Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2022

Ngô Nhân Dụng: Ai giết người giữa Moscow?

Cô Darya Dugina đang lái xe trong một khu sang trọng ở Moscow thì xe bị phát nổ. Thủ phạm có thể nhắm giết cha cô, nhưng hai bố con đã đổi xe cho nhau. Cả hai người đều ủng hộ cuộc xâm lăng Ukraine của Tổng thống Vladimir Putin. Nhưng cô Darya chỉ làm đài truyền hình, ông Aleksandr Dugin, 60 tuổi, mới là một “lý thuyết gia” của chủ trương dân tộc cực đoan.

Ai có khả năng giết cô Dugina giữa thủ đô nước Nga? Ilya Ponomarev, một cựu dân biểu Nga đang tị nạn ở Ukraine, nói đã nhận được một bản tuyên cáo của một nhóm người chống Putin, mang tên Đạo Quân Cộng Hòa (NRA), nói rằng họ chủ mưu vụ ám sát. Chưa ai biết đến nhóm này bao giờ. Ai dựng lên một nhóm như vậy trong một xã hội hoàn toàn do công an kiểm soát?

Đám tang cô Darya Dugina được trực tiếp truyền hình cho cả nước Nga coi, cô được mô tả như một “thánh tử đạo” chết vì tổ quốc và Chính Thống Giáo. Sau khi cô Dugina chết một ngày, cơ quan FSB, hậu thân của công an mật vụ KGB, nói họ biết chính phủ Ukraine chủ mưu vụ ám sát. Nhưng không ai tin.

KGB nêu danh thủ phạm là Natalya Vovk, một phụ nữ Ukraine. Bà Vovk đã đem một cô con gái 12 tuổi vào nước Nga, đến thuê phòng ở cùng một cao ốc với nạn nhân. FSB cho biết bà Vovk lái một chiếc xe Mini Cooper, chở con, đi theo sau xe cô Dugina, điều khiển từ xa cho bom nổ rồi đem con rời khỏi Nga ngay lập tức. Họ công bố những video cảnh bà Vovk lái xe vào nước Nga và lúc đi qua biên giới qua Estonia để về nước. Họ còn trưng ra một tấm thẻ chứng minh bà Vovk là hội viên một tổ chức ái quốc của Ukraine.

Bản tin của FSB mang rất nhiều lỗ hổng.

FSB trưng hình ảnh và phim về hai mẹ con bà Vovk trong thời gian đang sống ở Moscow, lúc lái chiếc xe Cooper ra vào tòa cao ốc; chứng tỏ họ đã theo dõi bà từ lâu. Họ trưng cả hình ảnh mẹ con bà Vovk dự buổi lễ hội âm nhạc với cha con cô Dugina, trước khi lái xe theo hai người; nhưng khuôn mặt bà tỏ ra rất thản nhiên, điềm tĩnh. FSB biết bà lái xe đi sau xe cô Dugina. Tại sao sau khi bom nổ họ không bắt bà, hỏi cung, điều tra ngay lập tức? Từ Moscow tới biên giới Estonia xa 800 cây số, bà Vovk có chạy lẹ cũng mất nửa ngày, vì đường xá ở Nga không tốt lắm. Nếu họ phản ứng chậm thì vẫn có thể chặn bắt bà trước khi rời khỏi Nga!


Hà Sĩ Phu: Vụ Phạm Đoan Trang – xin chia buồn trước với Đảng Cộng sản Việt Nam!

Tiếp xúc với Phạm Đoan Trang tôi thấy cô chỉ là cô gái hiền thục, vui tươi, yêu đời, không hề thấy dấu hiệu của sự đa mưu túc kế hay tính mãnh liệt của một người làm chính trị, nhất là lúc cô say sưa gảy đàn guitare đệm hát. Nhưng những việc làm thông minh và tài năng, xuất phát từ cái Tâm trong sáng và chính trực như viết cuốn Chính trị Bình dân hay tóm tắt hồ sơ Vụ thảm sát Đồng Tâm bằng song ngữ Anh Việt… thì hiệu quả lại rất “chính trị”, khiến cho các nhà chính trị chân chính phải nể phục và kẻ chính trị tà tâm phải hoảng sợ. Vì thế mà cô đã phải chịu cái án 9 năm tù…, bị cắt đứt hoàn toàn tuổi thanh xuân của một đời phụ nữ.

Còn nhớ, trong đồn Công an, khi một cậu công an buông lời thóa mạ “Con đĩ vừa xấu lại vừa vô duyên, tao chỉ muốn đái vào mặt”, nói xong toan bỏ đi liền bị Đoan Trang quát lại “Thằng kia quay lại, đứng lên bàn này đái cho bà xem!”. Cậu công an xấu hổ bỏ đi. Phản ứng xuất thần của một cô gái hiền lành chưa chồng quá bất ngờ, chỉ vì trong máu Đoan Trang đã có sẵn cái gien của Bà Trưng Bà Triệu! “Quân tử kiến cơ nhi tác”, bản lĩnh đã cừ khôi thì gặp tình huống nhất định sẽ bật ra hành động cừ khôi.

Chỉ lên tiếng nói, không cần cầm đầu một cuộc biểu tình hay một tổ chức chống đối, mà cô dám tin cả một triều đại độc tài, vũ trang đông đặc như quân Nguyên, nhất định rồi sẽ phải sụp đổ nên cô mới quyết chống nó.

Xử phúc thẩm, cô bị y án tù 9 năm! LS Trịnh Vĩnh Phúc đã nói: "Nếu nỗ lực bào chữa của các luật sư, sự lên tiếng của nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế chưa làm thay đổi được quan điểm của quý vị, thì cứ kết án cô ấy. Lịch sử sẽ xóa án cho cô ấy!".


RFA: Công nghiệp quốc phòng bao giờ thành 'mũi nhọn' của Việt Nam?

Lãnh đạo Việt Nam vừa yêu cầu phải phát triển công nghiệp quốc phòng thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia.

Yêu cầu vừa nói được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra khi tham dự Hội nghị ‘Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo’, do Quân ủy Trung ương tổ chức tại Hà Nội hôm 22/8/2022.

Ông Phạm Minh Chính còn dẫn chứng, công nghiệp quốc phòng của Việt Nam thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng, sản phẩm quốc phòng ngày càng đa dạng, chất lượng, góp phần tự chủ bảo đảm vũ khí trang bị…

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) của Singapore vào tối 23/8 nhận định với RFA về vấn đề này:

“Công nghiệp quốc phòng Việt Nam rất yếu, không thể gọi là thế mạnh được. Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị Việt Nam về công nghiệp quốc phòng đến năm 2030, chỉ là chữ thôi. Từ mũi nhọn nó không rõ là cái gì, đi đâu cũng nói mũi nhọn, nó trừu tượng. Việt Nam nhập 81% vũ khí và thiết bị quân sự từ Nga, không có nghĩa là Việt Nam phụ thuộc vào Nga. Vận hành 100% Việt Nam, bảo trì 99% do Việt Nam.”

