Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2023

Ngu Yên: Chủ Nghĩa và Kịch Phi Lý

Phi Lý, được văn học xem là một chủ nghĩa (Absurdism), nhưng trước đó, nó là thái độ văn hóa, và trước đó nữa, nó là trạng thái sống.

Kinh nghiệm sống qua nhiều thế hệ, phi lý đầy dẫy trong lịch sử. Qua một đời người, ai cũng có thể cảm nhận, phi lý diễn ra hàng ngày. Đến mức quá quen thuộc khiến người ta xem phi lý là chuyện đương nhiên, bình thường, tất có. Ngược ngạo thay! phi lý không cần biện minh, trong khi hữu lý lại cần giải thích, thuyết phục, thưa kiện, và bị nghi ngờ.

Đó chẳng phải là lý do con người đi tìm chân lý, công lý vì chúng ta sống với phi lý? Cũng luận điệu này, vì con người sống với khổ đau, buồn bã, nên mới đi tìm hạnh phúc và niềm vui? Vì con người sống với chết nên phải tìm đến Chúa và Phật? Vì con người sống cô đơn, nên mới thèm thuồng tình cảm, mong đợi cảm thông?

Nói một cách khác: phi lý là trạng thái sống căn bản, liên tục, và vĩnh viễn. Nhận thức được điều này, giống như người vừa sinh ra đã bị khuyết tật, không thể làm gì khác hơn là sống với nó suốt đời. Một người ngụp lặn trong phi lý, phải biết cái phi lý, ăn ngủ với nó, như kẻ bị sứt môi vẫn phải nói, phải hôn, phải cười cho đến hơi thở cuối cùng.
Triết gia và nhà văn Albert Camus nói rằng, nếu cuộc đời mang bản chất phi lý, thì việc chống lại nó lại càng phi lý hơn; thay vào đó, chúng ta nên dấn thân hòa nhập vào cuộc sống và tìm ra sự thật: chúng ta đang sống trong một thế giới không có mục đích. Ông nhấn mạnh, người ta phải luôn duy trì một khoảng cách trớ trêu giữa ý nghĩa cuộc đời và sự hiểu biết về điều phi lý, kẻo ý nghĩ hoang tưởng sẽ thay thế cho phi lý.

Chủ Nghĩa Phi Lý.


Sau Thế chiến thứ nhất, một sự phát triển thú vị đã xuất hiện trong văn học phương Tây, đặc biệt là trong lĩnh vực kịch nghệ, được biết đến với tên gọi Kịch phi lý. Một trong những đặc điểm chính của sân khấu này là sự bác bỏ các quy tắc cơ bản của ngôn ngữ và luận lý như biểu hiện con người không có khả năng giao tiếp với đồng loại. Trong nỗ lực đối mặt với con người về những thực tế cuối cùng của sự tồn tại.

Những tác phẩm của các kịch tác gia như Samuel Beckett, Eugen Ionescu, Adamov, Pinter, Albee, …etc … trình bày những nhân vật khốn khổ trong những hoàn cảnh bi thương, trong thế giới đen tối đầy bí ẩn. Con người bị tiêu diệt bởi thân phận đau khổ và chết. Họ nghiệm ra rằng, cái chết luôn hiện diện, chờ chực trong mọi hành động sống, biết được điều này là bi thảm.


Chủ nghĩa phi lý là một quan điểm triết học cho rằng những nỗ lực của nhân loại nhằm tìm kiếm ý nghĩa hoặc lời giải thích hợp lý trong vũ trụ cuối cùng đều thất bại (và do đó, là phi lý) bởi vì không có ý nghĩa nào như vậy tồn tại, ít nhất là đối với con người. Từ ngữ vô lý trong ngữ cảnh này không có nghĩa là "không thể về mặt luận lý", mà là "không thể về mặt con người.”

Chủ nghĩa phi lý ngụ ý một giọng điệu bi thảm và cảm giác thất vọng nảy sinh từ mâu thuẫn giữa hành trình tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống của con người và khả năng không thể đến gần ý nghĩa đó.

