thiên Thai. Thanh nhớ đến đoạn tả ánh trăng của Maugham trong một truyện ngắn nàng đọc đã lâu lắm. Nàng bảo Ngọc:

“Con đường ánh trăng sáng này nếu cứ theo mãi thì sẽ tới Thiên Thai.’’

Ngọc hỏi:

“Bây giờ chị lại muốn đến Thiên Thai. Sao sáng ngày...’’

Thanh ngắt lời:

“Thiên Thai cũng là hư vô... Thiên Thai là một thứ gì đẹp lắm mà lòng ai cũng mơ ước, nhất là hiện giờ trên gần khắp thế giới họ đương đâm giết nhau. Cảnh đẹp đã có rồi còn thiếu thơ và tiếng ngâm để tôi nghĩ một câu thật hay rồi ngâm anh nghe.’’

Yên lặng một lúc rồi giữa đêm khuya thanh vắng Thanh cất tiếng ngâm:

“Người ơi, hồ rộng bao la
Thiên Thai trăng mở đường hoa đón người.”
Ngọc mê man vì cảnh đẹp, tiếng ngâm và lời thơ hay của người yêu nên chàng nói giọng đùa bỡn để che cảm động:

“Thơ ấy, thứ cô mà làm được. Chắc là cóp của ai chứ gì.’’

Thanh nói:

“Tôi còn một bài thơ hay hơn nhiều để lát nữa sẽ ngâm anh nghe. Bài ấy chính tôi làm ra từ lúc còn trong nước khi mới bắt đầu yêu người mà về sau là chồng tôi và đã đánh lừa, phụ bạc tôi.’’

Ngọc hỏi:

“Buổi chiều chị mua được cyanure de potassium chưa?’’

Thanh yên lặng không đáp. Bỗng ở một chiếc thuyền xa có tiếng người vọng lại. Thanh cất tiếng ngâm luôn một hơi:

“Đêm trăng thoảng tiếng ai trong gió
Lòng hỏi lòng biết có ai không?
Hay chăng tiếng vọng mơ mòng
Của lòng mình nói cho lòng mình nghe...”

Ngọc mới đầu ngờ ngợ, đến khi Thanh ngâm xong chàng quay lại sửng sốt nhìn Thanh:

“Bài thơ ấy chị làm?’’

“Này, anh lại sắp bảo tôi cóp thơ người khác có phải không? Bài thơ ấy tôi làm nên tôi mới thuộc lòng ngâm luôn một hơi. Anh có thấy tôi vấp váp một chữ nào không?’’

Thanh mỉm cười tiếp theo:

“Có anh cóp của tôi thời có. Nếu không, sao ở nhà chị...’’

Ngọc nhớ lại và hiểu nguyên do. Chàng chắc Thanh có đến chơi nhà chàng trọ từ khi chàng ở Văn Sơn, Ma-Lì-Pố. Thanh ghế người lại gần Ngọc hỏi:

“Cô Thuý hay cô Phương.’’

Ngọc đáp:

“Chị nhìn bức tranh thì biết là ai rồi, cần gì phải hỏi.’’

Bỗng chàng nghĩ ra một điều. Từ khi gặp Thanh mặc dầu nhiều lúc thân mật như đôi tình nhân, chàng vẫn không hiểu Thanh ra sao; Thanh chỉ có cảm tình với chàng như một người bạn hoặc một đồng chí, hay là nàng theo lệnh của Việt Minh cố quyến rũ chàng đúng như lời Ninh phỏng đoán. Hai mắt Thanh lúc thì mơ màng hiền hậu, có khi trong sáng vui tươi, thỉnh thoảng lại sắc sảo như hung dữ, độc ác. Ngọc nghĩ thầm: “Hay Thanh là Hồ Ly Tinh như trong truyện Liêu Trai’’. Bây giờ muốn biết rõ lòng Thanh chàng cần tỏ ra mình yêu Phương để xem Thanh có ý ghen tức không. Nghĩ vậy chàng nói tiếp:

“Ở Mông Tự làm gì có cảnh tôi vẽ như trong tranh. Với lại dáng người ngồi trong tranh không giống dáng cô Phương một tý nào cả.’’

Ngọc biết là dáng Thuý và dáng Phương giống nhau lắm vì khi kể chuyện về Thuý chàng đã có lần tả Thuý thon thon như người Phương nhưng chàng cũng cứ nói vậy để Thanh tưởng là chàng nói dối; nếu chàng có ý giấu giếm tức là chàng đã thực tình yêu Phương.

Quả nhiên Thanh mắc lừa biết là Ngọc đã nói dối. Nhưng nàng vẫn thản nhiên vì lúc nhìn nét mặt tái hẳn lại của Ngọc sáng ngày, nàng đã biết chắc chắn rằng Ngọc yêu nàng. Thấy Thanh thản nhiên, nói chuyện cười đùa vui vẻ, Ngọc không hiểu thêm được ý Thanh đối với mình ra sao.

Chàng lại có cảm tưởng rằng Thanh tinh khôn lắm, chắc là một nữ cán bộ lợi hại của Việt Minh và rờn rợn sợ. Thanh bảo bà lái đò lấy ra hai chai xá xị mua lúc nẫy rồi mở nắp đưa cho Ngọc, nói một cách quá ư dịu dàng thành ra mỉa mai:

“Mời anh xơi.’’

Ngọc nhắm mát lại rồi nói một mình:

“Chắc đã đến lúc rồi. Phạm nhân đã được ngắm cảnh đẹp, nghe hát hay, sắp sửa đến phút lên đoạn đầu đài.’’

Một lúc lâu chàng mới mở mắt ra đưa Thanh chai xá xị:

“Mời chi xơi trước tôi uống nửa dưới.’’

Thanh cười:

“Anh đề phòng thế cũng vô ích. Anh đã không hai lần uống cà-phê trước mặt Nghệ... Tôi xin uống trước để anh khỏi nghi ngờ tôi như Nghệ đã không nghi anh...’’

Thanh nhấc chai xá xị tu vào miệng chai, đợi một lúc lâu rồi đưa cho Ngọc.

“Bây giờ mời anh xơi. Chắc là không có thuốc độc. Vì nếu có thì tôi đã hoá ra ma rồi.’’

Ngọc cũng cầm chai tu một hơi cạn, ngồi yên nghe ngóng rồi nói với Thanh:

“À ra không việc gì. Tôi đã tưởng mình lên tiên.’’

Rồi hai người cùng bật lên cười một lúc.





[1]Hoả đầu phu: người trông việc bếp nước