Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2022
Ngô Nhân Dụng: Nếu ông Biden không tranh cử nữa?
Mấy năm gần đây, những nhà chính trị nổi bật trong đảng Dân chủ là Dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez (N.Y.), các Nghị sĩ Elizabeth Warren (Mass.), và Bernie Sanders (Vermont). Trước mắt dân Mỹ họ đều thuộc cánh cực tả. Năm nay, trước viễn tượng có thể thua đậm trong cuộc bầu cử quốc hội, đảng Dân chủ đang cố gắng xóa bỏ hình ảnh đó, do chính các cử tri của họ thúc đẩy, và được ông tổng thống ủng hộ.
Năm nay đảng Dân chủ đang lo sẽ thua đậm vì uy tín của Tổng thống Joe Biden xuống thấp. Ứng cử viên Dân chủ đã mất chức thống đốc Virginia, và suýt nữa cũng thua ở New Jersey. Một nguyên nhân quan trọng là cả đảng Dân chủ mang hình ảnh thiên tả, có thể cực đoan. Họ cần xóa bỏ “nhãn hiệu” này trong mắt người dân bình thường.
Thành phố New York, một thành trì của đảng Dân chủ, đã thay đổi. Phái tả không đưa ra được một ứng viên nào để giành với ông Eric Adams trong chức thị trưởng. Ông Adams, một cựu cảnh sát trưởng, công nhận rằng các vụ sát nhân trong thành phố gia tăng là do chủ trương “cải tổ ngành cảnh sát” theo hướng cực tả. Adams chủ trương phải tăng số cảnh sát và thanh trừng các tội phạm mạnh hơn, thi hành ngay, đáp ứng dư luận cử tri.
Cử tri đã bày tỏ thái độ, rõ rệt nhất như cuộc bỏ phiếu bãi nhiệm Công tố viên Chesa Boudin ở San Francisco vào đầu tháng Sáu. Ba năm trước, ông Boudin được bầu lên ở thành phố được coi là cấp tiến nhất nước, ông đã đưa ra các chính sách cực tả trong việc bảo vệ trật tự, an ninh. Ông Boudin áp dụng chính sách ân xá, hạ thấp số tù nhân và không truy tố nhiều tội phạm ông coi là nhẹ. Nhưng cuối cùng, khi các biện lý dưới quyền ông báo động tình trạng bất an, cử tri San Francisco đã bỏ phiếu truất quyền ông Boudin. Trong cùng thời gian đó, họ cũng bỏ phiếu bãi nhiệm ba vị cấp tiến nhất trong hội đồng giáo dục. Các công dân gốc Á châu, lâu nay vẫn nghiêng về phía đảng Dân chủ, đi đầu trong phong trào này.
Đó cũng là một khuynh hướng đang lên trong cả tiểu bang California. Tại Quận Cam (Orange County) một biện lý Cộng Hòa, Todd Spitzer, đã đánh bại đối thủ Dân chủ. Ở Sacramento, biện lý Thiên Hồ, nổi tiếng sau vụ bắt Joseph D’Angelo, một nghi can trong nhiều vụ giết người và hãm hiếp, đã đánh bại một đối thủ cánh tả.
Elaine Kamarck: Donald Trump có nên bị truy tố? (Nguyễn Đức Tường biên dịch)
2022 07 22
Nguồn: Should Donald Trump be prosecuted?
Elaine C. Kamarck là Nghiên cứu viên cao cấp trong chương trình Nghiên cứu Quản trị đồng thời là Giám đốc Trung tâm Quản lý Công hiệu quả tại Viện Brookings. Bà là một chuyên gia về chính trị bầu cử Hoa Kỳ và sự đổi mới và cải cách của chính phủ ở Hoa Kỳ, các quốc gia OECD và các nước đang phát triển. Bà tập trung nghiên cứu về hệ thống đề cử tổng thống và chính trị Mỹ và đã làm việc trong nhiều chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ. Kamarck là tác giả của “Primary Politics: Everything You Need to Know about How America Nominates Its Presidential Candidates" và “Why Presidents Fail And How They Can Succeed Again.” Kamarck cũng là Lecturer in Public Policy at the Harvard Kennedy School of Government.
Sau tám buổi điều trần ở Quốc hội điều tra vụ bạo động ngày 6 tháng Giêng tại Điện Capitol, điều rõ ràng là đã có đủ bằng chứng để truy tố Donald Trump về nhiều tội danh khác nhau. Ủy ban điều tra có thể chuyển vụ việc này đến Bộ Tư pháp để truy tố, nhưng hành động này thực sự không cần thiết. Bộ Tư pháp có thể quyết định truy tố bất cứ lúc nào, bất kỳ tội danh nào mà họ có đủ bằng chứng. Hơn 800 người đã bị buộc tội liên quan đến các sự kiện ngày 6 tháng 1 — mặc dù hầu hết đã bị buộc tội với các tội danh nhẹ hơn. Cho đến nay, chỉ có 50 người đã nhận tội với các cáo buộc trọng tội.
Nhưng từ đầu, vấn đề không phải là những gì mà 10.000 người đến Washington DC để biểu tình biết hay thậm chí 2.000 người tham gia cuộc biểu tình bên trong tòa nhà Capitol biết. Tất cả vấn đề là tổng thống đã biết những gì và ông ấy dự định làm gì? Đây có phải là một cuộc biểu tình vượt quá tầm kiểm soát? Hay đó là mưu toan đầu tiên của một tổng thống Mỹ dàn dựng một cuộc đảo chính?
Nếu đó là một mưu toan đảo chính, thì đó là một mưu toan thảm hại và kém cỏi.
Từ các buổi điều trần, giờ đây ta biết rằng Trump không có cả đến sự ủng hộ của gia đình và bạn bè cũng như các nhân viên Nhà Trắng được lựa chọn cẩn thận của ông ta. Để thực hiện kế hoạch của mình (được gọi là “màn kịch của bọn hề”), ông ta phải dựa vào một nhóm cố vấn thân cận do Rudi Giuliani, một nhà sản xuất gối và một triệu phú dot-com dẫn đầu — không ai trong bọn họ ở trong chính phủ hay kiểm soát những "tài sản" quan trọng nhất (súng, xe tăng, máy bay, v.v.) cần thiết để tiếp quản một chính phủ. Trái ngược với hầu hết các cuộc đảo chính thành công trong lịch sử, Trump không có phe nhóm quân đội, không có phe nhóm Vệ binh Quốc gia, và không có phe nhóm Cảnh sát Thủ đô sẵn sàng để ông ta xử dụng.
Hoàng Xuân Trường: Nguyễn Xuân Vinh - Một đời Người trong Chuyến Bay Siêu Thanh
Nhan đề “Một đời người trong chuyến bay siêu thanh” (A Life In Supersonic Flight) là đề tựa của một bài viết của ba giáo sư Aron A Wolf (giáo sư đại học Cal Tech),, Daniel J. Scheeres (giáo sư đại học Colorado, một môn đệ của giáo sư Vinh)) và Ping Lu (giáo sư đại học UC San Diego) trong tập san của Hội Những Nhà Khoa Học Không Gian Hoa Kỳ (Amarican Astronomical Society) số 18-126 và website www,trs.jpl.nasa.gov để tôn vinh giáo sư Nguyễn Xuân Vinh.
Tôi đọc bài viết này khi được tin giáo sư Vinh vừa qua đời vì tôi có cơ may được tiếp xúc với ông khoảng chục lần (phải nói thêm là mỗi lần khoảng trên dưới 5 phút !! ), và khi thấy tên ông, một người mà tôi kính trọng và cảm phục, tôi lại nhớ tới những tiếp xúc ngắn ngủi với ông, tôi thấy giờ đây chúng trở nên quí giá.
Tôi được biết về giáo sư Vinh rất sớm, khoảng năm 1959, khi tôi mới khoảng 14,15 tuổi, ở với ông anh là sĩ quan Không Quân trong Tân Sơn Nhất và thường thấy ông ngồi xe (Peugeot hay Citroen) màu đen có tài xế lái đưa ông đi làm. Thời gian đó cũng là lúc tôi được đọc cuốn Đời Phi Công của ông. Văn pháp của cuốn sách giản dị, nhưng trong sáng và thơ mộng như những bài tản văn, rất hấp dẫn với một học sinh mới lớn. Ngoài cuốn sách, tôi còn đọc những bài viết (hay dịch) của ông trên báo Phụng Sự của quân đội hồi đó như cuộc đời phi công Richard Bong, về đô đốc Yamamoto, về trận Trân Châu Cảng. Trong bài viết về trận Trân Châu Cảng, ông có làm mấy câu thơ tưởng niệm những phi công Nhật mà giờ đây tôi còn nhớ:
Như những cánh hoa anh đào tan vỡ
Xuôi trùng dương, theo vạn nẻo về đâu
Vịnh Trân Châu, muôn lớp sóng bạc đầu
Đem tro bụi ai xuôi về cố lý
Hai năm sau, khoảng 1960, tôi lại “thấy” ông lần nữa trong dịp ông dẫn đầu một phái đoàn Không Quân đến hai trường Petrus Ký và Chu Văn An nói chuyện về KQ, có lẽ để “dụ” mấy anh sắp thi tú tài đi KQ. Sau đó được biết ông từ chức và đi Mỹ.
Phạm Tín An Ninh: Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh Và Trường Trung Học Võ Tánh Nha Trang
Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh vừa mới qua đời vào lúc 2 giờ 39 phút chiều ngày 23 tháng 7 năm 2022 tại tư gia, thành phố Costa Mesa - California, hưởng thọ 92 tuổi. Người ta biết danh và hết lòng ngưỡng mộ, không chỉ vì ông là một nhà toán học tài ba, một khoa học gia không gian lỗi lạc, đã đóng góp nhiều công trình quí giá cho nhân loại, mà còn từng ái mộ ông là một nhà văn dưới bút hiệu Toàn Phong với tác phẩm nổi tiếng Đời Phi Công, ra đời năm 1959, nhận được giải thưởng văn chương toàn quốc, và được giới thiệu trên Le Journal d’ Extrême-Orient của Pháp, khi ông đang là vị Tư Lệnh Không Quân trẻ tuổi nhất của QLVNCH (28 tuổi).
Một con người vĩ đại như vậy, với cá nhân và ngòi bút quá nhỏ bé của mình, tôi thực sự không thể (và cũng không dám) viết điều gì về ông, ngay cả với danh nghĩa là một đứa học trò nhỏ nhất. Bởi vì trên thực tế, tôi chưa và không bao giờ được vinh dự làm học trò của ông, mặc dù ông đã từng dạy ở ngôi trường trung học mà tôi có thời theo học (nhưng khi tôi chuyển vào lớp đệ Tam thì ông đã rời khỏi nơi này cả mấy năm trước đó). Điều duy nhất mà tôi có thể viết, đó là niềm hãnh diện, sự cảm kích và lòng biết ơn về tình quí mến mà ông đã đặc biệt dành cho. Mặc dù ông khiêm nhường bảo đó là tình đồng ngũ và thầy trò.
Lần đầu tiên, cách nay khoảng 15 năm, một hôm tôi rất bất ngờ và ngạc nhiên khi nhận được điện thư của ông gởi thăm, nói vài cảm nghĩ sau khi đọc một vài câu chuyện của tôi viết về đời quân ngũ, những năm tháng tù đày và đặc biệt là những kỷ niệm về Nha Trang, cùng ngôi trường Võ Tánh mà tôi từng theo học trước kia. Ông cho biết những bài viết ấy đã gây cho ông nhiều cảm xúc, về một cuộc chiến mà ông không có mặt để cùng gánh vác, sẻ chia trong những thời điểm tàn khốc và bất hạnh nhất, và một thành phố biển đẹp đẽ thơ mộng đã làm cho ông cảm thấy được an ủi, thú vị trong hơn một năm ông bị “đi đày”, khi còn mang cấp bậc trung úy, và cũng ở đó ông rất vui với công việc dạy Toán cho học sinh lớp Đệ Nhị của một trường trung học, đã để lại trong ông nhiều kỷ niệm đáng nhớ.
Nguyễn Văn Tuấn: Ông Tô Văn Lai (1937 – 2022) ‘đi mang theo quê hương’
Ông Tô Văn Lai (1937 – 2022), người sáng lập Trung tâm Thuý Nga. Ảnh của báo Người Việt. |
Ông Tô Văn Lai, một trong những người có ảnh hưởng lớn đến đời sống âm nhạc và văn hoá ở hải ngoại, mới qua đời ở tuổi 85. Ông để lại cho đời một sân khấu mang tên ‘Thuý Nga Paris by Night’ như là một tài sản tinh thần của hàng trăm triệu khán giả trong và ngoài nước.
Kỉ niệm những ngày đầu xa quê
Dạo đó (đầu thập niên 1980s), tôi mới định cư ở Úc và quần quật làm lại cuộc đời ở quê hương mới, nên ít khi nào chú ý đến nhu cầu văn nghệ. Bạn bè gặp nhau ngày cuối tuần thì chủ yếu là ăn uống và ca hát theo kiểu ‘cây nhà lá vườn’. Người cầm đờn, kẻ nghêu ngao ca hát những ca khúc nổi tiếng thời trước 1975 hay những ca khúc thương nhớ về quê nhà mà chúng tôi nghe được từ bên trại tị nạn. Đời sống âm nhạc và văn hoá của người Việt xa xứ thời đó chỉ có vậy.
Video ca nhạc “Paris by Night” đầu tiên của Trung tâm Thuý Nga phát hành vào năm 1983. |
Nguyễn Văn Lục: Tưởng nhớ Tô Văn Lai. Một người bạn cùng lớp Đại Học Sư Phạm Triết Đà Lạt
Tôi viết với tư cách một trong những người bạn lâu năm của Tô Văn Lai về những gì còn nhớ trong tình trạng hiện nay bạn bè cùng lớp rơi rụng gần hết. Và chỉ còn dăm người còn liên lạc với nhau: Trương Đình Tấn, Phạm Phú Minh, còn có bút hiệu Phạm Xuân Đài, Nguyễn Văn Lục, Minh Pat Boone, Vĩnh Phiếu, Hồ Công Danh (ở trong nước). Tôi cũng xin nói thật là tôi e ngại viết về một người bạn đã thành đạt ở một tầm kích vượt trội từ trong nước ra hải ngoại. Sự e ngại ấy có cái lý của nó. Hễ một người có danh vọng, khi nằm xuống thì sẽ có nhiều người lên tiếng ca ngợi như một thứ “Văn chương phúng điiếu”. Ca ngợi người mà chính là gián tiếp cho mình. Tôi cũng chẳng muốn làm công việc mà bạn mình không cần. Nhiều khi người chết cũng chẳng cần thứ gia tài đó. Vì thế, tôi ráng giữ nguyên tắc cho riêng mình là: Bài học ngữ pháp về tang chế (Grammaire du Deuil). Như thế rồi thì tôi có thể thong dong viết về bạn mình.
Trước hết, xin nói qua về việc thành lập Đại học Đà Lạt nơi chúng tôi đã thành đạt. Nó chỉ bắt đầu từ niên khóa 1957-1958 với hai ban Đại học Sư phạm quốc gia : Triết Học và Pháp Văn. Cơ sở trường Đại Học Đà Lạt vốn là Trung tâm an dưỡng của Sĩ quan Pháp có tên là Camp Robert. Camp Robert có hai khu. Một ở phía trường Yersin, một phía trong rừng, xa thành phố, rộng 40 mẫu, nơi có 40 ngôi nhà lớn nhỏ. Nơi đây được gọi là Thụ Nhân (trồng người) đã đào tạo tất cả chúng tôi thành những trí thức miền Nam, đi gieo trồng môn triết học lan tỏa khắp các tỉnh thành miền Nam (Xem thêm đầy đủ bài của Đỗ Hữu Nghiêm (Kỷ niệm 10 năm Viện Đại Học Đà Lạt).
Từ cơ sở ấy, linh mục Nguyễn Văn Lập đã nhiều năm xây dựng và phát triển nên cơ ngơi ngày hôm nay. Nhất là khi mở thêm phân khoa chính trị, Kinh Doanh mà sỉ số sinh viên lên cả ngàn.
Số giáo sư giảng dạy về môn Triết còn nhớ được
Thật ra, việc học ra trường với thứ bậc cao thấp chẳng có gì để đáng nói. Chỉ cần chăm một chút là có thể đạt được. Sự thành công sau này chủ yếu là lúc ra đời. Việc học chỉ là giai đoạn chuẩn bị như bước nhảy vào đời. Nó giống như cái ván nhún trong hồ bơi (tremplin). Cái vấn đề không phải là cái ván nhún, mà là sự thao luyện giày công trong nhiều tư thế nhào lộn đúng chuẩn mực, để ngụp sâu và ngoi dậy. Sự thành công bao giờ cũng có giá phải trả bằng nhiều cách khác nhau.
Phạm Phú Minh: Bơi Qua Hồ Xuân Hương Giữa Đêm Khuya
Diễm Thi, RFA: Hà Nội có thật lòng muốn “hoà hợp, hoà giải dân tộc” qua vụ ông Tô Văn Lai?
Ông Tô Văn Lai. Facebook Thuy Nga - Paris By Night |
Chuyện không lạ?
“Tất cả các báo đều viết về ông Tô Văn Lai, chỉ có báo VietNamNet và báo Nhân Dân là không đăng thôi. Nhưng các báo kia đăng buổi sáng và đến buổi trưa là đồng loạt gỡ xuống hết. Theo tôi, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn nói hòa hợp, hòa giải dân tộc và không còn sự đố kỵ những người chế độ cũ, những người Việt ở nước ngoài…nhưng cách hành xử của họ thì khác hẳn."
Đó là nhận định của ông Thái Văn Đường, người thường xuyên theo dõi và đưa tin về những bất công trong xã hội Việt Nam, với RFA trong ngày 21 tháng 7 năm 2022, ba ngày sau khi ông chủ Trung tâm Thuý Nga qua đời tại Mỹ.
Hôm 19 tháng 7 năm 2022, sau khi ông Tô Văn Lai qua đời, các tờ báo lớn của Nhà nước Việt Nam như báo Thanh Niên, Pháp Luật, Người Lao Động, Dân Trí, Tiền Phong… đều có những bài viết về ông rất kịp thời. Tuy nhiên, chỉ vài tiếng sau, tất cả các tin, bài đã bị rút xuống, không còn có thể truy cập được mà không có lời giải thích.
Hai ngày sau đó, trên trang Facebook của báo Pháp Luật vẫn còn nội dung về sự qua đời của ông Tô Văn Lai và đường dẫn vào trang web nhưng hầu như không thể truy cập được.
Việc báo chí Nhà nước đồng loạt đăng tin rồi đồng loạt gỡ không phải là chuyện lạ.
Cách đây hai năm, báo chí Việt Nam đăng thông tin Thủ tướng lúc đó là ông Nguyễn Xuân Phúc khen ngợi bài thơ trong phong trào chống COVID-19 của cô giáo Chu Ngọc Thanh có tựa “Đất nước ở trong tim”. Nhưng chỉ sau vài tiếng, các bài viết trên đều đồng loạt bị gỡ bỏ. Có ý kiến cho rằng, do bài thơ có vần điệu hơi giống bài “Đất nước mình ngộ quá phải không anh?” của cô giáo Trần Thị Lam sáng tác năm 2016 và bị Công an Hà Tĩnh “nhắc nhở” không nên phát tán, tạo hiệu ứng xấu cho xã hội.
Trần Mộng Tú: Sợi Ngắn Sợi Dài
Nguyễn Hưng Quốc: Đường Vào Văn Học (2)
Bỏ thơ, tôi chuyển sang viết văn xuôi. “Tác phẩm” đầu tay của tôi là một cuốn tiểu thuyết mang cái nhan đề rất dễ gây sốc: Thượng Đế cũng nói láo. Câu chuyện xoay quanh một thanh niên mất dần niềm tin vào Chúa. Đó là chuyện thật của tôi. Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình đạo dòng, ít nhất từ thời ông cố. Tất cả mọi người trong gia đình đều mộ đạo. Sáng nào ông nội tôi cũng khua mọi người dậy để đến nhà thờ xem lễ. Tối cũng thế, khoảng 8 giờ, cả nhà ngồi lại đọc kinh khoảng nửa tiếng. Nhưng không hiểu sao, đến khoảng năm lớp 11, niềm tin của tôi phai nhạt dần. Tôi cãi cọ với mọi người về giáo lý. Tôi lí nhí đọc kinh trong nhà một cách đầy miễn cưỡng.
Tôi mới viết được khoảng vài chục trang thì mẹ tôi biết. Một đêm, nửa khuya, lúc tôi đang ngủ say, mẹ tôi đến bên cạnh và khều tôi dậy. Mở mắt, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là một người đàn bà ngồi cạnh giường, tóc xoã dài xuống lưng, và phía sau là cánh cửa sổ mở toang, ánh trăng sáng vằng vặc. Ý nghĩ đầu tiên loé lên trong óc tôi: Ma! Nhưng dĩ nhiên là không phải. Lúc mẹ tôi lên tiếng, tôi thấy an tâm hẳn. Đêm ấy, mẹ tôi kể là bà không thể nào ngủ được vì lo cho linh hồn của tôi. Bà “van” tôi hãy đốt cuốn truyện đó. Thương mẹ, tôi hứa sẽ đốt. Mà thật, ngày hôm sau, tôi đem xấp bản thảo đút vào bếp lửa. Trước mắt mẹ tôi.
Dạo ấy, trong giới cầm bút trên thế giới, tôi mê nhất hai người: Fyodor Dostoevsky (1821-1881) và Friedrich Nietzsche (1844-1900). Cả hai đều mạnh mẽ, dữ dội, giọng văn lúc nào cũng hừng hực lửa. Tôi mê cuốn Zarathustra đã nói như thế, đọc tới đọc lui không biết bao nhiêu lần. Cuốn sách được một số người khen là cuốn Phúc Âm thứ năm của nhân loại. Tôi mơ viết một cuốn sách như thế. Tôi đặt nhan đề là Những bài giảng cuối cùng của Giu-đa. Cuốn sách mở đầu bằng cảnh, giữa khuya khoắt, Giu-đa ăn cắp thi thể Chúa Giê-su rồi vác đi chôn trong một khu rừng vắng. Trước khi lấp đất, Giu-đa nói với Giê-su: “Tôi không ân hận đã bán ông. Tuy nhiên, vì tình nghĩa thầy trò trong bao nhiêu năm, tôi giúp ông lần cuối: Ăn cắp cái xác của ông, tôi biến ông thành một huyền thoại. Từ nay trở đi ông sẽ bất tử.”
Ngự Thuyết: Người Rầu Mặt Dạn
Trên nhiều trang báo giấy hay báo mạng, thỉnh thoảng có những tấm hình gây xúc động mạnh. Những khuôn mặt dạn dày, mệt nhọc, bơ phờ; râu ria lởm chởm; đôi mắt lặng lẽ và buồn buồn. Vai thì súng ống nặng trĩu, mình thì áo giáp, áo trận trùm kín. Hình ảnh đó dễ khiến ta liên tưởng đến mấy câu thơ trong Chinh Phụ Ngâm:
Hơi gió lạnh người rầu mặt dạn
Dòng nước sâu ngựa nản chân bon
Đấy là hình ảnh của những người lính chiến Ukraine đang đem mạng sống chống lại quân xâm lăng hung tàn. Quả là có vài ba nét tương đồng giữa những người đó với bất cứ người lính chiến nào, kể cả người chinh phu trong Chinh Phụ Ngâm.
Tuy nhiên sự khác biệt cũng rất lớn. Là vì, trongcái dáng dấp “người rầu mặt dạn”nơi người chiến sĩ Ukraine hôm nay có ẩn giấu những nét ưu tư, và cả hoang mang lẫn căm thù. Vâng, tại sao lại có cuộc tiến quân “quá đột ngột, quá phi lý, quá quái đản” từ một nước láng giềng lớn mạnh gấp mấy mươi lần? Bỗng dưng, không một lời tuyên chiến, chúng kéo qua gần hai ngàn xe tăng, xe bọc sắt, tràn ngập con đường rất dài từ biên giới phía Bắc đến gần sát thủ đô, cùng với gần 200 nghìn quân sĩ súng đạn trang bị đến tận răng. Như bão táp, như sóng dữ, cuồn cuộn.
Chúng muốn gì? Muốn tràn ngập thủ đô của một nước nhỏ trong vài ba ngày, muốn ăn tươi nuốt sống nước đó trong vài ba tuần như chúng luôn miệng gào thét? Loài người đã biến thành loài thú dữ trong rừng hoang, lớn ăn thịt bé, mạnh giết chết yếu?
Vậy nước bị xâm lăng phải xoay xở cách nào đây để tìm cho ra con đường sống? Làm sao mà không lo âu cho được.
Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2022
Ngô Nhân Dụng: Joe Biden ngậm bồ hòn làm ngọt
VOA Tiếng Việt: Báo cáo Buôn người của Mỹ - Việt Nam không truy cứu trách nhiệm quan chức về lao động cưỡng bức
Blogger Viết Từ Sài Gòn: Tàu sắt răng cưa Đà Lạt, hãy cẩn thận với một Cát Linh - Hà Đông mới!
Tưởng nhớ bạn TÔ VĂN LAI
Xin điểm danh theo trí nhớ, từ trái qua phải : người thứ 2 Tô Văn Lai; thứ 4 Phạm Phú Minh (Phạm Xuân Đài); thứ 5 Trương Đình Tấn; thứ 7 Nguyễn Văn Lục; thứ 9 Hồ Công Danh; thứ 10 Nguyễn Thị Loan (nữ sinh viên duy nhất của lớp); Giáo sư Linh Mục Pineau (áo trắng); kế tiếp là Dương Văn Ba; người thứ tư từ DVBa là Huỳnh Thanh Tâm (nhà văn Huỳnh Phan Anh); kế tiếp là Huỳnh Đạt Bửu.
Phạm Thị Hoài: Buồn ơi, nhẹ thôi
Nguyễn Hưng Quốc: Đường vào văn học (1)
Tôi mê đọc sách rất sớm, có lẽ ngay từ những năm lớp 5 hay lớp 6 gì đó. Không hiếm những đứa bé bắt đầu đọc sớm như thế. Nhưng phần lớn đều bắt đầu với những trang báo thiếu nhi như Tuổi Hoa hay Tuổi Ngọc. Tôi thì khác. Với tư cách độc giả, tôi không có tuổi thơ. Loại sách tôi mê đọc đầu tiên trong đời, oái oăm thay, lại là... truyện chưởng. Nguyên nhân chủ yếu là do ông anh cả của tôi, lớn hơn tôi bảy tuổi, dạo ấy đang ghiền đọc loại này. Mỗi cuối tuần, anh lại tha về ba, bốn tập. Tôi đọc ké. Anh tôi không bao giờ đủ rộng lượng hay kiên nhẫn để chờ tôi đọc hết mới mang đi đổi các tập khác. Do đó, tôi phải cố gắng đọc nhanh ngang với tốc độ đọc của anh ấy. Và phải đọc nhảy: trong lúc anh đọc tập một thì tôi đọc tập hai; khi anh xong tập một thì tôi phải xong tập hai và chuyển sang tập ba để nhường tập hai lại cho anh. Cứ như thế, đến lúc anh đọc tập cuối cùng thì tôi quay lại đọc tập một. Chỉ vài năm sau là lượng sách trong tiệm cho thuê đã cạn. Và tôi cũng chán nữa: đọc riết, tôi khám phá ra năng lực tưởng tượng của các tác giả truyện chưởng cũng khá nghèo: các câu chuyện có thể khác nhau ở nhân vật và một số tình tiết nhưng kết cấu chung thì cứ như đúc từ một khuôn. Rất công thức. Rất đơn điệu. Và do đó, rất khả đoán.
Chán truyện chưởng, tôi quay sang đọc các loại sách văn chương nghiêm chỉnh. Tôi đọc gần hết các tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn, sau, lần lượt đọc các tác giả nổi tiếng ở Sài Gòn. Không hiểu sao, tôi lại nặng lòng với thơ hơn. Tôi không những đọc nhiều thơ, vô số thơ, mà còn làm thơ nữa. Dạo đó, tôi học trường Thánh Mẫu ở ấp Phước Thành, xã Hoà Khánh, quận Hoà Vang, Quảng Nam. Trường nhỏ, chỉ tới lớp 9. Thầy dạy Văn là thầy Vũ Công Cường, nói giọng Bắc, đọc thơ rất truyền cảm. Là một trong vài học sinh giỏi Văn nhất lớp, tôi rất được thầy thương. Làm được bài thơ nào tôi cũng đều đưa thầy đọc. Thầy khen ngợi rối rít. Có lúc thầy đọc lên cho cả lớp nghe. Không chỉ trong lớp tôi, thầy còn mang đọc trong các lớp khác. Nhờ thế, tôi nhanh chóng nổi tiếng là một “nhà thơ trẻ đầy triển vọng” trong cái trường cấp hai nhỏ xíu tập hợp những mảnh đời khốn khổ do chiến tranh xô đẩy tới.
Trần Hữu Thục: Donald Trump, kẻ lạ mặt
(LTG: Bài viết mang nhiều tính chất thời sự này là tổng hợp của bảy (7) bài viết của cùng tác giả về cựu tổng thống Donald Trump, kể từ ngày ông xuất hiện trên chính trường Hoa Kỳ vào năm 2015 cho đến tháng 2/2021 đi trên các trang mạng Da Màu, Văn Việt, Bâu Xít Việt Nam, Diễn Đàn Thế Kỷ, được nhuận sắc và cập nhật với những tin tức mới nhất trong thời gian vừa qua, trong cố gắng dựng lại chân dung sống động của một nhân vật lịch sử đương đại).
Đôi dòng lan man…
Donald Trump, sinh năm 1946, là một nhân vật lạ, hiếm.
Nhân dáng ông to, cao 6 feet 2 (gần 1 mét 9), chỉ thua có viên cựu giám đốc FBI James Comey (cao 6 feet 8). Bước chân vững. Giọng nói mạnh. Cả người toát ra một cái gì rất đàn ông. Lời phát ngôn nào của ông cũng nghe chắc như đinh đóng cột. Nói như máy nói. Nói không cần uốn lưỡi, dù chỉ là uốn một lần. Khi nói, trong lúc hai cánh tay xòe ra hai bên với hai bàn tay mở rộng, bao biện thì ngược lại, miệng ông thu nhỏ, tròn, gọn - một đặc điểm nổi bật mà đức Đạt Lai Lạt Ma chọn để diễn tả về ông khi được nhà báo Piers Morgan phỏng vấn trên truyền hình.
Chữ ký của Trump cũng khác lạ.
![]() |
Nó trông giống một đoạn hàng rào thép gai: lởm chởm, góc cạnh. Mấy chữ cái viết hoa (D,T,P) nhô cao hẳn lên, bất thường. Loại chữ ký như thế này, theo dân bói toán, cho thấy ông thuộc hạng người luôn luôn bị ám ảnh bởi thứ quyền hành của riêng mình. Chẳng mấy thân thiện hay cởi mở với người khác. Chẳng chịu nhường ai. Khi làm tổng thống, mỗi lần ký xong một “executive order”, ông đưa cao tài liệu cho ai cũng nhìn thấy rõ chữ ký của mình, với khuôn mặt sáng lên, kiêu hãnh và thỏa mãn. Với ông, me first. Ông hay tự khen mình. Tự khen khi chưa làm, tự khen trước khi làm và thậm chí tự khen cả khi…không làm được hay thất bại. Chẳng thế mà, trong một bài báo viết cho CNN, Michael D’Antonio gọi ông là một “tổng thống bé con” (a little boy president) [1]. Chính ông, ông cũng thú nhận là “Khi tôi nhìn vào chính tôi lúc còn học sinh lớp Một và nhìn tôi bây giờ, tôi thấy về căn bản vẫn là một người. Tính tình không có gì khác lắm.” Vâng, đúng là không khác. Có điều, cậu bé lớp Một ngày xưa có nói này nói nọ, cũng chỉ dính líu đến bản thân cậu bé, còn “tổng thống bé con” ngày nay, nhất cử nhất động đều ảnh hưởng đến toàn thế giới.
Nguyễn Lê Hồng Hưng: Hải Hành Mùa Đại Dịch (Chương 7)
Quần đảo Stockholm có cả chục ngàn hòn đảo, tàu bè từ ngoài khơi vô ra Stockholm phải lòn lách qua những hòn đảo lớn nhỏ. Nhứt là những ngày mùa xuân và mùa hè, khí trời mát mẻ giống như những ngày gió chướng của vùng biển trời vịnh Rạch Giá hướng ra hòn Tre, Sơn Rái, Cổ Tron và quần đảo Phú Quốc của quê hương. Trời trong vắt, quang cảnh hấp dẫn làm tôi say mê đứng ngắm tới khi bình minh ửng sáng phía chơn trời thì nghe tiếng của máy cuốn dây, đoán biết thủy thủ đã chuẩn bị dây chạc cho tàu ghé bến. Bấm điện thoại xem đồng hồ thì đã gần năm giờ sáng. Tôi xuống phòng bếp pha một bình cà phê và rót một tách bưng lên phòng riêng, hớp một miếng cà phê đắng cho tỉnh táo tinh thần, để tách lên bàn và đi tới vẹt màn cửa sổ cho ánh sáng bên ngoài tràn vô rồi day qua tắt đèn phòng.
Cũng như thường ngày, tôi ngồi vào bàn và mở laptop, lướt mạng tìm đọc những thông báo mới và có bài nào cần lưu, tải xuống laptop dành khi ra khơi rảnh rang mở ra đọc. Đương rà chuột chợt hiện ra thông báo cái email của ông anh ở Việt Nam, hơi thắc mắc vì anh của tôi hổng biết xài điện thoại thông minh, hồi nào tới giờ hễ mỗi lần muốn gọi ảnh phải nhờ con, cháu bấm máy dùm, chỉ biết nói chuyện chớ không biết nhắn tin hay viết mail, hổng biết có chuyện gì không, định mở mail ra đọc thì có tiếng gõ cửa nhè nhẹ. Tôi đứng lên đi lại hé cửa thấy Brandon, phụ máy, người Hoà Lan đứng ngoài cửa, tay bưng tách cà phê, tươi cười hỏi:
– Ngồi chơi chút được không?
– Dĩ nhiên.
Mở rộng cánh cửa cho Brandon bước vô và chỉ chiếc ghế bên góc bàn mời nó ngồi. Brandon ngồi xuống và nói:
- Tàu tới Hamburg tui với ông và thuyền phó được về.
- Vậy là thuyền phó bay về Nga, còn tao với mày đi chung chuyến xe lửa về Hoà Lan.
- Trên tàu tui và ông là người Hoà Lan, mình về rồi còn lại người Nga với In Đô.
- Estonian nữa.
Brandon rụt vai một cái nói:
- Estonian và người Nga cũng như nhau.
Xuân Đỗ: Ám Ảnh
“ Mea Cumpa, Mea Cumpa. Mea Maxima Cumpa”
(Lỗi tại tôi. Lỗi tại tôi. Lỗi tại tôi mọi đàng)
Lân dựng chiếc xe Honda ngoài cổng, chạy vội vào nhà Thảo. Người chị từ trong nhà chạy ra, nói:
- Thảo có dặn chị, Lân đến, bảo em chạy đến bệnh viện Chợ Rẫy. Ba chị đang nằm nhà thương trong đó. Bệnh tim của ba tái phát, mẹ và Thảo đưa ba vào nhà thương ngay sáng nay. Bệnh tim của ba là vậy. Có việc gì làm ba xúc động mạnh, là có rắc rối. Lần này có vẻ nặng.
Lân ngẩn ngơ một lúc, rồi hỏi chị:
- Thảo có nói gì với chị, hoặc ba me, về việc ra đi không?
Người chị gật đầu:
- Có. Hồi tối cả nhà ngồi bên ba nói chuyện. Ba bảo tình hình nguy cấp lắm rồi, bảo Thảo nên ra đi với Lân, dẫn theo thằng Lực, vì ở lại là chết chùm. Nhưng sáng nay ba bị ngất xỉu, đưa vào bệnh viện, sống chết không biết ra sao, nên việc ra đi của em Thảo và thằng Lực theo em, chị không biết ba me, Thảo quyết định ra sao. Tốt hơn hết em chạy gấp lại nhà thương đi.
Lân chào chị, cầm cái tờ giấy địa chỉ phòng bệnh viện, nhảy lên xe Honda, chạy vù đi trong đường sá đầy người, xe cộ chen nhau. Bước vào phòng bệnh, Lân đi nhè nhẹ đến gần giường ba Thảo đang nằm, người ông như quấn đầy dây nhợ, các ống dẫn chuyền máu, ống chuyền nước biển. Bà cụ và Thảo nghe tiếng mở cửa nhìn lên. Thảo bước nhanh lại phía Lân, lắc đầu. Lân chỉ vào đồng hồ đeo tay, ra dấu, mình chỉ còn chưa tới nửa giờ, để ra đi hay không. Thảo lại lắc đầu, cắn môi để khỏi bật ra tiếng khóc, sợ ông cụ nghe. Không hiểu sao ông cụ đưa cánh tay đầy dây nhợ, huơ huơ, như muốn nói gì đó. Bà cụ kê tai sát để đoán thử ông muốn gì. Ông lại huơ huơ cánh tay, ra dấu. Bà cụ vội để cây viết và tờ giấy sát tay ông. Ông viết nguệch ngoạc:
- Thảo, Lực đi mau với anh Lân. Lân thay ba me dìu dắt hai em nên người. Đi mau đi. Các con thoát đi được, ba có chết cũng an tâm. Đi đi!
Hình như ông dốc hết tàn lực viết các chữ xong, cây viết rớt xuống giường. Thảo cầm tờ giấy, đầy chữ của ba, khóc thảm thiết. Bà cụ cũng lau nước mắt bằng tay mình, khoát tay ra dấu cho ba đứa con ra đi gấp. Thảo và Lực chạy lại, theo cái ngoắt tay của mẹ, vùi đầu vào ôm ba, rồi chạy ra theo Lân.
Y Chan: Đọc “xã hội hài hòa” của Trung Quốc - Biết để soi mình, hiểu để rùng mình
Một xã hội hài hòa trong lý tưởng, hay thế giới rừng xanh thời hiện đại?
Bạn hỏi cưới người mình mong muốn. Đám cưới chuẩn bị diễn ra. Nhưng bố mẹ vợ chưa yên tâm, tìm đến chính quyền hỏi về “điểm số xã hội” của con rể tương lai. Hạnh phúc trăm năm của bạn vì vậy vẫn treo lơ lửng.
Bạn tìm được một ngôi trường lý tưởng để gửi gắm con. Đứa trẻ cũng thích thú với môi trường mới. Bạn có mọi điều kiện như những phụ huynh khác. Nhưng khi nộp đơn, trường từ chối nhận con bạn với lý do “điểm số xã hội” của cha mẹ thấp hơn tiêu chuẩn.
Với cùng lý do “điểm số xã hội” không đạt chuẩn, bạn có thể bị cấm đi máy bay ra nước ngoài, bị cấm đi xe lửa qua tỉnh khác, thậm chí bị cấm không được bước vào quán ăn ở đầu ngõ.
Những ai trong tình cảnh trên giống như đang bị cầm tù dù không ở đằng sau song sắt – đó là thứ ai cũng dễ nhìn thấy.
Điều mà nhiều người không nhìn ra, hay không muốn nhìn ra, là bất kỳ ai ở trong một môi trường như vậy đều là những tù nhân, hay nói khó nghe hơn, là những nô lệ thời hiện đại.
Quyển sách “We Have Been Harmonized: Life in China’s Surveillance State” của Kai Strittmatter, nhà báo Đức đã dành hơn một thập niên tìm hiểu về Trung Quốc, giúp người đọc hình dung chi tiết về một xã hội như vậy.
Đó là nơi được gắn nhãn “xã hội hài hòa” nhưng lại mang đầy đặc điểm của một thế giới rừng xanh thời hiện đại.
Đầy tớ và các ông chủ
Những trường hợp kể ra lúc đầu, được lấy trong sách, là những gì đã và đang diễn ra ở nhiều nơi tại Trung Quốc.
Các điểm số ở đây nằm trong một thứ được gọi là “hệ thống tín dụng xã hội” (social credit system).
Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2022
Ngô Nhân Dụng: Bao giờ Donald Trump trở lại?
Cuối năm nay đảng Cộng Hòa có thể tái chiếm đa số ở hai viện quốc hội Mỹ. Bình thường, đảng của vị tổng thống đương nhiệm đều mất phiếu trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Năm nay, Tổng thống Joe Biden còn khiến đảng Dân chủ suy yếu hơn. Số dân chúng tỏ ý hài lòng về ông Biden xuống thấp, từ 38% đến 33%. Giá xăng dầu, thực phẩm lên cao, lạm phát 9.1%, đến sữa bột nuôi trẻ cũng khan hiếm. Ba phần tư dân Mỹ nghĩ rằng đất nước đang đi xuống.
Cứ tình hình này, đảng Cộng Hòa chiếm lợi thế tuyệt đối; nếu dân Mỹ chỉ nghĩ đến đời sống thực tế khi bỏ phiếu.
Nhưng chưa ai biết chắc. Mọi người còn chờ coi cựu Tổng thống Donald Trump sắp làm gì. Ông có thể tái xuất trước công chúng, tuyên bố sẽ tranh cử lần nữa năm 2024. Cái tên và hình ảnh ông Trump sẽ trở thành tin thời sự lớn nhất, như ý ông vẫn muốn.
Ông Donald Trump có thể sẽ giữ kín quyết định sẽ tái tranh cử hay không. Xưa nay chưa có ứng cử viên tổng thống nào chính thức công bố ý định tranh cử sớm hơn 2 năm. Vì càng tranh cử lâu thì càng dễ lộ các nhược điểm; và nhiệt tình của những người ủng hộ sẽ lạt dần theo thời gian. Nếu ông Trump đã quyết định sẽ không tranh cử năm 2022, chắc chắn ông sẽ không nói cho ai biết. Giữ bí mật là giữ luôn được uy thế đối với đảng Cộng Hòa; các nhà chính trị ai cũng lo chiếm cảm tình của mình. Hơn nữa, còn triển vọng làm tổng thống thì nhiều người vẫn tiếp tục góp tiền vào quỹ tranh cử của ông. Ông mới phải xin tòa án cấm các ứng cử viên khác không được dùng tên ông để gây quỹ.
Nhưng giữ bí mật cũng có cái bất lợi. Là có thể khiến bị người ta dần dần quên mình, khi các người nuôi tham vọng làm tổng thống trong đảng Cộng Hòa vẫn tích cực hoạt động và ngày càng vận động mạnh hơn.
Có nhiều lý do khác khiến ông Trump không giữ bí mật nữa, nếu ông nuôi ý định trở lại Tòa Bạch Ốc.
Thứ nhất, cần ngăn chặn những người muốn giành vai trò ứng cử viên tổng thống Cộng Hòa năm 2024. Phải chặn sớm trước khi uy tín của mấy người đó lên quá cao. Nhiều người không chính thức đi vận động, nhưng ai cũng biết họ muốn ứng cử tổng thống trong hai năm nữa: Cựu phó Tổng thống Mike Pence, cựu bộ trưởng Mike Pompeo, các Nghị sĩ Josh Hawley, Ted Cruz, Ben Sasse, Tom Cotton, các thống đốc như Ron DeSantis ở Florida, Doug Ducey ở Arizona, vân vân.