Chủ nghĩa phi lý có liên quan đến chủ nghĩa hiện sinh và chủ nghĩa hư vô, và thuật ngữ này bắt nguồn từ triết gia người Đan Mạch thế kỷ 19, Søren Kierkegaard. Chủ nghĩa phi lý với tư cách là một quan điểm triết học ra đời từ phong trào Hiện sinh khi nhà triết học và nhà văn người Pháp Albert Camus thoát khỏi dòng tư tưởng triết học đó (Hiện sinh) và xuất bản “Huyền thoại về Sisyphus.” Hậu quả của Chiến tranh thế giới thứ hai đã tạo ra môi trường xã hội kích thích các quan điểm phi lý và cho phép chúng phát triển, đặc biệt là ở Pháp, một đất nước đã bị chiến tranh tàn phá nặng nề. (Trích: New World Encyclopedia.)


Phi Lý và Albert Camus.


Tên tuổi của triết gia và nhà văn này gắn liền với chủ nghĩa Phi Lý, nổi bật trong thời Hậu Hiện Đại. Nhịp sống và văn hóa Hậu Hiện Đại đã nuôi dưỡng và hưng phấn nghệ thuật phi lý trong nhiều lãnh vực, nhưng rõ rệt nhất là trong kịch nghệ và phim ảnh.

Tư tưởng của Camus đã khiến người ta chú ý đến sự phi lý đang tỏ lộ trong đời sống thực tế lúc bấy giờ.


“Triết lý về chủ nghĩa phi lý của ông có thể được minh họa trong bài tiểu luận Le Mythe de Sisyphe (Thần thoại về Sisyphus: 1942). Camus định nghĩa phi lý là sự vô ích của việc tìm kiếm ý nghĩa trong một thế giới khó hiểu, không có Chúa, không có ý nghĩa. Chủ nghĩa phi lý phát sinh từ sự căng thẳng giữa mong muốn của con người về trật tự, ý nghĩa, giá trị, hạnh phúc và mặt khác, vũ trụ tự nhiên vô tình từ chối cung cấp những điều này. Trong tiểu luận, Camus đặt ra câu hỏi triết học cơ bản: cuộc sống có đáng sống không? Tự tử có phải là một phản ứng chính đáng nếu cuộc sống không còn ý nghĩa?

Ông so sánh sự khao khát trật tự và ý nghĩa của loài người với vị anh hùng thần thoại Hy Lạp Sisyphus, người bị các vị thần kết án vĩnh viễn phải lăn một tảng đá lên núi, chỉ để rồi rơi xuống vực. Giống như Sisyphus, chúng ta tiếp tục hỏi về ý nghĩa cuộc sống, chỉ để tìm thấy câu trả lời của chúng tôi rơi xuống. Nhà triết học khẳng định rằng chúng ta nên chấp nhận sự phi lý của sự tồn tại của con người và đảm nhận mục đích tạo ra giá trị và ý nghĩa. Nỗ lực và khả năng phục hồi – chứ không phải tự tử và tuyệt vọng – là những phản ứng thích hợp.

Camus lập luận rằng Sisyphus đang hạnh phúc và chúng ta phải bắt chước tính kiên cường của ông ta. Người anh hùng Hy Lạp đáng ngưỡng mộ vì ông chấp nhận sự vô nghĩa của nhiệm vụ lăn đá. Thay vì bỏ cuộc hoặc tự sát, ông đã vượt lên trên số phận của mình bằng sự lựa chọn có chủ ý và tiếp tục làm việc chăm chỉ.” (Trích: Albert Camus and the Problem of absurdity của Panumas King. Oupblog.)


