Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2023
Nhất Linh: Giòng sông Thanh Thủy
CHƯƠNG MƯỜI SÁU
Thỉnh thoảng Ngọc cũng rẽ qua nhà Hoạt để gặp Phương. Buổi đến lần đầu tiên, cách ngày về Mông Tự năm hôm, chàng đương nói chuyện với Phương và Hoạt thì Phương khác hẳn mọi lần đi sang phòng bên. Lúc mới đến, nhìn Phương sau gần một tháng Ngọc nhận thấy trong hai mắt nàng một thoáng mừng vui nhưng vụt tắt ngay. Ngọc ngồi rốn lại nói chuyện với Hoạt về việc Ninh dặn cần phải gặp Thanh luôn: khi nói đến chuyện ấy chàng nói lớn tiếng cốt để Phương nghe rõ. Một lát sau Phương lại ra phòng khách; Ngọc thấy mắt Phương hơi đỏ như vừa mới khóc xong nhưng nét mặt Phương đã tươi hẳn lên. Nàng rót nước thêm vào chén Ngọc:
“Anh xơi thêm cho nóng. Năm nay ở Mông Tự rét đặc biệt hơn mọi năm. Cái áo len của anh đã cũ thế kia mà anh không thấy rét à.”
Ngọc biết là Phương nhắc đến chiếc áo nàng đan xong và ngầm bảo chàng đến chơi luôn để nàng có dịp biếu áo. Hoạt không biết gì về chuyện giữa em gái mình với Ngọc nhưng nếu Khuê vợ chàng có nhà thì nàng chắc hiểu, tuy Phương đan áo trong phòng riêng hay trong lúc Hoạt và Khuê đi vắng nhưng cùng bọn phụ nữ với nhau Phương tránh sao khỏi để lộ cho Khuê biết là mình đan áo len đàn ông. Phương cũng đã nghĩ đến chỗ Ngọc đem len lại nhờ nàng đan, nhưng Ngọc nghèo ai cũng biết, lấy tiền đâu mua len, còn nói hẳn ra với Khuê là muốn biếu Ngọc chiếc áo len thì nàng ngượng không dám nói.
Thấy Ngọc sắp về, Phương ra đứng ở cổng ngoài đợi. Khi Ngọc đi ra, Phương nói:
“Hôm nào anh lại lấy áo, em đã đan xong từ lâu rồi. Đợi anh mãi không thấy về.”
“Vâng, để sáng mai chín giờ.”
Cả hai người đều biết rằng buổi sáng Hoạt vào trông coi công việc thầu ở sân bay Mỹ còn Khuê nếu không đi chợ thì cũng theo đi phụ giúp chồng.
Dưới ánh nắng, Ngọc nhận thấy nước da Phương rất tươi mịn; hai con mắt nàng trong sáng và chàng không thể không tự thú rằng Phương đẹp hơn Thanh.
Sáng hôm sau, Ngọc đến thì Phương đã ra ngồi đợi chàng, cầm sẵn một gói tròn bọc giấy. Chàng nhận lấy gói rồi đặt cạnh người mình:
“Cảm ơn cô.”
Phương bảo người nhà pha nước chè rồi hỏi về việc chàng đi vắng, Ngọc đáp:
“Tôi có việc riêng, với lại cô không nên hỏi về những việc ấy. Cô cũng đã thừa biết rằng...”
Phương ngắt lời:
“Anh làm việc gì, đi đâu cũng không ai hay. Cả những người quen thuộc, ngay cả anh Hoạt, chị Hoạt em cũng không rõ nữa.”
Phương nói rất nhiều về đời sống của nàng và tình hình ở Mông Tự trong khi Ngọc đi vắng. Ngọc chỉ yên lặng ngồi nghe. Uống xong chén nước, Ngọc đứng lên từ kiếu:
“Thôi chào cô và cám ơn cô. Tôi bận phải đi đằng này.”
Lúc tiễn Ngọc ra cổng, đi qua khu vườn nhỏ, Phương nói giọng hờn trách:
“Em biết anh về từ sáu bẩy hôm nay.”
Ngọc đáp:
“Ấy tại mới về cứ bận tíu tít hết công kia lại đến việc nọ. Thành thử cứ phải bận áo len cũ mãi. Kể cũng hơi lạnh.”
Từ biệt Phương rồi Ngọc đi về phía hàng cà-phê Thanh. Qua một quán nước chè vắng, Ngọc rẽ vào lấy thuốc lá hút rồi nhìn theo làn khói suy nghĩ về việc Phương và Thanh.
Linh cảm báo cho chàng biết nếu chàng yêu Thanh chàng sẽ khổ nhưng chàng không thể tự mình dối mình rằng không yêu Thanh. Tuy chưa dám chắc hẳn là Thanh yêu lại mình nhưng tình yêu đó quyến rũ chàng như sức lôi cuốn của một guồng máy; rất có thể chàng sẽ bị nghiến nát nhừ nhưng chàng không sao tránh khỏi và cũng không muốn tránh.
Còn Phương? Chàng chắc Phương yêu chàng rồi nhưng ngồi nhìn Phương chàng chỉ thấy Phương đẹp và chỉ có thế thôi. Chàng đau khổ nghĩ đến sự thất vọng của Phương một ngày không xa. Chàng sẽ yên lặng không bao giờ tỏ ý với Phương nhưng trong tâm hồn chàng vẫn bứt rứt rằng đó là một sự yên lặng đánh lừa Phương. Còn nói hẳn ra? Chàng đã có đủ lý lẽ để nói với Phương vì công việc cách mệnh chàng không thể nghĩ tới những chuyện yêu đương, nhưng nói làm sao được khi Phương chưa ngỏ lời yêu chàng mà chắc Phương cũng không bao giờ ngỏ lòng mình ra cho chàng biết. Ngọc đứng dậy:
“Tốt hơn hết là xa dần Phương ra.”
Lúc lên trên gác nhà Thanh, Ngọc cố ý làm ra bộ giấu diếm cái gói áo len. Chàng nghĩ nếu mở hẳn gói ra đưa cho Thanh xem chiếc áo và nói thẳng đấy là áo của Phương thì Thanh biết rõ chàng không yêu gì Phương và chàng không dò được tình ý Thanh đối với mình ra sao. Lúc ngồi ở quán nước chè, Ngọc đã bóp mạnh cái gói cho giấy bọc rách để lộ hẳn một mảng áo.
Nói chuyện với Thanh một lúc, chàng lấy cớ xuống gác để tự pha một cốc cà-phê. Khi lên, chàng thấy Thanh ngồi tựa vào thành cửa sổ, mắt nhìn ra vườn; chàng hỏi mấy câu Thanh cũng không đáp lại rồi Thanh đứng lên nói:
“Xin lỗi anh hôm nay tôi nhức đầu quá, trong người khó chịu sợ bị bệnh cúm mất... đợi tôi khỏi anh hãy lại vì bệnh cúm hay lây lắm.”
Ngọc nói giọng đùa:
“Tôi cũng muốn bị cúm, như thế đỡ phải đi họp.”
Thanh không đáp; nàng cau mày rồi ra nằm ở giường quay mặt vào vách. Ngọc vui sướng trong lòng nhưng ngồi lâu lắm vẫn không thấy Thanh nhúc nhích, chàng đứng dậy nói:
“Thôi tôi đi về đây.”
Thanh quay mặt lại lấy tay bóp trán, lạnh lùng đáp:
“Anh về.”
Ra đến ngoài cửa hiệu, Ngọc vừa sung sướng lại vừa tức Thanh. Chàng cất tiếng hát:
“Ăn cháo hoa, hay là... là ăn súp.”
Chàng biết mình đã làm Thanh khổ nhưng chàng vẫn cứ hát và hát thật to như có điều gì vui sướng lắm để cho Thanh khổ hơn và báo thù Thanh.
Khi Ngọc đã đi lâu rồi, Thanh vùng đứng dậy. Thấy cái gói của Ngọc vẫn để ghế, nàng vội chạy đến mở gói giơ ra cửa sổ coi. Quả nhiên đúng như nàng đoán, đó là một cái áo len còn mới nguyên chưa mặc lần nào.
“Đích thị là áo của Phương tặng Ngọc.”
Mặt tái lại, hai má mất hẳn sắc hồng. Thanh quăng mạnh chiếc áo qua cửa sổ. Bỗng chợt nghĩ ra điều gì Thanh lại xuống gác chạy vội ra vườn nhặt áo, đem lên gói lại cẩn thận và đặt vào chỗ cũ. Nàng vừa nghĩ ra là nếu Ngọc yêu Phương thì không bao giờ lại bỏ quên chiếc áo của người yêu mới tặng.
“Hay là Ngọc hát vui vẻ và chỉ nghĩ đến tình yêu của Phương thôi nên quên áo.”
Những ý nghĩ trái ngược nhau luẩn quẩn trong óc, Thanh không thể biết rõ đâu là sự thực.
*
Sau đó ít lâu, Ngọc nhận được lệnh của Hải ngoại Bộ phải lên ngay Côn Minh. Ninh có kèm thêm bức thư báo cho Ngọc biết là quân Nhật đã chiếm Liễu Châu, sắp tiến tới Độc Sơn, bóc lấy đường sắt, làm thiết lộ Liễu Châu – Nam Kinh mong nối liền con đường từ Mãn Châu tới Thái Lan để tiếp tế cho Đông Nam Á vì đường thủy bị Mỹ chặn. Một số anh em Việt Quốc và có thể một số anh em quân nhân Phục Quốc sẽ sang Côn Minh.
Ngọc bảo cho Thanh biết là chàng sẽ phải đi Côn Minh.
Cùng lúc đó Quân, người đứng đầu Việt Minh ở Vân Nam phái người xuống báo cho Thanh biết là Tứ và Nghệ từ khi về nước không thấy tăm tích đâu nữa. Thanh nói với đặc phái viên rằng nàng sẽ lên Côn Minh, cửa hàng ở đây tạm giao cho bà Su bên hàng xóm trông nom giúp vì nàng cần phải theo sát hành động của Ngọc. Đặc phái viên tán thành việc đó và dặn khi lên Côn Minh phải liên lạc chặt chẽ với Ngọc để xem vì cớ gì tự nhiên Ngọc lên Côn Minh và sẽ làm những gì trên đó.
Thanh nghĩ thầm, đôi mắt như cười:
“Ừ thì mình sẽ liên lạc với Ngọc, liên lạc thật chặt chẽ nữa là khác.”
Thế là tự nhiên Việt Quốc bảo Ngọc phải liên lạc chặt chẽ với Thanh còn Việt Minh thì ra lệnh bắt Thanh cũng phải liên lạc chặt chẽ với Ngọc.
Khi đặc phái viên đi khỏi, Thanh gục mặt xuống bàn để giấu một nụ cười:
“Bà Su mà pha thì có ma uống nổi. Còn Nghệ và Tứ? Bây giờ chỉ là hai bộ xương khô.”
Nàng lại nghĩ đến những lời Ngọc nói về Tứ và thương hại cho Tứ.
“Còn mình nữa chưa biết chừng mình không chết vì Việt Cộng thì cũng chết vì Việt Quốc.”
Trước khi đi, ngày nào Ngọc cũng lại nhà Thanh, có khi đến hai ba lần. Thanh hỏi:
“Anh đã đến từ biệt cô Phương chưa?”
“Đến rồi.”
“Cô ấy có buồn lắm không?”
“Buồn gì, đây với Côn Minh đi như cơm bữa, thỉnh thoảng tôi lại quay về Mông Tự. Có anh em làm Xếp tanh [1] đi lại có bao giờ mất tiền.”
“Thế bao giờ anh đi?”
“Ngày mai.”
Thanh chạy sang bên hàng xóm độ nửa giờ rồi trở về:
“Xong cả rồi.”
“Xong cái gì chị Thanh?”
“Mai tôi cùng đi với anh.”
Thanh nhìn Ngọc dò xét. Tuy trong lòng mừng lắm nhưng Ngọc cũng nhìn lại Thanh tỏ vẻ ngạc nhiên.
“Chị cùng đi với tôi. E không tiện.”
Thanh rất vui sướng khi nghe Ngọc nói “e không tiện” nhưng nàng làm như hiểu theo một nghĩa khác.
“Vì công việc có gì mà không tiện. Tôi đã nhận lời vào chi bộ mà anh làm chi bộ trưởng hôm nọ rồi; tuy anh chưa chính thức giới thiệu tôi với các anh em khác vì anh còn để tôi trong thời kỳ... thời kỳ gì nhỉ? À, thời kỳ thử thách. Cùng đi là một cơ hội rất tốt để anh thử thách tôi, tha hồ mà thử. Bây giờ tôi lại xuống pha một cốc cà-phê thật ngon. Ngay mai, bà Su pha thì có ma uống nổi.”
“À, thế ra lúc nãy chị sang bà Su để nhờ bà ta trông nom dùm cửa hàng cho chị. Chị chưa được chi bộ trưởng chấp thuận mà chị đã tự ý rời bỏ đi. Chị làm việc vô kỷ luật như vậy, tôi e thời kỳ thử thách của chị sẽ bị kéo dài thêm.”
“Cái đó tùy anh. Càng kéo dài thử thách càng hay.”
Một lúc sau Thanh đem một cốc cà-phê phin lên, vẻ mặt hớn hở:
“Mời anh xơi, kẻo ngày mai đến lượt bà...”
Ngọc cười tiếp theo:
“Bà Su pha thì có ma uống nổi.”
Thanh cũng bật cười theo:
“Thành thử tự nhiên tôi đặt ra một câu cách ngôn mới. À, này anh Ngọc, tôi còn nhớ hơn hai tháng trước anh có hứa sẽ đưa tôi theo khi anh đi công tác ở biên giới. Về biên giới vắng vẻ đi một mình với anh còn không tiện cho anh và nhất là cho tôi gấp mấy lần đi Côn Minh. Không về biên giới được thì ta đi công tác ở Côn Minh vậy. Khí hậu tốt hơn. Tôi cũng cần lên đấy nghỉ ngơi vì sau khi ốm thương hàn nặng, thần kinh suy nhược; hiện giờ tôi cũng chưa lại người hẳn. Vả lại tội gì anh phải đi boóng tầu hoả, lẩn lút khổ sở. Tôi sẽ lấy hai vé hạng ba ngồi thoải mái hơn. Anh nghĩ sao?”
Ngọc gật đầu:
“Chị thì bao giờ cũng có lý. Vậy ngày mai chị sửa soạn cho kịp chuyến từ Cơ Cầu về Pi-Tsi-Chai đón xe đi Khai Viễn. Ở Pi-Tsi-Chai có hàng bán phở chua ngon lắm.”
“Anh thì lúc nào cũng chỉ nghĩ đến ăn phở. Hết phở cừu đến phở chua. Anh có biết ở Pi-Tsi-Chai có thứ gì ăn đặc biệt không? Có một thứ chắc anh chưa nếm qua: con rận, chấy rận ấy mà. Pi-Tsi-Chai chữ Nho có hai nghĩa một là trại Bích Sắc tức là hòn ngọc sắc đỏ thắm, hai là chấy rận vì ở đấy nhiều chấy rận lắm. Anh tha hồ ăn.”
[1]Chef de train: Xa trưởng
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét