Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2023

Võ Thị Hảo: “Bài ca” chống tham nhũng: Chỉ là mị dân nếu không cải cách thể chế triệt để

* Sự băng hoại chưa từng có của các quan chức:

Đảng Công Sản Việt Nam (ĐCSVN) rầm rộ làm lễ kỷ niệm 93 năm ngày thành lập, đồng thời cũng là đánh dấu gần một thế kỷ toàn trị tại Việt Nam. 

Sự băng hoại của vô số đảng viên, đặc biệt là các đảng viên quan chức nắm giữ quyền lực lớn và dùng quyền lực đó để cấu kết thành những tổ chức tội phạm trộm cướp của nhân dân, đất nước, đáng buồn thay, đã tỉ lệ thuận theo số tuổi của hệ thống đảng trị. Số tài sản mà chúng trộm cướp được mỗi vụ ngày càng táo tợn và tàn nhẫn với trị giá mỗi vụ hàng triệu USD, chưa kể những thiệt hại không thể tính đếm về các mặt an ninh kinh tế, quốc phòng, cơ hội phát triển và an sinh xã hội.

Những con số thống kê chứng minh điều này. Tại phiên chất vấn của Quốc hội chiều 4.11.2022, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà công bố, chỉ trong khoảng 18 tháng (từ năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2022, đã phải xử lý kỷ luật 56 cán bộ cao cấp thuộc diện Bộ chính trị, Ban Bí thư quản lý. Đồng thời, cũng đã phải xử lý kỷ luật hơn 20.300 cán bộ, công chức, viên chức, chiếm khoảng 1% tổng số cán bộ, công chức, viên chức- và , “đây cũng là con số lớn nhất từ trước đến nay” (theo  https://thanhnien.vn/can-bo-bi-ky-luat-2-nam-qua-nhieu-nhat-tu-truoc-toi-nay-1851517940.htm).

Một nền kinh tế bị phá hoại từ bên trong do vô số quan chức-đảng viên chỉ giỏi nghề trộm cướp và mua quan bán chức, chỉ để ngồi đó rình cơ hội trộm cướp của nhân dân đã thực sự rung chuyển, liên tục phát tín hiệu cấp cứu dù chúng có được tô vẽ và che đậy bởi hệ thống tuyên truyền tô hồng rầm rộ.

Chính thực trạng này đã khiến cho những người đứng đầu bộ máy quyền lực tăng thêm tần số kêu gọi và chỉ đạo chống tham nhũng, tiêu cực, làm trong sạch bộ máy. Thực sự, họ không thể không lo lắng khi thấy dưới tay mình là nhung nhúc những lũ “ma quỷ đội lốt người”.

Vấn đề là, họ sẽ chỉ là mị dân, nếu mấy chục năm nay chỉ kêu gọi mà không đả động đến biện pháp cơ bản nhất, ai cũng biết, để có thể chống được tham nhũng và làm trong sạch bộ máy.

* Thêm rất nhiều phát ngôn và kế hoạch chống tham nhũng, tiêu cực: 

Trước sinh nhật ĐCSVN một ngày, ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa cho xuất bản cuốn sách mang tên  “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”. Cuốn sách dày hơn 600 trang được truyền thông ca tụng hết lời và tuyên truyền rầm rộ này, được coi là cuốn cẩm nang chỉ đạo chống tham nhũng và tiêu cực... liệu có cứu vãn được sự rữa nát về nhân cách và năng lực của vô số đảng viên có chức quyền? 

Cuốn sách về phòng chống tham nhũng,tiêu cực của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.


Thực chất, nội dung cuốn sách không có gì mới. Đây hầu hết là tuyển lại những bài phát biểu mang nội dung chống tham nhũng tiêu cực của ông Trọng kể từ khoảng năm 2013 trở lại đây. Thật đáng tiếc cho một người ở tầm quyền lực như ông có thể xoay chuyển cả chất lượng chính trị và thực sự cải cách thể chế nhưng trong cả cuốn sách cũng chỉ là những lời lên án, dạy dỗ và kêu gọi về đạo đức mà lâu nay ông vẫn đề cập tới trong các cuộc đăng đàn chỉ đạo và diễn thuyết mà thôi. 

Ông đã kêu gọi chống tham nhũng từ nhiều năm nay, đã “đốt lò”. Chắc chắn ông không thể không nhận ra rằng càng kêu gọi, càng chỉ đạo, tỉ lệ đảng viên tham nhũng tiêu cực tại Việt Nam càng tăng ở mức chưa từng có!

Về phía Chính phủ, cuối năm 2022, Việt Nam cũng đã công bố một Chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng đến năm 2030, nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách, xây dựng văn hoá liêm chính; phòng ngừa tham nhũng trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước. Ông Phó Thủ tướng Lê Minh Khái được cử làm Trưởng ban Chỉ đạo chiến lược. Nội dung là sẽ hoàn thiện thể chế, chính sách kinh tế-xã hội và phòng chống tham nhũng, tuyên truyền đường lối chủ trương, chính sách..., xây dựng văn hóa liên chính, phòng ngừa tham nhũng trong khu vực trong và ngoài nhà nước...Ban này sẽ hoàn thiện văn bản, trình Chính phủ trước ngày 31.3.2023.

