Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2022
Lê Hữu: Xem tranh, nhớ người
(Ảnh: LH) |
“Nhìn bức tranh này lại nhớ chị Hà.”
Thỉnh thoảng vợ tôi vẫn lặp lại câu ấy khi ngước nhìn tấm tranh treo ở phòng ăn. Những lúc ấy tôi chỉ gật gù tỏ sự đồng tình chứ không ngoái nhìn bức tranh hay có ý kiến gì thêm, chỉ vì tranh ấy quá quen mắt rồi.
Bức tranh khổ 14”x18”. Một người bạn tôi nói đấy là bức ảnh hơn là bức tranh. Tôi thì vẫn quen gọi là tranh và cũng không nhớ được ở đâu tôi có bức tranh hay ảnh này. Nếu có nhớ là nhớ tôi bắt gặp nó trong “bộ ảnh sưu tập” online của mình, thấy hay hay bèn nhờ tiệm Office Depot in ra và mang về treo nơi góc khuất ở phòng ăn.
Bức tranh cũng chẳng có gì đặc biệt cho lắm. Dăm bảy khách bộ hành tay cầm những chiếc dù đủ màu sắc bước đi vội vã dưới cơn mưa nặng hạt dọc theo vách tường một building trên đường phố nào. Những mảng màu xám tối. Những giọt mưa đan chéo nhìn thấy được và hè phố loang loáng nước. “Điểm nhấn” trong tranh là người phụ nữ mặc áo khoác màu đỏ nép vào vai người đàn ông cầm chiếc dù cũng màu đỏ che mưa cho cô. Sáng sáng, vừa ngồi nhâm nhi tách cà-phê vừa nhìn ngắm bâng quơ bức tranh mưa lẫn trong tiếng nhạc lãng đãng từ Youtube những bài rainy soft jazz không lời, cũng khá thư giãn và cũng… đỡ buồn.
Có điều, chuyện sở thích và gout thẩm mỹ không phải ai cũng giống như ai.
“Bộ không còn tranh nào khác hay sao mà anh treo tranh này vậy,” vợ tôi lên tiếng, “trông tối tăm, ảm đạm quá.”
“Cảnh trời mưa thì làm sao mà sáng sủa được,” tôi trả lời cho qua chuyện.
Không riêng gì nàng, những bạn bè tôi cũng chẳng ai ngó ngàng gì đến tranh ấy. Chỉ có một lần, bức tranh được chị Tú chiếu cố. Ngắm nghía một lúc, chị đặt tên tranh là “Seattle”.
Cho đến một ngày hè, vài anh chị ở đây cùng với hai chị Trùng Dương và Bùi Bích Hà từ nơi xa ghé chơi. Có một lúc tôi bắt gặp chị Hà lặng lẽ đứng ngắm bức tranh.
“Chị thích tranh này?” tôi hỏi.
“Anh có thấy chỗ nào lạ trong bức tranh này?” chị không trả lời tôi, hỏi lại.
“Chịu,” tôi nói sau một lúc nhìn kỹ bức tranh vốn đã quen mắt, quen nhìn. “Tôi chưa ‘phát hiện’ được điểm nào lạ lùng cả.”
“Người phụ nữ cầm chiếc dù xanh đậm đi ngược chiều với những người kia.”
Tưởng sao, chỉ có vậy. Đi ngược chiều thì cũng… đâu có sao, tôi nghĩ.
“Tôi thấy giông giống chị,” tôi nói. “Không phải là chị chứ?”
“Anh nói đúng,” chị Hà cười. “Thỉnh thoảng tôi cũng thấy mình không giống ai vì cứ hay đi ngược chiều với mọi người.”
Chị Hà quả có óc quan sát tinh tường. Không có tài quan sát và những giác quan bén nhạy thì khó làm nhà văn như chị, tôi nghĩ. Về chuyện chị nói mình “không giống ai” tôi ngẫm nghĩ thấy chị có đúng, chẳng hạn khi đã “yêu” một đối tượng nào là chị yêu hết mình cho dù những bạn bè không ai ủng hộ chị. Mặc ai muốn nói gì thì nói vẫn không sao thuyết phục được chị, vẫn không làm chị thay đổi lập trường. Chị như người có đức tin thật mạnh mẽ.
Sau bữa cơm, trong lúc mọi người còn đang chuyện trò vui vẻ, chị Hà bước lại gần tấm tranh với tách trà trên tay.
“Chị có vẻ thích tranh này?” Đứng bên chị, tôi lặp lại câu hỏi khi sáng.
“Bức tranh làm tôi nhớ những cơn mưa ở Huế,” chị gật gật đầu.
Câu trả lời của chị khiến tôi hơi bị… bất ngờ. Sao lại có “mưa trên phố Huế” ở đây, tôi hơi lấy làm lạ, nhưng cũng không tiện hỏi.
“Anh cũng thích mưa mà, phải không?” Ngừng một chút, chị lại hỏi, “Anh cũng thích đi dưới mưa như thế chứ?”
“Tôi vừa thích mưa lại vừa không thích mưa,” tôi trả lời. “Tôi cũng thích đi dưới mưa vậy nhưng không phải là mưa Seattle này mà ở nơi nào khác, như mưa ở Đà Lạt. Những cơn mưa mỏng, mưa phùn, mưa bụi, gọi là những cơn mưa chỉ vừa đủ làm ướt tóc của những đôi tình nhân.”
Chị Hà chỉ cười, mắt vẫn không rời bức tranh.
“Tôi thích bức tranh,” tôi nói, “nhưng chị thích nó hơn tôi nên tôi rất vui được biếu chị tranh này, xem như quà tặng người đến từ nơi rất hiếm hoi những cơn mưa.”
“Anh cứ nói đùa”, chị lắc đầu nguầy nguậy.
“Không dám đùa đâu, tôi nói thiệt đấy. Chị là người duy nhất khen tấm tranh ấy, những người khác thì dửng dưng, chả ai thèm để mắt tới hay khen chê cho một câu.”
Mặc tôi nói gì thì nói chị vẫn không chịu nhận món quà ấy, khiến tôi phải nghĩ cách khác.
“Chị là người thứ hai cho ý kiến về bức tranh này,” tôi nói.
“Người thứ nhất là ai?” chị hỏi. “Ý kiến thế nào?”
“Vợ tôi. Bà ấy đề nghị tôi mang cho Goodwill.”
“Sao lại thế!?” chị tròn mắt. “Thôi thế thì anh cho tôi xin vậy. Cám ơn anh nhé.”
“Tôi phải cám ơn chị chứ. Chị nhận lời là mang niềm vui đến cho ba người.”
“Anh thật khéo nói,” chị cười.
“Tôi học ở chị đấy.”
Tôi nói nếu chị mang được cả khung tranh này lên máy bay thì tôi không phải cuốn tấm tranh lại, chị Hà nói chị có cách. Thế là tôi lấy tấm tranh xuống cho vào túi đựng tranh canvas, định bụng sẽ gửi chị lúc chị ra về. Thế nhưng mải vui tíu ta tíu tít chuyện trò với các anh chị kia, đến lúc ra về thì cả chị Hà lẫn tôi đều quên bẵng. Thật chán đời!
“Chị Hà ơi!” tôi gọi cho chị hôm sau. “Ngày rời Seattle chị đã để quên một thứ, không phải là ‘con tim’ đâu, chị có nhớ thứ gì không?”
“Nhớ chứ,” chị nói. “Bức tranh. Khi lên máy bay tôi mới sực nhớ ra, muốn gọi cho anh mà không được, tôi có email… Thật là đoảng! Đầu óc bây giờ cứ nhớ nhớ quên quên. Thôi anh chịu khó giữ hộ vậy, lần tới lên Seattle chắc chắn tôi không quên đâu.”
Chị Bùi Bích Hà (giữa) - Seattle, 7/2012 (Ảnh: Hoàng Mị) |
“Lần tới” ấy không bao giờ tới. Cơn đại dịch quái ác và dai dẳng không cho chị thực hiện được lời hứa mỗi năm một lần “đến hẹn lại lên” với Seattle.
Bức tranh “Seattle” đã lấy xuống lại được treo lên. Bức tranh vẫn nằm ở nhà tôi nhưng đã thuộc về chị Hà, chỉ là chị “để quên” đấy thôi. Chúng tôi chỉ còn liên lạc được với chị qua phone, email... Trong những câu chuyện, thỉnh thoảng chị nhắc đến bức tranh và tỏ sự áy náy về căn bệnh nhớ nhớ, quên quên của chị.
“Đâu có sao chị. Thay vì trông hoa, nhớ người thì hai vợ chồng nhà này lại… ngắm tranh, nhớ người. Có tranh cũng như có chị, cũng như chị lúc nào cũng ở bên cạnh tụi này.”
Câu nói nửa đùa nửa thật ấy, ngờ đâu, lại hóa ra thật sau ngày chị mất. Chị Hà đã đi xa nhưng bức tranh ấy như những “dấu chân còn để lại” (tên một tùy bút của chị) nơi này. Những lúc nhìn lên bức tranh vợ chồng tôi lại nhớ chị, nhớ giọng nói chị lúc nào cũng nhỏ nhẹ dịu dàng như cô giáo nói với đứa học trò nhỏ, nhớ cách nói chị lúc nào cũng gượng nhẹ như sợ không khéo làm đau, làm buồn người khác. Chị Bùi Bích Hà là vậy.
* * *
Tôi không ở gần chị Hà, cũng không được kể là thân thiết với chị. Chị có những người bạn thân quý từng có mối giao tình thắm thiết và lâu dài trong lúc tôi gặp chị lần đầu cách đây đúng mười năm, cũng tháng này, ở thành phố mưa này. Chiều hôm ấy, chị và tôi được mời nói chuyện trong một buổi sinh hoạt văn hóa có thơ, tranh và nhạc để nói về thơ Trần Mộng Tú. Tôi chưa kịp khen chị có giọng nói êm dịu và cuốn hút thì chị đã khen tôi nói thao thao bất tuyệt (chị không biết là tôi chỉ lặp lại những ý từ một bài viết cũ mèm).
“Cám ơn chị nhé,” tôi nói, “lâu lắm chưa được ai khen cho một câu. Sáng mai chị có rảnh tôi xin phép được mời chị đi ăn sáng, uống cà-phê.”
Chị Hà chỉ cười cười. Sáng hôm sau nhóm bạn ở đây rủ chị đi… ăn sáng và dạo chơi loanh quanh mà không có tôi. Hôm sau nữa gặp lại tôi chị có ý trách khéo là tôi… hứa cuội. Tôi vừa ngượng vừa buồn cười, không biết phải giải thích như thế nào với chị. Thêm một chuyện cũng làm tôi hơi bị ngượng là trong lúc chuyện trò chị cứ “Thưa anh” với tôi mặc dù chị đáng tuổi chị Hai tôi và tôi xin chị đừng có thưa thốt như vậy. Thế nhưng có vẻ đấy là thói quen “trên mức khiêm tốn” của chị nên chị vẫn cứ “Thưa anh/thưa chị” với cả những người kém tuổi chị.
Sau ngày chị bất ngờ rời bỏ thế gian này, có một lúc bỗng dưng tôi nhớ câu nói của chị, “Bức tranh làm tôi nhớ những cơn mưa ở Huế.” Sao lại là Huế nhỉ? Khi ấy tôi đã định hỏi chị nhưng lại không hỏi. Giờ đây tôi ngẫm nghĩ thấy chị nói phải. Mưa Seattle này không giống như mưa Sài Gòn hay mưa Hà Nội, hay mưa Đà Lạt, mà gần với mưa xứ Huế hơn với tiếng mưa sụt sùi, với những cơn mưa dầm dề và câu thơ Nguyễn Bính.
Giời mưa ở Huế sao buồn thế!
Cứ kéo dài ra đến mấy ngày
Thế rồi, tôi tìm đọc những bài chị viết về Huế, về nơi chốn chị mở mắt chào đời và từng có bề dày gắn bó thiết tha. Trang viết nào cũng đầy ắp kỷ niệm, cũng rưng rưng cảm xúc.
Người bạn gửi cho tôi mấy tấm ảnh chụp trời mưa ở Huế làm tôi buồn muốn khóc, thương nhớ biết bao những mùa mưa thời thơ ấu ở nơi xa xôi ấy, với cha với mẹ, với anh với chị, với mộng mơ ngập lòng. (Dấu Chân Để Lại)
Trời mưa kéo dài hàng tháng. Mưa dai dẳng, mưa rả rích, mưa bay nghiêng, mưa rát mặt… Tiếng mưa lúc cao lúc thấp, lúc đục lúc trong; tiếng mưa im lìm trên những lối đi đầy cỏ; tiếng mưa cô đơn, phiền muộn trên những tàu lá rộng; tiếng mưa lạnh lẽo dưới đầu hồi; tiếng mưa thầm thì, rời rã trong tim bàng hoàng những mộng ước không thành. (Huế Yêu Dấu)
Chưa hết, chị còn viết thêm…
Có những người tình không bao giờ quên, có những cuộc tình không bao giờ quên, có những cuộc tình đi vào thiên thu. Với tôi, Huế là một cuộc tình không trọn vẹn, nhưng là một cuộc tình kết tụ tất cả tinh hoa của một đời người, họa may chỉ có cái chết mới làm nó yên nghỉ trong lãng quên. (Huế Yêu Dấu)
Chị Bùi Bích Hà, chị đã thực sự yên nghỉ trong lãng quên. Huế, như thể là người tình của chị, như thể là cuộc tình chị không bao giờ quên.
Chị Bùi Bích Hà, chị đã “trở về mái nhà xưa”, như tên bài nhạc chị từng có một thời yêu thích. Chị đã về ngồi lại trên thềm nhà cũ, lắng nghe từng “giọt mưa đã gieo trên thềm nhà” như lắng nghe cuộc tình ấy đi vào thiên thu trong tiếng mưa êm.
Lê Hữu