Để Việt Nam có thể xây dựng một nền quốc phòng vững mạnh trong tương lai, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp đưa ra khuyến nghị:

“Việt Nam cần làm từ con người trước - phải có chuyên gia, kỹ sư, máy móc hiện đại. Trong đó chuyên gia là quan trọng nhất, phải có bộ luật hiện đại về công nghiệp quốc phòng, khích lệ sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân. Nếu không có doanh nghiệp tư nhân trong công nghiệp quốc phòng, sẽ không bao giờ có sản phẩm quốc phòng tốt.”

Số liệu về ngân sách quốc phòng của Việt Nam lâu nay đều là số liệu thống kê, tính toán do các tổ chức quốc tế đưa ra. Đơn cử như Viện Nghiên cứu Hòa bình Thế giới Stockholm - SIPRI từng ước tính rằng năm 2015 Việt Nam chi 4,4 tỉ đô la cho quân sự và tăng lên 5 tỷ đô la trong năm 2016 và 6,2 tỷ đô la năm 2020.

Tuy nhiên, những năm gần đây Sách trắng Quốc phòng của Việt Nam lại công bố các con số cho thấy ngân sách của Hà Nội dành cho quốc phòng theo phần trăm GDP. Cụ thể theo Sách trắng Quốc phòng công bố năm 2019, Việt Nam đã chi 2.36% GDP năm 2018, tương đương khoảng 5,8 tỷ USD.


VOA News: Cục Lưu trữ Quốc gia Mỹ - ông Trump đã chuyển 700 trang tài mật đến Florida

 Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rời Washington với hơn 700 trang tài liệu mật, bao gồm một số tài liệu chứa những bí mật hàng đầu của chính phủ, khi nhiệm kỳ tổng thống của ông kết thúc vào năm ngoái, Cục Lưu trữ Quốc gia Hoa Kỳ tiết lộ hôm 24/8, theo VOA News.

Tiết lộ phơi bày từ nội dung của bức thư đề ngày 10/5 của giới chức lưu trữ Hoa Kỳ, Debra Steidel Wall, gửi cho ông Evan Corcoran, một trong những luật sư của ông Trump, khi bà không chấp nhận tuyên bố của đại diện của ông Trump rằng cựu tổng thống có quyền giữ một số tài liệu bằng đặc quyền hành pháp khi còn ở Nhà Trắng.

Bà Wall mô tả cảnh báo ngày càng tăng trong Bộ phận An ninh Quốc gia của Bộ Tư pháp về “thiệt hại tiềm ẩn do cách thức rõ ràng mà các tài liệu này được lưu trữ và vận chuyển” đến dinh thự Mar-a-Lago của ông Trump thay vì được chuyển đến Cục Lưu trữ Quốc gia khi nhiệm kỳ tổng thống của ông kết thúc, theo yêu cầu của luật pháp Hoa Kỳ.

Bức thư của bà cho biết có “hơn 100 tài liệu có đánh dấu mật” trong 15 thùng tài liệu mà chính phủ thu hồi từ khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago vào tháng 1/2022, lần đầu tiên trong ba lần trong năm nay FBI và các giới chức lưu trữ Hoa Kỳ đã thu hồi các thùng tài liệu mật từ nơi nghỉ mùa đông của ôngTrump và câu lạc bộ trên bờ biển Đại Tây Dương.

Ông Trump và các trợ lý của ông đã bàn giao thêm một số tài liệu vào tháng 6, và sau đó các đặc vụ FBI, theo lệnh khám xét được tòa án phê duyệt, thu hồi thêm hai chục thùng tài liệu, bao gồm 11 thùng hồ sơ mật vào ngày 8/8, khi họ khám xét văn phòng của ông, một kho chứa ở khu vực tầng hầm và các phòng khác tại khu nghỉ dưỡng này.

Một số tài liệu được truy xuất đã được phân loại mật đánh dấu là “TS/SCI”, viết tắt của từ “Thông tin tối mật / nhạy cảm” hoặc được gắn nhãn là “Chương trình truy cập đặc biệt”, chứa một số bí mật được giữ chặt chẽ nhất của chính phủ và được cho là chỉ được xem trong các cơ sở an ninh của chính phủ, chứ không được lưu giữ ở nơi cư trú như Mar-a-Lago.



Jeffrey Sonnenfeld và Steven Tian: Mổ xẻ 9 hiểu lầm về tình hình kinh tế Nga ( “Actually, the Russian Economy Is Imploding,” Foreign Policy, 22/07/2022 Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng)

Diễn giải chín hiểu lầm về tác động của các lệnh trừng phạt và việc các tập đoàn rút khỏi Nga.

Đã năm tháng kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, nhưng nhiều nhà hoạch định chính sách và nhà bình luận phương Tây vẫn thiếu hiểu biết đến mức đáng kinh ngạc về khía cạnh kinh tế trong cuộc xâm lược của Tổng thống Vladimir Putin, và ý nghĩa của nó đối với vị thế kinh tế của Nga ở trong và ngoài nước.

Dù nhiều người cho rằng chúng không hiệu quả hoặc gây thất vọng, nhưng thực ra các lệnh trừng phạt quốc tế và việc nhiều tập đoàn tự nguyện rút lui khỏi Nga đã có tác động tàn phá nền kinh tế nước này. Nền kinh tế suy thoái đóng vai trò là một đòn giáng mạnh mẽ, dù không được đánh giá cao, bổ sung cho bối cảnh chính trị tồi tệ mà Putin phải đối mặt.

Việc những hiểu lầm này vẫn tồn tại không hoàn toàn đáng ngạc nhiên, nếu xét đến tình trạng thiếu dữ liệu kinh tế. Trên thực tế, nhiều phân tích, dự báo, và dự đoán lạc quan về kinh tế Nga được phổ biến trong những tháng gần đây đều có chung một lỗ hổng phương pháp luận quan trọng: phần lớn – hoặc toàn bộ – số liệu bằng chứng của các phân tích này đều đến từ những báo cáo định kỳ do chính phủ Nga ban hành. Những con số do Điện Kremlin công bố từ lâu đã bị coi là không đáng tin, nhưng còn có một số vấn đề khác.

Thứ nhất, báo cáo kinh tế của Điện Kremlin là những báo cáo có chọn lọc – chứa đựng thông tin rời rạc và không đầy đủ, chủ động loại bỏ các chỉ số đo lường bất lợi. Chính phủ Nga đã giữ lại ngày càng nhiều các số liệu thống kê quan trọng, những thứ vẫn được cập nhật hàng tháng trước khi chiến tranh nổ ra, bao gồm tất cả dữ liệu ngoại thương. Trong nhóm này có số liệu thống kê liên quan đến xuất nhập khẩu, cụ thể là với châu Âu; sản lượng dầu mỏ và khí đốt hàng tháng; số lượng hàng hóa xuất khẩu; dòng vốn vào và ra; báo cáo tài chính của các công ty lớn mà trước đây các công ty này bắt buộc phải công khai; dữ liệu cơ sở tiền tệ của ngân hàng trung ương; dữ liệu đầu tư trực tiếp nước ngoài; dữ liệu tiền vay và khởi tạo tiền vay; cùng các dữ liệu khác liên quan đến tín dụng sẵn có. Ngay cả Rosaviatsiya, hãng hàng không liên bang, cũng đột ngột ngừng công bố dữ liệu về lượng hành khách của các chuyến bay và tại sân bay.

Vì Điện Kremlin ngừng cập nhật số liệu, hạn chế lượng dữ liệu kinh tế sẵn có mà các nhà nghiên cứu có thể thu thập, nên nhiều dự báo kinh tế lạc quan quá mức đã ngoại suy một cách phi lý, sử dụng các thông tin kinh tế công bố trong giai đoạn đầu của cuộc xâm lược, thời điểm mà các lệnh trừng phạt và hoạt động tự nguyện rút lui chưa có hiệu lực đầy đủ. Ngay cả những số liệu thống kê có chọn lọc đã được công bố cũng không rõ ràng, nếu xét đến áp lực chính trị từ phía Điện Kremlin nhằm phá hủy tính toàn vẹn của số liệu.


Phạm Thị Hoài: Ngôn ngữ bá quyền

Thi sĩ Joseph Broadsky (1988).

Trong một tiểu luận trên The New York Times Book Review năm 1985, Milan Kundera kể rằng ngay sau Mùa Xuân Praha ông bị treo bút. Một đạo diễn muốn giúp ông mưu sinh bằng cách đứng tên để ông chuyển thể tiểu thuyết Chàng ngốc của Dostoyevsky thành kịch bản sân khấu. Song khi đọc lại tác phẩm ấy, ông từ chối, dù chết đói cũng không thể bước vào "cái vũ trụ đầy những điệu bộ quá khích, những vực thẳm u ám và sự mùi mẫn hung bạo" của Dos. Không phải ông bài Nga từ tâm thế công dân của một quốc gia đang bị Liên Sô cưỡng chiếm. Ông vẫn giữ trọn tình yêu Chekhov, nhưng vô cùng dị ứng với thứ khí hậu trong các tác phẩm của Dos. Ở đó tất cả đều bị cảm xúc hóa và cảm xúc trở thành tiêu chí của chân lý, có thể biện minh cho mọi hành động. Tình cảm dân tộc cao quý nhất sẵn sàng biện minh cho tội ác khủng khiếp nhất và người ta nhiệt thành ưỡn ngực thực hiện những hành vi tàn bạo nhất nhân danh tình yêu. Quý vị cứ giết người đi, xong thì đấm ngực, phanh trái tim nồng nàn ra là được. Là trật tự đạo đức lại vãn hồi. Viên sĩ quan Sô-viết khám xe ông xong cũng tuyên bố rất yêu người Tiệp, tiếc rằng người Tiệp không chịu hiểu, không chịu chung sống với tình yêu đó, vì thế Liên Sô buộc phải dùng xe tăng để dạy Tiệp bài học về tình yêu. Tâm hồn Nga thừa cảm xúc mà thiếu lý trí và đại diện đáng ngại nhất là Dos. Đối trọng của nó là lý tính phương Tây, lên ngôi với Phong trào Phục Hưng, mở đường cho khu vực này bứt phá lên một tầm văn minh dẫn dắt thế giới.

 

Không lâu sau, một bài viết phê phán Kundera kịch liệt và nồng nhiệt bênh vực Dos xuất hiện, cũng trên trang Book Review của tờ Times, tác giả là một đại diện danh tiếng khác của văn giới Đông Âu lưu vong ở phương Tây: Joseph Brodsky.

 

Tôi vốn thích Brodsky hơn Kundera nhiều. So với nhà thơ Nga chói chang, giễu cợt, ngạo nghễ và tráng lệ ấy thì nhà văn Tiệp thâm trầm quảng bác kia luôn có chút gì như một công chức văn hóa quá mực thước. Lần này tôi cũng thích lập luận của Brodsky hơn, rằng không thể đơn giản đem thời cuộc vận vào nghệ thuật như thế, bởi lẽ nghệ thuật lâu đời và tất yếu hơn tất cả những thứ trọng đại, nào chính trị, nào tín điều, nào phe phái và hình thái tư tưởng. Và nếu Kundera đã quyết trộn cả Dos, Liên Sô, phương Đông, chủ nghĩa duy cảm vào cùng một bản cáo trạng thì cũng nên rà lại cái phương Tây văn minh kia, vì rốt cuộc thì bộ Tư bản được dịch


Trần Mộng Tú: Tôi Cúi Đầu Xin Lỗi

Thi thể cậu bé 16 tuổi, một trong số 42 lao động đào thoát khỏi casino ở Campuchia, được tìm thấy trên đoạn sông thuộc huyện An Phú- Tỉnh An Giang Ngày 18 tháng 8- Cụ thể, thi thể em Đ.M.H. (16 tuổi, ngụ Gia Lai bị mất tích trên sông Bình Di được người dân phát hiện vào khoảng 5 giờ sáng ngày 20.8, gần cầu C3, thuộc ấp Búng Lớn, xã An Hội, H.An Phú, cách hiện trường vụ xảy ra việc khoảng 4 km.- Báo Tuổi Trẻ

Tôi biết nơi tôi tắp vào
Tôi không lên được
Tôi ngừng tại đây, nằm đợi
nước quấn quít quanh tôi
Tôi thả hồn
Tôi thả xác
Tôi biết tôi chết rồi

Có tiếng ai gọi
Cậu thanh niên ơi
Cậu về nhà rồi

Cha đã khóc
từ hôm tôi ra đi
Bây giờ Cha lại khóc
khi tôi quay trở về

Nước mắt cha
và nước sông Bình Di
Giọt nào mặn, nhạt

Bây giờ Cha nhận xác
Bây giờ hồn tôi đi

Tôi sẽ đi tìm gặp
những linh hồn giống tôi
những linh hồn đã mất
khi tìm cuộc đổi đời

Họ chết trong thùng xe
ở một vùng đất lạ
Chết trong một dòng sông
Hay trong một cánh rừng
Đều oan khiên tất cả

Tôi đã gọi Cha ơi
trong lồng ngực lạnh buốt
tiếng kêu ằng ặc nước

Họ đã gọi Mẹ ơi
trong lồng ngực không hơi
tiếng gọi không ra khỏi
miệng đã khép chặt rồi

Nghèo khó đã dắt đường
Chúng tôi đi tìm những chiếc bánh
họ vẽ trên giấy
trao cho chúng tôi
những chiếc bánh bốc hơi

Có người chết âm thầm
mất dấu tích
trong những ngôi vườn kín
trồng toàn cần sa
Có kẻ chết vì ngộp không khí
trong những chiếc xe ca

Tôi chết vì ngộp nước
xác tôi bềnh bồng trôi

Rồi tất cả sẽ lặng im

Một, hai năm sau
Mọi người trên đất nước đang hưng thịnh đó
Sẽ lại được nghe một Bản Tin Rất Lạ

Xác của người Việt Nam được tìm thấy ở một nơi nào đó bên ngoài đất nước
Họ chết như chết trong một truyện phim
Một truyện phim kinh dị
trên con đường đi tìm sống.

Là một người Việt Nam sống bên ngoài đất nước
Tôi thấy mình cũng có lỗi
trong những cái chết rất lạ này

Tôi cúi đầu xin lỗi.

Trần Mộng Tú – Tháng 8/25/2022

Dịch giả Nguyễn Duy Chính: Việt Nam Và Cuộc Chiến Trung-Pháp

LỜI GIỚI THIỆU CỦA NGƯỜI DỊCH


Khi ở bậc Trung Học, những năm đệ nhị cấp (tức cấp 3) chúng tôi được học về thời kỳ người Pháp xâm chiếm nước ta. Dấu ấn của giai đoạn này là những hiệp ước mà mỗi lần ký kết thì đất đai và quyền tự chủ của triều đình Huế lại lùi thêm một bước.


Năm 1862, nước ta mất ba tỉnh miền đông Nam Kỳ, đến năm 1874 phải ký hoà ước nhường đứt 6 tỉnh rồi đến năm 1883 thì nhận quyền bảo hộ của người Pháp trên toàn lãnh thổ. Sau đó một năm, người Pháp sửa đổi một số chi tiết và ký một hoà ước mới năm 1884. Những hiệp ước ấy chúng tôi quen thuộc với những tên hoà ước năm Nhâm Tuất (1862), hoà ước năm Giáp Tuất (1874), hoà ước năm Quí Mùi (1883) và hoà ước năm Giáp Thân (1884). Hai hiệp ước sau vẫn được gọi là hoà ước Harmand và hoà ước Patenôtre lấy tên của những người Pháp ký tên trên đó.


Về giai đoạn lịch sử nhiễu nhương này, chương trình học đặt trọng tâm vào diễn biến thời cuộc như việc quân Pháp đánh Đà Nẵng, Kỳ Hoà, việc sứ thần sang Pháp chuộc ba tỉnh miền Đông rồi mất cả Nam Kỳ đưa đến cái chết của cụ Phan Thanh Giản.


Sau đó không lâu, người Pháp theo sông Hồng tìm đường sang Vân Nam rồi chiếm Hà Nội và các tỉnh lân cận. Trẻ con chúng tôi đứa nào cũng nhớ địa danh Cầu Giấy ở phủ Hoài Đức là nơi Francis Garnier và Henri Rivière bị quân Cờ Đen phục kích giết chết. Tiếp đó là những cuộc khởi nghĩa từ nam ra bắc, Trương Định, Đinh Công Tráng, Phan Đình Phùng, Nguyễn Thiện Thuật, Hoàng Hoa Thám … đánh dấu giai đoạn mất quyền tự chủ. Tác giả Trần Trọng Kim giải thích trong Việt Nam sử lược:


… Quan ta đem quân về đánh quân Pháp ở Hà-nội, ở Hải-phòng và ở Nam-định nhưng chỗ nào cũng thất bại.


Thơ Yến Tuyết

GIÀ ƠI, CHÀO MI
Hình minh hoạ, Tirachardz, Freepik


Tôi nhìn tôi trong gương
Khuôn mặt chừng xa lạ
Tóc hai màu đen trắn
Màu đá hay màu mây?
Tôi nhìn tôi rất rõ
Vết hằn của tháng năm
Nằm theo đuôi con mắt
Hiện trên vùng trán nhăn.
Tôi nhìn tôi rất kỹ
Mắt cười sao buồn thế
Đục như là khói sương
Không tìm thấy sóng gợn.
Tôi nhìn tôi gần hơn
Nhận ra mình già đấy
Một chút buồn dâng lên.
Rồi thả bay trong gió!

YT

NHỚ

Nếu bây giờ anh ôm em vào lòng ở tuổi 70
Hương tóc em sẽ thơm mùi dầu xanh
Thân thể em không còn mềm mại
Sau biết bao thăng trầm của đời sống.
Và nếu anh cầm tay em
Bàn tay gầy có những đường gân nổi,
Xin hãy hôn lên với lòng thương mến.
Buổi trưa hè cảm ơn gió,
thổi về một chút nhớ nhung của thời son trẻ.
Quyện vào tiếng du dương của bản nhạc tình quá khứ
Có tình yêu dễ thương và những ngày tháng đẹp.
Dĩ vãng và hiện tại là một gạch nối thật ngắn.
Anh ơi.

YT



Nguyễn Lê Hồng Hưng: Hải Hành Mùa Đại Dịch 6

Vào những ngày biển êm gió nhẹ, buổi sáng cũng như buổi chiều, lúc rảnh rỗi tôi hay ra boong đứng nhìn trời nước bao la. Hễ cứ mỗi lần trở lại vùng Scandinavia tâm trạng tôi có hơi chộn rộn và hay suy tư. Chiều nay sau khi lau chùi, dọn dẹp bếp núc xong tôi lên đứng ngoài tầng hai của mui tàu nhìn mặt trời chiếu lóng lánh trên mặt nước, vài con chim nhàn bay lượn qua lượn lại trong khoảng không sau lái tàu. Trên mặt biển xanh hiện ra những chiếc containers chạy dọc ngang giữa vùng nước rộng mênh mông và vài chiếc tàu buồm trắng thấp thoáng từ dãi đất liền xa xa. Mặt trời hạ xuống gần ngang viền nước phía chơn trời, trước cảnh đẹp tự nhiên nhưng chưa biết tàu nằm trên hải phận nước nào? Tôi đi vô phòng lấy điện thoại mở ra xem thì thấy tín hiệu, tuy chưa cao nhưng là đường truyền của Thuỵ Điển. Có mấy email và tin nhắn tôi chưa vội đọc vì cảnh hoàng hôn bên ngoài hấp dẫn quá. Cầm theo điện thoại bước ra boong mở máy chụp cảnh mặt trời lặn. Chụp xong mấy bôi, chợt thấy thuyền phó từ tầng trên đi xuống, gặp tôi nó dừng lại chào và nói: 

- Tui định tìm ông để báo một tin vui. 

- Tin gì? 

- Tàu trở lại Hamburg ông được về nhà. 

- Vậy hả, nhưng còn cả tuần nữa tàu mới về tới Hamburg.

- Ờ, còn một tuần và tui cũng về. 

- Mày xuống tàu trước tao mà. 

- Cùng ngày với ông. 

- Hôm xuống tàu thấy mày trên tàu, tao tưởng mày xuống lâu rồi. 

- Trước ông mấy giờ thôi. 

- Ờ, như vậy cũng đã hơn hai tháng rồi. Mày xuống tìm tao thông báo vậy thôi sao?

- Không không, tui với phụ tá thuyền phó đổi ca trực đêm, thuyền trưởng cho tàu ghé Stockholm vào sáng sớm ngày mai. 


Trang Châu: Tâm sự của lá thư rơi

Người viết thư rơi lẫn người nhận thư rơi thường không có nhân chứng. Nhưng tôi là người duy nhất âm thầm có mặt ở cả hai phía vì tôi chính là lá thư rơi. Khi còn ở tình trạng thai nghén tôi là con đẻ, nhưng tôi trở thành đứa con vô thừa nhận ngay khi chào đời. Vì sao? Thắc mắc này tôi không nêu lên cho tôi, nó được đặt ra cho người nhận tôi. Bài viết này, xin xem như một cố gắng của riêng tôi để tiếp tay với người đọc, dù người đọc đó ở bất cứ vị thế nào.

Xin nói ngay khi viết tôi chỉ ghi nhận chứ cố sức không phê phán. Nếu thỉnh thoảng tôi có chêm vào đôi chút suy tư thì cũng chỉ là những thoáng suy tư hết sức vô tư. Mục đích của tôi là trình bày những căn nguyên, những động cơ thúc đẩy người khai sinh ra tôi đặt bút viết và người đọc tôi có phản ứng gì, suy đoán ra sao? Tôi phải đặt tên cho nhiều nhân vật. Xin nói ngay, người và việc có thể thật nhưng những cái tên thì hoàn toàn giả. Tuy giả nhưng tôi biết trước thế nào cũng có người giật mình. Khi tôi gọi ông A không phải chỉ riêng ông A giật mình mà cả các ông tên Ấn, tên Âu, tên Ấm cũng giật mình, vì nghĩ tên mình được cố ý viết trệch đi thôi. Xin những người có tên trùng với những tên nêu lên trong bài viết này an tâm, tôi không nhắm vào tên của quí vị. Tôi sẽ viết từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn, nhỏ và lớn ở đây dưới nhãn quan của tôi, không nhắm vào con số nhân sự mà nhắm vào nội dung của câu chuyện, của vấn đề được xảy ra hay nêu lên.

Nhỏ nhất là câu chuyện xảy ra giữa hai người, một cặp vợ chồng. Tôi ra đời sau khi hai người ly thân. Người vợ dọn ra ở ấp trong một chung cư. Lý do ly thân của họ tôi biết nhưng không nói ra vì không muốn xen vào đời sống riêng của họ. Chỉ biết sau mấy đêm ngồi trong xe rình bà vợ ly thân, tối tối hay đi bộ sang chơi ấp của một cặp vợ chồng ở một chung cư đối diện, cho đến mười, mười một giờ đêm mới ra về mà không thấy có người đàn ông nào đi theo, người chồng về nhà viết cho bà vợ ly thân một lá thư. Tôi chỉ trích lại tôi một đoạn: “Mấy hôm nay em ghé qua nhà chơi với Điệp, thấy em càng buồn càng đẹp anh cũng động lòng. Anh biết em bỏ thằng chồng em vì nó kém sinh lý. Anh bảo đảm với em, em sẽ được thỏa mãn một trăm phần trăm vấn đề đó. Hẹn em thứ tư tuần tới đúng một giờ trưa tại quán Mimosa. Em nhớ đúng hẹn, anh chờ. Ty.” Mang bỏ tôi vào thùng thơ xong ông chồng vẫn đêm đêm đậu xe ngồi rình. Ty là tên ông chồng của bà Điệp, cặp vợ chồng mà tối tối bà vợ ly thân vẫn đi bộ sang chơi. Một giờ kém mười lăm trưa thứ tư tuần sau, người chồng lái xe đến bãi đậu của tiệm Mimosa, thụt người trong xe ngồi rình. Nhưng không thấy bà vợ ly thân của ông đến chỗ ông hẹn. Tối hôm đó ông không lái xe đi rình nữa; ông ngồi ở bàn viết, ôm đầu, chốc chốc lại kéo hộc tủ, mở cuốn agenda, nhìn ngắm hình bà vợ ly thân được giấu ở bên trong. Ngắm chán ông lấy bút chì đỏ gạch đít nhiều lần hai câu thơ của Sully Prud' homme:

Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2022

Ngô Nhân Dụng: Dân Trung Quốc cảm thấy mất mặt

Trong số 1 tỷ 400 triệu người Trung Hoa không chắc có trăm ngàn người biết tên Nancy Pelosi; trong số đó họa may chỉ mấy chục ngàn biết bà này là chủ tịch Hạ viện Mỹ. Số người biết bà có thể lên thay ông Joe Biden, sau bà phó tổng thống, chắc chỉ có một vài ngàn.

Bỗng dưng cả nước Tàu trong lục địa biết đến tên Nancy Pelosi. Chỉ nhờ guồng máy tuyên truyền, ngoại giao và quân sự làm ồn ào lên án “Phi Lạc Tây,” phiên âm tên Pelosi, đọc lối Hán Việt. Họ coi đây là một hành động khuyến khích Đài Loan độc lập, xâm phạm vào chủ quyền Trung Quốc.

Trước khi bà Pelosi bay tới Đài Bắc, ông Trịnh Lập Kiên (Zhao Lijian, 赵立坚), phát ngôn viên bộ ngoại giao nổi tiếng là “Sói Chiến đấu,” viết trên báo báo Nhân Dân rằng: “Trung Quốc chắc chắn sẽ phản ứng mạnh mẽ, quyết liệt để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.” Gần ba triệu người vào mạng đọc bài này, theo báo The New York Times. Ông dọa rằng Quân đội Nhân dân “sẽ không ngồi yên!”

Ngày hôm sau, ông Hồ Tích Tiến (Hu Xijin, 胡锡进), nguyên chủ bút tạp chí Hoàn Cầu Thời Báo của đảng Cộng sản, đề nghị bắn rớt chiếc máy bay chở bà Pelosi đến Đài Loan. Ông kêu gọi 25 triệu người vẫn theo ông trên mạng Vi Báo (Weibo, giống như Twitter), nuôi căm thù những kẻ địch. “Chúng ta sẽ đánh trả mạnh mẽ bọn Mỹ và Đài Loan, chúng sẽ phải hối hận.”

Sau khi bà Pelosi đã tới Đài Loan rồi, mạng cá nhân của ông Hồ Tích Tiến trên Weibo bị tràn ngập vì nhiều người đã vào để chế nhạo. Có người, ký tên @KAGI_02, viết: “Nếu tôi là ông, tôi sẽ mắc cỡ từ nay không dám hó háy nói một lời nào nữa, cho đến ngày thống nhất được Đài Loan!”

Cùng ngày với ông Hồ Tích Tiến, bộ chỉ huy Quân khu miền Đông, trong đó bao gồm cả Đài Loan, đưa lên Weibo lời hứa hẹn sẽ “chôn vùi đám quân xâm lược!” Hàng triệu người bấm nút “thích” câu này, trong đám hơn 47 triệu người vào coi các video chiếu cảnh đạn bay, bom nổ.

Qua ngày thứ Năm 28/7, cơ quan thông tấn của Bắc Kinh thuật lời Chủ tịch Tập Cận Bình nói với Tổng thống Joe Biden qua điện thoại, khuyên nước Mỹ không nên “đủa với lửa!”


Mỹ Hằng (BBC News Tiếng Việt): Họa sĩ Bùi Chát - Vì sao 29 bức tranh bị buộc phải tiêu hủy?

Giới hội họa Việt Nam vừa nhận một tin được cho là 'chưa có tiền lệ' từ năm 1975 tới nay: 29 bức tranh trong triển lãm Improvisation tại Alpha Art Station của họa sỹ Bùi Chát vừa có lệnh phải tiêu hủy.

Cùng với đó, họa sỹ Bùi Chát bị cơ quan chức năng mời lên làm việc và lập biên bản xử phạt 25 triệu đồng.

Quyết định xử phạt này do ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM ký, với lý do triển lãm 'không xin phép', dựa trên quy định tại khoản 4 điều 19 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP về xử phạt phi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt ngày 16/8, họa sỹ Bùi Chát xác nhận sự việc nói trên và cho biết ông 'sốc', 'choáng váng vì không ngờ' khi được tin phải tiêu hủy tranh.

Theo họa sỹ Bùi Chát, khoảng 4-5 ngày sau khai mạc triển lãm, "có một nhóm gọi là đoàn kiểm tra chuyên ngành văn hóa giữa An ninh Văn hóa và Sở Văn hóa Thể thao, đến kiểm tra", sau đó hơn ba tuần sau họ ra biên bản xử phạt hành chính.

Đồng thời, biên bản này yêu cầu họa sỹ Bùi Chát phải 'khắc phục hậu quả' bằng cách tiêu hủy toàn bộ 29 tranh trong triển lãm.

'Đánh thức tự do' và 'Mở miệng'

Bùi Chát được biết đến từ lâu là nhà thơ, nhưng ông đã vẽ tranh được 10 năm nay, và đây là triển lãm đầu tiên trong sự nghiệp cầm cọ của ông.

Huỳnh Lê Nhật Tấn trong một bài viết mới đây trên BBC khen tranh Bùi Chát 'đánh thức sự tự do'.

Ngoài vẽ tranh, làm thơ, Bùi Chát là thủ lĩnh nhóm Mở Miệng, đã hoạt động khoảng 20 năm cùng với một số nhà thơ khác như Lý Đợi, "đưa ra một lối thơ khác, không giống thơ 'định hướng' theo quan điểm của Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương của Đảng Cộng sản hoặc Hội Nhà văn Việt Nam".


TS Đinh Xuân Quân: Thành Công Của Chính Quyền Biden

Hôm nay TT Biden đã k‎í thành luật “The Inflation Reduction Act” (IRA), một thành công lớn của chính quyền ông ta và một thành công cho Hoa Kỳ. Đây là một đầu tư lâu dài cho việc bảo vệ môi trường mà được từng nêu lên từ thập niên 70, một thành công cho y tế công cộng cho phép Medicare thương thuyết giá thuốc với các hãng sản xuất thuốc và cho phép đánh thuế các công ty lớn để giảm lạm phát – có thể đi tới việc giảm nợ công. 


Theo các nhà nghiên cứu thì món đầu tư 369 tỷ sẽ làm giảm 40% khí CO 2 thải ra vào 2030, việc đầu tư 60 tỷ sẽ gây nhiều triệu công ăn việc làm cho công nghiệp sạch và hơn nữa giảm giá thuốc cho công chúng. Việc này một thành công lớn, nhất là tại Thượng Viện, TT Biden không nắm đa số và không một thành viên CH nào ủng hộ.

Nhiều người gọi TT Biden là “sleepy Joe – TT ngủ gật” hay dân Việt còn gọi ông ta là “Bí đần” vậy mà ông ta thành công, trong khi nhiều TT từ hồi Nixon đến giờ muốn thông qua đạo luật về khí hậu mà không làm được! 


Thường muốn đánh giá một nhân vật phải dựa trên các yếu tố thực tế chứ không phải dựa trên cảm tính.  Bài này sẽ nói sơ qua về luật IRA (Inflation Reduction Act) và những luật quan trọng nhắm về phát triển kinh tế mà chính quyền TT Biden đã đưa ra trong 2021 và trong nửa năm 2022. Những đạo luật này được thông qua mặc dù sự chống đối của đảng CH. 


Tác giả sẽ cố đánh giá về các đạo luật có tính phát triển kinh tế mà chính quyền Biden đã thông qua Quốc Hội, đã làm được và ảnh hưởng của những luật này cho tương lai của Hoa kỳ.  Nó cũng cho thấy là lập trường “trung dung” – không tả không hữu vẫn còn ăn khách. 


NHỮNG LUẬT CHÍNH QUYỀN TT BIDEN ĐÃ THÔNG QUA 2022


  1. Luật IRA (Inflation Reduction Act – giảm lạm phát). 


Luật này nhằm đầu tư chính trong 10 năm tới. Nó gồm 3 phần: a) Môi trường – công nghiệp sạch; b) Y tế/xã hội - Medicare; và c) Thuế.  Luật IRA này là mô hình nhỏ của dự án BBB (Build Back Better) mà TT Biden muốn đầu tư cho HK và cho thấy cái nhìn tương lai của TT Biden: đầu tư vào công nghiệp sạch, và xã hội. Về công nghiệp sạch, luật nhằm đầu tư và các yếu tố chính như sau: 


Công nghiệp sạch 37.4 tỷ


  • Điện sạch: Trợ cấp thuế mới cho điện sạch: gió, điện mặt trời, nguyên tử vv.; 62.7 tỷ

  • Trợ cấp thuế cho điện gió và mặt trời: 51.1 tỷ

  • Trợ cấp thuế cho lò nguyên tử: 30.0 tỷ

  • Trợ cấp cho vay về điện và các vụ khác: 23 tỷ 

  • Giảm sa thải trong công nghiệp 5.3 tỷ

  • Giảm sa thải cho các các gia đình 36.9 tỷ 

  • Xe và bình điện sạch 14.2 tỷ

  • Sản xuất hydrogen 13.2 tỷ

  • Trợ cấp về fuel sạch 8.6 tỷ

  • Trợ cấp mua xe sạch 2.9 tỷ

  • Ngân hàng đầu tư cho công nghiệp sạch 20.0 tỷ

  • Các phương thức để giảm ô nhiễm 14.8 tỷ

  • Nông nghiệp (giảm xả khí thải) 16.7 tỷ

  • Phát triển vực nông nghiệp 13.2 tỷ 

  • Phát triển lâm nghiệp 4.8 tỷ

  • Hạ tầng cơ sở về chuyên chở - xa lộ : 5.2 tỷ 

  • Tiền cho vay về chuyên chở điện sạch 2.3 tỷ 

  • Trợ giúp hạn hán 4.6 tỷ 

  • Nghiên cứu và trợ cấp cho FEMA, DHS và DOE 4.2 tỷ 

  • Xe Bưu điện 3.00 tỷ

  • Giúp National Park 1.00 tỷ

  • Các mục khác : 2.3 tỷ 

  • Tiết kiệm và thuế mới : 764 tỷ

  • Hạ tầng (6.8+3.2)


Lê Thiếu Nhơn: Tiêu hủy tranh liệu đã có tình có lý?

Quản lý văn hóa không hề đơn giản, vì người lãnh đạo phải có năng lực thẩm mỹ và tinh thần liên tài. Triển lãm “Improvisation” chỉ gồm những bức tranh trừu tượng, không hề vi phạm thuần phong mỹ tục hay đạo đức cộng đồng. Cho nên, việc tiêu hủy tranh nếu xảy ra, sẽ gây hệ lụy khôn lường. Bởi lẽ, trong thế giới hội nhập hôm nay, không nơi nào còn xem việc ứng xử thô bạo với các tác phẩm nghệ thuật là một thái độ khôn ngoan.

Quyết định xử phạt hành chính và tiêu hủy tranh vì triển lãm không xin phép, vẫn chưa được giải đáp có tình có lý tại cuộc họp báo chiều 17/8 tại TP.HCM.

Triển lãm 'Improvisation' bị phạt 25 triệu đồng vì không xin phép.

Triển lãm “Improvisation” bị phạt 25 triệu đồng vì không xin phép.

Tiêu hủy tranh được xem là biện pháp khắc phục hậu quả đối với triển lãm “Improvisation” (Ứng tác) bị xử phạt hành chính 25 triệu đồng vì không xin phép. Việc buộc tiêu hủy tranh được ghi trong điều 6 của Quyết định 2696, do Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Dương Anh Đức ký ngày 9/8. Vì sao phải tiêu hủy tranh, là nỗi băn khoăn của nhiều người, mà khi trao đổi với chúng tôi thì chính Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn cũng bày tỏ “khó hiểu và kỳ quặc”.

Triển lãm “Improvisation” của Bùi Chát (Bùi Quang Viễn) khai mạc tại phòng tranh Alpha Art Station (số 271/5 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 10, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh) vào tối 15/7. Đoàn kiểm tra liên ngành văn hóa đã phát hiện triển lãm “Improvisation” không có giấy phép, và lập biên bản ngày 22/7. Trên cơ sở xác minh các tình tiết liên quan, ngày 3/8, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM có Tờ trình số 3277 đề nghị UBND TP.HCM ra quyết định xử phạt hành chính.


Phương Nghi: Ash release

Hình minh hoạ,Nat Aggiato, Pixabay
Hương linh theo gió về trời
Tàn tro để lại ngủ vùi tháng năm
Tro giờ cũng đã xa xăm
Chìm trong biển lạnh Vĩnh Hằng hư vô
Tìm thăm chỉ sóng vật vờ
Chỉ con ốc biển bên bờ vô danh
Êm đềm cá lội loanh quanh
Rong rêu thay cỏ nước xanh thay mồ
Bao la biển thẳm mịt mờ
Mộ bia đâu để đợi chờ khói hương
Thôi thì còn nhớ còn thương
Ngó ra tít tắp một đường chân mây
Chỗ trời nước gặp nhau đây
Coi như phần mộ níu dây tương phùng
Chỗ trăm con sóng xa gần
Vẽ trong hư ảo một vầng thênh thang
Như hoa tươi mãi không tàn
Có đâu tử biệt vẫn tràn tình thân
Mà thôi , nghĩ nữa thêm gàn
Thiên thu mất dấu rồi Càn Khôn ơi…

8/6/2022



Nguyễn Văn Tuấn: Đọc hồi kí "Sống và Viết ở Hải Ngoại" của Nguyễn Hưng Quốc

Nguyễn Hưng Quốc là một nhà phê bình văn học xuất sắc ở hải ngoại. Mới đây, anh cho xuất bản cuốn hồi kí nhan đề "Sống và Viết ở Hải Ngoại" với nhiều 'tiết lộ' mang tính chứng từ của một thời, kể cả tiết lộ về chuyện anh không được về Viêt Nam. Cái note này muốn giới thiệu cuốn hồi kí đến các bạn. 

Nguyễn Hưng Quốc (tên thật là Nguyễn Ngọc Tuấn) được biết đến như là một nhà phê bình văn học ở hải ngoại.Vào cuối thập niên 1980s, Nguyễn Hưng Quốc xuất hiện trên văn đàn hải ngoại một cách sáng chói vì anh đem lại một luồng gió mới trong phê bình văn học. Những ai đã chán với cách phê bình văn học theo cảm tính về một tác phẩm, nhiều sáo ngữ về bối cảnh, và  nghiêng về những câu chuyện cá nhân tác giả, đột nhiên tìm thấy một cách phê bình văn học mới mẻ, có phương pháp luận rõ ràng, có khoa học tính, và có khi cả định lượng. Trước đây, đã có một nhà phê bình nổi tiếng là Đặng Tiến ở Pháp, nay chúng ta có thêm một Nguyễn Hưng Quốc. Nhà văn Võ Phiến cho rằng "Người xứ An Nam ta chưa có nhà lí luận văn học nào mà viết đẹp như Nguyễn Ngọc Tuấn. Nhiều đoạn đọc mà mê." Quả đúng như vậy. 


Nhưng trong thế giới khoa bảng, Nguyễn Ngọc Tuấn còn là một nhà nghiên cứu và giảng viên môn Việt Học tại Đại học Victoria (Úc) và có nhiều đóng góp đáng kể cho việc duy trì môn Việt Học ở Úc. Anh từng được Hội đồng Nghiên Cứu Khoa học Úc (ARC: Australian Research Council) cấp tài trợ cho nghiên cứu về tiếng Việt và văn học Việt. Cần nói thêm rằng ARC chỉ tài trợ cho những nhà nghiên cứu có hạng và có tiềm năng. Sự thành công trong việc được ARC tài trợ là một minh chứng về khả năng học thuật của Nguyễn Hưng Quốc. 


Cho đến nay, Nguyễn Hưng Quốc đã xuất bản khoảng 20 cuốn sách, kể cả sách tiếng Anh. Có thể nói cuốn nào của anh ấy tôi đều đọc và rất thích. Những cuốn mà tôi rất tâm đắc (như Thơ, v.v… và v.v…, Văn học Việt Nam dưới chế độ cộng sản), và từng có bài giới thiệu (nhưSống với chữ). Theo tôi biết cuốn "Văn học Việt Nam dưới chế độ cộng sản" -- tuy cái tựa đề mang tính 'dữ dội' nhưng thật ra là một tổng quan rất công phu và tuyệt vời -- được các nhà văn và nhà nghiên cứu văn học trong nước rất thích. 


Nguyễn Đức Tùng: Giới Thiệu Thơ Dạ Thảo Phương

Đôi khi, một người như Dạ Thảo Phương làm cho tôi yêu Hà Nội.

 

đôi lúc thèm cuống quýt được chạy về Hà Nội

ngồi vỉa hè, ấp má một chén trà nóng

cho lòng lại được bình yên

Đó là một Hà Nội thanh bình, trang nhã. 

Đó cũng là một Hà Nội mục nát, tan hoang.

ước

một ngày thức dậy

ban công ngập rác thối

lá non rữa nát 

những hoa hồng teo quắt

con chim bên chùa Bà Đá thôi hót 

tốt nhất - đã chết 

bình nước trên bàn cũng cạn

chuông Nhà Thờ Lớn

câm 

 

Thơ chị khởi đi từ tự truyện và mơ màng (memoir and reveries). Đó là sự nối kết giữa quá khứ và hiện tại, sự soi chiếu một khoảnh khắc trong hiện tại bằng nguồn cảm xúc và suy tư từ những năm tháng bạn đã sống qua. Thơ xuất hiện trước sự viết. Trước khi chúng ta đọc một bài thơ như văn bản trên giấy, hay trên màn hình, thơ đến như một âm thanh. Chữ viết có tính cố định, khi bạn trở lại chúng vẫn nằm ở đó. Việc đọc lớn lên, làm cho bài thơ xuất hiện như âm nhạc, không cố định như vậy, chúng thay đổi theo thời gian. Thơ của Dạ Thảo Phương vang lên một thứ nhạc điệu riêng.

 

anh hỏi da thịt em ngát sen tự khi nào

anh ơi, từ những ngày tháng tuyệt mù em chưa biết anh

em đã là sen, từ trong bùn tối

 

Chị tra vấn ý nghĩa của đời sống, các mối quan hệ gia đình và xã hội, tình yêu và tình dục. Chúng có thể không phải là những câu hỏi trực tiếp nhưng xuất hiện bàng bạc, làm cho thơ chị trở thành không phải một bản tường trình về đời sống mà là những biểu hiện của đời sống ấy, tiếng nói của nó, sự vận động của nó, các thách thức của nó. Sinh ra ở một vùng văn hóa riêng biệt, đối với tôi là diễm lệ và mặc cảm, và yếu đuối trước sự dung tục vốn là bản chất của một xã hội áp đặt hoàn toàn xa lạ với dân tộc, tự mình thoát ra khỏi những ràng buộc của văn hóa ấy, vượt lên, phát hiện. Đó là nỗi buồn xuyên qua những số phận, sự đau đớn được nén lại tạm thời, sự ngã xuống và hồi phục. Chị không phải là người biết thua cuộc trước số phận, thường xuyên trở lại từ bên lề, đập cửa, kể lại câu chuyện đời mình.

 


Ngô Nguyên Dũng: Về Giữa Mùa Mưa

(Phần 1)

ĐÊM MÙA MƯA BẮT ĐẦU

Chuyến bay từ Dubai tới Sài Gòn thưa khách. Tôi ngồi một mình một dãy ba ghế. Xong bữa tối, tôi nằm đắp chăn, nhắm mắt chập chờn. Và nghĩ ngợi vu vơ. Về những cơ duyên cho tôi cơ hội về thăm quê nhà lần này. Về chỗ trọ mới trong ngôi nhà "hoành tráng" của người bạn thân thời đi học. Về một gặp gỡ và những hành trình sắp tới. Về để thăm lại đất và người của tháng năm trước đại dịch. Về như thể đối diện những thử thách của nội tâm, trước ngoại cảnh.

Cũng như một đêm tháng mười cách đây một thập niên, thành phố sinh quán chào đón tôi bằng một cơn mưa. Nhưng khác, vì mưa đêm cuối tháng tư lần trở lại này ào ạt, mịt mù đến nỗi viên phi công phải lượn vòng gần ba mươi phút trên không phận phi trường, mới có thể hạ cánh xuống phi đạo.

Trong sảnh kiểm soát chiếu khán nhập cảnh chỉ thấy du khách của chuyến bay này. Nhân viên phi trường cắm cúi làm việc. Một ngẩng mặt. Rồi huơ tay thờ ơ bấm bàn phím, quét mắt nhìn những thông tin hiện trên màn hình. Và lẳng lặng đóng mộc. Nơi băng chuyền nhận hành lý, có bà du khách đang lớn tiếng phân bua thùng cạc-tông của bà bị thấm nước rách, nhiều món quà rơi rớt đâu hay đã bị ai lấy mất. Hành lý không phải qua máy soi. Chỉ mất khoảng ba mươi phút là xong mọi thủ tục. Cổng đến loe hoe vài chục người. Ra đón tôi lần này chỉ có ông anh, cô cháu dâu và người bạn mới. Mưa vẫn tầm tã. Cô cháu dâu phải vất vả hơn một tiếng mới gọi được tắc-xi.

Trên đường tới nhà trọ, người tài xế bắt chuyện, phàn nàn về hiện trạng giao thông trong thành phố. Tuyến đường xe điện Sài Gòn - Suối Tiên vẫn chưa hoàn tất. Mặt bằng đại lộ Lê Lợi vẫn chưa được "giải phóng" hoàn toàn. Nhiều nơi, đường sá "xuống cấp" trầm trọng, không được sửa chữa. Cho ra vẻ bận rộn, "họ" đào lên chỗ này chỗ nọ, rồi lấp lại. Tôi lắng nghe, thỉnh thoảng góp đôi lời vô thưởng vô phạt. Mọi chuyện với tôi vẫn còn quá mới. Khung cảnh phố xá một đêm mưa nhiệt đới hai bên đường tuy đã quen mắt, nhưng cảm xúc trong tôi gần như mới vì những thay đổi. Chỗ trọ. Bạn đồng hành. Khung cảnh, thời gian, và tâm tư tôi.