Trong những ngày cuối 2022 và đầu năm 2023 này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã đề cập đến vấn đề cải cách thể chế. Nhưng thật sự chỉ là một “bài ca cải lương” hài khi ông định nghĩa cải cách thể chế theo kiểu của ông, là :

Chiều 05/11/2022, trả lời chất vấn của đại biểu Ma Thị Thúy (Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang) về những quan điểm chính và trụ cột trong cải cách thể chế, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho  biết, các trụ cột trong cải cách thể chế là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; và xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa...

 https://tcnn.vn/news/detail/56268/Thu-tuong-Pham-Minh-Chinh-Cai-cach-the-che-can-lay-nguoi-dan-lam-trung-tam-chu-the.html

* Chỉ là mị dân nếu không triệt để cải cách thể chế:

“Bài ca” phòng chống tiêu cực tham nhũng và cải cách thể chế ở Việt Nam, được phát đi phát lại và còn tăng thêm âm lượng đúng dịp người dân Việt Nam đã quá đau lòng, quá bức xúc vì sự trộm cướp, sự tàn hại dân và đất nước của vô số đảng viên quan chức trong đảng cấu kết với những tổ chức tội phạm trong và ngoài chính thể. 

“Bài ca” đó, với âm lượng lớn hơn này, có thể tạm thời tạo hy vọng cho một số người ngây thơ nhưng ai rồi cũng sẽ nhận ra, sẽ chỉ là mỵ dân thôi, khi dàn trống kèn đó qua đi, thể chế độc tài toàn trị vẫn đương nhiên nuôi dưỡng đặc quyền đặc lợi cho một số người đứng trên đỉnh chuỗi phân phối. Chỉ vì chính thể chế ấy triệt tiêu sự minh bạch và sự giám sát.

Mỵ dân là vì: Cốt lõi của việc chống tham nhũng tiêu cực chính là cải cách thể chế từ độc tài toàn trị sang thể chế tam quyền phân lập để thể chế tam quyền phân lập tự nó đã cài cắm cơ chế hoạt động độc lập của ba cơ quan lập pháp, tư pháp và hành pháp, từ đó mới có dân chủ và tự do ngôn luận để thực sự giám sát, minh bạch hóa hoạt động của hệ thống quyền lực, để không ai được phép đứng trên pháp luật, thì ông Tổng Bí thư và tổ chức đảng cũng như hệ thống cầm quyền Việt Nam hoàn toàn né tránh. 

Đã gần một thế kỷ nay, đảng Cộng sản và hệ thống cầm quyền nợ người dân Việt Nam điều đó. Đáng tiếc là họ không bao giờ có ý định trả nợ vì những người có quyền lực cao nhất chỉ  nghĩ đến lợi ích cá nhân của mình phải gắn chặt với sự tồn tại của hệ thống cầm quyền toàn trị. Khi đó, tất cả những người dám nói những lời trái ý họ, đều bị trừng phạt theo kiểu trả thù tàn nhẫn và bất chấp pháp luật.

Một minh chứng rõ ràng mới nhất – ngày 2.2.2023 - về việc nhà cầm quyền Việt Nam đối xử thế nào đối với những người đã hồn nhiên tin vào lời kêu gọi người dân góp ý xây dựng đảng và chính quyền và đã nói hoặc viết ra những ý kiến chính trực. 

Nhà trí thức Nguyễn Sơn Lộ một người già yếu, đã 74 tuổi, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển vừa bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an bắt tạm giam sau khoảng sáu tháng có quyết định Khởi tố về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự.”

Ông Nguyễn Sơn Lộ hoàn toàn vô tội. Ông chỉ là người hồn nhiên có nhiều kiến nghị xây dựng đảng cộng sản. Ông bị đày đọa ở tuổi 74, phải chăng chỉ vì năm 2015, do tin tưởng rằng đảng luôn lắng nghe dân như đảng đã luôn công bố vậy, ông đã từng ký tên vào một bức thư ngỏ cùng 126 trí thức nổi tiếng, cũng được xếp vào hàng những “khai quốc công thần” của chế độ này như thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Giáo sư Hoàng Tụy, Giáo sư Chu Hảo... Bức thư đầy tâm huyết đó gửi thẳng cho  Bộ chính trị Đảng CSVN, đề nghị đổi tên Đảng, đổi tên nước, không lệ thuộc Trung quốc....

Người dân chỉ đề nghị, chỉ góp ý cho đảng thôi mà cũng bị tù đày, vậy thì chỉ triệt tiêu hết giống người chính trực ư? Lẽ nào chỉ còn bọn “ma quỷ đội lốt người” rộn ràng cất lên những lời nịnh hót ở đầu lưỡi trong khi tay của chúng tiếp tục vươn dài vơ vét, tham nhũng, tiếp tục cấu kết làm ruỗng nát đất nước này?

V.T.H



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét