Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2023

Margaret M. Pearson, Meg Rithmire & Kellee S. Tsai: Chủ Nghĩa Tư Bản Đảng-Nhà Nước của Bắc Kinh Đang Thay Đổi Kinh Tế Thế Giới Như Thế Nào (Tạp chí Foreign Affairs, Mặc Lý dịch)

(Đây là bản dịch bài viết trên tạp chí Foreign Affairs, ngày 06 tháng 12, 2022, do ba học giả Margaret M. Pearson, Giáo sư khoa Chính Phủ và Chính Trị, đại học Maryland ; Meg Rithmire, Phó Giáo sư Quản Trị tại trường Thương Mại Harvard, đại học Harvard; và Kellee S. Tsai, Liên Khoa Trưởng Liên Khoa Khoa Học Xã Hội  và Nhân Văn, giáo sư Khoa Học Xã Hội tại đại Học Khoa Học và Công Nghệ Hong Kong. - ND)


Kể từ cuối thập niên 1970s, khi Trung Quốc mở cửa ra với thị trường thế giới, thương mại phát triển vượt bậc và con người cực kỳ lạc quan. Nhiều người cho rằng sự phụ thuộc lẫn nhau  về kinh tế với Trung Quốc là con đường dẫn đến hòa bình và thịnh vượng ở châu Á và trên thế giới. Mối quan hệ giữa các doanh nghiệp Mỹ và nền kinh tế Trung Quốc đã neo giữ mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc và được coi là bằng chứng cho thấy Trung Quốc nhờ “toàn cầu hóa mà hiền lành hơn”. Một số nhà quan sát tuyên bố một cách rất tự tin là Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang “chơi trò chơi do chúng ta vạch ra ” trong nền kinh tế thế giới tân tự do. Khẳng định của Immanuel Kant rằng “tinh thần thương mại không thể cùng tồn tại song song với chiến tranh” một lần nữa lại được người ta xem là chân lý.


Điều này đã thay đổi trong 15 năm qua hoặc cả trước đó nữa. Nhiều thập niên với chính sách khuyến khích việc giao thương xuyên biên giới đã nhanh chóng bị đảo ngược khi Hoa Kỳ và các quốc gia khác dựng lên những rào cản chưa từng có đối với dòng vốn và thương mại của Trung Quốc dưới danh nghĩa an ninh quốc gia.


Sự thay đổi này phần lớn bị thúc đẩy bởi những thay đổi của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với mô hình kinh tế dính tới chính trị của Trung Quốc, vốn bắt đầu tỏ ra không còn tương thích với chủ nghĩa tư bản toàn cầu. Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Trung Quốc bắt đầu rời xa con đường dựa vào thị trường, vốn hình thành các chính sách kinh tế của nước này trong ba thập niên qua, và hướng tới một thứ có thể gọi là “chủ nghĩa tư bản đảng-nhà nước”, trong đó có việc kiểm soát cao độ của Đảng Cộng Sản Trung Quốc đối với các lĩnh vực chiến lược của nền kinh tế quốc gia.


Điều này đã dẫn đến những thay đổi đáng kể trong mối quan hệ kinh tế Mỹ–Trung, khi cả hai bên đều cố gắng bảo đảm chuỗi cung, sàng lọc dòng vốn vào và ra, giảm bớt sức mạnh của các công ty toàn cầu và tổ chức lại các liên minh, bảo vệ nhau chống lại sự o ép về kinh tế. Tác động của động lực này vượt xa mối quan hệ Mỹ–Trung: cuộc chạy đua vũ trang và kinh tế giữa Washington và Bắc Kinh đã thay đổi hình dạng của chủ nghĩa tư bản toàn cầu.


Chủ Nghĩa Tư Bản ĐảngNhà Nước


Trong thập niên 1980s và 1990s, Trung Quốc đã chấp nhận cơ chế thị trường, bao gồm việc đầu tư của nước ngoài và một số quyền tự chủ dành cho doanh nghiệp tư nhân, như giải pháp cho những vấn đề kinh tế. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, điều này đã không còn như  xưa nữa. Thay vào đó, khi những vấn đề chính trị và kinh tế mới nổi lên, phản ứng của Đảng Cộng Sản Trung Quốc là tự khẳng định và sử dụng quyền lực của mình.


Từ khoảng năm 2005 đến giữa thập niên 2010s, Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã lo ngại và phản ứng với những gì họ coi là một loạt đe dọa trong nước và ngoài nước. Cái gọi là cách mạng màu ở Đông Âu, tình trạng bất ổn trong nước ở Tây Tạng và Tân Cương, và Mùa Xuân Ả Rập đã khiến Đảng Cộng Sản Trung Quốc ngày càng hoang tưởng hơn, áp dụng chiến lược “ra tay đàn áp trước”. Trong khi đó, giới lãnh đạo đảng lại lo lắng hơn rằng sự phụ thuộc quá mức của Trung Quốc vào việc sản xuất hàng hoá sơ cấp và vào công nghệ nước ngoài sẽ làm phương hại đến an ninh của đất nước họ. Những lo ngại này đã tăng cao vào năm 2014, khi nhà thầu Edward Snowden của Cơ Quan An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ tiết lộ rằng cơ quan này đã theo dõi đại công ty viễn thông Huawei  của Trung Quốc. Từ đó trở đi, Đảng Cộng Sản Trung Quốc luôn bị ám ảnh với việc quản lý rủi ro. Nỗi lo sợ của đảng về bất ổn tài chính, được củng cố hơn nữa bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và các vấn đề nợ nần trong nước của Trung Quốc, đã khiến đảng này rơi vào một vòng xoáy những cố gắng cải cách và thất bại khi các nhà lãnh đạo tìm cách tránh bất ổn tiềm ẩn về kinh tế và xã hội liên quan đến các lực lượng thị trường.


Dường như các nhà lãnh đạo Bắc Kinh tin rằng họ đã tìm ra giải pháp cho việc này, với sự chuyển sang chủ nghĩa tư bản đảng–nhà nước, một tiến trình đã chứng kiến ​​việc Đảng Cộng Sản Trung Quốc áp dụng đường lối ngày càng mạnh tay hơn trong các lĩnh vực chiến lược của nền kinh tế trong nước, dính tới chính trị. Điều này thể hiện một sự đảo ngược gay gắt với tình hình trước đó. Một trong những đặc điểm nổi bật của cải cách Trung Quốc bắt đầu từ cuối thập niên 1970s là sẵn sàng thử nghiệm các giải pháp sáng tạo đối với những hạn chế thời xã hội chủ nghĩa trong việc phát triển khu vực tư nhân. Những nguồn vốn tài trợ phi chính thức đã góp phần cho việc tăng trưởng năng lực sản xuất của Trung Quốc từ hàng chục triệu xí nghiệp tư nhân nhỏ và vừa. Trong khi đó các chính quyền địa phương cạnh tranh nhau để thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Khi Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới, nhà nước tập trung sự chú ý vào những cao điểm kinh tế trong các lĩnh vực chiến lược, chẳng hạn như tài chính, viễn thông, tài nguyên thiên nhiên, quốc phòng và vận tải.


Tuy nhiên, ngày nay, những hoạt động kinh tế này của chế độ đã mở rộng ra ngoài các lĩnh vực nêu trên. Bắt đầu từ năm 2013, chính phủ bắt đầu thông qua một loạt luật về an ninh mạng, tình báo quốc gia và bảo mật dữ liệu, trao cho chính quyền quyền lực rộng rãi hơn, đòi hỏi các công ty và cá nhân phải cộng tác với nhà nước về các vấn đề an ninh. Năm 2015, chính phủ đã mua cổ phần thiểu số trong khoảng một nửa số công ty tư nhân niêm yết trên sàn chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến. Trong những năm gần đây, Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã đầu tư rất lớn vào nền kinh tế Trung Quốc, thông qua các chương trình ​​trong đó có chương trình Made in China 2025, huy động vốn của chính phủ để hỗ trợ các lĩnh vực công nghệ tiên tiến, đặc biệt tập trung vào chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.


Cùng lúc, chính trị đã lấn át kinh tế. Các công ty đa quốc gia, trước đây được trải thảm đỏ chào đón ở Trung Quốc, giờ đây phải chịu áp lực chính trị nếu họ vượt qua lằn ranh của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Năm 2019, khi Daryl Morey, tổng giám đốc của đội bóng rổ Houston Rockets, tweet ủng hộ những người biểu tình ở Hồng Kông thì các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã tuyên bố rằng họ sẽ không phát sóng các trận đấu của đội này nữa. Hiệp Hội Bóng Rổ Quốc Gia (NBA) nhanh chóng tuyên bố không dính líu tới những nhận xét của Morey, nhưng điều này không đủ để xoa dịu Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Các trận đấu của NBA đã biến mất hoàn toàn khỏi những chương trình phát sóng của Trung Quốc cho đến năm 2022, khiến Hiệp Hội thiệt hại hàng trăm triệu đô la. Giới kinh doanh hàng đầu trong nước thậm chí còn bị đối xử khắc nghiệt hơn nếu họ dám chỉ trích chính phủ: một số bị bỏ tù, và sụ nghiệp những người khác bị tan tành.


Điều này đã dẫn đến việc lằn ranh giữa các công ty đảng–nhà nước và công ty tư nhân mờ nhạt đi, gây ra sự nghi ngờ sâu sắc của các nhà hoạch định chính sách phương Tây. Những người này lo rằng sự hiện diện không rõ ràng nhưng thường xuyên này của Đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ biến các công ty Trung Quốc thành những cơ quan chính trị ngầm. Trong khi các công ty tư nhân Trung Quốc trước đây tùng được ca ngợi là đã đóng góp chính trong việc giải phóng chính trị cho Trung Quốc, thì giờ đây, theo lời của Thượng nghị sĩ John Cornyn thuộc đảng Cộng Hòa,Texas, người đã bảo trợ cho một số biện pháp nhằm tách nền kinh tế Hoa Kỳ ra khỏi Trung Quốc, là “không có sự khác biệt thực sự” giữa một công ty tư nhân Trung Quốc và nhà nước Trung Quốc. Thay vì là lực lượng hợp tác với thế giới, các công ty Trung Quốc này được coi là những vũ khí tiềm ẩn.


Dựng Rào Cản


Khi nhận thức được mối đe dọa từ các công ty Trung Quốc, các quốc gia giàu có khác đã thiết lập biện pháp phòng vệ, quản lý nền kinh tế của chính họ với chú tâm về an ninh quốc gia. Mặc dù nhiều khu vực địa phương và nhóm lợi ích doanh nghiệp của họ vẫn còn đang khao khát vốn đầu tư, kể cả từ Trung Quốc, nhiều nước phát triển đang thành lập các cơ chế mới để sàng lọc dòng vốn đầu tư hay tăng cường những cơ chế hiện có. Mỗi tháng đều có những hạn chế mới với việc xuất khẩu tới các công ty Trung Quốc. Hoa Kỳ, lâu nay vẫn được coi là đứng đầu trong việc cổ võ tự do lưu thông tư bản và hàng hoá xuyên biên giới, giờ đây đang xem xét lại việc thiết lập những cơ chế đánh giá lại việc xuất khẩu —kiểm soát nguồn vốn và nhà đầu tư trên các công ty của Hoa Kỳ - để phòng ngừa lợi ích của Hoa Kỳ dính líu sâu và tuỳ thuộc vào các công ty Trung Quốc.


Những động thái này chủ yếu là phòng vệ và được thiết kế để ngăn chặn các doanh nghiệp Trung Quốc tới các phần quan trọng của kinh tế Hoa Kỳ. Tuy nhiên, một số sáng kiến ​​này có thể tự chuốc lấy thất bại. Ví dụ, Sáng Kiến ​​Trung Quốc của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, vốn tìm cách truy tố các gián điệp nằm vùng của Trung Quốc trong các trường đại học và công ty của Mỹ, có khả năng đã đẩy lùi một thế hệ các nhà khoa học tài năng của Trung Quốc đến Mỹ. Tương tự như vậy, việc tách khỏi Trung Quốc trong lĩnh vực năng lượng sạch bằng cách tránh các sản phẩm về năng lượng tái tạo và các công nghệ carbon thấp có thể gây hại nhiều hơn là có lợi.


Washington cũng đã hướng về mặt tấn công. Đạo Luật CHIPS và Khoa học, và các điều mục của Đạo Luật Giảm Lạm Phát, cả hai đều được thông qua trong năm 2022, thực hiện các bước chưa từng có trước đây để kéo việc đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên, bao gồm hướng sự tài trợ từ liên bang cho việc phát triển công nghệ. Những đạo luật này có sự tương đồng đáng kể với chương trình Made in China 2025 của Trung Quốc.


Trong khi đó, thái độ của Bắc Kinh chủ yếu là phòng vệ. Các nhà lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Trung Quốc đang hối hận về sự phụ thuộc trước đây của đất nước này vào các công ty nước ngoài trong việc sản xuất các sản phẩm quan trọng, bao gồm chất bán dẫn. Họ không muốn Trung Quốc phải mất những thập niên tới để sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng sơ cấp. Họ muốn dùng những công ty hàng đầu trong nước và công nghệ trong nước. Các chính sách của họ được phát triển để thúc đẩy sự tự lực. Dường như sự khôn ngoan của đường lối này đã được khẳng định khi Hoa Kỳ và các nước khác bắt đầu sử dụng ảnh hưởng của mình để cố gắng kiềm chế Trung Quốc và các công ty của nước này.


Nhưng đây không phải là đường lối của một chế độ sẵn sàng bước ra vũ đài thế giới một cách tự tin. Ngược lại Đảng Cộng Sản Trung Quốc –  với giới lãnh đạo luôn bị ám ảnh bởi những điểm yếu của mình, và sợ hãi trước sự khác biệt giữa phong cách kinh tế của mình và của các đối thủ cạnh tranh với mình. Cùng lúc đó, Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã chuyển từ một chế độ đáp ứng với đòi hỏi của người dân, dù còn thiếu tự do, sang một chế độ ngày càng dựa vào đàn áp và giám sát bằng kỹ thuật.


Cú Sốc Đến Hệ Thống


Người ta đã biết rõ hệ quả của “cú sốc Trung Quốc” về kinh tế: trong những thập niên đầu tiên khi Trung Quốc cải cách và mở cửa, một nền kinh tế lớn với chi phí lao động thấp nổi lên đã có một tác động sâu xa đến lao động sản xuất ở phương Tây. Ngày nay với việc ôm lấy chủ nghĩa tư bản đảng–nhà nước, phương Tây đang trải qua một cú sốc chính trị mới đối với Trung Quốc, khi các chính phủ bắt đầu dựng lên các rào cản đối với đầu tư từ Trung Quốc và khởi động lại các chính sách công nghiệp của chính nước họ. Một số phản ứng này có thể bền vững được, chẳng hạn như đầu tư vào các công nghệ quan trọng, miễn là ý chí chính trị vẫn còn đó.


Những phản ứng khác, chẳng hạn như mở rộng việc xem xét lại việc đầu tư ra nước ngoài, ít có cơ hội thành công hơn vì các nhà đầu tư sẽ liên tục tìm cách đi đường vòng, tạo ra một trò chơi mèo vờn chuột không hồi kết với các cơ quan giám sát.


Giống như những cú sốc dầu hỏa những năm 1970s và sự trỗi dậy của nền kinh tế tri thức những năm 1990, ngày nay việc Trung Quốc ôm lấy chủ nghĩa tư bản đảng–nhà nước đã tạo ra một thời điểm thay đổi chính sách chỉ có một lần trong một thế hệ. Các chính phủ phương Tây nên sử dụng thập niên này để xem xét lại vai trò của nhà nước trong nền kinh tế—và rộng hơn, các quy tắc của chủ nghĩa tư bản. Một số lựa chọn bao gồm các quy tắc cho việc hợp tác xuyên quốc gia xung quanh các tiêu chuẩn chung, sự cởi mở đối với thương mại và dòng vốn trong các lĩnh vực công nghệ cao và sự phụ thuộc lẫn nhau với Trung Quốc. Một số quốc gia đã đi các bước theo hướng này. Một ví dụ là Hội Đồng Thương Mại và Công Nghệ Xuyên Đại Tây Dương, một nỗ lực hợp tác giữa Liên Âu và Mỹ để thiết lập các quy tắc cho thương mại và công nghệ, nhằm giải quyết các hệ quả về an ninh quốc gia gây ra từ mô hình Trung Quốc.


Chắc chắn là khi Hoa Kỳ và các quốc gia khác xem xét lại cách chính phủ của họ có thể hướng dẫn tốt hơn cho thương mại xuyên quốc gia và sự cạnh tranh với Trung Quốc, sẽ nảy sinh xung đột với các đồng minh về các chính sách công nghiệp mới và sự thiết kế tốt nhất của các định chế quản lý thương mại và công nghệ. Nếu mỗi quốc gia hành động một mình để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình, sự thịnh vượng được tạo ra từ nhiều thập niên từ toàn cầu hóa có thể bị mất đi. Nhưng thách thức đặc biệt này của Trung Quốc đối với chủ nghĩa tư bản toàn cầu cũng tạo ra cơ hội để đánh giá lại các ưu tiên và giải quyết các lo âu về an ninh quốc gia.


Nếu được xử lý một cách cẩn thận, cú sốc chính trị này với Trung Quốc có thể là chất xúc tác cho một thời đại thịnh vượng mới và làm sáng lại tính hợp pháp cho chủ nghĩa tư bản xuyên quốc gia.


Người dịch: Mặc Lý

(01/2023)

Nguồn: https://www.foreignaffairs.com/china/new-china-shock