Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

Nguyễn Công Khanh: Đầu Năm Nói Chuyện - Đi Tìm Bản Sắc ( Phần 1)

Có những người bạn, lâu lắm anh không gặp, nhiều người có lẽ từ ngày rời nước ra đi.  Khi gặp nhau, anh và họ thường dùng những giây phút đầu, nhìn nhau từ đầu tới chân, rồi cả hai cùng thốt lên: "Trông vẫn thế, không thay đổi gì cả", nghĩa là Việt Nam vẫn hoàn toàn Việt Nam.

Sự thật, qua nhiều năm trời xa xứ, anh và mọi người cũng không thay đổi là bao. Tuy tóc anh có nhiều sợi bạc thêm, mặt anh có nhiều nếp nhăn hơn, và dù anh có ăn nhiều bánh mì, nhiều thịt cá Mỹ hơn, nhưng cũng chẳng giúp anh giống Mỹ thêm được chút nào.


Ngay cả cách sống, khi bước vào nhà, trong nhiều năm, có thể thấy ngay những bức tranh trên tường, những tấm lịch dù có thay đổi hàng năm, nhưng vẫn là những hình ảnh muôn đời của Việt Nam. Vẫn những hàng thùy dương trên cửa Thuận An, Sa Huỳnh, Đại Lãnh, Nha Trang, Vũng Tàu...Vẫn những đồng lúa xanh của miền Nam với sóng lúa chẩy vờn nhau tới mãi chân trời. Vẫn những con thuyền nhỏ nặng trĩu trái cây, xuôi giòng bình yên giữa hai hàng cây xanh bên bờ kinh lạch đỏ đất phù sa. Vẫn những cồn cát mênh mông, óng ả không dấu chân người. Vẫn những thắng tích: Hòn Phụ Tử Hà Tiên, Lăng Ông, Chợ Bến Thành, Thánh Thất Cao Đài, Tháp Bà, Cầu Đá, Hòn Chồng, Lăng Tự Đúc, Cột cờ Đông Ba, Suối Vàng, Hồ Than Thở, Thác Cam Ly... Còn nữa, còn thêm nữa, những cảnh Tháp Rùa, Hồ Hoàn Kiếm, Chùa Một Cột, cánh buồm trên vịnh Hạ Long...

Vẫn hình ảnh những cụ già tóc trắng như tiên, những bà mẹ hiền lòng bao la như biển cả. Những trẻ thơ ngoan ngoãn, hy vọng tựa măng non. Những thiếu nữ trong sáng bên hoa đào ngày xuân. Những nông dân say sưa đập lúa trong ngày mùa. Những dân chài mình trần bóng nhẫy, kéo lưới buổi bình minh. Những chiến sĩ phong sương, kiêu hùng. Những cô phụ với giọt nước mắt long lanh ướt chiếc thẻ bài.

Tại phòng khách, có thể tìm thấy một vài số báo Việt ngữ, với các tin tức của cộng đồng Việt Nam tại các địa phương, những tin tức từ Việt Nam, từ các nơi khác trên thế giới, những truyện ngắn, những bài thơ... Cũng không khó khăn gì khi muốn tìm một vài cuốn tiểu thuyết tiền chiến hay hiện đại.


Gần đến bửa ăn, tiếng xào nấu trong bếp nghe rào rào. Tiếng giục giã, tiếng chuyện trò như pháo rang, vui tựa ngày giỗ, ngày tết.  Rồi mùi thơm tỏa ra, vẫn cái mùi thơm mà khứu giác anh đã quen thuộc từ thuở ấu thời, hàng ngày, hàng bữa khi tan học về, chờ bữa cơm chiều.


Nếu không ăn ở nhà, đầu óc mọi người thường tự động nghĩ ngay đến các quán ăn Việt Nam hay Tàu. Anh quên hẳn các tiệm ăn Mỹ đầy rẫy hai bên đường, ngày hai buổi đi làm vẫn đập vào mắt anh. Tại các tiệm Việt Nam, vẫn những thực đơn tiếng Việt, vẫn những món ăn như thuở nào. Vẫn những chủ quán tiếp khách như tiếp người nhà và vẫn những câu chuyện ngồi chờ cà phê nhỏ giọt ngày xưa.


Những diễn biến và cách sống hàng ngày đó tiếp diễn liên tục không ngừng đã giúp anh và mọi người vẫn sống với cách sống Việt Nam. Các câu chuyện tình tự vẫn Việt Nam, các nhu cầu vẫn Việt Nam, ý nghĩ vẫn Việt Nam. Con người toàn diện của anh và đồng bào anh với thể xác vẫn Việt Nam, đầu óc vẫn Việt Nam và nhất là trái tim vẫn hoàn toàn Việt Nam.


Đi ngoài đường hay trong đám đông, nhiều người có thể nhận ra anh là người Việt Nam. Nhất là cái họ của anh vừa khó viết lại vừa khó đọc, nhưng họ biết ngay nó là của Việt Nam và chỉ Việt Nam mới có.


Anh nghĩ rằng, cho dù anh và đồng bào anh có sống ở đây đến trăm năm, ngàn năm đi nữa cũng không có thể làm mất cái chất Việt Nam đi được. Mọi người như anh đã được tôi luyện trong cái khí thiêng của sông núi, trong cái hào khí của tiền nhân. Cái chất sắt đá của Việt Nam đó đã được đem thử với bao ngọn lửa độc bạo tàn, ngàn năm của Bắc phương, trăm năm của Tây phương, rồi sự đồi trụy của Tư Bản, sự bần cùng hóa của Cộng Sản, nhưng mọi người vẫn lì, vẫn trơ, vẫn ngạo nghễ, vẫn tung hòanh dù có bị tản mác khắp nơi, và có dù bị nhồi lên dìm xuống.


Việt Nam, không những chỉ là tiếng nói khi vào đời, cho tới khi lìa đời, như trong một bài ca nào đó, mà Việt Nam tiếng ấy ngày nay đả được mọi người trên thế giới nhắc đến hàng ngày, hàng tuần trên đài truyền thanh, truyền hình, trên báo chí, trên miệng mọi người khác giòng giống với anh.


Anh nghĩ rằng hai tiếng Việt Nam sẽ không bao giờ bị lãng quên trong đầu óc của nhân loại. Mỗi lần họ thốt lên, họ viết ra, anh được nghe thấy, anh được nhìn thấy là một lần anh được đánh thức anh là người Việt Nam.


Việt Nam được nhắc đến khi trẻ em Việt đứng hàng đầu tại các học đường anh thấy hãnh diện. Việt Nam được nhắc đến khi đồng bào anh vượt biển bị hải tặc lộng hành, anh thấy căm phẩn, xót thương. Và khi Việt Nam bị đem ra bôi xấu, đe dọa, anh lại càng cảm thấy cần có sự hiện diện của mọi người để chận đứng cơn lốc, để làm sáng danh lại hai chữ Việt Nam.


Việt Nam, tất cả đã thường trực trong không gian anh thở, trong thời gian anh sống. Từng giây, từng phút đã giúp anh nối chặt với đồng bào anh tại các tiểu bang của Hiệp Chủng Quốc, với đồng bào anh khắp thế giới, với quê hương xa cách ngàn trùng, với những người ở lại, với những người đã nằm xuống và với tiền nhân vẫn theo anh phảng phất đâu đây.


Anh và mọi người đang đứng ở biên cương mới, đang đứng ở đầu ngọn gió, lại càng phải đứng vững hơn bao giờ hết. Anh và mọi người càng phải thấy mình là Việt Nam hơn nơi nào hết và hơn lúc nào hết.


*

Trong lúc mọi người đang ngồi ở bàn ăn, tiếp nhau từng miếng, khen nhau từng câu, hàn huyên những chuyện ngày xưa; thì có tiếng trẻ lao xao bên ngoài, tiếng cửa mở mạnh và các tiếng chân chạy xầm xập lên lầu như đàn ong vỡ tổ. Việt Nam đã và đang thay đổi bắt đầu từ đây, ở những người Việt Nam thơ dại nầy. Chúng đến chào cha mẹ và các bạn bè anh. Vẫn bằng tiếng Việt với những ngôn từ thông dụng. Da chúng vẫn vàng, tóc chúng vẫn đen, mắt chúng vẫn nâu. Có cái gì thay đổi?


Khi chúng nói chuyện với nhau, với những bạn bè của chúng, chúng đã nói bằng tiếng Mỹ. Cử chỉ của chúng đã thấy tự do hơn. Chúng đã thích Hamburger, French Fries, Pizza, Fried Chicken...hơn là đi ăn những món ăn ở nhà hàng Việt Nam hay Tàu. Thỉnh thoảng, đưa chúng đi xem đại nhạc hội Việt Nam, các danh hề chọc cười, chúng ngồi yên như mấy người Mỹ ngồi chịu trận vì quá nể lời bạn đi xem người Việt trình diễn văn nghệ. Nhiều bài hát, chúng đã không nghe được và không thấm được ý. Đọc truyện Việt Nam đã bắt đầu không hiểu, chưa nói đến các vấn đề khác trên báo chí.


Nhưng khi nghe những truyện "jokes" trên Ti Vi, chúng cười như nắc nẻ. Báo "comics" chúng mua chất đống trong nhà. Vài năm nay, rủ được chúng đi đến các buổi văn nghệ, tế lễ, chùa chiền là một chuyện khó khăn.


Đó là chưa đo lường được xem trong đầu óc chúng, trong trái tim chúng đã thay đổi như thế nào. Nếu đem so sánh với một đứa trẻ ở Việt Nam cùng tuổi, thì chắc chắn có những sự khác biệt hiển nhiên; và có thể nó đã vượt quá xa so với mọi người thường nghĩ.


Một người bạn cho biết, đã không lấy làm ngạc nhiên lắm, khi có một số đông trẻ em Việt Nam chiếm ưu hạng tại bậc trung học. Anh nghĩ rằng, nếu đem so sánh hai nền giáo dục tiểu học, trung học và cách học của học sinh của Việt Nam và Hoa Kỳ thì có nhiều điểm khác nhau, và nếu đem được các trẻ em còn kẹt lại sang được đây, sĩ số ưu hạng còn có thể cao hơn nhiều so với các sắc dân khác. Nhưng nhìn về con đường dài, nhiều người đả tự hỏi, không hiểu các học sinh đó có giử được phong độ đến cuối chặng đường như các trẻ em Mỹ ở đây không?


Nhưng dầu sao thành tích đó, trong một thời gian kỷ lục đã khiến nhiều nhà giáo dục Hoa Kỳ đã lên tiếng đòi xét lại nền giáo dục tại đây. Báo chí, tại các địa phương, mỗi năm mãn khóa đều đăng những bài báo, hình ảnh các sinh viên, học sinh Việt Nam xuất sắc gần như một cách định kỳ.


Một tờ báo lớn trong vùng anh ở, đăng liên tiếp mấy ngày liền, nói về thành quả của học trò Việt Nam. Anh đọc bài và nhìn hình hai em học sinh ưu tú, gương mặt hai em tỏa ra một sự tự tin rạng rỡ. Anh tin rằng, những học sinh Việt Nam nầy sẽ còn chiếm ưu hạng trong những năm tới ở bậc đại học.


Nhưng có một đoạn trong bài báo đó ghi lại lời phát biểu của một em làm anh suy nghĩ: "Tôi đã ở đây nhiều năm và tôi cảm thấy tôi là người Mỹ. Tôi nói tiếng Mỹ thạo hơn tiếng Việt".


Rồi một ít năm nữa đây, con cháu của anh và đồng bào anh sẽ sống ở đây lâu hơn, sẽ là hai mươi năm, ba mươi năm, bốn mươi năm... Chúng ta cũng đừng ngạc nhiên khi những đứa con mà chúng ta đem từ lòng quê hương đi, chúng sẽ không nói đến cái cảm nghĩ nữa, không nói đến sự so sánh nữa, mà thẳng thắn phát biểu: “Tôi là người Mỹ, tôi không nói được tiếng Việt".


Anh chưa dám nghĩ tới các thế hệ thứ hai, thứ ba, những trẻ em được sinh trưởng ở đây, những người Việt Nam chưa một lần được nhìn thấy quê hương, chưa một lần đặt chân lên mảnh đất của tổ tiên đã rời bỏ. Càng nghĩ anh càng cảm thấy ê ẩm trong lòng. Anh đem chuyện trên thảo luận với một số bạn, trong đó có người không phải là Việt Nam, họ đều quy trách nhiệm cho cộng đồng, cho những người lớn chúng ta và chính anh cũng lãnh một phần trong đó.


Một ngày cuối tuần, anh ra thư viện của thành phố. Trong cái rừng sách tràn ngập, anh muốn lần theo vết chân của các sắc dân Á Châu giống như anh, đã đến đây từ thế kỷ trước. Anh mưốn xem họ và con cháu họ đã bắt đầu từ đâu, đã đi được đến đâu và qua chặng đường dài đó, họ đã thay đổi như thế nào? Họ có còn giữ được giấc mơ lúc ban đầu không? Anh nói chuyện với người quản thủ thư viện về ý định của anh. Một lúc sau họ mang đến cho anh hàng chồng sách. Trong cái yên lặng trầm ngâm, anh chọn ra mấy cuốn và lần giở từng trang...


Về người Nhật, trong cuốn “Nisei” (thế hệ thứ hai của Nhật Bản), cuốn sách nầy được tái bản ít nhất là ba lần. Tác giả Bill Hosohawa trong chương “The Search for Identity” (Đi tìm bản sắc), đã viết về Nisei những mẩu chuyện như sau:


"Những Nisei, được sinh trưởng ở đây, là công dân Mỹ có máu Nhật, họ đang đi tìm bản sắc cho chính họ. Các Isei (thế hệ đầu di dân Nhật) thì băn khoăn về tương lai của con cháu họ, không biết có những gì không hay sẽ xẩy ra cho các Nisei sau này".

Trong chương này, Một thiếu niên Nisei đã nói về đời sống hòa hợp giữa hai nền văn hóa trong gia đình của em như sau:


"Đời sống trong gia đình tôi là một sự hỗn hợp kỳ dị giữa Đông và Tây. Tôi ngồi ăn bữa điểm tâm Mỹ và ăn bữa trưa của Nhật. Phần ăn của tôi được khai triển dị thường giữa cơm, thịt bò và bắp cải. Tôi đã thành thạo trong việc dùng dao, nĩa và đũa như nhau. Tôi đọc lời nguyện bằng tiếng Nhật trước mỗi bữa ăn, và đọc kinh bằng tiếng Anh trước khi đi ngủ. Ngày lễ Giáng Sinh, tôi treo vớ trên lò sưởi; ngày đầu năm của Nhật, tôi nướng bánh dày và thưởng thức một cách ngon lành. Tôi nói với cha tôi bằng tiếng Anh, bằng tiếng Nhật hay bằng một thứ tiếng hỗn hợp lạ lùng mà tôi cảm thấy tiện lợi".


Nisei này đã đi đến một sự dung hòa tuyệt diệu, bình thản giữa hai nền văn hóa trong đời sống của em. Một cuộc đời mà em vừa phải sống để tranh đua với xã hội bên ngoài, vừa phải sống để giử gìn các phong tục, nối tiếp với thế hệ trước em.


Nhưng tác giả cho đây không phải là một trường hợp bình thường, điển hình cho tất cả Nisei đang gặp phải trong đời sống của họ. Tác giả viết tiếp:


"Nhiều thiếu niên Nisei Nhật đã được dạy từ thuở ấu thời, họ sẻ là nhịp cầu nối qua Thái Bình Dương giữa hai nền văn hóa Đông và Tây, giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản, giữa nơi họ sinh trưởng và di sản của tổ tiên. Nhiều Isei nghĩ rằng, con họ sẻ không bao giờ chấp nhận nhập vào đời sống Mỹ một cách hoàn toàn, nên dạy cho các Nisei một số hiểu biết về Nhật Bản và khuyến khích Nisei về thăm lại quê hương".


"Trong một chuyến về thăm Nhật được tổ chức năm 1925 cho các Nisei, một thiếu nữ đã phát biểu sự bối rối của cô về tương lai trong một buổi tiệc do các nhà lãnh đạo Nhật thết đãi:


"Tôi kính trọng nước Nhật, đó là đất của tổ tiên tôi, nhưng tôi không biết gì về nước Nhật, tôi không nói được tiếng Nhật, mặc dầu chúng tôi có những khó khăn tại Mỹ, tôi vẫn yêu nước Mỹ. Tôi muốn hết lòng phụng sự đất Mỹ hơn."


Để đáp lời, vị Đô Đốc chủ tọa đã ôn tồn nói với cô:


"Cô hãy trở về Mỹ để trở thành một người học trò giỏi nhất, một chuyên viên tốt nhất trong ngành cô chọn, một người vợ thảo nhất khi cô lập gia đình, một người mẹ hiền nhất và một người công dân Mỹ tốt nhất như cô muốn. Tôi chắc rằng, nước Mỹ sẽ vui lòng được có cô, và chúng tôi ở Nhật cũng sẽ hãnh diện vì cô đã tỏ ra là một công dân tốt của Hoa Kỳ."


Sau đó, nhiều chính giới Nhật cũng khuyến khích cô thành một công dân tốt nơi cô sinh trưởng và họ còn khẳng định: "Không ai có thể sống tích cực và thành công được khi mà lòng trung thành còn bị phân xẻ."


Đó là lời lẽ của các nhà lãnh đạo trong buổi lễ chính thức. Nhưng trong thời gian cô lưu lại Nhật, làm việc cho một cơ quan văn hóa quốc tế tại Tokyo, cô đã nhận chân ra mặt trái của sự thật, và cô đã mạt sát thậm tệ:


"Hầu hết các nhà giáo dục và lãnh đạo Nhật đều tồi tệ. Họ khinh bỉ Nisei về lối sống Mỹ và sự thiếu hiểu biết về văn hóa và nghi lễ Nhật. Họ coi Nisei không có khả năng nói tiếng Nhật đúng cách và chỉ là con cháu của giai cấp bần nông thấp kém đã phải bỏ xứ đi tha phương cầu thực".


Ít lâu sau, cô trở về Mỹ. Cô đã bị dân Nhật ghét bỏ. Cô đã mạt sát họ và trớ trêu thay dù cô có tuyên bố yêu nước Mỹ đến thế nào, thì 20 năm sau, chắc gì cô đã thoát khỏi cảnh bị chính quyền Mỹ đưa vào trại tập trung khi hạm đội Nhật tấn công Trân Châu Cảng trong Thế chiến thứ hai.


Kiếm việc làm ở Mỹ thì bị khó khăn vì nạn kỳ thị; khi trở về Nhật, muốn phục vụ, lại càng khó khăn hơn, khi muốn tìm một chỗ đúng.


Nhiều Nisei tình nguyện về thăm, theo các chương trình khảo cứu hay du học ở Nhật. Họ đã nhiễm văn hóa Mỹ, nên gặp nhiều khó khăn để điều chỉnh cách sống, đó là chưa kể đến sự khinh thị, nhạo báng của những người cùng giòng máu với họ. Các điều đó khiến các Nisei chán ghét Nhật Bản đến nỗi họ đếm từng ngày để trở lại Hoa Kỳ.


Một số Nisei thuộc tuổi học trò đã được cha mẹ gửi về Nhật sống với ông bà hay thân thuộc để được thụ huấn khuôn mẫu của Nhật. Những Nisei này đang học dở dang nền giáo dục Hoa Kỳ, nay lại phải hướng về nguồn gốc Nhật. Vì các Nisei là công đân Mỹ, nên đến tuổi trưởng thành họ trở lại Hoa kỳ với ước vọng của cha mẹ là con mình còn giữ được bản chất của người Nhật.


Nhưng oái oăm thay, khi về Mỹ, họ lại thấy hoàn toàn không hợp với các Nisei cùng lứa tuổi ở Mỹ. Họ cảm thấy lạc lõng, y như lúc ở Mỹ về Nhật. Cảm nghĩ của họ bây giờ theo lối Nhật, tiếng Mỹ lại cặp quặng. Họ lại trải qua bao khó khăn, không biết đến bao giờ mới nhập lại được vào đời sống Mỹ, cùng với các Nisei khác. Thành thử, suốt đời họ gặp toàn cảnh bối rối, luôn luôn lo điều chỉnh cuộc sống, luôn luôn tìm hiểu mình là gì trong đám người mình muốn nhập bọn.


Anh nhớ đến mấy hôm trước đây, một Sansei (người Nhật thuộc thế hệ thứ ba) đến thuyết trình về đề tài sự hội nhập văn hóa của người di dân. Sau phần trình bày, một câu hỏi được đặt ra cho Sansei này là: "Anh nghĩ thế nào về nước Nhật, anh có hãnh diện về nền kinh tế hùng cường của Nhật không?". Sansei này thản nhiên trả lời: "Tôi không có cảm nghĩ gì cả."


