Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2022

Nhất Linh: Giòng sông Thanh Thủy

CHƯƠNG MƯỜI MỘT

Sáng hôm sau, Tính về báo cho Ngọc biết là có sự di chuyển bộ đội Tàu từ Ma-Lì-Pố về biên giới và từ biên giới về Ma-Lì-Pố. Như vậy công việc của Ngọc sẽ khó khăn. Ngẫm nghĩ một lát, Ngọc báo cho Nghệ và Tứ biết tin đó.

“Theo ý tôi, chúng ta nên hoãn lại một ngày vì một là bọn buôn lậu e ngại không dám rục rịch, hai là trong bọn quân Tàu ở biên giới có rất nhiều lính Tàu bị bọn Pháp mua chuộc. Giữa đường, chúng mình ăn mặc quần áo quân nhân Tàu mà không có phù hiệu, bọn lính Tàu mật thám cho Pháp nó nhận ngay ra mình là cách mệnh Việt Nam; tôi đã nói với hai anh rằng cả vùng này dân thường họ cũng biết vậy. Chắc các anh còn nhớ câu cô hàng nói: 'chuân pu sư chuân, mỉnh pu sư mỉnh, sư an nan cơ mỉnh'. Đi dọc đường gặp họ, sợ lộ chăng?”

Nghệ nói:

"Ta nên hoãn lại đến ngày mai hãy đi. Sớm muộn một ngày không sao. Có điều cần nhất là chúng mình không nên ra phố. Tụi nó báo về Thanh Thuỷ, dọc bờ sông tụi Pháp sẽ canh phòng nghiêm mật, chúng mình đi khó thoát."

Tứ cũng muốn nghỉ lại một ngày nhưng hơi buồn vì phải ở nhà ăn cơm đỏ với rau. Chàng sẽ nhờ Huân đi mua tí rượu; cơm không ngon nhưng có rượu là được rồi, vả lại đêm hôm qua chàng hút có hơi nhiều thuốc phiện người còn say, nằm khểnh còn hơn là lảo đảo cuốc bộ hơn nửa ngày đường.

Nhân một lúc gặp riêng Tính và Hân ở dưới bếp, Ngọc nói nhỏ:

"Tôi có làm việc gì lạ các anh cũng đừng tỏ vẻ ngạc nhiên đấy."

Thấy Nghệ giở sách ra coi, Ngọc cũng giở sách và lấy giấy bút loay hoay viết. Tuy viết chữ nho rất đẹp nhưng chàng cứ viết nguệch ngoạc, nét cố làm thành non dại và có khi viết trái cựa hay viết sai hẳn đi. Thỉnh thoảng chàng lại đến chỗ Nghệ ngồi hỏi nghĩa một vài chữ nho. Nghệ dậy cho Ngọc cách học chữ nho từng bộ. Nhìn thấy chữ Ngọc viết trên giấy, Nghệ thốt lên:

"Chữ anh tốt ghê."

Chàng nhìn Ngọc tỏ vẻ ngạc nhiên và nghi ngờ. Mau trí, Ngọc nói luôn:

"Thế mà em không biết đấy. Có lẽ vì em vẽ được. Lúc còn ở trong nước, làm thợ đan den nhưng ông chủ thỉnh thoảng vẫn nhờ em vẽ chép lại các kiểu, có khi lại nhờ em thay đổi hoặc vẽ hẳn kiểu mới. Nhưng mấy chữ này em có viết đúng không?"

Nghệ lấy bút sửa bảo Ngọc:

"Anh viết chữ 'trà’ thừa một nét ngang thành ra chữ 'đồ’ là một thứ cỏ độc."

Tính và Hân vẫn biết Ngọc đọc và viết chữ nho rất giỏi nay thấy vậy đều cùng ngạc nhiên nhưng vì có lời Ngọc đã dặn nên không dám lộ ra. Ngồi viết một lúc lâu, Ngọc đứng lên nói:

"Nào ra phố chơi."

Tứ đang nằm nhỏm dậy:

"Chú cho tôi đi với!"

Nghệ nói dằn từng tiếng:

"Tôi đã bảo không được đi ra phố."

Ngọc lạnh lùng đáp lại:

"Tôi ra phố được."

Rồi chàng đứng nhìn Nghệ có vẻ khiêu khích. Dầu cho Nghệ là cán bộ cao cấp đi nữa, đến đây mọi quyền đều ở công tác trạm trưởng. Song chàng không nói điều đó ra vì chính chàng đã làm trái nguyên tắc. Chàng tức là tức cái giọng trịch thượng của Nghệ.

Nghệ quay đi nói một mình:

"Chiều hôm qua thì thế, hôm nay đã đổi khác. Anh đi đâu tuỳ anh. Anh thì..."

Nghệ ngừng lại nhưng Ngọc cũng đoán được Nghệ định nói: anh thì cả đời chỉ là một cán bộ liên lạc quèn. Dẫu sao có một điều đáng để ý là Nghệ cũng như chàng đều tìm cách giấu lẫn nhau. Ngọc hơi sờ sợ vì chàng biết Nghệ dối trá như vậy chắc phải có một ý định gì không tốt đối với chàng. Rất có thể ngày mai Nghệ sẽ thủ tiêu chàng trước. Cũng may chiều hôm qua Nghệ hỏi đường buôn lậu chàng không nói ra. Qua sông Thanh Thuỷ rồi, Ngọc chắc thế nào Nghệ cũng giết mình. Chàng mỉm cười nghĩ thầm:

"Nhưng không bao giờ mình để anh chàng này qua sông. Nếu Nghệ không trúng kế mình thì sáng mai mình sẽ chết và nhất định Nghệ sẽ qua cầu sắt rồi đi thẳng vào đồn Pháp."

Nghĩ đến đó Ngọc thấy ruột như thắt lại. Chàng nghĩ ra là nếu Nghệ qua cầu sắt thì Nghệ sẽ thủ tiêu mình ngay khi đi khỏi Ma-Lì-Pố độ mười cây số.

"À nhưng..."

Ngọc ngồi xuống cạnh Nghệ, giọng nói trở lại ôn tồn:

"Tôi mặc áo Tôn Trung Sơn [1] có ra phố cũng không sao đâu, vả lại ở đây tôi quen lắm; tôi đã từng ở công tác trạm này mấy tháng. Tụi mật thám Pháp nó biết thì biết đã lâu rồi."

Ngọc ghé tai Nghệ nói thầm:

"Tôi cần đi gặp một đồng chí người Thổ buôn bán ở đây đã lâu đời. Tôi dặn đồng chí đó hôm nay sang Thanh Thuỷ dò la tin tức và báo cho đồng chí Thổ ở gần Thanh Thuỷ biết trước để thông tin đi các nơi. Như vậy khi về nước đỡ mất thì giờ chờ đợi. Anh có thể do đồng chí Thổ ấy mà bắt liên lạc ngay được với tất cả các anh em rải rác ở biên giới. Thôi, tôi đi đây."

Ngọc cười rồi nói giọng đùa:

"Ở nhà anh cứ tha hồ đọc sách không có người mỗi lúc lại đến làm phiền anh. À, anh Tứ này, tôi có biết một hàng rượu ngon lắm. Tôi sẽ mua về một chai bố uống chơi. Tôi lại mua thêm ít đồ nhắm nữa. Tuyệt!"

Ngọc mượn Tính bộ Tôn Trung Sơn mặc ra phố; chàng không đến nhà đồng chí Thổ vì một lẽ là không có đồng chí Thổ nào ở Ma-Lì-Pố cả. Theo con đường dốc đất đỏ, Ngọc xuống chỗ bộ đội Tàu đóng. Chàng quen rất nhiều sĩ quan vì Đảng bộ Trung Hoa Dân quốc có tiếp tế gạo cho công tác trạm, lúc chàng còn ở Ma-Lì-Pố, cứ một tháng hai lần chàng cùng các đồng chí khác xuống khiêng gạo về nhà. Một người thiếu hiệu [2] quen thuộc gặp chàng ngay ở cổng trại, vồn vã hỏi:

"Thế nào sao lâu không thấy ông đến?"

Ngọc cho người bạn thiếu hiệu hay là chàng phải đi công tác về phía Lao Kay, nhưng vẫn nhớ cảnh nhớ người, nhân tiện có việc ở Ma-Lì-Pố nên vội vàng đi thăm các bạn cũ. Chàng lân la trò chuyện, biết rõ có việc luân chuyển một trung đội và nội hôm nay thì một đằng xuất phát từ Ma-Lì-Pố đi và một đằng xuất phát từ Bắc Bảo ở biên giới về. Ngọc ngẫm nghĩ:

"Mai ta cũng xuất phát được."

Chàng ghé qua một hàng quen mua thật nhiều đồ nhắm ngon cho Tứ và một chai rượu trắng. Về tới nhà, chàng giơ chai rượu rồi mở gói đồ nhắm cho Tứ xem. Tứ ngồi nhỏm dậy, lấy đôi kính cận thị ra lau rồi cúi xuống gói đồ nhắm hít hít, hai cánh mũi phập phồng và yết hầu đưa lên đưa xuống. Trong óc Ngọc lại hiện ra cái ý tưởng cứu Tứ.

Chàng chỉ cần sao cho lúc đó Nghệ uống cà-phê trước; khi Nghệ uống xong chàng sẽ lên tiếng gọi Tứ xuống ngay chỗ chàng đứng:

"Anh Tứ ơi, trong túi tôi có sót một quả... đố anh quả gì nào?"

Chàng đã biết Tứ thích ăn hoa quả, thế nào Tứ cũng hỏi: "Đâu? Đâu?" và chạy lại ngay. Còn việc giật lấy khẩu súng lục của Tứ đối với một người đã được Mỹ huấn luyện thành thạo như chàng không có gì khó khăn cả. Chàng sẽ chĩa súng vào Tứ và nói khẽ cho Tứ khỏi sợ:

"Tôi không giết anh đâu. Tôi tha anh về để gặp vợ con và từ nay anh đừng có nhúng tay vào những việc như thế này nữa."

Đợi cho Nghệ chết rồi mà chắc Nghệ chết ngay vì Ninh đã có nói chất độc ấy uống vào là chết liền không tài nào cứu chữa được nữa, chàng sẽ đưa Tứ đến nhà một người buôn lậu để người ấy cho Tứ đi theo về nước.

Chàng nghĩ trước đến nỗi vui mừng của Tứ khi được chàng tha giết, nỗi sung sướng của Tứ khi về quê nhà gặp mặt người yêu. Cách mệnh thành công, thế nào chẳng có lúc chàng gặp Tứ với Nga; chàng sẽ được thấy trong mắt hai vợ chồng một tia nhìn cảm ơn, một sự cảm ơn âm thầm vì đối với một việc như thế người chịu ơn cũng như người làm ơn không ai có thể nói ra miệng được.

Nghĩ vậy, rồi Ngọc lại ra ngồi học và tập viết chữ nho, đợi Hân thổi xong cơm. Thỉnh thoảng sang hỏi Nghệ một vài chữ, Ngọc tự nhiên thấy sờ sợ như ngồi gần một con rắn độc. Chàng vừa hỏi vừa thầm nghĩ: mặc dầu chàng đã không chỉ rõ đường, lại hẹn giới thiệu để Nghệ có thể liên lạc với hết thẩy các đồng chí rải rác ở biên giới nhưng chàng không biết trong hai người ai sẽ ra tay trước. Để Nghệ khỏi nghi ngờ, ngày mai lúc nào chàng cũng đi trước Nghệ; mới nghĩ đến thế chàng đã thấy rờn rợn ở gáy. Chàng sẽ đi thật mau để đến chỗ ấy thì Tứ và Nghệ đều mỏi mệt nhoài cần phải nghỉ. Bỗng một ý nghĩ vụt đến khiến Ngọc lạnh cả người:

"Còn bi-đông cà-phê! Lạ nhất là Nghệ không từng hỏi đến cà-phê một lần nào cả. Tứ thì đòi uống hai lượt rồi. Hay là Nghệ đã đoán rõ trong cà-phê có thuốc độc. Nhưng cần gì! Miễn là đến được chỗ ấy, mình đã có cách."

Thấy Ngọc mặt cúi nhìn mãi một chữ không nhúc nhích, Nghệ tưởng là mình giảng chưa rõ nên giảng lại:

"Thế này nhé, có gì mà anh không hiểu. Chữ Hoa như Hoa kiều khác chữ Bút và chữ Nghiệp ở chỗ..."

Ngọc đáp:

"Thôi, em hiểu rồi."

Hân bưng mâm lên. Trên mâm có bát đũa và đĩa đồ nhắm. Ngọc bảo Tứ:

"Các anh ấy không biết uống rượu, em với anh chúng ta đánh chén trước."

Nghệ ngửng nhìn Ngọc. Ngọc biết là Nghệ nhắc ngầm đến lời hứa của mình hôm qua khi Nghệ trách chàng không nên tập uống rượu, nhưng chàng cứ lờ làm như mình là người vô tâm, tính nết hời hợt.

Chàng đến ngồi trên phản mở rượu rót cho mình và rót cho Tứ, nâng cốc mời:

"Chúc anh, chúc chung chúng ta ngày mai lên đường may mắn."

Ngọc nhắp môi "hà" một tiếng, trong lòng thầm nghĩ về Nghệ:

"Rõ khéo vờ vĩnh, mày thì cần gì tao thành cán bộ khá."

Chàng mỉm cười:

"Còn mình nữa cũng khéo vờ vờ vĩnh vĩnh. Người nào cũng biết chắc là người kia vờ vĩnh nhưng nực cười nhất cả hai người đều tin rằng mình thành thực lắm và vẫn tin rằng người khác cũng cho mình là thành thực."

Ăn xong bữa cơm ngon lành, mặc dầu riêng Nghệ chỉ ăn cơm với rau chấm nước muối (vì Ngọc đã dặn chàng kiêng mỡ sợ đau gan), mọi người nằm nghỉ trưa một lúc. Theo thời khoá biểu đã dán sẵn ở tường, Tính nói với Nghệ:

"Chiều hôm nay để dành riêng bàn về các vấn đề linh tinh. Có vấn đề nào đáng đem ra thảo luận thì tuỳ ý anh em quyết định."

Lúc đó, Tứ vì thức gần suốt đêm hôm trước nên nằm ngủ ở phản, ngáy khò khò.

Hân mỉm cười nghĩ thầm:

"Hay ta đưa ra vấn đề ngủ có nên ngáy không và người cách mệnh ngủ mà ngáy có liên quan gì đến công việc cách mệnh không?"

Riêng Hân, Hân tin rằng có liên quan vì kẻ địch có thể dựa theo tiếng ngáy mà biết mình thức hay ngủ. Hân không định nói nhưng miệng chàng thốt ra:

"Hôm nay tôi đề nghị đem vấn đề ngáy ra bàn."

Mọi người đều nhìn vào chỗ Tứ ngủ và bật lên cười, trừ Nghệ. Hân tiếp theo:

"Đồng chí Tứ xin anh em để anh ấy ngủ trưa vì đi công tác đặc biệt."

Hân vốn ít nói nhưng nói câu nào cũng chắc nịch và có một vẻ trào phúng thâm thuý kín đáo:

"Vậy ngoài vấn đế ngáy tôi xin bàn về vấn đề ngủ trưa. Người cách mệnh có nên ngủ trưa không?"

Tính nói:

"Việc ngáy rất quan trọng và càng ngáy to càng quan trọng hơn cho những đồng chí nào cần canh giữ giấy tờ tối mật sợ bị lấy trộm dễ dàng, còn ngủ trưa hay không ngủ trưa tôi không thấy quan trọng gì. Buồn ngủ thì cứ ngủ."

Nghệ nghiêm trang nói:

“Đồng chí Tứ không có quyền ngáy. Muốn không ngáy lúc đi ngủ phải lấy khăn tay bịt mồm lại, nhưng ngáy là tự trời sinh ra còn tha thứ được. Còn như ngủ trưa lấn vào giờ làm việc ở công tác trạm, chúng ta cần đánh thức đồng chí Tứ dậy và cảnh cáo.”

Nghệ vừa nói đến đấy thì Tứ nói mê. Hân nói:

“Ngủ mà nói mê còn nguy hơn là ngáy. Vậy cần phải cấm những người cách mệnh nói mê.”

Nghệ nói:

“Nói mê hay ngáy vẫn có thể chữa bằng cách lấy khăn bịt mồm lại.”

Ngọc tiếp theo luôn:

“Đồng chí Nghệ ngủ ngáy to lắm, có đồng chí Tứ làm chứng, mà tôi không thấy đồng chí Nghệ bịt miệng; kể cũng phải vì nếu bị cảm, tắc hai lỗ mũi, bịt miệng thì sẽ chết ngạt mất một người cách mệnh tài ba, như vậy có hại hơn là ngáy hay nói mê.”

Chàng nhìn Nghệ. Nghệ lại nói bằng cái giọng trịch thượng như ban sáng:

“Giờ bàn luận ở công tác trạm không phải là giờ nói đùa bỡn.”

Ngọc cúi mặt xuống. Tính nói:

“Tôi chưa tuyên bố khai hội vậy nói đùa hay không nói đùa là tuỳ tính riêng từng người. Bây giờ tôi xin khai hội; buổi khai hội hôm nay dành về việc thảo luận các vấn đề, bất cứ vấn đề gì, miễn là có liên quan đến cách mệnh hoặc lý thuyết chủ trương của đảng. Đồng chí Hân ra đánh thức đồng chí Tứ dậy.”

Thấy có người lay mình, Tứ nhỏm dậy hốt hoảng:

“Cái gì thế?”

Tứ rút kính ở túi ra, lau đi lau lại cho kính khỏi mờ, thấy bốn người ngồi chung quanh bàn, nét mặt người nào cũng nghiêm trang, chàng chột dạ tưởng có tin gì cản trở việc về nước. Sau khi Hân nói rõ lý do, Tứ mới yên tâm gượng gạo vừa ngáp vừa đi lại ngồi vào bàn.

Nghệ giơ tay xin nói:

“Tôi đề nghị hôm nay bàn về tương quan giữa niên tuế và công tác cách mệnh.”

Ngọc tiếp theo:

“Nói nôm na là tuổi và công việc cách mệnh có dây dính hay không dây dính với nhau.”

Chàng biết ngay là Nghệ định mượn vấn đề ấy để đả kích mình nhưng chàng giơ tay tán thành vì chàng biết rõ nếu chàng tán thành thì Tính, Hân và Tứ cũng tán thành theo. Hân mủm mỉm cười; những lúc chỉ có hai người Tính với chàng ở công tác trạm thì chẳng có giờ giấc gì, lúc nào cũng bàn, bàn việc lo liệu đi lĩnh gạo, bán gạo thừa thế nào cho được nhiều tiền và ra chợ mua những thức ăn sao cho rẻ, làm ruốc thật ngon khi nào dư dật để các đồng chí qua lại có thức ăn ngon miệng. Vấn đề ấy, Hân cho là quan trọng đáng bàn hơn hết. Nhưng Hân cũng góp ngay ý kiến:

“Như tôi tuổi già lẩm cẩm, lại ít học nên giữ việc bếp nước rửa bát quét nhà để các đồng chí được thảnh thơi. Thế có gọi là giúp việc cách mệnh không?”

Hân nói giọng nghiêm trang nhưng mọi người đều cười ồ tán thành:

“Đấy là đồng chí Hân đã giúp công việc cách mệnh một phần không phải nhỏ.”

Lần đầu tiên, Ngọc thấy hai con mắt Nghệ vui cười một cách thẳng thắn. Đã từ lâu không một ai không mến Hân, vẫn gọi đùa Hân là “Bô”. [3] Các cán bộ thanh niên hễ tới Ma-Lì-Pố là vòi quà Bô như trẻ con làm nũng một ông bố hiền lành. Hân chỉ cười tủm tỉm:

“Bô nhưng mà ‘Bô’ xu.”

Nghệ giơ tay phát biểu ý kiến. Chàng nói rất nhiều, thỉnh thoảng lại chêm một vài chủ trương của Việt Minh và nói khéo rằng muốn thắng Việt Minh cần phải làm theo chủ trương của Việt Minh nhưng làm hơn họ để lôi kéo những phần tử của họ theo về mình. Lúc bàn đến các thanh niên cán bộ chàng cho rằng tuy họ bồng bột hăng hái nhưng mắc phải cái tính bất nhất vì trí óc còn non nên không có lập trường vững chắc: dễ nghe và dễ biến tâm và đấy là những con cá rất dễ để Việt Minh câu nhử.

Nghệ nhìn Ngọc, người ít tuổi nhất trong số năm người ngồi thảo luận, rồi thong thả tiếp:

“Tôi lấy thí dụ. Xin đồng chí đừng mất lòng vì cần phải biết nghe lời người khác mặc dầu ý ấy làm mình khó chịu, phải vui vẻ nhận lấy sự phê bình của người khác, phải biết tự phê bình. Thí dụ như đồng chí Ngọc trẻ nhất đây... Tôi thử hỏi hai đồng chí Tính và Hân, trước kia đồng chí Ngọc có uống rượu bao giờ không?”

Tính đáp “Không” còn Hân giải thích:

“Uống một tý mạch máu lưu thông cũng không sao. Lắm khi có các đồng chí thanh niên đến đây tôi lại tự mua rượu về cho họ uống những lúc nào tôi không ‘Bô’ xu quá.”

Nghệ lại tiếp:

“Tuy tôi ngồi nhà nhưng cũng biết đồng chí Ngọc rủ đồng chí Tứ đi hút thuốc phiện. Tôi biết vì nhiều lẽ. Xin hai đồng chí tự kiểm thảo. Thế nào đồng chí Tứ?”
“Có đêm qua tôi có làm vài điếu, tưởng hôm nay đi được, cho nó khoẻ khoắn.”

Nghệ chỉ vào mặt Ngọc:

“Nhưng lỗi ở cả đồng chí Ngọc. Nếu đồng chí Ngọc không chỉ dẫn thì đồng chí Tứ mới đến đây lần đầu làm sao dò được chỗ hút, nhất là trong thời kỳ Hoa Nhật chiến tranh Tưởng uỷ viên trưởng đã ra lệnh cấm ngặt. Tôi yêu cầu đồng chí Tính ghi vào biên bản rồi báo cáo ngay về đồng chí Ninh để tuỳ ý đồng chí Ninh định liệu trừng phạt.”

Ngọc ngồi yên lặng một lát rồi nói:

“Tôi xin nhận hết lỗi về tôi. Dẫu sao hiện giờ tôi có công tác đặc biệt. Làm xong tôi sẽ trở về Mông Tự gặp đồng chí Ninh. Yêu cầu đồng chí Tính báo cáo trước.”

Tính tuyên bố bế mạc cuộc hội thảo. Nghệ đứng lên bảo Ngọc:

“Đồng chí còn cần phải tập tành nhiều nhưng đồng chí đã thẳng thắn nhận lỗi. Đó là một điều tiến bộ. Phải như vậy Đảng mới mạnh mẽ và công cuộc đuổi Pháp, giành độc lập chóng được thực hiện.”

Ngọc ra đứng tựa cửa sổ, mỉm cười, chàng nhìn những người dân Tàu qua lại dưới phố. Trong óc chàng như nhẩy múa những chữ: dối trá, gian giảo, độc ác, giết người. Chàng nhớ lại quãng đời thơ ngây, trong trắng ở quê nhà lúc yêu Thuý; nghĩ đến Thanh, chàng cau đôi lông mày thầm nhủ:

“Họ rình nhau như những con thú dữ mà người nào cũng vì một lý tưởng mình cho là cao đẹp.”

Trí chàng lại loay hoay nghĩ về sự xấu sự tốt của con người.




[1] Áo cổ bẻ, giống áo nhà binh nhưng không có thắt lưng. Các công chức hoặc nhân viên Đảng bộ Tàu thường mặc.
[2] Thiếu hiệu tức là thiếu tá Việt Nam.
[3]Bô tiếng Pháp là Pauvre nghĩa chính là nghèo, nghĩa bóng là đáng thương hại, thường dùng để gọi người khác một cách thân.