Thứ Ba, 28 tháng 2, 2023

Nguyễn Hữu Nghĩa: Một chút kỷ niệm với người già nhất Làng Văn

Học giả Lãng Nhân Phùng Tất Đắc.
Học giả Lãng Nhân Phùng Tất Đắc, chết ở Anh quốc, ngày 29 tháng 2, thọ 100 tuổi.

Hai chữ “Làng Văn” trên tựa bài là báo Làng Văn, nhưng hiểu là làng văn, làng báo cũng được, vì hiểu cách nào thì hiểu, nếu còn sống, năm nay cụ đã 116 tuổi, già nhất ban biên tập. Tên cụ là Phùng Tất Đắc, bút hiệu Lãng Nhân.

Cụ sinh năm 1907, mất năm 2008, thọ 101 tuổi, lớn hơn bà ngoại tôi, lớn hơn cha tôi, và là người lớn tuổi nhất trong văn giới mà tôi biết, đã ra lệnh cho tôi gọi bằng “anh”, xưng “em”. Tôi vốn là đứa không sợ trời sợ đất (chỉ sợ vợ, vợ nào cũng sợ) nhưng ai bảo gọi sao thì cứ gọi vậy. Thế mà trong đời đôi khi cũng dở khóc dở cười vì sự ngoan ngoãn tuân lệnh đó.

Năm đó, tôi được Linh mục Sảng Đình giới thiệu vào phụ việc văn phòng ở Kim Lai Ấn quán và nhà xuất bản Nam Chi Tùng Thư. Việc tôi làm là cuối tuần và buổi tối tới đọc bản vỗ, sửa lỗi rồi đặt lên bàn để cụ Phùng phê duyệt. Việc nhẹ nhàng, hợp tạng, làm việc ngoài giờ, lương khá nên tôi thích lắm.
Cha Sảng Đình nộp đơn giùm và lấy hẹn cho tôi tới trả lời phỏng vấn. Người phỏng vấn tôi và cũng là ông xếp duy nhất của tôi, là cụ Phùng. Cha dặn: giờ giấc cho đúng, ăn mặc cho sạch, nói năng cho đàng hoàng. Năm đó tôi đã được tạm coi là chững chạc và tôi tự tin.

Một phút trước giờ hẹn, tôi gõ cửa văn phòng cụ, và được rầy rà thân mật lần đầu: - Vào thì vào, người nhà cả, khách sáo làm chi!

Tôi vào. Trông thấy một cụ trạc ngoài 60, tôi 18, tôi cung tay chào rất Việt Nam:

- Thưa kính ông ạ!

Cụ nhăn mặt:

- Hử? Chú mầy gọi ta bằng gì?

Chết mồ! Giọng Bắc Kỳ Hà Nội, vậy là mình sai lễ rồi. Ngoài Bắc, ngoài 40 thì đã là cụ, gọi bằng ông cầm bằng hạ giá người ta. Tôi vội vàng chữa cháy:

- Thưa kính cụ ạ!

Ông cụ đột nhiên vỗ bàn cái rầm, mặt ửng đỏ vì giận:

- Chú mầy định trêu ngươi ai đấy? Gọi bằng “anh” nghe chửa? Trong văn giới, tất cả đều là anh em, chỉ có đàn anh, đàn chị với đàn em, không có cô dì cậu mợ chú bác gì sất!

Trời đất! Năm đó tôi đã viết lách lai rai nhưng từ hồi đó và cho tới bây giờ, tôi không hề nghĩ mình thuộc về văn giới hay bất cứ giới nào khác trong văn nghệ. Làm sao dám nhận bừa và gọi bừa! Nhưng một trong mười điều luật Hướng đạo là “vâng lời cha mẹ và huynh trưởng mà không biện bác”, đã tập cho tôi cái thói quen là …ngậm miệng cãi ngầm chứ không biện bác. Tôi “dạ” một tiếng rồi làm thinh luôn.

Ông cụ đưa cho tôi một tờ giấy vỗ từ bản sắp chữ ra, bảo:

- Ngồi đó, cậu lấy bút khoanh những chỗ sai rồi viết chữ đúng ra ngoài lề cho …anh xem.

Lại “dạ”, và im lặng làm theo. Vài phút sau, tôi trình cụ bản sửa với chừng 10 lỗi.

Cụ nhìn thoáng qua tôi, bảo:

- Nhanh thế? Làm cẩn thận chứ hả?

Cụ nhìn sơ qua, cười rất tươi:

- Được lắm! Cả cái lỗi nầy khó lắm mà cậu cũng nhìn thấy. Được!

Tôi nghĩ thầm. Đầu câu thì “được lắm”, cuối câu chỉ còn “được”, vậy là sao?

Bất ngờ cụ hỏi:

- Vợ con gì chưa? Mấy tuổi rồi?

- Dạ chưa. Em… 18.

Cụ trợn mắt:

- 18 mà chưa vợ? Sao …lười thế? Anh cưới vợ năm 17 đấy! Định đi Pháp thì ông cụ lôi anh về Nam Định bắt cưới vợ…

* * *

Câu chuyện phỏng vấn xin việc của tôi bắt đầu như thế. Sau nửa năm làm việc gần gũi thân cận hơn, cụ bảo:

- Chủ Nhật này tới nhà anh chơi, giỗ cụ. Địa chỉ và giờ, anh ghi đây. Nhớ nhé. Một mặt hơn mười gói, đừng mang gì.

Đúng ngày đúng giờ, tôi tới bấm chuông. Một ông tuổi ngoài 40 ra mở cửa. Tôi ngập ngừng:

- Thưa bác, đây có phải là nhà anh Lãng Nhân không ạ.

Ông kia nhắc lại, giọng không mấy nồng nàn, nhưng mở rộng cửa.

- Nhà “anh” Lãng Nhân đây. Mời cậu vào!

Tôi vào. Ông kia lại mời:

- Mời cậu vào trong!

Tôi “cảm ơn bác” và bước lên thềm.

Đúng lúc đó cụ Phùng bước ra, nghe lọt câu “mời cậu” và “cảm ơn bác” liền lên tiếng quở trách ông kia:

- Tao gọi nó bằng cậu mà mầy cũng gọi nó bằng cậu, thế chẳng hóa ra bố con mình bằng vai phải lứa với nhau à? Gọi bằng “chú”, nghe chưa?

Hóa ra người mở cửa cho tôi là con trai cụ Phùng. Ông con trai cúi đầu không cãi, cũng không “chú bác gì sất”, lặng lẽ vào trong. Cụ Phùng trông theo, có lẽ định gọi giật lại bảo xin lỗi, nhưng sực nhớ còn tôi đứng đấy liền bá vai bá cổ lôi vào…

* * *

Tháng 8 năm 1984, tôi xuất bản tờ Làng Văn số 1 tại Canada. Cụ Phùng ở Anh quốc gửi thư chào mừng. Tôi xin bài, cụ gửi. Thế là mối duyên văn nghệ lại tiếp nối. Xưa tôi làm cho cụ, bây giờ cụ viết cho tôi. Xưa, có chữ nào phân vân không biết phải sửa làm sao, tôi hỏi cụ; năm đó khi gửi bài, bao giờ cụ cũng viết thêm “coi lại giùm, anh không còn tinh minh như xưa”.

Tiền điện thoại viễn liên dạo đó đắt quá, cụ và tôi chỉ viết thư cho nhau, nhưng một năm đôi lần, cụ bà gọi sang. Đây là bà hai, bà vợ cụ cưới năm 17 tuổi, đã qua đời trước đó 40 năm. Bà hai rất thân với Nguyên Hương. Câu đầu tiên trên phôn là “Có phải Nguyên Hương, người mà tôi vô cùng yêu dấu đấy không?”

Tôi “chíp” câu đó trong bụng, khi đi công tác xa nhà gọi về, tôi cũng mở đầu: “Có phải Nguyên Hương, người mà tôi vô cùng yêu dấu đấy không?” để nghe Nguyên Hương trả lời: “Thôi đừng có khỉ! Lại vừa gây nên tội lỗi gì nữa rồi phải không?”

Rồi chợt nhớ ra, Nguyên Hương chuyển lời: Cụ bà Lãng Nhân dặn: “Ông cụ bắt đầu quên trước quên sau rất tệ, xin tòa soạn vui lòng đọc bài cẩn thận, đừng đăng bừa, giúp giữ tiếng cho cụ.”

Cụ bà dặn câu ấy khi cụ ông đã ngoài 90, và tôi đã xuất bản cho cụ cuốn Hương Sắc Quê Mình. Trong số bài lai cảo, tôi còn giữ làm kỷ niệm, có hai bài của cụ Phùng và một bài của ông Bình Nguyên Lộc.

* * *

Tác phẩm của Lãng Nhân:

• Trước đèn - 1939

• Chuyện vô lý - 1942

• Chơi chữ - 1960

• Cáo tồn - 1963

• Giai thoại làng nho - 1963

• Hán văn tinh túy - 1965

• Thơ Pháp tuyển dịch - 1968

• Chuyện cà kê - 1968

• Khổng Tử - 1968

• Tư Mã Quang, Vương An Thạch - 1968

• Nguyễn Thái Học - 1969

• Tôn Thất Thuyết - 1969

• Nghiêm Phục - 1970

• Hương sắc quê mình – 1995 (Làng Văn)

• Nhớ nơi kỳ ngộ - 1994