Thứ Ba, 20 tháng 12, 2022

Phạm Xuân Đài: Đến với nước Nga (Phần 2)

Lời giới thiệu: Nhà văn Phạm Xuân Đài viết “Đến với nước Nga” vào khoảng năm 2000, tức đã hơn 20 năm trước. Khi đó Liên Xô vừa mới sụp đổ chưa đến 10 năm, và khắp nơi trên đất nước Cộng hòa Liên bang Nga (tức Cộng hòa XHCN Xô viết Nga cũ)dấu vết của một thời kỳ “xã hội chủ nghĩa” với nền kinh tế tập trung bao cấp quan liêu, trì trệ và tư duy, tiềm lực con người bị kìm hãm, hãy còn rất nặng từ trong đời sống kinh tế cho tới văn hóa, hành vi ứng xử của người Nga. Hơn 20 năm đã qua, nước Nga bây giờ có lẽ đã thay đổi nhiều, thật thú vị khi đọc lại bài tùy bút/bút ký này của nhà văn Phạm Xuân Đài để được nhìn thấy lại hình ảnh nước Nga những năm 2000…

***

Trời mùa hè dù đã năm giờ chiều nắng hãy còn cao, chúng tôi lại lấy xe điện ngầm để đi thăm nhà thờ Đấng Cứu Thế, một ngôi nhà thờ lạ, vừa mới xây dựng xong nhưng lại đã có từ rất lâu, sự tái sinh của nó là cả một câu chuyện ly kỳ về sự sống dậy của Con Người.

Ngay sau khi đánh đuổi quân Pháp ra khỏi của nước Nga vào năm 1812, Nga hoàng Alexandre Đệ nhất đã quyết định xây dựng một ngôi nhà thờ vĩ đại “để tạ ơn Đấng Cứu Thế”. Năm năm sau, công trình bắt đầu với một dự án rất đồ sộ, nhưng sau bảy năm thi công, người ta mới phát giác ra đó không phải là một dự án khả thi, mọi chuyện ngừng lại. Mãi đến năm 1839, 27 năm sau chiến tranh với Pháp, việc xây đại giáo đường để tạ ơn chiến thắng mới chính thức bắt đầu lại tại một địa điểm mới và với một ông vua mới là Nicolai Đệ nhất. Trong lễ đặt viên đá đầu tiên tổ chức ngày 10 tháng 9 năm 1839, người ta không quên chuyển đến viên đá đầu tiên do tiên vương đã đặt trong lần xây nhà thờ không thành mấy mươi năm trước. Bốn mươi bốn năm sau, vào năm 1883 nhà thờ được khánh thành, lại với một vị vua khác nữa là Alexandre Đệ tam. Từ đó, nhà thờ Đấng Cứu Thế đã trở thành ngôi Đại Giáo Đường chính của cả nước, và trở thành không chỉ là một trung tâm tôn giáo, mà còn là một công trình văn hóa, kiến trúc và lịch sử nổi tiếng của nước Nga.

Nhưng một điều không ai có thể ngờ là một công trình lớn lao và có dính líu nhiều đến lịch sử nước Nga như Đại Giáo Đường Đấng Cứu Thế, cuối cùng đã bị chế độ Cộng sản phá hủy. Kể từ năm 1928 người ta đã chuẩn bị dư luận cho việc ấy, và đến ngày 5 tháng 12 năm 1931 công việc phá hủy được tiến hành: một công trình vĩ đại được xây dựng trong 40 năm chỉ trong phút chốc, sau một loạt mìn nổ, đã biến thành đống gạch vụn. Kế hoạch của nhà nước là sẽ xây một cái Cung Xô Viết trên nền cũ (hẳn là đàng hoàng to đẹp gấp mười ngày xưa, sách của đảng ta thì đâu cũng một kiểu nói như vậy). Năm 1937 Cung Xô Viết bắt đầu xây dựng với một dự án đồ sộ: đó sẽ là một kiến trúc vĩ đại chưa từng thấy với một bức tượng Lênin cao 75 thước, sẽ là nơi họp Đại hội đảng và các buổi họp quan trọng. Nhưng không hiểu vì nguyên do gì, móng cứ bị thấm nước mãi, xây cái gì lên cũng bị sập, rồi thế chiến hai xảy đến, người ta đành bỏ dở công trình. Và vĩnh viễn Cung Xô Viết không bao giờ xuất hiện trên cái nền của đại giáo đường Đấng Cứu Thế. Năm 1960 để che dấu vết tích của một sự thất bại xem ra rất có ý nghĩa của những kẻ vô thần, người ta xây một cái bể bơi ngay nơi ấy.


Ở Việt Nam cũng có rất nhiều công trình tiêu thổ kháng chiến thời chống Pháp, nhưng thâm ý là triệt hạ những dấu vết của một nền văn hóa xưa. Làng tôi, làng Đông Bàn ở khu Gò Nổi miệt bắc của tỉnh Quảng Nam, có một cái đình xưa mà trong trí nhớ của một đứa bé là tôi hồi năm 1947 trước khi rời làng đi tản cư, thì lớn lắm, lớn như... cái đình vậy. Vì trường làng ở ngay cạnh đình nên dưới bóng mát của hai cây đa to tướng trước cổng đình, tôi cùng lũ bạn thôn quê của tôi đã biết bao lần bày ra đủ các trò chơi đùa. Nhưng đến năm đình chiến về lại làng xưa thì đình chỉ còn trơ cái nền, và những hình ảnh cùng kỷ niệm của thời thơ ấu đi học trường làng không còn gì bấu víu, cũng chóng phôi pha đi theo bước chân của gã thiếu niên đi học tại những đô thị. Rồi cuộc chiến tranh thứ nhì bắt đầu, tôi xa làng cho mãi đến khi ra khỏi trại cải tạo mới lại “tìm đường về chốn cố hương” vào cuối thập niên 1980. Đêm ở làng tôi ngủ tại nhà ông chú trong họ, dưới ánh đèn dầu, chú tôi kể cho tôi nghe những đổi thay, trong đó có chuyện liên quan đến cái đình, hay đúng hơn đến địa điểm xưa kia đình làng tôi đã tọa lạc.

“Cháu ạ, bắt đầu từ năm bảy lăm chính quyền cách mạng cải cách nhiều thứ. Làm thủy lợi, tổ chức cày cấy theo hợp tác xã, họ còn khuyên dân làng phá bỏ lũy tre đi, vì ‘vài năm nữa toàn dân làm nhà ngói để ở, tre sẽ chẳng có việc gì dùng nữa,’ họ nói như thế. Và họ tổ chức một trại chăn nuôi tập thểchăn nuôi kiểu này thì từ trước đến giờ làng mình chưa hề cóngay trong khuôn viên của đình làng, dùng nền cũ của đình làm nền chuồng nuôi heo. Thời gian đầu phấn khởi lắm, đàn heo cả trăm con sởn sơ lớn như thổi. Nhưng một hôm heo bắt đầu bị bịnh, thoạt đầu tưởng bịnh thông thường không đáng kể, không ngờ lây lan nhanh chóng, rồi ngã ra chết. Chết hàng loạt, chẳng bao lâu chuồng trại trống trơn. Dân làng chưa kịp bàng hoàng thì thật ghê quá, người trông coi việc chăn nuôi vẫn ở luôn trong khuôn viên đình cũng ngã bịnh và cả chính quyền lẫn dân chúng không ai nói đến chuyện tiếp tục công việc chăn nuôi tại đó nữa, có tổ chức ra cũng không ai dám lãnh, chuồng trại bỏ hoang bao nhiêu năm rồi...”

Ông chú già của tôi không có kết luận gì về chuyện linh thiêng hay thần thánh, nhưng cái ngụ ý của ông khi kể thì thấy rất rõ. Ông là người chứng kiến biết bao việc tế tự cùng những sinh hoạt tinh thần của quê tôi ngày xưa tại chốn đình làng. Ông cũng biết rằng rất nhiều thế hệ tổ tiên của làng này từ ít nhất vài thế kỷ qua đã đến nghe giảng sách tại đây. Trong ký ức của ông, đó là một mảnh đất thiêng, nơi kết tụ những năng lực tinh thần ưu tú nhất của cộng đồng người Việt đến cư ngụ tại địa phương này, vào một lúc nào đó trên bước đường Nam tiến, ông thấy không có lý do gì để phải căm thù chưởi rủa quá khứ như thế cả, như ông vẫn thường được nghe nào là “lạc hậu” nào là “phản động.” Với ông, đình làng là nơi luôn luôn phảng phất cả một quá khứ mênh mông của tiền nhân, nơi đặt định cả một nề nếp sống cho dân làng hết đời này đến đời khác.


