Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023
Cung Tích Biền: Tân Truyện - Một thời nên vắng mặt
“MỘT THỜI NÊN VẮNG MẶT”, Tân Truyện của nhà văn CUNG TÍCH BIỀN, VĂN HỌC PRESS xuất bản năm 2021.
Bạt:Nguyễn Vy Khanh – Đặng Thơ Thơ – Lê Hữu
Tranh bìa:Hoàng Thị Kim
Thiết kế bìa:Hubert Phan
Sách được bán trên BARNES & NOBLE
Diễn Đàn Thế Kỷ xin trích đăng 4 chương đầu của tác phẩm này.
MỘT THỜI NÊN VẮNG MẶT
một
Lời âm u khói núi
Hãy rộng lòng với tôi những điều tôi đã nói.
Hãy hiểu cho tôi những điều tôi chưa nói.
CTB
Gọi rằng, tập thể những con người có-mặt-chúng-tôi, là một khu rừng. Rừng rú ấy non thế kỷ qua chỉ toàn cây trái độc. Cây này tỏa chất/khí độc làm tàn héo cây kia. Cây nọ rụng trái/giống độc xuống làm què quặt mầm non khác.
Cuộc anh em choảng nhau kịch liệt đang tới hồi cực điểm. Vừa mấy tháng qua là cuộc chơi nhãn hiệu Tết Mậu Thân. Một cuộc nhang khói quanh co, lẫn ngậm ngùi.
Quanh co, vì suy tới nghĩ lui vẫn ngần ấy nội dung tranh chấp. Có khi tới trăm năm cũng chỉ vậy. Có khi rối mù, tàn tật trí não hơn.
Ngậm ngùi qua-về, vì cái nôi mẹ ru con có giới hạn quá hẻo. Mẹ ru tuổi thơ. Tuổi lớn, tụi con chúng tự tính sổ với nhau. Bên này bên kia một lũy tre, cách một bờ mép chiến hào, qua một màn sương bờ lau sậy, vẫn ngần ấy anh em.
Cha lăn đùng rồi, có anh con cầm dao găm thay. Cha già nua, có anh con thông minh hơn nói hộ. Vẫn ngần ấy nội dung, ông cao từng nói, ông cố đã nói, ông nội từng khẵng định, cha của mình có bổ sung, tới mình thay mặt Buổi-hôm-nay, nói, phải đúng bon vậy. “Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.
Tôi ngồi rất lâu trong đêm thâu. Nghĩ về khói hương một ngày đầu năm mới. Những đóa hoa sẽ nở trong mùa xuân tới.
Người ta đồn rằng có những bà mẹ còn ôm cuốn kinh Phật trong lòng tay, và nhiều em bé còn mang theo món đồ chơi quà tết cha mẹ cho trước khi tử nạn.
Con bò gặm cỏ trên cánh đồng tháng giêng, bầy chim đậu trên mái ngói thành phố, lũ khỉ nhảy nhót trong rừng xa, khe suối bỗng đổi màu nước, tất thảy, chẳng thể nào đứng ngoài cái dấu ấn có tên gọi Mùa-Xuân-1968.
1968. Tỉnh điên, Điên tỉnh.
Mặt thật mặt giả nhìn nhau là rất lẫn lộn giả thật. Có những cái mặt nạ to bằng cánh đồng cỏ. Có những cây cầu quê nhà giống như con rít vô tận nhiều chân khủng long bị bom mìn chặt làm ba bốn đoạn. Màu sắt da hoen rỉ, gọi đó là màu máu khô cũng không sai mấy.
Dòng nước chảy chân cầu chia đôi Nam-Bắc, trong vắt, không hề bên này màu nước vàng, bên kia đỏ. Chỉ con người vu oan cho nó việc phân tranh. Chỉ ồn ào va chạm ngỗn ngang, trong lòng người hoang mang trì độn. Nói chung vạn vật nơi đất nước tôi cư ngụ, lúc này, như đồng loạt đầu thai vào một đám côn trùng.
![]() |
Nhà văn Cung Tích Biền |
1968. Đây cũng là thời, tôi, một con tốt trên bàn cờ, trà trộn trong cuộc phân tranh. Cuộc chiến, ngay cái tên gọi đã không mấy vui. Rất hao phí sức khỏe, ngay cả những con người vốn ghét kỵ chiến tranh.
Đang có một nguồn bấn loạn đại đồng lớn rộng từ Nam Quan tận Cà Mau, đánh phá nhiều hệ thống tâm não. Tôi, một thành phần rất lăng nhăng nhưng không thể vắng mặt chỗ đầu tên mũi đạn. Đôi khi thảnh thơi nghĩ: “Nếu thiếu vắng mình, cuộc chơi sẽ thiếu khăn tang.”
Nếu chúng tôi tìm mọi cách để ra khỏi cuộc chơi - trốn lính hoặc đào ngũ chẳng hạn - các xưởng sản xuất chân nhựa, nạng gỗ, răng giả, tròng mắt nhân tạo và đủ thứ lộn xộn lẫn vân vân, sẽ đồng loạt ế ẩm.
