Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2023

Ngu Yên: Cao Đông Khánh — Niềm Khát Vọng và Nỗi Mơ Hồ

Thi sĩ Cao Đông Khanh (19412000). Tranh Đinh Cường

Bất kỳ một dòng thơ nào có căn cước chứng minh, có nét độc đáo nhận diện, đều phải có tác phẩm nổi bật và tác giả phẩm hạng.

Cao Đông Khánh là một trong vài nhà thơ trong giai đoạn đầu tiên, xứng đáng làm dấu ấn cho dòng thơ hải ngoại qua ba sắc diện: 1- chống chế độ Cộng Sản, 2- hoài hương, và 3- hội nhập. Phần thơ mang tâm trạng hoài hương vượt trội hơn hết. Bạn đọc thơ, có bao giờ tự hỏi:

  • Thơ Cao Đông Khánh “hay” ở chỗ nào? Nói một cách kỹ thuật hơn, giá trị của thơ ông ở đâu?

Thơ họ Cao nổi bật: 1- thuật ngữ lạ lẫm, 2- tứ thơ biến ảo, 3- thẩm mỹ bao gồm tính và nét Đông lẩn Tây, 4- thể hiện lịch sử, xã hội cố xứ và tha hương, 5- văn hóa chủ bàng bạc tự nhiên trong văn hóa khách. Trên hết, những điều vừa kể kết hợp với tư tưởng về nỗi “mơ hồ” đã tạo ra tầm vóc của ông.

Dĩ nhiên, thơ Cao cũng có những giới hạn trong tư thế toàn cầu và những khiếm khuyết thông thường khi sáng tác do bản chất kế thừa di sản thi ca chưa được phân biệt, tìm hiểu trong môi trường văn chương đối sánh (Comparative Literature.) Cho đến khi qua đời, di sản thơ của ông vẫn còn quanh quẩn trong chủ nghĩa dân tộc.

  1. Ý Thức Về Sáng Tác: Cửa mở sẵn dành cho những người không biết

tưởng tượng. (Derrek Landy)

“Tôi bắt ghế ngồi ngay cửa sống chết người đến người đi khắc dấu lưu danh thành vết xâm mình cực kỳ lập thể một miếng da hùm để lại u linh” (1)

Cao Đông Khánh ý thức về sáng tác một cách rõ ràng. Ông viết: “Đôi khi tôi làm thi sĩ, nhiều khi tôi không làm, bởi vì không ai khai giải nổi được bí mật của mọi người tưởng tượng một cách vừa ý.” (2) Làm thơ không phải dễ, không phải lúc nào cũng có thể làm. Sự khó khăn là khai giải những bí mật của con người. Khác với một số lớn thi sĩ muốn khám phá bí mật của siêu nhiên, của huyền bí, ông khẳng định: bí mật của mọi người và đặc biệt là bí mật tưởng tượng. Dẫn đến hai điều:

  1. Ông thể hiện tinh thần Hậu Hiện Đại không quan tâm đến Thượng Đế, mà chú

trọng đến nhân sinh. Ông viết: “... hắn nhìn thấy, tự trong mơ hồ, hình ảnh của Đức Chúa Giê Su chịu tội cho loài người là hình ảnh của người gánh nước (nặng hơn vác Thánh Giá).” (3)

Đọc bài thơ “ Bữa Tiệc Người”, bạn đọc sẽ nhận ra một dụ ngôn được tái dụng, biến dạng từ Kinh Thánh, “phạm pháp” đối với siêu bản (metanarrative, Lyotard) và mỉa mai chế độ Cộng Sản:

“Sách Tân Ước mở ra. Kẻ kia đến ngọn đèn mặt trời trên đỉnh núi khô thấy chưa? Điều bí mật

mở cửa bản năng

con người ăn thịt sống uống máu tươi

bữa tiệc ảo tưởng của thế kỷ 20

- ai hóa đá thành bánh mì thành cơm

gạo?...”

2. Không thể nào khám phá tận cùng bí mật. Có bí mật nào mà không phát sinh từ hư cấu? Mọi bí mật đều bắt nguồn từ tưởng tượng. Bản chất của tưởng tượng là thay đổi. Làm sao có thể khám phá toàn diện? Vì vậy, làm thơ là hành trình vô tận. Mỗi thi sĩ chân chính chỉ đi được một khúc đường, khám phá một số điều, nói lên sự minh bạch một cách mơ hồ. “mai mốt, bây giờ làm sao biết được / tuổi trẻ, tình yêu, như trái đã rơi / cây đã cháy như cá đã nướng /cũng như em đã sống ở đời” (4). (Dấu / thay thế xuống hàng.)

Nói minh bạch một cách mơ hồ, Cao Đông Khánh có lối nói riêng, mang chất giọng của kẻ giang hồ miền nam. Bằng một sinh hoạt ẩn dụ, ông nói về làm thơ qua những hình ảnh hiện đại: “Nhiều khi tôi làm thơ như những giờ phút ái ân không chứng tỏ nỗ lực vậy mà hai đứa giống như khiêu vũ nhẹ nhàng xuyên qua khoảng hành lang bóng đêm đông đặc, xâm nhập vào khu vực Harlem nơi nhiều mộng mị nên nhiều thảm sát nhất Hoa Kỳ, tình cờ gặp một danh thủ bóng rổ hay một võ sĩ hạng nặng, một kịch sĩ, một danh ca... người nào đi đứng cũng nhún nhảy trong chiếc thuyền buồm màu đen no gió chờ đợi trăm năm vẫn chưa đến lúc khởi hành” (5). Nói minh bạch một cách mơ hồ nhưng không phải vô nghĩa hoặc tầm thường. Chẳng phải vô cớ mà Platon đã viết: “Thi sĩ thốt lên những điều lớn lao và uyên thâm mà bản thân họ cũng không hiểu.” Platon muốn nói đến kinh nghiệm sống và tư duy của người làm thơ, dằn vặt lâu ngày, âm ỉ trong tâm thức, một hôm xuất thần thể hiện ra văn tự. Sự tinh lọc của vô thức vượt qua giới hạn nhận thức. Cao Đông Khánh làm thơ như vậy và phát hành hai tập thơ. Tập thơ đáng kể là “Lửa Đốt Ngoài Giới Hạn”, thơ tuyển chọn từ 1976- 1996.

  1. Phong Độ: Thi sĩ, thực sự là kẻ trộm lửa. (Arthur Rimbaud.)

Phong độ là nghệ thuật thông đạt của tác giả, bao gồm phong cách, sử dụng thuật ngữ, xây dựng tứ thơ, trình bày điều muốn giải thích, theo sở học và cá tính của một người. Tất cả gôm vào bốn chữ: sáng tạo cá nhân.

Sáng tạo không đáng tin. Tự nó là thứ gì vô hình. Một trừu tượng có thể bóp méo, bẻ cong, nhồi nắn thành thiên hình vạn trạng. Sáng tạo thơ chỉ có tác dụng khi nhập vào ngôn ngữ hoặc văn bản. Tôi sẽ tiếp xúc và giải thích văn bản “Lửa Đốt Ngoài Giới Hạn” qua một phần vay mượn từ Giải Cấu Trúc của Derrida: Truy lùng sự khác biệt (différance) và phần khác vay mượn từ Jacques Lacan (1977), thứ tự của kinh nghiệm xuất hiện qua ngôn ngữ: 1- biểu tượng hoặc ẩn dụ, 2- tưởng tượng, 2- thực tế. Nói ngược lại, vai trò thực tế được tưởng tượng hóa trong thơ Cao Đông Khánh chia sẻ những gì với chúng ta qua biểu tượng và ẩn dụ?

Ẩn dụ và biểu tượng: Trước hết, thực tế trong thơ chỉ là hình ảnh tái lập phản ảnh hiện thực để “khai giải” điều tác giả muốn nói. “Tất cả những gì có thể nhìn thấy chỉ là đại biểu cho những gì không nhìn thấy.” (Seth Adam Smith, Rip Van Winkle.) Thơ

Cao chú trọng ẩn dụ, biểu tượng và phúng dụ, nhưng không tái dụng những loại ẩn dụ, biểu tượng tồn kho quen thuộc. Bằng tài năng riêng, ông đã tân thời hóa, sử dụng những chuyện bình thường xảy ra để ám thị một ý nghĩa khác. “Tôi khóc bạn bè không còn nước mắt / con cá dư thừa ướp muối phơi khô.” (6) Con cá đó là ai? Có phải cá chết, mắt vẫn mở mà khô? “Em hãy kể tôi như trái cây lột vỏ / để quá đêm ngày hôi gió thịt xương tôi.“ (7) Phong cách thông đạt từ cái đại diện (signifier) qua ý nghĩa khác của cái được đại diện (signified) là đường lối giả thích của Cấu Trúc Luận, dẫn đầu là Saussure. Qua Giải Cấu Trúc, không có cái đại diện và cái được đại diện, chỉ có cái đại biểu với nhiều ý nghĩa khác nhau trong mỗi văn bản. Như vậy, “Tôi khóc bạn bè đã quá nhiều, khóc thêm chỉ vô ích. Bản thân cảm thấy dư thừa, nhưng cá khô muối chờ đợi một cơ hội hữu ích.” Ông viết tiếp: “chưa hết một ngày tôi thành hoang đảo / gió đập trên đầu nước dưới dâng lên / tôi tưởng tôi chìm giữa hành quân khúc / tiếng nói con người như sóng bao quanh” (8).

Thuật ngữ và câu thơ: Cũng như nhiều nhà thơ kế thừa phong cách làm thơ trước năm 1975 ở miền nam, ông quan tâm đến thuật ngữ. Giá trị thơ đặt trên quan niệm “ngôn từ đắc địa” không còn là tiêu chuẩn cao giá. Tuy nhiên nỗ lực sử dụng ngôn từ “mới lạ”, âm sắc “kêu vang”, ý nghĩa “bàng bạc”, nhất là đọc lên nghe lãng mạn du dương, xuất hiện vào những năm đầu thập niên 1970, kéo dài và mang theo ra hải ngoại. Sự lạm dụng thuật ngữ đôi khi đưa đến sáo ngữ: Rùm beng mà không có trọng lượng. Tiến thêm một cấp nữa, sáo ngữ trở thành ngôn từ bí hiểm, không còn ai hiểu.

Cao Đông Khánh phối hợp thuật ngữ và văn phạm thơ, tạo ra những câu thơ biến hóa, rồi những khi xuất thần, câu thơ bay lên lộng lẫy: “gió nhiệt đới tươm mồ hôi mật

/ tiếng đạn xa bay thấu lâu đời / mưa óng ả từng sợi diệp lục / guốc sương mù son đỏ gót chân” (9). Hoặc “người ta móc thân thể em lấy hạt minh châu / thân xác còn dư ướp trầm hương cho biển“ (10). Hoặc “con mắt có chân trời phía trước / những chân trời con mắt tiếp theo / em tóc ngắn môi đường da mật / có chân trời con mắt kế bên anh” (11). Trong “Lửa Đốt Ngoài Giới Hạn” có rất nhiều câu thơ như vài ví dụ trên. Và xen lẩn những câu thơ sáo ngữ: “sợi tóc chẻ hai gần đường xích đạo / vạt áo sau lưng khép hở Sài Gòn” (12). Hoặc “giữa sân rồng em đứng hình cây kiểng / mùa nhãn thơm như núm vú hồng / trẫm cởi hoàng bào trở thành dân giả / từ lãnh cung ai ngó xuống nghìn trùng” (13). Khi những câu thơ hoặc đoạn thơ chỉ làm cho bài thơ dài hơn mà không gia tăng hoặc độc đáo hóa ý nghĩa bài thơ, là những câu nên xóa bỏ.

Tứ thơ: Nhưng cơ sở của thơ không phải là câu, mà là tứ. Nét đặc sắc của tứ thơ

Cao nằm nơi hình ảnh biến ảo. Sự linh hoạt giao hòa giữa những hình ảnh trong cách thế biến chuyển bất ngờ, tạo ra kinh ngạc, gây thú vị cho thưởng ngoạn. “Khuy áo cũ có thời gian chứng giám / sứt nút từng giai đoạn truân chuyên / con đò chở mỹ nhân đời trước / chở luôn người thất thế qua sông” (14) Đã là mỹ nhân, nhất định sẽ bị sứt nút. Mỹ nhân bị bạc đãi, áo cũ khuy lờn. “Như một loài thủy sản không xương / con hải sư một hôm bình phục / lông lá điêu tàn còn chi để xưng vương” (15). Đôi khi, thoạt hiện một tứ thơ làm người đọc bỡ ngỡ, e rằng không mấy liên quan: “Một ngày không biết nói chuyện với ai / nhớ quê hương như nhớ vợ ngoại tình.” (16) Vợ ngoại tình? can dự gì đến quê hương? Nghĩ lại, thật đúng. Vừa biểu hiện lại vừa biểu tượng. Ở quê nhà, trên đường lưu lạc, biết bao nhiêu người vợ lâm vào cảnh bị xâm phạm hoặc phải hiến dâng tiết hạnh. Dưới chế độ Cộng sản, quê hương như người đàn bà không thể thủ tiết chờ chồng.

Có thể nói, Cao Đông Khánh xây dựng tứ thơ linh hoạt, sôi nổi, bất ngờ, thú vị... từ vô thức. Chỉ vô thức mới có thể cho hình ảnh biến hóa không luận lý, không nguyên nhân. Tứ thơ đến tự nhiên, sắp xếp bên nhau cũng tự nhiên, hầu như đầy dẫy khắp trang sách, tạo ra lửa và lửa cháy ra ngoài trang sách:

“Còn sót lại ta như cây tróc vỏ / trăng trắng xanh mát ruột gỗ hồng đào / tinh sương cô độc trong chiều sâu xa lộ / chạy mù mê về chỗ đứng đêm qua” (Đêm xuống núi thăm người tình cũ.)

“Rừng có tên nàng mặt trời lót chữ thị / Ái  có chữ tình mây có nồng cốt thịt xương / Đầu môi ủy mị cầu kinh thiên phú / Thời đại mỹ nhân trên chót lưỡi lưu tình” (Con sư tử măng tơ.)

“bầy kên kên đáp xuống đợi chờ bạo ngược

/ chờ tương lai khô hơi thở nồng nàng / rỉa miếng thịt máu tươi còn nóng / ăn miếng mồi hy vọng thê lương” (Xứ ái tình.)

“Lưỡi dao phân tâm xẻ em ra thành nhiều mảnh, vài miếng mỹ miều trong tranh cảnh Picasso, có miếng thịt da, có miếng trái tim, có miếng lý trí... miếng điên, miếng khùng, miếng dại, miếng khôn... có miếng trung thành, có miếng phản bội... em sống nhọc nhằn rơi mất miếng lương tâm.” (Một đêm một đời từ một thế kỷ.” (Trang 273.)

Rất nhiều những tứ thơ biến hóa, đôi  lúc mê mê tỉnh tỉnh, đôi lúc đầu Sở mình Ngô, không lý luận mà hợp lý, không thể giải thích mà tự dưng cảm được ý nghĩa. Đây là khả năng cao nhất trong thơ của ông.

Tứ thơ linh hoạt kiểu này cũng xuất hiện trong Lục Bát, gần gũi thần sắc Bùi Giáng hơn vóc dáng Kiều. Mô tả ca sĩ da đen hát

nhạc Jazz, ông viết: “Em như con rắn trườn vào / đèn xanh ngọn lá trăng trào mộng ra / đêm mun nhạc rợn màu da / giọng cao mất tích giọng xa nỗi gần / ...” (17). Tặng Khánh Trường, nhà văn đương thời nhiêu khê tình ái, ông viết: “tại anh đội lớp người ta / cửa không mưa gió vào ra lộng hành / thẹn thùng em đỏ em xanh / dạ thưa từ đó cũng đành vậy thôi.” (18). Theo tôi, lục bát không phải là thể thơ có thể cưu mang tài năng của ông, cũng không phải các thể thơ 5 chữ, 7 chữ, 8 chữ, hoặc thơ tự do, mà chính là thể thơ xuôi.

Thể thơ: Vào thế kỷ 17, ở Nhật Bản, nhà thơ hài cú Ba Sô (Matsuo Basho) là người đầu tiên tạo ra thể thơ xuôi, bằng cách phối hợp văn xuôi với thơ hài cú, sử dụng trong một chuyến du hành lên miền bắc, ghi lại trong tác phẩm Oku no Hosomichi (Con đường mòn xuyên sâu nội địa). Nobuyuki Yuasa dịch sang Anh ngữ: The Narrow Road to the Deep North. Chắc ông cũng không thể ngờ, thể thơ này được sử dụng rộng rãi trên thế giới trong suốt thế kỷ 20.

Vào thời đoạn di tản và vượt biên, hầu hết các nhà thơ hải ngoại sáng tác bằng những thể thơ quen thuộc. Cao Đông Khánh đã dấn thân thử nghiệm thể thơ xuôi và thành tựu. Mãi đến giờ (2017) vẫn chưa thấy nhà thơ hải ngoại nào có lượng và phẩm thơ xuôi vượt qua ông.

“bầy ngựa trên linh địa” là một trong những bài thơ xuôi, bày tỏ nội lực và cá tính của Cao Đông Khánh. Hình ảnh con ngựa, một loài thú tiền thân của rồng, một đại biểu anh hùng trận mạc, một cá tính trung thành, một giang hồ vó câu trên núi đồi, đồng bằng, sa mạc. Bầy ngựa mà ông để thơ cưỡi đi từ ca dao “đưa nàng về dinh” cho đến con ngựa của Phù Đổng Thiên Vương phun lửa dẹp giặc, thoắt từ trời Đông sang trời Tây, nhập vào con ngựa thành Troy. “Một ngày anh nghĩ đến câu thơ thấp  thoáng núi biển, trời đất và tình yêu rộng đến vô chừng trong cô đơn hèn mọn một góc tịch liêu, nghĩ đến con ngựa màu sương mù chở tuổi tác qua những thế kỷ tâm lý mà ngôn từ dùng để tuyên truyền cổ võ cho cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn giữa loài người với nhau.” [...] Bạn đọc có nhìn ra  con ngựa màu sương mù chở tuổi tác phóng qua cõi phù du. Ông nhắn nhủ, sao không bay nhảy với đất trời tình yêu vô hạn mà mải mê tàn sát anh em?

“Ngựa ô anh thắng kiệu vàng, anh tra khớp bạc, anh phi nước đại, lục lạc đồng đen, búp sen ngó dậm, dây cương nhuộm thắm, cán roi anh bịt đồng xòa, anh đưa nàng đi dự đại hội anh hùng, ở đó, những chàng hoàng tử ước mơ của gái dậy thì đi quyền múa kiếm, phi hành trên đầu cây ngọn cỏ, thấy, con vượn bồng con lên non hái trái, mà, cảm thương nàng phận gái còn son.” [...] Bạn đọc có trợt theo trầm bổng của tứ 

thơ bất chợt từ con ngựa thanh xuân biến qua con vượn thương cảm, từ hân hoan đưa nàng dự đại hội tình ái anh hùng bỗng chốc vì đâu nên thương xót phận gái không chồng?

“Anh bắt ngựa không gian, thắng xe song mã, mời bạn bè lên chơi trên ngôi nhà ngoài vô tận, nói chuyện đông tây, uống rượu đọc thơ... Trên bàn cơm có khô lân chả phụng, anh lấy mặt trăng làm chiếc dĩa đựng rau sống, mỗi sắc rau ngạt ngào hương vị một tín ngưỡng, mà, tội nghiệp cho em mọi bữa riêng mâm, mà, nước mắt lưng tròng.” Bạn đọc có nghe tiếng “mà” đệm đều đều như một bài ca hoặc một hơi thơ chưa muốn chấm dứt? Thi sĩ bỗng dưng thốt lên những tứ thơ kỳ dị, không phải siêu thực, không phải hóa ảo, không phải khoa học viễn tưởng, mà chỉ kỳ lạ đủ để thấy sự khác biệt giữa ước mơ hư cấu và hiện thực trên mâm ăn nước mắt rưng rưng.

Thơ có đủ trí tuệ và cảm xúc sẽ như ngọn lửa phừng lên theo gió. Sở học qua tư duy sinh kinh nghiệm. Hứng khởi đưa cảm nhận đến giây phút xuất thần. Khi trí tuệ và cảm xúc thành một, thơ đầy trọng lượng mà bay cao nhẹ nhàng. Arthur Rimbaud viết: “Thi sĩ thực sự là kẻ trộm lửa. Chịu trách nhiệm đối với nhân loại, thậm chí đối với thú vật. Thi sĩ phải bảo đảm tầm nhìn có thể được cảm nhận, yêu thích, lắng nghe. Nếu những gì mang đến ngoài hình thể, hãy cho chúng

hình thể. Nếu không có, cứ để không có. Một loại ngôn ngữ phải được tìm thấy... của linh hồn, cho linh hồn. bao gồm tất cả: hương vị, thanh sắc, ý nghĩ vật lộn với ý nghĩ.” Thơ họ Cao có ngôn ngữ riêng, có hương vị, có thanh sắc. Bạn đọc có tìm thấy “ý tưởng vật lộn với ý tưởng” trong thơ Cao Đông Khánh?

  1. Nhịp Sống: Tự truyện của thi sĩ là thơ của ông, bất kỳ thứ gì khác chỉ là chú thích. (Yevgeny Yevtushenko)

Tập “Lửa Đốt Ngoài Giới Hạn” chia làm 15 chương. Mỗi chương có tiêu đề khác nhau. Tác giả sắp xếp theo thứ tự thời gian. Mỗi tiêu đề và những bài thơ trong chương đó  là mỗi mảnh rời, có ý nghĩa riêng biệt. Khi sắp chung, trở thành một tổ hợp thơ, ghi chép một phần đời của một người lưu xứ làm thơ.

Mỗi chương đều có một bài viết ngắn, một loại thơ xuôi lẩn văn xuôi, như một dẫn nhập và giải thích tiêu đề. 15 bài viết này kết hợp lại là một câu truyện về quan điểm và suy tư của tác giả. Câu truyện của một người đàn ông sống mơ hồ.

Điều để lưu ý: ông mở đầu tập thơ bằng chương: Sự Thật Của Mơ Hồ và chấm dứt bằng chương: Bộ Điệu Của Mơ Hồ.  “Mơ hồ” là cụm từ được lập lại nhiều lần trong tập thơ. Cho thấy có điều gì ám ảnh trong

tiềm thức, khiến cho ông “mơ hồ” với đời sống và với bản thân. Như vậy, nỗi “mơ hồ” này là gì?

Toàn bộ tập thơ phản ảnh hai xã hội: 1- thế giới hồi tưởng và 2- thế giới hội nhập.

Lịch sử và xã hội ông đã bỏ lại bên kia bờ Thái Bình Dương, bao gồm tình yêu, bằng hữu, quê nhà... trở thành nỗi ám ảnh sâu đậm, luôn luôn túc trực trong máu huyết, chờ đúng khoảnh khắc để gia nhập vào chữ nghĩa. Cao Đông Khánh chống Cộng, Cao Đông Khánh nhớ nhà, như bất kỳ một người Việt nào di tản, lưu vong, vượt biên,

H.O. ... Nhưng Cao Đông Khánh làm thơ phản đối, kết án chế độ Cộng Sản, làm thơ hồi tưởng quá khứ, làm thơ thương nhớ quê hương, một cách khác. Một cách hực lửa nhưng vẫn giữ được sắc thái văn chương. Rốt ráo, thi sĩ vẫn có chỗ khác biệt với binh sĩ.

Lịch sử và xã hội nơi ông định cư, cho ông một tầm nhìn lớn hơn về tình người và những điều kiện của tự do. Cho ông kiến thức rộng rãi, cho ông kinh nghiệm đa dạng, nhưng trong thơ, dường như, luôn luôn ông đưa ra những cảm nhận so sánh, cảm thán về sự cách biệt giữa hai thế giới trong cùng một thời đại.

Người tinh ý có thể nhận ra ông đọc nhiều

văn chương ngoại quốc và sự ảnh hưởng

có thể nhận ra là phong thái của nhà thơ lừng lẫy ngang tàng, dám nói dám làm, Allen Ginsberg (1926-1977). Có lẽ lối làm thơ theo thể thơ xuôi cũng đến từ nhà thơ thủ lãnh của phong trào The Beat. Trường ca “Hú” nổi tiếng hàng đầu của Ginsberg cũng sáng tác trong thể thơ này.

Đọc 15 chương Lửa Đốt Ngoài Giới Hạn.

Trước đây, văn học tranh cãi về thơ vị nghệ thuật hoặc vị nhân sinh. Điều này nay đã lỗi thời. Thơ từ giữa thế kỷ 19, đã nhìn ra: 1- Thẩm mỹ cần thiết cho thi ca. Đẹp là một phần trong căn cước của thơ. Những nguyên lý thẩm mỹ nêu ra từ thời đại Ánh Sáng (Age of Enlightenment) được chủ nghĩa Hiện Đại cải thiện, đã thể hiện trong thi ca đến nửa đầu thế kỷ 20. Tiếp theo, tuy Hậu Hiện Đại đặt ra nghi vấn, tranh luận và đề nghị những khác biệt về cơ sở thẩm mỹ, nhưng thừa nhận “cái đẹp” của thơ, dù đẹp một cách khác. 2- Phong trào phát triển nghệ thuật vào xã hội với khái niệm lịch sử và xã hội tạo ra nghệ thuật, từ giữa thế kỷ 20 đã dẫn quan điểm thơ vị nhân sinh trở thành một phần khác trong căn cước thơ. Thơ đến từ con người và cho con người, là điều không thể chối cãi. Thơ Cao Đông Khánh thể hiện cả hai: vị thẩm mỹ và vị nhân sinh.

Chương 1: Sự Thật Của Mơ Hồ.

Trong bài viết ngắn, nhân vật “Hắn”, đại diện cho tác giả, tự nhận là kẻ nửa quê nửa tỉnh. Tình cờ cảm nhận được nỗi mơ hồ ngàn năm của dân tộc Việt. Kinh nghiệm đó trở thành hồn vía giúp cho hắn chấp nhận mọi hệ lụy đời sống. Giữa bàn cờ phức tạp của chính trị thế giới, giữa những đổi thay xào xáo tang thương ở quê nhà, ông đề nghị một giải pháp xây dựng thế quân bình: Đồng Nguyên hóa Việt Nam để sinh tồn. Rõ ràng, ông không chỉ làm thơ. Mà làm thơ với suy tư một tương lai tốt đẹp cho dân Việt. Tuy nhiên, tận thâm sâu ông cũng biết: Đồng Nguyên hóa chỉ là giấc mơ, một lý tưởng vịn vào để sống.

Bài thơ đáng quan tâm trong chương này

là: “Bầy ngựa trên linh địa.”

Chương 2: Khởi Loạn.

Cộng Sản chiếm miền nam. Hắn trở thành tội đồ. Sống với niềm tin: hồn vía đất nước là hơi thở của mỗi người Việt.

Hư cấu thăng hoa là cách sinh tồn của thất vọng, của người bó tay chưa tìm ra lối thoát. Khác với Freud, vô thức thể hiện trong giấc mơ, Lacan đi xa hơn, vô thức  vào giấc mơ, thể hiện qua ngôn ngữ. Ước mơ thầm kín và ngôn ngữ là một. Ông  chấm dứt bài viết bằng câu: “đó là sự mơ  hồ có thật.”

Bài thơ “Một quốc gia một cuộc đời” có những đoạn thơ ghi nhận hình ảnh hiện trạng ở Việt nam, bi quan nhưng văn vẻ: “hạnh phúc của tôi giấu trong hành lý / một lượng vàng ròng em giữ đi xa / em đã nhìn tôi nhẹ như ngọn lửa / rừng đã một lần cháy tận gốc cây / một miếng than hồng ngầm trong cơ thể / tro bụi sá gì một chút riêng tư”

Chương 3: Mất Tên Đổi Chủ.

Sài Gòn mất tên. Miền nam đổi chủ. Dân nam trở thành con vật kinh tế: Kinh Tế Nam Bang. Trở thành con vật cải tạo, lưu đày. Cửa sông, cửa biển trở thành lối thoát.

Bài “Chứng Tích Kim Sang” là bản cáo trạng nói lên thân phận của hạng phụ nữ bần hàn trong chế độ Cộng Sản: “nó hàng đêm ngủ với em hàng ngày tố cáo em.../ nó tố cáo em chẳng biết hoan hô / Thị Kim Sang / chẳng biết nói hoan hô / dồn thuốc độc vào môi miệng rực rỡ / chẳng biết nói hoan hô... / khi Thị Kim Sang nằm im / nắm cơm phần người chết để dành cho người sống.”

Bài “Đời Hoa Của Gió”, những câu thơ thi vị mô tả chuyện khốn cùng: “nàng ốm nhom như sao một ngôi / đêm sáng ngời chỗ quần áo rách / trạm kiểm soát xét con bạn hàng / cười rất tình nói chuyện rất ngọt / chồng, đôi mắt, những ngày thăm nuôi / chàng  héo hon như cây thiếu nước / nhìn đó anh em

còn nguyên vẹn / chỗ thân thể để dành cho anh.../ Nàng trắng tinh như tờ giấy sạch / đổi ra vàng mua đôi mắt chồng / gởi đi xa chàng đâu có hiểu / chỗ thân thể đâu còn của anh / tiếng ve khua mùa hè lộng lẫy / nàng ngồi nhẹ như đêm sáng trăng / mai chồng về nàng sẽ tự vận...”

Chương 4: Nhập Tràng.

Tác giả dùng hình ảnh “quỷ nhập tràng” như một biểu tượng ám chỉ ông Hồ, “- Chỉ ngay chỗ người chết nằm trong tủ kính. Nó bảo, đời đời sống mãi trong sự nghiệp,” và những lãnh tụ tương tựa. Đặc biệt, ông liên kết với sách Tân Ước qua ba điều cảm dỗ của Sa Tăng. Có thể với ngụ ý, hy vọng nơi Thiên Chúa Giáo sẽ phản kháng chế độ? Hoặc khuyến cáo người dân trước sự dụ dỗ của nhà cầm quyền Hà Nội? “Kinh Dương Vương đã mất nỏ thần / đàn bồ câu giấy bay trên chỗ trình diễn / kẻ cầm gươm sáng loáng hào hùng / cây cối mọc vùn vụt một khoảng hoang phế / người xạ thủ thổi kèn / rắn đủ màu múa lóng lánh vảy / nhạc hùng ca vang động hậu trường / trên sân khấu ban kịch nói vỗ tay / khen ngợi đám khán giả phục tùng”

Bài “Bữa Tiệc Người” là bài thơ chống cộng bằng cách xây dựng một phúng dụ liên quan đến sách Tân Ước.

Chương 5: Thế Giới Tư Tình.

Kẻ ở, bất khuất, không luận bàn, không trình diễn, nín tiếng, im hơi, nhưng mơ hồ, họ nói chuyện với rồng, ca hát cho phượng, hồn thiêng của đất nước. Họ tạo dựng nơi họ sống thành một thế giới riêng, một quốc gia riêng, một hoàng triều cương thổ riêng.” Một thế giới tưởng tượng của bất lực và chờ đợi. Bất kỳ là quyền uy nào chỉ có thể cấm đoán, ngăn chận hành động và ngôn từ của người dân nhưng không bao giờ có thể giam cầm được tưởng tượng. Trong khía cạnh này, trong thời thế đó, nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ đóng vai trò phản kháng quan trọng hơn chiến sĩ.

Bài “Rồng bay Phượng Múa” chứng tỏ được ba diện mục về Cao Đông Khánh: 1- Tài năng sử dụng thuật ngữ tạo tứ thơ: “... hỡi ơi con bạn hàng xuôi ngược / trái cây quốc cấm giấu trong lòng... / em nhớ giăng mùng khi xế bóng / kẻo đời đưa võng suốt hôn mê... / trận mây đồng phục nặng như thép / ửng chút đời xưa rạng chỗ ngồi / những người cách mặt gần như nhớ / những mặt trời xây xẩm trở về... / nửa đêm em đổ mồ hôi trộm / như nụ cười che chở thịt da.../ 2- Mô tả quê nhà vừa hiện thực tan tác, vừa hồi tưởng đẹp đẽ. Theo dõi hình ảnh Sài Gòn, Chợ Lớn, Khánh Hội, Phú Nhuận, Gia Định... vừa quen vừa lạ, vừa sinh động trong những hoàn cảnh thương khó mà tài tình văn chương. 3- Xiển dương văn chương nam kỳ. Chất giọng miền nam ít thấy trong thơ Việt, nhất là những bài thơ

có giá trị: Rồng Bay Phượng Múa là một. “Sài Gòn Khánh Hội gió trai lơ / khi ấy còn tơ gái núi về / đào kép cải lương say tứ chiến / Ngã tư quốc tế đứng sàng xê.../ qua ngõ cầu Bông mới tủi thân / chiếc xe đò cũ hơn chùa miễu / chở hết vàng son tới ủ ê / nhớ thương cũng mỏi cánh cao vút / đáp xuống cầu Ba Cẳng xả hơi / mọc thêm một cái chân thời thế / con thú về Lục Tỉnh mất tiêu.../ Bài “Ở vậy vá trời” cũng là bài thơ đáng quan tâm.

Chương 6: Chân Rừng tay Biển.

Ông thao thức với thân phận người vượt biển, vượt biên. Ông trao tặng cho họ sứ mệnh đại nguyện đi hòa giải xung khắc để mang đến cảm thông. Rồi chất vấn quốc tế về nhân đạo, nhân quyền. Ông cảm thấu được quyền lực của ngôn ngữ, một phương tiện hợp lý để đày đọa nhau. Kishand Wizdom nói: “Ngôn ngữ dùng miễn phí. Tùy vào cách sử dụng, có thể tạo ra tốn kém.” Cao Đông Khánh viết: “một ngày ta mọc lên cùng với mặt trời / buộc tội kẻ sử dụng ngôn ngữ hành thích con người.”

Bài “Anh hùng mạt vận” trường ca về hành trình và số mệnh của người vượt biên. Bao gồm 10 bài thơ, theo thứ tự: 1- khởi hành, 2- hải tặc, 3- lên bộ, 4- tạm trú, 5- xua đuổi,

6- nhân đạo, 7- tạm dung, 8- mưu sinh, 9- hồi sinh, 10- thất lạc. Bài thơ thời thế, nhân

quyền, kể tội quốc tế, thẩm vấn đất trời, nói lên tầm vóc của Cao Đông Khánh.

Chương 7: Người Bất Hợp Pháp.

Tiếp tục chất vấn thái độ và chính sách cư xử của các quốc gia đối với người tị nạn. Đặc biệt, ông ca ngợi phụ nữ, biểu tượng Mẹ Việt Nam, đã gánh nhận, hy sinh, chịu đựng, bao dung trong mọi hoàn cảnh. Nhà thơ Nobel Ba Lan, Szymborska cũng từng ca tụng người mẹ Việt nam trong thơ của bà. Theo ông, mẹ Việt Nam chính thực là Nữ Thần Tự Do.

Bài “Hạt kim cương di tản” “Tôn nữ lưu vong”, là hai bài thơ vinh danh người phụ nữ Việt trong hành trình vượt biên.

Chương 8: Thân Phận Phù Trầm.

Hắn đã đến bờ tự do. Bị bỏ rơi. Như một kẻ hợp pháp lưu vong. Ở quê nhà, biết bao nhiêu người trở thành dân quốc cấm. Bị ruồng bỏ, lưu lạc ngay trên chính quê hương của họ.

Ba bài “Kẻ Quốc cấm”, “Khi tôi đến Hoa Kỳ”, “Tâm sự người di tản”, phản ảnh tâm tư người tị nạn trong xã hội mới, hoang mang với kỷ niệm xưa. Ghi nhận một loại lịch sử bên lề, thực tế nhưng không mấy liên quan đến những trang chính sử.

Chương 9: Căn Cước Lưu Vong.

Hắn là người tị nạn chính trị, không rời bỏ quê hương bằng bất kỳ lý do nào khác. Căn cước là tị nạn chính trị, xem đó như lương tri của người lưu xứ. Và hắn tiếp tục ước mơ ngày trở về dựng lại nước Nam.

“Uẩn tình kẻ xa xứ” là tâm tình chủ yếu trong phần này. “em đâu biết. tôi bây giờ, hầu như cây kiểng / bỏ phế trong nhà cùng mấy năm qua / tôi sống, cảm giác, ngọn dáo đâm trước ngực.” “Lá Cờ Việt Nam” cũng là bài thơ nên đọc, với những câu thơ chuyển tứ tài tình: “mai tôi về như cơn sóng dữ / tóc dưới biển mọc linh hồn người / trồng cội hoa cho thơm dòng nước / nước một dòng lịch sử luân lưu.../ mai biết chừng nào mai biết đâu / làng xóm khuất giữa lũ lau sậy / giết con rắn lấy lại hạt châu / nắm mộ mòn không mang tên tuổi”.

Chương 10: Trong Vòng Phong Tỏa.

Hình như, hắn ở với, nhưng hắn không ở trong cuộc đời, hắn ở đâu đó, ở chung quanh, ở trên, ở ngoài, để nhìn ngắm chính hắn đang sống tận tuyệt trong những điều bất ý liên can.” Đoạn văn bộc lộ tâm sự của một người chán chường, lơ mơ trong đời sống tha hương. Không đạt được ước mơ trở về dựng nước, lại phải đối phó với những xâu xé tranh giành của đồng hương, những người chung cảnh ngộ nhưng khác ý đồ.

Bài “Mẫu đối thoại ở Hoa Thịnh Đốn”, “Ra phố”, “Tuổi con chim quyên” tô đậm căn cước thơ Cao Đông Khánh. Dường như không gặp chút khó khăn nào, khi ông xử lý việc tái dụng ca dao vào thơ hiện đại. Chim Quyên ăn trái nhãn lồng (cá quen nước chậu, vợ chồng quen hơi,) bổng dưng trở thành tuổi con chim Quyên.

Chương 11: Nguyện Ước Trùng Khơi.

Nguyện ước của ông là nguyên bản, là cái bản sắc tinh khôi trong hồn vía dân tộc. Khát vọng tìm về nguyên bản để tìm lại những gì đã mất và để giữ vững hồn vía bản thân trong xã hội và văn hóa khác biệt và quyến rũ. “Trở về với tiếng nói, với ngôn ngữ, với nguồn cội để thấy lại hồn vía của mình, thấy lại sự lận đận của quê hương trong giai đoạn thâu nhận Dương lịch, bị mặt trời đeo đuổi, chấp nhận ảnh hưởng văn hóa Tây Phương; thấy lại xương máu của tiền nhân đã đổ ra cho hồn thiêng của đất nước đó; thấy lại những người vượt biên vượt biển mưu tìm tự do đã chết ở dọc đường; thấy lại hai mùa mưa nắng rõ như gương. là thấy lại cái nguyên bản Việt Nam.”

Vẫn những câu thơ giăng lưới theo kiểu lạ thường. Khi đọc quen sẽ nhiễm chất mê hoặc. “mùa hè nắng hạn nứt hơi thở / xa lộ về nam theo tiếng sương / có mặt trăng

xám, mặt trời tím / có mặt tôi ngồi cửa hải đăng / lốc đêm xóa sạch dấu trời đất / hết thảy vô cùng nhập cảnh em / chim sa hun hút trong mê sảng / ở cuối con đường sét sáng trưng / cánh tay với gọi ngoài vô vọng

/ ngớ ngẩn vời trông lối thủy trầm” (20).

Bài “Michelle” là bài thơ tình biểu lộ sự cảm động một cách trí thức. Một trong những thơ tình hay nhất của Cao Đông Khánh. Không nên bỏ qua, tìm nơi trang 192. Bài “Lời tỏ tình với người đàn bà thoáng gặp”, tuy lời lẽ không ngọc ngà bằng “Michelle” nhưng lối thơ xuôi với những hơi thơ dài, liên tục, nối nhau, cho thấy sức thôi thúc của thơ tràn ăm ắp, chen lấn trào ra văn bản. Không phải ai cũng có khả năng này.

Chương 12: Định Liệu Của Lương Tri.

Hắn, người di tản, tìm hiểu và nhận định về sự lập quốc của Hoa Kỳ. Họ cũng có những mơ hồ cần thiết để trải qua những tàn nhẫn khốc liệt, thành lập quốc gia. Họ cũng là những người di tản, di dân, vượt biên, vượt biển... “Tuy nhiên nhờ cái sự mơ hồ đó, hắn hồi phục được trọn vẹn xuân sắc cho sự mơ hồ bình tâm của quê hương hắn mà  cái biểu tượng rõ ràng nhứt là tình yêu, tiếng nói, và tấm lòng rộng mở một cách trọn vẹn, tinh khiết, thuần hậu như lúc thâu nhận mơ hồ.”

Bài “Di tản America” có hơi hám thơ Ginsberg nhưng đầy dẫy những ý nghĩ giả dụ. Giả dụ America phải di tản như cuộc di tản cuối tháng 4 năm 1975 ở Việt Nam. Di tản America không cấp bách, không có lý do chính đáng, nhưng có mỉa mai, có ngụ ý xâm lược, có tưởng tượng tái lập lịch sử. Một giả dụ hư cấu với ý nghĩa “những hoài nghi cũng giống như những mơ hồ / những kẻ uống nước sông Hassayampa / quên hết nói thật / quên hết mơ hồ quên sạch hoài nghi” (trang 209).

Chương 13: Thế Giới Láng Giềng.

Hắn nói, sự liên hệ giữa người và người là chừng mực, tương đối, tạm bợ giữa hai thế giới. “Sự liên hệ giữa người với người, có khi được giải thích như, thông qua một người thứ ba vô hình, người vô hình đó là người tình lý tưởng mà cả hai bên đều cảm nhận, người vô hình đó là sự mơ hồ thật sự giữa những thế giới người biệt lập.” Ông trở thành một lý thuyết gia. Xây dựng một lập luận vô cùng lý tưởng và lạ lẫm. Sự liên hệ giữa hai người là cùng yêu mến một người thứ ba, nhân vật đó tượng trưng cho sự mơ hồ có thật, để nối kết những thế giới biệt lập của mỗi người. Lập luận tưởng tượng này không có cơ sở luận lý nhưng biểu lộ tấm lòng và năng lực sáng tạo.

