Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2022
Elaine Kamarck: Donald Trump có nên bị truy tố? (Nguyễn Đức Tường biên dịch)
2022 07 22
Nguồn: Should Donald Trump be prosecuted?
Elaine C. Kamarck là Nghiên cứu viên cao cấp trong chương trình Nghiên cứu Quản trị đồng thời là Giám đốc Trung tâm Quản lý Công hiệu quả tại Viện Brookings. Bà là một chuyên gia về chính trị bầu cử Hoa Kỳ và sự đổi mới và cải cách của chính phủ ở Hoa Kỳ, các quốc gia OECD và các nước đang phát triển. Bà tập trung nghiên cứu về hệ thống đề cử tổng thống và chính trị Mỹ và đã làm việc trong nhiều chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ. Kamarck là tác giả của “Primary Politics: Everything You Need to Know about How America Nominates Its Presidential Candidates" và “Why Presidents Fail And How They Can Succeed Again.” Kamarck cũng là Lecturer in Public Policy at the Harvard Kennedy School of Government.
Sau tám buổi điều trần ở Quốc hội điều tra vụ bạo động ngày 6 tháng Giêng tại Điện Capitol, điều rõ ràng là đã có đủ bằng chứng để truy tố Donald Trump về nhiều tội danh khác nhau. Ủy ban điều tra có thể chuyển vụ việc này đến Bộ Tư pháp để truy tố, nhưng hành động này thực sự không cần thiết. Bộ Tư pháp có thể quyết định truy tố bất cứ lúc nào, bất kỳ tội danh nào mà họ có đủ bằng chứng. Hơn 800 người đã bị buộc tội liên quan đến các sự kiện ngày 6 tháng 1 — mặc dù hầu hết đã bị buộc tội với các tội danh nhẹ hơn. Cho đến nay, chỉ có 50 người đã nhận tội với các cáo buộc trọng tội.
Nhưng từ đầu, vấn đề không phải là những gì mà 10.000 người đến Washington DC để biểu tình biết hay thậm chí 2.000 người tham gia cuộc biểu tình bên trong tòa nhà Capitol biết. Tất cả vấn đề là tổng thống đã biết những gì và ông ấy dự định làm gì? Đây có phải là một cuộc biểu tình vượt quá tầm kiểm soát? Hay đó là mưu toan đầu tiên của một tổng thống Mỹ dàn dựng một cuộc đảo chính?
Nếu đó là một mưu toan đảo chính, thì đó là một mưu toan thảm hại và kém cỏi.
Từ các buổi điều trần, giờ đây ta biết rằng Trump không có cả đến sự ủng hộ của gia đình và bạn bè cũng như các nhân viên Nhà Trắng được lựa chọn cẩn thận của ông ta. Để thực hiện kế hoạch của mình (được gọi là “màn kịch của bọn hề”), ông ta phải dựa vào một nhóm cố vấn thân cận do Rudi Giuliani, một nhà sản xuất gối và một triệu phú dot-com dẫn đầu — không ai trong bọn họ ở trong chính phủ hay kiểm soát những "tài sản" quan trọng nhất (súng, xe tăng, máy bay, v.v.) cần thiết để tiếp quản một chính phủ. Trái ngược với hầu hết các cuộc đảo chính thành công trong lịch sử, Trump không có phe nhóm quân đội, không có phe nhóm Vệ binh Quốc gia, và không có phe nhóm Cảnh sát Thủ đô sẵn sàng để ông ta xử dụng.
Như ta đã biết trong một số buổi điều trần gần đây nhất, chính Phó Tổng thống Mike Pence mới là người đã tiếp xúc với quân đội và cảnh sát, và quan trọng nhất, quân đội và cảnh sát nhận lệnh từ Pence chứ không phải Trump, ông tổng tư lệnh! Trong suốt 187 phút từ lúc Trump kêu gọi đám đông tuần hành đến Điện Capitol đến lúc cho chiếu video nhẹ nhàng kêu gọi đám đông về nhà, ông ta không gọi cho quân đội, Vệ binh Quốc gia hay cảnh sát Thủ đô. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Tướng Mark Milley đã rất ngạc nhiên khi Trump không bao giờ gọi cho ông. Donald Trump có thực sự nghĩ rằng 2.000 người, nhiều người trong số họ không có vũ khí, có thể kiểm soát Điện Capitol chống lại lực lượng thực thi pháp luật và quân đội được huy động — tuy muộn, nhưng sau cùng đã xuất hiện? Cuộc bạo động nguy hiểm đến mức khiến cho Thượng nghị sĩ Josh Hawley, một trong những người ủng hộ trung thành nhất của ông, đã phải chạy thục mạng trốn qua các đại sảnh của Quốc hội, Trump thực sự nghĩ rằng một cuộc bạo động như vậy sẽ có được sự ủng hộ cần thiết của Đảng Cộng hòa để thành công? Trump thực sự nghĩ rằng một cuộc bạo động có thể buộc các nhà lãnh đạo Quốc hội, những người lúc đó đang ở trong địa điểm an toàn của Điện Capitol cùng với Phó Tổng thống Pence, phải trì hoãn nhiệm vụ hiến pháp của họ?
Nhưng một mưu toan đảo chính kém cỏi vẫn có thể là phản quốc — được định nghĩa là "sự phản bội đất nước của chính mình bằng cách cố gắng lật đổ chính phủ qua việc tiến hành chiến tranh chống lại nhà nước hoặc trợ giúp vật chất cho kẻ thù." Nhiều người lý luận rằng Trump đã phạm tội phản quốc, đặc biệt là vì định nghĩa về tội phản quốc chỉ đơn giản là "mưu toan" không thành công trong việc lật đổ chính phủ. Tuy nhiên, có những lý do khác để truy tố ông ta. Ông ta có thể bị truy tố vì "cản trở một thủ tục chính thức" trong nỗ lực ngăn chặn cuộc bỏ phiếu của Cử tri đoàn. Ông ta có thể bị truy tố vì “âm mưu lừa gạt Hoa Kỳ” vì có nhiều âm mưu khác nhau nhằm lật ngược cuộc bầu cử. Ông ta có thể bị truy tố về tội “sao nhãng nhiệm vụ” vì từ chối can thiệp để ngăn chặn cuộc tấn công vào Điện Capitol. Ông ta có thể bị truy tố vì tội “kích động một cuộc nổi dậy”. Phần 3 của Sửa đổi thứ 14 (14th Amendment) Hiến pháp Hoa Kỳ được thông qua sau Nội chiến để ngăn chặn những người thuộc phe ủng hộ miền Nam sẽ không bao giờ được tái tranh cử. Nó quy định: “Không ai được… nắm giữ bất kỳ chức vụ nào, dân sự hay quân sự, ở Hoa Kỳ, hoặc ở bất kỳ tiểu bang nào, những người trước đây đã tuyên thệ… ủng hộ Hiến pháp Hoa Kỳ, nay tham gia vào cuộc nổi dậy hoặc nổi loạn chống lại.”
Đối với một số người, quyết định khởi tố là dễ dàng; không ai đứng trên luật pháp, kể cả Donald Trump, và quyết định truy tố chỉ cần dựa trên bằng chứng. Nhưng đối với những người khác, truy tố một cựu Tổng thống Hoa Kỳ có những người ủng hộ có lòng trung thành gần như sùng bái là một quyết định với hậu quả to lớn. Một vụ truy tố thành công khiến Donald Trump có thể bị ngồi tù một thời gian, liệu nó có làm Trump trở thành một kẻ tử vì đạo và làm trầm trọng thêm những chia rẽ xấu xa mà ông ta đã gây ra trên đất nước? Việc truy tố sẽ diễn ra dưới sự quản lý của Bộ Tư pháp chính quyền Biden, chắc chắn sẽ làm nẩy sinh thêm những người theo thuyết âm mưu thậm chí còn bạo lực hơn.
Liệu hồi kết của ván cờ có thực sự đưa ông ta vào tù, như Dân biểu Liz Cheney đã duy trì từ đầu, để đảm bảo rằng Trump sẽ không bao giờ ở trong vòng 1000 feet nhiệm kỳ tổng thống nữa?
Tuy không đề cập đến cuộc truy tố nào, các buổi điều trần dường như đang làm suy yếu Trump. Mới đây cuộc thăm dò của NYT/Sienna đã nâng Thống đốc bang Florida Ron DeSantis lên vị trí thứ hai sau Trump trong số các cử tri sơ bộ của Đảng Cộng hòa năm 2024. Bài báo chỉ ra rằng “Phần phiếu ông ấy được trong bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng hòa ít hơn Hillary Clinton trong số các đảng viên Dân chủ khi bắt đầu cuộc đua năm 2016, bà ấy được xem là người chắc chắn về đầu, nhưng cuối cùng lại bị lôi cuốn vào cuộc tranh cử sơ bộ kéo dài chống lại Thượng nghị sĩ Bernie Sanders của Vermont.” Và trong các cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng hòa cho Quốc hội cho đến nay, Trump đạt được một kết quả không rõ ràng. Các ứng cử viên được ông ta ủng hộ đã thắng trong một số cuộc đua sáng giá như cuộc bầu cử sơ bộ tại Thượng viện của Đảng Cộng hòa ở Ohio và thua những người khác như Thống đốc và bộ trưởng bộ Nội vụ trong cuộc bầu cử sơ bộ đảng Cộng hòa của bang Georgia.
Khởi tố Trump không phải là vấn đề đơn giản để xác định xem liệu có bằng chứng hay không. Đó là một câu hỏi nằm trong một vấn đề lớn hơn là làm thế nào để khôi phục và bảo vệ nền dân chủ Mỹ. Ủy ban điều tra Quốc hội ngày 6 tháng 1 đã thực hiện một công việc đáng ngưỡng mộ cho đến nay khi kết luận rằng Trump không xứng đáng với chức vụ. Họ đã dẫn đường. Trong một thế giới lý tưởng, các cử tri sẽ đồng ý với một phán quyết cuối cùng.
Nguồn: Should Donald Trump be prosecuted?