Nói về người di dân Trung Hoa, trong cuốn “The Story of Chinese in America”, cuốn này đã được tái bản nhiều lần, tác giả Betty Lee Sung đã đưa bốn mảnh đời trong chương "Joining the Mainstream" (Nhập vào giòng sông chính) như sau:


" Cô Lila Huey, sinh tại Mỹ, đã nổi giận khi mọi người gọi cô là Tàu, "Đừng gọi tôi là Tàu, tôi là Mỹ. Cha tôi tuy sinh ra ở Trung Hoa, nhưng đã ở đây trên ba mươi năm. Mẹ tôi sinh ra ở xứ sở này và chúng tôi đã là công dân Mỹ. Tôi không có liên hệ gì với nước Trung Hoa và điều làm tôi khó chịu khi có người hỏi tôi "cô là Tàu hay Nhật". Tôi thường trả lời bằng cách hỏi ngược lại, "Ông là người Ý, người Hy Lạp hay người gì?...

Lila sau này tốt nghiệp đại học University of Washington, Seattle, và tìm được việc một cách dễ dàng. Lần đầu tiên trong đời, cô cảm thấy không phải là người Mỹ hoàn toàn, khi cô bắt đầu yêu một thanh niên Trung Hoa. Cô thú nhận rằng: "Tôi muốn kết hôn với người cùng giòng giống tôi. Tất cả những thanh niên khác trong vùng Seattle và Porland mà tôi quen ở đại học đều không hợp với tôi”


Harry Dear không để ý khi bị người ta gọi là Tàu. Anh ta nói: "Tôi là Mỹ. Tôi hãnh diện về dân tộc tôi, về di sản của tổ tiên tôi. Tôi tới Mỹ từ lúc còn bé, lớn lên ở chợ Tàu New York. Tôi không nói được tiếng Mỹ trước khi tôi đi học trường công. Mẹ tôi góa chồng. Mẹ tôi đi may thuê để nuôi tôi. Mẹ tôi không nói được một tiếng Anh nào, ngay cả bây giờ cũng thế. Tất cả bạn bè tôi ở chợ Tàu đều nói tiếng Anh theo kiểu "chop sui". Tôi không bao giờ được điểm cao quá "C " về Anh văn. Khi vào đại học, tôi vẫn còn bị bạn bè cười vì tiếng Anh "chop sui " của tôi cứ vô tình tuôn qua cửa miệng".                                      


Sau này, Harry trở thành một kỹ sư trưởng trong một công ty. 


Raymond Eng, tốt nghiệp đại học Tôn Dật Tiên tại Quảng Đông. Đến Mỹ năm 1937, anh làm báo để truyền bá tư tưởng quốc gia và chống cộng sản. Anh tham gia cộng đồng, họp mặt với các lảnh tụ trong chợ Tàu. Anh được mọi người kính nể và thường giữ vai trò hòa giải và cố vấn cho cộng đồng. Sau này, anh bỏ nghề làm báo và chuyển sang địa hạt địa ốc, bảo hiểm, thuế, thông dịch. Anh kết hôn với Tze Chun, nữ sinh viên Trung Hoa du học bị kẹt lại khi Trung Cộng chiếm lục địa.


Cả hai sau này trở thành công dân Mỹ, nhưng cứ đến ngày Song Thập, anh đều lên diễn đàn hô hào đuổi cổ Cộng Sản ra khỏi Trung Hoa yêu dấu của anh.


Man Fook Liu, theo chân cha đi tới Mỹ để tìm vàng. Giấc mơ của Man Fook Liu là làm việc cật lực, để dành từng xu và trở về Tàu với túi đầy vàng. Trước khi anh đi, gia đình cưới vợ cho anh. Anh đã có một con trai để nối giõi và là một cái cớ để nhắc anh phải trở về. Anh tới Mỹ, như lời đã hứa, làm không nghỉ và mong kiếm được một mớ để trở về quê hương. Nhưng giấc mơ đó đã không bao giờ tới. Túi mãi không đầy vàng và Trung Hoa thì mất vào tay Cộng Sản. Anh cố tìm cách gửi tiền về nhà, nhưng được tin vợ anh đã chết từ lâu, còn con anh chạy lạc sâu vào nội địa, khi bị Nhật Bản chiếm.


Hiện giờ Man Fook Liu đã hơn sáu mươi tuổi, không biết mình có nên trở lại quê hương nữa hay không, và cũng không biết mình muốn gì bây giờ. Còn tương lai thì chỉ mong khỏi mất cái việc phụ thợ giặt mà ông đang làm.


Bốn hình ảnh trên, tác giả nêu ra tượng trưng cho các di dân Trung Hoa tại Mỹ. Lila mong mỏi hoàn toàn đổi thành Mỹ. Harry thành công khi hội nhập vào xả hội Mỹ và vẫn tự hào về nguồn gốc của mình. Raymond đã gắn liền đời mình với cộng đồng. Anh phục vụ cộng đồng và tìm sự kính nể ở đó. Còn Man Fook Liu là một kẻ tạm lưu cư, dù rằng đã sống gần trọn đời tại Mỹ, nhưng đầu óc và tâm hồn vẫn không rời Trung Quốc.


Về người di dân Phi Luật Tân, trong cuốn “Asian AmericanPsychological Perspective” gồm nhiều bài nghiên cứu của giáo sư tại các đại học do Stanley Sue, Ph. D và Nathaniel N. Wagner, Ph. D biên soạn. Tác giả Fred Cordova đã phẫn nộ trong chương “Filipino Americans: There's Always an Identity Crisis”, (Người Phi-Mỹ luôn luôn có một khủng hoảng bản sắc) như sau:


"Rất nhiều người Mỹ, không phải chỉ có Mỹ trắng không biết đến người Phi, và một điều đủ để ngạc nhiên là chính người Phi cũng không biết họ là gì nữa. Có hai điều hiển nhiên là có những định chế kỳ thị trong xã hội người da trắng và sự tự quên dần mất bản sắc của chính người da nâu".


Người Phi tự gọi họ là người da nâu, không giống như những dân da vàng của Á Châu như Tàu và Nhật. Nhiều năm trước, trong các cuộc thống kê về dân số, họ thường bị đặt vào loại "other" người khác) trong loại "Oriental or other" (người Phương Đông hay người khác) . Phi Luật Tân có 87 ngôn ngữ chính và hầu hết di dân Phi đều có tên lấy theo chữ Tây Ban Nha. Họ cứ bị nhầm lẫn hoài: khi thì Nhật, khi thì Tàu, khi thì Hạ Uy Di, khi thì dân da đỏ, khi thì Mễ Tây Cơ... khi thì là dân da đen vì màu da sậm và cùng có thị hiếu như thích nghe nhạc dậm dật, khi thì da trắng vì có tôn giáo, học vấn và đời sống giống họ.

Sự nhầm lẫn nầy đã khiến một giáo sư người Phi tại Seattle University nói:


"Tôi luôn luôn bị vật lộn với sự khủng hoảng bản sắc. Khi thì tôi là người Phi Mã Lai, khi thì là người Phi Tây Ban Nha, rồi lại là người Phi Mỹ và sau này thì lại là người Mỹ Phi." Cuối cùng, giáo sư này phải nổi quạu: "Nhưng, hãy nhớ có một sự bất biến là cha mẹ tôi, các con tôi và tôi đều được tạo ra từ Adam và Eva. Để tóm lại, tôi nghĩ tôi là người Mỹ Phi da đen-Mã Lai-Đông Dương-Tây Ban Nha- Nhật... và tôi là loài người!"    

                                                   

Anh không có thì giờ đọc hết các chồng sách mà người quản thủ thư viện đưa cho anh. Anh biết rằng trong đó có biết bao nhiêu cuộc đời của các người di dân, tị nạn từ bên kia Thái Bình Dương đến. Có những giấc mơ đã thành, nhưng có bao nhiêu giấc mơ đã tàn lụi theo cuộc đời của họ. Có bao nhiêu tấm lòng hoài vọng cố hương, về miền Dương Tử, về miền Tô Châu, về miền Hoa Nam của lục địa, và những hòn đảo đầy hoa đào trên biển Nhật Bản lạnh giá hay trên biển Nam Hải nắng ấm xa xưa...


Tối đó, anh trở về nhà, nằm thao thức không ngủ. Nghĩ đến ngày trở về quê hương, sao mà thấy khắc khoải; có lúc, biết bao nhiêu người đều muốn rời bỏ quê hương; "ngay cả cái cột đèn nếu biết đi còn muốn bỏ nước ra đi", tự nhiên anh thấy thấm đau hơn. Anh nghĩ đến những đứa con anh đem đi từ bên kia Thái Bình Dương, và những đứa con của chúng sau này. Chúng sẽ là cháu, là chắt... của anh. Chúng có sẽ bị trận cuồng phong kéo đi mất hay không? Chúng có còn muốn giữ nguồn gốc không? Chúng có tìm được bản sắc của chúng không? Chúng có bị bỏ quên không? Chúng có bị nhìn lầm không? Chúng có thể hội nhập vào giòng sông chính mà vẫn tự hào về di sản của tổ tiên không?


Chúng có còn muốn trở về quê hương Việt Nam không? Chúng có sẽ là một kẻ lạ trên chính quê hương của tổ tiên chúng hay không? 


Ngay cả chính anh nữa, anh vẫn tin là anh vẫn không thay đổi so với ngày rời nước ra đi, nhưng chắc chắn đời sống vật chất và sinh hoạt mấy chục năm qua ở quê hương thứ hai này cũng đã ảnh hưởng đến anh và mọi người không ít. Trong khi đó. những người ở lại có còn giống nhau như trước ngày mình rời nước ra đi hay không? Những cảm nghĩ của họ và của anh có còn giống nhau sau hàng mấy chục năm trời xa cách hay không? Nhất là chưa nói đến những người thù nghịch miền Bắc đã gây nên biết bao thù hận, không hiểu đã gột rửa dược những u mê chủ nghĩa giáo điều, thoát khỏi cái kiếp tôi đòi Bắc phương, và đưa đất nước vào quỹ đạo của thế giới tự do hay không? Thế giới ngày càng nhỏ hẹp lại, nhưng cái khoảng cách giữa anh và con cháu anh ngày càng cách xa hơn. 


Anh không muốn nghĩ thêm nữa, và choàng dậy gọi điện thoại cho một người bạn. Người bạn này thân với anh hồi còn ở trung học, sau này thành giáo sư, suốt đời chỉ vùi đầu vào những chồng sách cổ.  Người bạn mà được anh coi như một cây tra cứu, mỗi lần anh muốn tìm dấu vết của các vấn đề cổ xưa. Sau khi sang đây, bạn anh vẫn còn say mê với cái thú đó; sách vở tàng trữ trong nhà ông ta như một cái thư viện nhỏ.


Người bạn bị đánh thức, càu nhàu, nhưng khi nghe anh đề cập đến vấn đề đi tìm bản sắc, bản chất và nguồn gốc của người Việt, thì anh ta tỉnh hẳn ngủ. Như một cái máy, anh ta trở ngược lại bốn ngàn năm. Từ cái thuở rồng tiên gặp nhau, đời Xích Quỷ, Kinh Dương Vương, gặp Long Nữ, từ dấu chân Bách Việt, Tây Tạng theo sông Hồng Hà đi xuống, từ Nam Dương vượt Biển đi lên...miên man bất tận đưa anh xuôi đường vào giòng lịch sử.


Anh phải chận ngay bạn lại, vì sợ bạn kéo dài hết đêm và nghĩ đến ngày mai cả hai phải dậy sớm đi làm. Anh ngỏ ý là anh muốn tìm lại hình ảnh của người Việt Nam với bản sắc, bản chất từ những tài liệu đáng tin cậy để anh và con cháu có thể giữ được ở cái đất nước nầy. Thế là ông bạn khảo cổ của anh có công việc làm, và đó lại là một trọng trách nữa. Tự nhiên anh thấy thương bạn, đôi kính dày, cặm cụi, hăng say... Chắc cả đêm nay, nếu có chợp mắt được lúc nào, thì hồn ông ta sẽ bay bổng về thời Văn Lang, Hồng Bàng qua Đinh, Lê, Lý, Trần...hay lẩn quẩn bên các kệ sách trong phòng. Anh mong bạn, ngày mai đầu óc đừng có để đâu đâu, đến sở làm nhìn việc này ra việc khác thì phiền lắm.


(còn tiếp)