Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2022

Doãn Quốc Sỹ: Sầu Mây

Trời mưa bụi thì phải. Huy đi trong một vùng hơi nước bao phủ mờ mờ. Quyền, người bạn đồng niên của chàng, tay dắt đứa con nhỏ đã đứng chờ chàng ở góc đường kia. Quyền nói ngay khi Huy vừa tới: "Để tôi đưa cháu về rồi chúng ta tới một tiệm nào vừa nhậu nhẹt vừa tán chuyện gẫu cho đỡ buồn!" Huy bèn nói: "Vậy để tôi lái xe lại đây đưa anh và cháu về rồi chúng ta cùng đi sau." Đoạn Huy đi ngay về chỗ để xe, đi quanh quẩn sang một đường hẻm lầy lội khác, mưa bụi nhường như mau hạt hơn. Một cô gái nhỏ khuôn mặt trắng muốt, cô mặc áo màu xanh dài lướt thướt, đi vội qua đường, ngoái cổ lại cười trong mưa bụi. Đó là điểm tươi sáng duy nhất của khung cảnh mưa bay buồn thảm hoang vắng lúc đó. Sau lùm cây kia hẳn là bờ sông hoang dã, cỏ dại và cát trắng. Người con gái đã mất dạng sau lùm cây xác xơ, không nói một tiếng: Huy khao khát được nghe tiếng nàng, chàng đoán thầm nếu nàng cất tiếng, lời nàng sẽ biến thành dòng nước tinh khiết mát rợi chảy qua người chàng. Huy thèm một cái gì bình dị như nụ cười hồn nhiên của bất cứ một ai. Nụ cười có thể thâm thúy, có thể hời hợt, chính sự bất thường đó làm cuộc đời phong phú như con thuyền nhỏ chìm nổi theo sóng gió đại dương. Huy thấy mình đã đi vào căn nhà mái cao, bốn bề không có tường, tựa như đây là khu chợ nhưng không có kẻ mua người bán tấp nập mà chỉ có một người đương làm thịt mèo. Những con mèo đã cạo sạch lông treo thành một dãy trắng hếu, mấy con còn lại nhốt trong chiếc lồng tre. Một ông già khuôn mặt bình tĩnh đứng gần đấy, tay ôm một con khác, đợi trao con vật khốn nạn đó cho "người đồ tể mèo" đương cạo lông một con ở gần thùng nước sôi. Người ta làm thịt mèo để chuẩn bị tiệc cưới cho cô gái áo xanh, ôi, tội nghiệp cho những con mèo."

Huy giật mình thức giấc. Chiếc xe buýt đã tới một trạm nghỉ của một đô thị khá lớn nào đó trên con đường từ Nashville (Tennessee) tới Chicago, một đô thị Mỹ lớn chỉ kém có New York, Huy đã vừa chợp ngủ để đi vào một giấc mơ sầu thảm của mưa bụi, của đường hẻm lầy và của bữa tiệc cưới sửa soạn bằng thịt mèo. Người bạn tên Quyền chàng gặp trong giấc mơ chắc chắn là vẫn tiếp tục vừa dạy học vừa thầu rau tươi cho quân đội Mỹ ở Sài Gòn, hai công việc nghe như trái ngược một cách tức cười. Chẳng hiểu vì một liên tưởng gì mà Huy lại bắt Quyền trong giấc mơ dắt đứa con nhỏ. Thực ra Quyền đã có vợ con gì đâu.

Hành khách trên xe buýt đã lục tục xuống để giải lao. Huy vươn vai để xua đuổi cho sạch giấc mộng sầu vừa qua, rồi cũng khom người đứng lên, đi xuống. Chàng đi vào ánh đèn chói chang của căn phòng khá rộng, một góc rộn ràng tiếng sạch sạch của mấy người chờ xe đương giết thì giờ bằng trò chơi bóng bàn, một góc là cafeteria ngào ngạt mùi thơm của đồ ăn thức uống cùng với tiếng lách cách khá vui tai của muỗng nĩa chạm nhau. Đồng hồ chỉ bốn giờ sáng. Bản nhạc Exodus nổi lên vừa đủ nghe. Khúc nhạc vốn mênh mông hùng tráng là vậy nay trở thành dí dỏm, bông lơn, chỉ vì được chơi theo nhịp bolero, phần trầm giữ nhịp như tâm trạng tự tiềm thức đổ bóng nhuộm màu lên ngoại cảnh. Đi vào phòng vệ sinh, Huy dừng lại một giây trước khoảng hẹp có kê hai chiếc ghế bành cao và hai người da đen đương ngồi buồn thiu đợi khách đánh giầy. Ý nghĩ của Huy chợt ôn lại về Quyền.

Quyền với Huy cùng ở ngành giáo dục. Ba năm trước đây, ngày Quyền du học ở Mỹ về đúng lúc khởi xướng phong trào kỳ thị Bắc Nam. Thực ra phong trào nàynếu có thể gọi là phong tràochỉ xẩy ra ở cấp "trí thức" lãnh đạo, tranh nhau quyền lợi, ngôi thứ. Nhìn sâu hơn thì đó còn là cuộc đấu tranh mâu thuẫn giữa "trí thức thân Mỹ" với "trí thức thân Pháp" mà một tờ báo trào phúng Saigon đã nặng lời nói đùa là giữa cớm văn hóa đế quốc và cớm văn hóa thực dân. Quyền không được dùng vào đúng sở học, người ta thẩy chàng về trường sở cũ phụ trách môn Anh-văn. Quyền bèn giúp thêm mẹ thầu rau tươi Đà Lạt cho quân đội Mỹ. Người quân nhân Mỹ thoạt giao thiệp chỉ thấy mình gặp một người Việt nói tiếng Anh thạo, lịch thiệp, cách giao hàng đứng đắn, sau hỏi ra mới vỡ lẽ Quyền đã theo học đến hết cử nhân rồi bị động viên. Thế là đôi bên coi nhau như tình đồng môn.

Anh bạn quân nhân Mỹ hỏi:

- Sao văn bằng anh cao thế mà không được dùng vào đúng ngành chuyên môn về giao dục của anh?

Quyền đáp nửa nạc nửa mỡ:

- Ở nước anh thì văn bằng chuyên môn cao cấp là quý vì nước anh chỉ mới có ba, bốn trăm năm văn hiến, nước tôi tuổi tác văn hiến già gấp mười, văn bằng đó chỉ đủ giúp cho tôi sáng suốt hơn trong nghề... lái rau.

Cả đôi bên cùng cười vui.

Tiếng nói phát từ máy phát thanh mời mọi người đi Chicago lên xe buýt. Chặng này thay tài xế. Người tài xế mới trẻ hơn người cũ rất nhiều, nhưng điệu cần cù, thận trọng với trách nhiệm thì cũng như người tài xế già cũ.

Hồi còn ở nước nhà Huy đã suy nghĩ nhiều về thái độ sáng suốt và bao dung của Quyền khi đối phó với mọi hoàn cảnh. Huy được may mắn hơn Quyền, chàng dạy ở một trường mà ban giám đốc phần lớn là những người bạn trẻ cũ còn giữ nguyên tinh thần phóng khoáng. Họ tìm ra những học bổng và đề cử người đi để kiện toàn ngành giáo dục mà họ phụ trách. Nhưng đó chỉ là một điểm sáng nhỏ bên vài điểm sáng hiu hắt khác giữa đêm địa ngục của đất nước.

Huy lại thiếp đi lúc nào không biết.

Chàng mơ thấy mình đương dắt tay người yêu đi vào những hẻm ngoắt ngoéo cố ý tìm một nơi thật tĩnh để thủ thỉ chuyện trò. Tới khoảng tĩnh nhất chàng cùng người yêu dừng lại thì cũng vừa nhận thấy bóng một chiếc vồ cán dài đổ xuống. Chàng biết ngay có người rình trên sàn và nếu chàng và người yêu không lanh chân có thể bị chiếc vồ từ cao đập xuống. Chàng ôm người yêu chạy ngược trở lại những đường hẻm đã đi, ra tới đường cái lớn. Đường cái lớn dù đông người nhưng cũng còn chỗ vắng, người yêu như mềm nhũn và nồng nàn trong tay chàng, chờ đợi... Chàng vừa dừng lại ở một góc khuất chưa kịp vuốt ve người yêu thì một bóng đen đổ xuống, một ông già hình dung cổ quái tay vác vồ đã đứng sừng sững trước mặt. Huy tập trung hết căm phẫn vào nắm thay, thoi mạnh vào giữa mặt lão. Huy cố ý đánh lão cho ngất đi càng lâu càng hay để chàng được yên thân với người yêu.

Và chàng bừng tỉnh dậy, không ngạc nhiên. Đã từ lâu những ác mộng lớn nhỏ tương tự vẫn len ùa vào giấc ngủ của chàng như vậy (thực ra chẳng riêng gì của chàng mà của rất nhiều... rất nhiều người.) Huy cho đó là những biến thái của niềm tủi nhục đất nước.

Tiếng máy vẫn nổ đều đều, con đường thiên lý hun hút dưới ánh sáng tinh khiết ban mai. Xe buýt bỗng từ từ dừng lại ở một trạm nhỏ. Gần đó một gia đình Mỹ gồm hai vợ chồng và hai đứa con gái choai choai đương khuân các thức ra chiếc xe nhà bỏ mui hiệu Chevrolet. Chắc là họ đương chuẩn bị đi picnic, sáng thứ bảy mà.

Xe tiếp tục chạy vòng vèo theo đường cánh cung ngược lên đường trên, bắt đầu đi vào vùng phụ cận của Chicago. Huy tưởng như đã nghe thấy hơi thở vọng lại của thành phố vĩ đại này mặc dầu quanh chàng vẫn chỉ thấy cánh đồng mênh mông tràn ngập ánh nắng vàng lộng ban mai. Nhưng chẳng bao lâu hai bên đường đã lác đác có những khu đông dân cư, rồi xe buýt lên một con đường cao, rộng, đi vào một cây cầu cao, rộng hơn nữa; ngang với tầm mắt Huy, mãi tít phía xa, là những cột ống khói khổng lồ. Đó là những nhà máy ở ngay ngoại vi châu thành Chicago.

Huy mỉm cười nghĩ đến Hương mà chàng sắp được gặp. Hương là bạn đồng học với cô em gái chàng từ những năm trung học và nàng trở thành bạn thân của cả gia đình chàng từ thuở đó. Huy coi Hương như chính em gái mình. Huy vẫn có ý muốn đứng làm trung gian để Quyền và Hương gặp nhau rồi do đó xe mối cho đôi bên, nhưng ngày sắp thực hiện chương trình ngầm đó thì Hương đi Mỹ lần thứ nhất. Khi Hương về, Quyền cũng vừa lên đường đi Mỹ. Quyền ở Mỹ về, thì tuần trước tuần sau Hương đã lại lên đường đi Mỹ lần thứ hai, rồi đến lượt chính Huy cũng đi Mỹ và nhân dịp nghỉ vào cuối khóa hạ này Huy thu xếp thì giờ đến thăm Hương đương theo học nốt cấp bằng tiến sĩ Luật ở Đại học đường Chicago.

Quyền và Hương không gặp được nhau là phảiHuy tự nhủ thầm như vậy khi xe buýt đã thực thụ vào địa giới Chicago với hai, ba tầng giao thông đan lát, giao nhau theo những hình vòng cung lớn cùng đủ loại xe cộ vun vút, ồn ào. Quyền và Hương đều là những tâm hồn đặc biệt, ngộ nghĩnh, rất đáng yêu. Ôi, những tâm hồn ấy mà được êm ả gặp nhau, êm ả kết đôi với nhau thì hỏi còn là đời sao được, nhất đây lại là đời sống Việt Nam, nơi được mệnh danh là địa ngục trần gian. Không hiểu Huy đã chấp nhận thứ lý luận bi đát đó tự bao giờ, chính chàng cũng không rõ, chỉ biết thái độ chàng đặc biệt chắt chiu quý mến những tâm hồn ngộ nghĩnh, đáng yêu như Quyền, Hương chính là một phản ứng tự nhiên của con người đi giữa sa mạc luôn luôn tìm về những bóng cây.


Trích trong truyện dài “Sầu Mây” của Doãn Quốc Sỹ

SÁNG TẠO xuất bản 1970

Nguồn: doanquocsy.com