Trong cái vị trí rối rắm không lối thoát, giữa dòng đời ngụ cư trồi lên thụt xuống phình ra hẹp vào, chìm nổi chẳng theo quy luật nào, tôi luôn thiếu một điểm tựa, luôn thất lạc. Có một thời, mọi người xem tôi là một thằng điên.
Tôi khoái cái xác định rất đúng bon lại rất mơ hồ này. Qua một thời nghi hoặc, âm u tự cằn nhằn tra vấn, tôi cầm chắc mình là một-người-điên.
Thế là tự liệt mình vào hạng ưu tú, không thua ly tấc nào so với các bậc điên tà rực rỡ khác; những người cực thân ái, tôi từng sống gần, thân thiết gối chăn, cùng nhìn mảnh trăng khuya, cùng ngáp khi đói bụng.
Vì sao và từ đâu. Do đâu mà vô tận khởi đầu. Những bất tận người điên đã ngao du ra chốn lang thang. Từ cái hang hoang rỗng kiếp đời. Chỗ hạn hẹp não thùy, tiên thiên hao hụt. Hay vì cảm thương mà chết đứng dưới lồng lộng một cõi trời, một bát ngát cõi đời. Hoặc vì núi cao sông rộng, con bướm lũ chuồn chuồn, bị che phũ bởi ngụy trang, đeo mặt nạ ngay thì.
Chỗ cần cổ đại-phu-nhơn nọ vòng xuyến rắn bò quanh. Tựa cái đồn lũy óng ả nòng súng vòng kẻm gai vòng tròn bảo trợ. Vong xuyến ấy, đoàn người rồng rắn dòng sông mượt, cây cầu đau chia cắt Băc Nam. Những ổ vít lộ thiên móc nối sàn gỗ mặt cầu, là bọn trái độc đang nẩy mầm.
Viết bậy bạ thì chẳng nên. Nhà văn mà! Lỡ được đời gọi vậy. Trầm trọng và u mê hơn, chính mình cũng tưởng mình là vậy, nhà văn!
Nhưng không viết những chuyện tầm thường bậy bạ tâm linh cốt tủy, gọi bừa vậy, không viết những chuyện bá láp tạp nham thấp cao trí huệ, tôi chẳng biết viết gì. Tôi rùng mình lạnh toát chợt nghe. Một hồi chuông chiều, từng nhát búa đóng đinh. Đóng đinh rỉ máu hồn. Đóng đinh hài cốt, mẹ đẻ của tro than.
Tôi không chờ đợi một ai.
Lâu quá, chẳng một ai trở về.
Muốn tìm một việc khác dù bâng quơ vô vị để làm, giết thời gian mà, nhưng nghĩ chẳng ra việc gì. Nên ngồi viết chuyện điên tà, khùng ngây quanh quẩn, quanh đây lẫn đó đây. Có ai ngồi đợi con đò chỗ bến sông. Bên kia sông một trận chiến vừa tàn.
Khùng ngây điên tà quanh quẩn, trồi sụt chót vót đỉnh cao mây trắng xuống tận đáy hầm sâu tai vạ, là tôi, chỉ một tôi dần dà mất trí, đầm đầm cõi mơ ngày, say cười với nắng về khuya.
Một người điên cầm bút ngu ngơ bàn luận về điên ngây tà khùng, hẳn là một tên người chẳng chuyên nghiệp tí chút về căn bệnh này. Chẳng hiểu biết quái gì. Viết liều, kiểu ném lựu đạn không hề biết rút chốt an toàn. Hắn, chưa một lần rúc vào y học đông tây, trong việc học hỏi, thẩm duyệt, nghiệm xét tận tường gốc rể qua nghìn trang sách, trăm người bệnh. Nhưng ai cấm một người điên viết. Cầm con dao rạch toát thịt da đùi vế chính mình mà không thấy đau, lại cười nhăn răng đười ươi kia mà.
Hắn chỉ viết theo lời dạy của vị Thánh Điên, vị Thần mất trí, mà hắn từng gặp gỡ, từng sống chung. Sự hiểu biết thần linh, rung cảm quỷ ma, trong hắn, là khởi từ man man mùi hương giống cái nó ngửi. Mùi mồ hôi chị. Mùi kinh nguyệt nàng. Tiếng khóc của mặt trời khi rơi rụng trên đầu núi chiều hôm. Bóng tối sẽ ăn tươi nuốt chửng mày.
Không làm được việc gì, không viết được cái gì, chẳng được súng đạn gươm đao mau chóng mang xuống lỗ, chỉ là đứng/ngồi/nằm/ triền miên thủ dâm, giao cấu với ươc mơ, cũng là cách chết. Loại chết này giống cái sống của một con vi trùng.
Hôm nay hẳn còn, đâu đó ngai vàng. Nhà vua có quyền uy, “Ta đứng nơi chót vót này để Cởi truồng”. Trong cái thế múa may của một dân đen hạng đen thui nhất, Tôi sẽ đầy lòng ca ngợi mình bằng cách, trên trang giấy trắng rùng rợn này, tôi cởi-truồng-tâm-não.hai
chuyện của châu chấu
Thuyên, một sinh viên đang học năm thứ hai trường văn khoa phát bệnh điên. Cha mẹ, em gái, bà con, nói chung những kẻ xót xa theo văn nghệ cổ điển, “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, đưa anh tới bệnh viện tâm thần. Một bác sĩ chuyên ngành khám nghiệm rất mực chuyên môn, có ăn tiền khám bệnh rất bạo, rồi ghi giấy chứng đường hoàng:
“Bệnh nhân điên này rất không bình thường, nguyên nhân vì mấy sợi dây thần kinh. Sợi lớn làm nhiệm vụ của sợi nhỏ, sợi nhỏ lại đảm đang nghĩa vụ của sợi lớn. Đẻ ra một trận nhiễu nhương khôn cùng.
“Bọn thượng-thần-kinh ôm đồm loạn xạ sự việc. Thay vì điều khiển não bộ phát ra Sự-Khôn chúng đưa ra Sự-Ngu, hoặc Sự Điên. Thay vì lòng dạ thấm nhuần điều thương-yêu, chúng đong đầy những âm mưu hại-người. Bọn tĩnh mạch điên khi làm cả việc của động mạch, luôn đưa máu đen từ tim trở ra nuôi cơ thể. Bệnh nhân này vừa điên lại mỗi ngày nguy kịch cái nhơn mạng, vì máu đen luôn có, trong động mạch.
“Muốn lành bệnh, phải làm Một-cuộc-đại-cách-mạng-thần-kinh cho bệnh nhân. Một cách mạng toàn triệt. Nghĩa là, bệnh nhân phải được tổng-giải-phẩu, tháo rời, để định hướng, tái-cấu-trúc-hệ-thống dây nhợ toàn thân. Nghĩa là, phanh phui, triệt hạ, phá hủy toàn cái Hệ Thống đang có. Bắt đầu cắt ráp nối dán lại, một cách phân minh, bình đẳng dây nhợ. Bọn thần kinh phải được phân quyền, và phân trách nhiệm đâu ra đó”.
Bà mẹ cầm cái giấy chứng, rối rít cảm ơn bác sĩ. Ngay lúc, người cha của bệnh nhân, gọi trân trọng là thân phụ, nổi đóa:
- Bác sĩ, đù mạ mày điên vừa thôi.
**
Nghĩ rằng chỗ chùa chiền có thể ban cho con trai mình phép thuật rời bỏ được tà ma, rằng, tụng “nam mô” riết củ kiệu, ắt mang lại “Sự bình an cho bọn dây thần kinh đang cơn trục trặc”, nên người mẹ, gọi thân ái là thân mẫu, đưa Thuyên tới một ngôi chùa để chữa bịnh.
Thuyên gặp Đạo Bà, thủ lĩnh chùa. Đạo Bà là một nhà theo trường phái kết hợp âm-dương đông-tây khác xa vị bác sĩ chuyên trị tâm thần kia.
Nữ Sư phán rằng:
“Đạo hữu này phải được sống chung dài lâu với một con vật. Để tự thức dạy bảo. Bấy lâu Nhà ngươi quên rằng mình là …một con người. Muốn trở thành một con người hoàn hảo, không có chi khác hơn, là để con vật nó cai trị”.
Thuyên hân hạnh được ở chung với một con gấu trong cái chuồng sắt to rộng. Đương nhiên được cách ly sơ sài giữa con người với con vật bằng cách chia hai phần cái chuồng bởi một tấm lưới sắt, bên này thấy rõ bên kia. Ấy là từa tựa, Ta đang chia đôi sơn hà qua cái sông Bến Hải vậy. Nhờ vào dòng nước cùng sóng sông trôi nhẹ nhẹ, rất ư thơ mộng lẫn lạnh lùng, làm bờ rào ngăn cách súng đạn hai bên.
Bấy giờ, hai bên ranh giới chia cắt trong cái chuồng sắt, nảy ra một sự mất quân bằng. Bên người bên vật. Con vật này to bự hơn con người. Nếu vượt qua cái lưới ngăn chia, gấu có thể xài Thuyên như con mèo xử con chuột, nếu nó muốn.
Thuyên bên này, luôn sống bên cạnh sự hăm dọa, trong cái-sẽ-muốn của con vật. Đi theo từng hơi thở con người, là luôn thoi thóp chờ đợi, một-hôm-nó-sẽ-xử-tới-mình.
Đạo Bà an nhiên, lại bảo:
- Muốn trở thành một con người hoàn hảo, không có chi khác hơn, là để con vật nó cai trị”.
