Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2022

Phạm Đình Trọng: Những Cánh Buồm - Trích đăng chương về Lê Duẩn (Phần 2)

Lời giới thiệu: Được sự đồng ý của tác giả, nhà văn—nhà báo Phạm Đình Trọng, Diễn Đàn Thế Kỷ xin trích đăng chương viết về chân dung Lê Duẩn, Bí thư Thứ nhất Đảng Lao động Việt Nam từ năm 1960 đến năm 1976Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1976 đến năm 1986, trong tập chân dung chính trị “Những cánh buồm” của Phạm Đình Trọng.

xxxx


K.MAC VIẾT HỌC THUYẾT BAO LỰC ĐẤU TRANH GIAI CẤP CỦA CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN. LÊ NIN THỰC HIỆN BẠO LỰC CỘNG SẢN BẰNG MÁU NGƯỜI NGA


HỒ CHÍ MINH ĐƯA HỌC THUYẾT CỘNG SẢN BẠO LỰC ĐẤU TRANH GIAI CẤP VỀ VIỆT NAM. LÊ DUẨN THỰC HIỆN BẠO LỰC CỘNG SẢN BẰNG MÁU NGƯỜI VIỆT.


NĂM.  THAM VỌNG LÊ DUẨN VÀ MÁU MẬU THÂN 1968 

Trước khi đi học trường Sỹ quan rồi vào mặt trận Tây Nguyên, trước khi máy bay Mỹ đánh phá Hà Nội buộc thành cổ Hà Nội phải bỏ vườn không nhà trống, tôi đã có những năm tháng là lính ở Tổng hành dinh bộ Tổng tư lệnh quân đội Nhân Dân Việt Nam trong thành cổ Cột Cờ Hà Nội. Những năm tháng còn yên ả đó, chiều chiều chúng tôi cùng nhiều sĩ quan bộ Tổng Tham mưu quần nhau với quả bóng da trên sân cỏ Cột Cờ. Có những chiều tắm chung bể bơi câu lạc bộ Quân Nhân với tướng Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng. Có tối, đám lính chúng tôi lại có mặt ở hội trường C12 Tổng Cục Chính trị xem ké hai bộ phim Liên Xô chiếu cho các cán bộ cơ quan chính trị đang học nghị quyết 9 chống chủ nghĩa xét lại hiện đại xem như một nội dung của đợt học, phim truyện Bầu Trời Trong Xanh và phim tài liệu Nikita Của Chúng Ta

Khi tướng chính trị Nguyễn Chí Thanh từ mặt trận miền Nam ra Hà Nội, Tổng cục Chính trị liền đón đoàn Kịch nói trung ương với những diễn viên lừng danh Đào Mộng Long, Trúc Quỳnh vào hội trường C12 diễn vở kịch rất thời sự Trong Phòng Trực Chiến cho riêng tướng Thanh và gia đình xem, hàng ghế cuối hội trường lại có mặt đám lính chúng tôi. Sau năm 1975, từ miền mặt trận Nam trở ra Hà Nội, đã có kiến thức quân sự và đã từng trải trận mạc, tôi lại có hơn hai năm làm việc ở Ban Kí Sự Lịch Sử Quân Sự thuộc Tổng Cục Chính Trị. 

Ban Kí sự Lịch sử có nhiệm vụ hoàn thành bản thảo bộ kí sự lịch sử năm tập Trận Đánh Ba Mươi Năm. Từ 1945 đến 1975, hai cuộc chiến tranh nối tiếp kéo dài ba mươi năm được chia ra làm năm giai đoạn, mỗi giai đoạn là một tập sách. Hơn ba mươi nhà văn, nhà báo quân đội, có những nhà báo cự phách Tư Đương, Lục Văn Thao . . . những nhà văn của những bộ tiểu thuyết dày dặn Triệu Huấn, Nam Hà . . . chia làm năm nhóm, mỗi nhóm hoàn thành một tập bản thảo dưới sự điều hành chung của đại tá nhà báo Kinh Lịch. Tôi và nhà văn Đào Thắng được bổ xung về ban Kí sự ở giai đoạn cuối và làm tập năm do nhà văn, thượng tá Nam Hà làm trưởng nhóm. 

Sục vào các kho hồ sơ lưu trữ của quân đội, của quốc gia. Gặp gỡ các tướng lĩnh chỉ huy mặt trận, chỉ huy chiến dịch. Đọc hồi kí của các tướng lĩnh quân đội miền Bắc, quân đội miền Nam. Đọc bản dịch sách của chính khách Mỹ, trùm CIA Mỹ. . . Nguồn tư liệu gốc ngồn ngộn chân thực đó cùng với thực tế những năm tháng sống trong Tổng hành dinh bộ Tổng tư lệnh ở Hà Nội cho tôi mối quan hệ thân tình với nhiều nhân vật ở cấp chiến dịch, cho tôi nhận ra nhiều điều độc đáo ở đội quân hầu hết là nông dân mặc áo lính. 

Một thí dụ. Chiều chiều đá bóng với chúng tôi ở sân Cột Cờ chỉ có những sĩ quan cấp uý, cấp tá ở bộ Tổng Tham mưu. Nhiều năm đã qua, tôi vẫn nhớ tên, nhớ dáng vài sĩ quan chạy theo quả bóng với chúng tôi trên sân Cột Cờ: thường xuyên có đại uý Ngọc cục Tác chiến, đại uý Đạm, cục Bản đồ. Đại uý Nguyễn Bá Đạm tốt nghiệp chuyên ngành bản đồ trường Cao đẳng Công chính Đông Dương thời Pháp thuộc, làu làu tiếng Anh, tiếng Pháp còn là nhà văn với bút danh Lê Khánh. Trong bài viết về nhà văn Lê Khánh, tôi có kể chuyện ông đá bóng với chúng tôi ở sân Cột Cờ. Thỉnh thoảng có đại tá Nguyễn Anh Bảo cục trưởng C53, cục Thông tin Liên lạc dáng người to đậm mặc áo may ô trắng, quần dài nhà binh cũng xin chúng tôi cho nhập cuộc trận đá bóng của lính. Sĩ quan Tổng cục Chính trị đều ở thành phần cơ bản bần cố nông, cuộc đời đi ở, làm thuê không biết đến quả bóng, không khi nào lai vãng đến sân cỏ Cột Cờ. 

Cuộc sống trong Tổng hành dinh cũng cho tôi thấy những nét đời thường của những tên tuổi sẽ đi vào lịch sử, những sự việc nhỏ nhặt bên lề những sự kiện lớn. Cho tôi có cái nhìn bình dị, đời thường về những con người và sự việc mà tuyên truyền cộng sản đã tô vẽ, đã phủ lên lớp hào quang chói lọi. Không bị thần thánh hoá nhiều sự việc và con người ở phía chủ động phát động cuộc chiến, chủ động khởi xướng, hoạch định nhiều chiến dịch của cuộc nội chiến 1960–1975, cho tôi hình dung đầy đủ và chân thực từng chiến dịch từ cơn cớ ban đầu, đến diễn biến ở bản doanh, diễn biến ở mặt trận và giá máu phải trả. Từ đó tôi cũng nhận ra những góc khuất của chiến tranh, những góc khuất của lòng người. Người háo danh, háo quyền lực đã không tiếc máu xương của hàng triệu người lính và dân lành để thỏa mãn tham vọng quyền lực.

Đầu năm 1967, Bí thư thứ nhất thực sự nắm quyền lực đảng trưởng Lê Duẩn gọi tướng chính trị Nguyễn Chí Thanh, Bí thư trung ương cục miền Nam, đảng trưởng phía Nam ra Hà Nội. Hai con người cùng tình yêu máu thịt và cùng niềm tin sắt đá vào bạo lực chuyên chính vô sản, vào nguyên lí cách mạng Mao Trạch Đông: Nòng súng đẻ ra chính quyền, hai ý chí bạo lực, hai tầm nhìn nông dân gặp nhau ở nhà nghỉ trung ương Quảng Bá. Trong dào dạt gió Hồ Tây, trong phơi phới lạc quan cách mạng, chiến cuộc xuân 1968 đã được hai niềm say mê bạo lực cụ thể hoá thành ý tưởng Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa Xuân Mậu Thân 1968.  

Tống công kích và Tổng khởi nghĩa vẫn là bước đi hai chân vững chắc của cách mạng miền Nam: Kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, kết hợp tiến công của lực lượng vũ trang với khởi nghĩa của quần chúng nhưng là bước nhảy vọt đến đích cuối cùng. Đấu tranh chính trị là nhiệm vụ của lực lượng tại chỗ. Đảng trưởng phía Nam Nguyễn Chí Thanh cùng trung ương cục miền Nam lo kế hoạch Tổng khởi nghĩa. Đấu tranh vũ trang giành thắng lợi cuối cùng phải là tổng lực quân chính qui miền Bắc. 

Thông thường, tướng tư lệnh quân đội cùng bộ Tổng Tham mưu hình thành ý đồ chiến dịch rồi giao cục Tác chiến làm phương án thực hiện. Lần này tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp bị gạt ra ngoài lề. Đảng trưởng Lê Duẩn trực tiếp gọi lãnh đạo Bộ Tổng Tham mưu và cục Tác chiến đến giao nhiệm vụ và đôn đốc sát sao cục Tác chiến bộ Tổng Tham mưu lên phương án Tổng tiến công.

