Home

THƯ NGỎ

Thứ Ba, 17 tháng 1, 2023

Đinh Quang Anh Thái: Những buổi tối trong căn nhà nơi con hẻm Thành Thái

1*


Tháng 11 năm 2012

Mùa Thu Nam California không có lá vàng. Nói đúng hơn, không có những cánh rừng lá úa vàng như các tiểu bang miền đông bắc.

Riêng công viên Một Dặm Vuông Mile Square Park tại Quận Cam, không khí chút se lạnh và lác đác chút lá đổi màu. Đạp xe lững thững lúc sáng sớm, hít thở không khí trong lành, vui cái vui với lá, với cỏ cây, với những chú sóc . . ., chợt bắt gặp nhà văn Doãn Quốc Sĩ.


Nhà văn Doãn Quốc Sỹ và nhà báo Đinh Quang Anh Thái

Tác giả Dòng Sông Định Mệnh đứng cạnh hồ nước, phong thái vẫn như ngày nào, chậm trãi, từ tốn, và nhất là nụ cười bật lên nét vui chào hỏi người quen.

“Bác nhớ rừng Michigan quá cháu ơi!” Bác nói, mắt nhìn người con trai Doãn Quốc Hưng đứng cạnh và bảo, con hỏi anh Thái xem Cali có cảnh nào lá vàng không, đưa bố đi thăm Thu.

Gặp bác Sĩ, lại nhớ đến những ngày nơi căn nhà của bác ở đường Thành Thái – Quận 5 Sài Gòn, lúc hai bác cháu, người trước, kẻ sau, vừa thoát cảnh tù. Nhớ những bữa cơm chiều đạm bạc trên căn lầu nhà bác, kẻ sinh sau đẻ muộn này được học những kinh nghiệm quý giá của bác, của tác giả “Áo Mơ Phai” Nguyễn Đình Toàn, của tiếng hát đọng hồn người Duy Trác, và của người viết nên tập thơ bất hủ “Tôi không còn cô độc” Thanh Tâm Tuyền.

Nhớ những người đến rồi ra đi vĩnh viễn, các huynh trưởng thanh niên Lê Đình Điểu, Trần Đại Lộc, Ngô Mạnh Thu …; những người còn ở lại, vẫn tiếp tục viết và vẫn vang vang hát như Trần Quang Lộc …

Nhà văn Doãn Quốc Sỹ



Bác Doãn Quốc Sĩ gái vừa mất. Nhìn bác trai đơn độc một sáng mùa Thu, chợt nhớ vô cùng bác gái, nhớ câu vỗ về của bác năm nào dành cho đứa cháu mới ra khỏi tù chưa thoát khỏi những ám ảnh của một thời nghiệt ngã vừa qua.

2.


Ra khỏi nhà tù T30 Chí Hòa với lệnh tạm tha và mỗi ngày phải trình diện công an phường lúc 7 giờ tối, sau đó không được ra khỏi nhà cho tới 7 giờ sáng hôm sau, tôi như một con thú bị trúng thương, mỗi lần đi ra ngoài, nhìn trước nhìn sau, lo cho mình và ngại cho những người mình giao tiếp.

Một trưa ăn bữa cơm ở nhà anh Ngô Minh Thu, nhìn bầy con 8 đứa của anh quây quần quanh mâm cơm đạm bạc, tôi cảm được cảnh nghèo túng của một huynh trưởng Du Ca suốt đời tận tụy dấn thân và hết sức giữ gìn nhân sách trong sáng.

Câu chuyện nhắc tới những người vừa thoát khỏi cảnh tù đầy, anh Thu bảo, “anh Sĩ về rồi và nhà anh bây giờ là nơi gặp gỡ thường xuyên của những ‘người cũ’ nên chắc chắn không thoát khỏi sự dòm ngó của công an. Thái có đến thì giới hạn thôi và phải cẩn thận”, anh Thu nhắc tôi.

3.


Bác Doãn Quốc Sĩ, một tên tuổi lẫy lừng từ thủa tôi chưa sinh ra đời. Thời còn là một đứa bé học trung học, tôi đã say mê “Khu Rừng Lau”, “Người Đàn Bà Bên Kia Vỹ Tuyến”, “Chiếc Chiếu Hoa Cạp Điều”, “Vào Thiền” …của nhà giáo, nhà văn được ngợi ca là “người hiền” này.

Đọc tác phẩm của bác, mê văn bác từ nhỏ, nhưng tôi nghĩ sẽ không có vinh dự được hầu chuyện bác. Nhưng nhờ thuận duyên, tôi được huynh trưởng thanh niên Trần Đại Lộc đưa đến thăm bác.

Căn nhà của tác giả “Người Đàn Bà Bên Kia Vĩ Tuyến” nằm trong con hẻm ở đường Thánh Thái. Ấy là tên trước 1975, sau 75 “bên thắng cuộc” đổi thành An Dương Vương. Nhà anh Lộc băng qua đường là đến nhà bác.

Buổi đầu tiên được hầu chuyện bác, tôi cảm ngay được nhân cách hiền hòa, kín đáo của bác. Bác chừng mực nhưng không xa cách. Bác đôn hậu nhưng không vồn vã. Đúng cung cách “Quân Tử Chi Giao Đạm Nhược Thủy”, tình cảm thâm trầm, lắng đọng vào bên trong, không sôi nổi, bộc lộ ra ngoài.

Bác hầu như không nói về mình mà hỏi han người đối diện là chính: “cháu bị bắt năm nào, tại sao, cảnh tù chắc đói khổ lắm”…bác hỏi cứ y như thể bác không hề biết đời tù ra sao – dù bác đã trải nhiều năm (và nhiều lần) trong nhà tù cộng sản sau 1975.

4.


Quả như anh Ngô Mạnh Thu nói, căn nhà trong ngõ hẻm Thành Thái là nơi quy tụ toàn “người cũ”. Các văn nghệ sĩ như Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Đình Toàn, Duy Trác…; những người từng giữ chức vụ trung cấp thời Việt Nam Cộng Hòa như Lê Đình Điểu, Trần Đại Lộc, Nguyễn Phong Châu, Trương Minh Cường…

Và đông nhất là những người thuộc lớp con cháu của bác, đa số là bạn của các con bác. Nhóm trẻ này lập “Hội Ca Cầm” với con chim đầu là anh Trần Đại Lộc. Trước Tháng Tư 1975, “Anh Hai” Lộc từng là giáo sư dạy trung học, huynh trưởng phong trào hoạt động thanh niên và chức vụ cuối cùng là đại diện Dân Vận Chiêu Hồi của 16 tỉnh miền Tây. Anh bị tù “cải tạo” gần 3 năm, về, vẫn xem thường kẻ thù, anh hướng dẫn Hội Ca Cầm hát những bài “nhạc vàng” bị chế độ cấm đoán. Và anh theo lời chỉ dẫn của bác Sĩ, hướng dẫn cho đám trẻ về kiến thức của “những chân trời tự do” vì “các em vừa lớn thì đất nước rơi vào cảnh bị bưng bít tứ bề.”

Có những buổi tối, Hội Ca Cầm xếp ghế “như rạp hát” ca hát, trò chuyện, thảo luận với nhau làm tôi “rét”. Tôi không tin là đám công an phường không dòm ngó vào các buổi sinh hoạt này.

Có những buổi tối, bác Sĩ bảo tôi ngồi chung nghe chuyện của các bậc cha anh trong đó có anh Nguyễn Đình Toàn, anh Thanh Tâm Tuyền, anh Duy Trác. Biết phận mình là thế hệ con em, tôi chỉ lắng nghe để học hỏi. Nhưng bác Sỹ tế nhị lắm, bác tránh cho tôi bị lạc lõng nên khơi cho tôi nói về suy nghĩ của một người trẻ đối với những gì đang xảy ra trong xã hội. Bác đặc biệt chú ý việc tôi có dính “xa gần” tới vụ nổ Hồ Con Rùa năm 1976. Hồ Con Rùa là cách gọi dân dã, nằm gần trường Đại Học Luật ở Sài Gòn, còn tên chính là Đài Tưởng Niệm các binh sĩ đồng minh hy sinh trong công cuộc bảo vệ miền Nam.

Với các bạn văn nghệ kém bác ít tuổi, bác cũng chừng mực, điềm đạm khi thảo luận. Có lần tôi xin phép bác và các anh nêu câu hỏi: Việt Nam trải qua một cuộc chiến đẫm máu, tàn khốc với kết cuộc buồn đau như vậy, tại sao chưa có tác phẩm lớn ngang tầm với các nhà văn thế giới đoạt giải Nobel Văn Chương?

Lời góp ý của bác với các anh Nguyễn Đình Toàn, Thanh Tâm Tuyền, Duy Trác là, có lẽ phải cần một thời gian để vết thương chiến tranh lành miệng, từ đó những người cầm bút mới lắng lòng nhìn lại tháng ngày qua để có các trước tác tầm cỡ quốc tế.

5.


Tháng Tư 1984, tôi đang đạp xe đạp lớ ngớ trên đường Trương Minh Giảng thì gặp chị Trần Thị Thức, chị Thức bảo, em trốn ngay đi, những người được thả về cùng đợt với em đã bị bắt lại từ đêm hôm qua.

Chị Thức là vợ của tù nhân lương tâm Đoàn Viết Hoạt. Hai anh chị đều học Mỹ về và dạy tại Đại Học Vạn Hạnh trước 75. Anh Hoạt bị giam cùng phòng 10 khu BC trại T30 Chí Hòa với tôi.

Nghe lời chị Thức, đêm đó tôi không về nhà, không trình diện công an phường và nhắn cậu em út rằng tôi trốn tại “chỗ này, chỗ này.” Quả thật, sáng hôm sau, cậu em cho người nhắn, công an ập vào nhà lúc 3 giờ sáng.

Dĩ nhiên tôi thoát.

Trước tình cảnh đó, anh Trần Huy Phong, anh họ chị Thức và là giáo sư Phụ tá Trưởng Môn Vovinam bảo tôi, Thái phải đi, và nhắn anh Sỹ là anh để anh Sỹ đi không lấy tiền.

Tôi nhắn Doãn Quốc Thái, con trai trưởng của bác Sĩ, đưa bác đến “chỗ đó, chỗ đó” để tôi thưa chuyện với bác. Trong con hẻm ban ngày làm nơi họp chợ, “đi về ai nhận ra ai”, tôi thưa với bác về thiện ý của anh Phong. Bác từ tốn bảo, cháu cám ơn anh Phong giùm bác, nhưng bác không đi, bác tin vào tương lai sáng sủa vì đã “xuất hiện đài phát thanh phục quốc của ông Hoàng Cơ Minh.” Bác còn bảo, chị Thanh con gái lớn của bác đang ở Úc và bảo lãnh cho bác nhưng bác nghĩ cục diện sẽ thay đổi nên không chắc bác sẽ đi.

Vài ngày sau, Thái nhắn tôi, bác muốn tôi đưa bác đi gặp anh Phong. Thế là tôi đưa bác cùng Doãn Quốc Thái đến căn nhà trên đường Trương Minh Giảng để gặp anh Phong và chị Thức. Bác tỏ lòng cám ơn anh Phong, nhưng nói, anh thương thì cho cháu Thái đi. Anh Phong hết lời thuyết phục nhưng không lay chuyển được ý của bác. Cuối cùng, anh Phong bảo, anh đi thì bọn em không dám lấy tiền nhưng cháu Thái đi thì xin đóng cho một cây vàng để bọn em trang trải tiền bãi bến, xăng dầu.

*

Con tầu số hiệu SS 1122 đi thoát mang theo hai Thái.

Ngày cuối cùng đành đoạn phải dứt áo ra đi, tôi nhờ Thái nhắn với cô bạn đưa giùm mẹ tôi cho tôi gặp tại “chỗ đó, chỗ đó”. Cả đêm tôi không ngủ được, chỉ mong tới sáng được ôm mẹ lần chót vì lần đi này không biết có còn cơ hội gặp lại mẹ không?

Rạng sáng hôm sau, ngày 2 Tháng Năm 1984, tôi đang ngồi chờ ở điểm hẹn thì Thái hớt ha hớt hải xuất hiện, nói bố bị bắt đêm qua rồi. Tin dữ này làm tôi sợ, không dám đến điểm hẹn để gặp mẹ tôi.

Tôi qua Mỹ định cư được ba năm thì mẹ tôi mất. Lúc đó tôi từ Mỹ về Hongkong và làm việc thiện nguyện trong các trại tỵ nạn.

Nhớ mẹ, tôi cũng nhớ bác Sĩ gái. Bác hiền hậu y như bác trai. Tôi tin rằng, hai bác sinh ra để tìm đến nhau, tìm nét dịu dàng, đôn hậu của nhau. Bác gái biết chuyện tôi “vuột mất một người” lúc tôi còn trong tù. Tôi còn nhớ, một buổi tối, lúc Hội Ca Cầm quây quần hát bên nhau, thấy tôi lặng lẽ, bác đến ngồi bên, nhỏ nhẹ nói, thôi cháu ạ, không thuận duyên, cháu đừng buồn nữa. Bác gái đã đến đúng lúc như một bà mẹ đến bao bọc một đứa con. Tôi đã phải quay đi tránh bác nhìn thấy nỗi thương cảm đang chực trào lên mắt.

*

Các con bác Sỹ, chị Thanh bằng tuổi tôi, chị vượt biên và định cư bên Úc trước khi tôi ra tù nên tôi chưa được gặp; còn Khánh, Liên, Thái, Vinh, Hưng, Hiển, Hương, thân tình với tôi như anh em. Riêng với “Út Hương” có một kỷ niệm thật thú vị: Những ngày đến căn nhà ở con hẻm đường Thành Thái với tâm trạng thấp thỏm lúc ở lúc đi, Út Hương có dặn tôi, anh đi thoát ráng làm cách nào nhắn về cho cả nhà biết bằng câu thơ của Khê Kinh Kha mà nhạc sĩ Du Ca Nguyễn Hữu Nghĩa phổ thành nhạc  
“Anh sẽ về dù đêm không cùng hay mất hết người thân yêu, cho em không còn, cho chim về xa, sẽ gắng quay về chết nơi ra đời”.

Sau sáu tháng tạm dung trên đảo tỵ nạn Galang, chân ướt chân ráo tới Mỹ, một nhà báo ban Việt Ngữ Đài VOA biết tôi vừa thoát khỏi Việt Nam và tôi biết về chuyện bác Doãn Quốc Sỹ bị bắt nên tìm tôi phỏng vấn. Câu chót, nhà báo hỏi tôi có muốn nói gì thêm không, tôi xin được hát “Anh sẽ về dù đêm không cùng hay mất hết người thân yêu, cho em không còn, cho chim về xa, sẽ gắng quay về chết nơi ra đời”.

Năm 1995, bác Sĩ và bác gái sang Mỹ định cư do Doãn Quốc Thái bảo lãnh năm 1995. Mười một năm sau, 2006, cả nhà mới sang sau. Gặp “Út Hương”, cô em có chiếc răng khểnh nói, ở nhà lén nghe VOA, biết anh hát nhắn về, cả nhà vui lắm.

*

Tác giả “Chiếc Chiếu Hoa Cạp Điều” vừa được đồng môn sư phạm, bạn hữu trong giới cầm bút và học trò mừng sinh nhật 100 tuổi. Nhìn bác mặc chiếc áo the thâm, đầu đội khăn đóng, cặp mắt tỏa nét thật hiền, ngồi thẳng lưng ngay ngắn, tôi trộm nghĩ:

BÁC DOÃN QUỐC SỸ QUẢ LÀ MẪU NGƯỜI TƯỢNG TRƯNG CHO CHÍNH KHÍ VIỆT./.

Đinh Quang Anh Thái, Cali 6 Tháng Giêng 2023

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét