Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2022

Từ buổi ra mắt sách Mối Thâm Tình của Nguyễn Đình Chiểu dành cho “Quan Phan” Phan Thanh Giản của Winston Phan Đào Nguyên

Buổi ra mắt và thảo luận về cuốn sách nói trên đã được tổ chức vào lúc 2 giờ chiều ngày Chủ Nhật 26 tháng Sáu, 2022 tại hội trường của Viện Việt Học, tại Westminster, California.

Với sự điều khiển chương trình của giáo sư Nguyễn Trung Quân, diễn giả Phan Đào Nguyên đã trình bày lý do viết cuốn sách này, và giáo sư Trần Huy Bích phân tích một bài thơ chữ Hán của Nguyễn Đình Chiểu viếng Phan Thanh Giản. Nội dung hai bài thuyết trình này đã được đăng trên DĐTK trong các số trước đây.

Trong phần thảo luận nhiều vị tham dự đã phát biểu ý kiến của mình về hai bài thơ Nguyễn Đình Chiểu viếng Phan Thanh Giản, và đều cho đó là tình cảm thật sự của cụ Đồ Chiểu thương tiếc Quan Phan, chứ không hề có ý xỏ xiêng khích bác cụ Phan như một số cây bút cộng sản trong nước bày đặt và giải thích.

Phần cuối của buổi hội thảo, nhà báo Phạm Phú Minh trình bày một số ý kiến của bạn hữu ở xa gửi về đóng góp cho buổi hội thảo này. Xin mời quý độc giả đọc dưới đây.

MỘT SỐ Ý KIẾN ĐÓNG GÓP TỪ XA

Thư góp ý kiến của nhà văn Song Chi (Luân Đôn – Anh quốc)

Cảm ơn anh đã chia sẻ về câu chuyện và tài liệu chung quanh nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản. Chúng ta đều quá biết từ khi đảng cộng sản lên cầm quyền ở miền Bắc vào năm 1945 và trên toàn quốc từ năm 1975 thì một trong những công việc mà họ làm trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục đó là viết lại lịch sử VN theo quan điểm của đảng cộng sản. Không chỉ riêng trong thế kỷ XX, cũng không chỉ riêng trong cuộc chiến tranh với người Pháp hay cuộc nội chiến 1954-1975 mà họ sẵn sàng bóp méo lịch sử, đổi trắng thay đen tất cả mọi sự kiện, mọi nhân vật lịch sử để phù hợp với sự tuyên truyền của họ. 

Nực cười nhất là họ đem chủ nghĩa Mác Lenin, lập trường giai cấp và dân tộc cực đoan để xét đoán lịch sử VN từ trăm năm, ngàn năm trước. Và với quan điểm đó, các thế hệ học sinh dưới mái trường XHCNVN đã được dạy rằng chế độ phong kiến là thối nát, nhà Nguyễn bán nước, Vua Gia Long là “cõng rắn cắn gà nhà”…Không có gì lạ khi một vị quan thần nhà Nguyễn như Phan Thanh Giản cho tới các nhân sĩ, học giả sau này như Trương Vĩnh Ký, Phạm Quỳnh…và bao nhiêu người khác đều bị chụp mũ, bôi bẩn.

Trong hoàn cảnh đó, việc Luật sư Winston Phan Đào Nguyên bỏ thời gian, tâm huyết ra viết cuốn sách “"Phan Thanh Giản và vụ án Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân", hay viết bài cho cuộc hội thảo về nhà văn hóa Nguyễn Đình Chiểu để nói về “Mối Thâm Tình Của Nguyễn Đình Chiểu Dành Cho “Quan Phan” Phan Thanh Giản” là điều vô cùng đáng quý. Những người có kiến thức, có lương tri, có tấm lòng với văn hóa, lịch sử, rất cần phải thường xuyên làm công việc trả lại sự thật cho tất cả những gì mà đảng cộng sản đã bóp méo, làm sai lệch trong suốt bao năm qua.

 

Không có gì đáng ngạc nhiên khi một bài viết như vậy đã bị Ban Tổ chức tỉnh Bến Tre từ chối. Không biết Luật sư Winston Phan Đào Nguyên có nêu vấn đề này cho phía bên UNESCO để họ biết cung cách làm việc của phía VN hay không.

 

Khi còn ở VN, từ kinh nghiệm bản thân của một người từng đi học trung học rồi đại học sau ngày 30.4.1975, đến lượt con gái cũng từng học dưới “mái trường XHCNVN", Song Chi đã thấy các bộ môn như Văn học, Lịch sử, Triết học trở thành nhàm chán, sai lệch như thế nào vì bị gắn với chính trị, dạy theo quan điểm của đảng và nhà nước cộng sản. Văn học thì nặng tính tuyên truyền, chỉ khen ngợi văn học “hiện thực cách mạng XHCN”, và phê phán mọi xu hướng, trường phái khác. Lịch sử thì có đến 2/3 chương trình học là lịch sử đảng cộng sản, làm như lịch sử 4000 năm của dân tộc VN chỉ quan trọng từ khi đảng cộng sản ra đời. Và khi lịch sử bị gắn với chính trị, thì nó không còn là một bộ môn có tính khoa học, khách quan nữa, chính vì vậy mà thiếu hẳn sự hấp dẫn. Triết học thì chỉ được học duy nhất triết học Mác Lenin! 

Khác hẳn với miền Nam dưới chế độ VNCH, Văn học, Lịch sử, Triết học…ở bậc Trung học cho tới Đại học là những bộ môn, ngành học vô cùng thú vị, hay ho với học sinh, sinh viên. Nếu anh có dịp nhìn qua chương trình dạy Văn, Sử ở bậc trung học phổ thông hiện nay thì chắc chắn anh sẽ “hoảng hốt” từ chương trình cho tới cách dạy, cách học!

Điều đó đã giải thích tại sao học sinh đa số chán ghét môn Văn, môn Sử, còn khi thi vào Đại học thì số lượng thí sinh thi vào các ngành Văn, Sử, Triết…luôn luôn rất thấp so với các ngành được cho là kiếm ra tiền như Y, Dược, Kỹ sư, Kinh tế, Ngoại ngữ, Ngoại thương…

Mới đây còn có chuyện tính để môn Lịch sử làm môn tự chọn ở bậc trung học phổ thông, nhưng sau đó vì dư luận phản đối và vì sợ không có nhiều học sinh chọn môn này nên lại để là môn học bắt buộc. Nói sơ để chúng ta thấy hậu quả tai hại của việc giáo dục bị kiểm soát bởi nhà nước, giáo dục gắn với chính trị dưới chế độ cộng sản.

Trở lại với nhân vật Phan Thanh Giản cũng như rất nhiều nhân vật lịch sử khác bị chế độ này bóp méo, bôi nhọ, SC nghĩ rất cần có những bài viết nghiên cứu, những cuốn sách, những cuộc hội thảo nghiêm túc, khoa học để trả lại sự thật cho các thế hệ VN sinh sau đẻ muộn được biết. Khi hội thảo các anh nên tổ chức ghi video toàn bộ chương trình đưa lên youtube, sau đó lại cho in thành tập tài liệu những bài trình bày của các diễn giả.

Về “nghi án” liệu câu nói “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân" có phải là do ông Trần Huy Liệu “sáng tác” ra không, SC nghĩ cũng có thể lắm, bởi vì chính ông Trần Huy Liệu đã từng “sáng tác” ra nhân vật anh hùng Lê Văn Tám mà sau này chính ông GS Phan Huy Lê từng lên tiếng kia mà.

Vài dòng cảm nghĩ ngắn gọn, hoàn toàn có tính cách cá nhân, mong sẽ đóng góp được chút gì cho anh trong buổi hội luận.

Kính, 

SC


Thư của Giáo sư Trần Viết Ngạc – Sài Gòn, Việt Nam

Gửi Phạm Phú Minh

Mình không dự hội thảo ở Bến Tre nhưng chị Bùi Trân Phượng có dự. Chị phản bác về cách hiểu chín chữ minh tinh gán cho cụ Đồ Chiểu.

Nếu cần chỉ trích Phan Thanh Giản thì cụ Đồ không cần phải dụng công như vậy. Trong hội nghị ở Sài Gòn mình cũng trình bày lòng sĩ phu Nam Bộ và dân chúng coi trọng vị tiến sĩ khai khoa và duy nhất của Nam Kỳ trong ba thập kỷ (1826-1856). Nam Kỳ chỉ có ba vị tiến sĩ là Phan Thanh Giản, Phan Hiển Đạo và Nguyễn Chánh. Ông Chánh thi hương ở trường Thừa Thiên. Cả hai ông thi hương ở Gia Định đều tự tử!

Trong hội nghị ở Sài Gòn năm ấy, có ông Võ Văn Kiệt tham dự. Các đại biểu Vĩnh Long và Tiền Giang rất khoái phát biểu của mình. Một ông bộ đội tham dự nói giữa hội nghị là các chú các bác có biết tụi tui mỗi lần xuất quân là đến thắp hương ở nhà thờ cụ Phan.

Các tài liệu của Phan Đào Nguyên rất quý và tỏ ra rất chịu khó tìm văn bản gốc, đó là cách làm nghiêm túc.

 

Thân,

 

ngạc


Thư của một độc giả DĐTK (không muốn nêu tên)

Thực ra thì với thế giới rộng mở sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, giới trí thức trong nước đã có cái nhìn rộng rãi hơn, nhưng cái gọi là "tuyên huấn" của đảng thì vẫn rất bảo thủ, mặc dầu đã biết mình sai. Dù đã có một số cuộc hội thảo trong nước xác định lại vai trò tích cực của Phan Thanh Giản trong việc thương thuyết với Pháp, chính quyền trung ương vẫn khẳng định hai chữ “bán nước” cho cụ Phan, vẫn nhất quyết không cho tất cả các địa phương trong nước đặt tên đường, tên trường với tên Phan Thanh Giản (và cả Trương Vĩnh Ký). Và gần đây nhất là phủ nhận bài thuyết trình của Phan Đào Nguyên, khiến anh ấy phải rút ra khỏi cuộc hội thảo.

Tôi cho thái độ khư khư không chịu hiểu biết của tuyên huấn CS Việt Nam là “cá cuống đến chết  còn cay”. Vâng, cay cú lắm. Cay đắng lắm !

*

Ý kiến của nhà báo Trân Văn 

Vì sao vẫn phải chú ý đến nghiên cứu về tiền nhân? 

Theo yêu cầu của UNESCO, đề nghị từ phía Việt Nam: Kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Nguyễn Đình Chiểu với danh nghĩa UNESCO, nhằm vinh danh ông như một “Danh nhân có đóng góp cho văn hóa thế giới” là nguyên nhân hình thành “Hội thảo Quốc tế về Giá trị văn hóa và nhân văn của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay” sẽ diễn ra vào lúc này tại Bến Tre, Việt Nam. 

Ở hải ngoại, người Việt cũng làm như thế và qua những cuộc thảo luận thêm của hậu sinh về cụ Nguyễn Đình Chiểu - một tiền nhân, chắc chắn sẽ có những khác biệt giữa trong nước với bên ngoài biên giới Việt Nam. 

Tuy trong phân tích, đánh giá về cụ Nguyễn Đình Chiểu giữa trong nước với bên ngoài biên giới Việt Nam sẽ giống nhau ở chỗ: Nguyễn Đình Chiểu là một nhân vật đáng kính cả về nhân cách lẫn tài năng, song người Việt quan tâm đến văn hóa, lịch sử xứ sở của mình không thể không bận tâm vì nếu không, cả văn hóa, lịch sử lẫn tiền nhân sẽ tiếp tục bị chính quyền cộng sản Việt Nam dùng như công cụ. Theo cái gọi là “nhu cầu chính trị”, hoạt động gọi là “nghiên cứu về văn hóa, lịch sử Việt Nam” sẽ bóp méo từ nhân cách, tài năng đến công lao của tiền nhân để “định công” hay “luận tội”. 

Câu chuyện ông Winston Phan Đào Nguyên được “Ban Tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc tế về Giá trị văn hóa và nhân văn của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay” mời tham dự nhưng giờ chót, công sức, tâm huyết của ông không có chỗ để xuất hiện theo phương cách chính thức tại Việt Nam vì nội dung nghiên cứu của ông là về “Mối thâm tình của Nguyễn Đình Chiểu dành cho ‘Quan Phan’ Phan Thanh Giản” chính là một ví dụ.    

Năm 1999, Nhà xuất bản Văn Học ở Việt Nam phát hành “Nghiên bút mười năm” của Cao Tự Thanh. Cao Tự Thanh là một người chuyên nghiên cứu về văn hóa – lịch sử Việt Nam qua thư tịch Hán Nôm và đã có rất nhiều công trình biên khảo được giới nghiên cứu về Việt Nam ở bên ngoài Việt Nam như Hoa Kỳ, Nhật, Đài Loan,... chú ý, đánh giá rất cao vì những phát giác, ý tưởng rất mới. 

Trong “Nghiên bút mười năm”, Cao Tự Thanh kể lại nhiều câu chuyện, từ những cuộc bút chiến với một số thành viên trong nhóm gọi là “học giới” tại Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tới những suy tư, nhận định về “hoạt động nghiên cứu văn hóa, lịch sử” tại Việt Nam và có cả cuộc thảo luận giữa Cao Tự Thanh với Trần Văn Giàu – nhân vật được giới sử gia cộng sản xếp vào loại “cây đa, cây đề” về cụ Phan Thanh Giản. Trong cuộc thảo luận ấy, Cao Tự Thanh đố Trần Văn Giàu có biết là cụ Phan Thanh Giản chết mấy lần? Rồi chính Cao Tự Thanh tự trả lời câu đố đó.  

Cao Tự Thanh nhấn mạnh, cụ Phan Thanh Giản là một nhân vật lịch sử có số phận khác thường, phải chết tới bốn lần: Lần thứ nhất là cụ uống thuốc độc tự tử. Lần thứ hai, cụ bị thực dân Pháp ám sát khi khen cụ sáng suốt không chống lại Pháp. Lần thứ ba, cụ bị triều đình vua Tự Đức bức tử với bản án “truy đoạt tất cả chức hàm, đục tên trong bia Tiến sĩ, giữ mãi cái án trảm giam hậu”. Lần thứ tư là vào thời gian 1960 - 1963, khi chúng ta hạ quyết tâm giải phóng miền Nam và nền sử học rời khỏi con đường dài phục vụ cách mạng mà đi vào con đường tắt phục vụ chính trị đương thời đã xử tử cụ (cũng như phê phán những người yêu nước chủ trương không dùng bạo lực như Phan Châu Trinh), gây ra một công án đau lòng khiến những trí thức như Ca Văn Thỉnh đương thời day dứt và các chính khách như nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt trăn trở.

Xin nhớ, “Nghiên bút mười năm” xuất bản năm 1999 – việc giới thiệu công khai cuộc trò chuyện với Trần Văn Giàu diễn ra vào thời điểm nhân vật này còn khỏe mạnh, minh mẫn. Khi kể lại câu chuyện vừa dẫn, Cao Tự Thanh thuật lại ông ta chỉ thở dài và suốt 11 năm từ khi “Nghiên bút mười năm” được phát hành cho đến lúc qua đời (2010), chưa bao giờ Trần Văn Giàu lên tiếng phủ nhận về câu chuyện Cao Tự Thanh đã kể. 

***

Phan Thanh Giản là một ví dụ, còn nhiều, rất nhiều ví dụ như vậy. Những ví dụ đó đặt ra một vấn đề, dẫu sống bên ngoài Việt Nam và có lẽ sẽ từ biệt cuộc đời trên xứ người nhưng những người Việt tha hương có cần tiếp tục bận tâm đến văn hóa – lịch sử Việt Nam, có nên nghiên cứu – công bố những tư liệu, đính chính những sai sót, lầm lạc cả do vô tình hay cố ý, hoặc bỏ mặc văn hóa – lịch sử của dân tộc cho một đám hậu sinh thừa khả ố đem ra dùng như công cụ, bỏ mặc tiền nhân cho đám hậu sinh này mặc sức tô hồng hay bôi đen để... “xài”?      



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét