Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2022
Ngô Nhân Dụng: Mỹ kiềm chế Trung Cộng trên mặt trận kỹ thuật
Trong tháng Tám, chính phủ Mỹ cấm bán cho các công ty Trung Quốc những chương trình (phần mềm) để tự động thiết kế các chất bán dẫn cực nhỏ. Báo chí Trung Cộng đả kích, coi đó là một “cú đấm” nặng nề trong cuộc đấu giữa hai nước trên võ đài sản xuất “chíp.”
Trận đấu đã diễn ra với nhiều đòn nhỏ hơn, nhưng liên tục và thường xuyên. Tháng Sáu năm nay, bà Gina Raimondo, bộ trưởng thương mại Mỹ mới đe dọa có thể “đóng cửa” bất cứ nhà sản xuất chất bán dẫn nào ở Trung Quốc! Bởi vì, bà nói, “Tất cả các con “chip” chế tạo ở Trung Quốc và trên thế giới hầu như đều được làm bằng dụng cụ hoặc phần mềm vi tính của Mỹ.” Mỹ và các nước Âu châu đang “cấm vận” các công ty vũ khí của Nga. Nếu các công ty Trung Quốc bị bắt quả tang bán chíp cho Nga, chính họ sẽ không mua được chíp để dùng!
Các nhà sản xuất “chíp” bên Trung Quốc đều nhờ vào công nghiệp thông tin Mỹ trong hai lãnh vực. Thứ nhất là các thiết bị sản xuất, viết tắt là SME (semiconductor manufacturing equipment). Thứ hai là “phần mềm,” EDA (electronic design automation) là những chương trình tự động thiết kế các con chíp. Năm 2008, Cộng sản Trung Quốc đã đưa ra kế hoạch 15 năm (2006 - 2020), đặt ưu tiên phát triển các EDA.
Việc chế tạo các con chíp cần đến 300 thứ máy móc, bộ phận và vật liệu, thường do hàng chục nước cung cấp, tất cả đều sử dụng các sáng chế của Mỹ. Làm chủ bản quyền sáng chế cùng với các máy móc để chế tạo và các vật liệu, các công ty Mỹ nắm những chìa khóa trong việc sản xuất chíp khắp thế giới. Một kỹ thuật người ngoài ít khi để ý đến là “Lithography,” một tên quen thuộc trong ngành ấn loát. Trong công nghiệp tin học, Lithography là phương pháp đặc biệt để “in” các “mẫu” chíp lên các miếng silicon. Nước Mỹ nắm bản quyền phần lớn các máy móc và kỹ thuật dùng trong “kỹ thuật in ấn” này. Chính phủ Mỹ có thể cấm xuất cảng Lithography cho bất cứ nước nào nếu họ bán cho các công ty Nga hay Trung Quốc đang bị cấm vận.
Trong nghề sản xuất chất bán dẫn, các xí nghiệp chạy đua để chế ra những con chíp càng nhỏ càng tốt. Từ năm 2020 Mỹ đã cấm bán cho Trung Cộng những máy dùng “tia cực tử ngoại” EUV, extreme ultra violet, có khả năng chế những chíp dưới 14nm (nano mét, một phần tỷ của một mét).
Nguyễn Văn Tuấn: Việt Nam có gì mới? Việt Nam có gì đáng ngạc nhiên? (*)
RFA: Theo dõi Nhân quyền - VN trả đũa LS Võ An Đôn vì dám dùng luật pháp bảo vệ các nhà hoạt động!
Luật sư Võ An Đôn sau khi không được hành nghề luật sư chuyển sang làm nông. FB Võ An Đôn |
Tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền khẳng định, việc ngăn cản luật sư Võ An Đôn đi nước ngoài cho thấy chính phủ Việt Nam có thể dùng mọi thủ đoạn bẩn thỉu để bịt miệng số ít các luật sư còn lại dám bảo vệ các nhà bất đồng chính kiến.
Ông Võ An Đôn, người bị tước bằng luật sư hồi năm 2017, bị cấm xuất cảnh cùng với vợ và ba con khi đang làm thủ tục bay sang Hoa Kỳ để tị nạn chính trị vào tối 27/9.
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Phân ban Châu Á của tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền (Human Rights Watch) ngày 29/9 ra thông cáo báo chí cho rằng:
“Việc ngăn cản chuyến đi của Võ An Đôn đến Hoa Kỳ cho thấy hành động phổ biến của hệ thống chính phủ Việt Nam, hạn chế quyền tự do đi lại của các nhà hoạt động dựa trên những tuyên bố mơ hồ về “an ninh quốc gia”.
Thực tế là Hà Nội không muốn Võ An Đôn đi nước ngoài để ông có thể thoải mái nói về các chuỗi dài bị sách nhiễu, phân biệt đối xử và lạm quyền mà ông phải chịu vì lựa chọn đại diện cho những khách hàng nhạy cảm về chính trị tại các phiên tòa bỏ túi của Việt Nam."
Susan B. Glasser & Peter Baker: Lá thư Hoa Thịnh Đốn - Vị Tướng Tham Mưu Trưởng Sau Cùng Của Ông Trump (Bản dịch của Nguyễn Minh Tâm)
Stephen Kotkin: Huyệt mộ của nền chuyên chế Nga (Trần Gia Huấn lược dịch từ The Weakness of the Despot by David Remnick and Stephen Kotkin)
Chuyên gia về Stalin đánh giá Putin, Nga và Phương Tây
Stephen Kotkin là một trong những học giả lão luyện về lịch sử Nga. Tác phẩm lừng danh của ông là bộ Tiểu sử Stalin ba tập: Tập I “Nghịch lý của quyền lực, 1878 - 1928” đã được giải Pulitzer, Tập II “Chờ đợi Hitler, 1929 - 1941”, và Tập III “Thế chiến II” và cái chết của Stalin vào 1953, và di sản của ông xuyên suốt thời Soviet.
Kotkin là Giáo sư lịch sử kiệt xuất đang dạy tại Đại học Princeton, Học viện Hoover, Đại học Stanford. Ông đã công bố nhiều nghiên cứu giá trị. Trong khi Kotkin nghiên cứu về nền công nghiệp kiểu Stalinist tại thành phố Magnitogorsk, Nga, ông đã đưa ra lời cảnh báo thật vô giá về chính quyền Putin, và cội nguồn văn hóa Nga.
Vừa rồi, có cuộc trò chuyện với Kotkin về Putin, về cuộc xâm lược Ukraine, về cách Âu-Mỹ đáp trả, và những gì sẽ xảy ra, bao gồm cả khả năng đảo chính tại Moscow. Cuộc trò chuyện đã được thu video, có chỉnh sửa lại cho phù hợp thời lượng, và đây là nội dung buổi trò chuyện đó.
Hỏi: Chúng ta đã nghe nhiều ý kiến trong quá khứ và cả hiện tại về nguyên nhân những gì đang xảy ra ở Ukraine. George Kenna cho rằng lỗi lầm chiến lược là do NATO đông tiến. John Mearsheimer khẳng định Mỹ phải chịu trách nhiệm chính. Vậy, chúng ta bắt đầu câu chuyện này bằng những phân tích của ông.
Trả lời: Tôi dành cho George Kenna một sự tôn trọng lớn, còn John Mearsheimer là học giả tầm cỡ. Nhưng tôi không đồng ý với cả hai. Hai học giả này đã giả định: Nếu NATO không mở rộng về hướng đông, thì Nga không đánh Ukraine.
Những gì chúng ta đang chứng kiến là không đáng để ngạc nhiên. Putin không khác gì so với những mô hình Nga từ thời chưa có NATO. Trong vòng 500 năm qua, Nga đã hành động như thế này rồi. Nga là chuyên quyền. Nga là trấn áp. Nga là sức mạnh quân sự. Nga là nghi ngờ nước khác. Nga nghĩ xấu về phương Tây. Nga thù oán phương Tây. Đây là nước Nga mà chúng ta đã biết. Nước Nga không phải mới xuất hiện hôm qua, hay từ thập kỷ 90s.
Nguyễn Hưng Quốc: Để Nhớ 7 Năm Ngày Võ Phiến Mất - Những Năm Tháng Cuối
Mỗi lần có dịp qua Nam California, một trong những người đầu tiên tôi đến thăm bao giờ cũng là Võ Phiến (1925-2015). Chủ yếu là vì tình thân. Tôi quen với khá nhiều người cầm bút Việt Nam, trong cũng như ngoài nước, nhưng người tôi gần gũi nhất có lẽ là Võ Phiến. Gần, chủ yếu là vì, trong thời gian viết cuốn Võ Phiến (1996), tôi đọc ông nhiều và rất kỹ; và cũng vì, trong suốt thời gian chuẩn bị tài liệu cho cuốn sách ấy, kéo dài cả mấy năm, tôi và Võ Phiến thường xuyên liên lạc thư từ với nhau. Thư, thoạt đầu, khá khách sáo; sau, cứ dần dần thân thiết. Sự thân thiết, thoạt đầu, giống như tình bạn, thứ bạn vong niên trong văn nghệ, dần dần, giống như tình gia đình: Tôi xem Võ Phiến như một ông bác. Khi đã xem như bác, việc thăm viếng trở thành một cái lễ, một thứ bổn phận.
Mà kể cũng lạ. Trong giới cầm bút nổi danh trước năm 1975 sau này sống ở hải ngoại hầu như chỉ với Võ Phiến là tôi xem như một ông bác. Với những người khác, ngay cả với Mai Thảo, chỉ nhỏ hơn Võ Phiến hai tuổi và lớn hơn tôi đến 30 tuổi, tôi chỉ xem như là anh. Nói chuyện với Mai Thảo, theo đề nghị của chính ông, tôi gọi bằng “anh” và xưng “em”. Không những vậy, có lúc tôi còn xem ông như một đứa em nữa là khác. Đó là những lần, lúc tôi còn ở Paris, ông bay từ California sang chơi. Sau khi ăn uống hay đi dạo phố, đưa ông xuống trạm xe điện ngầm để về nhà Trần Thanh Hiệp, nơi ông ở trọ, sau khi dặn dò đường đi nước bước, rồi nhìn cái ánh mắt lúc nào cũng mơ mơ màng màng, cái dáng người cao lêu nghêu và cái bước chân hơi liêu xiêu của ông, tự dưng tôi thấy bất an. Sợ ông đi lạc. Sợ ông băng qua đường ẩu, xe đụng. Sợ vu vơ đủ thứ. Như sợ cho một đứa em ngơ ngác giữa phố lạ. Những lúc ấy, tôi quên bẵng là ông đã từng qua Paris nhiều lần và rất giỏi tiếng Pháp. Với Võ Phiến, chưa bao giờ tôi có cảm giác ấy. Nhìn ông và nói chuyện với ông, tôi có cảm giác như đang đối diện với một công chức tỉnh lẻ hiền lành. Từ dáng dấp đến vẻ mặt, có vẻ gì hơi hơi thật thà, hơi hơi chất phác, nhưng đôi mắt của ông thì khác: Lúc nào cũng tinh anh, cũng nhanh nhẹn, toát lên vẻ gì vững vàng, có thể đương đầu với mọi tình huống và mọi bất trắc.
Trùng Dương: Thăm lại mộ thuyền nhân Việt ở Đông Nam Á
Anh bạn nhà báo Lưu Dân bên Úc gửi cho bản tin phổ biến cuối tháng Tám vừa qua trước ngày nghỉ gọi là Quốc khánh của Hà Nội, tựa là“Khuyến cáo du khách Việt không nên đến một số khu vực tại Indonesia, Philippines và Malaysia”. Lý do: “Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết khuyến cáo này nhằm đảm bảo an toàn cho khách du lịch outbound (khách trong nước ra nước ngoài).”
“Để đảm bảo an toàn cho khách du lịch và tránh phát sinh những vấn đề về chính trị, ngoại giao, đề nghị Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Liên chi hội Lữ hành Việt Nam thông tin, khuyến cáo các doanh nghiệp lữ hành tạm thời không đưa khách đến 3 địa điểm trên,” thông báo của Tổng cục Du lịch Việt Nam cho hay.
Đọc bản tin, tôi không khỏi bật cuời. Vào thời buổi Internet phát triển vượt bực và tạo cơ hội cho mọi người có dịp tiếp cận với đủ loại thông tin và kiến thức của Thế kỷ 21 này, bất kể các nỗ lực ngăn chặn mà tôi gọi là “lấy thúng úp voi” của chế độ, mà nhà nuớc, qua Tổng cục Du lịch VN, vẫn còn đối xử với người Việt trong nước như một lũ con nít không biết gì.
Cái mà họ thực sự quan tâm không phải là “an toàn cho du khách”, mà chính là cho thế đứng của chế độ tư bản đỏ song vẫn độc tài của họ đấy thôi.
Chuyện thuyền nhân VN vào cuối thập niên 1970 và suốt thập niên 1980 có mấy ai mà không biết, nếu muốn. Chỉ cần đánh cụm từ “thuyền nhân Việt Nam” hay “Vietnamese boat people” trong bất cứ hộp Search của bất cứ browser nào—Safari, Google, Microsoft Edge, Firefox, Omega, Duckduckgo, vv…--là thấy hiện lên đầy các tài liệu, hình ảnh và phim liệu về thảm kịch kéo dài gần hai thập niên này. Cho là trong nước những trang Web này có bị chặn thì vẫn có vô vàn các cách khác để tiếp cận thông tin trên Mạng. Người Việt trong nước, khả năng kỹ thuật điện toán nghe nói nhiều khi còn hơn cả nhiều người hải ngoại nữa.
Tại sao phải đến tận nơi chôn cất các nạn nhân vượt biển đi tìm tự do không may bị bỏ mạng tại các địa điểm như Galang (Indonesia), Bidong (Malaysia) và Palawan (Philippines)? Các du khách trong nước muốn tới tận các nơi này thăm viếng thực ra phần lớn chính là thân nhân của các nạn nhân vượt biển muốn viếng người thân để vun đắp, sửa sang mộ phần và thắp lên một nén hương tưởng nhớ. Cấm đoán họ vì những lý do “an toàn” đâu đâu là một lời dối trá không che dấu được ai, nếu không nói là một sự tàn nhẫn, táng tận lương tâm đối với những người không quên được thân nhân đã chết thảm trên đường đi tìm tự do mấy thập niên trước.
Tam Mao: Lạc Đà Khóc (Nguyễn Văn Thực dịch từ nguyên tác chữ Hán)
Lạc Đà Khóc
哭泣的駱駝
(Khốc Khấp đích Lạc Đà)
Tam Mao
(1943 – 1991, Đài Loan)
![]() |
Hình minh hoạ, Sam Williams, Pixabay |
Lời Người Dịch : Bối cảnh địa lý và lịch sử của bài này xin xem chú thích (1); về tác giả Tam Mao xin xem chú thích (2). Quý độc giả nên đọc chúng trước khi đọc chính bài văn này.
Tác giả dùng dấu phẩy nhiều hơn dấu chấm, có lẽ tác giả chịu ảnh hưởng lối hành văn ”hành vân, lưu thuỷ/mây bay, nước chảy” của văn chương Trung Hoa xưa. Các tác giả hiện đại cũng hay chấm câu kiểu này, khác người Việt chịu ảnh hưởng lối chấm câu cứng cỏi, rạch ròi của Pháp. Người dịch giữ lại lối chấm câu này của tác giả.
Các nhân vật trong bài văn này, hiểu ngầm là họ nói tiếng Tây Ban Nha khi nói chuyện với tác giả Tam Mao, còn ngôn ngữ nói thường ngày với nhau của dân ở đó, chính là Tiếng Ả rập Hassaniya.
****
Hôm nay, đã không biết bao nhiêu lần, tôi chợt tỉnh giấc trong căn phòng tăm tối, ngoài đường chẳng có tiếng người, tiếng xe cũng không. Chỉ có tiếng đồng hồ báo thức trên bàn tích tắc trong trẻo mà vô tình mỗi lần tôi thức giấc.
Rồi tôi cũng tỉnh hẳn, những chuyện xảy ra hôm qua, không phải chỉ là cơn mộng dữ rồi qua. Mỗi lần tôi thức giấc, trí nhớ lại bắt tôi nhớ lại những hình ảnh chạy loạn xạ như chạy trước ống kiếng, về những chuyện mới xảy ra đây thôi, ở nơi ấy, của một tấn thảm kịch khiến tôi những muốn khóc thét lên được.
Tôi khép mắt lại, những khuôn mặt của anh Bassiri, của anh Afeluat và của cô Shahida/Sahiđa, với vẻ mặt tươi cười mà như không cười, cứ chập chờn như sóng sóng điệp trùng trước mặt tôi. Tôi bật mình dậy, bật đèn sáng, tôi nhìn tôi trong kiếng, chỉ trong một ngày mà tôi, lưỡi đã khô, môi đã rộp, hai mắt sưng húp, hốc hác quá chừng.
Khi tôi mở cánh cửa sổ gỗ hướng ra phía đường, sa mạc phía ngoài khung cửa sổ, hoang vắng y như một vùng băng tuyết, chẳng có lấy một bóng người. Đột nhiên bị sa vào cảnh trí mà mình không ngờ thê lương đến như thế, tôi đâm sững sốt, ngây người nhìn đăm vào trời đất dửng dưng của vùng cát trắng mênh mông, và chẳng còn biết mình đang ở nơi nao.
Tam Mao: Lạc Đà Khóc (Nguyễn Văn Thực dịch từ nguyên tác chữ Hán) (Phần 2)
Tôi còn chưa kịp nhảy dựng lên, anh José đã đập bàn cái rầm, đứng lên toan xông lại núm lấy gã để đấm. Mọi người bỗng nhiên nhìn vào chúng tôi. Tôi, trong tuyệt vọng, níu anh José lại để anh khỏi xông tới. “Hắn chỉ là một thằng vô học, lỗ mãng, anh hơi đâu mà đôi co với thằng chã mà làm gì!”
“Cái thằng ăn nói quàng xiên như thế, mà anh bảo em bỏ qua cho được à? Theo như hắn ta, những người không thần phục sự thống trị của ngoại nhân, thì cũng như đám ruồi xanh phải giết chết hết. Các bạn, người Đài Loan, ngày xưa đã kháng chiến chống Nhật, hắn có biết chăng?” Anh José hét, còn tôi, tôi dộng chân xuống đất, rồi đẩy anh José ra ngoài,
“Em không tán thành chủ nghĩa thực dân, nhưng, vì thể diện của Tây Ban Nha, chúng ta phải ăn nói làm sao cho xuôi, chứ anh lại đánh lộn với chính đồng bào của anh, thì anh sẽ bị kết án là kẻ không yêu nước, thương đồng bào của anh, vậy thì có ích lợi gì đâu?”
“Con sâu làm rầu nồi canh… hừ, như thế thì làm sao mà người Sahwari ưa chúng ta cho được?” Anh José trở nên buồn bã thực sự. “Bên mười, bên chín rưỡi còn dư, một đàng quân du kích gọi chúng ta là chó, một đàng nghe những lời tương tự từ miệng những người của chính phe mình, anh những muốn độn thổ luôn. Thiệt là khổ! “
“Lúc đầu chuyện này có thể giải quyết trong hoà bình. Nếu Ma rốc không tính chuyện chia cắt, họ sẽ không gấp gáp đòi độc lập kiểu này.”
“Tam Mao, em phải quan sát kỹ tình hình chung quanh, em phải rời khỏi đây ngay, và tìm một nơi nào đó mà tránh bạo loạn, hết loạn rồi trở lại có được không?”
“Em?” Tôi cười to chế nhạo anh José. “Em không đi đâu hết. Tây Ban Nha còn quản trị nơi này một ngày, em sẽ ở lại một ngày, ngay cả khi Tây Ban Nha tháo chạy, chưa chắc em sẽ chạy theo họ.”
Đêm hôm đó có lệnh giới nghiêm trên toàn thị trấn, loạn lạc thì cũng giống như nước lũ tràn xuống đồng bằng thôi, rồi lại rút đi, ban ngày trên đường, cảnh sát Tây Ban Nha cầm súng chỉa vào người bộ hành, người nào người nấy cứ tựa thân vào tường mà vái lia vái lịa, bị ra lệnh phải cởi quần áo ra để cảnh sát khám xét. Sáng sớm nên chẳng có người trẻ tuổi nào, chỉ thấy có ông già bà lão, giơ hai tay lên, mắt hấp háy, để cho người ta sờ trên, nắn dưới, cái kiểu lục soát này làm cho người ta tức tối, mà chẳng mang lại kết quả nào. Du kích, bộ họ ngu đến cỡ đeo súng khơi khơi để bị khám xét hay sao?
Tam Mao: Lạc Đà Khóc (Nguyễn Văn Thực dịch từ nguyên tác chữ Hán) ( Phần 3 -Tiếp theo và hết)
“Ma rốc ư? Nếu Liên Hiệp Quốc nói rằng phải trao Tây Sahara cho dân tộc chúng tôi tự quyết lấy thì Ma rốc không cần phải sợ hãi. Ma rốc, họ tự cho họ là ai? Còn nếu không, Tây Ban Nha sẽ phải đưa Ma rốc ra tòa án La Haye!”
Vào ngày 17 tháng 10, sau không biết bao nhiêu ngày tranh tụng về vấn đề Tây Sahara, và bị thúc dục rất nhiều lần, c uối cùng Tòa án Quốc tế ở La Haye mới đưa ra phán quyết đã được chờ đợi từ lâu.
“Chúng ta đã chiến thắng! Chúng ta đã chiến thắng! Hy vọng đã vươn lên, hoà bình đã đến cho dân tộc Sahrawi !“ Người Sahrawi trong thị trấn khi nghe đài phát thanh như thế, họ lấy hết mọi thứ có thể đập được đưa ra đập, và nhảy và la hét như điên, người Tây Ban Nha và Sahrawi, khi gặp nhau, bất kể họ có quen biết hay không, cứ ôm nhau. Họ cùng cười, cùng nhảy múa và ăn mừng như điên trên khắp đường phố.
“Em có thấy không: nếu Tây Ban Nha giải quyết được chuyện sống chung hòa bình với nhau trong tương lai, chúng ta sẽ ở lại đây?“ Anh José ôm tôi cười sung sướng, nhưng tôi vẫn lo lắng, không hiểu sao tôi cứ cảm thấy thảm họa đằng nào cũng sắp xảy ra.
“Mọi chuyện sẽ không đơn giản như vậy, và đây không phải như con nít chơi trò chơi gia đình.” Tôi vẫn không chịu tin.
Vào ngay buổi tối hôm Toà án La Haye đưa ra phán quyết, xướng ngôn viên của Đài phát thanh Sahara đột nhiên đau đớn đưa tin: “Vua Hassan của Ma rốc kêu gọi quân tình nguyện tập họp lại, và bắt đầu từ ngày mai, họ sẽ tiến quân một cách hòa bình về phía Tây Sahara.”
Anh José vỗ bàn và bật dậy.
“Quyết chiến!” Anh hét lên, và tôi, tôi vùi mặt vào lòng mình.
Điều kinh hoàng là quỷ vương Hassan chỉ mong kiếm được 300.000 người tình nguyện, thế mà ngày hôm sau đã có 2 triệu người ghi danh xin đi.
Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2022
Ngô Nhân Dụng: Gửi tiếng Việt tặng người Việt tị nạn
Đảng Cộng sản Việt Nam lo lắng giúp người Việt tị nạn hoặc di cư sống ở nước ngoài. Họ lo dân Việt xa quê có ngày sẽ không còn đủ tiếng Việt để xài nữa, dù có cố gắng tiết kiệm, chỉ dần dần xài mỗi ngày một chút cho đỡ tốn. Cho nên, để giúp đỡ hơn 5 triệu người Việt ở 130 quốc gia trên thế giới, Đảng đã chọn ngày 8 tháng Chín làm ngày đề cao Tiếng Việt.
Theo ký giả Sen Nguyen, trên the South China Morning Post ở Hồng Kông ngày10 tháng Chín, 2022, một ông phó thủ tướng tên là Phạm Quang Hiêu (Hiếu, Hiệu, hoặc Hiểu, …), nói đã có một “kế hoạch 8 năm” nhằm viện trợ tiếng Việt cho đồng bào ruột thịt!
Trong khi chờ đợi “kế hoạch 8 năm” được thi triển, bà con di cư tị nạn muốn nếm thử một chút ít “tiếng Việt Cộng” có thể tìm đọc ngay trên báo Nhân Dân, là Báo Nhân Dân ngày 19 tháng 9 năm 2022, có một bản tin về “tai nạn giao thông nghiêm trọng” hôm trước. Một chiếc “ô-tô tải” do một anh tên Triều lái đã tông vào một “xe mô-tô” do một anh khác lái chở theo một Việt kiều từ Mỹ về chơi.
Thay vì viết anh Triều “lái” chiếc xe, “Tiếng nói của Đảng, Nhà nước ...” đã viết rằng chiếc xe do anh “điều khiển lưu thông.” Người lái chiếc mô-tô cũng được mô tả là “điều khiển” chiếc xe gắn máy. Sau đó, chiếc ô-tô tải bị lật nhưng lại đụng vào một chiếc xe đạp do một “học sinh lớp 10 điều khiển.” Không nói “Lái xe,” xe hơi, xe bình bịch hay xe đạp, phải nói “điều khiển.”
Thêm một chữ nữa: “va chạm.” Báo Nhân Dân viết tiếp, “Sau khi va chạm vào mô-tô,” chiếc xe tải “tiếp tục va chạm” vào chiếc xe đạp, chúng tôi in chữ nghiêng. Thông thường người Việt dùng hai chữ “va chạm” để tả hai vật hay hai người đụng chạm hoặc va nhau, một cách nhẹ nhàng. Nhưng trong báo Nhân Dân các “va chạm” đó làm chết hai người!
Trên cùng trang nhất tờ báo này, thấy “vụ việc một du khách nước ngoài va chạm với đoàn xe lửa Lào Cai-Hà Nội,” may mắn thoát chết! Nhưng “Đoàn tàu … va chạm với du khách” đã “phải dừng lại giải quyết sự cố, tuyến đường … ùn tắc.” Tốt nhất, bà con ở nước ngoài, dù gặp cảnh “sự cố ùn tắc” cũng nên tránh không “va chạm” với chữ nghĩa của các ông cộng sản.
VOA Tiếng Việt: Ghế trống dành cho Phạm Đoan Trang tại Đại hội Văn bút Quốc tế 2022
Võ Ngọc Ánh: Di dân Việt - Chính trị ổn, kinh tế tốt mà sao vẫn phải ra đi?
(BBC Tiếng Việt, Gửi bài từ Tacoma, bang Washington, Hoa Kỳ)
Người nghèo ra đi với lý do của mình, người có tiền ra đi theo cách của họ. Tất cả tìm cách ra đi để mong có được công việc, cuộc sống, học hành… tốt hơn bên ngoài đất nước. Xin kể ra một số câu chuyện tôi biết.
Bạn tôi ra đi
Bỏ qua bằng đại học, bạn tôi để lại vợ con đi làm công nhân xây dựng tại Nhật Bản sau nhiều năm chật vật mưu sinh.
Từ Nhật, bạn gọi cho tôi hỏi việc làm, lương hưởng, cuộc sống ở Mỹ thế nào. Vì những người môi giới vừa kết nối với bạn và hứa đưa qua Mỹ làm việc.
Theo lời bạn, từ Nhật qua Mỹ dễ hơn Việt Nam. Nhưng chi phí cho chuyến đi hơn 50 nghìn đô la Mỹ.
Số tiền lớn không đảm bảo vào Mỹ hợp pháp mà với kịch bản: Môi giới đưa đến biên giới Mêxicô - Mỹ. Tiếp đến, phải tự nộp mình cho lực lượng biên phòng Mỹ để bị giam ở các trại biên giới. Sau đó tìm người ở Mỹ để bảo lãnh ra ngoài. Cuối cùng ở lại làm việc bất hợp pháp trên đất Mỹ.
Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… các quốc gia người Việt hy vọng được bán sức lao động để đổi đời ở quê nhà.
Trên đất Nhật bạn nói, thu nhập ở đây không cao. Hợp đồng ba năm sau khi trừ các chi phí cũng chẳng còn được bao nhiêu. Trong khi đó, môi giới vẽ ra một tương lai thu nhập hấp dẫn ở Mỹ. Một năm làm việc đủ trả chi phí chuyến đi, các năm còn lại tích góp.
Kiếm tiền dễ dàng ở một nơi xa lạ, cách môi giới vẽ ra cho con mồi.
Việc nhẹ lương cao là cái bẫy được giăng để chiêu dụ. Không chỉ đi Mỹ, châu Âu… mà không ít người Việt bị sập bẫy đến Campuchia để rồi làm việc như nô lệ.
Đánh vào hy vọng, người Việt lừa lẫn nhau và xảy ra không biết bao chuyện đau lòng trên những vùng đất hứa.
Người Việt chỉ ra đi để được sống
Trần Mộng Tú: Mười Hai Bài Thơ Mùa Thu
![]() |
Hình minh hoạ, Marjon Besteman, Pixabay |
(Theo vận Haiku: 5-7-5)
Tiếng ngỗng ngang mái nhà
Ngập ngừng bên hiên hoa cúc nở
A mùa thu gõ cửa.
Bàn chân lạnh trong chăn
Buổi sáng co mình ngoài cửa sổ
Mùi trà xanh trong bếp.
Con sóc ngậm hạt dẻ
Nhẩy qua những cành phong chớm đỏ
Đánh rơi một mảnh Thu.
Buổi sáng thổi xôi đậu
Màu xôi vàng như màu hoa cau
Ngửi được mùa Thu tới.
Rượu mận ủ năm ngoái
Bây giờ đã lên men ngất ngây
Rót ra mời mùa Thu.
Giọt sương buổi sáng rơi
Trên chiếc lá phong vừa chớm đỏ
Như một vệt son môi.
Những lá sen mùa Hạ
Rủ nhau nằm úp mặt trong bùn
Ếch nghiêng đầu gọi Thu.
Cái dốc sau nhà tôi
Nai vào tìm ăn dâu mùa Thu
Có phải nai năm ngoái.
Trên con đường cũ này
Tôi đi tìm người bạn năm đó
Chỉ tìm được mùa Thu.
Cây Mộc Liên nhà tôi
Bắt đầu thi nhau rụng lá Hè
Tôi vuốt Thu trong tóc.
Sương mùa Thu lạ lắm
Trông xa đẹp như hạt ngọc trai
Không phải đâu, hạt lệ.
Tôi với người yêu đi
Dưới những hàng cây mới chớm đỏ
Trái tim chín từ hôm qua.
Trần Mộng Tú - Mùa Thu 20
Song Thao: Nhạc Bolero
Tôi không nhớ năm nào nhưng trước 1975, khi bản nhạc Hàn Mặc Tử của Trần Thiện Thanh đang phổ biến hết cỡ, một nhà trong xóm tôi ở Thị Nghè ngày nào cũng mở oang oang như muốn có lòng tốt cho cả xóm được nghe ké. Tội cho Hàn Mặc Tử, sáng sớm, khoảng 7 giờ mỗi ngày, đều bị đánh thức dậy đi bán trăng. Có lẽ trăng khó bán nên rao bán cả ngày cũng chưa xong. Ngày hôm sau bán tiếp. “Ai mua trăng tôi bán trăng cho / Trăng nằm im trên cành liễu đợi chờ / Ai mua trăng tôi bán trăng cho / Chẳng bán tình duyên ước hẹn hò”.
Tôi không phải là người thích nghe nhạc bolero nên cũng có lúc khó chịu. Nhưng biết nói sao, dân chúng mải mê với chuyện bán trăng, có kêu cảnh sát can thiệp về chuyện làm ồn ào cả xóm cũng không nỡ. Xóm giềng qua lại nhìn mặt nhau hàng ngày, ai nỡ cản chuyện bán buôn của ông nhà thơ Hàn Mặc Tử.
Nhạc bolero ngày đó quả đã lấn át tất cả các loại nhạc khác. Với lời ca trữ tình bình dân, giản dị được viết trên những giai điệu chậm buồn đều đều có pha âm hưởng dân ca, hát bằng giọng thứ quãng âm trung hoặc trầm, nhạc bolero dễ nghe, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người, chất chứa nỗi niềm của lớp người bình dân trong xã hội. Hầu như mỗi người nghe đều tìm được niềm tâm sự hoặc kỷ niệm của mình trong những bản nhạc này. Nhạc bolero có tại miền đất phía Nam trong những năm từ 1955 tới 1975. Theo một tài liệu chưa thật chính xác thì bài bolero đầu tiên của Việt Nam là bài “Duyên Quê” của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ:“Em gái vườn quê /cuộc đời trong trắng/ Dầm mưa giãi nắng mà em biết yêu trăng đẹp ngày rằm / Anh biết mặt em / một chiều bên thềm / Giọng hò êm đềm và đôi mắt em long lánh sau rèm / Ai hát ngoài ao / chừng ngồi giặt áo / Giọng hò êm quá mà anh ngỡ ai rót mật vào lòng / Anh cuốc vườn sau mặt trời trên đầu / Ruộng vườn lên màu vì em ước mong đây đó chung lòng”. Nhưng nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, trong bài báo “Bài Bolero Đầu Tiên Trong Âm Nhạc Việt Nam”, đã cho bài “Nắng Chiều” của Lê trọng Nguyễn, được sáng tác vào năm 1952, mới đích thị là bản bolero đầu tiên của Việt Nam. Nhưng có người phản biện là bài “Nắng Chiều” không phải là bolero mà là rumba-bolero! Tôi mù tịt về nhạc nên chẳng dám có ý kiến.
S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Trúc Phương
Tôi đang ngồi lơ tơ mơ hút thuốc sau nhà thì chuông điện thoại reo :
Tiến hả?
Dạ…
Vũ Đức Nghiêm đây…
Dạ…
Anh buồn quá Tiến ơi, mình đi uống cà phê chút chơi được không?
Dạ …cũng được!
Tôi nhận lời sau một lúc tần ngần nên tuy miệng nói “được” mà cái giọng (nghe) không được gì cho lắm. Dù cũng thuộc loại người không biết làm gì cho hết đời mình nên tôi thường rảnh nhưng không rảnh (tới) cỡ như nhiều người trông đợi. Sống ở Mỹ, chớ đâu phải Mỹ Tho mà muốn đi đâu thì đi, và muốn đi giờ nào cũng được – mấy cha?
Khi Mai Thảo và Hoàng Anh Tuấn còn trên dương thế, thỉnh thoảng, tôi cũng vẫn nghe hai ông thở ra (“anh buồn quá Tiến ơi”) y chang như thế. Chỉ có điều khác là ông nhà văn khi buồn thì thích đi uống rượu, ông thi sĩ lúc buồn lại đòi đi … ăn phở, còn bây giờ thì ông nhạc sĩ (lúc buồn) chỉ ưa nhâm nhi một tách cà phê nóng. Ai sao tui cũng chịu, miễn đến chỗ nào (cứ) có bia bọt chút đỉnh là được!
Vũ Đức Nghiêm sinh sau Mai Thảo và trước Hoàng Anh Tuấn. Ông chào đời vào năm 1930. Hơn 80 mùa xuân đã (vụt) trôi qua. Cả đống nước sông, nước suối – cùng với nước mưa và nước mắt – đã ào ạt (và xối xả) chẩy qua cầu, hay trôi qua cống. Những dịp đi chơi với ông (e) sẽ cũng không còn nhiều lắm nữa. Tôi chợt nghĩ như thế khi cho xe nổ máy.
Nguyễn Đức Tùng: Trần Quang Quý, Ta Lẻ Loi Đơn Chiếc Biết Nhường Nào
Thơ hôm nay không viết về đời sống, nó viết về cái thiếu của đời sống. Cũng vậy, nhà thơ không đi tìm giải thoát ra khỏi khổ đau, họ đi xuyên qua, sống với, những đau khổ, vì chúng làm nên tâm hồn chúng ta bây giờ. Không phải sự thật nào cũng đẹp, không phải chúng ta làm điều gì cũng đúng, đôi khi trái lại. Nhưng chúng ta làm, như thể đó là con đường, và không hối hận về sau. Con người không nắm giữ tương lai trong tay mình, không biết được tình yêu nào chờ ta cuối ngày. Nhưng khi một khoảng khắc tới, bạn lập tức nhìn ra nó, như khuôn mặt trong gương. Lúc ấy, Trần Quang Quý (1955- 2022) trở nên đằm thắm:
Trong nỗi đau tôi
Đêm nay bạn đến
Không hoa
Không rượu
Ánh mắt thẳm nỗi người
Tôi tin cậy nắm bàn tay im lặng
Nỗi riêng tôi
Hình như lặn bớt vào tim bạn
Hình như sự im lặng của bạn
Ngọn lửa không màu nhóm lại trái tim tôi
Nhận thức về sự thật, công bằng, bất công, chưa chắc đã làm thay đổi hiện thực, nhưng làm bạn sống thành thật, cao quý hơn. Nỗi buồn trong thơ hôm nay làm chúng ta thức tỉnh, biết tập trung chú ý, tăng cường sự tỉnh thức. Từ trong sự tỉnh thức ấy, tương lai tìm thấy hướng đi của nó. Đó là lúc con người rời bỏ, cắt đứt một niềm tin, thách thức một số phận. Đó là lúc chúng ta bắt đầu khung cảnh mới, chọn lấy thời gian của chúng ta, chọn lấy tình yêu.
Cúi xuống là đất
đất ken kín vết người
trong thẳm sâu bóng tối
Ngẩng lên là khoảng rỗng
nhưng sẽ thấy bầu trời