Thứ Sáu, 17 tháng 3, 2023
Nhất Linh: Giòng sông Thanh Thủy
CHƯƠNG HAI MƯƠI HAI
Từ đấy Thanh dọn lại nhà Tường ở luôn, ngày ngày đi chợ, nấu cơm rửa bát hoặc những lúc rỗi thì ngồi thảo luận với Tường và Ngọc. Nàng biết là Tường đã hoàn toàn tin ở mình nhưng còn anh chàng Ngọc? Nếu Tường tin ở nàng thì chắc chắn là cả Ninh cả Ngọc đều tin nàng không phải nữ cán bộ Việt Minh.
Thỉnh thoảng nàng cũng lén đi gặp Quân để báo cáo với Quân những tin tức không quan trọng gì mấy trong nội bộ Việt Quốc. Mỗi lần về nhà, Thanh để ý rất kỹ xem có Kiệt theo dõi không. Thỉnh thoảng hơi nghi ngờ, nàng vào rạp chiếu bóng rồi lúc ra đi lẫn với đám đông để đánh lạc. Có khi nàng lại hẹn Ngọc đến chùa Cá, ăn ốc sống và ngồi ở gác lầu ngay chỗ có bài thơ của Thôi Hộ.
Ngọc mượn được của một người quen trong tỉnh đảng bộ Trung Hoa Quốc dân Đảng một chiếc xe Jeep và rủ nàng đi chơi Tây Sơn. Vì Ngọc không biết lái xe nên Thanh phải lái vậy; Thanh biết lái xe từ hồi ở trong nước nhưng không quen lái xe Jeep.
Đường lên dốc và cong queo nhiều chỗ nguy hiểm nhưng nàng cũng lái bừa. Dọc đường hai người ghé qua một ngôi chùa lớn. Thanh mua hương vào lễ Phật; miệng lâm râm khấn vái để Phật phù hộ cho Ngọc và cho cả nàng nữa khỏi bị Việt Minh ám hại. Nàng xin thẻ về cuộc tình duyên nàng sau sẽ ra sao. Tuy nàng không tin hẳn nhưng vì yêu Ngọc nên muốn biết lời quẻ dạy để tự an ủi mình. Lễ xong Ngọc rủ Thanh ra xem vườn có một cây trà mi trắng. Ngọc nói:
![]() |
“Đẹp hơn hoa lựu nhà chị ở Mông Tự nhiều.”
Thanh ngắt một bông đẹp nhất cầm ở tay, một bông hoa mới hé nở cánh màu trắng tươi.
“Tôi là Trà Hoa Nữ. Anh biết truyện Trà Hoa Nữ không?’’
“Sao lại không biết. Nhưng bây giờ lại đến lượt tôi trách chị nói sái.’’
“Tôi ấy à? Người tôi thế này mà anh bảo tôi chết vì lao. Hoạ chăng không chết vì Việt Quốc thì cũng chết vì Việt Minh, cũng may tôi không chịu chui vào guồng máy mà anh cứ định đánh lừa tôi để tôi chui đầu vào. Tôi không dại như anh tưởng đâu.’’
Ngọc không nói chỉ đứng lặng yên ngắm Thanh. Đôi gò má nàng vốn đã hồng sẵn, lại nhờ khí hậu tốt ở Côn Minh nên càng hồng hào trông như hai quả đào vừa chín ửng.
Thấy Ngọc nhìn mình nàng đưa bông hoa trà lên rồi áp những cánh hoa trắng vào gò má nhìn Ngọc nói:
“Êm mát quá. Anh thử mà xem.’’
Ngọc đón lấy bông hoa đưa lên mũi ngửi:
“Hoa không thơm.’’
“Anh chẳng hiểu tý gì về hoa. Hoa Trà Mi làm gì có mùi thơm.’’
Ngọc cười rồi cũng áp bông hoa lên má mình:
“Êm thì có êm nhưng tôi chỉ thấy lạnh cả má.’’
Lúc ra ngoài cổng chùa hai bên có hai bức tượng lớn. Thanh nói:
“Bên kia là ông Thiện còn bên này là ông Ác. Anh là ông bên này này.’’
Xe mỗi lúc một lên cao rồi tới một chùa nhỏ và một hàng bán quà. Ngọc vào hàng hỏi ngay:
“Ở đây có phở chua không?’’
Thanh nói:
“Thi sĩ gì anh. Đi đâu cũng hỏi hết phở cừu lại đến phở chua. Anh xem kia kìa có đôi câu đối do Vương Hy Chi người viết Thiếp Lan Đình ấy mà, nhưng đấy chỉ là bản in lại. Anh có biết Vương Hy Chi là ai không?’’
Ngọc đáp luôn:
“Không, tôi chỉ biết có Vương Đức.’’
Thanh hỏi, mắt lộ vẻ ngạc nhiên:
“Vương Đức nào?’’
“Vương Đức là một tay Việt cộng lợi hại. Nhưng mà bây giờ ngoẻo rồi. Chị không nhớ tôi đã có lần nói về chị Nam ở Văn Sơn, và việc tiêm thuốc rồi bóp cổ chết Vương Đức à?’’
“Anh có nói nhưng anh không cho tôi biết tên là ai.’’
Thanh nhớ là khi Vương Đức ở Trùng Khánh về, chính nàng phải giấu Vương Đức ở nhà mình. Bất giác nàng nghĩ thầm:
“Họ giết lẫn nhau đến bao giờ. Còn cái anh chàng Đức nữa lớ ngớ về miền ấy làm gì!’’
Nàng cúi mặt trong lòng dâng lên một nỗi buồn thương cho cả hai bên. Nàng lắc đầu xua đuổi những ý nghĩ hác ám ấy và ngồi xuống bàn ăn phở chua với Ngọc. Ngọc ăn xong, ngồi ngắm chữ Vương Hy Chi và khen:
“Đẹp thật.’’
Thanh đương há miệng ăn những sợi bánh phở còn lòng thòng hai bên mép thấy Ngọc nói vậy, vội vàng lấy tay che miệng:
“Anh định khen tôi ăn đẹp chắc.’’
“Không, chữ Vương Hy Chi, càng ngắm càng thấy đẹp, nhất là bây giờ bụng đã no. Chị không biết tôi viết và vẽ đẹp lắm, tiếc hôm nay không mang bút chì đi.’’
Thanh bĩu môi:
“Anh ấy à, vẽ thì xấu như ma, chữ thì như gà bới. Tỏi gà thì đúng hơn.’’
Sực nhớ ra Ngọc bảo Thanh:
“À quên, anh Tường mấy lần bảo tôi làm lễ tuyên thệ để chị vào chi bộ chính thức, không ma mãnh gì nữa. Lát nữa ra chỗ con đường lưng chừng vách đá, tôi sẽ làm lễ tuyên thệ cho chị. Lẽ ra cần người làm chứng nhưng có lúc cũng phải tuỳ tiện.’’
Ăn xong ra đến chỗ có trưng một tấm bia, đường hơi rộng lại vắng ngưòi, Thanh và Ngọc cùng đứng lại tựa vào lan can ngắm mặt nước hồ lan dài về phía tây trên mặt nước loáng thoáng một vài cánh buồm mầu hồng nhạt. Thanh bảo Ngọc:
“Giá hôm nào đi chơi đến tận cuối hồ thì hay quá. Họ nói hồ này hẹp nhưng dài đến bốn mươi cây số.’’
Ngọc nói:
“Ý chừng chị lại muốn cùng tôi vào Thiên Thai lần nữa. Lắm lúc tôi cũng như Phạm Lãi muốn bỏ mọi công việc đi dạo Ngũ Hồ với Tây Thi. Nhưng lấy gì mà ăn?’’
“Anh cứ đem thật nhiều bánh phở khô đi, tôi nấu anh ăn, ngày nào cũng đủ các thứ phở có cả phở cá nữa. Lúc đi anh nhớ mua cần câu đem đi. Đừng quên muối và nhất là ruốc. Nhưng Tây Thi có bao giờ đi với Phạm Lãi, làm xong việc cứu nước Việt bị vợ vua buộc đá quẳng xuống sông chết mẹ rồi. Anh thì cũng như Câu Tiễn còn cô Phương là vợ Câu Tiễn. Với lại hồ này đâu có đưa đến Thiên Thai; cuối hồ là trấn Côn Dương, đi mãi sẽ tới Diến Điện, có nhiều lính Nhật lắm, nhiều xe tăng, tàu bò trông rất nên thơ.’’
Ngọc nhìn xuống cái vực sâu thăm thẳm, trông những người qua lại trên con đường ven hồ bé nhỏ như những con kiến.
“Tôi chỉ quăng chị xuống dưới kia là xong một đời chị. Nhưng chị ạ, chỗ này tuyên thệ rất tốt. Tôi không nói đùa đâu. Chị chắc cũng đã nghĩ kỹ rồi. Có như vậy tôi mới có thể nói với chị nhiều điều bí mật quan trọng và mong chị giúp đỡ một tay, những việc ấy chỉ có chị làm nổi thôi.’’
Thanh nhìn Ngọc thấy vẻ mặt Ngọc nghiêm trang và có vẻ trịnh trọng, nàng mỉm cười rồi giơ tay vịn vào vai Ngọc làm chỗ tựa nhẩy lên ngồi trên lan can. Ở dưới là một vách đá thẳng xuống tận chân núi vì vậy chỗ hai người đứng phải xây bằng xi-măng thòi hẳn ra ngoài. Ngọc rùng mình vì Thanh chỉ sẩy tay một chút là có thể rơi xuống chân núi. Chàng vội níu lấy cánh tay Thanh. Thanh nghiêng người ra phía ngoài quay mặt nhìn xuống:
“Nào bây giờ anh đẩy tôi xuống đây thì anh vô tội vạ, chỉ việc nói là tôi sẩy tay ngã... Những lúc tôi đến nhà Quân có các đồng chí của anh theo dõi, tôi lạ gì. Chẳng biết anh Tường hay anh Ninh, anh Ninh có lẽ đúng hơn, đã ra lệnh thủ tiêu tôi như Nghệ và Tứ và hôm nay anh rủ tôi đi Si San [1] là anh đã nghĩ kỹ lắm rồi. Cũng kiểu anh giả vờ uống nước cốt cà-phê để Nghệ khỏi nghi ngờ. Anh và anh Ninh, các anh nhiều mánh khoé giết người thần tình lắm...’’ Thanh bỏ cả hai tay ra:
“Nào bây giờ anh chỉ cần đẩy tôi một cái thế là xong đời tôi và anh đã làm tròn phận sự anh Ninh giao phó. Hôm ở vườn đào tôi đã biết anh có ý ấy nhưng ở vườn đào không tiện bằng ở đây.’’
Ngọc một tay kéo mạnh cánh tay Thanh về phía trong còn một tay ôm ngang lưng Thanh.
“Chị điên à? Tôi xin thề với chị, đem hết danh dự ra thề với chị là tôi và cả anh Ninh nữa đều hoàn toàn tin ở chị.’’
Mắt Thanh sáng lên có vẻ dữ tợn như hôm đi xe lửa từ Mông Tự về Bích Sắc trại khiến ngay Ngọc cũng đâm ra nghi ngờ và nhớ lại lời Ninh nói: Việt cộng quỷ quyệt lắm, dùng mỹ nhân kế cốt thủ tiêu Nghệ để Thanh được lòng tin cậy hoàn toàn và Thanh có mật lệnh của Quân làm một việc rất quan trọng mà chính chàng mới là người mắc mưu. Thanh nói:
“Các anh thề gì? Thề cá trê chui ống ấy.’’
Tuy nghĩ vậy nhưng Ngọc cũng cố kéo Thanh xuống khỏi lan can. Thanh lấy tay vuốt áo rồi hai người đứng nhìn nhau. Thấy nét mặt Ngọc có vẻ sợ sệt thật sự, Thanh vui sướng biết chắc là Ngọc đã tin mình hoàn toàn; nàng mỉm cười rất tươi rút bông hoa trà trắng cài ở khuy áo đặt lên môi âu yếm nói với Ngọc:
“Tôi đùa anh chơi đấy. Lần sau có ăn tỏi gà thì đừng quên tôi nữa.’’
Hai người lại đứng tựa lan can sát cạnh nhau. Thanh nói:
“Lát nữa ta xuống Tả Quán Lầu [2] tôi biết một chỗ ngồi nhìn ra hồ đẹp lắm. Anh muốn ăn thức gì cũng có.’’
Ngọc chỉ một con đường mấy trăm bực đá ở chân núi lên chùa rồi nói với Thanh:
“Con đường cách mệnh cũng gian lao như thế.’’
Thanh nhìn một hai cánh buồm ở tận cuối hồ xa xa bảo Ngọc:
“Hay là ta bỏ cách mệnh đi tìm Thiên Thai. Ở đấy không ai nghĩ đến giết ai. Không có ai cả ngày chỉ cố tìm những mưu mô quỷ quyệt để hại kẻ khác, nếu không nhanh thì kẻ khác hại mình ngay, ở đấy không có thuốc tiêm giết người, chỉ có cà–phê em nấu ngon để anh uống. Không có cái thứ cà-phê nước cốt thật đặc để át mùi thuốc độc... A, này anh, thứ thuốc độc anh dùng để giết Tứ và Nghệ nó ra làm sao?’’
Ngọc cũng muốn biết là thứ thuốc gì, vì Thanh đã có học qua trường thuốc chắc rõ:
“Thuốc bột trắng cho vào cà-phê có mùi như mùi hạnh nhân.’’
“Nếu vậy thì là chất cyanure de potassium ở bên Pháp người ta thường dùng để giết chuột, thuốc ấy ở nơi kín ngửi nhiều cũng có thể chết, uống vào chết liền không tài nào cứu chữa được. Ở Thiên Thai không làm gì có cyanure de potassium tha hồ yên ổn để suốt ngày nói chuyện với nhau cho vui và cãi nhau...
Ngọc ngắt lời:
“Nếu vậy thì tôi bỏ về trần thế còn hơn.’’
Thanh mỉm cười:
“Anh không biết, cãi nhau mới vui chứ, nếu cả ngày chỉ ngồi lỳ nhìn nhau lúc nào cũng vui cả thì ít lâu chán chết. Tóm lại là muốn mình cảm thấy sung sướng thì phải có những lúc đau buồn, thí dụ như anh ăn uống khổ sở, thỉnh thoảng được một bát phở cừu mới thấy ngon và được một cái tỏi gà mới gặm nhẵn cả xương không nghĩ đến tôi, tôi mới lộn ruột lên và vì tức mới nghĩ đến chi bộ ích kỷ để rồi cứ như vậy dần dà đâm vào cái guồng máy lúc nào không hay. Người lại sẽ tìm cách giết hại lẫn nhau; ở Thiên Thai không có cyanure de potassium tôi cũng phải chế ra nó để anh uống chơi. Thiên thai sẽ biến thành trần thế. Yên ổn nhất ấy à? Chỉ có chết là yên ổn nhất, hay nói theo đạo Phật, đạo Lão tốt hơn là không có mình nữa, tôi cũng không có...’’
Thanh tự nhiên thấy mình vui miên man không hiểu vì lẽ gì; tâm hồn nàng phiêu diêu trong một niềm vui và cảm thấy niềm vui ấy như không bao giờ hết nữa khiến nàng rờn rợn sợ có cảm tưởng rằng cái gì cũng không thật. Đời sống chỉ là mơ, niềm vui cũng chỉ là mơ. Thanh tự nghĩ nếu có chết ngay lúc này, nàng sẽ không đau khổ. Hồn nàng sẽ hoá thành một giấc mơ vui rồi khi giấc mơ ấy tan đi là chết là hết. Nàng chắc cả vũ trụ này đến ngày tận thế cũng vậy, cũng biến thành một niềm vui bao la rồi cứ thế hoà loãng, tan dần đi trong cái mênh mông của hư vô không có sự chết, không có sự sống mà ngay cả đến cái hư vô cũng không có nữa.
Thanh bỏ rơi bông trà cầm ở tay rồi nhìn theo: bông hoa rơi, rơi mãi cho đến khi không thấy nó đâu nữa. Nàng nói:
“Thế là hoa đã biến vào vực thẳm, biến vào hư vô. Lúc nãy tôi muốn nhẩy xuống là để biết vực thẩm, hư vô ra sao, chắc cũng có cái thú của một hạt muối tan trong nước...’’
[1]Si San: Tây Sơn
[2]Đại Quan Lâu
Thanh ngắt một bông đẹp nhất cầm ở tay, một bông hoa mới hé nở cánh màu trắng tươi.
“Tôi là Trà Hoa Nữ. Anh biết truyện Trà Hoa Nữ không?’’
“Sao lại không biết. Nhưng bây giờ lại đến lượt tôi trách chị nói sái.’’
“Tôi ấy à? Người tôi thế này mà anh bảo tôi chết vì lao. Hoạ chăng không chết vì Việt Quốc thì cũng chết vì Việt Minh, cũng may tôi không chịu chui vào guồng máy mà anh cứ định đánh lừa tôi để tôi chui đầu vào. Tôi không dại như anh tưởng đâu.’’
Ngọc không nói chỉ đứng lặng yên ngắm Thanh. Đôi gò má nàng vốn đã hồng sẵn, lại nhờ khí hậu tốt ở Côn Minh nên càng hồng hào trông như hai quả đào vừa chín ửng.
Thấy Ngọc nhìn mình nàng đưa bông hoa trà lên rồi áp những cánh hoa trắng vào gò má nhìn Ngọc nói:
“Êm mát quá. Anh thử mà xem.’’
Ngọc đón lấy bông hoa đưa lên mũi ngửi:
“Hoa không thơm.’’
“Anh chẳng hiểu tý gì về hoa. Hoa Trà Mi làm gì có mùi thơm.’’
Ngọc cười rồi cũng áp bông hoa lên má mình:
“Êm thì có êm nhưng tôi chỉ thấy lạnh cả má.’’
Lúc ra ngoài cổng chùa hai bên có hai bức tượng lớn. Thanh nói:
“Bên kia là ông Thiện còn bên này là ông Ác. Anh là ông bên này này.’’
Xe mỗi lúc một lên cao rồi tới một chùa nhỏ và một hàng bán quà. Ngọc vào hàng hỏi ngay:
“Ở đây có phở chua không?’’
Thanh nói:
“Thi sĩ gì anh. Đi đâu cũng hỏi hết phở cừu lại đến phở chua. Anh xem kia kìa có đôi câu đối do Vương Hy Chi người viết Thiếp Lan Đình ấy mà, nhưng đấy chỉ là bản in lại. Anh có biết Vương Hy Chi là ai không?’’
Ngọc đáp luôn:
“Không, tôi chỉ biết có Vương Đức.’’
Thanh hỏi, mắt lộ vẻ ngạc nhiên:
“Vương Đức nào?’’
“Vương Đức là một tay Việt cộng lợi hại. Nhưng mà bây giờ ngoẻo rồi. Chị không nhớ tôi đã có lần nói về chị Nam ở Văn Sơn, và việc tiêm thuốc rồi bóp cổ chết Vương Đức à?’’
