Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2022

An Hiên: Eo biển Manche và giấc mộng không thành

(Bờ biển Manche, 25 tháng 8/2022)


Trong các chuyến du ngoạn mùa hè năm nay 2022, tôi ghé đến vùng Pas de Calais.  Calais là một thành phố nằm ở miền cực Bắc nước Pháp. Thành phố này có vị trí đặc biệt, nằm sát eo biển Manche, đây là phần biển hẹp nhất của Đại Tây Dương ngăn cách nước Anh và Pháp, chỉ với bề rộng chừng 33 km . Paris đang mùa hè đầy nắng nóng, nhưng nơi đây lại gió lạnh và âm u, thời tiết giống như ở Luân Đôn bầu trời luôn bao phủ một lớp "sương khói mờ nhân ảnh". Phía xa tận bên kia là lãnh thổ Vương quốc Anh, mắt tôi không thể nào trông thấy được .Chính nơi vùng biển này, dân nhập cư vô Anh bắt đầu cuộc hành trình. Vượt qua 33 cây số trên mặt biển không phải là chuyện dễ dầu gì. Thế nhưng với người mang hy vọng đổi đời, khoảng cách ấy coi bộ không mấy nguy hiểm xa xôi chi. 

Calais là vùng trung chuyển từ đất Pháp để vượt qua eo biển Manche. Lớp di dân đi theo tuyến đường biển đa số từ các vùng nghèo đói Trung Phi, hay Trung Đông chiến tranh, tuy nhiên đám người Việt con cháu của " bên thắng cuộc" cũng khá đông. Hơn 40 năm hòa bình phát triển với thị trường định hướng XHCN, họ vẫn nuôi trong lòng giấc mộng lớn, trốn khỏi quê hương. Đổ dồn về vùng đất này, đám người di dân tụ họp trong rừng Calais, sống tạm bợ với cuộc sống hoang dã trong các tấm vải nhựa che mưa nắng, đói khổ, bệnh tật, nảy sinh ra những vụ lừa đảo thanh toán nhau hỗn loạn. Các nhóm này chịu sự điều khiển của mấy tên trùm đường dây, chờ đợi ngày lành tháng tốt để vượt qua bên kia đại dương, dù chưa biết khi nào, bao giờ. Trong trí tưởng của người di dân, Anh và Mỹ có cùng gốc ngôn ngữ, chắc là hai anh em cùng cha mà khác mẹ, không đi Mỹ được thì đi Anh cũng tốt. Không thể đến thiên đàng Mỹ, thì đến địa đàng Anh. Tại địa đàng này, nghe nói " việc nhẹ lương cao ". Cũng đúng, giá lương công nhân tại Anh khá cao, nhưng bù lại giá sinh hoạt rất đắt đỏ so với Pháp, nhất là nhà cửa chật hẹp, vấn đề y tế không được bảo trợ tốt bằng hệ thống y tế của Pháp. Tuy nhiên chuyện đó tính sau. Dòng người mỗi ngày đổ về Rừng Calais mỗi đông sinh ra nhiều rắc rối không thể giải quyết. Thấy hoàn cảnh bi đát, các nhóm thiện nguyện ở Pháp thỉnh thoảng đem thức ăn và vật dụng cần thiết đến phân phát trong khi thị trưởng Calais muốn dẹp bỏ mà không biết cách nào. Làm mạnh tay thì bị mang tiếng vô nhân đạo, bị phe Cánh Tả chỉ trích.

Đám người Việt ham lương cao việc nhẹ, được môi giới từ tổ chức có chân rết rộng lớn ở Việt Nam sang đến các nước khác. Kẻ mua người bán thuận thảo giá cả là đi thôi.. Họ di chuyển qua nhiều con đường khác nhau, từ VN qua Tàu, rồi đi máy bay thẳng đến Pháp, hay bay qua Nga rồi tới Belarus đến Âu Châu, giá tiền khác nhau . Có giá bình dân băng rừng lội suối, giá VIP đi máy bay hay ô- tô con. Nếu qua được bên ấy, họ khai báo mất hết giấy tờ tùy thân, cảnh sát Anh mù tịt tiếng nói, chẳng biết đâu mò, đành cho họ ở lại kiếm miếng cơm manh áo. Thế là xong, người di cư được  đưa vào trại tạm trú cho mẫu giấy tùy thân, xong xuôi cho ra khỏi trại kiếm công ăn việc làm hay cho đi học. Họ báo cho gia đình bên VN biết mình đến nơi an toàn, người thân họ sẽ phải trả hết toàn bộ số tiền chi phí cuộc hành trình, lên tới vài chục ngàn đô la. Nhưng không lo, con cháu họ sau khi lao động chui đâu đó, sẽ gửi về hoàn trả số tiền này mấy hồi . Đổi đời ở Anh, và gia đình ở quê nghèo cũng sang trang, cất lên những biệt thự villa bề thế làm hàng xóm láng giềng ao ước xuýt xoa khen ngợi .  

Sau khi tổng thống Pháp F.Mitterrand ký kết với bà thủ tướng Anh Margaret Thatcher, dự án xây dựng đường hầm dưới eo biển Manche nối Anh và Pháp bắt đầu. Với ngân phí 21 tỷ Euros và 12000 kỹ sư kỹ thuật viên khởi công xây dựng một công trình mà trước đây người ta cho rằng chỉ có trong mơ. Sau 6 năm tận dụng nhân lực và vật lực cùng bao khó khăn, hai khối công trình của hai bờ biển đã tiếp giáp nhau, gặp nhau bắt tay nhau. Năm 1994 khánh thành con đường hầm lịch sử, một kỳ quan của thế giới có một không hai. Đường hầm gồm có hai tuyến đường song hành, một là của tuyến đường sắt cho tàu cao tốc, hai là tuyến đường vận chuyển xe tải hàng và xe  ô-tô. Người dân có thể đi từ các nước Âu Châu đến Paris rồi lên tàu Eurostar hay lái xe ô-tô qua Luân Đôn nhanh chóng và dễ dàng . Đầu con đường hầm này nằm gần Calais.

Dân vượt biên như mở cờ trong bụng với đoạn hầm trứ danh độc đáo này. Họ có thể chui vào các xe tải hàng, đi từ một nước nào của Âu Châu, nằm yên trong đó, xe chui vào đường hầm, qua trạm kiểm soát biên giới biển, xong xuôi đâu đó, nếu còn sống và không bị cảnh sát phát giác, sẽ hiện thực giấc mộng đổi đời. Chuyện này gây ra phiền toái cho dòng lưu thông trên đường hầm do các mưu mô của đám buôn người. Cảnh sát biên phòng cả hai nước nhiều lần chào thua. Trong suốt hơn hai chục năm qua, tệ nạn vẫn luôn là cái ung nhọt đầy máu mủ khó chữa lành. Anh đổ lỗi cho Pháp không chịu kiểm soát kỷ, Pháp nói tại họ khoái nước Anh nên ngăn mấy cũng không xong. Anh có lần chi tiền đậm cho Pháp xây dựng một hàng rào kiến cố bao quanh cảng Calais nhằm ngăn chận những ai loanh quanh tới bến bãi này, nhưng vẫn không yên. Nhiều đám người gốc Châu Phi vượt biển theo kiểu ít tiền, ăn trộm xuồng ca-nô hay đi bằng thuyền bơm hơi có gắn thêm động cơ, chờ đêm tối phóng liều qua biển, điểm sáng nhắm tới là cảng Denver của Anh .Có khi may được tàu chiến tuần duyên Anh cứu vớt đưa vô bờ, khi không may gặp sóng lớn chết chìm cả đám, xác tấp lềnh bềnh. Chính quyền Pháp cương quyết dọn sách khu rừng tỵ nạn Calais vào năm 2016. Đám người nơi này bị bắt buộc phải di chuyển vào các trung tâm trợ giúp ở các tỉnh hay một số ít ở Paris. Rừng hoang dọn sạch, nhưng kẻ ôm mộng vẫn còn đầy.

Sau cuộc trưng cầu dân ý, Anh rút ra khỏi Liên Hiệp Âu Châu, Brexit. Anh không chơi chung với Pháp nữa. Dân nhập cư lo sợ vô Anh khó khăn hơn nên lại càng muốn tranh thủ thời gian càng sớm càng tốt, bằng bất cứ phương tiện nào.

   Năm 2019, ngày 23 tháng 9, báo chí loan tin chấn động cả thế giới. Một chiếc xe tải hàng đông lạnh chạy từ Bỉ đến Pháp, chui vô đường hầm vượt qua biên giới đến được cảng Essex Anh quốc. Tài xế xuống xe, mở cửa sau xem qua, giật mình hoảng hốt thấy cả đống xác người nằm la liệt. Cảnh sát tới, đếm cả thẩy gồm có 39 xác . Tất cả đều là người Việt Nam ta.  Các tin nhắn trong điện thoại của họ, "con không thở được nữa, con xin lỗi bố mẹ" hay " Em gắng lo cho bố mẹ và con, tất cả là lỗi ở anh, anh phải đi rồi". Còn biết bao câu chữ đau lòng xót xa khác có thể đang được bấm vô máy, nhưng  họ đã bị ngạt thở, tay đành  buông xuôi. Những đứa con hứa cố gắng làm việc gửi tiền về cho bố mẹ sung sướng tuổi già, những người chồng bỏ lại vợ trẻ con thơ, những anh, những em cùng những lời yêu thương nay đành đứt đoạn. Họ bị chôn sống trong chiếc xe tải hàng đông lạnh vì không còn không khí để thở, mà nhiệt độ xuống quá thấp. Những phận đời nhỏ bé luôn mang trên vai giấc mộng lớn.

Chính quyền Anh vậy là phải lo chu cấp 39 hòm gỗ bọc xác, thuê máy bay đem họ trở về quê nghèo. Nhà nước Việt ta hạn chế thông tin trên báo chí truyền thông. Chỉ với các gia đình xấu số những lời vô cảm :..Rất lấy làm tiếc, xin chia buồn với các gia đình nạn nhân .   

  ( 39 nạn nhân Việt với giấc mộng lớn không thành)

Sau biến cố này, số di dân Việt đang chờ chuyển qua cửa ải eo biển Manche coi bộ khiếp vía, bèn xin ở lại Pháp, các tổ chức nhân đạo sẵn lòng đưa họ vào cuộc sống nhập cư hợp pháp có giấy tờ.  Mới đây vào tháng 7/2022 tòa án Anh quốc đã xét xử nhóm tội phạm buôn người này, trong đó tên trùm cầm đầu là người Việt lãnh án 15 năm tù, còn 17 tên tòng phạm khác bị tù 1 đến 10 năm. Tuy nhiên, đừng nghĩ rằng vậy là không còn tệ nạn di dân, hết cách này thì ta bày cách khác, còn dài dài... Ôi giấc mộng đổi đời.

Xin nói thêm, ngày 19 tháng 7 báo chí Anh cho biết, bà CEO của Vietjet Air Nguyễn thị Phương Thảo xin tặng 155 triệu Bảng Anh ( tương đương 190 triệu USD ) cho trường Linancre Collège . Sau khi quốc hội Anh cứu xét món tiền này là " tiền sạch ", trường được phép nhận. Người ta thắc mắc tại sao bà không mở lòng mở bụng giúp đỡ dân Việt trên vấn đề y tế, xây thêm bệnh viện cho dân nhờ, bớt thấy cảnh bệnh nhân chen lấn nằm vật vạ trên các hành lang ngày này qua ngày khác, lại đem tiền dâng tặng một nước giàu có để lấy tiếng lấy tăm. Hay bà Thảo này nghĩ xa, biết đâu có một ngày bà phải trốn khỏi Viêt Nam qua Anh quốc mà không phải chui vô xe tải đông lạnh !  Đất nước chi mà lạ, nghèo đi tìm miếng cơm manh áo, lương cao việc nhẹ . Giàu cũng muốn cuỗm đống tiền rồi bỏ đi !

( cây thánh giá trên hải cảng Calais chụp ngày 25 tháng 8/2022)

AN HIÊN