Câu chuyện phá hủy đại giáo đường Đấng Cứu Thế của cộng sản Nga tại Moscow đã làm tôi liên tưởng đến việc phá hủy đình làng tôi và bao công trình văn hóa khác do những “học trò trung thành và xuất sắc” của cộng sản Nga thực hiện trên nước Việt Nam. Việc phá hủy ngôi thánh đường mà không bao giờ xây được Cung Xô Viết để thay thế giống như một câu chuyện ngụ ngôn về khả năng phá hoại của người cộng sản: họ chẳng bao giờ xây dựng được gì. Nhưng cái bãi hoang mà họ đã gây ra thì thực khủng khiếp.


Nhưng điều tôi không ngờ nhất là trong buổi chiều ấy tại Mạc Tư Khoa tôi đã đứng chiêm ngưỡng say sưa đúng ngôi giáo đường ấy, ngay tại địa điểm ấy, như là một ảo ảnh hiện về từ quá khứ. Đã bảy mươi năm từ khi nó đổ sụp dưới sức tàn phá của mìn, hay đúng hơn, sức tàn phá của hệ ý thức cộng sản, và nay trong ánh chiều hè năm 2000 nó đã lại được khôi phục y nguyên như trong ngày khánh thành năm 1883, với những mái tháp tròn giát vàng chói lên rực rỡ. Một kỳ công của dân tộc Nga. Chỉ mới vào tháng Giêng năm 1995, đại Giáo chủ Aleksey II và quan chức chính quyền Moscou lại đặt viên đá đầu tiên cho công việc xây dựng, mà tháng Bảy năm 2000 ngôi đại giáo đường đã sừng sững trước mắt tôi như một công trình kiến trúc và nghệ thuật tuyệt hảo. Tại sao bao nhiêu sức mạnh của một chế độ độc tài trong suốt hơn nửa thế kỷ không xây nổi một cái “cung” cho họ, mà dân Nga khi đã thoát ách cộng sản chỉ cần có năm năm đã tái tạo được một di sản quý giá của tiền nhân? Những kỳ công chỉ thực hiện được với niềm khát khao bắt nguồn từ sức mạnh tinh thần đích thực. Chủ nghĩa cộng sản đã từng tỏ ra rất mạnh, nhưng không bao giờ có được nguồn sức mạnh đích thực ấy. Họ mạnh bằng cách khêu gợi bản năng, khích động căm thù và một gọng kềm siết chặt, loại sức mạnh dã thú tạm bợ mà nhân tính không thể chịu đựng được lâu dài. Quá trình làm người diễn ra hàng triệu năm để con người đạt đến trình độ “người” như ngày nay, lý thuyết cộng sản trong một chớp mắt của lịch sử muốn hủy những thành tựu hàng triệu năm ấy đi thì thật là viển vông!

*

Sau bữa ăn tối thuần món Nga do chị Inna khoản đãi tại nhà, chúng tôi vội ra ga để đáp chuyến tàu đêm khởi hành lúc 11 giờ đi Saint Petersburg. Ga Mạc Tư Khoa rất lớn, không có người địa phương như anh Cần hướng dẫn thì chúng tôi khó lòng đến đúng sân ga để lên tàu kịp giờ. Tôi chưa bao giờ thấy một chuyến tàu như thế: tất cả các toa đều là toa phòng ngủ, mỗi phòng gồm bốn giường, được trang bị và săn sóc chăn nệm sạch sẽ chu đáo như một khách sạn. Ba chúng tôi chiếm riêng một phòng, thật tiện quá vì không có người lạ xen vào, tôi nghĩ đây có lẽ do một “biệt nhãn” của người thiếu phụ bán vé trưa nay dành cho chúng tôi.


Đúng là một khách sạn lưu động. Tàu vừa chuyển bánh đã có “người phục vụ” mang khẩu phần ăn đến, gồm mỗi người một hộp đựng bánh sandwich, bánh mì, bơ, sữa chua, các bao cà phê và trà, và những phụ tùng ăn uống linh tinh khác, xem ra khá ngon lành và tươm tất. Đó là bữa ăn điểm tâm cho sáng hôm sau, nhưng trong đêm trường khách trằn trọc đói bụng khó ngủ thì dùng làm bữa ăn khuya cũng được lắm. Đầu mỗi toa có máy cung cấp nước sôi, bất cứ lúc nào cũng có thể pha trà hay cà phê.


Khác với những chuyến tàu bình thường luôn luôn sinh động vì các sinh hoạt của hành khách, cái khách sạn lưu động này dường như chìm ngay vào giấc ngủ sau khi rời ga. Các phòng đóng cửa kín, hành lang vắng ngắt không ai đứng nhìn phong cảnh bên ngoài. Người ta lên tàu này là ngủ ngay một giấc để sáng hôm sau xuống ga Saint Petersburg chứ không làm việc gì khác. Tàu đêm. Tôi nhớ lại những chuyến tàu đêm Sài GònNha Trang ngày xưa khi chưa có chiến tranh ở miền Nam cũng vui lắm chứ không quá im lìm như ở đây, dù là đi couchette người ta có thể lang thang xuống các hạng nhất, hạng nhì, hạng ba để... nhìn hành khách (nhiều khi do đó mà có những gặp gỡ rất là “kỳ ngộ"), hoặc đặc biệt vào toa hàng ăn sang trọng dành cho các hạng trên để ăn hay uống cà phê vào đêm khuya cũng là một cái thú vô song. Mỗi bàn ăn có một cái đèn mờ mờ, một bình hoa tươi, và nhà bếp có thể cung cấp thức ăn nóng bất cứ lúc nào, thức ăn được nấu nướng thực sự của nhà hàng tây chứ không phải kiểu mì gói hay bánh mì sandwich, tạo cho khách một cảm tưởng thụ hưởng rất thư nhàn, cho chuyến đi thêm nhiều thi vị. Tàu đêm. Biết bao kỷ niệm của một thời trẻ tuổi khi còn được sống trong một đất nước bình yên. Hình ảnh những ga xép trong ánh đèn vàng vọt vụt qua như từ một trang tiểu thuyết, những bờ biển huyền ảo dưới ánh trăng, hoặc làng xóm yên ngủ nơi xa xa... Những chuyến về quê ăn tết, về quê nghỉ hè với tâm trạng rương chật rồi khó nhốt cả niềm vui...


Tôi muốn tìm lại một chút cảm giác xưa trên con tàu lạ, bèn đi tìm toa restaurant. Tìm thấy, nhưng nhà hàng không bán. Một vài người phục phụ nằm ngủ khoèo trên ghế, trông buồn tênh, vắng ngắt. Tất cả đều ngủ, đây là một thế giới ngủ, trong tiếng xình xịch bất tận của con tàu chạy nhanh. Nhưng tôi không ngủ được. Đây chỉ mới là đêm thứ hai của tôi trên đất Nga, cơ thể còn chưa điều chỉnh kịp giờ giấc mới, lại thêm những cảm xúc quá dồi dào trong một ngày vừa qua. Tôi thức trong cái thế giới ngủ di động này, nhớ nghĩ mông lung về những ngày xưa, về những người bạn nay không còn, và về những xứ sở tôi sắp sửa đến trong chuyến đi này, Praha, Berlin, Paris, Lausanne..., về những người quen hay không quen tôi sẽ gặp, những cuộc gặp gỡ sẽ đến. Hai người bạn cùng phòng của tôi đã ngủ yên. Tôi ngồi dậy lặng lẽ nhìn qua cửa sổ, bỗng nhận ra một điều lạ mà khi nãy trong toa chưa tắt đèn tôi không thấy, đó là ngoài trời rất sáng, sáng đến độ tôi không thể gọi đó là đêm. Tôi có thể nhìn thấy cảnh vật bên ngoài như trong một đêm trăng sáng nhất, mặc dù đêm đó không có trăng. Nhưng ánh sáng ấy không giống ánh trăng, nó trắng nhờ nhờ như sữa loãng bao phủ khắp nơi. Đêm trắng! Tôi nhớ ra anh Cần có nói hiện tượng đêm trắng vào tháng Sáu vừa qua tại St Petersburg. Bây giờ mới đầu tháng Bảy, chắc hiện tượng ấy chưa dứt hẳn, mặc dù đêm sáng nhất thì đã qua rồi. Thân thể với bộ thần kinh tỉnh queo của tôi đang trôi đi trong một màu trắng đục trên một vùng đất cho đến nay đối với tôi hoàn toàn xa lạ.

Cố đô của nước Nga   

Chuyến tàu đêm từ Moscow đến St Petersburg lúc tám giờ sáng. Thật là vừa vặn cho một đêm đi couchette: ngủ một giấc đầy đủ, sáng dậy có thì giờ làm vệ sinh, rồi điểm tâm, cà phê cà pháo xong xuôi là tàu vừa tới ga. Ra khỏi cửa ga, chúng tôi đụng đầu ngay với một dãy dài những người bán hàng: họ đứng trên sân ga rộng, đối diện với cửa ra, rất trật tự theo một hình vòng cung, mỗi người cầm trên tay món hàng chào khách, như áo quần, khăn choàng, vải vóc... Tôi đi thong thả trước hàng dàn chào ấy như đi duyệt hàng quân danh dự đón tôi đến thành phố này, giữa người bán và người xem đều có nỗi phấn chấn vui vẻ của buổi sớm mai, trao nhau những nụ cười dễ chịu, dù ngôn ngữ chẳng hiểu nhau.


Tác giả đang đi qua “đội quân dàn chào” ở sân ga


Anh Cần có người con gái út ở thành phố này, từ mấy hôm trước anh đã gọi điện thoại cho con nhờ giữ hộ phòng nơi một cái khách sạn gần nhà, vì thế từ ga chúng tôi kêu tắc xi về thẳng nhà Hằng. Đường phố cũ kỹ, nhiều nơi còn có cả ổ gà đọng từng vũng nước mưa từ đêm trước. Người tài xế tắc xi già, giống như đường sá ở đây, vừa lái xe vừa than vãn về nỗi nhọc mệt phải lao động ở cái tuổi đáng lẽ phải được nghỉ ngơi. “Thời buổi đảo lộn hết, đã về hưu rồi mà không tiếp tục cày thì không biết lấy gì mà sống...” Đây là một người đang gặp khó khăn và bất mãn với các thay đổi của đất nước Nga. Nhưng khi anh Cần hỏi ông có mơ ước trở lại chế độ cộng sản không, thì ông ta trả lời ngay: “Không, không bao giờ.” Tuy phải cực khổ trong buổi giao thời nhưng có lẽ ông ta cảm thấy cái tự do mà ông ta đang hưởng là cái “được” quá lớn lao trước kia ông không thể nào mơ tới.

Mấy con đường ổ gà đã khiến tôi liên tưởng đến sự kiện thành phố này là một cố đô, thường là một nơi bị quên lãng. Tiếng cố đô tạo một cảm giác buồn buồn. Một thời vàng son đã qua, thành quách và con người sống với cái bóng của dĩ vãng nhiều hơn là sự rực rỡ của hiện tại và hứa hẹn về tương lai. Từ một điểm cao nhìn xuống, cố đô Saint Petersburg với con sông Neva chảy qua trông phảng phất như kinh thành Huế. Dĩ nhiên đó chỉ là một cái nhìn rất tổng quát, từ xa, các chi tiết mờ nhạt đủ để làm niềm vương vấn cũ phủ lên cây cối, nhà cửa, sông nước... đủ để gợi nên cái khí vị chung của đất đế đô xưa, dù ở tại những nơi khác nhau trên thế giới.

Huế của chúng ta từ lâu cũng là cố đô, nhưng trước 1975 vẫn là một thành phố có sức sống và nhất là luôn luôn giữ được cái phong cách quý phái của mình, cả thành phố, nhà giàu cũng như nhà nghèo, đều có một vẻ sạch sẽ phong quang, cả con sông, hàng cây, cái cầu cho đến đồi núi đều tươm tất trong một hài hòa mỹ thuật. Huế đẹp và thơ là nhờ tâm hồn và cách sống tĩnh tại của người dân tại đây, đã được đào luyện trong nếp sống vương giả một cách thanh đạm trong khoảng một trăm năm mươi năm nơi đây chính thức là kinh đô cho cả nước. Nhưng khi tôi trở lại Huế vào năm 1989 trong một hình hài tơi tả sau mười mấy năm tù đày thì ngạc nhiên thấy Huế còn tơi tả hơn cả tôi. Một thành phố rách rưới, xuống cấp, bạc nhược, một nơi xinh đẹp nề nếp ở một trình độ cao là thế mà nay trở thành quê không ra quê, tỉnh không ra tỉnh. Một thứ văn hóa thấp kém, ô trược từ bên kia bờ Bến Hải tràn vào đã thay thế vẻ thanh tao thuở xưa. Buổi chiều nắng chang chang tôi ngao ngán nhìn mấy con bò đang gặm cỏ trên những bãi cỏ, nay đã xơ xác tiêu điều đầy phân trâu bò bên bờ sông Hương chỗ gần cầu Tràng Tiền, thấy thấm thía cái tai hại của công việc phá hoại trong một bản năng u tối. Bất cứ điểm văn minh nào con người xây dựng đượccho dù rất cỏn con, như tạo một vườn cỏ xanh tươi cắt xén ngay ngắn bên bờ sôngcũng phải qua một quá trình dài trưởng thành để vươn đến cái hoàn bị, sự sống lành mạnh của mỗi thế hệ không gì khác hơn là cố giữ vững những thành tựu cũ để xây dựng nên những cái mới. Tạo ra một mớ ảo tưởng về một cái mới bánh vẽ để phá hoại không nương tay những thành tựu cũ chính là việc tự sát văn hóa, mà Huế cuối thập niên 80 đã phơi bày dưới mắt tôi như một nạn nhân thảm thương.

Từ việc thăm cố đô này mà lại nhớ đến cố đô kia. Đó chỉ là một chút lãng mạn do lòng hoài cựu. Dù sao cố đô Saint Petersburg cũng đã một thời đổi thành tên Leningrad, và sự thôi thúc của một đời sống thay đổi toàn diện cũng đã tạo cho thành phố này một nội dung khác, ít ra cũng tích cực hơn là một chốn cố đô hắt hiu những vang bóng một thời. Từ bao thập niên Leningrad vẫn là thành phố thứ nhì của Liên Bang Xô Viết sau Moscow. Ga xe lửa rộn rịp, mạng xe điện ngầm tối tân tấp nập, phố xá tràn ngập người vẫn là dấu hiệu của một đời sống tích cực, bên cạnh các đền đài xưa cũ lúc nào cũng đông khách đến thăm. Về điểm cái cũ và cái mới cùng tồn tại cạnh nhau, Saint Petersburg phần nào giống Paris. Có sự tương đồng trong kiến trúc, trong nghệ thuật, nhưng nếu những lâu đài và dấu tích lịch sử của Paris đã được giữ gìn và bảo trì liên tục suốt lịch sử của nó để trình diện khách thập phương trong một niềm hãnh diện bình thường như nó vẫn có từ hồi nào đến giờ thì tại đây, St Petersburg, có nhiều dấu hiệu ngỡ ngàng của tình trạng mới được phục chế. Phục chế con người, phục chế ý thức về văn hóa, phục chế chính các cơ sở kiến trúc quý giá đã một thời gian dài bị bỏ bê khi rẻ. Bắt đầu làm lại một nếp sinh hoạt truyền thống cũ thì sao khỏi sự gượng gạo, nhưng đó là điều bắt buộc để học lại cách sống đời thường sau bảy mươi năm dân tộc này bị dắt rẽ đi vào một lối đi khác với con đường nhân loại vẫn đi từ khi nó có mặt trên dương gian.


Nga hoàng Peter Đại đế đã xây dựng St Petersburg vào năm 1703, đến năm 1712 thành phố này chính thức trở thành kinh đô của nước Nga và giữ vị trí đầu não ấy mãi đến khi cuộc cách mạng vô sản thành công. Những người cộng sản thiên đô về Mạc Tư Khoa từ năm 1918, và đổi luôn tên St Petersburg thành Leningradthành phố mang tên Lenin, lãnh tụ cộng sản Nga thời bấy giờ. Nếu ngôi sao trên tháp Rùa Hà Nội một thời đã là bản sao một cách nghèo nàn tội nghiệp các ngôi sao trên đỉnh tháp tại công trường Đỏ, thì sự đổi tên Sài Gòn ra thành phố Hồ Chí Minh lại là một kiểu nhái theo đàn anh một cách chẳng ngượng ngùng của cộng sản Việt Nam, những người tự cho mình là học trò trung thành và xuất sắc của cộng sản Nga. Nhưng khi cái đầu não tạo ra tinh thần nô lệ ấy đã bị đập nát tại chính quốc, thì cái tên cũ Saint Petersburg đã ngay lập tức được phục hồi để thay thế tên Leningrad, biểu tượng cho sự lầm lẫn điên rồ gớm ghiếc nhất của nhân loại trong thế kỷ 20. Trong khi đó thì tại Việt Nam khuynh hướng chung trong dân chúng thích dùng tên cũ Sài Gòn hơn là tên mới, và thảng hoặc nếu có dùng thi người ta tự động loại bỏ bớt phần sau, chỉ gọi gọn lỏn là “thành phố” thôi, nên tuy đó là “thành phố mang tên bác” nhưng tên bác chỉ được hiểu ngầm.


St Petersburg là một thành phố đẹp mang nhiều nét cổ kính hùng tráng. Trải hơn hai trăm năm là kinh đô của vương triều một đế quốc Nga hùng mạnh, thành phố này mang trong nó nét huy hoàng và lớn lao riêng biệt. Con sông Neva chảy qua chứa đầy sức sống chứ không hiền dịu ẻo lả như sông Hương. Sông rộng, nước đầy ắp soi bóng những đền đài cung điện hai bên bờ. Sống ở miền Nam California bán sa mạc không có sông, tất cả nguồn nước sinh hoạt, kể cả để tưới câytrong vườn, trong công viên hay những loại “cây dại” ven các xa lộđều dùng nguồn nước dẫn từ xa về, tôi vẫn luôn luôn mang một cảm giác “cằn cỗi” nơi chính mình và môi trường quanh mình. Một lần đi Washington DC, nhắm nhìn sông nước và nhất là cây cối bên đó, khi quay về miền Little Saigon của tôi, ngay khi chưa chạm mặt đất tôi đã cảm thấy chạm với sự khô cằn rồi. Đâu phải là vùng này thiếu cây cối, công viên đầy cây, ven đường đầy cây, nhưng khi đã ngắm nhìn những tàn cây xanh mướt lá ánh lên sự óng ả của vùng đất thủ đô rồi thì cây ở Quận Cam chỉ như “vạt tóc nâu khô” xơ xác so với mái tóc dày, mịn, mềm mại và sáng rực sức sống của vùng miền Đông kia. Nên khi đối diện với con sông Neva mênh mông đầy ắp nước đang thong thả tuôn ra biển Baltic cách đó không xa, lòng tôi nổi lên một nỗi rạo rực mê đắm như bắt gặp nguồn cội của sự tràn đầy, thênh thang. Tôi không hiểu gì về khoa phong thủy, nhưng khi đã đi qua những nơi như thành phố Hoa Thịnh Đốn hay St Petersburg thì cảm thấy được vì sao người ta chọn những nơi ấy để làm kinh đô cho những nước lớn như Hoa Kỳ hay Nga. Ngoài yếu tố vị trí và lịch sử, đó phải là nơi mà đất và nước tương tác nâng đỡ nhau để làm một tổng thể hài hòa phì nhiêu tươi nhuận. Kinh đô một nước phải là nơi đủ tiềm năng để đại diện và cưu mang linh hồn lẫn thể xác của quốc gia dân tộc đó, một điều khó lý giải một cách rõ ràng, chỉ có thể cảm nhận qua sự độ lượng, vững vàng và phong phú của đất và nước một vùng. Một nơi như Hollywoodcũng ở vùng Nam Californiachỉ có thể làm kinh đô điện ảnh, một loại kỹ nghệ sản xuất tổng hợp giữa kỹ thuật và nghệ thuật, chứ chắc không ai nghĩ vùng đồi trọc thiếu nước ấy lại có thể là thủ đô của nước Mỹ được.


Cung Điện Mùa Đông nằm trên hữu ngạn sông Neva, nay là viện bảo tàng nghệ thuật nổi tiếng Hermitage. Thực ra Hermitage đã có mặt tại đây từ năm 1764 do nữ hoàng Catherine sáng lập như là một phòng sưu tập tranh riêng của mình, chỉ chiếm một phần nhỏ của cung điện. Dưới triều vua Nicolas I, Hermitage được tái thiết và mở rộng, biến thành một bảo tàng dành cho công chúng, vào năm 1852. Nhưng từ sau năm 1917, cả Cung Điện Mùa Đông trở thành bảo tàng, sau khi quân Bôn-sê-vích xông vào bắt tất cả thành phần chính phủ Nga hoàng đang làm việc tại đây.


Đây là bảo tàng nghệ thuật vào loại rất lớn, chiếm hầu hết các phòng của cung điện. Tính chất vương giả của kiến trúc triều đình xưa còn lưu lại rất rõ nét trên từng cái phù điêu, trên những cái cầu thang lên lầu uốn cong một cách tráng lệ, và phòng ốc cao vút, thênh thang, ở đây trưng bày rất nhiều danh họa của Tây Âu từ thời Trung cổ cho đến hiện đại, về điểm này thì Hermitage ở St Petersburg cũng không khác gì mấy với Louvre ở Paris. Nhưng các tác giả Nga cũng nhiều, và đặc biệt có cả mảng nghệ thuật của vùng Trung Á mà chúng ta ít khi được thấy ở những nơi khác.


Tác giả trước Cung điện Mùa Đông


Nhưng những tác phẩm bằng đá của Nga mới là cái thực sự làm cho tôi kinh ngạc và xúc động. Những công trình và nghệ phẩm bằng đá của Nga rất nhiều, hoặc lớn lao hoành tráng, hoặc tinh xảo lạ lùng, với các màu sắc đẹp chưa từng thấy. Trước đây tôi chưa bao giờ nghĩ là trong thiên nhiên có chế tạo sẵn các loại màu sắc đẹp lạ như vậy, và đá lại có thể là một tặng phẩm đầy tình tứ đến thế của tạo hóa trao cho con người. Tôi biết chắc ngôn ngữ của tôi không đủ sức để mô tả các màu sắc trên các loại đá ở Nga, chỉ biết tán thán là nó phong phú và rực rỡ như từ một thế giới thần thoại bước vào thế giới loài người. Màu sắc được lai tạo của hoa tulip bên Hòa Lan đã là lạ, có thể coi là kỳ quan cho nhãn giới của con người, nhưng đó là loại màu sắc phô diễn sớm nở tối tàn, trong khi tiếng nói màu sắc của đá thì vừa rực rỡ vừa thâm trầm hùng tráng một cách vĩnh cữu. Trong cuộc tiến hóa hàng triệu triệu năm của quả đất, sự pha chế nên những khối đá và màu sắc của chúng có lẽ đã diễn ra âm thầm và đầy tình cờ, thiên niên kỷ này thêm chất A, trăm ngàn năm khác do một đột biến nào đó lại có chất B trộn vào, rồi nhiệt độ khi lên khi xuống khiến cho hình thù và sắc màu trở nên thiên biến vạn hóa. Nhưng tất cả muôn ngàn biến hóa đó đều diễn ra trong câm lặng và tối tăm, trong một nguyên khối im lìm ôm chặt. Chỉ khi có bàn tay của con người nhúng vào thì hình dáng và màu sắc mới mở ra. Giống như lịch sử của trái đất hay vũ trụ này: không có sự hiện diện của con người thì đâu có gì? Không Thượng Đế, không Ngọc Hoàng, không Thiên Tào Bắc Đẩu, không thiện không ác, không cả thế giới hữu hình lẫn vô hình... tất cả đều xuất hiện với con người và đều là sản phẩm của con người. Chưa có con người với nhân tính dần dần thành hình qua một quá trình rất dài thì tất cả đều là mù tối, giống như muôn màu sắc tuyệt diệu nằm im lìm hàng triệu năm giữa lòng trái núi đá.                                                            


Nhưng mà người Nga đã mó vào đá, và đã hóa phép ra vô số kỳ công. Sao đất nước này lại có lắm thứ tài nguyên đặc biệt này đến thế? Vừa cứng vừa nặng vừa kềnh càng, phải đổ bao nhiêu công sức ra mới thưởng thức được cái phẩm cách ẩn giấu khó khăn của nó. Bạn có đứng bên cạnh cây cột đá cao vút nguyên khối trên sân của Cung Điện Mùa Đông bạn mới bàng hoàng tự hỏi làm sao “cắt” nguyên một khối đá to lớn như thế từ trong núi, rồi gọt đẽo, rồi vận chuyển qua bao đường bộ đường sông để đem về đây nguyên vẹn dựng lên đứng sừng sững như muốn nhờ khối đá nói hộ cho một loại ý chí của con người. Bạn có đối diện với những vách ốp đủ loại đá màu sắc hài hòa, những bình, những vại, mâm bồng với đường kính từ một đến hai ba mét bằng đá khổng tước, bích ngọc, lam ngọc, hoàng ngọc... những bức khảm đá, những cây cột đá mỗi cây một màu vây tròn lấy các tháp gác chuông... bạn sẽ có cảm giác không chỉ đối diện một bức tranh hài hòa với màu sắc hoàn toàn thiên nhiên, mà còn có cảm tưởng như đang nghe, vâng nghe rất rõ, một khúc giao hưởng vang lừng kỳ bí phát ra nơi từng phiến đá, những tiếng vi vu vang âm vẳng đến từ hàng triệu năm tồn tại. Đá là loại vật liệu nguyên chất xưa cũ nhất, chỉ đá mới có thể cho chúng ta nghe về quá khứ mịt mù thẳm sâu của quê hương quả đất này. Hãy lắng nghe, thì sẽ nghe được tiếng nói đó của một thứ quá khứ khó tưởng tượng nổi, nó dài hơn lịch sử của loài người nhiều, khi đứng chiêm nghiệm trước một khối đá đã được con người phả vào một linh hồn, và từ đó, một ngôn ngữ.


Chỉ sau khi đi thăm Hermitage và nhà thờ Saint Isaac tại đất cố đô này tôi mới có dịp khám phá ra một thế giới hoàn toàn mới lạ đối với tôi: đó là đá của người Nga. Phải nói rằng người Nga rất thích đá, dĩ nhiên là đá quý, nhất là tầng lớp quý tộc và trí thức thì hình như thật sự có nỗi đam mê cái đẹp vừa ẩn tàng, vừa hiển lộ này. Đây là cái đẹp đòi hỏi phải có sự tham dự tối đa của bàn tay con người, vừa phải có sức mạnh, sự khéo léo, và cả nghệ thuật nữa, mới làm bộc lộ ra được. Giống như triển lãm hoa, hằng năm có nhiều cuộc triển lãm đá ở Nga, thu hút rất đông người đến xem. Nước này có rất nhiều loại ngọc và đá quý, từ kim cương, hồng ngọc, bích ngọc, cương ngọc (corundum)... cho đến khổng tước thạch (malachi), mã não thạch (agat), lam bảo thạch (còn gọi lam ngọcsaphia) v.v... Những loại đá thông dụng như đá hoa cương (granit), cẩm thạch (marbre) v.v... đa dạng, đủ các màu sắc với các loại vân kỳ ảo thì nhiều vô số kể. Vùng núi Ural là nơi tập trung đủ loại đá quý, còn ở vùng Baltic thì hổ phách rất nhiều, thậm chí có khi sau một lần biển động, người ta ra bờ biển, nếu may mắn có thể nhặt những tảng, những hòn hổ phách lớn do sóng đẩy vào bờ. Đi mua đồ kỷ niệm ở Nga, bạn nên lưu ý đến những vòng đeo cổ cho phụ nữ kết bằng đá, màu sắc và hình dáng phong phú một cách không ngờ, nhưng đó chỉ là những dạng thu nhỏ cái phong phú vô cùng mênh mông về đá quý của xứ này. Tôi nhớ trong Hermitage có một phòng trang trí toàn bằng đá Khổng tước (màu lông công), óng ánh, huyền ảo như có một bầy công đang phùng xòe đuôi và cánh ra mà đón tiếp mình. Anh Cần kể cho tôi ở Hoàng Thôn, tức Làng Vua (một địa điểm trong vùng phụ cận St Petersburg), trong một cung điện có một phòng Hổ phách (chắc là đá ốp và vật dụng trong phòng toàn bằng hổ phách) rất nổi tiếng, nổi tiếng đến nỗi quân phát xít Đức đã cướp nguyên cả phòng mang về Đức, nhưng rồi nó biến mất luôn, sau chiến tranh người Nga ra sức truy tầm mà không hề thấy dấu vết. Ngày nay trong thời kỳ hậu cộng sản, chính quyền và dân chúng Nga đang cố gắng phục chế lại phòng hổ phách quốc bảo lộng lẫy và lừng lẫy một thời. Nhiều nhà kinh doanh Nga, và cả các cá nhân và tổ chức ở Đức cũng đã đóng tiền giúp cho công cuộc phục chế này.

Về thăm Tolstoi ở Điền Trang YasnayaPolyana 

 

Đọc Tolstoi từ thời còn đi học, thấy cuộc đời của ông bá tước này gắn liền với điền trang Yasnaya -Polyana, thì tôi đã hình dung điền trang ấy giống cảnh trí nơi Natasha đã gặp André như đã tả trong Chiến Tranh và Hòa Bình. Nhìn lại cảnh sống ở Việt Nam từ thôn quê đến thành thị, chẳng thấy có một cái gì tương tự như điền trang của bá tước Tolstoi bên Nga. Giới địa chủ giàu có của miền Bắc và Trung Việt Nam giỏi lắm xây dựng một “dinh cơ” trong khu vườn rộng, và nếu khéo chạy một phẩm tước của triều đình thì cũng chỉ đến “bát phẩm, cửu phẩm,” vừa đủ để thỏa mãn thói háo danh nơi chốn làng xã. Các đại điền chủ Nam Kỳ thì thuộc vào đất nhượng cho Pháp, cung cách sống của họ khá xa vời với văn hóa cổ truyền Việt Nam, họ không hề mang những phẩm tước của triều đình, và dinh cơ của họ dù lớn lao cũng chẳng có vẻ gì là “điền trang” của một tầng lớp quý tộc, hiểu như là con đẻ của một định chế quốc gia, và mang nhiều tính cách đại diện cho những gì ưu tú thuộc văn hóa truyền thống của đất nước.

 

Hai chữ điền trang gợi cảm tưởng thơ mộng êm ả chốn thôn quê, đồng thời cũng làm liên tưởng đến tài sản đất đai rộng lớn và sự giàu sang của giai cấp quý tộc Tây phương trong quá khứ. Điền trang không chỉ là một cơ sở nhà cửa của nhà giàu ở thôn quê, mà còn là một cách sống, một quan niệm sống của một giai tầng được ưu đãi, mà lợi tức từ đất đai rất lớn lao, thường là chính yếu trong sự sản của họ.

 

Tolstoi là một tác giả nổi tiếng khá quen thuộc với người đọc sách Việt Nam. Ông là một văn hào Nga của nửa sau thế kỷ thứ 19 và sống thêm một thập niên đầu thế kỷ 20, tác phẩm của ông được dịch sang tiếng Pháp và theo người Pháp đi vào Việt Nam. Hồi tôi còn nhỏ, khoảng giữa thập niên 40, tôi thấy sách Tự Lực Văn Đoàn ở bìa sau thường giới thiệu các tác phẩm đã xuất bản, luôn luôn có một cuốn tên là A-na Kha-Lệ-Ninh, do Vũ Ngọc Phan dịch, nhưng chưa từng được nhìn thấy cuốn ấy bao giờ. Mãi sau lớn lên tôi mới biết đó là cuốn Anna Karénine (lối viết theo tiếng Pháp) của Léon Tolstoi. Có thể đó là tác phẩm lớn đầu tiên của Tolstoi được dịch sang tiếng Việt, tôi không biết thời thập niên 30, 40 của thế kỷ trước có gây tiếng vang nào trong độc giả người Việt không. Nhưng tiểu thuyết Nga nói chung, và riêng Tolstoi, tôi nghĩ là rất có duyên với người đọc Việt Nam, đặc biệt là sau khi đất nước bị chia cắt năm 1954 thì cả miền Nam lẫn miền Bắc đều có phong trào dịch và nghiên cứu tìm hiểu. Tôi nhớ hồi còn đi học, khoảng cuối thập niên 50 tôi đã đọc cuốn Viết Và Đọc Tiểu Thuyết của Nhất Linh và sau này mới nhận ra là cuốn sách đó có ảnh hưởng rất lớn đối với tôi. Nhất Linh đặc biệt ca tụng các tác giả tiểu thuyết Nga như Tolstoi, Dostoievsky, và các tác giả của nước Anh như các chị em Bronte. Ông cho rằng hai dân tộc này, đặc biệt là Nga, có biệt tài về tiểu thuyết, các tác giả của họ nhận xét và diễn tả cuộc đời rất trung thực và sâu sắc. Từ đó tôi để tâm tìm đọc các bản dịch Chiến Tranh và Hòa Bình, Anna Karenina của Tolstoi, Anh Em Nhà Karamazov, Tội Ác và Hình Phạt, Thằng Ngố... của Dostoievsky, Đỉnh Gió Hú của Emily Bronte... Quả nhiên tôi đã bị các tác giả Nga chinh phục, thời thanh niên tôi bị ám ảnh bởi Dostoievsky nhiều hơn là Tolstoi bởi lối đào sâu tâm lý như là phù thủy của ông, nhưng càng lớn lên thì càng cảm nhận được cái lớn lao thênh thang của tâm hồn cũng như tiểu thuyết của Tolstoi. Chiến Tranh và Hòa Bình là một cái gì giống như cả cuộc đời rộng khắp, đó là một cái bầu hồ lô thu tóm mọi sự, từ những cái có kích thước bé tí người thường phải dùng kính hiển vi mới nhìn thấy, đến những cảnh tượng hoành tráng của núi non, ruộng đồng, của biến cố lịch sử và ngay cả lòng người. Dostoievsky cho ta những khoái cảm rợn người của bệnh lý, của những chiều sâu thăm thẳm không thể tìm thấy trên bề mặt của cuộc đời bình thường, trong khi với Tolstoi, ta thưởng thức những bức bích họa tỏa ra đầy đủ hơi thở nồng ấm của mọi cảnh huống trong đời sống. Đọc ông xong người ta cảm thấy hai chân mình đứng trên mặt đất vững hơn, vì cuộc đời vẫn nồng đượm quanh ta...

 

Sau năm 1975, khi cuộc đời tù đày đã dần dần “ổn định,” nghĩa là không còn ảo tưởng được thả về trong một thời gian ngắn, hơn nữa, hoàn toàn mịt mù về ngày về và tương lai, đám đi tù bắt đầu tìm sách vở để đọc. Gia đình người đi cải tạo có một khuynh hướng chung rất dễ thương trong việc chọn sách gửi vào trại cho người thân, là chỉ gửi sách dịch của các tác giả cổ điển trên thế giới. Hầu như chẳng có một cuốn sách truyện nào của các tác giả miền Bắc, loại sách mang chủ đề “xây dựng chủ nghĩa xã hội” được sáng tác trong các “trại” viết văn, đọc thì thấy rõ mồn một sự gượng gạo giả dối nhiều khi khiến chính người đọc phải ngượng chín cả người. Một số sách dịch của miền Nam cũ cũng được chấp nhận, như các tác phẩm của Dostoievsky, của nhà văn“tiến bộ” Mỹ John Steinbeck (Chùm Nho Uất Hận...). Nhưng sách dịch của nhà xuất bản Văn Học Hà Nội mới đáng kể, đặc biệt các tác giả Nga và Liên Xô bây giờ được dịch thẳng từ nguyên bản tiếng Nga chứ không qua bản tiếng Pháp hay tiếng Anh như miền Nam trước kia.

 

Vì Tolstoi được Lenin cho là “viên đá tảng” của văn học Nga nên nhà xuất bản Văn Học ở Hà Nội đã giới thiệu ông rất kỹ. Tôi được đọc cuốn Hồi Ký của Tolstoi, trong đó có một chi tiết tôi nhớ mãi đến bây giờ: khi nhớ về thời thơ ấu, hồi ức của Tolstoi vươn tới một điểm xa không ngờ, ông nhớ được cái cảnh và cái cảm giác người ta tắm cho ông trong một thau nước, khi ông mới được sáu tháng tuổi. Tôi cũng thường hay cố hình dung những gì xa nhất trong đời mình mà mình còn nhớ được, thì tôi đoán ký ức của tôi có thể lộn về giỏi lắm là khoảng tôi lên bốn tuổi, trước đó thì hoàn toàn mịt mờ... Có thể Tolstoi là một trường hợp đặc biệt, não bộ và thần kinh ông được cấu tạo khác thường nên đến khi lớn lên vẫn hiện ra những hình ảnh và cảm giác của con người lúc còn rất non nớt. 

 

Dĩ nhiên là họ dịch Chiến Tranh và Hòa Bình, do một nhóm đến bảy tám người phụ trách, chia nhau mỗi nhóm dịch một phần. Chính vì làm việc riêng rẽ như vậy nên bản dịch không được nhất quán, văn phong mỗi cuốn mỗi khác nhau, chỗ hay chỗ dở không đều, thậm chí có khi cùng một nhân vật mà ở đoạn đầu gọi cha mẹ là “bố mẹ,” đến đoạn sau lại gọi bằng “ba má,” và giọng văn khi thì thiên về ngôn ngữ miền Bắc, khi thì miền Trung vùng Huế. Điều này cho thấy đối với các tác phẩm văn học lớn và dài hơi không nên chia ra mỗi người hay mỗi nhóm lãnh dịch một phần, vì khi ráp lại sự khác biệt ở mỗi phần sẽ lộ ra rất rõ, dù là có thể có người nhuận sắc lại toàn bộ nhưng chắc chắn không thể xóa đi bản sắc của từng người dịch. Về phương diện này, tôi thấy bản dịch Chiến Tranh và Hòa Bình của Nguyễn Hiến Lê ở miền Nam nghiêm túc hơn, và chắc đó cũng là lý do cách đây vài năm Sài Gòn in lại tác phẩm này thì chọn bản dịch của Nguyễn Hiến Lê chứ không dùng bản của nhà xuất bản Văn Học.

 

Vì ảnh hưởng của Tolstoi đối với tôi sâu đậm và dài lâu như vậy nên khi đến Nga vào mùa hè năm 2000, nghe nói có thể đi thăm điền trang của ông thì tôi vội sắp xếp thì giờ để thực hiện chuyến đi mà trong thâm tâm tôi coi như một cuộc “hành hương.” 

 

Từ Mạc Tư Khoa đi về hướng nam độ 200 cây số thì đến thành phố Tula, từ Tula theo một con đường nhỏ rẽ về hướng tây độ vài mươi cây số nữa thì đến Yasnaya Polyana, điền trang của Tolstoi. Chúng tôi thuê một chiếc tắc xi từ ngày hôm trước, hẹn đúng bảy giờ sáng hôm sau đến đón. Tài xế tắc xi là một người đàn ông trung niên Nga cao lớn phương phi, chỉ biết nói vài tiếng Anh, mọi chuyện giao thiệp đều do anh Nguyễn Minh Cần là người “bảo trợ” cho tôi trong chuyến Nga du này. Xe chạy xuyên qua thành phố thủ đô giờ đi làm buổi sáng nhưng không hề bị kẹt đường, xe cộ ở đây chưa đến độ quá tải như nhiều đô thị khác trên thế giới. Ra khỏi thành phố, xa lộ chạy giữa một vùng đồng quê rộng rãi phong quang, đặc biệt ít thấy cảnh làng mạc, có lẽ vì đất ở đây rộng quá, xen vào những cánh đồng thường là rừng.

Anh Cần ngồi phía trước cạnh bác tài, hai người trao đổi chuyện trò suốt chuyến đi, và chỗ nào lý thú thì anh Cần dịch cho chúng tôi nghe, và chúng tôi thỉnh thoảng cũng góp chuyện (“chúng tôi” đây gồm có tôi và một người bạn nữa, anh Hoàng Ngọc Tuệ, cùng đi với tôi từ Mỹ sang). Bác tài cho biết ông ta chưa đi đến điền trang của Tolstoi lần nào, nhưng tỏ ra biết về tác giả này khá nhiều. Trong một tuần lễ ở Nga, tôi để ý những hiệu sách vào giờ tan sở buổi chiều thường đông nghẹt người, điều đó chứng tỏ người Nga rất chú ý đến sách vở. Anh Cần cũng cho biết “người Nga họ ham đọc sách lắm, trình độ đọc nói chung khá cao, và họ cũng ham thích các môn nghệ thuật khác.”

 

Vậy việc ông tài xế tắc xi nói về tác phẩm Tolstoi thì cũng không có gì lạ, cũng giống như một người Việt Nam có học nói về truyện Kiều hay Nhất Linh, Khái Hưng. Nhưng vẫn có điều lạ ở người tài xế này, một chuyện rất thú vị có liên quan đến Tolstoi, và duyên đưa đẩy thế nào hôm nay lại là người lái xe đưa chúng tôi đi thăm nhà của văn hào. Ông ta nguyên là diễn viên điện ảnh, do có vóc dáng rất oai vệ nên thường đóng các vai vua chúa, quý tộc, chức sắc tôn giáo, và chính ông đã thủ vai Nga hoàng trong phim Chiến Tranh và Hòa Bình quay từ tiểu thuyết cùng tên của Tolstoi do Liên Xô sản xuất trước đây. Sau cuộc đổi đời của Liên Xô hồi đầu thập niên 90, ông rời điện ảnh, và bây giờ kiếm sống bằng nghề tắc xi. Tôi hỏi ông đã xem phim này do Mỹ sản xuất chưa, ông trả lời đã xem, và cho rằng phim Mỹ thực hiện khá đầy đủ các hình thức của đời sống Nga, nhưng phần tâm hồn Nga thì không thể hiện được bao nhiêu. Tôi tự nhủ về Mỹ thế nào cũng phải tìm cuốn phim Chiến Tranh và Hòa Bình do Liên Xô sản xuất, để xem có nhận ra ông Nga hoàng lái tắc xi này không, nhưng đã một năm rưỡi trôi qua, ý định của tôi vẫn chưa được thực hiện.

 

Đọc tiểu thuyết Nga tôi thường gặp địa danh Tula, hình như trong Chiến Tranh và Hòa Bình cũng có, nên khi xe đến thành phố này tự nhiên tôi có cảm tưởng quen thuộc lắm. Phố xá chẳng lấy gì làm diêm dúa và cũng không mang một phong cách đặc biệt nào, vì thế dễ cho người ta cảm tưởng đã bắt gặp một lần ở đâu đó. Vì tài xế không biết rõ đường về điền trang Yasnaya Polyana nên chúng tôi được dịp đi xuyên theo suốt chiều dài của thành phố, để rồi phải quay trở lại mới tìm ra đúng đường. Đó là một thành phố kỹ nghệ khá lớn, chuyên về sản xuất vũ khí, đường sá xưa cũ và bụi bặm, và chính điểm này đem lại một cảm giác gần gũi cho một du khách Việt Nam. Nhưng khi vào đường nhỏ về thôn quê thì khác hẳn, cảnh hai bên đường xanh tươi thơ mộng, càng đi càng vào sâu với thiên nhiên, bỏ lại ồn ào bụi bặm phía sau.

 

Tôi đã đọc đâu đó là cổng của điền trang Yasnaya Polyana hai bên có hai cái tháp, nên khi nhìn thấy là tôi biết ngay đã đến nơi, mặc dù hai cái trụ cổng vĩ đại ấy theo tôi không phải là hai cái tháp. Đó chỉ là cái trụ cổng làm giả hình tháp, hay đúng hơn, hình cái điếm canh, to lớn, vững chắc, hơi nặng nề theo phong cách Nga. Hai trụ cổng chỉ đóng vai trò đánh dấu ngõ vào, không có cửa đóng, nhưng khi du khách vừa qua khỏi cổng thì có bảng chỉ dẫn ghé vào một cái ki-ốt nhỏ bên tay trái để mua vé, vì điền trang này từ lâu đã được nhà nước quản lý như là một bảo tàng về Tolstoi. Có vé rồi thì mọi người có thể thong dong đi dưới hàng cây cao bóng mát để dần vào phía bên trong, càng đi càng thấy như mình đang lần hồi ngược đường vào quá khứ. Viện bảo tàng nào chẳng là nơi cất giữ quá khứ, nhưng điền trang Yasnaya Polyana là một quá khứ sống, cây cối vẫn rì rào, ao hồ vẫn gợn sóng, và những dấu vết thuộc đời sống của nhà văn hào vẫn còn lưu giữ khắp nơi đúng như lúc ông còn sinh thời.


http://2.bp.blogspot.com/-kYEEDqYsFrI/U3cEwkkHoWI/AAAAAAAAAF8/erpmgWYSmqY/s1600/BuongTamAoLoThiencuaTolstoi.jpg

Buồng tắm ao lộ thiên của Tolstoi 

Anh Cần kéo chúng tôi xuống bờ ao xem một cái nhà tắm lộ thiên cất nửa trên đất nửa dưới nước, vây quanh bằng những tấm phên có lẽ đan bằng một loại cây leo. Bên trong, từ trên sàn gỗ có một cái cầu thang bắc thẳng xuống nước để người đi tắm có thể xuống ngâm mình dưới ao mà vẫn được các tấm phên che gió. Đó là nơi tắm ao trong mùa đông của Tolstoi. Tôi lấy làm lạ cho cách tắm này, mùa đông Nga thì hẳn nhiên lạnh lắm, vậy sao người ta vẫn có nhu cầu ra tắm ngoài trời? Trong điền trang mênh mông này có khá nhiều ao hồ, những nơi mà Tolstoi đã tắm táp bơi lội suốt đời, từ khi còn niên thiếu cho đến khi râu tóc đã bạc phơ. Năm ông sáu mươi tuổi, một lần nhà văn trẻ Anton Tchekhov đến thăm ông, đã thấy ông nhảy ùm xuống nước bơi nhẹ nhàng, tóc và râu bạc nổi lềnh bềnh trên làn nước xanh. Nội cái việc tắm của Tolstoi thôi đã cho chúng ta biết thế nào là nếp sống nơi điền trang. Thật ra, điền trang cũng tức là thôn quê, dù là thứ thôn quê quý tộc, sinh hoạt nơi thôn dã về căn bản thì vẫn giống nhau. Nhất là cái việc bơi lội dưới sông dưới hồmột hình thức sinh hoạt con người hòa lẫn vào với thiên nhiên nhiều nhất thì dù anh nông nô hay ông bá tước thì vẫn mình trần như nhộng, cùng làm những động tác lặn hụp giống nhau. Phải chăng sự kiện đã sinh ra, lớn lên và sống gần trọn đời tại nơi này đã góp phần vào tư tưởng nhân đạo, bình đẳng của Tolstoi?

 

Qua một cánh rừng thì bắt đầu thấy thấp thoáng tòa dinh thự đàng xa. Vừa thấy ngôi nhà to lớn ấy, tự nhiên những hình ảnh đã đọc trong Chiến Tranh và Hòa Bình ùn ùn kéo về đầy cả tâm trí tôi, tựa hồ cuốn sách ấy chính là cuộc đời vây quanh tác giả của nó vậy. Nhiều người trong gia đình và cả chính ông nữa, đã được Tolstoi mô phỏng để xây dựng nhân vật, thì cái điền trang này cũng vậy, đã xuất hiện nhiều lần trong tiểu thuyết của ông.

 

Năm Tolstoi mười chín tuổi thì anh em ông bắt đầu chia gia tài, và chính ông xin phần hoa lợi kém nhất, là điền trang này và một số ruộng khoảng một ngàn rưỡi hecta với hơn ba trăm nông nô, và chàng thanh niên trong một thời gian đã tự mình cai quản dinh cơ ruộng đất với quan niệm sống một đời lành mạnh đạo đức gần thiên nhiên. Ngôi nhà mà chàng đã sống là một tòa biệt thự rất lớn bây giờ vẫn còn nguyên vẹn, kiểu cách tương đối giản dị, có lẽ để hợp với cảnh thôn quê. Quanh nhà chỉ có vài bãi cỏ chứ không có vườn tược trồng hoa hay cây ăn trái, và tiếp đó là rừng.

 

Ở cửa vào Bảo tàng tức là vào nhà Tolstoi người ta để một đống dép bằng da sống, kích thước rất to, khách cứ để nguyên giày mà đi thêm dép trước khi vào thăm bên trong, chắc là nhằm bảo vệ sàn nhà. Hình thù những đôi dép khá đặc biệt, to bè bè và rộng thênh thang, nhưng có giây rất dài để có thể quấn quanh mắt cá chân mấy vòng và buộc lại thì rất chắc, không dễ sút ra như người ta tưởng. Tôi có cảm tưởng những đôi dép này là nhái theo kiểu dép của nông dân Nga, để tạo cho cuộc viếng thăm của khách một cung cách thôn dã. Vào thăm trong nhà phải mua vé, và người ta còn cho biết nếu muốn chụp ảnh thì phải trả thêm năm chục rúp nữa.

 

http://4.bp.blogspot.com/-_RY7LkcdgsY/U3cFpdvshTI/AAAAAAAAAGQ/LjO-LjV10i8/s1600/PhongAntrongDinhThuTolstoi.jpg

 Phòng ăn trong dinh thự của Tolstoi. Từ trái: Tác giả, anh Nguyễn Minh Cần, người tài xế taxi

 

Tòa nhà được giữ gìn nguyên vẹn như hồi còn Tolstoi, vào thăm trong nhà tức là thăm đúng cái không gian sống của ông. Cách bài trí sang nhưng không xa hoa kiểu cách. Nhìn những hình ảnh thân mật trong cuộc sống của nhà văn, như phòng ăn, tủ sách, bàn viết, giường ngủ... người ta cảm thấy như mọi cái vẫn còn giữ hơi ấm của sinh hoạt hàng ngày của ông, hình ảnh ông dường vẫn ra vào đâu đây. Chứng cớ của đời sống ấy thật quá và được lưu giữ đầy đủ. Trên bàn làm việc cái ống bút và tập giấy vẫn còn đấy, như chỉ chờ chủ nhân ngồi vào sáng tác. Phòng ăn đã được bày bàn, đĩa, dao muỗng khăn ăn đầy đủ đợi ông ra dùng bữa. Và cái giường ngủ gọng đồng nhỏ hẹp của Tolstoi với chiếc gối cao, khăn trải giường chạy những hoa văn hình kỷ hà khá cổ điển, trên chiếc bàn đêm có chiếc đồng hồ nhỏ và một cây nến cháy dở, mọi thứ có lẽ y nguyên như lúc bốn giờ sáng ngày 28 tháng Mười năm 1910, là lúc ông thức dậy và bỏ nhà ra đi, lần cuối. Năm ấy ông 82 tuổi, bị nhiều dằn vặt khổ sở do bà vợ mang lại, cuối cùng quyết định bỏ nhà ra đi, và mất ở nhà ga Astapovo ngày 7 tháng 11.

 

Chúng tôi không thể đi thăm hết 32 phòng trong dinh thự này, mà chỉ đến một số phòng Tolstoi đã sống, ở đó trưng bày, hay đúng hơn là còn giữ nguyên các đồ dùng hằng ngày của ông. Những phòng còn lại thì trước kia dành cho khách khứa, trong đời của ông có nhiều khách đến thăm lắm. Với tư cách là nhà văn, tên tuổi của ông vang lừng bốn bể, văn nhân tài tử đến với ông đã đành rồi, ông lại có thêm rất nhiều “đệ tử” đi theo tư tưởng nhân đạo bất bạo động của ông lui tới nhà ông liên tục. Ông nổi tiếng đến nỗi thời bấy giờ người ta gọi ông là “đệ nhị Sa-hoàng,” và điền trang của ông đã biến thành một loại tiểu triều đình vô cùng tấp nập!


http://2.bp.blogspot.com/-l3GAXmBHrz4/U3cFSJUg2BI/AAAAAAAAAGI/_8As2Vm28bQ/s1600/MotGocPhongGiaDinhTolstoi.jpg

Một góc phòng gia đình

 

Cách dinh cơ chính không xa là một ngôi nhà khác trước kia là trường học Tolstoi lập ra để dạy dỗ con cái nông nô. Đây cũng là một bảo tàng nữa, trưng bày nhiều thứ liên quan đến tác giả Chiến Tranh và Hòa Bình và thời đại của ông, đặc biệt có cả một cái máy ghi âm thời đầu thế kỷ 20, mà nhờ một máy khuếch âm của ngày nay, người ta có thể cho khách nghe giọng nói của Tolstoi đã được thu từ thời ấy.

 

Thăm nhà của nhà đại văn hào với bao nhiêu dấu vết xưa còn tồn giữ dĩ nhiên là một việc rất cảm động và hữu ích, nhưng đi lang thang trong những khu rừng trong điền trang của ông mới thật là thích thú. Cây cao vút rì rào như nước Nga từ một thế kỷ qua chẳng có gì thay đổi, những chuyện cách mạng, nội chiến, độc tài, thanh trừng, trại tập trung, đi đày Sibérie... như là những chuyện thuộc về một thế giới khác, còn đây là cõi của Tolstoi. Tại điền trang này Tolstoi đã sinh ra, lớn lên và cư ngụ phần lớn đời của mình, nơi nhà văn hào viết nên những tác phẩm bất hủ và suy nghĩ, tự đấu tranh để tu thân và lập thuyết cứu đời. Tại đây nhà văn đã đến với Phật giáo, đã viết ra tư tưởng bất bạo động, và chính những điều ông viết đã ảnh hưởng lớn đến Gandhi, người đem thuyết bất bạo động vào đấu tranh thực tiễn.

 

Bên mộ Tolstoi: Tác giả (trái) và người tài xế taxi từng đóng vai Nga Hoàng trong phim Chiến Tranh và Hòa Bình từ tiểu thuyết cùng tên của Tolstoi, do Liên Xô sản xuất.

Sau khi ông mất ở Astapovo, người ta đưa thi thể ông về mai táng tại điền trang. Điều gây bất ngờ lớn lao nhất cho một người đến thăm điền trang của Tolstoi chính là ngôi mộ ông. Nó đơn giản quá sức, đến độ như một ngôi mộ hoang, hệt như Nguyễn Du đã tả sè sè nấm đất bên đàng, rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh.

 

Cỏ trên mộ ông thì xanh tốt chứ không có vàng (có lẽ vì chưa đến mùa thu), nhưng đúng là ngôi mộ bên đàng, và chỉ là một nấm đất đơn sơ thấp thấp, nằm ngay bên một lối đi hun hút trong rừng, dưới một tàng cổ thụ, không mộ bia, không một viên đá viên gạch. Ngoài một cái nấm nhỏ bé nhô lên khỏi mặt đất, không có một công trình nào do bàn tay con người can thiệp vào nơi an nghỉ cuối cùng của nhà văn. Ông hoàn toàn hòa nhập vào thiên nhiên quanh ông, thiên nhiên của ông nếu ta muốn đem một chút gì gọi là sở hữu vào đây. Vâng, đây là đất của ông, nên mộ ông tuy giống mộ hoang nhưng không phải là mộ hoang. Cả điền trang này là nơi ông sống và nơi ông chết, khi sống thì cả điền trang là nhà ông, khi chết thì cả điền trang là mộ ông, cần gì phải dựng bia xây mộ nữa? Những giòng chữ đại loại: Nơi đây an nghỉ nhà đại văn hào... mà đặt nơi đây có lẽ chỉ mang lại cảm giác buồn cười. Chẳng có văn hào, nhà tư tưởng nào ở đây. Chỉ có một Con Người nằm dưới gốc cây, nghe gió rì rào trong cây, và xa xa, tiếng sóng vỗ nơi vô số ao hồ. Sách vở, sự nghiệp xin để lại ngoài kia, ngoài thế giới mà loài người còn đang tiếp tục sống, để người ta đọc, người ta cười, khóc, và người ta tranh luận...

 

Còn ở đây, con người lớn lao ấy đang yên nghỉ.

 

Suốt trong mấy mươi năm nước Nga sống trong chế độ cộng sản, có thể điền trang này của Tolstoi là nơi duy nhất không có bàn tay phá phách của “cách mạng.” Sự nghiệp của Tolstoi chỉ là chữ nghĩa và ý tưởng, nhà cửa ruộng vườn và rừng cây này chỉ như là kỷ niệm ông trao lại cho đời sau, nó hiện diện nơi này như làm chứng cho cuộc đời một người luôn luôn muốn đem lại những gì tốt đẹp cho kẻ khác. Ông là một nhà văn rất lớn, nhưng hơn thế nữa, ông mang một nỗi khao khát sửa đổi thế giới quanh ông bằng những cải cách, vừa xã hội vừa trong tâm hồn con người.

 

Từ những dòng chữ trong Viết Và Đọc Tiểu Thuyết của Nhất Linh cho đến nước Nga và điền trang Yasnaya-Polyana của Tolstoi đối với tôi đều là những cơ duyên đầy sung sướng, có thể cách nhau rất xa trong không gian và thời gian, nhưng cũng có thể chỉ là một, tất cả chỉ dồn vào một cái chớp mắt trong lòng tôi. Nếu không có Nhất Linh liệu tôi có đến với Tolstoi như tôi đã đến không? tôi có bị thôi miên bởi ông phù thủy Dostoievsky, có cảm động say mê cơn mưa trong bình minh của Pautopsky, có trò chuyện với bác sĩ Zhivago? (1). Chuyến đi Nga của tôi ngẫm lại là một chuyện phải tới, dù là lần đầu tiên mà thực chất là một chuyến “về lại” một chốn xưa cũ của lòng tôi; riêng cuộc đi về điền trang Yasnaya-Polyana thì gọi là “hành hương” cũng được tuy là hơi có vẻ cường điệu theo kiểu tôn giáo không hợp với tạng người của tôi, hoặc gọi là về thăm một chỗ quen biết xưa thì đúng với thực chất hơn. Đứng bên mộ Tolstoi tôi cảm thấy lòng thanh thản như đối diện với một cái gì lớn lao mà giản dị, như kiểu gần một vị chân tu. Dưới tàng cây gió thổi bên cạnh nấm đất mộc mạc, tôi như tiếp xúc được toàn bộ tính chất sâu xa, khoan dung, hồn hậu của Tolstoi cũng như bao tác giả Nga khác, họ đã sinh ra, viết lách trên mảnh đất này mà tác phẩm của họ gần gũi với cả nhân loại. Đó là một khoảnh khắc lạ lùng nhất trong đời tôi. Một khoảnh khắc thiên thu.

 

(1) 'Trò chuyện với bác sĩ Zhivago' là tên một bài viết của tác giả.

__________________________

"Phạm Xuân Đài: Đến với nước Nga" (P.1): 

https://www.diendantheky.net/2022/12/pham-xuan-ai-en-voi-nuoc-nga-phan-1.html