Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2022
Nhất Linh: Giòng sông Thanh Thủy
![]() |
CHƯƠNG MƯỜI
Sáng hôm ấy, Ngọc đánh thức Nghệ dậy rồi bảo chủ quán làm trứng vịt tráng cho ba người ăn lót dạ. Chàng bảo Nghệ quãng đường từ đây về Ma-Lì-Pố khá dài, cần phải đi từ lúc tờ mờ sáng. Ba người lại qua cái suối mà chiều hôm trước Ngọc đã ngồi với Tứ nói chuyện. Ngọc bảo Nghệ:
“Anh coi những tảng đá này có đẹp không? Nhưng anh thì để ý gì đến cảnh đẹp; lúc nào cũng chúi mũi vào sách nghiên cứu; xem sách làm quái gì chỉ thêm nát óc. Đường từ đây về Ma-Lì-Pố có nhiều phong cảnh đẹp lắm; đường lên cao nên rất mát, không như hôm qua; có lắm chỗ có những rừng thông đẹp vô kể. Lại có một chỗ, em không hiểu là mỏ gì họ đào lên chất thành đống cao. Nghe người ta nói đấy là chỗ ngày trước khai quặng chất... chất gì em cũng chẳng nhớ, chỉ biết là chất ấy cho vào sắt thì sắt cứng hơn nhiều.”
Nghệ nói:
“Tôi đoán có lẽ đó là mỏ wolfram. Để đến nơi, tôi sẽ biết.”
“Anh chuyên môn đủ thứ. Còn em thì mù tịt. Nhưng anh không bằng em ở một chỗ. Anh có thấy người Đức và người Nhật không?”
Nghệ nhìn Ngọc:
“Đức với Nhật làm sao?”
“Anh Nghệ này, anh xem như người Đức, họ thượng võ như thế nhưng những tay âm nhạc giỏi phần nhiều là người Đức. Lúc còn ở trong nước em có một người làm kiến trúc sư quen. Ông bạn đó, một hôm em đến chơi, có chỉ cho em mấy kiểu nhà của người Đức. Em chẳng hiểu gì nhưng người bạn em bảo họ thượng võ thế mà họ rất nhiều cảm tình, nhà ở của họ, họ săn sóc chăm chú hơn mình nhiều, không những đẹp mà lại có vẻ đầm ấm, không lộ trơ trơ ra như nhà tụi Pháp; muốn vào nhà họ phải đi vòng qua vườn rồi mới tới nơi, cũng như các chùa làng ta, có bao giờ đi thẳng vào chùa đâu, qua cổng phải đi theo những con đường gạch bát tràng quanh co, bên cạnh có trồng hồng rồi mới tới cửa ngách vào sân chùa. Người Nhật cũng vậy; ở trong nước có một người đi liên lạc sang Nhật, ngồi trên chiếc tàu bay quân sự chở toàn võ quan Nhật, người ấy thấy có dán mấy bài thơ Đường, mà như thế giữa lúc đánh nhau dữ dội với quân Mỹ. Em thì em cũng bắt chước họ, mọi việc nghiên cứu, các vấn đề chính trị em chẳng hiểu gì nhưng em thích cuộc đời đưa đón các anh em, rồi qua bao nhiêu nơi phong cảnh đẹp, tội gì không hưởng. Cách mệnh thành công em sẽ về làng, lấy một cô vợ nhà quê xinh xinh, sống một đời yên ổn. Em chỉ mong mỏi thế thôi, còn công việc lớn lao đã có anh Ninh với hai anh.”
Trong mắt Nghệ, Ngọc thấy thoáng qua rất nhẹ một tia nghi ngờ. Ngọc xoay câu chuyện về việc khác. Chàng reo lên:
“Sắp đến một cái suối rất trong có nhiều rau cải soong lắm.”
Tứ hỏi luôn:
“Đâu? Đâu?”
“Thong thả anh, đi một thôi đường nữa.”
Mười giờ sáng, trời nắng gắt, mọi người đều khát khô cổ thì vừa đến suối.
Ngọc nói:
“Đi xuống đây độ một quãng là tới suối.”
Một dòng nước rất trong, rộng độ hai thước, chẩy trên cát trắng. Nghệ và Tứ lấy bi-đông cho nước vào đầy rồi tu một hơi cạn. Ngọc vì bi-đông mắc đựng nước cốt cà-phê nên nằm trên bờ cỏ xanh vục mặt xuống suối húp nước... Tuy nắng to nhưng vì nước chẩy nên mát lắm; chàng vừa uống vừa nhìn ánh mặt trời loang loáng sáng lăn tăn trên gợn nước, khi tan đi khi lại hiện ra. Chàng nhớ đến câu thơ vịnh con hổ uống nước:
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan
Ngọc lại nghĩ đến Thanh và sẽ làm cho Thanh thật khát nước trước khi đến suối này rồi hai người cùng vục xuống và cùng uống trên một dòng nước. Chàng lại nhớ đến câu cuối cùng của bài thơ dịch bài “Chàng tại tương giang đầu” trong Kinh Thi:
Sông Tương chàng ở đầu sông
Xa chàng thiếp ở cuối dòng, chàng ơi!
Dẫu rằng khuất mặt, nhớ người
Đôi lòng cùng uống nước xuôi một dòng.
Ngọc mỉm cười tự bảo:
“Phải đổi đi mới được.”
Chàng loay hoay nghĩ rồi nhẩm đọc:
Suối rừng một dải nước trong,
Thanh đầu suối, Ngọc cuối dòng, Thanh ơi!
Hai ta người sát cạnh người
Đôi lòng cùng uống nước xuôi một dòng.
Ngâm xong Ngọc tự phục mình là đổi ngay được ra những câu hay và hợp cảnh đến thế. Thấy Tứ và Nghệ tu hết bi-đông lại lấy đầy nước, chàng cười bảo:
“Các anh lấy nước làm gì đeo cho nặng người. Độ một giờ nữa thì đã đến quán ăn cơm trưa rồi. Bây giờ ta đi ngược dòng suối kiếm thật nhiều cải soong cho vào đầy bi-đông hai anh, lát nữa ăn cơm sẽ có một đĩa sà lách ngon cho đỡ ngán vì cơm Tàu béo quá. Chắc các anh đã biết người Tàu không bao giờ ăn rau sống; chỉ nơi nào có người Mỹ, người Pháp họ mới biết ăn.”
Đến một chỗ lòng suối phẳng, nước chảy nhẹ, mặt nước đầy rau cải soong, Ngọc và Tứ rối rít vớt rau lên. Rửa sạch lá rồi nhét vào bi-đông. Thấy Nghệ chỉ đưa bi-đông cho hai người chứ không tha thiết với ra, Ngọc nói:
“Anh Nghệ cần ăn rau cải soong nhất. Anh da vàng thế kia tất là đau gan và cải soong là thứ chữa gan hiệu nghiệm nhất. Anh chỉ nghĩ những chuyện đâu đâu, không chịu cùng anh em chia sẻ công việc.”
Nghệ lạnh lùng nói:
“Tôi có việc khác. Cần nói chuyện với anh.”
Ngọc nói:
“Đến Ma-Lì-Pố thiếu gì lúc.”
Tuy nói vậy nhưng Ngọc hơi lo không biết Nghệ định nói chuyện gì? Trông vẻ mặt lạnh lùng của Nghệ, chàng vừa sợ vừa tức Nghệ. Chàng bảo Tứ:
“Thôi để tôi với anh rửa rau cũng được rồi. Anh Nghệ chắc đương có việc khó nghĩ thì để anh ấy nghĩ, bây giờ chúng mình tôn anh Nghệ làm quân sư. Về nước anh ấy bảo phải làm gì tôi với anh chỉ việc nghe theo. Như thế lại nhẹ người. Chắc lúc sắp đi anh Ninh đã giao phó cho anh Nghệ một nhiệm vụ nặng nề khó khăn. Công tác của anh ra sao, anh nói cho tôi nghe, may ra giúp đỡ anh được phần nào chăng.”
Nghệ nói giọng nghiêm trang, hơi có ý gắt:
“Tôi không phải nói anh nghe. Anh hẳn đã biết lối làm việc của Ninh. Anh cứ đòi nghe, nếu việc hỏng vì tính láu táu của anh thì kỷ luật của Đảng thế nào chắc anh biết. Anh giữ việc đưa chúng tôi về nước thì anh chỉ biết có công việc anh Ninh đã giao phó cho anh. Còn cái việc đau gan hay các anh thích nghịch nước, thích ăn cải soong là việc phụ. Anh không lo bổn phận mình chỉ nghĩ đến đùa nghịch cho sướng thân, tôi nói thẳng với đồng chí là đồng chí không hết lòng. Khi trở lại Mông Tự tôi sẽ báo cáo với đồng chí Ninh để tuỳ đồng chí Ninh định liệu. Nhưng dù sao cả hai anh đều không theo đúng tinh thần cách mệnh. Các anh cứ giận tôi thì cứ giận, việc tôi phải nói tôi cứ phải nói.”
Hai bi-đông đã đầy rau, Ngọc và Tứ yên lặng không ai dám cãi lại Nghệ. Ngọc quàng túi vải lên vai:
“Xin mời hai anh đi cho khỏi chậm trễ.”
Gần mười hai giờ trưa thì ba người đến một quán cơm ở Niu-Dương gần ngay chợ. Lại có một cô trông khá xinh người Quảng Đông đon đả ra chào mời Ngọc. Ngọc thấy Nghệ hơi bĩu môi còn Tứ thì vui vẻ bảo Ngọc:
“Chú này khá đấy. Số đào hoa. Chẳng trách thích đi liên lạc. Ta lại chén một bữa, chú nhé?”
Ngọc nhìn Nghệ bảo Tứ:
“Thôi trưa hôm nay không cho anh uống nữa. Sợ lại như trưa hôm qua thì phiền cho cả anh Nghệ cả tôi.”
“Không sợ mà, uống xong ta làm một đĩa lớn cải soong trộn dầu lạc với dấm thì dã rượu ngay. Lo gì! Anh Nghệ chính vì trước kia uống nhiều rượu quá nên mới đau gan, da mới vàng như nghệ.”
Tứ cười để lộ cả hai hàm răng vổ, sắn tay áo nâng chén rượu nhấp thử rồi khà một tiếng khoan khoái:
“Rượu cũng khá đấy.”
Thấy cô hàng bưng lên một đĩa xào bốc hơi nghi ngút, cái yết hầu của Tứ lại đưa lên đưa xuống.
Nghệ ăn cũng ngon lành xong vẫn nói, đá giọng mỉa mai:
“Làm cách mệnh kiểu anh Ngọc thì ai cũng muốn làm. Vào hàng quán nào cũng có các cô con gái xinh đẹp mà đồ ăn lại làm khéo tay. Những lúc đi một mình không vội vã, anh Ngọc từ Văn Sơn tới Ma-Lì-Pố chắc phải mất bốn ngày. Ngủ lại hai trạm cơm hôm qua và hôm nay để ‘công tác đặc biệt’ lúc ban đêm.”
Nghệ nói mà không cười. Bây giờ Ngọc mới nhận ra từ lúc gặp Nghệ đến giờ chưa bao giờ thấy Nghệ cười cả, hoạ chăng chỉ hơi nhích mép mỉm cười một cách đáng ghét. Ngọc vui vẻ nghĩ thầm:
“Một anh chàng như thế này mà mình lại có lần nghi là tình nhân của Thanh. Thực vô lý.”
Ngọc tính nhẩm từ lúc đi đến giờ đã được mười ngày: một ngày đi Khai Viễn, một ngày đi Văn Sơn, ở lại Văn Sơn vì cầu ngập và nước lụt mất sáu hôm, từ Văn Sơn đi Ma-Lì-Pố mất hai hôm. Nếu mai làm xong việc trở về cũng mất năm hôm nữa, ấy là về Văn Sơn có xe Mỹ đi ngay. Tất cả gần nửa tháng.
Chàng nhắc cốc rượu lên nhắp một ngụm nhỏ rồi mỉm cười nghĩ thầm:
“Hiện giờ chắc Thanh còn ốm thương hàn, lẫn sốt rét ngã nước và biết đâu không ốm tương tư. Tương tư mình chứ không phải anh chàng vàng như Nghệ. Thanh chắc từ nay cả đời sợ ruốc.”
Năm giờ chiều hôm ấy ba người tới công tác trạm Ma-Lì-Pố. Ngọc giới thiệu Nghệ và Tứ với Tính, trạm trưởng và Hân người phụ việc Tính, nhưng chỉ nói là đưa hai đồng chí này về nước hoạt động, hai tháng sau sẽ lại trở sang và dặn khi hai anh ấy trở về Ma-Lì-Pố cần tiếp đãi ân cần; Ngọc lại sẽ về Ma-Lì-Pố đưa hai anh ấy lên Côn Minh để báo cáo với anh Ninh. Hân tỏ vẻ vui mừng ra mặt và chạy ngay xuống bếp để nấu cơm.
Trong lúc đợi cơm, Ngọc ra đảng bộ Ma-Lì-Pố trình giấy má và đánh điện thoại về Văn Sơn để Nam báo về Mông Tự cho Ninh rõ là ba người đã tới Ma-Lì-Pố bình an vô sự. Chính vì nhận được tin này, Ninh mới ra lệnh cho anh em không phải canh gác nhà Thanh nữa. Ninh cũng được biết rõ là Tứ và Nghệ ở Văn Sơn cũng như ở Ma-Lì-Pố đi đâu cũng đi với người của Việt Quốc; Thanh được hoàn toàn vô can và Tứ, Nghệ không liên lạc được với cộng sản Tàu hay không có người cộng sản Tàu nào để liên lạc. Lúc đó Ninh mới nhận ra là Ngọc đã xét đúng về Thanh; chàng chỉ còn lo rằng Ngọc chưa hạ thủ được Tứ và Nghệ.
Ở đảng bộ về, Ngọc hỏi nhỏ đồng chí Tính mới biết là Nghệ và Tứ không đi đâu cả. Chàng yên tâm và muốn cho Tính khỏi nghi ngờ, chàng giải thích:
“Vì tôi đem giấy các anh ấy ra trình đảng bộ sợ hai đồng chí lớ ngớ ngoài thành phố, họ bắt, mình lại phải can thiệp.”
Thấy Ngọc về, Nghệ nói:
“Anh với tôi ra phố. Tôi có chuyện riêng muốn nói với anh.”
Ngọc đưa Nghệ lên đỉnh một quả đồi, ngay phía sau công tác trạm, hai người ngồi xuống bãi cỏ. Ngọc yên lặng chờ đợi Nghệ nói trước:
“Tôi muốn hỏi anh kỹ về đường lối qua biên giới sang Thanh Thuỷ.”
Ngọc đáp:
“Lối chính thì rộng mà dễ đi nhưng phải qua một cái cầu sắt. Ngay bên kia sông có một cái lô cốt của Pháp, đầu cầu lính canh nghiêm ngặt lắm. Cố nhiên là không thể đi đường ấy được.”
“Thế còn đường khác?”
Ngọc nghĩ thật mau:
“Nếu nói cho Nghệ biết đường thì Nghệ và Tứ có thể về nước không cần đến mình đưa. Việc Ninh giao phó mình không thể làm xong.”
Chàng cất tiếng bảo Nghệ:
“Đường khác phải đi qua rừng, lối nhỏ và ngoắt ngoéo lắm, lại phải qua một con sông nước chẩy xiết, có mảng tre chở sang. Đấy là đường đi buôn lậu. Nếu tôi không cùng các anh đi thì tụi họ không chịu chở. Thế này nhé, mai chúng mình đi, độ một giờ trưa thì tới một nhà tôi quen cách sông độ hai ba cây số. Chúng mình ngủ đêm ở đấy. Tôi sẽ đi giao thiệp với tụi buôn lậu rồi nội ngày kia thì sang. Cố nhiên là chúng mình phải ăn mặc quần áo Thổ. Nếu cần thì tôi sẽ sang trước xem xét tình hình rồi tôi lại trở sang đón hai anh. Đi thoát được biên giới là việc tạm gọi xong.”
Ngọc căn dặn Nghệ đủ điều cần phải làm một khi tới được nhà đồng chí Phổ. Thâm ý của Ngọc là để giấu kín việc làm của chàng một khi đi khỏi Ma-Lì-Pố độ mười cây số. Chàng nói mãi về những việc cần phải làm sau “khi đó”. Bỗng Ngọc nẩy ra một ý kiến: cứu riêng mình Tứ. Chàng tưởng tượng lúc Tứ yên lành về tới Tuyên Quang, nỗi vui mừng của đôi vợ chồng yêu nhau mấy năm xa cách và hai đứa bé mà chàng đoán là kháu khỉnh được thấy lại mặt cha; biết đâu lại không có bà mẹ già mong ngóng đợi con về. Ngọc không hiểu vì cớ gì Tứ lại trốn sang Tàu làm cách mệnh. Bất giác chàng nhớ lại câu trong một vở kịch Pháp mà chàng đã quên tên:
“Qu’est ce que je viens faire dans cette galère" [1] .
Chàng thốt ra:
“Hay là...”
Ý chàng định bảo Nghệ rằng, cả ba người đi sợ lộ quá, có lẽ để Nghệ đi trước, chàng quay lại đón Tứ sau. Chàng sẽ thủ tiêu Nghệ một việc chàng cho là cần, còn Tứ đi chuyến sau, chàng sẽ để Tứ yên ổn về nước gặp vợ con. Nhưng Ngọc ngừng lại. Lệnh của Hải ngoại Bộ, của Ninh là phải thủ tiêu cả hai người, chàng phải tuân theo. Một lần nữa chàng đã bị “cái guồng máy” nó lôi cuốn. Ngọc yên lặng suy nghĩ và thoáng nghĩ đến Thanh, mừng cho nàng đã từ chối không chịu gia nhập hàng ngũ.
Trong lúc đó thì Nghệ cũng suy nghĩ. Nếu chàng thủ tiêu Ngọc ở dọc đường (chàng đoán đường sẽ xuyên qua nhiều khu rừng vắng, chỉ một phát súng vào đầu hay lưng bên trái là xong đời Ngọc) nhưng nếu giết Ngọc thì không biết được con đường buôn lậu và chỗ bến sông có mảng để sang Thanh Thuỷ.
Chàng tính nhẩm có lẽ đến nhà người Thổ, chàng sẽ lấy cớ tiễn Ngọc ra bến sông rồi sẽ lấy súng đập vào đầu Ngọc; chàng sẽ đem giấu theo con dao thái thịt của người Thổ để cắt cổ Ngọc nhân lúc Ngọc thiếp đi hoặc con dao bổ củi đập mấy cái vào đầu Ngọc cho đến khi chết hẳn. Nghệ đã để ý từ lâu rằng Ninh chỉ giao súng cho chàng và Tứ còn Ngọc hoàn toàn không mang võ khí nào chỉ trừ có con dao díp nhỏ thỉnh thoảng Ngọc vẫn lấy ra để cắt móng tay.
“Chắc là Ninh đã không nghi ngờ gì ta. Nam và hai người giữ công tác trạm này hoàn toàn coi ta như đồng chí. Họ có vẻ tự nhiên lắm. Nếu có ý gì thì mình thấy ngay. Nhưng còn Ngọc?”
Nghệ liếc nhìn Ngọc một cái hỏi:
“Hay là gì cơ anh?"
Ngọc đáp:
"Hay là để anh Tứ sang Thanh Thuỷ trước. Nếu có biến thì người Thổ báo tôi biết ngay, anh sẽ ở lại bên này sông hoặc trở về Ma-Lì-Pố đợi cho tình thế yên đã. Họ tóm được anh theo ý tôi, nguy hại cho công việc của Đảng hơn là anh Tứ. Anh Tứ chỉ là một tay cách mệnh tài tử."
Ngọc cười rồi tiếp theo:
"Cũng như tôi ấy mà. Đấy, tuỳ anh định liệu."
"Để tôi nghĩ cẩn thận đã. Ý kiến anh có thể là một ý kiến hay."
Rồi Nghệ đổi ra giọng nghiêm trang:
"Tôi không muốn phê bình đồng chí trước mặt người khác, nhưng đồng chí đã phê bình anh Tứ và tự phê bình mình rất đúng. Tôi mong đồng chí từ nay tập dần cho thành một cán bộ khá hơn của Đảng. Tôi thấy đồng chí coi công việc giải phóng đất nước như một trò đùa. Nếu đồng chí đổi được cái tính bông lông, thích gái đẹp, chỉ nghĩ đến ăn ngon, lại tập tành uống rượu thì lần sau tôi sẽ nói với anh Ninh phái đồng chí về nước, mà lần sau đồng chí đi với tôi, giúp đỡ tôi hoạt động ở Hà Giang. Tôi tin ở đồng chí."
Ngọc đứng dậy:
"Xin cảm ơn anh. Em cố sửa đổi dần. Anh Ninh cũng nhiều lần khiển trách em và vì thế chỉ giao cho em công việc đưa đón, liên lạc. Thực ra em cũng muốn anh Ninh giao phó cho những việc quan trọng hơn. Em cũng sẽ bắt chước anh chịu khó tập nghiên cứu. Hai tháng nữa anh trở sang nếu quả thật em khá hơn, thì nhờ anh nói với anh Ninh hộ. Thôi bây giờ chắc cơm đã chín, mời anh về xơi kẻo đói. Em đã để ý dặn Tính tránh mỡ, trứng, những thứ gì dễ làm anh đau gan. Anh mà ốm lúc này thì thật là một việc không may."
Nghệ cũng đứng lên đưa tay bắt tay Ngọc:
"Tôi tin ở đồng chí. Đồng chí phải cố gắng."
Ngọc chớp mắt thật mau tỏ vẻ cảm động.
Ở nhà, Hân đã dọn cơm chờ. Hân gần sáu mươi tuổi, nước da hồng hào và tóc bạc phơ. Hân không hiểu gì về công việc hoạt động, chỉ có mỗi một lòng yêu nước và thích săn sóc các đồng chí, coi họ như con mình; công việc nặng nhọc đến đâu cũng không từ chối, vui vẻ nhận lấy làm. Hân chỉ mong có nhiều người qua lại công tác trạm.
Bữa chiều hôm ấy chỉ có cơm gạo đỏ ăn với ít rau. Ngọc biết Tứ khó chịu nên ăn có một bát cơm nhưng không dám nói ra. Ăn xong, dưới ngọn đèn dầu lù mù, Nghệ ngồi đọc sách với Tính. Hân ra sau nhà rửa bát đũa. Ngọc bảo Tứ:
"Tôi với anh ra xem qua phố xá cho biết."
Ngọc rủ Tứ vào một hàng ăn. Ăn hết hai bát phở Quảng Đông, Tứ vẫn còn thòm thèm.
Ngọc ghé vào tai Tứ nói thì thầm:
"Anh có thích cái số kia không?"
Chàng làm hiệu nắm tay đưa lên miệng. Tứ hỏi:
"Ở đây có cái số ấy cơ à?"
"Anh cứ tin em. Trước em đã ở công tác trạm này hơn ba tháng. Thổ công là thằng em đây. Em không biết hút nhưng em muốn anh làm vài điếu để mai đi đường cho khoẻ. Em thấy anh đi không quen, em lo lắm. Anh Ninh đã giao em tiền, em xin trả vì mai kia về nước anh cần tiền hơn em để dễ bề đi lại."
Lúc hút say lơ mơ, Tứ cao hứng kể lể với Ngọc về chuyện gia đình mình và cả về mối tình êm đẹp của chàng với Nga vợ chàng.
Tứ là con một thương gia rất giầu. Nhà Tứ cạnh nhà ông Án ở Tuyên Quang thân sinh ra Nga. Hai nhà chỉ cách có một bức tường thấp trên có chắn song sắt, vì vậy Tứ ngồi ở buồng mình ngày ngày được thấy Nga qua lại vườn bên kia. Dần dà hai người để ý đến nhau rồi yêu nhau; đêm đêm thường hẹn nhau ở cạnh tường hoặc nói chuyện hoặc trao đổi thư từ. Vì chắn song thưa, hai người tuy không gần nhau được nhưng vẫn có thể cầm lấy tay nhau và trao hôn. Bà thân sinh ra Tứ cũng muốn con mình làm rể ông Án để mong ông này cất nhắc kiếm cho việc làm, nhưng ông bà Án khư khư từ chối vì Tứ học hành dở dang, ngồi nhà không chịu làm gì ngay cả đến việc giúp đỡ buôn bán cho cha mẹ nữa. Về sau vì đôi trai gái yêu nhau quá nên một đêm Tứ trèo qua tường chắn song sắt, Nga có thai được một tháng, sợ hại đến gia thanh nên ông bà Án phải bằng lòng cho cưới. Hai vợ chồng rất đỗi yêu mến nhau. Nga lại giỏi nấu ăn nên thường làm những món ăn đặc biệt cho Tứ, món Tàu cũng như món Tây. Nga lại mua cho chồng mai quế lộ, rượu vang, sâm banh. Tứ bắt đầu uống rượu từ dạo ấy, uống nhưng chưa nghiện hẳn.
Về sau nhà Tứ buôn bán thua lỗ không giầu như trước nhưng vẫn còn đủ chi dùng. Các con ông Án, con trai và con rể, người thì làm tham tá, người tri huyện, ngày giỗ tết lên Tuyên Quang thường hay gặp Tứ và tỏ vẻ khinh thị chê bai. Người con gái lớn chồng làm tri huyện, vốn không ưa gì Nga và rất ghét Tứ nên nói bóng gió mỉa mai. Đã có lần tức quá không chịu được, chàng chỉ sang lễ rồi cáo đau trở về nhà ngồi yên lặng đến nửa giờ. Bỗng chàng thản nhiên nói một mình:
"Ta sẽ làm cho họ biết tay ta là người thế nào."
Nhưng Tứ chỉ nghĩ thế thôi chứ chưa tìm được cách gì. Rồi một hôm chàng gặp một cán bộ Việt Minh. Chàng được huấn luyện song chàng cũng không có tài cán gì để trở thành cán bộ giỏi. Được tin Pháp thua Đức và Nhật sắp sang Việt Nam, Tứ thấy đó là một cơ hội để trả thù anh em bên nhà vợ mình là những người đã dựa vào thế lực Pháp, nịnh hót Pháp mới lên được những địa vị ấy.
Tỉnh đảng bộ Việt Minh ở Tuyên Quang ngỏ ý muốn cho Tứ sang Tàu, Tứ nhận lời liền. Về nhà, đêm khuya chàng nói sự thực với Nga. Nga khóc lóc nhưng cũng đành phải để chồng đi. Tứ nói với vợ thu xếp cho ít tiền để sinh sống bên Vân Nam. Một nửa Tứ ủng hộ Việt Minh một nửa Tứ đem đi. Chàng vốn là con một thương gia có tiếng, vẫn giao dịch với Pháp, nên việc chàng sang đất Tàu là một việc rất tự nhiên. Chàng đi Lao Kay rồi xin giấy phép sang Vân Nam du lịch. Việt Minh đón chàng ở Côn Minh và ra chỉ thị cho chàng bảo chàng đi đâu cũng nói là bất mãn với Pháp muốn gia nhập hàng ngũ cách mệnh.
Chàng ở lại Côn Minh gia nhập Việt Quốc và liên lạc ngầm với Việt Minh. Sự thực thì Việt Minh cũng không để chàng hoạt động gì, nửa vì sợ lộ, nửa vì Tứ không có tài cán gì chỉ thích sống một đời xa hoa. Chính vì vậy nên Việt Minh chắc Ninh không bao giờ nghi Tứ và sai Tứ đi với Nghệ chỉ cốt để gây thêm lòng tin của Ninh.
Lúc Tứ say thuốc chuyện trò với Ngọc, cố nhiên là Tứ không nói rõ là mình gia nhập Việt Minh. Chàng bảo Ngọc:
"Nói thật với chú, khi về được nhà thấy mặt vợ con, nếu yên ổn thì tôi trở lại sống cuộc đời bình thường cũ. Tôi không phản cách mệnh đâu, chú cứ tin như thế, nhưng tôi chán đời cách mệnh lắm rồi. Nếu cách anh thành công, tụi anh em bên nhà vợ tôi sẽ hết bắng nhắng, đó là điều tôi mơ ước hơn hết."
Ngọc nói với Tứ:
"Sắp được về, làm thêm một điếu nữa ăn mừng chứ anh?"
Nghe giọng thành thực và xét các cử chỉ của Tứ trong chín hôm, Ngọc tin là Tứ không nói gạt chàng. Ngọc nhìn Tứ thở khói, chiêu một ngụm nước nóng, ngẫm nghĩ:
"Lại một anh chàng bị guồng máy lôi cuốn. Định thoát ra nhưng có thoát được không?"
Ngọc lại nghĩ đến chính đời mình và nghĩ đến Thanh. Thanh không muốn vào guồng máy còn chàng tuy đã bị guống máy lôi kéo, nhưng chàng sẽ hết sức hoạt động đến cùng; cho dẫu guồng máy có kẹp nát nhừ người chàng ra, chàng cũng vui vẻ can đảm mà chịu, không hối hận, không ăn năn, không oán trách những người đã đẩy chàng vào guồng máy và cũng không oán trách mình, tự cho mình là lầm lỡ.
Hơn mười giờ đêm Ngọc và Tứ mới trở về nhà. Nghệ và Tính vẫn còn chong đèn đọc sách. Ngọc đã dặn kỹ Tứ để hai người nói giống nhau về cuộc đi chơi kéo khá dài cho Nghệ khỏi trách móc. Chàng bảo Tứ đi nằm sợ Tứ không quen nên mệt rồi nói trống không:
"Gặp anh bạn Tàu cũ, anh ta cứ khẩn khoản mời ngồi chơi, đứng dậy không được. Người Tàu họ ăn khoẻ thật, ai lại chín giờ tối cũng cố níu mình lại ăn 'síu dề'."
[1] Không biết mình xuống cái thuyền này làm gì?