Lê Duẩn và Nguyễn Chí Thanh là hai quyền uy lớn nhất trong Bộ Chính trị. Quyết định của Lê Duẩn và Nguyễn Chí Thanh thực sự đã là quyết định của Bộ Chính trị rồi. Khi hai quyền uy lớn nhất trong đảng đã quyết, đưa ra ban chấp hành trung ương cũng chỉ là thủ tục. Cuối tháng sáu, 1967 hội nghị 14 trung ương đảng khoá ba được triệu tập quán triệt kế hoạch Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân 1968. 

Đảng tự nhận là cộng sản của giai cấp công nhân ở Việt Nam thực chất chỉ là đảng nông dân của nền nông nghiệp cổ hủ. Con người hầu hết là nông dân cùng đinh, nền tảng văn hoá thấp. Tầm nhìn nông dân hạn hẹp, chỉ thấy trước mắt. Cảm tính nông dân mạnh mẽ, thiếu lí trí tỉnh táo suy xét. Ban chấp hành trung ương hầu hết là những con người như vậy lại được hai nông dân tiêu biểu, đảng trưởng toàn quốc Lê Duẩn và đảng trưởng mặt trận phía Nam Nguyễn Chí Thanh, đồng tác giả kế hoạch Tổng tiến công Tổng khởi nghĩa, là linh hồn của hội nghị dẫn dắt thảo luận, thì đương nhiên ý kiến tán thành Tổng tiến công, Tổng khởi nghĩa phải mạnh mẽ và áp đảo.

Dù có Tổng khởi nghĩa nhưng chiến cuộc xuân 1968 vẫn là chiến dịch quân sự và quân sự là quyết định. Quân sự có áp đặt được thế trận, có làm chủ được chiến trường, dân sự mới khởi nghĩa, mới nổi dậy được. Lê Duẩn đơn thuần chỉ là nhà chính trị. Tướng Nguyễn Chí Thanh cũng chỉ là tướng chính trị. Chính trị cộng sản đều có cảm hứng chủ đạo là lạc quan cách mạng. Hai nhà chính trị nông dân Lê Duẩn, Nguyễn Chí Thanh lại là hai điển hình của tinh thần lạc quan cách mạng.

Quân sự không thể chỉ có tinh thần. Quân sự là thực lực, là cán cân lực lượng, là tạo thế chiến lược, tạo thời cơ và nắm thời cơ. Cán cân lực lượng và thế chiến lược năm 1968 chưa thể là thời cơ quyết định chiến cuộc. 

Quân Mỹ, quân Nam Hàn, quân Thái Lan, quân Australia, những đội quân nước ngoài ồ ạt đổ vào Việt Nam đông chưa từng có trong lịch sử Việt Nam, đã cho người dân Việt Nam thấy đất nước Việt Nam đang bị đội quân nước ngoài dày xéo, xâm lược. Bộ máy tuyên truyền cộng sản nắm cơ hội kích động phong trào đấu tranh chính trị chống Mỹ, chống chính quyền Sài Gòn bùng nổ dữ dội như sóng thần, như thác lũ ở các đô thị miền Nam. Nhưng hơn nửa triệu quân nước ngoài với trang bị hiện đại, với sức cơ động cao đang là nỗi đe doạ lớn, là thách thức chưa thể vượt qua với đội quân kháng chiến ở rừng. Những sư đoàn quân Mỹ với máy bay chuyển quân bay rợp trời, xe tăng dàn trận bò kín đất đang chủ động, dồn dập mở những chiến dịch bão táp đánh vào căn cứ kháng chiến trong rừng sâu. Quân Mỹ đang ở thế chủ động và đội quân kháng chiến vẫn đang còn phải bị động đối phó.

Từ 1960 đến 1964 chiến tranh ở miền Nam chủ yếu vẫn chỉ là chiến tranh du kích và đội quân kháng chiến chỉ nắm được quyền chủ động trong đánh lén, đánh đêm nhỏ lẻ. Dù tiếng súng của những trận đánh du kích và những trận đánh của những đơn vị chủ lực quân kháng chiến cấp đại đội, tiểu đoàn rộ lên khắp miền Nam, thì những trận đánh đó cũng chỉ có ý nghĩa chính trị, không tiêu diệt được nhiều sinh lực quân đội Sài Gòn, không có nhiều ý nghĩa quân sự. Từ 1965 đến nay, 1967, quân Mỹ hối hả đổ vào miền Nam, chiến tranh chuyển sang tổng lực hiện đại và quân Mỹ ở Nam Việt Nam với số quân nửa triệu, với sức mạnh sấm sét của vũ khí tối tân đang làm chủ chiến trường. Những chiến dịch lớn, dài ngày liên tiếp đánh vào căn cứ trung ương cục và kho bãi dự trữ hậu cần của quân kháng chiến. Ngắn ngày như chiến dịch Cedar Falls từ 8.1 đến 16.1.1967 chỉ tám ngày, Mỹ cũng tung tới hai vạn quân. Dài ngày như chiến dịch Attleboro, từ 14.9 đến 24.11.1966, bảy mươi ngày, chiến dịch Junction City từ 22.2 đến 15.4.1967, mới cách đây hai tháng kéo dài năm mươi ba ngày, Mỹ tung ra tới hơn ba vạn quân. 

Quân Mỹ đánh vào căn cứ đầu não và tìm đánh quân chủ lực của kháng chiến. Còn quân Nam Hàn thì cày nát làng quê, giết dân man rợ ở hậu phương, nơi cung cấp hậu cần và nhân lực tại chỗ cho kháng chiến. Những chiến dịch lớn của quân Mỹ và những cuộc càn quét đẫm máu của quân Nam Hàn đã để lại cho lực lượng kháng chiến những tổn thất nặng nề chưa đủ thời gian khắc phục. Chưa có lại dự trữ hậu cần và lực lượng dự bị cần thiết cho những chiến dịch lớn. 

Quân Mỹ vào, những nhà chính trị chỉ thấy phong trào chống Mỹ lên cao mà không thấy quân kháng chiến đã từ thế chủ động trong chiến tranh du kích sang thế bị động trong chiến tranh hiện đại. Nửa triệu quân Mỹ đang ở đỉnh cao sức mạnh. Ba sư đoàn quân Nam Hàn đang chủ động mở những cuộc hành quân chết chóc ở miền Trung. Hơn một triệu quân Sài Gòn chưa phải đương đầu với trận đánh lớn nào, lực lượng còn nguyên vẹn, sĩ khí đang rất cao, tinh thần đang hưng phấn vì đang tràn trề lòng tin vào sức mạnh quân đội Mỹ. Lúc đối thủ đang còn trên đỉnh sức mạnh và đang ở thế chủ động như vậy, mà dốc vốn vào tổng công kích trận cuối cùng chỉ cháy túi, chỉ tiêu hết vốn phải tích luỹ bao năm mới có được. 

Căn cứ quân nước ngoài không đặt trong thành phố, thị xã. Tổng tiến công, Tổng khởi nghĩa giành chính quyền đương nhiên phải đánh vào tất cả các thành phố, thị xã, trung tâm hành chính đông dân là nhằm vào người dân. Đẩy mức độ ác liệt của chiến tranh lên cao ngay trong thành phố vừa mang chết chóc đến cho dân lành, vừa dàn mỏng lực lượng kháng chiến ra, phơi mình trên địa hình trống trải, lạc lõng trong đường phố bàn cờ nhằng nhịt sẽ bị tiêu diệt đến người lính cuối cùng, chỉ tự chuốc lấy thương vong lớn nhất, không thể có chiến thắng quyết định. 

Nhà quân sự thực sự, người đứng đầu Tổng hành dinh ở thành cổ Cột Cờ Hà Nội nhìn nhận như vậy và đề xuất: Thời điểm xuân 1968 chỉ nên mở cuộc tập kích chiến lược. Bất ngờ đồng loạt đánh vào tất cả các căn cứ quân Sài Gòn, quân Mỹ và đồng minh trên toàn miền Nam. Cùng với tiêu hao sinh lực là đánh mạnh vào tinh thần chiến đấu của đối thủ. Quan trọng nhất là đánh gục ý chí của phía Mỹ muốn tiêu diệt lực lượng kháng chiến, cứu chính quyền Sài Gòn khỏi sụp đổ. Đánh vào căn cứ Mỹ, gây thiệt hại nặng nề về sinh mạng lính Mỹ sẽ thúc đẩy phong trào phản chiến của người dân Mỹ đòi Chính phủ đưa con em họ về nước, tạo ra bước ngoặt về cục diện chiến tranh. Khi yếu tố bất ngờ không còn, khi sức mạnh của đội quân hiện đại Mỹ, sức mạnh của vũ khí, sức mạnh của công sự phía đối thủ được phát huy, quân kháng chiến không còn thế mạnh, chỉ còn phơi bày ra những điểm yếu chí tử, thì phải thu quân bảo toàn lực lượng cho những chiến dịch đánh lớn và quyết định tiếp theo. 

Nhưng khi đó tướng Giáp đang là đích nhắm đến nhưng được giấu kín của vụ án Xét lại chống đảng do Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Nguyễn Chí Thanh dàn dựng. Vụ án đã triệt hạ hàng loạt tài trí quân sự, đàn em, chiến hữu thân cận, trung thành nhất của tướng Giáp và đang là bản án treo với tướng Giáp. Vụ án cũng bộc lộ đầy đủ bản lĩnh chính trị của tướng Giáp, con người làm chính trị mà không có bản lĩnh chính trị. Con người có quyền lực mà không có tham vọng quyền lực lớn. Có đủ yếu tố để nắm quyền lực tột đỉnh thâu tóm giang sơn xã tắc nhưng an phận, bằng lòng với quyền lực đã có, được các tướng lĩnh dày dạn trận mạc tôn xưng là “Anh cả của quân đội’ là thoả mãn rồi. Không có triết lý xã hội để phải có quyền lực cao nhất thực hiện triết lý xã hội. Không có khí phách của người làm thay đổi lịch sử, chỉ nguyện là “Học Trò Nhỏ Của Bác Hồ”. Bạc nhược đến hèn nhát để giữ thân, bỏ mặc số phận bi thảm của những bạn chiến đấu thân cận bị liên minh ma quỉ Duẩn, Thọ, Thanh triệt hạ. 

Trong tình thế đó, Võ Nguyên Giáp dù vẫn còn tên trong mười một uỷ viên bộ Chính trị quyền uy nhưng tiếng nói tướng Giáp không những chẳng còn chút giá trị gì mà còn bị qui kết là sợ Mỹ, là nhiễm nọc độc từ bỏ đấu tranh giai cấp, chung sống hoà bình, người với người là bạn của chủ nghĩa xét lại hiện đại.

Kiến giải về chiến cuộc Mậu Thân 1968 tỉnh táo, xác đáng của tướng Giáp không những bị đảng trưởng quyền uy Lê Duẩn bỏ ngoài tai mà Võ Nguyên Giáp, cùng Hồ Chí Minh còn bị Lê Duẩn không cho dính dáng đến Mậu Thân 1968, không cho ghé tên vào Mậu Thân của Lê Duẩn, Nguyễn Chí Thanh.

Một lần nữa phải nhắc lại rằng quân Mỹ đổ vào Việt Nam không phải là đội quân xâm lược mà chỉ là đội quân chữa cháy dập ngọn lửa tai hoạ cộng sản đang rừng rực cháy ở Nam Việt Nam, cứu chính quyền Việt Nam Cộng Hoà không cộng sản khỏi sụp đổ, ngăn chặn hoạ cộng sản tràn ngập cả Việt Nam, tràn ngập cả Đông Nam Á. Dù từ 1965 có quân Mỹ tham chiến thì bản chất cuộc chiến tranh Việt Nam bùng nổ từ 17.1.1960 vẫn là cuộc nội chiến Bắc Nam, cuộc nội chiến giữa nhà nước Việt Nam cộng sản với nhà nước Việt Nam Cộng Hoà. 

Nhưng để lấp liếm, để giấu kín mục đích thực sự cuộc chiến chỉ để giành quyền thống trị cả nước cho đảng cộng sản, đảng cộng sản của Hồ Chí Minh và Lê Duẩn đã đánh tráo tên gọi cuộc nội chiến Bắc Nam thành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước rồi tự trao cho mình sứ mệnh lịch sử tưởng tượng “cứu nước”. Người lính nào đọc câu thơ của Tố Hữu kẻ chữ đậm trên vách núi bên đường mòn Hồ Chí Minh “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước / Mà lòng phơi phới dậy tương lai” mà không nức lòng hăm hở xông vào bắn giết người Việt ở phía Nam. 

Đinh ninh rằng Tổng tiến công, Tổng khởi nghĩa xuân Mậu Thân 1968 là chiến dịch quyết định kết thúc huy hoàng cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, con người hiếu thắng và khát khao tham vọng vĩ nhân Lê Duẩn phải giành trang vàng lịch sử huy hoàng về mình, đưa tên mình vào trang vàng lịch sử huy hoàng cho muôn đời. Chiến thắng huy hoàng quét sạch nửa triệu quân xâm lược Mỹ ra khỏi bờ cõi Việt Nam phải là ý chí, là mưu lược, là thiên tài chính trị và quân sự của riêng Lê Duẩn, chỉ Lê Duẩn thôi. Như chiến thắng xuân Kỉ Dậu 1789 đánh đuổi hai mươi vạn quân Mãn Thanh ra khỏi lãnh thổ Việt Nam là thiên tài quân sự Nguyễn Huệ. 

Kỉ Dậu 1789 thiên tài Nguyễn Huệ chỉ đánh tan hai mươi vạn quân Thanh. Mậu Thân 1968 thiên tài Lê Duẩn quét sạch năm mươi vạn quân Mỹ hùng mạnh nhất thế giới. Đương nhiên chiến thắng Mậu Thân 1968 phải chói lọi hơn chiến thắng Kỉ Dậu 1789. Hào quang chói lọi đó là của riêng Lê Duẩn, không cho tên tuổi nào chia sẻ, ghé tên vào vị trí lịch sử của Lê Duẩn. 

Ba Duẩn không thể quên cảm giác nóng mặt khi nghe đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin phái đoàn nhà nước cộng sản Việt Nam đến Algérie, đến Italia dân chúng rền vang hô như những đợt sóng gầm: Hồ Chí Minh! Giáp! Giáp! Thế giới biết đến Việt Nam nhờ chiến thắng Điện Biên Phủ, kết thúc ách cai trị thực dân Pháp, giành độc lập cho Việt Nam. Điện Biên Phủ là công trạng của Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp. Vì vậy thế giới biết đến Việt Nam chỉ biết có Hồ Chí Minh và Giáp. 

Khi diễn ra trận Điện Biên Phủ lịch sử, Ba Duẩn còn lênh đênh trên kênh rạch Đồng Tháp Mười giữa mịt mù bưng biền Nam Bộ, Ba Duẩn còn là chú Ba dân dã trong dân và chìm khuất trong bóng tối lịch sử. Nay Ba Duẩn vừa ở ngai vàng trị nước và nắm quyền uy trị đảng của Hồ Chí Minh, vừa nắm quyền thống lĩnh ba quân của Võ Nguyên Giáp làm nên chiến thắng Tổng tiến công, Tổng khởi nghĩa Xuân Mâu Thân 1968, kết thúc oanh liệt cuộc kháng chiến chống Mỹ còn sáng chói, vĩ đại hơn nhiều lần chiến thắng Điện Biên Phủ. Sáng chói, vĩ đại đó phải gắn liền với tên tuổi Lê Duẩn và chỉ có tên tuổi Lê Duẩn mà thôi, không thể để Hồ Chí Minh và Giáp dính vào. 

Dù không cho Hồ Chí Minh và Giáp có vai trò gì trong chiến dịch tổng tiến công, tổng khởi nghĩa Mậu Thân 1968 của Ba Duẩn nhưng Hồ Chí Minh và Giáp vẫn ở Hà Nội, vẫn ở bản doanh sở chỉ huy tối cao chiến dịch thì dân chúng và lịch sử đương nhiên sẽ ghi nhận công đầu chiến thắng Mậu Thân 1968 là của Hồ Chí Minh và Giáp chứ không phải của Lê Duẩn! Kết thúc hội nghị trung ương 14, liền có hai quyết định của bộ Chính trị và Hội đồng bác sĩ của trung ương đảng đưa Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp đi chữa bệnh và nghỉ ngơi dài ngày ở nước ngoài.

Từ 5.9.1967, Hồ Chí Minh cùng người hầu già âm thầm rời đất nước sang Bắc Kinh, Tàu cộng. Gần bốn tháng sau, mãi đến 23.12.1967 Hồ Chí Minh mới được điện gọi về tham dự cuộc họp Bộ Chính trị ngày 28.12.1967 và đọc lời chúc Tết Mậu Thân 1968 cho đài phát thanh Tiếng Nói Việt Nam ghi âm. Xong việc, ngày 2. 1. 1968 thày trò Hồ Chí Minh lại âm thầm khăn gói lên máy bay lủi thủi rời khỏi đất nước.

Một lãnh tụ khai sinh ra đảng, khai sinh ra nhà nước cộng sản Việt Nam vì lí do sức khoẻ phải đi chữa bệnh dài ngày ở nước ngoài, mà chỉ có hai thầy trò vai bị, tay gậy như kẻ hành khất chính trị, không một thầy thuốc đi theo. Một lãnh tụ chính trị, một nguyên thủ quốc gia vì lí do sức khoẻ phải đi dưỡng bệnh ở nước ngoài mà tự đi, tự về đêm hôm khuya khoắt, thong dong, nhẹ nhàng như một trai tráng khoẻ mạnh, như một dân đen vô danh. 

Hãy theo lịch trình của Hồ Chí Minh khi từ Bắc Kinh về Hà Nội cuối năm 1967 theo lời kể của người hầu già thân tín Vũ Kỳ để thấy sức khoẻ của người mà bộ Chính trị và hội đồng bác sĩ buộc phải đi dưỡng bệnh dài ngày. Thời đó chuyên cơ của nguyên thủ quốc gia cộng sản cũng chỉ là máy bay Nga vừa ồn vừa rung lắc. Ngồi trong khoang nhôm bay gầm rú và rung lắc vượt không gian 2325 cây số Từ Bắc Kinh về Hà Nội đến người trẻ khoẻ cũng rã rời, bải hoải. Hơn tám giờ tối thứ bảy 23.12.1967 Hồ Chí Minh về đến sân bay Gia Lâm, Hà Nội. Cầu Long Biên bị máy bay Mỹ bắn phá đã đứt từng đoạn. Trên sóng thép thành cầu chỗ còn lành lặn đã dựng thành trận địa pháo cao xạ, tua tủa những nòng súng 14,5 li. Qua sông Hồng về Ba Đình ô tô phải vòng xuống hạ lưu, qua cầu phao công binh ở Khuyến Lương. 

Về đến nhà sàn Ba Đình thì Hà Nội đêm mùa đông thời chiến đã chìm sâu trong giấc ngủ im lìm, thấp thỏm, Hồ Chí Minh lại bị Lê Duẩn hành, phải ngồi nghe Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng bẩm báo việc đảng, việc nước suốt thời gian Hồ Chí Minh đi vắng đến tận khuya. Rất khuya, trước khi đi ngủ, Hồ Chí Minh còn nhấc tổ hợp điện thoại quay số gọi cho văn phòng quân uỷ trung ương hỏi thăm sức khoẻ Võ Nguyên Giáp đang cô quạnh bên hồ Balaton mùa đông phương Bắc ở Hungary và nhắc quân uỷ gửi thiệp, gửi quà năm mới cho người lính trận mạc nay thu mình cô đơn nơi biệt xứ xa quê. 

Quãng đường đi và công việc chỉ một ngày 23.12.1967 của Hồ Chí Minh là minh chứng hiển nhiên rằng sức khoẻ Hồ Chí Minh ngày đó quá tốt, hoàn toàn bình thường, không cần và thực sự không có sự can thiệp y tế nào. Sức khoẻ bình thường, không cần phải có sự can thiệp y tế mà một lãnh tụ của đảng, một nguyên thủ của nước ngày tết nguyên đán thiêng liêng không được ở trong nước sum họp đoàn tụ với đồng chí, với người thân, phải một thân, một mình cô đơn nơi đất khách quê người khắc khoải vọng về cố hương. 

Không phải chỉ là người khai sinh ra đảng, khai sinh ra nhà nước cộng sản, Hồ Chí Minh còn là người khai sinh ra quân đội cộng sản, ban phát quân lệnh cho quân đội, là linh hồn, là tư lệnh tinh thần của đội quân đó. Vậy mà linh hồn và tư lệnh đội quân Tổng tiến công, Tổng khởi nghĩa xuân Mậu Thân 1968 giờ khai chiến phải ngồi cô đơn trong căn phòng vắng vẻ, lặng ngắt nơi đất khách quê người ngậm ngùi ngóng về nước mà thấm thía nỗi đau bị gạt ra bên lề thời khắc lịch sử của đất nước rồi thì thầm thốt lên: Giờ này miền Nam đang nổ súng!

Đó là thân phận của kẻ sa cơ chính trị, thất thế quyền lực, đi lưu vong biệt xứ chứ không phải đi an dưỡng trị bệnh. 

Chỉ Hồ Chí Minh tết Tây 1968 mới có may mắn được về nước chín ngày. Được về ngôi nhà sàn Ba Đình thân thuộc cảm nhận ngọn gió từ phủ Tây Hồ huyền thoại, từ sông Hồng lịch sử xào xạc trong tâm khảm. Võ Nguyên Giáp phải đi biền biệt luôn, không có được may mắn đó. Hồ Chí Minh vốn đã công khai dành nhiều ưu ái, tin cậy cho tướng Giáp. Sự ưu ái đó cũng là một nguyên cớ làm cho Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, con người nhỏ nhen có tham vọng vĩ nhân để lại tên tuổi trong lịch sử hằn học với tướng Giáp, tìm mọi dịp xúc phạm tướng Giáp. Cùng trong cảnh lưu đày như tướng Giáp, Hồ Chí Minh càng hiểu nỗi buồn, nỗi tủi của tướng Giáp. Ngay đêm đầu tiên được dịp gấp gáp ngắn ngủi về nước, Hồ Chí Minh nhớ ngay đến một bề tôi thân cận và tin cậy, nhớ ngay đến việc an ủi, động viên người suốt đời tự nhận là “học trò nhỏ của Bác Hồ”.

Phải nhận ra ảo tưởng Lê Duẩn đinh ninh rằng Tổng tiến cộng, Tổng khởi nghĩa xuân Mậu Thân 1968 là chiến thắng vĩ đại kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vẻ vang. Phải nhận ra ham muốn vơ chiến thắng huy hoàng Mậu Thân 1968 về cho riêng Lê Duẩn. Phải nhận ra khát khao để lại tên vàng Lê Duẩn trong lịch sử. Mới thấy được vì sao suốt thời gian diễn ra chiến dịch xuân Mậu Thân 1968, vì sao những ngày tết nguyên đán linh thiêng Mậu Thân, ngày tết của hồn nước, hồn người Việt, hai công thần lớn lao nhất của nhà nước cộng sản Việt Nam, Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp lại phải đi biệt xứ. 

Mới thấy được sự cố chuyến chuyên cơ đưa Hồ Chí Minh từ Bắc Kinh về Hà Nội tối mùa đông 23.12.2967 hạ cánh xuống sân bay Gia Lâm nhưng đèn dẫn đường cho máy bay hạ cánh lại lệch khỏi đường băng mười lăm độ. Nhờ có viên phi công lái chuyên cơ là phi công giỏi nhất, lão luyện nhất trong đội ngũ phi công trong nước, quen thuộc và nhớ vị trí đường băng như nhớ vị trí ngôi nhà của mình, như nhớ gương mặt đứa con của mình và viên phi công đã cho máy bay hạ cánh xuống đường băng theo trí nhớ chính xác mới cứu được mạng Hồ Chí Minh. 

Từ sự may mắn thoát chết của Hồ Chí Minh đêm 23.12.1967 lại nhớ đến sự không may mắn của tướng Nguyễn Bình phải nhận cái chết âm thầm bí ẩn ngày 31.12.1951 trên đường từ Nam Bộ ra Việt Bắc. Một tên tuổi lấp lánh như huyền thoại Nguyễn Bình phải vụt tắt để đám đàn em Lê Duẩn thêu dệt ra huyền thoại ngọn đèn hai trăm nến Lê Duẩn cắm vào nguồn điện tuyên truyền cho bừng sáng lên.

Sự cố nghiêm trọng chết người đèn tín hiệu chỉ dẫn cho máy bay chở Hồ Chí Minh hạ cánh lệch khỏi đường băng mười lăm độ, đương nhiên phải là trách nhiệm của sân bay và nếu sự cố thực sự do sân bay gây ra thì sẽ được điều tra đến nơi đến chốn và phải có tên tuổi rõ ràng bị trừng trị. Nhưng sự cố nghiêm trọng có thể cướp đi mạng sống của Hồ Chí Minh đã được lặng lẽ bỏ qua, bình thản lãng quên như không có chuyện gì xảy ra, chứng tỏ sự cố xảy ra do từ đấng tối cao, từ trên trời rơi xuống. Không thể đụng đến đấng tối cao. Không thể dụng đến ông trời!

Chiến dịch xuân Mậu Thân 1968 đã diễn ra đúng như điều người thực sự có tư duy quân sự đã lượng định. Dù Lê Duẩn phải giở cả trò lừa dối, phản bội cam kết danh dự đã kí với chính quyền Sài Gòn ngừng bắn ba ngày Tết Tây từ 30.12.1967 đến 02.1.1968 và ngừng bắn bảy ngày Tết Ta từ 27.01.1968 đến 03.02.1968 để người dân được bình yên đón mùa xuân mới. Lệnh ngừng bắn tết Tây được thực hiện nghiêm ngặt càng gây lòng tin cho phía Sài Gòn. Và chính quyền Sài Gòn đã gửi lòng tin vào sự lừa dối chuyên nghiệp của cộng sản nông dân Lê Duẩn. Đúng giao thừa Tết Mậu Thân, đêm 30. 01.1968 lịch tây, đội quân ở rừng theo lệnh Lê Duẩn xé bỏ cam kết ngừng bắn, đồng loạt nổ súng đánh vào tất cả các thành phố, thị xã, thị trấn trên toàn miền Nam. Dù đêm đầu đội quân từ rừng có tràn được vào Sài Gòn và tất cả các tỉnh lỵ, huyện lỵ cả miền Nam thì cũng chỉ là những cánh thiêu thân lao vào lửa.

Ngừng bắn. Hai phần ba quân đội Sài Gòn được về nhà ăn tết với gia đình. Tổng thống, trung tướng Nguyễn Văn Thiệu, Tổng Tư lệnh quân đội miền Nam cũng về ăn tết ở quê vợ Mỹ Tho. Lực lượng còn lại thường trực chiến đấu ở doanh trại, ở căn cứ cũng vui sướng thả lỏng cơ bắp, thư thả tinh thần với rượu xuân, bánh tét, bình kiểng mai vàng, quà tết của quân đội gửi xuống, của gia đình gửi đến. Bất ngờ đạn pháo dập xuống, đạn AK rát rạt quất tới, người lính Sài Gòn không kịp trở tay. Dội bão đạn vào khu dân cư khi dân đang cúng giao thừa, đội quân từ rừng nhanh chóng chiếm được thành phố Huế, chiếm được một số khu dân cư trong nội đô Sài Gòn. Các tỉnh lỵ, huyện lỵ toàn miền Nam cũng trong tình thế của Sài Gòn, quân từ rừng làm chủ được vài điểm dân cư trong nội thị. Nhưng qua đêm giao thừa sang sáng mồng một Tết, lịch tây là 31.01.1968, tình thế lập tức đổi chiều. Quân đội Sài Gòn và đồng minh với sức mạnh áp đảo mau lẹ giành lại thế chủ động, dồn dập mở những cuộc phản công ngày càng dữ dội.  

Người dân ở những điểm dân cư bị lọt vào tay đội quân từ rừng phải hai lần đổ máu. Đổ máu vì bom đạn cuộc chiến. Đổ máu vì bạo lực chuyên chính vô sản của những người cộng sản. Luôn nhìn người dân không đồng thuận với cộng sản, không trong vòng kiểm soát của cộng sản là thù địch, là phản động. Những chiến dịch bắn giết dân núp dưới tên gọi “Diệt ác, trừ gian” luôn đồng hành với cách mạng vô sản. Những người từ rừng về giữ được thành phố Huế lâu nhất, 25 ngày, thì người dân Huế bị giết hại trong 25 ngày đó cũng khủng khiếp nhất. Có nhiều con số thống kê về số dân Huế chết trong chiến dịch xuân Mậu Thân 1968. Một thống kê đáng tin cậy cho thấy có 944 người dân Huế chết vì bom đạn trong Tết Mậu Thân 1968 nhưng có tới 7600 người chết vì bị hành quyết, thủ tiêu bởi các đội đao phủ chuyên nghiệp gồm những  người máu lạnh từ rừng về và cộng sản nằm vùng tại chỗ lập ra những đội hành quyết “Diệt ác, trừ gian”.

Số người chết trong xuân Mậu Thân 1968 ở Sài Gòn chưa được điều tra, thống kê nhưng chắc chắn lớn hơn nhiều lần con số ở Huế. Vì Sài Gòn là mục tiêu phải đánh chiếm bằng được, chiến dịch Mậu Thân 1968 đã tập trung phần lớn quân chủ lực và hoả lực mạnh đánh vào Sài Gòn. Lực lượng vũ trang nằm vùng ở Sài Gòn có tên là Biệt Động gồm những tay súng khủng bố thiện chiến và sắt máu hoạt động nhỏ lẻ nhưng tổng quân số lên tới cả sư đoàn. 

Dân bị giết chết âm thầm trong nhà dân. Quân từ rừng tràn về chết phơi xác trên đường. Những xác chết trên đường phố, quanh hàng rào căn cứ quân đội Sài Gòn đều chân đi dép cao su, tay ôm súng AK được những người lính Sài Gòn và đồng minh thu dọn như thu dọn chiến lợi phẩm và được cả công ty môi trường Sài Gòn xử lí như xử lí xác chết vô gia cư, vô thừa nhận. Trên bãi cỏ trong sân bay Tân Sơn Nhất có hai bãi rộng là mồ chôn nhiều xác lính trẻ đi dép cao su. Những người lính từ rừng đánh vào Sài Gòn hết đợt này đến đợt khác rải xác trên khắp đường phố Sài Gòn. Nhiều đơn vị bị xoá sổ, được bổ xung quân để tiếp tục duy trì cuộc chiến trong nội đô Sài gòn lại bị xoá hết lần này đến lần khác. Nhiều chi bộ cộng sản dân sự bị xoá trắng. 

Chiến dịch Mậu Thân 1968 không chỉ mang chết chóc đến cho người dân, cho người lính hai bên tham chiến ở miền Nam mà chết chóc ngay ở Hà Nội. Kết thúc hội nghị Trung ương 14, trước hôm lên đường trở lại mặt trận cùng trung ương cục miền Nam triển khai nhiệm vụ phát động dân nổi dậy Tổng khởi nghĩa, chiều 5.7.1967, Bí thư Trung ương Cục miền Nam Nguyễn Chí Thanh được Hồ Chí Minh mời đến nhà sàn trong phủ Chủ tịch ăn bữa cơm đưa tiễn. Xúc động với tình cảm thân thương của lãnh tụ cách mạng. Khấp khởi vui sướng trong niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng xuân Mậu Thân 1968. Đêm khuya hôm đó ở nhà riêng phố Lý Nam Đế, Bí thư trung ương cục miền Nam đang rạo rực trong tim, đang bồn chồn trong tâm trạng thì cơn đau thắt tim ập đến. Rạng sáng 6.7.1968, Nguyễn Chí Thanh trút hơi thở cuối cùng vì nhồi máu cơ tim.

Tướng chỉ huy dân sự nổi dậy trong chiến dịch xuân Mậu Thân 1968 đã chết ở Hà Nội trước khi chiến dịch nổ ra. Trong chiến dịch, quân sự không có sức mạnh áp đặt, không làm chủ được thế trận. Dân sự không thể nổi dậy và xác đội quân từ rừng rải khắp các đô thị miền Nam. Chiến dịch xuân Mậu Thân 1968 là thất bại nặng nề, thảm hại của ảo tưởng Lê Duẩn.

Ở Bắc Kinh bên Tàu, Hồ Chí Minh không được báo cáo diễn biến chiến sự. Nghe tin tức trên đài phát thanh Tiếng Nói Việt Nam thì bao giờ cũng là tin chiến thắng vang dội. Hồ Chí Minh cũng đinh ninh rằng chiến dịch Mậu Thân 1968 phải chiến thắng tưng bừng. Có chiến thắng thì Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp mới phải biệt xứ để không thể ăn theo, không thể chia phần trong chiến thắng của Lê Duẩn. Sáng mồng bốn Tết, lịch Tây là 3.2.1968, thức dậy trong hun hút gió lạnh phương Bắc, Hồ Chí Minh cũng có chút ấm lòng khi nghĩ đến chiến thắng ở miền Nam, khi nhớ ra đảng cộng sản do Hồ Chí Minh thành lập hôm nay tròn 38 tuổi. Mới 6 giờ sáng, Hồ Chí Minh đã bảo người hầu già Vũ Kỳ lấy giấy bút ra làm việc. Hồ Chí Minh đọc cho Vũ Kỳ ghi lại:


Đã lâu không làm bài thơ nào

Nay lại thử làm thơ xem sao

Lục khắp giấy tờ vần chẳng thấy

Bỗng nghe vần “thắng” vút lên cao.

Vần “Thắng” vút lên cao ở Bắc Kinh bên Tàu nhưng ở Nam Việt Nam là vần “Bại” thảm hại của Tổng tiến công, vần “Lặng” ê chề của Tổng khởi nghĩa, vần “Máu” lênh láng của người Việt ở cả hai phía cộng sản và không cộng sản.

Xin kể thêm mẩu chuyện hậu chiến dịch xuân Mậu Thân 1968 để thấy rõ thêm con người Lê Duẩn. 

Cuộc kháng chiến chống Pháp chín năm, 1945–1954 hình thành nên lứa nhà văn mặc áo lính có nền tảng văn hoá dày dặn, vững chắc vì lớp người đó là sản phẩm cuối cùng của nền giáo dục Pháp. Cuộc nội chiến đẫm máu Quốc – Cộng mười lăm năm 1960–1975 cũng tạo ra lứa nhà văn áo lính đông đảo, nhiều vốn sống chiến tranh nhưng nền tảng văn hoá mỏng manh vì họ là mẻ sản phẩm đầu tiên của giáo dục xã hội chủ nghĩa, giáo dục coi việc nhồi sọ chủ nghĩa Mác Lê nin, gieo rắc lý tưởng cộng sản cần thiết hơn truyền thụ kiến thức, tinh hoa văn hoá nhân loại. Văn hoá mỏng thì phải bồi đắp thêm văn hoá. Chúng tôi được Tổng cục Chính trị tập trung về Vân Hồ Ba, Hà Nội và gửi đi học trường viết văn Nguyễn Du hệ đại học ba năm. Còn hội Nhà Văn Việt Nam thì liên tiếp tổ chức các trại sáng tác. 

Mùa hè năm 1984, nhà văn dân sự Bùi Bình Thi hơn chúng tôi vài tuổi, cùng lứa nhà văn của thời đất nước chia đôi đang dự trại sáng tác ở nhà sáng tác Quảng Bá của hội Nhà Văn Việt Nam, bên Hồ Tây. Một chiều muộn nhà văn Bùi Bình Thi phóng xe máy đến Vân Hồ Ba hấp tấp kể với chúng tôi câu chuyện nhà văn vừa là người trong cuộc. 

Sau một ngày đóng cửa hì hục viết, trước bữa cơm chiều, các nhà văn đang dự trại sáng tác Quảng Bá thường sang phòng nhà văn đàn anh mặc áo lính từ kháng chiến chống Pháp, nhà văn quân đội, đại tá Xuân Thiều tán chuyện, đợi nhà ăn mở cửa. Chiều nay vừa đủ mặt thì bỗng Tổng Bí thư Lê Duẩn cùng người bảo vệ xuất hiện ở cửa phòng. Từ đại hội bốn cuối năm 1976, chức danh Bí Thư thứ nhất của đảng đổi thành Tổng Bí thư. Nhà nghỉ của trung ương đảng là láng giềng của nhà sáng tác hội Nhà Văn. Đang nghỉ ở đó, buổi chiều đầu đảng Lê Duẩn đi dạo và ghé vào nhà sáng tác văn chương. 

Lê Duẩn vui vẻ hỏi tên từng nhà văn. Đại tá hỉ? Nhà văn đại tá hỉ? Tốt hỉ? Lê Duẩn nói với nhà văn Xuân Thiều. Nghe giới thiệu nhà văn Bùi Bình Thi, Lê Duẩn bảo: À, à, Thi lãnh đạo hội Nhà Văn hỉ? Tốt hỉ! Cao lớn, nước da ngăm ngăm đen, khuôn mặt đầy đặn và hàng lông mày rậm, nhà văn Bùi Bình Thi có bộ dạng hao hao với nhà văn Nguyễn Đình Thi. Nhà văn tên Thi họ Bùi vội cải chính: Dạ, thưa bác, cháu là Bùi Bình Thi, không phải Tổng Thư kí hội Nhà Văn Việt Nam Nguyễn Đình Thi ạ! Trong không khí vui vẻ, nhà văn Xuân Thiều giãi bày: Thưa bác. Trong tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 tôi đi với bộ bội đánh vào Huế và tôi đang viết tiểu thuyết về Huế Mậu Thân 1968. Tôi thấy Tết Mậu Thân sáu tám ở Huế chết nhiều quá. Hi sinh lớn quá. Mất mát đau thương quá. Bộ đội chết không còn người để chôn nhau. Dân chết còn đau thương hơn. . . Mới nghe có thế, Lê Duẩn đứng bật dậy, đỏ mặt, quát: Ngu! Ngu! Đại tá mà ngu! . . . rồi ông đùng đùng bước nhanh ra cửa như chạy trốn.

Nhắc đến Mậu Thân 1968 là nhắc đến món nợ máu của đảng cộng sản, của Lê Duẩn với dân tộc Việt Nam. Hốt hoảng bỏ chạy khỏi nhà sáng tác hội Nhà Văn Việt Nam là Lê Duẩn đã nhận ra tội, nhận ra món nợ máu với dân, với lịch sử Việt Nam. Có thể chạy trốn người dân nhưng làm sao Lê Duẩn có thể chạy trốn lịch sử!

SÁU. MÁU NGƯỜI VIỆT LẠI ĐỔ VÌ CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỰC ĐOAN, THIỂN CẬN, CẢM TÍNH NÔNG DÂN CỦA LÊ DUẨN

Cần lý luận bạo lực cách mạng vô sản của Mao, cần súng đạn của Tàu cộng để làm nội chiến người Việt giết người Việt, tàn phá đất nước, đốt cháy cả dãy Trường Sơn, quyết diệt trừ, loại bỏ người Việt không cộng sản, thâu tóm cả lãnh thổ Việt Nam, dìm cả dân tộc Việt Nam vào đêm tối độc tài cộng sản, Lê Duẩn ra nghị quyết 9 chống chủ nghĩa xét lại hiện đại, thực ra là hùa theo Tàu cộng chống đảng cộng sản Liên Xô đang cựa quậy trở mình trước lúc tỉnh giấc khỏi đêm dài trung cổ cộng sản. Không có Tổng Bí thư đảng cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev xét lại thì không có Tổng Bí thư đảng cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev cải tổ và thú nhận: Tôi đã bỏ một nửa cuộc đời cho lý tưởng cộng sản. Ngày hôm nay tôi phải đau buồn mà thú nhận rằng, cộng sản chỉ biết tuyên truyền và dối trá. Không có Nikita Khrushchev xét lại thì không có nguyên uỷ viên bộ Chính trị đảng cộng sản Liên Xô, Boris Yeltsin quyết liệt đoạn tuyệt cộng sản: Cộng sản không thể nào sửa chữa, mà cần phải loại bỏ. 

Đứng trước hội nghị trung ương thảo luận nghị quyết 9, tháng mười hai, 1963 ở Ba Đình, Hà Nội, Lê Duẩn lâm li, hùng hồn tụng ca Mao, tụng ca đảng cộng sản của Mao: “Đảng cộng sản Trung Quốc, đứng đầu là đồng chí Mao Trạch Đông là người đã thực hiện một cách xuất sắc nhất lời giáo huấn của Lênin vĩ đại. Sự phát triển và sáng tạo đặc sắc nhất của Đảng cộng sản Trung Quốc và đồng chí Mao Trạch Đông đối với lý luận cách mạng vô sản của Chủ nghĩa Mác – Lênin là lý luận cách mạng lấy nông dân là quân chủ lực. . . Ở đây không phải chỉ có vấn đề lực lượng cách mạng mà còn có một loạt vấn đề về đường lối cách mạng và phương pháp cách mạng . . . Lý luận này không còn chỉ đóng khung trong phạm vi Trung Quốc mà nó đã trở thành lý luận có tính chất quốc tế. Những người cộng sản chúng ta do đã học tập và vận dụng đường lối đó một cách sáng tạo nên đã đưa sự nghiệp cách mạng nước ta đến thắng lợi. Nếu trước đây Lênin nói rằng sách lược của cách mạng Nga là một mẫu mực về sách lược cho tất cả mọi người cộng sản trên thế giới, thì ngày nay chúng ta cũng có thể nói rằng sách lược của cách mạng Trung Quốc là mẫu mực và sách lược cho nhiều người cộng sản ở Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ La-tinh”.

Thực hiện tư tưởng lý luận Marxism của Mao, đi theo con đường cách mạng của đảng cộng sản Trung Quốc kiên trì đấu tranh giai cấp sắt máu chuyên chính vô sản là làm mọi việc, đi đến mọi mục tiêu đều bằng bạo lực, bằng máu người dân, là con đường man rợ, mất tính người, phản văn minh, chỉ những kẻ mông muội thiếu trí tuệ và bầy đàn, cuồng tín giáo điều mới tin theo. Những người có chút trí tuệ và còn chút tính người không thể chấp nhận.

Để có sức mạnh trấn áp, tiêu diệt những người không chấp nhận nghị quyết 9 và cũng để bộc lộ lòng trung thành đi theo con đường máu của Mao, Lê Duẩn đã tạo ra một liên minh quyền lực trong đảng mà nòng cốt là Lê Duẩn – Lê Đức Thọ – Nguyễn Chí Thanh tạo dựng ra vụ án chính trị cực lớn và nghiêm trọng, vu cho những người cần loại bỏ không chỉ tội xét lại chống đảng mà còn tội làm gián điệp cho Liên Xô, đẩy những người không đồng thuận với nghị quyết 9 sang phía kẻ thù của đảng, thẳng tay trừng trị, tiêu diệt những đồng chí trong đảng và cả những nhân cách lớn ngoài đảng mà phe nhóm Duẩn, Thọ, Thanh không ưa, không vừa lòng. 

Với quyền uy của liên minh Duẩn – Thọ - Thanh, Lê Duẩn đã nhuộm đỏ tư tưởng Mao cả một dàn lãnh đạo đảng từ Ba Đình, Hà Nội đến căn cứ trung ương cục miền Nam ở Tây Ninh. Một dàn Maoism một lòng một dạ theo con đường bạo lực của Mao, bán linh hồn cho Mao: Lê Duẩn. Nguyễn Chí Thanh. Trường Chinh. Phạm Văn Đồng. Lê Đức Thọ. Phạm Hùng. Tố Hữu. Văn Tiến Dũng, Nguyễn Văn Linh . . . 

Có Lê Duẩn say đắm học thuyết bạo lực của Mao, cuồng nhiệt đưa chủ nghĩa Mao, đưa cách mạng bạo lực của Mao lên vị trí thống lĩnh tư tưởng, dẫn dắt tổ chức cộng sản Việt Nam, có Lê Duẩn mê muội phát động nội chiến người Việt giết người Việt, mở ra thế giới đại loạn để Mao đại trị, Mao đã dốc cho Lê Duẩn kho súng đạn đang trở thành lạc hậu phải thay thế. Mao đã trang bị từ chân đến đầu cho người lính miền Bắc Việt Nam đi vào mặt trận phía Nam, coi nửa đất nước Việt Nam không cộng sản là một mặt trận, coi một nừa dân tộc Việt Nam không cộng sản là kẻ thù phải tiêu diệt.

Dù cạn nghĩ, Lê Duẩn cũng đủ trí khôn để hiểu rằng chia cắt đất nước Việt Nam ở vĩ tuyến 17 là ý đồ tạo thế trận của các nước lớn đang dẫn dắt cuộc xung đột ý thức hệ tư bản và cộng sản. Vĩ tuyến 17 là biên giới phân định hai nhà nước Việt Nam cộng sản và không cộng sản cũng là biên giới của cuộc xung đột ý thức hệ cộng sản độc tài và tư bản dân chủ. Mảnh đất Bắc Việt Nam cộng sản là vùng đệm an toàn cho Tàu cộng, cho Nga Xô. Vì vậy tổng thống Việt Nam Cộng Hoà không cộng sản Ngô Đình Diệm trong chuyến công cán nước Mỹ, khi đến New York ngày 13.5.1957 đã nói: Bảo vệ quyền tự do cơ bản là nhiệm vụ chung. An ninh, tiền duyên của Hoa Kỳ không dừng lại ở Đại Tây Dương và những vùng duyên hải Thái Bình Dương, mà còn mở rộng đến khu vực Đông Nam Á, đến sông Bến Hải, nơi phân chia Việt Nam ở vĩ tuyến 17, và tạo thành biên giới của thế giới tự do mà tất cả chúng ta yêu mến và đang bị đe dọa. 

Nay Lê Duẩn bằng súng đạn Tàu cộng, bằng máu người Việt xoá bỏ ranh giới phân chia ý thức hệ, mở rộng vùng đệm an toàn cho Trung Quốc, Liên Xô, cộng sản hoá cả Việt Nam, gây bất an cả Đông Nam Á buộc Mỹ và đồng minh Mỹ phải vào cuộc. Cuộc chiến Lê Duẩn phát động thôn tính miền Nam đã đẩy người lính Việt cộng cầm khẩu súng Tàu cộng phải đương đấu với sức mạnh quân sự Mỹ. Cuộc chiến tranh Việt Nam tất yếu bị quốc tế hoá. Máu người Việt Nam càng lênh láng hơn. Dòng máu đó đổ ra cho tham vọng thâu tóm toàn cõi Việt Nam của Lê Duẩn nhưng cũng đổ ra vì mưu đồ, vì thế chiến lược toàn cầu của Nga cộng, Tàu cộng và Lê Duẩn đã thú nhận: Ta đánh Mỹ là đánh cả cho Trung Quốc, cho Liên Xô!

Nhưng thật không may cho Lê Duẩn và những Việt cộng Maoism. Bằng tư tưởng Mao nòng súng đẻ ra chính quyền, bằng súng đạn của Mao và máu người Việt, Lê Duẩn thâu tóm được toàn bộ lãnh thổ Việt Nam khi Henry Kissinger xảo quyệt đã bắc được nhịp cầu vượt biển lớn Thái Bình, nối Washington với Bắc Kinh. Quan hệ Trung – Mỹ từ đối đầu thành đối tác. Tàu cộng đã đi với Mỹ. Vạn Lý Trường Thành không còn là chỗ dựa lưng của Lê Duẩn nữa. Bị hẫng chân, lạnh lưng, Lê Duẩn vội hướng lòng tin vào ngôi sao trên đỉnh tháp Kremlin, Moskva mà Lê Duẩn đã từng ra nghị quyết lịch sử, nghị quyết 9 ngậm máu phun ban lãnh đạo đảng cộng sản Nga Xô, kể tội, lên án, chống đối quyết liệt những người cộng sản Nga đang trở mình tỉnh giấc. Ngậm máu phun cả những người cộng sản Việt Nam tán thành đường lối hoà bình của cộng sản Nga Xô.

Tháng sáu, 1978, Lê Duẩn đưa Việt Nam gia nhập Hội đồng Tương trợ Kinh tế, COMECON, hiệp hội làm ăn kinh tế của khối cộng sản Đông Âu do Liên Xô dẫn dắt. Năm tháng sau, đầu tháng mười một, 1978, Lê Duẩn đứng đầu đảng và Phạm Văn Đồng đứng đầu chính phủ Việt cộng đến Moskva kí Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Xô Viết.

Với điều sáu: “Các bên ký kết sẽ tham khảo ý kiến ​​của nhau về tất cả các vấn đề quốc tế lớn ảnh hưởng đến lợi ích của cả hai nước. Trong trường hợp một trong các bên trở thành đối tượng của một cuộc tấn công hoặc đe dọa tấn công, các bên ký kết sẽ ngay lập tức bắt đầu tham vấn lẫn nhau để loại bỏ mối đe dọa đó và thực hiện các biện pháp hiệu quả phù hợp, đảm bảo hòa bình và an ninh cho quốc gia của hai bên”, Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam – Liên Xô do Lê Duẩn và Phạm Văn Đồng kí với phía Liên Xô, Tổng Bí thư đảng cộng sản Leonid Brezhnev và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Alexei Kosygin ngày 3.11.1978 hình thức là liên minh chính trị, kinh tế, quân sự nhưng thực sự chỉ là liên minh quân sự mà thôi. Vì ý thức hệ cộng sản đã là liên minh chính trị, Hội đồng Tương trợ Kinh tế COMECON đã là liên minh kinh tế rồi.

Mỹ lôi kéo Tàu cộng để cô lập Liên Xô. Tàu cộng ngửa bàn tay ra với Mỹ đón nhận nguồn vốn và kĩ thuật công nghệ hiện đại của Mỹ, chấn hưng đất nước cũng để có sức mạnh chống Liên Xô. Lê Duẩn cạn nghĩ, nông nổi nông dân, vội vã liên minh toàn diện cả chính trị, kinh tế, quân sự với Liên Xô là ra mặt thách thức cả Tàu cộng và Mỹ. Thách thức nước láng giềng khổng lồ Tàu cộng, cầu thân với Liên Xô xa xôi cách trở, Lê Duẩn đã tự cô lập đất nước Việt Nam sau cuộc chiến tranh khốc liệt kéo dài suốt ba mươi năm, sức tàn, lực kiệt, thương tích đầy minh. Ca dao, tục ngữ, thành ngữ văn hoá dân gian là bài học lịch sử, là kinh nghiệm sống của ông bà xưa để lại cho mai sau: Bán anh em xa, mua láng giềng gần. Lê Duẩn đã làm ngược lại với lời dạy của tổ tiên, làm ngược với lời dạy của lịch sử.

Máu giặc Thanh còn đỏ nước sông Hồng. Xác giặc Thanh còn chất cao thành gò lớn gò nhỏ, còn bốc mùi ở Đống Đa. Quét sạch hai mươi vạn quân Thanh xâm lược ra khỏi bờ cõi, Quang Trung vào thành Thăng Long mà hai năm trước, năm 1787, ông đã đổi tên là Bắc Thành, áo trận còn nồng mùi thuốc súng, cả kinh thành Thăng Long còn rền vang tiếng pháo mừng năm mới, mừng đại thắng quân Thanh, Quang Trung đã cử ngay sứ thần mang sính lễ châu báu sang cống nạp vua Thanh. Châu báu cống nạp của Quang Trung vừa rửa vết máu quân Thanh bại trận còn vấy trên mặt vua Thanh, vừa an ủi danh dự cho vua Thanh để vua Thanh nguôi ngoai nỗi cay cú bại trận, bằng lòng với sự sắp đặt của lịch sử, với chuyện đã qua, trở về mối quan hệ hữu hảo giữa hai nước, cho người dân được bình yên làm ăn, đất nước được bình yên gây dựng lại. 

Cũng là nông dân nhưng Quang Trung khi còn là nông dân Nguyễn Huệ miền đất bán sơn địa heo hút Tây Sơn, Bình Định do biết làm giầu, thành đạt về kinh tế, là hào trưởng một vùng. Kinh tế khá giả cho Nguyễn Huệ vừa được luyện võ, vừa được học văn, được học lịch sử. Ứng xử của Quang Trung với nhà Thanh và ứng xử của Lê Duẩn với Tàu cộng cho thấy nông dân Nguyễn Huệ có học lịch sử và thuộc văn hoá dân gian Việt Nam còn nông dân Lê Duẩn thì không.

Lê Duẩn nói: Nếu trước đây Lênin nói rằng sách lược của cách mạng Nga là một mẫu mực về sách lược cho tất cả mọi người cộng sản trên thế giới, thì ngày nay chúng ta cũng có thể nói rằng sách lược của cách mạng Trung Quốc là mẫu mực và sách lược cho nhiều người cộng sản ở Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ La-tinh. Đó là lời thú nhận Lê Duẩn chỉ là học trò của Mao. Lê Duẩn nói: Chúng ta đánh Mỹ là đánh cả cho Trung Quốc, cho Liên Xô. Lời Lê Duẩn thú nhận đã biến người Việt Nam thành tên lính xung kích của Tàu cộng, lấy máu người Việt Nam bảo vệ lợi ích của Tàu cộng. Vừa tự nhận là học trò của Mao, vừa tự nhận là tên lích xung kích của Tàu cộng, nay Lê Duẩn quay ngoắt sang liên minh với kẻ thù của Tàu cộng, làm sao Tàu cộng, làm sao Đặng Tiểu Bình có thể tha thứ.   

Cách mạng văn hoá 1966–1976 của Mao Trạch Đông đã chia rẽ sâu sắc dân tộc Đại Hán, tàn phá tan hoang đất nước Trung Hoa. Đặng Tiểu Bình đang rất cần có cuộc chiến tranh với nước ngoài nhằm kích thích tinh thần dân tộc, tập hợp sức mạnh dân tộc, xây dựng lại đất nước. Đặng Tiểu Bình càng cần có cuộc gây hấn dữ dội, đổ máu đầm đìa, dằn mặt mạnh mẽ với khối cộng sản để chứng tỏ với Mỹ rằng Trung Quốc thời Đặng Tiểu Bình dù danh nghĩa cộng sản nhưng thực chất không phải là cộng sản, tạo dựng lòng tin chiến lược với Mỹ, giúp Đặng mở cánh cửa sang phía Tây đón dòng vốn và kĩ thuật hiện đại của Mỹ, đưa Trung Quốc đi vào xã hội công nghiệp phát triển, thực hiện giấc mộng Trung Hoa thế kỉ hai mươi mốt. Như giấc mộng Nguyên Mông thống trị thế giới ở thế kỉ mười ba. Như giấc mộng Đức Quốc Xã đưa chủng tộc thượng đẳng Aryan làm chủ thế giới ở thế kỉ hai mươi. Đúng lúc đó Lê Duẩn kí Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác, liên minh quân sự với Liên Xô, kẻ thù số một đương thời của Tàu cộng, đã cho Đặng Tiểu Bình có cớ phát động cuộc chiến tranh đánh thức tinh thần dân tộc Đại Hán và có món quà cầu thân với Mỹ. 

Tuyên bố dạy cho Việt Nam bài học, Đặng Tiểu Bình tung đến bảy quân đoàn chủ lực với hơn sáu trăm ngàn lính, bốn trăm xe tăng, quân số gấp ba lần số quân Thanh xâm lược nuóc ta thế kỉ mười tám, tràn qua một ngàn bốn trăm cây số toàn dải biên cương vào bắn giết dân ta thì không phải là lời tuyên bố suông. Đặng Tiểu Bình thực sự thấy cần dạy cho những người cầm đầu đảng cộng sản Việt Nam, dạy cho ông nông dân Lê Duẩn tầm vóc nông dân nhỏ bé, hạn hẹp, cạn nghĩ, tính cách nông nổi mà ôm mộng đế vương bài học cơ bản và sơ đẳng của bậc đế vương rằng xây dựng sự nghiệp đế vương phải bằng lòng dân, bằng nội lực chứ không phải bằng sức mạnh vay mượn từ bên ngoài. Vay mượn tư tưởng Mao Trạch Đông, vay mượn súng đạn Trung Quốc về bắn giết đồng bào ruột thịt, thâu tóm non sông. Có được toàn vẹn non sông rồi lại vay mượn sức mạnh kẻ thù của Trung Quốc để chống Trung Quốc. Đó là sự xúc phạm Trung Quốc của kẻ tiểu nhân. Trừng trị kẻ xúc phạm Trung Quốc cũng là dạy bảo kẻ tiểu nhân bài học sơ đẳng của bậc quân tử, bậc quân vương. 

Hàng trăm ngàn người Việt Nam bị lính Tàu cộng giết. Các thành phố, làng mạc Việt Nam dọc dải biên cương phía Bắc thành tro tàn, gạch vụn. Nhiều dải đất Việt Nam bị lính Tàu cộng đánh chiếm trong cuộc chiến tranh mười năm biên giới Việt – Trung 19791989, trong đó điểm cao chiến lược 1509 ở Vị Xuyên, Hà Giang trước năm 1979 là đất đai Việt Nam, thấm đẫm mồ hôi, xương máu và hồn thiêng tổ tiên người Việt nay đã trở thành đất Tàu cộng. Đó là cái giá, là học phí của bài học Đặng Tiểu Bình dạy cho Lê Duẩn.

Đó cũng là bài học đau xót của dân tộc hào kiệt thời nào cũng có nhưng từ năm 1930, đảng cộng sản làm cách mạng vô sản, quyết liệt thực hiện Trí – Phú – Địa – Hào đào tận gốc, trốc tận rễ, hào kiệt phần lớn bị hãm hại chết mất xác hoặc thân tàn ma dại. Phần ít ỏi không bị hãm hại cũng bị gạt ra bên lề chính sự, phải lẩn khuất trong dân. Chuyên chính vô sản đã đặt những bần cố nông tài hèn, đức kém, trí cùn, tấm lòng chật hẹp như Lê Duẩn, Nông Đức Mạnh, Lê Khả Phiêu . . . vào vị trí nắm quyền lực quốc gia. 

Những quyền lực quốc gia tài hèn, đức kém, trí cùn và tấm lòng chật hẹp chỉ biết vinh thân phì gia đã đưa giống nòi Việt Nam vào hết thảm hoạ chiến tranh với bên ngoài, lại đến thảm hoạ chiến tranh trong lòng dân tộc. Những nhân cách không cùng chính kiến với quyền lực, không cùng tầm vóc thấp hèn như quyền lực đều trở thành thế lực thù địch. 

Chiến tranh với bên ngoài dù lâu dài đến đâu, mười năm, ba mươi năm, rồi cũng kết thúc. Chiến tranh với thế lực thù địch trong lòng dân tộc thì triền miên vô tận, chỉ kết thúc khi chuyên chính vô sản, khi chính quyền cộng sản bị loại bỏ. 

BẢY. CÚ LỪA LỊCH SỬ

Giương lá cờ giải phóng, giành độc lập dân tộc, trương khẩu hiệu “Không có gì quí hơn độc lập, tự do” chỉ để huy động sức mạnh dân tộc Việt Nam vào cuộc chiến tranh giành quyền làm chủ đất nước, cai trị người dân Việt Nam của đảng cộng sản, hoàn toàn không vì độc lập của Tổ quốc Việt Nam, không vì tự do của người dân Việt Nam. Đó là cú lừa lịch sử của đảng cộng sản Việt Nam và người thực hiện ráo riết nhất, tàn bạo nhất cú lừa lịch sử chính là Lê Duẩn.

Trên khắp đất nước Việt Nam làng xã nào cũng có nghĩa trang liệt sĩ mênh mông, bạt ngàn bia mộ người lính chết trẻ trong cuộc chiến tranh Nam Bắc 1960–1975 và cuộc chiến tranh biên giới 1979–1989. Một đất nước nhỏ mà phải xây dựng bốn nghĩa trang liệt sĩ quốc gia, mỗi nghĩa trang hàng trăm hecta đất qui tập hài cốt lính chết trong thời gian lịch sử ngắn ngủi 1960–1989. Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia trên đồi 82, Tân Biên, Tây Ninh. Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn ở Gio Linh, Quảng Trị. Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 ở Đông Hà, Quảng Trị. Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia ở Vị Xuyên, Hà Giang. Còn muôn vàn người lính chết mất xác trong rừng sâu núi thẳm khắp ba nước Đông Dương, chết ngâm xương dưới lòng sông Thạch Hãn, sông Lòng Tàu, dưới đáy biển Cà Mau, Phú Quốc. Hàng triệu thương binh mất chân, mất tay, mất mắt, mất trí nhớ, sống đời thực vật lay lắt, vật vờ từ thế kỉ hai mươi sang đầu thế kỉ hai mươi mốt. Đó là tội ác của đảng cộng sản, tội ác của Lê Duẩn.

Tội ác càng lớn, càng man rợ khi máu dân đổ nhiều như vậy, dân chịu mất mát hy sinh lớn như vậy chỉ để giành quyền đế vương cho những kẻ bất tài, độc ác như Lê Duẩn, chỉ để giành quyền cai trị dân, cướp bóc của dân, vơ vét tài nguyên của nước cho đảng cộng sản. Nước vẫn không có độc lập, chính quyền vẫn phụ thuộc Tàu cộng, bị Tàu cộng chi phối, đất đai biển đảo bị Tàu cộng thôn tính. Dân vẫn không có tự do.

Để lại cho đất nước, cho dân tộc Việt Nam trang lịch sử đẫm máu, ông nông dân thất học Lê Duẩn còn muốn để lại cả tư tưởng của ông cho loài người. Cuối đời, ông đưa ra học thuyết tào lao Làm Chủ Tập Thể, một bằng chứng, một sản phẩm của nền tảng văn hoá thấp lại ôm mộng vĩ nhân, muốn lưu danh muôn thuở. Ông bấm nút, giật dây cho những robot, những cái loa trong bộ máy tuyên truyền giả dối cộng sản, những con rối trong đội ngũ trí thức cộng sản gọi dạ bảo vâng tán tụng thuyết làm chủ tập thể của ông. Ngày 13.3.1977 ông đến trường đảng Nguyễn Ái Quốc rao giảng cho cán bộ cao cấp trong đảng của ông: Loài người cho đến nay đã có ba phát minh vĩ đại có ý nghĩa bước ngoặt của lịch sử. Thứ nhất là tìm ra lửa. Thứ hai là tìm ra cách sử dụng kim khí. Thứ ba là phát minh ra học thuyết Làm chủ tập thể. 

Những người có phát minh thực sự vĩ đại, tìm ra lửa, tìm ra cách sử dụng kim loại đều vô danh. Chỉ có người phát minh ra học thuyết tào lao Làm chủ tập thể là có danh: Lê Duẩn! 

Chỉ có tham vọng tội ác, quyết lấy máu người Việt xây mộng đế vương đẩy giống nòi Việt Nam vào cuộc nội chiến Nam – Bắc mười lăm năm 1960–1975 núi xương sông máu là có danh: Lê Duẩn! 

Chỉ có chính khách nông dân thiển cận, cực đoan đẩy dân tộc Việt Nam vào cuộc chiến tranh biên giới đẫm máu mười năm 1979–1989 là có danh: Lê Duẩn.

__________________________

"Phạm Đình Trọng: Những Cánh Buồm  Chân Dung Lê Duẩn (P.1)

https://www.diendantheky.net/2022/12/pham-inh-trong-nhung-canh-buomchan-dung.html