Trong một tầm nhìn khác để giải quyết câu hỏi: Sống là sống với phi lý, như vậy, chúng ta có giải pháp nào thoát thân không? Cách giải quyết của Nietzsche khác với Camus. Ông cho rằng, con người có thể mang lại bản thân một ý nghĩa nào đó bằng cách ôm lấy ảo ảnh. Như những nghệ sĩ, họ luôn luôn dùng khả năng sáng tạo để làm mọi thứ có vẻ đẹp bên ngoài, dù khác biệt trong thực tế. Mỗi người có thể học hỏi phương cách này của nghệ sĩ, áp dụng vào đời sống, để có thể trở thành “nghệ sĩ của cuộc đời mình”. Cuộc sống vẫn đẹp dù phi lý. Ý nghĩ này của Nietzsche có thể là một giải pháp giúp cho đời sống không rơi vào tuyệt vọng, dù chỉ là ảo tưởng. So với giải pháp của Camus, dùng thần tượng Sisyphus để giải thích và bắt chước thái độ “vui trong khốn khổ”, phải chăng cũng là ảo tưởng? Có phải làm người là mặc lên ảo tưởng để sống cho hết quá trình định mệnh với tự kỷ ám thị “hạnh phúc trong vòng tay”? Phải chăng, kết luận sẽ là, làm người là chấp nhận sống với phi lý và dùng ảo tưởng như loại thuốc an thần? Ảo tưởng, không phải là thứ gì xa lạ. Đó là tôn giáo, danh vọng, tiên tài, ái tình, ước mơ, … Uống thuốc an thần không có nghĩa mãi mãi chìm đắm mơ màng, sẽ có những lúc tỉnh thức, hoặc có những người hoàn toàn thức dậy ra khỏi ảo tưởng, những lúc đó, thời gian đó, cuộc đời đó, chúng ta nhận lãnh nỗi niềm cô đơn và một hư vô khổng lồ mà Satre đã báo động.

Kịch Phi Lý.


Phẩm chất sống bị chi phối bởi sự phi lý và con người thất bại khi chống đối hoặc đấu tranh với nó. Vì vậy, nhiều kịch bản cưu mang nội dung về sự trống rỗng, thất vọng, tuyệt vọng, buông thả và chết.

Vô lý là chủ đề rõ ràng nhất trong Chủ nghĩa phi lý. Phi lý đặc trưng cho một thế giới không còn ý nghĩa đối với cư dân hiện hữu bên trong. Các quyết định hợp lý không thể xảy ra đúng đắn và mọi hành động đều vô nghĩa, vô ích. Vô lý cũng mô tả nhiều các tình huống và sự kiện lạ thường, đôi khi quái đản, chẳng hạn như nhà hùng biện nói ngọng (The Chairs), đồng hồ điểm mười bảy (The Bald Soprano), hoặc một con tê giác đi ngang qua sân khấu (Rhinoc Across).


Bên dưới sự hài hước vô nghĩa và hài hước của Chủ nghĩa vô lý ẩn giấu một yếu tố tàn ác, thường được bộc lộ trong cuộc đối thoại giữa các nhân vật nhưng đôi khi được thể hiện trong các hành vi bạo lực. Các vở kịch của Pinter được chú ý cho phần sau. Trong The Room, một người mù bị đánh đập dã man; trong The Birthday Party (Bữa tiệc sinh nhật,) lễ kỷ niệm trở thành một cuộc thẩm vấn và cuối cùng là một vụ bắt cóc; và trong The Dumb Waiter, một cặp sát thủ tham gia vào một vụ giết người rõ ràng là ngẫu nhiên. Tương tự như vậy, trong The Lesson (Bài học) của Ionesco, một giáo sư thất vọng vì các học sinh không thể hiểu những bài học vô nghĩa, ông lần lượt giết chúng một cách dã man. (Trích Absurdism. Trang 02.)

Trong thời vàng son của sân khấu kịch nghệ (thế kỷ 19-20), khi tấm màn nhung được kéo lên, những diễn biến dưới ánh đèn là phản ánh đời sống xã hội, nhưng không phải phải chỉ diễn cảnh biểu hiện mà phần chính là cái được biểu hiện. Sân khấu truyền thống là tái tạo kịch bản của cuộc đời.

Đời sống bên ngoài và cảnh sống trên sân khấu vừa là kịch vừa là sự nhập nhằn vào nhau. Thấy ở trên sân khấu, tức là có thật ngoài ghế ngồi. Chuyện của người ngồi xem được biến dạng trên sân khấu. Có một sự cảm thông gắn bó giữa diễn viên, vở tuồng, và khán giả.

Sân khấu Hiện đại xây dựng những đại văn bản của tư duy. Sân khấu Hậu hiện đại sáng tạo những tiểu văn bản chống đối, đả phá thời cuộc và niềm tin. Sân khấu đương đại chủ yếu kết hợp nghệ thuật và sử dụng ưu điểm của điện tử. Quá trình này cho thấy nhu cầu trình bày giá trị và tư tưởng của con người đi từ hiện thực qua biểu hiện, biểu tượng, hóa ảo, rồi dung hòa vào tính đặc thù của từng cá nhân sáng tác ở đầu thế kỷ 21.

Kịch vô lý minh họa sự cô đơn. Cuộc sống hiện đại thay đổi nhanh chóng vì khoa học cập nhật đã cô lập từng bản thân. Người và người mất đi sự liên hệ hổ tương, mất đi sự thông cảm, mất đi sự thân thiện thực sự, chỉ còn vẻ giả trá bên ngoài.


Trong The Zoo Story của Albee, đã đưa ra một ví dụ điển hình về chủ đề này, kể một nhân vật rất háo hức muốn tạo mối liên hệ với một người hoàn toàn xa lạ đến mức anh ta sẵn sàng chết để làm điều đó. Trong The Bald Soprano của Ionesco, ông trình bày một khái niệm tương tựa: Một người chồng và người vợ bị cô lập với nhau đến mức họ không nhận ra mối liên hệ vợ chồng trong bối cảnh xã hội và chỉ có cảm giác mơ hồ là đã gặp nhau trước đó. (Trích Absurdism, trang 04.)

Sân khấu cũng minh họa sự phi lý thường bắt nguồn bởi những động lực vật chất, hành động đam mê vật chất, và mục tiêu tranh giành vật chất. Trong khoảng thời đại đó, sự phát triển của khoa học tuy mới bắt đầu nhưng đối với xã hội bị đóng khung trong tâm linh, tôn giáo và đạo đức không lâm sàng, thì ánh sáng mới đó đầy quyến rũ. Có những lập luận cho rằng, chế độ tư bản tạo ra sự phi lý. Thực tế, phi lý là thứ đã có sẵn. Chế độ nào, chủ nghĩa nào, rồi cũng sẽ nhận ra phi lý. Nó ở trong hơi thở.

Ngay cả nhân vật kịch không chỉ bắt chước đời sống của khán giả, mà họ bước ra dưới ánh đèn để đánh thức người xem ra khỏi trạng thái phí lý. Vì vậy, kịch phi lý đưa ra những nhân vật không có bản sắc rõ ràng, không có cá tính nổi bật. Thậm chí, trong một số kịch, nhân vật không còn là nhân vật, chỉ là cái cớ biết nói để truyền đạt. Những nhân vật trong kịch phi lý thường xuyên tạo cho người xem cảm giác lạ lùng, lôi cuốn sức theo dõi, như các nhân vật phụ trong vở kịch “Trong Khi Chờ Godot” của Samuel Beckett, những nhân vật chủ nhân và người hầu xuất hiện trong màn đầu tiên, đã đổi chỗ cho nhau khi họ quay lại màn thứ hai. Hoặc sự nhập vai gây ra lầm lẫn giữa các nhân vật trong vở kịch The Maids của Genet, khi khán giả ban đầu nghĩ rằng nhân vật trên sân khấu là người phụ nữ trong nhà được người hầu gái Claire phục vụ, nhưng sau đó nhận ra Claire đang đóng giả vai bà chủ, còn người giúp việc khác, Solange, đang đóng giả vai Claire. Những trao đổi này tiếp tục trong suốt vở kịch khiến khán giả không có bất kỳ cảm giác ổn định nào về bản sắc nhân vật.

Tuy nhiên, cũng như hầu hết nghệ thuật phi lý phải đối diện với nỗi khó khăn: cách diễn đạt. Kịch phi lý gặp trở ngại về vấn đề lời nói. Ngôn ngữ để diễn tả, truyền đạt sự phi lý là một loại ngôn ngữ phi lý. Ngôn ngữ phi lý nói về phi lý tất nhiên là vô nghĩa. Rất có nhiều vở kịch có đối thoại vô nghĩa. (Vô nghĩa là không thể hiểu được và không có lý do nào để hiểu.) Mỉa mai thay! sự vô nghĩa của kịch chính là một phần cấu trúc của đời sống thật.