Đó là bài học làm người.
**
Biết mần thơ, ưa ngắm trăng, một đêm trăng rằm huyền rỡ Thuyên dùng lưỡi dao bén cứa vào động mạch tay phun vọt máu, một cách tự tìm con-đường-ngắn-nhất để leo vô niết bàn.
Dù vậy Thuyên vẫn lưu lại cho đời một tập thơ. Chữ viết nghêu ngao trên giấy vở học trò, nhiều tờ bị Thuyên vò nhăn nhúm. Người chị gái rất thương yêu em, cô nhặt đó đây, vuốt thẳng từng tờ, trân trọng từng nét chữ.
Tôi hân hạnh có được thi phẩm này. Nội dung khá lạ, có khi cả những ngữ từ không thanh tao khi tác giả giận đời.
Tôi là kẻ lạ, với dòng thơ của Thuyên. “Có thể vì hệ-thống-tư-tưởng-điên của tôi khác xa với ý-thức-hệ-điên của Thuyên, dù hai đứa từng sống đầm đìa trót nghìn năm trong ngôn ngữ Việt.”
Nơi xứ sở tôi ngày ngày thường ăn uống đi lại mộng mơ, thông thường có khi một gã này tận dụng lòng thành nói ra từ cửa mồm những lời thân ái, nhưng đứa kia muôn năm chỉ nghe bằng cái đầu gối. Thi ca chưa ra khỏi số phận này. Chưa có nghiên cứu khoa học nào cho thấy cái đầu gối con người rất nhạy cảm với thơ.
Tiện bề xin chép ra đây vài bài thơ của Thuyên Cũng như tôi, Thuyên, một số mệnh cảm hứng trong Chuồng, sáng tác trong Chuồng, và không hề Chết ở ngoài cái Chuồng.
Lời Màu
1
1968
tôi sống trên đất này
một cọng rạ khô
bị cắt đi phần thân vàng hạt lúa
cánh đồng tháng chín
đêm mặt trời thay trăng
2
tôi cây sầu đông
không may trong thành phố
hằng đêm nhìn con đường chết
những ô cửa mắt trống
em treo mình trên giá áo
3
hãy đến cùng tôi
cô gái từ nắng
cô gái từ tiếng chuông
sao Hôm hiện ra trăng non
tình yêu lòa nhòa mũi dao
hãy hôn tôi nỗi đau
hãy ôm tôi chuông chùa
Lời của Hình
1
1968
nhìn thời sự
đầu tiên là những nhà sư
làm xiếc thật tài tình
đi dây và nhào lộn
bỏ con chim cú vào cái chuông
hóa ra con chim câu hòa bình
ném cây gậy xuống đường
hóa ra đám người biểu tình phố thị
đàn rắn đi quanh quất
nam mô nam mô
2
tôi rộng như biển
chứa một hạt nước vô hình
ôi máu ơi
em thời thượng
màu nắng hóa trang anh.
ba
buồng trứng
Thần nữ của mùa Xuân.
Đầu năm 1965, tại Miền Nam là chấm dứt thời kỳ cố vấn Mỹ ít ỏi, chỉ lai rai, lác đác ở một số cơ quan hành chính và các đơn vị quân đội, để bắt đầu một cơn hồng thủy trào lộng, tràn ngập lính Mỹ khắp Miền Nam Việt Nam.
Đây cũng là cái cớ để Đàng Ngoài tạo mênh mông khói lửa thương tật hoạn nạn chết chóc ly biệt nhau, cho Đàng Trong.
Quân Đỏ nhiều thì quân trắng Mỹ phải lênh đênh Thái Bình Dương tràn lên bờ biển quê ta, sao cho nhiều, súng đạn bom mìn Đồng minh càng tăng gấp bội.
Quốc tế âm mưu đã dạy rõ. Đồng ruộng nhiều sâu rầy, ta dùng nhiều thuốc trừ sâu. Đồng ruộng thừa thuốc trừ sâu, thay vì giảm thuốc, ta cần thiết tăng thêm... sâu rầy. Để giải quyết số thuốc thừa. Hai thứ này luôn phải cân bằng để lai rai xài nhau. Ấy là cái sân khấu trình diễn. Thực tế trào máu họng, luôn được phủ mịn màng tư tưởng cỏ xanh. “Chúng tao tạo ra súng đạn, tàu bay xe tăng, lung tung thứ, để tế cha chúng tao hà?”
Bãi biển đầy da trắng, đèo cao ngập lính đỏ. Bên xài bom đạn như mưa, bên xài xác thân người như củi.
Binh đoàn chiến đấu đầu tiên của Mỹ đổ bộ vào bãi Non Nước, Đà Nẵng. Về sau là thêm vô biên đơn vị của mọi sắc lính, mọi sắc da trắng đen vàng, Thái Lan, Đại Hàn, Phi Luật Tân, Úc, Tân Tây Lan. Khắp nơi trại lính, đồn bót, bãi mìn, sân bay.
