Thứ Sáu, 3 tháng 3, 2023

Nguyễn Mộng Giác: Thiên nhiên trong văn Phạm Xuân Đài

Nhà văn, nhà báo Phạm Xuân Đài. (Hình: Tài liệu)

Suốt nửa thế kỷ sống trong chiến tranh, người Việt chúng ta mê mải chạy theo những giấc mộng lớn. Giấc mộng nào cũng có những hứa hẹn tuyệt vời : nắn lại dòng chảy những con sông, đào núi lấp biển để tạo ra những nông trường có bay thẳng cánh, san bằng quá khứ meo mốc cổ lỗ rồi xây trên đó những tương lai huy hoàng. Đình chùa miếu mạo bị phá sập, nắm xương tàn của người đã khuất bị bốc lên nhường chỗ cho các xưởng máy. Con người tự tín cho rằng mình đầy đủ quyền năng để chế ngự thiên nhiên. Chúng ta quên sông quên núi, quên lá quên hoa, chúng ta hò hét giữa những khối xi măng hắc ín; lâu ngày trong văn chương, ca nhạc, kịch nghệ, phim ảnh… chỉ có chuyện con người. Thiên nhiên vắng bóng.

Rồi một ngày đẹp trời nào đó, vô tình chúng ta đọc lại một bài thơ xưa. Như những văn thơ của Xuân Diệu :

Hôm nay trời nhẹ lên cao

Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn

Lá hồng rơi lặng ngõ thuôn,

Sương trinh rơi kín từ nguồn yêu thương

Phất phơ hồn của bông hường

Trong hơi phiêu bạt còn vương máu hồng

Nghe chừng gió nhớ qua sông

E bên lau lách thuyền không vắng bờ

-Không gian như có giây tơ

Bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu

Êm êm chiều ngẩn ngơ chiều, 

Lòng không sao cả, hiu hiu khẽ buồn…

Chúng ta cảm thấy từ lâu, lâu lắm, chúng ta đánh mất cái gì quý giá vô cùng. Dường như lòng chúng ta đã chai sạn mà chúng ta không hay. Mắt long, môi bậm, tay nắm cú vung lên, chúng ta say mê với chinh phục “dũng cảm”. Vắt đất ra nước thay trời làm mưa. Thay trời ! Trong những cơn ngông cuồng loại ấy, làm sao người ta có thể cảm được như chàng Xuân Diệu của tuổi đôi mươi. Một chiếc là rơi trong ngõ vắng cũng làm cho nhà thơ bâng khuâng, nói chi tới một đóa hoa rơi. Thời xa xưa ấy, con người âu yếm nâng niu thiên nhiên,và ngược lại, thiên nhiên cũng bảo bọc che chở con người như một từ mẫu. “Hà Nội trong mắt tôi”, tập tùy bút của Phạm Xuân Đài do nhà Thế Kỷ xuất bản là một lời nhắc nhở quý giá : tác giả nhắc cho chúng ta nhớ những gì chúng ta đã đánh mất suốt nửa thế kỷ.

Chúng ta đánh mất mối cảm thông lành mạnh và cần thiết đối với thiên nhiên đang vây bọc nuôi nấng chúng ta. Phạm Xuân Đài là sản phẩm của một thời nhiễu nhương như thế hệ của anh. Anh không có cái may mắn làm người ngoại cuộc. Như mọi người, anh sống và trưởng thành giữa những khối xi măng và hắc ín, tai quen nghe những lời hô hào rổn rảng, thân thể nhọc nhằn lao tù. Anh thiếu thốn những điều kiện tối thiểu cần thiết của một Xuân Diệu thời tiền chiến để “cảm” cái hồn của sương của lá của mây của trăng. Sống đói khát trong một trại tù bên sông Mã, Phạm Xuân Đài vẫn có thể ghi nhận được sự biến chuyển tế vi kỳ diệu của “nét xuân sơn” :

Miễn là đừng chết, miễn là qua được mùa đông.

Rồi thì núi sẽ trở lại là núi, sông trở lại là sông, người trở lại là người. Một buổi, cơn giá lạnh như đang tan loãng dần trong không gian, cái ấm áp như nhen nhóm được một tí từ đâu đấy, cây mơ, cây đào bỗng đầy nụ, và có những toán người đi về phía núi kiếm lá giong về gói bánh chưng tết thì người tù cũng ra dần khỏi trạng thái mông muội của những ngày đông dài. Và xuống bến sông, nhìn về phía đông nơi con sông chảy dần thành chất lỏng để có thể xôn xao nhè nhẹ trong cuộc hành trình. Bạn sẽ sững người trông thấy núi, và tâm bạn, trí bạn, miệng bạn cùng lúc thốt lên: “Nét xuân sơn!”, như là chỉ có tiếng đó mới nói lên đầy đủ được những gì bạn đang thấy. Trên nền trời vừa trong sáng lại một cách kỳ dị sau mấy tháng xám xịt, như một tảng ngọc xanh có pha phơn phớt hồng, các dãy núi mới toanh như vừa lột xác. Trời nước trong một làn ánh sáng long lanh, núi đứng tiếp hàng trước sau từng dãy, trật tự và tươi cười, đường nét thanh tú rõ rệt cái đậm cái nhạt tạo thành một bức hoành tráng mỹ lệ, như một dàn hợp xướng ngợi ca điều cao cả trong lành đang ngập tràn trong trời đất. Vứt bỏ mớ áo xống lôi thôi của mùa đông, dáng núi trở nên uyển chuyển duyên dáng lạ lùng, một thân thể người nữ tuyệt hảo trong tuổi thanh xuân cũng không thể hơn thế. Ðường cắt trên bầu trời như một nét hân hoan, một tiếng cười chưa thành, một niềm vui mới chớm. Chứa chan. Người đứng trên bờ sông cảm thấy mắt mình đẫm lệ vui, biết mình đã bắt lại được với nguồn sống đang chỗi dậy trong đất, trong nước, trong cây đá ở trên núi. Núi có vẻ đang vẫy tay, đang chuẩn bị bước lên đường trong một hành trình đầy hứa hẹn. Không chỉ là trái núi mà là trái núi trong một bầu trời xuân, với dòng sông trở lại khe khẽ róc rách, với dương khí trở lại nhu hòa, với chim chóc cất tiếng hót, với bầu trời trở nên quang quẻ ửng hồng. Một toàn thể đang thức giấc, vươn vai, mà nét núi là một đường cắt tiêu biểu hiện trên nền trời. Ðó là chỗ đất trời giao nhau. Là cái hôn đầy âu yếm của đôi tình nhân lâu ngày xa cách. (Nét xuân sơn – từ tập tùy bút Hà Nội trong mắt tôi).

Cuốn “Hà Nội Trong Mắt Tôi” do Thế Kỷ (California) xuất bản năm 1994. (Hình: Tài liệu)

Cảm nhận được nét đẹp kỳ vĩ của nét xuân sơn như Phạm Xuân Đài, không dễ. Những bạn tù của Phạm Xuân Đài cũng đứng bên sông Mã như anh mùa xuân năm ấy, họ cũng nhìn núi như anh nhưng họ không thấy núi. Họ chỉ thấy đói khát, bệnh tật, khổ dịch, năm tháng trôi qua mất mát, tương lai mờ mịt và quá khứ xót xa. Muốn “thấy” núi, phải có bi, trí, dũng. Cái bi để tỏa rộng yêu thương nhờ thế thấy được trọn vẹn. Thấy trọn vẹn mới đủ trí để nhận ra sự hòa điệu của vạn vật. Nhận ra sự hòa điệu của vạn vật mới có cái dũng vượt thường.

Đọc “Nét xuân sơn”, tôi thích thú vô cùng. Nhưng lòng tôi vẫn bợn ý nghĩ nông cạn thô thiển : “Biết đâu Phạm Xuân Đài cảm nhận được cái đẹp của núi mùa xuân ven sông Mã chỉ vì anh bấu víu vào đấy như một tấm ván cứu rỗi !” Tôi đã lầm. Thiên nhiên trong cái “thấy” của Phạm Xuân Đài không hiện diện nhờ “sở hữu”. Theo lẽ thường, cái gì đẹp, quí, đều cần một điều kiện thiết yếu : nó thuộc về mình. Nó là của mình, nó hợp với mình, đúng như mơ ước của mình. Thấy như thế chỉ là thấy theo nhãn quan của cái tôi, hoặc nói như ngôn ngữ nhà Phật, “thấy trong cái tham, thấy bằng cái tham”. Thấy như vậy là chưa thấy.

Phạm Xuân Đài vượt lên trên cái tôi, vượt lên trên cái tham để thấy. Đi thăm Hà Nội, bản doanh của thứ quyền lực đã đày ải anh trong những trại tù bên sông Mã, Phạm Xuân Đài vẫn bình tâm ghi nhận tất cả nét đẹp cổ kính và quyến rũ của đất nghìn năm văn vật, mặc dù mắt anh không bỏ qua những cảnh sống luộm thuộm, nhếch nhác, hiu hắt, thô bạo, vô trách nhiệm của người Hà Nội. Không như những người khác đến Hà Nội với lòng nao nức và rời Hà Nội trong thất vọng não nề, Phạm Xuân Đài chia tay với Hà Nội với lòng luyến tiếc :

Khi máy bay lượn vòng trên Hà Nội một buổi sớm tinh sương để lấy hướng về nam, tôi lại bồi hồi nhìn bao quát thành phố để từ biệt, và mới nhận thấy mình biết về thành phố này còn ít quá. Không phải du khách nào cũng được ở Hà Nội lâu đến ba mươi ngày như tôi và lại được hướng dẫn đi lục lọi mọi ngõ ngách. Nhưng cái biết hãy còn ít và hời hợt. Qua kính máy bay, sông Hồng lượn khúc như ôm lấy thành phố xinh đẹp mờ mờ trong làn sương sớm như còn che giấu nhiều điều bí ẩn. Có lẽ tôi đã đến Hà Nội với nhiều lý sự và định kiến có sẵn quá. Nhưng giờ đây, từ trên cao nhìn xuống, thu hình ảnh bao la vào tâm trí trong một chốc lát ngắn ngủi, tôi chỉ thấy một tình cảm thương mến rất rộng rãi nhẹ nhàng, dường như có sẵn trong tôi đã lâu rồi. Đã có từ trước khi có tôi và sẽ tiếp tục tồn tại sau này khi tôi không còn nữa. Dường như trong phút chốc tôi hòa nhập vào một cái gì vĩnh viễn.

Mảnh đất dưới kia quả là “nghìn năm vượng khí nơi đô hội,” như một bài thơ xưa vịnh Hà Nội đã nói. Dòng sông Hồng vẫn trôi, khối nước vĩnh cửu trườn mình về phía đông, trên mặt sông bao nhiêu bọt bèo trôi theo chỉ là cái phù phiếm nhất thời. (Trích từ “Hà Nội trong mắt tôi”).

Thiên nhiên trong mắt Phạm Xuân Đài chẳng những không bị định vực bằng chính trị, mà còn thoát ra khỏi những phân chia địa lý. Anh không phải là mẫu người Việt di dân tiêu biểu chê “nước ở Mỹ uống đắng cả mồm” như Nguyễn Bá Trạc đã mô tả trong “Ngọn Cỏ Bồng”. Sở hữu dân tộc tuy rộng hơn sở hữu cá thể nhưng vẫn là cái ích kỷ chiếm hữu, cái tham dung thường. Phạm Xuân Đài “thấy” sông núi hoa cỏ Việt Nam ra sao, anh “thấy” sông núi hoa cỏ ở xứ người cũng y như vậy. Không có tâm phân biệt ở đây. Lòng anh rộng mở. Xin nghe anh “cảm” những cành hoa jacaranda trên một khu phố miền Nam California :

Màu tím của Jacaranda (mà một người yêu hoa ở đây gọi là phượng tím) mang vẻ thanh thoát của thượng giới, từ trời xuống chứ không phải từ mặt đất nhiều khổ ải này mà mọc lên. Các mảnh tím từ mặt đất dù đem lại cho người đời các cảm xúc khác nhau thế nào, chính chúng đã như một lời than thở, hay ít ra, một nỗi thắc mắc, một dấu hỏi trong lòng cõi nhân sinh. Ôi màu tím, như là cái đuôi của một tiếng thở dài... Nhưng cái khối màu tím ở trên trời tự chúng đã vẽ ra một cảnh giới khác. Người ta không ghé mắt xem từng cánh hoa đẹp xấu như thế nào vì nó ở tít trên cao, không tẩn mẩn phân tích sắc độ tím của cánh hoa ấy đậm nhạt thế nào, người ta chỉ có thể đối diện với nó như là một tổng thể không định nghĩa được. Như tình yêu vậy. Bao trùm, che lấp mọi ngõ ngách của cảm quan, bâng khuâng phiêu bồng trong một khối dìu dặt. (Trích từ bài Hoa tím bâng khuâng trong tập tùy bút Hà Nội Trong Mắt Tôi).

Ngẫu nhiên mà lối thấy, lối cảm thiên nhiên của Phạm Xuân Đài được tóm tắt đầy đủ trong lối thưởng ngoạn hoa jacaranda của anh. Đó là nhìn từ trên xuống để bao quát được cái tổng thế. Như những cây phượng tím jacaranda bám rễ vào lòng đất rồi vượt lên cao để trổ những mảng hoa bâng khuâng. Phạm Xuân Đài cũng xuất phát từ cuộc sống khổ ải này nhưng không bị chìm đắm vào trong những hệ lụy trần thế; bằng đạo tâm, anh vượt lên trên những phân biệt, nhận ra được, cảm thấy được cái toàn thể, cái vĩnh cửu, cái miên viễn ngay trong những điều ti tiểu, phù du, nhất thời. Giá trị của tập tùy bút “Hà Nội trong mắt tôi” nằm ở cái tâm của người sáng tạo ra tác phẩm ấy.

Nguyễn Mộng Giác