Thứ Ba, 28 tháng 2, 2023

Đọc lại thơ Dương Tường

Nhà thơ, dịch giả Dương Tường.

Nhà thơ, dịch giả, nhà phê bình nghệ thuật Dương Tường vừa rời cõi tạm ngày 24/2/2023, thọ 91 tuổi. Mấy ngày qua, trên các tờ báo, mạng xã hội facebook tràn ngập bài viết của bạn bè văn nghệ sĩ Việt Nam bày tỏ lòng thương tiếc ông –một tài năng, một nhân cách, người đã chọn im lặng và tận hiến cho cái Đẹp trong văn học nghệ thuật để đi qua những năm tháng khó khăn, giông bão nhất của văn nghệ sĩ ở miền Bắc giai đoạn 1945-1975 và cả sau này, với giới văn nghệ, trí thức nói chung.

Một đời sống với chữ, miệt mài say sưa với chữ (theo cách nói của ông là "ăn nằm với con chữ suốt 60 năm cuộc đời"), đến mức được gọi là “ngữ nhân” hay “kẻ chữ” (từ của nhà phê bình văn học Đặng Tiến, và ông Đặng Tiến giải thích:


“…Tôi gọi anh là ngữ nhân, hay kẻ chữ, người sống với ngôn ngữ, thao tác trên ngôn ngữ, lấy ngôn ngữ làm lương thực trần gian. « Ngữ nhân » rộng nghĩa, và trầm trọng hơn từ « phu chữ » mà bạn anh, Lê Đạt đã dùng.

Phu, dù là đại phu, trượng phu hay phu phen vẫn còn giới hạn nghiệp vụ hay giai cấp.

Nhân là người. Ngữ nhân là người sống bằng ngôn ngữ, xem ngôn ngữ là lẽ sống. Ngôn là lời nói cá nhân, là parole, ngữ là tiếng nói cộng đồng, là langue, của nhiều dân tộc.

Người dịch thuật sống lắc lư giữa lời và tiếng: cuộc đời Dương Tường là con tàu say lắc lư triền miên trên đại dương ngôn ngữ không bờ không bến”…


(trích trong bài “Dương Tường Kẻ chữ”, nhà phê bình văn học Đặng Tiến viết năm 2009, nhân dịp đại sứ quán Pháp ở Hà Nội tổ chức một buổi lễ trao tặng huân chương Nghệ Thuật và Văn Học, Officier des Arts et Lettres cho nhà thơ, dịch giả Dương Tường vào ngày 16.1.2009).

Tài năng của Dương Tường thể hiện trong nhiều lĩnh vực, “gia tài” đồ sộ nhất và được nhiều người biết đến nhất là mảng dịch thuật, 
với trên 50 tác phẩm giá trị thuộc nhiều nền văn học khác nhau, chưa kể việc chuyển ngữ Truyện Kiều sang tiếng Anh;  nhưng Thơ mới là nơi bộc lộ rõ nhất cốt lõi con người ông với một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, sự tài hoa lẫn tinh thần trẻ trung, hiện đại, luôn tìm tòi, cách tân bất chấp tuổi tác.

Nhà thơ Hoàng Hưng nhận xét:

“…Kiến văn của Dương Tường trải rộng nhiều bộ môn nghệ thuật, từ âm nhạc, kịch, điện ảnh, đến mỹ thuật, đặc biệt là hội hoạ. Ngoài dịch thuật, ông đã góp phần thúc đẩy sự cách tân, hiện đại hoá trong các ngành nghệ thuật Việt Nam qua những bình luận súc tích, trí tuệ, nhất là những bài giới thiệu những hoạ sĩ trẻ như nhóm 5 người (Gang of Five) ở Hà Nội (Đặng Xuân Hoà, Trần Lương, Hồng Việt Dũng, Hà Trí Hiếu, Phạm Quang Vinh). Nhiều người ngoài giới nghệ thuật gần đây mới biết đến những tạp văn phong phú của Dương Tường qua cuốn Chỉ tại con chích choè.

Một điều cốt lõi mà ông luôn nhấn mạnh trong nghiệp dịch thuật: dịch giả phải là “đồng tác giả”. Vì dịch hay không chỉ nhờ giỏi tiếng bản gốc, mà phải nhờ giỏi tiếng bản đích. Tức phải giỏi tiếng Việt! Tức dịch giả tiếng Việt phải là nhà văn, nhà thơ Việt! Phải làm CHỮ VIỆT!

Trả lời các cuộc phỏng vấn, Dương Tường luôn khẳng định cái nghiệp của đời ông là nghiệp CHỮ. Nói thế, là nhất quán với việc ông tự coi cốt cách của mình là người làm THƠ. Giống như các bạn ông đã nói: “Làm thơ là làm tiếng Việt” (Trần Dần), “(mình là) Phu Chữ” (Lê Đạt).

Dương Tường từng tuyên bố: (Thơ nằm ở) “Ngôi vị tối thượng”.

Bạn đọc chưa biết nhiều về Thơ Dương Tường, ngoài mấy bài phổ biến nhờ Phú Quang phổ nhạc (Tình khúc 24, Serenade). Thơ ông là sự tìm tòi, cách tân táo bạo trong thập niên 1960 ở miền Bắc, với thi pháp ÂM BỒI.

“Nói cách khác, ở thơ các bạn đó là mặt chữ nhìn “thẳng” còn tôi là ở mặt chữ nhìn “nghiêng”. Tôi nghĩ sức gợi của thơ mình nằm ở mặt chênh đó, nó nảy lên một cái gì giống như âm bồi (son harmonique) trong âm nhạc vậy. Tôi muốn đi theo một thi pháp âm bồi nếu có thể gọi thế. Và nếu như những câu thơ tôi có một nghĩa nào đó thì là do các âm chữ hắt ánh lên thành một thứ cầu vồng trên mặt chữ mà thôi.” (trả lời tạp chí Sông Hương).

(trích trong bài “Nhà thơ – dịch giả – nhà văn hoá Dương Tường như tôi biết”, Hoàng Hưng)

Tiễn biệt Dương Tường, Diễn Đàn Thế Kỷ xin giới thiệu với bạn đọc một số bài thơ của ông. 

*******

Serenade 1

những ngón tay mưa
dương cầm trên mái

những ngón tay mưa
kéo dài tai quái
một nỗi nhớ siêu hình
nhạc nhoè đường xanh
đêm lập thể

những ngón tay mưa
truồi theo phố lạnh
màu nâu cảm tính
đường parabole tư duy
điệp khúc u hoài
những chuyến tàu đi

những ngón tay mưa
trời sao bạc
tím mộng Scheherazade
đêm ngàn-lẻ-hai

ngã tư
cột dèn
ô kính
những ngón tay mưa
xập xoè kỉ niệm

em
mười chín
mưa
bụi sao

ngả nghiêng trời nào
một chớp mi
thăm thẳm

*

đừng hát nữa em
những ngón tay mưa
những ngón tay mưa...


1963


Bella

Tặng những ai sống làm vợ khắp người ta


em

chấm nhỏ

đường khuya

chợ ái ân

loang lổ

đèn đường

mù đêm


em đi

môi mọng

đùi mọng

vú ấm


Tình khúc 24

24 phím cầm chiều
24 nhành sương mím
24 tiếng ve sầu đại lộ tháng tư

Gửi lại em
cầu thang 24 bậc
tờ thư 24 gác mưa
làn menuet 24 âm xưa

Gửi lại em
mùi hoa sữa 24 miền hoài niệm
ga khuya 24 lần đưa đón
bài huê tình 24 lối sân sau

Gửi lại em
doi sông 24 nhịp cầu
tình khúc bãi ngô 24
sương dâng 24 nẻo đi về

Nhâm nhâm 24 hàng đèn
mênh mênh 24 ngã tư mắt

Gửi lại em
chiêm bao 24 chợt hiện tan
cung đàn 24 lần đứt nối
vũng im đêm 24 mạy sao chìm

Gửi lại em
24 phố dài thơm
24 xêrênađ
24 vibratô
24 khung trời tím
24 lối công viên
24 vầng trăng goá

Gửi lại em
gửi lại em tất cả
kể cả con âm đầu trót thụ mầm thơ

Riêng đêm em xoà bóng nốt ruồi
24 quầng

anh giữ


1967

Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc thành bài hát cùng tên.


Sans titre

à côté de moi
ta place vide
place où jamais tu ne viens t’allonger
place où chaque nuit je te couche
place où je te monopolise
place à laquelle aucune autre n’a droit
place où une autre est
place jamais tienne
place toujours tienne
place que chaque nuit j’étreins
vide


1967

Không đề

bên cạnh anh
chỗ em nằm trống không
chỗ em không bao giờ nằm
chỗ hằng đêm anh đặt em nằm
chỗ anh độc quyền em
chỗ không ai đàn bà khác nằm
chỗ một người đàn bà khác nằm
chỗ không bao giờ em
chỗ bao giờ cũng em
chỗ đêm nào anh cũng ghì
trống không

                                                                                          bản dịch của tác giả

                                                                                                                  1967



Để ghi trên mộ chí sau này

Tôi đứng về phe nước mắt


1968


Chợt thu 2


Chiều se sẽ hương
Vườn se sẽ sương
Đường se sẽ quạnh
Trời se sẽ lạnh
Người se sẽ buồn


1969


Serenade 3

Chờ em đường dương cầm xanh
dạy thì nõn dương cầm phố

Chờ em đường dương cầm sương
chúm chím nụ dương cầm biếc

Chờ em đường dương cầm xiêm
vằng vặc ngực dương cầm trinh

Chờ em đường dương cầm khuya
ôi cái im đêm thơm mọng

Chờ em đường dương cầm trăng
ứa nhuỵ lạch dương cầm xuân

Chờ em đường dương cầm mưa
giọt giọt lá buồn dạ khúc
xào xạc lòng tay khuya

anh về lối dương cầm lạnh


1973

Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc thành bài hát Dương cầm lạnh.


Wagner 


ở đây tất cả đều tủn mủn

chỉ riêng khổ đau là hoành tráng


thôi chào tovaritsh Thế Kỷ

giờ lũ hồng rồi

tôi chẳng còn thì giờ dặn dò cái chậu giặt


kìa con chim xứ rét đã về

ngậm một nhành IM hóa thạch


tôi đi


America


I call you Miss Diagonal, babe

*

I met you, Miss Diagonal
in Broadway
the only artery which runs diagonal
in the whole grid-like Manhattan
and I realize
you’re Broadway so mesmerisingly long

*

I look at America
through
your perversely di tenderness
your vulnerably    a    gynecology
your frustratingly     g      sensuality
your waywardly            o      friendliness
your hopelessly                n        dynamism
your puzzlingly                     al         pussy

*

I met you, diagonal girl
in diagonal Broadway
and I realize
you’re America


8/11/1995
New York City

A-mê-ri-cơ


bé em à, tôi gọi em là Nàng Chéo

*

tôi đã gặp em, Nàng Chéo
ở Broadway
con đường duy nhất chạy xiên chéo
trong cả khu Manhattan ngang dọc bàn cờ
và tôi chợt hiểu
em là Broadway
dài đến lạc hồn

*

tôi nhìn nước Mĩ
qua mềm mại em phi lí   chéo
qua phụ khoa em hơ hớ      chéo
qua nhục dục em ngao ngán   chéo
qua thân tình em ngạo ngược      chéo
qua  năng  động  em  vô  vọng          chéo
qua   nụ   bè   he   em   bối   rối              chéo

*

tôi đã gặp em, kiều nữ chéo
ở đường chéo Broadway
và tôi chợt hiểu
em là a-mơ-ri-cơ


New York City 8/11/1995

Bản dịch của tác giả.



 Mea culpa (chương 7)

Ðâu phải tại tôi
a----------------z

tôi đâu chọn

Rì rào
mái đầu thương
ngày r
         ụ
         n
         g

dòng đau
trôi một mùa xác ve sầu

Thật tình
mea culpa

tôi ngoan cố
thuỷ chung
             cùng
             án sống
jữa nhân jan Golgotha nhật
trình zài    ai cũng bận lâm
chung

để

chí tuyến buồn
tôi bắc cầu sang bằng một thở
zài


nơi aleph vi ti vũ trụ ai từng xuống
tận cùng vực lòng mình
somewhere thung bóng chết
mùi vắng trắng lục địa

bờ mộng úa rã cơn say chữ
còn đọng
cặn thơ hoang loang chiều hoàng lan
somewhere một mùa xác ve sầu
để

hai vai thương khó

(sao chẳng thấy alpha đầu của
không lễ apocalypse?)

MEA CULPA
tôi mang tội trọng
thương khó

MEA CULPA
tôi mang trọng tội
đơl côi

MEA CULPA
tôi mang trọng tội
thuỷ chung cùng án sống

Đành vậy
sa mù sẹo tư zuy vô ngã lạc
tâm linh con mắt tuệ đâu
cũng địa zư người
                   mùi
                   vắng trắng

[Tiếng máu từ zưới đất kêu thấu đến ta]

Thôi
lạy mẹ
kiếp phù sinh

mea culpa
tôi đã đánh hỏng đời mình

mea culpa
ai vỗ về hòn đá khóc

mea culpa
lặn mặt trời rồi
tôi về
m ư ư a a



Nguồn: Dương Tường, Mea culpa và những bài thơ khác, NXB Hải Phòng, 2005