Thứ Ba, 28 tháng 2, 2023

Nguyễn Xuân Diện: Thăm đền Quan Thánh núi An Hoạch (núi Nhồi)

THANH HÓA VẪN CHƯA KHẮC PHỤC VIỆC TÔ VẼ TÙY TIỆN PHÙ ĐIÊU ĐÁ VÀ THƠ VĂN HÁN NÔM TRÊN ĐÁ DI TÍCH CẤP QUỐC GIA ĐỀN QUAN THÁNH NÚI AN HOẠCH (NÚI NHỒI)

Tác giả bài viết,Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện (bên phải)


Thanh Hóa là một địa phương có nhiều danh thắng, nhiều hang động rất đẹp. Nào động Diệu Sơn, động Long Quang, động Bạch Á, động Hồ Công, nào động Từ Thức, nào động Kim Sơn, nào động Lục Vân, động Tiên Sơn,.. rồi còn các núi tuy không có hang động nhưng cũng là những danh thắng tự nhiên rất đẹp như núi Chích Trợ, núi Vân Lỗi, núi Chiếu Bạch, núi Thần Phù, núi Bàn A, núi Tặng Sơn... Mỗi nơi một vẻ đẹp.


Xứ Thanh lại là chốn thang mộc của các vua Lê chúa Trịnh. Vì thế, nơi đây vẫn là chốn đi về của lịch đại đế và vương Đại Việt. Dấu chân của hoàng đế và nhà chúa đã bị rêu phong lại, gió cuốn đi, như lẽ vô thường vẫn vậy. Nhưng thi văn của các bậc đế vương (cùng các danh sĩ) vẫn còn để lại trên những vách đá dưới dạng bia ma nhai ở những vách đá hang động hoặc cheo leo nơi sơn thủy hữu tình.


Hai nhà Hán Nôm học Võ Hồng Phi và Hương Nao Trần Quốc Chấn đã chẳng quản công leo núi, vạch cây rẽ lối phủi bụi tìm đến những bài thơ của vua chúa xưa còn lưu trên vách đá. Dụng công đã nhiều, tích lũy đã lâu. Hai ông sắp xếp tất cả lại để soạn ra cuốn sách rất quý “Những bút tích Hán – Nôm hiện còn ở các hang động vách núi Xứ Thanh (chép nguyên bản, phiên âm, dịch và chú thích)”, NXB Thanh Hóa ấn hành năm 2018, dày 300 trang, khổ 16x24cm. 

 

Sớm nay, tôi đến thăm núi An Hoạch, dân gian gọi là núi Nhồi để tìm hiểu về địa thế và đá núi ở nơi này. Nhẽ cũng nên thưa cùng chư vị, Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện lưu trữ bản rập thác bản của gần 6 vạn văn bia của cả nước. Bia đá từ miền Bắc và miền Trung chủ yếu được làm từ hai nguồn đá của hai ngọn núi là núi Kính Chủ (Kinh Môn, Hải Dương) và núi An Hoạch (tức núi Nhồi) ở Thanh Hóa. Cụm di tích nghệ thuật và danh thắng Núi An Hoạch đã được Bộ Văn hóa Thông tin Du lịch công nhận là di tích quốc gia từ năm 1992. 

Ghé thăm đền Quan Thánh, là nơi mà cách đây 3-4 tháng đã làm nổi sóng dư luận báo chí và mạng xã hội, khiến cho bà Phó chủ tịch Thành Phố Thanh Hóa (nơi có phường An Hoạch, cũng là nơi có đền Quan Thánh) để kiểm tra. Mấy cán bộ phường phải kiểm điểm. Người trông đền là người chủ trương thuê thợ tô vẽ bị buộc phải trả lại nguyên vẹn như cũ. Tra tìm trên báo chí mới biết việc này được thực hiện từ tháng 7 năm 2013, cách nay đã 10 năm.

Tôi rất xúc động khi leo các bậc đá để lên núi chiêm ngưỡng những nét chữ rất đẹp của người xưa: chữ “THẦN”, chữ “Thiên cổ vĩ nhân”, và các bài thơ.

Hiện trạng tô vẽ được báo chí phản ánh từ tháng 11 năm ngoái (2022), đến nay chưa hề được khắc phục để trả lại vẻ ban đầu.

Kính đề nghị các cơ quan hữu quan của tỉnh Thanh Hóa, thành phố Thanh Hóa nghiêm túc chỉ đạo thực hiện buộc những người có liên quan trả lại hiện trạng ban đầu của di tích các bức phù điêu đá và bia ma nhai đề thơ ở Đền Quan Thánh.

Thanh Hóa, 25/2/2023.

Nguyễn Xuân Diện

Tất cả các hình ảnh đều chụp vào ngày 25/2/2023.





Facebook Nguyễn Xuân Diện