“Xứ ái tình”, “Đêm xuống núi thăm người tình cũ”, “ Để tưởng nhớ một mùi hương”,

“Người có trái tim mặt trời”, “Người thợ tiện ái tình”, ... là những bài thơ tình đạt được tình ái. Tên tình nhân khắc vào chữ trong mỗi bài, dễ dàng, nhẹ nhàng, như trí nhớ từ vô thức, có sao viết vậy. Khả năng này, người yêu thơ đã từng chứng kiến nơi Bùi Giáng.

“Tháng 13” tình thơ huyền ảo trong những thơ tình họ Cao. Lời lẽ lúc thực lúc mộng, “em đến. Đúng ngọ. Phi trường chưa hết lạnh / dưới dáng cờ hư ảo ngó mênh mông / miếng đất không quen. Gặp người chưa biết

/ lỡ gặp nhau. Tình cờ. Không hiểu ra sao?”

(245) Chỉ ngần ấy mở đầu, không hiểu ra sao?, khiến cho người đọc vội vàng muốn đọc cho hết bài thơ dài, xem thử ra sao.

Chương 14: Tiểu Tiết Niêm Phong.

Hắn tinh tế nhận ra: đời sống mỗi lúc mỗi kiểu. Người đời thường vô thức hóa: đời sống là nhất quán, dù thăng trầm trước sau vẫn nằm trong định mệnh. Sartre phản đối, tuyên bố, con người tự tạo ra sinh mệnh cho bản thân. Con người hiện sinh đó mới quan tâm từng chi tiết, từng thời điểm, từng giai đoạn sống. Mới quyết định với ý thức sinh tồn. Con người đó mới hiểu rõ “chi tiết của đời sống mỗi lúc mỗi kiểu. mỗi người mỗi cách, mỗi nơi mỗi cảnh. Mở ra hết mọi ràng buộc để cho con người tận hưởng cả phần trí tuệ lẫn phần thân xác.” Và đời sống

của hắn đồng dạng với Alexis Zorba the Greek.

Bài “Julia Vinograd và người đàn ông dính líu" cho người đọc cảm tưởng đang đọc thơ của phong trào Tân Kỳ Dị (New Weird Fiction). Thực tế lịch sử, thực tại, tưởng tượng, kỳ quái, quyện vào nhau, không có khe hở. Những ai nghiên cứu về tính mới lạ trong thơ Việt nên đọc bài này ở trang 253.

Chương 15: Điệu Bộ Mơ Hồ.

Mở đầu bằng “mơ hồ”. Chấm dứt bằng “mơ hồ”. Ông thực sự muốn nói về “mơ hồ”. “Ngôn từ, hồn vía của mơ hồ. Tình yêu, hình bóng của mơ hồ. Hạnh phúc, chất men của mơ hồ. Chúng ở với con người nhưng con người lại đi tìm ở ngoài ngàn dặm.” Hắn đã tìm thấy. Đã nhìn ra. “từ cánh đồng Tương trong mơ hồ, hắn nhìn thấy huyền thoại của tương lai, những cánh đồng ngoài vô tận của những dân tộc đi khai thác vũ trụ, cánh đồng Trầm Thủy ở miệt đồng bằng sông Cửu Long và Âu Cơ, Lạc Long Quân , hắn thấy...”

Hắn nói giùm tâm sự của ông. Cuối cùng hắn tìm thấy nỗi mơ hồ, như một lẽ sống còn. Kế truyền huyền thoại Âu Cơ Lạc Long Quân. Đi xa hơn, hắn dự phóng dân Việt và những dân tộc đi tìm đất sống mới, nơi những cánh đồng vô tận ngoài địa cầu sẽ cưu mang. Cao Đông Khánh quả thật đã đi

ra ngoài giới hạn của văn học Việt lúc đương thời. Ông tìm đến khuynh hướng khoa học viễn tưởng (đã thịnh hành tại Hoa Kỳ và Âu Châu từ 1960 đến nay. Vào cuối thế kỷ 20, Hoa Kỳ, Nga và Nhật đã hợp tác xây dựng thử nghiệm thành phố ngoài không gian. Nơi họ thử trồng trọt và chăn nuôi gia súc, với hy vọng sẽ tạo ra những miền “đất hứa” cho nhân loại tương lai.)

Bài thơ then chốt trong phần này là “Cánh đồng Trầm Thủy” nhưng bài “Một đêm một đời từ một thế kỷ” cho người đọc những tư duy sau gần hai mươi năm định cư hải ngoại. Trong khi “Cách đồng Trầm Thủy” mở ra một ước mơ, “Một đêm một đời từ một thế kỷ” trở thành lời an ủi cho một niên kỷ sắp qua.

Sau khi đọc 15 chương thơ, bây giờ là lúc phải tìm đến kết luận: Nỗi mơ hồ của Cao Đông Khánh là gì? Mơ hồ là cảm giác được nhưng không rõ. Không thể giải thích rành mạch nhưng cảm nhận sự hiện diện của nó.

Không thể chối cãi người thi sĩ này đã có khát vọng ngay từ khi chứng kiến Cộng Sản chiếm miền Nam. Cũng như một số người yêu nước đầy nhiệt huyết, ông mang giấc mơ lật đổ nhà cầm quyền Hà Nội, trở  về xây dựng lại quê hương mới, tốt đẹp hơn, lý tưởng hơn, hoặc ít nhất là như miền nam trước tháng 4 năm 1975. Câu chuyện này không phải của một người, không phải của

nhiều người Việt, mà chuyện của thế giới. Ông là người có ý thức chính trị rõ rệt, có khả năng thấu triệt tinh thần, ý nguyện và việc làm của cộng đồng người Việt lưu vong, di dân và di trú. Giấc mơ kéo dài nhạt nhòa, hy vọng mỏi mòn, vô vọng. Còn chăng là những âm ỉ thỉnh thoảng sôi sục qua chữ nghĩa.

Ông sớm nghĩ đến một câu trả lời khác, triết lý hơn, lý tưởng hơn: Đồng Nguyên Hoá Việt Nam. Tuy nhiên, Đồng Nguyên hóa là việc không thể thực hiện với cá tính dân  tộc: 50 con lên núi, 50 con xuống biển. Tìm về nguyên bản là việc của một người, không phải cho đám đông. Sự thất bại của nhà tư tưởng Kim Định là bằng chứng để suy gẫm. Ông dư biết những điều này nhưng không thể xóa bỏ niềm khát vọng. Ông nghĩ đến một nơi xa xôi trong ảo ảnh: cánh đồng Trầm Thủy, nghĩ đến một miền đất hứa cho dân tộc ở ngoài không gian... Có lý tưởng, khát vọng, không thể thực hiện, sẽ trở thành vết thương trong tâm tư, âm thầm trong đời sống. Cưu mang nỗi niềm đó tạo ra cảm giác, cảm tưởng mơ hồ. Vì vậy, thơ của ông vào tận sâu xa là niềm khát vọng trở thành nỗi mơ hồ, lơ mơ đi qua cuộc sống.


* * *

“Tôi bắt ghế ngồi ngay cửa sống chết người đến người đi khắc dấu lưu danh thành vết xâm mình cực kỳ lập thể một miếng da hùm để lại u linh” [1]

Tôi chọn bốn câu thơ này để mở đầu bài viết, bây giờ xin trở lại để kết thúc. Khác với niềm tự hào của Mai Thảo, khi ông viết: “Ta thấy hình ta những miếu đền...” Cao Đông Khánh hiện đại hơn, giang hồ hơn, “một miếng da hùm để lại u linh.” Một miếng da cọp, danh tánh thiên thu, cho vào chốn tối tăm, nơi thần linh bị quên lãng. Ông chỉ muốn làm nhân chứng, bắt ghế ngồi trước cửa tử sinh. Nhìn ngắm những kẻ đang nỗ lực khắc tên vào thiên cổ. Một cách chơi không giống ý nghĩa chơi của Derrida (Free play, Jacques Derrida), không giống lối chơi ngộ nghĩnh của Bùi Giáng, là một kiểu chơi bất cần thiên hạ. Không chỉ chơi như vậy với thơ. Ông thể hiện ngay cá tính này trong cuộc sống: bất cần đời.

Như đã trình bày, dòng thơ năm mươi năm hải ngoại bao gồm ba cấp hạng nhà thơ: 1- Những nhà thơ đại diện dòng thơ hải ngoại. 2- Những nhà thơ hiện diện và đóng góp làm phong phú cho thơ hải ngoại. 3- Những người làm thơ tuy hiện diện mà vắng mặt, nhưng họ có một số bài thơ, câu thơ, trang điểm cho dòng thơ hải ngoại thêm màu sắc. Cao Đông Khánh là một trong vài nhà thơ đại diện.


Ngu Yên.



Ghi: Trích trong Lửa Đốt Ngoài Giới Hạn.
  1. Một Quốc Gia Một Cuộc Đời. Trang 15.

  2. Lời Tỏ Tình Với Người Đàn Bà Thoáng gặp. Trang 196.

  3. Thế Giới Tư Tình. Trang 55.

  4. Mẫu Đối Thoại ở Hoa Thịnh Đốn. Trang 165.

  5. Lời Tỏ Tình Với Người Đàn Bà Thoáng gặp. Trang 197.

6 &8- Một Quốc Gia Một Cuộc Đời. Trang 17 &18. 7- Uẩn Tình Kẻ Xa Xứ. Trang 139.

9- Lý Con Trăm Hương. Trang 11. 10- Tôn Nữ Lưu Vong. Trang 113. 11- Tháng 13. Trang 246.

12- Uẩn Tình Kẻ Xa Xứ. Trang 139. 13- Tôn Nữ Lưu Vong. Trang 111. 14&15- Tôn Nữ Lưu Vong. Trang 112.

16- Căn Cước Lưu Vong. Trang 133. 17- Jazz. Trang 262.

  1. Đàn Ông Của Bertha. Trang 259. Ghi: Bertha là tên nữ, gốc Đức. Tuy nhiên, phát âm gần giống như “bê tha”. Ngụ ý đào hoa thừa thãi.

  2. Bài Lý Ngựa Ô, dân ca Nam bộ, nguyên tác có phần khác với kiểu tái dụng của Cao Đông Khánh. Ví dụ, nguyên bản là “cán roi anh bịt đồng thòa”, ông viết “cán roi anh bịt đồng xòa”.

  3. Mùa Hè Ở Gaveston. Trang186.


*********

Một số bài thơ của thi sĩ Cao Đông Khánh

Sài Gòn rồng bay phượng múa


tặng Nguyễn Lập Đông

Sàigòn Chợ Lớn mưa như chớp
nát cả trùng dương một khắc thôi
chim én bay ngang về Xóm Chiếu
nước ròng ngọt át giọng hàng rong
hỡi ơi con bạn hàng xuôi ngược
trái cây quốc cấm dấu trong lòng
hỏi thăm cho biết đường ra biển
nước lớn khi nào tới cửa sông


Sàigòn Khánh Hội gió trai lơ
khi ấy còn tơ gái núi về
đào kép cải lương say tứ chiến
Ngã Tư Quốc Tế đứng xàng xê
gánh nước nặng hơn vác thánh giá
má đỏ hình như rượu mới nồng
em nhớ giăng mùng khi xế bóng
kéo đời đưa võng suốt hôn mê
Chương Dương sánh ánh trăng vàng võ
rọi thấu vào trong dạ não nùng
con cá lội qua Cầu Ông Lãnh
như chiếc ghe bầu khẩm héo hon
nước chia mấy ngả sao không thấy
mấy ngả phong trào thuở thiếu niên
Sài Gòn Gia Định em vô trước
qua ngõ Cầu Bông mới tủi thân
chiếc xe đò cũ hơn chùa miễu
chở hết vàng son tới ủ ê
đêm đêm rực tiếng côn trùng dậy
trống trải hồn ta đến thấu trời
xa lộ phía bên gà gáy tối
về lối Hàng Sanh có tiếng cười
anh lén ghé qua nhà kẽo kẹt
thấy tiếng cười trong một giấc mê

Sài Gòn Phú Nhuận nhớ không nổi
có ngã nào qua Khám Chí Hoà
hỏi thăm quên mất tên thằng bạn
như lá trên rừng đang chuyển mưa
trận mây đồng phục nặng như thép
ửng chút đời xưa rạng chỗ ngồi
những người cách mặt gần như nhớ
những mặt trời xây xẩm trở về
Sài Gòn Chợ Lớn nhớ không tới
con gái Bàn Cờ qua Thủ Thiêm
chiếc phà chở hết tên thành phố
mỗi ngã tư trời đất mỗi nơi
nhớ thương cũng mỏi cánh cao vút
đáp xuống Cầu Ba Cẳng xả hơi
mọc thêm một cánh chân thời thế
con thú về Lục Tỉnh mất tiêu
nửa đêm em đổ mồ hôi trộm
như nụ cười che chở thịt da


Sài Gòn bước cho rõ tiếng guốc
nắng vàng vàng trên đá nứt mê tơi
như một mùa hoa nở cấp tốc
đưa đường tại hạ ghé qua chơi
hỏi thăm con bạn thời sinh tử
đã lánh mình qua miệt Chánh Hưng
cầu Chữ Y yêu kiều ba ngã
có ngã lui về đế dưỡng quân
nồi lẩu lươn chua đêm nuốt khói
ta với mình nhứt dạ đế vương


Sài Gòn Chợ Lớn dưới mặt đất
ngõ hẽm đời sau rối địa hình
tiếng nói cất lên, ngoài tiếng nói
của đàn ông nói chuyện với rồng
tiếng hát cất lên, ngoài tiếng hát
để về khuya phượng múa chung quanh


Lý Con Trăm Hương


chiều chủ nhật đón em ra phố
áo lụa vàng lọc nắng hoàng lan
chạm hơi thở chợt ngưng hơi thở
em thẹn thùng muốn rụng ngón tay

cắt tròn lẵn múi măng trắng nõn
con bạn hàng quên ẻo lả rao
cánh hoa phượng ép khô năm ngoái
đậm màu da không phải chỗ này


gió nhiệt đới tươm mồ hôi mật
tiếng đạn xa bay thấu lâu đời
mưa óng ả từng sợi diệp lục
guốc mù sương son đỏ gót chân


nói khe khẽ ngực đầy như núi
trắng mù mây lật vạt áo dài
tay đế che một tay đế dấu
nước đầy sông gần bước lên bờ


bên thành phố bên nhà quê đó
đó ngoại ô đó thương cảng mà
phía nào cũng có anh ở đó
ở phía nào em cũng ngó theo


thời con gái có miếng ăn vụng
có lông măng trên ngọc cánh tay
ngó đến đâu em thẹn đến đó
ngó chỗ nào em cũng làm ngơ


đêm bày tỏ tấm lòng buổi sáng
hoa mười giờ tươi nụ cười riêng
nắng mùa mưa Bàn Cờ Tân Định
lý em ngồi theo kiểu đời xưa


mưa mùa nắng đời tư tràn trụa
tình ái em có nhận hột xoàn
tiếng cười nước mắt óng ánh hết
lý em ngồi theo kiểu đong đưa


nắng mùa lạnh hỏi thăm quê quán
xa rất gần nhưng gần rất xa
-dêm tuyệt kỹ dưới đáy trí nhớ
lý trăm hương đi đứng dậy thì


con trăm hương cánh tay tròn lẳn
sửa soạn bàn tay đế cho anh
con nhỏ cười mát như nước suối
con nhỏ buồn mây nặng gần mưa


sáng hỏi thăm trăm hương buổi tối
mỗi ngày gần như rượu lâu năm
khi nhớ lại con nhỏ hoảng hốt
đã thành ra tình ái mặn nồng


lý trăm hương nghe còn sung sướng
không hồi xưa mà có đời xưa
con trăm hương hồi xưa con gái
hồi bây giờ con gái như xưa


Trên nóc Saigon


để anh hát cho em ngủ quên
lời êm ái như cỏ xanh mướt
mây và hoa trên nóc thành phố
nơi đóng rêu nơi anh hoang vu
chẳng ai ngờ anh hôn ngón tay
nơi anh kể chuyện buồn cổ tích
chẳng ai ngờ anh hôn mái tóc
một ngọn cây còn một gia tài
chẳng ai ngờ anh hôn đôi môi
con đường rong thành phố phế thải
chợt cơn nắng tiếp trận mưa mù
lá me rơi trong tách cà phê
chẳng ai ngờ anh chưa chết đói
bụi cỏ may mọc nửa lưng trời
một cụm mưa làm phong cảnh đẹp
mặt trời xanh mọc trên gò má
nơi mấy năm bụi phủ lặng thinh
chẳng ai ngờ anh hôn mắt khép
người dưới đất cờ bay phất phới
chẳng ai ngờ hai đứa tự tình
cờ trổ hoa trên nóc cao ốc
chẳng ai ngờ anh còn đủ sức
để anh hát cho em ngủ quên
lời êm ái nhỏ như sợi chỉ
chẳng ai ngờ em chết lạnh băng


Uẩn Tình Kẻ Xa Xứ 


tôi một bữa ngồi yên như bàn ghế
nắng rọi trong đầu những trắng bao la
còn đôi mắt tôi ở nhà bè Gia Định
ở ngã Tư Bảy Hiền ly nước mía, má, môi 


em đạp xe mini trời gió mềm trong áo
thành phố bập bềnh trôi giữa nắng mênh mông
sợi tóc chẻ hai gần đường xích đạo
vạt áo sau lưng khép hở Saigon 


tôi một bữa đợi em mòn con mắt
từ Suối Máu em về xanh như lá cây
những kẻ đã sống chết cho Độc Lập Tự Do bị xử tội phản quốc
anh bỏ đi rồi em ở với ai  


phần hoa cúc dại nở trên ngọn gió
buổi chiều dưới thung lũng héo hon
tôi kể tôi đã chết mấy mươi  năm về trước
bây giờ là thằng bù nhìn tơi tả thê lương


em hãy kể tôi như trái cây lột vỏ
để qua đêm ngày hôi gió thịt xương tôi
như gái tỉnh lẻ thất thân nơi thị trấn
lỡ một lần lỡ thêm nữa chẳng sao 


em hãy kể tôi đã tới hồi mạt vận
tuyết phủ đầy đóng đá tay chân
hồn hải điểu bay ngày đêm qua biển
bay mãi có ngày rụng cánh bơ vơ  


em rớt thăm thẳm xuống vực sâu thời cuộc
sương Saigon thấm lạnh áo mồ hôi
mưa lất phất ngoài ngã năm ngã bảy
gió lọt vào em từ ngã bảy ngã ba  


em ở cư xá Thanh Đa em ở chung cư Minh Mạng
em ở khắp đất trời trong thế giới tôi
em ở với Việt Nam ở với ly cà phê đá
ở với chỗ em ngồi ấm uyên ủy tôi 


tôi ngủ mấy ngày đêm vẫn chưa mộng mị
thử tưởng tượng một ngày cho đỡ thê lương
em với nắng với Saigon với tôi tập họp
nắng trên Saigon, Saigon trên nắng lô nhô 


em đâu biết, tôi bây giờ, hầu như cây kiểng
bỏ phế trong nhà cũng mấy năm qua
tôi sống, cảm giác, ngọn dáo đâm trước ngực


Trăng Trong Vịnh Frisco


Hắn đã đến. Đã ở. Đã đi
Trống thêm một chỗ trống
 
Này đây: phần đất của loài người cách nhau một đại dương
Hết sức San Jose
Biển dâu biếc ở đó
Ngoài Half Moon Way động vọng nước tù túng
Váng vánh tới đời sống
Chiều trổ mây âm dương
Khuya ngạc môi son
                                những mặt trời đàn bà
Em phù dung mở cửa. Để đẻ
Cho sướng chỗ em buồn
 
Con mắt không nhớ hết
Thế kỷ của huynh đệ tương tàn
Nhân Vật Chính Trị Máy
Không có chỗ nào trên thế gian này không có bất bình
Chỉ mỗi mình anh biết yêu em
Còn hơn một hồi một lúc
Hoa nở những tâm trí sông dài
Không có chỗ nào ở San Jose không có em trong quyền lực
                                                                                của anh
 
Từ mọi nơi có mặt em, anh khởi hành
Khỏi San Francisco qua cầu Golden Gate
Một kín cổng mở ra
Hạt kim cương lóng lánh thành phố nước
Cho đến khi tất cả lên đèn
Cho tới khi: Em yêu anh
Có những người sống với nhau một đời chưa từng thổ lộ
Chưa từng nghe con cháu của họ nói với nhau
                                                  lời tâm huyết hơn hết ấy
Anh Yêu Em. Của thời đại này
 
Hãy tập nói: Yêu
Mọi người: Hãy tập nói
Mọi người thành tiểu thuyết
Mỗi ngày tháng năm mỗi thời sự chung chạ
Để dành cho

               những hơi thở nồng nàn của cuộc người sấp ngửa
Để dành hết cho một điều lỡ sót quên
Mọi người! Hãy tập nói!
Nói như tập thể thao
Tập nói, lớn lên: Em yêu anh
Trong vùng vịnh Frisco
                           mọc thêm một nhánh trời cẩm thạch
 
Khi về San Jose nửa vời
Đất động đời thập cẩm
Ngôi nhà anh chưa hề ghé qua
                           gọn gàng sạch sẽ từng chi tiết tình tứ
Một chút xíu quỳnh hoa
Cuộc người cuộc tình
Cuộc tình cuộc đời
Thị tứ cũ những con đường thô sơ
Bỏ quên những hương lộ trí nhớ
Nụ xuân tâm mà mượt
Thịnh hình kín mặt trời
Em sẽ đưa anh đến Côte d’Azur
Ảo tưởng lộng lẫy nhạc cổ điển Âu Châu của Sausalitos
Như em đưa anh về Montery không thèm ghé Stanford
17 dặm sơn khê ngó xuống biển trường kỳ
Quên hết mọi thành phố sum họp của quốc gia
Nơi anh sẽ hôn em bằng một hạnh phúc vô danh
 
Em sẽ đưa anh đến Berkeley
                             qua ngã State University at Hayward
Qua những thời kỳ lý thuyết lộng hành
Cánh hồng xâm ở dạ dưới của nàng trổ gai
Cơn động tình rướm máu
Tiếng nói trí tuệ rằng
Tình yêu, một thành phố tốt tươi trong trí nhớ sa mạc
Vậy mà Gayle Ann Mohrbacker đã mê đắm
                                                  thằng đàn ông Việt Nam
Vậy mà nay quán rượu Steppenwolf
                               vẫn thâu tiền vào cửa lúc 9 giờ đêm
Khúc ca nồng trên cửa miệng đỏ hòm
Blues da mù mịt đen
Chúng mình yêu nhau bằng hạnh phúc
                                                            của chuyện buồn
 
Đắm đuối mỗi trùng vây hãi hùng
Những thần tượng chiến tranh xuất thế  
Gắn bảo quốc huân chương cho kẻ giết người
Liên Hiệp Quốc trò chơi vô cùng của lãnh chúa địa cầu
Quyền thuộc địa mặt trời không chờ ngày Chúa Nhật
Cắt xé tấm thịnh tình
Mọi người bị áp đặt vào luận điệu của mặc cảm giai cấp
Cộng Sản
Con cái hiếu đễ của Satan diễn tấn tuồng Tân Ước
Trò chơi tín ngưỡng trí trá trù yểm
Chẳng thà em khuôn viên hư thực
                                                      Make Love Not War
Hoa cúc dại nở trong kẹt háng thơm mùi mặt trời mọc
University of California at Berkeley
                                                       Trong quán Café Mediteranium
Đứa con gái của ba mươi năm về trước Christina
Dạy tôi hôn bằng môi, bằng lưỡi, bằng răng
Ngậy mùi vị đàn bà trong quần áo mùa đông
Bởi tôi không phải
                             thằng Mỹ gốc Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa
I love you – thuần chất Việt Nam
Trả hết ân oán cho bọn mê đồ tình tự
Anh Yêu Em. Vẫn chưa chết
                            Theo ký giả Christina năm 79 ở Cambochia
Nàng biết – nàng nói – Như mê
Đêm nay em sẽ ăn thịt anh. Quyết liệt
 
Khi về San Jose. về Oakland
Gian phòng trơ trẽn của một motel tồi tàn
Trận đấu football chiều Chủ nhật hào hứng lạ lùng
Mặc dầu hai đứa mình
                 chẳng thèm chứng kiến sự hỗn mang của sức lực                                    
Em mở màn cửa sổ
Những cánh trăng trong vịnh Frisco bay vào
Chúng mình sẽ làm lễ hôn phối bí mật
Thề thốt hứa hẹn
                           những điều chẳng bao giờ trở thành sự thật
Anh cung kính biết bao nhiệt tình
                           thờ phụng thần tượng Em
Người đàn bà lãng mạn cuối cùng của thế kỷ
Khi về San José. Nói thiệt
Ở phía bắc Sacramento trở tuyết về mùa đông
Cầu Bay dài đến đứt hơi
                                         phải xây đảo Treasure tiếp sức
Nói cho em biết con đường châu báu của đời sống tới đâu
                                         anh xúc động tới đó
… Em hứa yêu anh tuyệt thế một mùa hạ
Em sẽ đưa anh đi ngược hướng mặt trời lặn
Nhân loại chói chang ngoài bãi biển hoa tím
… Bắt đầu San José
Trăng nửa vầng vàng y
Ngoài Half Moon Bay
Bây giờ San José
Từng chút mỗi da thịt mỹ vị
Nói thiệt


Cao Đông Khánh
2000