Khi lời nói vô nghĩa trong hoàn cảnh vô nghĩa, là vô nghĩa. Lời nói vô nghĩa trong hoàn cảnh hữu lý, là vô nghĩa. Lời nói hữu lý trong hoàn cảnh vô nghĩa, là vô nghĩa. Cũng giống như số không, dù nhân chia với bất kỳ con số nào, vẫn là không.

Chủ Nghĩa Phi Lý và Chủ Nghĩa Hiện Sinh.

Chủ nghĩa Phi lý thường được liên kết với Chủ nghĩa Hiện sinh, phong trào triết học gắn liền với Jean-Paul Sartre và Albert Camus. Mặc dù cả những người theo chủ nghĩa hiện sinh và những người theo chủ nghĩa phi lý đều quan tâm đến tình trạng vô cảm của con người, nhưng cách thể hiện mối quan tâm này lại khác nhau.

Các triết gia đã khám phá bản chất phi lý trong sự tồn tại của con người trong khuôn khổ hợp lý và logic của tư tưởng triết học truyền thống. Tuy nhiên, những người theo chủ nghĩa phi lý đã từ bỏ những yếu tố truyền thống của văn học nói chung và sân khấu nói riêng, bối cảnh, cốt truyện, sự phát triển nhân vật nhằm truyền tải một cảm giác phi lý và phi logic cả về hình thức lẫn nội dung. Nói chung, hai phong trào cũng khác nhau về kết luận mà mỗi bên dường như rút ra từ nhận thức: cuộc sống là vô nghĩa.

Nhiều tác phẩm phi lý đưa ra quan điểm, mọi nỗ lực của con người đều vô ích và hành động là vô nghĩa. Một số khác gợi ý, sự tồn tại phi lý khiến cá nhân không còn lựa chọn nào khác ngoài việc coi nó như một trò hề. Tuy nhiên, những người theo chủ nghĩa hiện sinh tuyên bố, việc nhận ra cuộc sống không có ý nghĩa siêu việt, bắt nguồn từ đức tin hoặc từ bản chất của chính loài người, có thể (và nên) đóng vai trò là bàn đạp để hành động. Cuộc sống của một cá nhân, theo chủ nghĩa hiện sinh, chỉ có thể trở nên có ý nghĩa thông qua hành động của cá nhân đó. (Trích: Absurdism, trang 9.)


Chủ nghĩa hiện sinh mang đến sự tích cực hơn. Làm cuộc đời có ý nghĩa và giá trị bằng hành động của mình, thay vì mặc ảo tưởng một cách tiêu cực như chủ nghĩa Phi lý.

Dù là giải pháp nào, đó là nỗ lực và tư duy của con người đối phó với đời sống. Chuyện tức cười: Đời sống là do con người tạo ra, rồi con người lại phải đối phó với nó. Cũng như nuôi một con cọp cho khôn lớn, rồi phải trốn tránh, đánh nhau với nó để sinh tồn. Cũng như cắt cỏ, rồi bón phân, tưới nước cho cỏ cao lên, để cắt. Không thấy phi lý sao?

Nếu không thấy phi lý, tức là, đang mơ nàng, ngủ gà ngủ gật. Nhà văn De Mello nói:
“Hầu hết mọi người, mặc dù họ không biết điều đó, đang ngủ. Họ sinh ra trong giấc ngủ, họ sống trong giấc ngủ, họ kết hôn trong giấc ngủ, họ sinh con trong giấc ngủ, họ chết trong giấc ngủ mà không bao giờ thức dậy. Họ không bao giờ hiểu được sự đáng yêu và vẻ đẹp của thứ mà chúng ta gọi là sự sinh tồn của con người.”


Có thật như vậy chăng?

Ghi chú:

- Absurdism. Bookrags.com. Absurdism.pdf

- Chesca, Alina Beatrice, The Literature of the Absurd: Writing against Death. WritingagainstDeath.pdf