Thứ Ba, 29 tháng 11, 2022
Mặc Lý: Bài thơ dạ hành của Nguyễn Du
Nguyễn Du, nhà thơ lớn của dân tộc, làm bài thơ này, khoảng năm, sáu năm trước khi vua Gia Long lên ngôi, một thời gian tao loạn của đất nước. Bài thơ là một trong 78 bài trong Thanh Hiên Thi Tâp, trước tác bằng chữ Hán và được viết ra khi Nguyễn Du, tuổi ngoài ba mươi, về ẩn ở quê hương Hà Tĩnh.
老納安眠鴻嶺雲,
浮鷗靜宿煖沙津。
南溟殘月浮千里,
古陌寒風共一人。
黑夜何其迷失曉,
白頭無賴拙藏身。
不愁久露霑衣袂,
且喜鬚眉不染塵
Dạ hành
Lão nạp an miên Hồng Lĩnh vân,
Phù âu tĩnh túc noãn sa tân.
Nam minh tàn nguyệt phù thiên lý,
Cổ mạch hàn phong cộng nhất nhân.
Hắc dạ hà kỳ mê thất hiểu,
Bạch đầu vô lại chuyết tàng thân.
Bất sầu cửu lộ triêm y duệ,
Thả hỉ tu mi bất nhiễm trần
Dịch nghĩa
Vị sư già ngủ an giấc trong mây núi Hồng Lĩnh.
Lão nạp: vị sư già; an miên: ngủ ngon giấc; Hồng Lĩnh vân: mây dãy núi Hồng Lĩnh (tức dãy núi Ngàn Hống hay còn gọi là Rú Hống), Hà Tĩnh, quê hương Nguyễn Du.
Chim âu cũng đứng yên trên bãi cát ấm.
Phù âu: một loài chim bắt cá biển hay sông hồ; tĩnh túc: chân đứng yên; noãn sa tân: bến, bãi cát ấm.
Bóng trăng tàn ngoài biển nam, dập dờn xa ngàn dặm.
Nam minh: biển phía nam; tàn nguyệt: trăng tàn; phù thiên lý: dập dờn trôi nổi ngoài ngàn dặm
Trên lối cũ, gió lạnh dồn cả vào một người.
Cổ mạch: con đường nhỏ cũ xưa; hàn phong: gió lạnh; cộng nhất nhân: dồn lại một người
Đêm tối mờ mịt, sao mãi chưa sáng.
Hắc dạ hà kỳ: đêm tối như vậy; mê thất hiểu: không biết được lúc trời sáng
Già rồi, thân vô dụng, vụng về náu thân.
Bạch đầu: tóc bạc; vô lại: không ích lợi gì cho đời; chuyết: vụng về; tàng thân: ẩn thân, náu thân
Đừng buồn chuyện đi lâu dưới sương, áo ướt.
Bất sầu: không buồn; cửu lộ: ở lâu, đi lâu trên đường; triêm y duệ: ướt (tay) áo
Thôi thì mừng râu mày chẳng nhuốm bụi.
Thả hỉ: hãy cứ vui; tu mi: râu mày; bất nhiễm trần: không nhuốm bụi.
Bài dịch:
Đi Đêm
Thiền sư say giấc trên non Hống
Chim cũng yên mình bãi cát xa
Biển vắng trăng tàn ngoài vạn dặm
Đường khuya gió lạnh chỉ mình ta
Đêm còn tối mãi trời chưa sáng
Già đến còn mong ẩn chỗ nao
Chẳng ngại đi lâu sương xuống áo
Mà vui râu tóc bụi chưa vào
(Mặc Lý)
Tôi tò mò tìm đọc bài thơ này khi xem một đoản văn của Nguyễn Khải viết về Vũ Hồng Khanh. Nguyễn Khải, một nhà văn quân đội miền Bắc, về hưu năm 1988 với quân hàm đại tá, khi về làng Thổ Tang, Vĩnh Yên (nay là Vĩnh Phúc) chơi, có dịp gặp Vũ Hồng Khanh. Nguyễn Khải kém Vũ Hồng Khanh hơn 30 tuổi, gọi ông này là bác xưng cháu. Cán bộ trong làng trách Nguyễn Khải, bảo phải gọi họ Vũ là “thằng phản động già” như hầu hết cả làng đều gọi thế. Tuy nhiên Nguyễn Khải vẫn giữ ý mình, bảo là cách xưng hô bác cháu là theo truyền thông giáo dục gia đình.
![]() |
Vũ Hồng Khanh, khoảng năm 1927 Hình WIkipedia |
Vũ Hồng Khanh đề cập đến bài này khi nói với Nguyễn Khải: ”Phải đến tuổi tôi, khi đọc câu Cổ Mạch Hàn Phong Cộng Nhất Nhân mới thấy thấm thía”.
Mặc Lý