Có những nơi số súng nhiều hơn số dân cư ngụ. Số đạn bom mìn thì không đếm xuể, chấp dân số Việt Nam vài chục lần. Đầu một anh An Nam đội vài trái bom nổ có dư. Có những con người chết queo, số đạn ghim vào người nhiều hơn số xương sườn xương cụt.
Xe chuyên chở nhà binh, xe tăng, xe pháo, xe vận tải bốn bánh, sáu bánh, tám bánh, thậm chí mười bánh, mười bốn bánh, tổng số xe cộng lại là nhiều hơn bất cứ loại xe dân sự nào.
Tổng số lính ngoại quốc, lính Việt Nam, gồm chính quy, bán chính quy, bán quân sự …vân vân, là nhiều hơn số sinh viên học sinh đang cắp sách tới trường, là gấp chục lần số phụ nữ đang có bầu, so sánh cùng thời điểm.
Chết rất hăng hái, mà làm tình sợ có con.
Hiện tình lại mong các bà mẹ đẻ ra cho đủ tay chân mình mẫy tốt tươi, để điền vào số đã toi mạng bởi nhiều lý do vì chinh chiến.
Tài liệu thống kê hiện hình Việt Nam trên đây là của bọn điên cung cấp, như tác giả người Cõi trên này chẳng hạn. Có thể thiếu chính xác một trăm phần trăm. Đọc cho vui, không nên nhặt ra làm tài liệu nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam, hoặc mang ra giảng dạy tại các học đường.
**
Nói về điên cũng là một cách bàn về cái thời cuộc chẳng mấy bình thường lúc này.
Hồng, cô gái khi tỉnh khi điên. Một thời, nàng luôn quanh quẩn gần một trại lính viễn chinh. Có nhan sắc, có lần Hồng bị bọn bên kia trái đất cưỡng hiếp.
Có cái lòng thương của trời đất luôn bảo vệ sinh linh trong tận cùng bọn nữ, bọn mặt trăng ấy. Hễ là khi không may rơi tỏm vào chỗ điên, điên chuyên nghiệp hoặc điên tài tử, điên trọn đời hay điên theo thời vụ, người nữ ấy thường là khó thể thụ thai.
Mà lỡ khi bị mang bầu thì hết điên một thời gian. Bọn vi trùng, vi rút mầm bệnh điên biết điều rút lui, nhường trận địa cho tinh trùng hồ hởi phát triễn. Đẻ con rồi, thì trở về bệnh cũ, điên lại.
Tử cung là cái âm vực nhiều huyền nghĩa, cực tôn nghiêm bí ẩn, nơi thay Trời và Đất để sản-suất, rồi đóng gói bao bì, in ngoài màu sắc, có tên gọi món gì, để một-thằng-người” vào đời, như anh và tôi, em và chị, như ông tổ tông trước kia, và những bà ông nghìn sau.
Nhưng Hồng điên là ngoại lệ, có bầu một cách âm u. Uể ỏi màu nắng của bão sót. Hôm lâm bồn nàng đẻ con trong một chùa sư nữ. Chiều đó, nàng mệt và đói quá, vào chùa ăn nhờ bữa cơm chay, tráng miệng một trái chuối. Đẻ. Tặng lại chùa đứa con máu đỏ. Các nữ tu nuôi đứa con của lính viễn chinh Mỹ.
**
Hồng lại lang thang bên hàng kẽm gai. Thuở này, quân viễn chinh lông lá trú đóng bên trong đồn lũy, bọn cuồng não thất chí dân bản địa quanh quẩn bên ngoài.
Một thời gian dài Hồng may mắn tỉnh trí. Trò chuyện cùng cô Hồng-tỉnh ta thấy đời buồn đau hơn khi nhìn cô Hồng-điên. Cô có viết nhật ký.
Chung chung, dù tỉnh hay điên, mặt trăng tròn vạnh này đôi khi là tấn kịch đời oan khiên tơi tả, khác chi một vùng quê nhà ngói tranh, đàn bà em bé gà con trâu nghé thầy chùa cha cố, ông già chống gậy lẫn người què chống nạng, luôn và đều, bị đạn bom siêng năng cán qua cày lại. Bụi chuối không chốn nương thân.
**
Để hiểu đoạn nhật ký, xin nói rõ một chút về khúc trước trong đời cô Hồng. Ông nội là quan tri phủ, ông ngoại là quan bố chánh. Bố của cô là một tay hào hoa, nhiều vợ, vô số đào nương.
Mẹ của Hồng là bà vợ chánh thất, đoan trang, thuần hậu. Bà sinh ra Hồng, đứa con thứ hai, hoàn toàn lai da trắng. Mũi cao, tóc pha nâu, đôi mắt đằm đằm mơ hoặc. Hồi này thời thuộc địa, hãy còn rất nhiều các binh lính, sĩ quan, quan lại hành chính người Pháp.
Bà con họ hàng đều ngỡ ngàng, rất đỗi kinh ngạc về sự vụ mẹ cha vàng, trong một gia tộc giềng mối, lại phọt ra một hài nhi trắng nõn này. Mẹ cô tuyệt đối không giải thích một điều gì. Do một tai nạn? Hay chính bà ngoại tình? Bí mật này giữ kín cho tới lúc giai nhân qua đời.
Với Hồng, Cha/Bố mà cô đang gọi chỉ là người bao bì dán nhãn hiệu đời cô. Nguyên liệu chính để sản xuất ra cô là một người tới nay cô chưa hề biết mặt, biết tên.
Vài đoạn nhật ký của Hồng.
Cuộc đời của em khá lung tung. Có một thời em có một người yêu luôn triết lý. Rồi em bị ảnh hưởng, cũng nói năng ghi chép loạn xạ rất ra trò.
Có thể em cũng đã rất lớn tuổi. Có thể tôi còn trong bực thềm thứ nhất từ địa ngục kể lên. Hãy còn một bề dày tối tăm để trở về mặt đất, nơi có thể quỳ hai gối xin một suất lên thiên đàng.
Nhiều năm ly biệt, một đêm em mơ thấy bố em, bố Việt Nam ấy. Chẳng phải ông Tây nào. Một cụ già da vàng pha mốc, bên bàn đèn. Mùi á phiện làm mối mọt trên trần gác cũng ngây ngây. Chúng thò đầu ra ngửi. Cụ già yên lặng, nhả khói. Làn khói nhạt không nhìn ra khói, buồn phiền thơ thẩn bay….một ngày dài trong sinh hoạt, một đời dài trên quê hương, sau những đổi mùa, bao la mưu toan, hôm nay cái thân mòn mỏi này đã lên rêu.
Bố em sống trong một căn gác nhỏ. Chắc là gia sản đã khánh kiệt. Chắc hẳn các con ông đã bỏ ông…Rồi trong cơn mơ của em, bố trôi, nước rộng, cùng lục bình trôi.
Rồi cha/bố em bỗng nhả cái ống thuốc phiện, nói với em, mớ âm thanh tua tủa những muộn phiền:
“Này con, đứa con lưu lạc, con đủ can đảm giết Ta không? Cha đây. Con ạ, hãy giết Ta đi. Bằng cách nào cũng được. Miễn chết. Có thể một bữa ăn có thuốc độc, thì tốt cho cha”.
Em ra chợ Mơ. Ngôi chợ huyền hoặc như một ánh sao.
Nơi xứ thần tiên này các cửa hàng bán buôn luôn có nhiều thứ giết người.
Có lần anh người yêu triết học của em nói:
- Con người nơi đây hằng có niềm tin, rằng, thì là “Giết đi một người là cứu rỗi một người. Là đem người từ cõi sống đau, sống dở, sống cho có sống, về Nơi-cái-chết-hoàn-thiện”.
Anh người yêu triết học của tôi có lần cũng nói:
“Trong đất nước nghìn trùng trìu mến này, có đủ các phương tiện, các nhãn hiệu, các món đặc sản giết người. Chết cái rẹt. Hoặc chết dần dà trong say đắm. Đầy rẫy cửa hàng tư tưởng, shop đạo lý, tiệm thời trang chủ thuyết, nhà hàng văn minh tân cổ, cung cấp cho nhân gian những phương tiện, giải pháp chết chậm chậm, nhâm nhi.
Em chọn mua thuốc chuột. Món này nó có tấm lòng riêng, rõ ràng và trung thực hơn. Chơi vào là nghẻo ngay tức thì. Không gây sự chết chóc ngấm ngầm cho cha em. Không mùi hương quyến rũ lâu dài, để về sau ân hận, phản tỉnh. Lưng còng, tóc bạc, tay run, mắt mờ, ngồi viết bao trang sách tả oán cái chết-thanh-xuân của mình.
Thuốc chuột mang về. Em hỏi cha, “Cha có can đảm uống độc một thứ này? Hay con phải trộn vào một món ngon hấp dẫn như ở nhà hàng, cho cha dễ nuốt?”
Cha bảo, “Mọi sự tình là do con định liệu. Cha không còn ý chí cho một lựa chọn nào.”
Anh người yêu triết học hay triết gì của em cũng nói, em nhập tâm rồi:
“Ấy là vào cái thời quanh đây ai cũng giàu mộng mơ. Một xã hội nhiều nguyện ước dàn ngang đi tới tương lai. Ấy là cái thời những khối thuốc nổ, những kho bom mìn sẽ được dùng ngay, thanh toán cho xong để mọi người còn nuôi hy vọng, lại tràn đầy ước mơ”.
Người ấy có phải là cha tôi? Hay giả dụ là bố tôi. Hay có một kẻ là cha mà tôi không hề biết mặt gọi tên. Một kẻ da trắng, khác chủng.
Có thể em đã già rồi anh ạ. Mấy mươi năm gió nổi mưa chìm. Em tinh ma đội lốt một con bé bên hàng kẽm gai. Mỹ nhân với anh hùng mà. Thôi im đi con khỉ đột, tao cởi quần đập vào mặt mày bây giờ.
...Mọi thứ lại bắt đầu nát nẩm, như đây là một phác thảo, một dạng truyện, một cái bào-thai-mang-thử, chưa có đường chỉ xuyên suốt.
Rồi trong cơn mơ, bố trôi, nước rộng, cùng lục bình trôi.
bốn
Cứt thỏ
Nằm co ro một nơi rất xa, đương nhiên nếu phải đêm lạnh lẽo, ta có quyền đắp mền/chiếu/rơm rạ. Miền rú rừng cao nguyên, chẳng hạn. Trong một đêm cuối năm, một mai những ngày xuân có thể trở lại, tôi có thể hình dung kinh thành Huế nhà cháy người chết nhiều nhất trong mùa Xuân ấy.
Một mùa trái rụng toàn đầu người.
Tôi rất nhớ thương Huế, nơi chôn sống một phần đời tôi trong ấy.
Nhớ Huế của tôi, là nhớ Vĩnh Th. người của Hoàng tộc. Tôi từng thân thiết với anh một thời Huế tạm là thanh bình. Huế êm đềm lặng tĩnh, nhưng Vĩnh, luôn một cõi lòng xao xuyến, bất thường.
Anh đỗ cử nhân triết, từ nước ngoài trở về quê nhà, đúng là từ Paris về, lúc cụ Ngô Đình Diệm, sau khi // Bao nhiêu năm từng lê gót nơi quê người, cứu đất nước thề tranh đấu không hề nguôi// đang là vị Tổng thống, đầu tiên và duy nhất, của nền Đệ Nhất Cộng hòa.
Vĩnh đi tu. Một loại tu hành rất xa lạ với chùa chiền. Không áo vàng kinh mõ. Chẳng áo chùng, thánh giá. Vĩnh, nghiêm chỉnh rất mực, luôn là người lưu giữ nét phong lưu sang quý, con cháu một dòng Vua. Mỗi lần rời khỏi nhà, anh mặc áo vét ngoài, áo sơ mi luôn màu trắng. Chân đôi giày đen xi bóng. Tay cặp một vài quyển sách. Để cái cần cổ dễ thở anh thường không thắt cà vạt.
Cách đi đứng của anh giữa phố phường, là chậm rãi, thẫn thờ. Đôi mắt buồn bí ẩn, như đang tìm kiếm trong mông lung một ai sẽ trở về. Nụ cười mỉm, luôn như cần giải thích một điều gì không qua lời.
Hằng ngày, rất như nhau, sớm mai anh leo xe buýt từ nhà xuống chợ Đông Ba, ngồi quán Lạc Sơn uống cốc cà phê nhìn phố thị. Anh chẳng bao giờ ăn một món gì ở hàng quán. Chiều, lại leo xe công cộng lên Thiên Mụ, Văn Thánh.
Nắng xứ Huế luôn mỏng manh, sương sớm lại rất dày. Chiều mùa hạ luôn những cơn mưa từ núi xa, về dần. Và, thường những rán chiều đỏ ối, mặt trời le lói, khi tôi và anh trở lại. Xóm ngoại ô, bên kia cầu Bạch Hổ. Một lần, nhìn không trung mơ hoặc, Vĩnh bảo:
- Mặt trời ở đây bị nhuộm đỏ bằng nước trái gấc, thứ nước người ta dùng nấu xôi gấc.
Lại bảo:
- Trong cái mặt trời như mâm xôi đỏ ấy còn sót những hột gấc màu đen. Mặt trời ấy vẫn chưa thuần chủng.
Chừng anh bị kẹt một cái mặt nạ trong cổ họng. Điều này bình thường. Cũng như tôi, bộ não chừng như trong một chiếc xì-líp, lắm khi tôi rất ư suy nghĩ mà chẳng hiểu mình đang suy nghĩ cái quái gì.
“Nghĩ rằng mình có một cuộc đời, nhưng suốt cuộc riêng này mình đâu có quyền riêng tư xử dụng. Có ai đó đang xài cuộc đời tôi, đời anh, các anh, như anh đầu bếp xử con cá lóc trên tấm thớt.”
Trường phái tu hành của Vĩnh không phải ăn chay thực phẩm. Mà ăn cứt. Cứt thỏ. Từng viên khô. Màu xám đen, còn li ti những hạt. Không rõ hạt gì.
Tại sao chỉ ăn cứt thỏ phơi khô? Tôi không vặn hỏi anh sự vụ này. Không ích lợi gì về kiến thức. Đây là nội dung cứt thỏ, một nghịch giải, dị bản của ngôn ngữ hằng dụng.
Đạo của Vĩnh là tôn thờ sự Thối, và sự Quên.“Phải kính nể cái Thối, vì nó đánh thức danh dự làm người, từ đó biết rời bỏ, đoạn tuyệt. Tôn trọng sự Quên để riêng mình được sạch trơn, thoát ngoài những ô nhiểm lớn bé tròn méo đỏ vàng ngọt đắng mà cõi ta bà gieo rắt.”
Tôi vẫn tin trong bầu trời, trên mặt đất hình như có một ít thần linh, một nhúm thánh hiền, khi, lẩn quất quanh đây là rất đông, là bàng bạc quỷ dữ.
Tôi cũng được tim phổi óc não dạy mình rằng rồi-mày-cũng-sẽ-chết, trăm phần trăm vậy. Nhưng chưa biết sẽ chết, cái chết, và cách chết ra sao. Chết vì đấu tranh, chết đau, chết đạn, hoặc vì thương nhớ quá mà chết.
Những ý nghĩ rồng rắn trên đây chẳng tốt lành chi. Thiếu đức nhân. Thâm hụt niềm tin. Có tỉ người xem những ý nghĩ trên đây là loại “tưởng ra” của bọn điên. Cách diễn tả có phần xiêu lạc thần hồn. Mạ lỵ niềm tin tôn giáo, một cách vô học của súng đạn.
Rồi, hôm qua, hôm kia, thường trực hoặc lai rai, khi náo nhiệt lúc lạnh lùng, tôi cùng ăn cứt thỏ. Bàn ăn nhỏ, luôn có khăn bàn, chén đĩa đẹp đẽ, một bình hoa. Vĩnh cho ăn những bữa chay cứt thỏ. Chừng, anh có ma giáo trộn thêm bột, gia vị món nêm bát ngát mùi hương thoảng. Quả thực cái gọi-là-cứt-thỏ của Vĩnh thật ngon. Ăn, nhớ tới già.
Xứ sở này tàn tệ thật. Chiến tranh tàn phá và sự buồn phiền bào mòn cả thảy. Bom đạn kẻm gai rào chắn đã đành, lại rào chắn bởi vô hình tư tưởng. Cái hư ảo tuyệt cùng mộng mị mênh mông kia lại khiến con người chết chóc bị gậy gấp bội.
Cửa ngỏ lương tri bị khóa chặt. Lời chân thiện chẳng ai nghe. Mỗi chúng ta nằm im lạnh trong cái chuồng, lưới sắt ngăn chia, lũ thú canh chừng.
Để vùng thoát, như bọn cá mắc lưới, thì đương nhiên chúng nằm trong cái lưới mà hùng dũng vùng vẫy. Một thời tôi với Vĩnh cùng nhau ngao du đó đây. Đó cũng là thời ồn ào vô bổ, những phong trào triết học hiện sinh, hư vô, buồn nôn phi lý, hậu quả mạng nhện sau trận Đệ nhị thế chiến, từ phương tây tràn tới. Thân-phận-màu-da-trắng của con người phương ấy, gây hấn với những “Nỗi buồn nhược tiểu” “Thân phận da vàng”, của tuổi trẻ phương này. Rất mông lung mà đột ngột.
Trong những trận cùng nhau ngao du ấy, chúng tôi có đọc hai bài diễn văn hùng hồn, chừng là nguồn điên loạn đã lưu loát bùng nổ.
Một bài tại vùng Thạch Trận, Quảng Ngãi, thuyết về cuộc chiến Bắc-Nam. Đa phần phản đối cuộc chiến huynh đệ này. Thính giả nghe bài diễn văn toàn là cây rừng, đá núi, hổ beo, chim chóc.
Bài diễn văn thứ hai đọc trong một cái nhà tiêu công cộng. Một bài diễn văn sâu sắc bàn về tư tưởng, các lập trường của đảng phái, các ý thức hệ chính trị. Thính giả là các loại chuột, bọ chét, ruồi muỗi. Khí hậu rất hôi mùi phân và nước đái người.
Thời cuộc đã chặt bụp cái tình trạng cận kề giữa tôi với Vĩnh. Tôi vào lính.
**
Tôi xa Huế cũng lâu.
Kinh đô Huế ngày xưa -- càng lui về ngày cũ bao nhiêu Huế càng đẹp bấy nhiêu. Một cõi mờ mờ ảo ảo, lạnh và nồng, Huế có đó mà lung linh chẳng sờ ra dấu vết được.
Hình như Huế được làm bằng sương mai sương chiều. Trong ký ức tôi, Huế được bỏ trong cái nồi quê, mẹ nấu, để con ở xa thấy Huế qua làn khói chiều. Có thêm nắng hoàng hôn thì nhớ thương tắt thở.
Tôi nghe rằng người ta đã giết Vĩnh trong mùa Xuân đầu lâu súng đạn 1968.
Tôi vẫn mong Vĩnh của tôi đang còn sống nơi cố đô ấy. Dù, một cuộc mỏi mòn.