“Anh có nói nhưng anh không cho tôi biết tên là ai.’’
Thanh nhớ là khi Vương Đức ở Trùng Khánh về, chính nàng phải giấu Vương Đức ở nhà mình. Bất giác nàng nghĩ thầm:
“Họ giết lẫn nhau đến bao giờ. Còn cái anh chàng Đức nữa lớ ngớ về miền ấy làm gì!’’
Nàng cúi mặt trong lòng dâng lên một nỗi buồn thương cho cả hai bên. Nàng lắc đầu xua đuổi những ý nghĩ hác ám ấy và ngồi xuống bàn ăn phở chua với Ngọc. Ngọc ăn xong, ngồi ngắm chữ Vương Hy Chi và khen:
“Đẹp thật.’’
Thanh đương há miệng ăn những sợi bánh phở còn lòng thòng hai bên mép thấy Ngọc nói vậy, vội vàng lấy tay che miệng:
“Anh định khen tôi ăn đẹp chắc.’’
“Không, chữ Vương Hy Chi, càng ngắm càng thấy đẹp, nhất là bây giờ bụng đã no. Chị không biết tôi viết và vẽ đẹp lắm, tiếc hôm nay không mang bút chì đi.’’
Thanh bĩu môi:
“Anh ấy à, vẽ thì xấu như ma, chữ thì như gà bới. Tỏi gà thì đúng hơn.’’
Sực nhớ ra Ngọc bảo Thanh:
“À quên, anh Tường mấy lần bảo tôi làm lễ tuyên thệ để chị vào chi bộ chính thức, không ma mãnh gì nữa. Lát nữa ra chỗ con đường lưng chừng vách đá, tôi sẽ làm lễ tuyên thệ cho chị. Lẽ ra cần người làm chứng nhưng có lúc cũng phải tuỳ tiện.’’
Ăn xong ra đến chỗ có trưng một tấm bia, đường hơi rộng lại vắng ngưòi, Thanh và Ngọc cùng đứng lại tựa vào lan can ngắm mặt nước hồ lan dài về phía tây trên mặt nước loáng thoáng một vài cánh buồm mầu hồng nhạt. Thanh bảo Ngọc:
“Giá hôm nào đi chơi đến tận cuối hồ thì hay quá. Họ nói hồ này hẹp nhưng dài đến bốn mươi cây số.’’
Ngọc nói:
“Ý chừng chị lại muốn cùng tôi vào Thiên Thai lần nữa. Lắm lúc tôi cũng như Phạm Lãi muốn bỏ mọi công việc đi dạo Ngũ Hồ với Tây Thi. Nhưng lấy gì mà ăn?’’
“Anh cứ đem thật nhiều bánh phở khô đi, tôi nấu anh ăn, ngày nào cũng đủ các thứ phở có cả phở cá nữa. Lúc đi anh nhớ mua cần câu đem đi. Đừng quên muối và nhất là ruốc. Nhưng Tây Thi có bao giờ đi với Phạm Lãi, làm xong việc cứu nước Việt bị vợ vua buộc đá quẳng xuống sông chết mẹ rồi. Anh thì cũng như Câu Tiễn còn cô Phương là vợ Câu Tiễn. Với lại hồ này đâu có đưa đến Thiên Thai; cuối hồ là trấn Côn Dương, đi mãi sẽ tới Diến Điện, có nhiều lính Nhật lắm, nhiều xe tăng, tàu bò trông rất nên thơ.’’
Ngọc nhìn xuống cái vực sâu thăm thẳm, trông những người qua lại trên con đường ven hồ bé nhỏ như những con kiến.
“Tôi chỉ quăng chị xuống dưới kia là xong một đời chị. Nhưng chị ạ, chỗ này tuyên thệ rất tốt. Tôi không nói đùa đâu. Chị chắc cũng đã nghĩ kỹ rồi. Có như vậy tôi mới có thể nói với chị nhiều điều bí mật quan trọng và mong chị giúp đỡ một tay, những việc ấy chỉ có chị làm nổi thôi.’’
Thanh nhìn Ngọc thấy vẻ mặt Ngọc nghiêm trang và có vẻ trịnh trọng, nàng mỉm cười rồi giơ tay vịn vào vai Ngọc làm chỗ tựa nhẩy lên ngồi trên lan can. Ở dưới là một vách đá thẳng xuống tận chân núi vì vậy chỗ hai người đứng phải xây bằng xi-măng thòi hẳn ra ngoài. Ngọc rùng mình vì Thanh chỉ sẩy tay một chút là có thể rơi xuống chân núi. Chàng vội níu lấy cánh tay Thanh. Thanh nghiêng người ra phía ngoài quay mặt nhìn xuống:
“Nào bây giờ anh đẩy tôi xuống đây thì anh vô tội vạ, chỉ việc nói là tôi sẩy tay ngã... Những lúc tôi đến nhà Quân có các đồng chí của anh theo dõi, tôi lạ gì. Chẳng biết anh Tường hay anh Ninh, anh Ninh có lẽ đúng hơn, đã ra lệnh thủ tiêu tôi như Nghệ và Tứ và hôm nay anh rủ tôi đi Si San [1] là anh đã nghĩ kỹ lắm rồi. Cũng kiểu anh giả vờ uống nước cốt cà-phê để Nghệ khỏi nghi ngờ. Anh và anh Ninh, các anh nhiều mánh khoé giết người thần tình lắm...’’ Thanh bỏ cả hai tay ra:
“Nào bây giờ anh chỉ cần đẩy tôi một cái thế là xong đời tôi và anh đã làm tròn phận sự anh Ninh giao phó. Hôm ở vườn đào tôi đã biết anh có ý ấy nhưng ở vườn đào không tiện bằng ở đây.’’
Ngọc một tay kéo mạnh cánh tay Thanh về phía trong còn một tay ôm ngang lưng Thanh.
“Chị điên à? Tôi xin thề với chị, đem hết danh dự ra thề với chị là tôi và cả anh Ninh nữa đều hoàn toàn tin ở chị.’’
Mắt Thanh sáng lên có vẻ dữ tợn như hôm đi xe lửa từ Mông Tự về Bích Sắc trại khiến ngay Ngọc cũng đâm ra nghi ngờ và nhớ lại lời Ninh nói: Việt cộng quỷ quyệt lắm, dùng mỹ nhân kế cốt thủ tiêu Nghệ để Thanh được lòng tin cậy hoàn toàn và Thanh có mật lệnh của Quân làm một việc rất quan trọng mà chính chàng mới là người mắc mưu. Thanh nói:
“Các anh thề gì? Thề cá trê chui ống ấy.’’
Tuy nghĩ vậy nhưng Ngọc cũng cố kéo Thanh xuống khỏi lan can. Thanh lấy tay vuốt áo rồi hai người đứng nhìn nhau. Thấy nét mặt Ngọc có vẻ sợ sệt thật sự, Thanh vui sướng biết chắc là Ngọc đã tin mình hoàn toàn; nàng mỉm cười rất tươi rút bông hoa trà trắng cài ở khuy áo đặt lên môi âu yếm nói với Ngọc:
“Tôi đùa anh chơi đấy. Lần sau có ăn tỏi gà thì đừng quên tôi nữa.’’
Hai người lại đứng tựa lan can sát cạnh nhau. Thanh nói:
“Lát nữa ta xuống Tả Quán Lầu [2] tôi biết một chỗ ngồi nhìn ra hồ đẹp lắm. Anh muốn ăn thức gì cũng có.’’
Ngọc chỉ một con đường mấy trăm bực đá ở chân núi lên chùa rồi nói với Thanh:
“Con đường cách mệnh cũng gian lao như thế.’’
Thanh nhìn một hai cánh buồm ở tận cuối hồ xa xa bảo Ngọc:
“Hay là ta bỏ cách mệnh đi tìm Thiên Thai. Ở đấy không ai nghĩ đến giết ai. Không có ai cả ngày chỉ cố tìm những mưu mô quỷ quyệt để hại kẻ khác, nếu không nhanh thì kẻ khác hại mình ngay, ở đấy không có thuốc tiêm giết người, chỉ có cà–phê em nấu ngon để anh uống. Không có cái thứ cà-phê nước cốt thật đặc để át mùi thuốc độc... A, này anh, thứ thuốc độc anh dùng để giết Tứ và Nghệ nó ra làm sao?’’
Ngọc cũng muốn biết là thứ thuốc gì, vì Thanh đã có học qua trường thuốc chắc rõ:
“Thuốc bột trắng cho vào cà-phê có mùi như mùi hạnh nhân.’’
“Nếu vậy thì là chất cyanure de potassium ở bên Pháp người ta thường dùng để giết chuột, thuốc ấy ở nơi kín ngửi nhiều cũng có thể chết, uống vào chết liền không tài nào cứu chữa được. Ở Thiên Thai không làm gì có cyanure de potassium tha hồ yên ổn để suốt ngày nói chuyện với nhau cho vui và cãi nhau...
Ngọc ngắt lời:
“Nếu vậy thì tôi bỏ về trần thế còn hơn.’’
Thanh mỉm cười:
“Anh không biết, cãi nhau mới vui chứ, nếu cả ngày chỉ ngồi lỳ nhìn nhau lúc nào cũng vui cả thì ít lâu chán chết. Tóm lại là muốn mình cảm thấy sung sướng thì phải có những lúc đau buồn, thí dụ như anh ăn uống khổ sở, thỉnh thoảng được một bát phở cừu mới thấy ngon và được một cái tỏi gà mới gặm nhẵn cả xương không nghĩ đến tôi, tôi mới lộn ruột lên và vì tức mới nghĩ đến chi bộ ích kỷ để rồi cứ như vậy dần dà đâm vào cái guồng máy lúc nào không hay. Người lại sẽ tìm cách giết hại lẫn nhau; ở Thiên Thai không có cyanure de potassium tôi cũng phải chế ra nó để anh uống chơi. Thiên thai sẽ biến thành trần thế. Yên ổn nhất ấy à? Chỉ có chết là yên ổn nhất, hay nói theo đạo Phật, đạo Lão tốt hơn là không có mình nữa, tôi cũng không có...’’
Thanh tự nhiên thấy mình vui miên man không hiểu vì lẽ gì; tâm hồn nàng phiêu diêu trong một niềm vui và cảm thấy niềm vui ấy như không bao giờ hết nữa khiến nàng rờn rợn sợ có cảm tưởng rằng cái gì cũng không thật. Đời sống chỉ là mơ, niềm vui cũng chỉ là mơ. Thanh tự nghĩ nếu có chết ngay lúc này, nàng sẽ không đau khổ. Hồn nàng sẽ hoá thành một giấc mơ vui rồi khi giấc mơ ấy tan đi là chết là hết. Nàng chắc cả vũ trụ này đến ngày tận thế cũng vậy, cũng biến thành một niềm vui bao la rồi cứ thế hoà loãng, tan dần đi trong cái mênh mông của hư vô không có sự chết, không có sự sống mà ngay cả đến cái hư vô cũng không có nữa.
Thanh bỏ rơi bông trà cầm ở tay rồi nhìn theo: bông hoa rơi, rơi mãi cho đến khi không thấy nó đâu nữa. Nàng nói:
“Thế là hoa đã biến vào vực thẳm, biến vào hư vô. Lúc nãy tôi muốn nhẩy xuống là để biết vực thẩm, hư vô ra sao, chắc cũng có cái thú của một hạt muối tan trong nước...’’
[1]Si San: Tây Sơn
[2]Đại Quan Lâu
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét