Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2022
Bs Phan Thượng Hải: Thơ Và Việt Sử - Nguyễn Đình Chiểu
Kháng Pháp ở Nam Kỳ
CHẠY TÂY Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây Một bàn cờ thế phút sa tay Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy Mất ổ bầy chim dáo dác bay Bến Nghé của tiền tan bọt nưởc Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng Nỡ để dân đen mắc nạn nầy? (Nguyễn Đình Chiểu) | AI XUI TÂY TỚI Ai khiến thằng Tây tới vậy cà? Đất bằng bỗng chốc nổi phong ba Hẳn hoi ít mặt đền ơn nước Nháo nhát nhiều tay bận nỗi nhà Đá sắt ôm lòng cam với trẻ Nước non có mắt thấy cho già Nam Kỳ chi thiếu người trung nghĩa Báo quốc Cần Vương dễ một ta. (Bùi Hữu Nghĩa) |
XÚC CẢNH Hoa cỏ ngùi ngùi ngóng gió đông Chúa Xuân đâu hỡi có hay không? Mây giăng ải bắc trông tin nhạn Ngày xế non nam bặt tiếng hồng Bờ cõi xưa đà chia đất khác Nắng mưa nay há đội trời chung Chừng nào Thánh đế ân soi thấu Một trận mưa nhuần rửa núi sông. (Nguyễn Đình Chiểu) | THỜI CUỘC (Trả lời Tôn Thọ Tường) Đâu để giang sơn đến thế nầy Ngọn lửa Tam Tần phừng đất cháy (*) Chòm mây Ngũ Quý ngất trời bay (*) Hùm nương non rậm đang chờ thuở Cáo loạn vườn hoang thác có ngày Một góc cảm thương dân nước lửa Đền Nam trụ cả há lung lay. (Bùi Hữu Nghĩa) |
TỨC SỰ Dinh hư thế cuộc nãi kham cùng Lậu hạng thê trì tại thử trung Kỷ khắc ca tàn liên dạ vũ Nhất hồ chước bãi mãn giang phong Kính môn ngẫu đối tu thiêm bạch Hoa cảnh nhàn khan diện đới hồng An đắt sơn hà y cựu nhật Càn khôn túy lúy nhất tao ông. (Bùi Hữu Nghĩa) | VIỆC TRƯỚC MẮT Xóm hẹp mà an ở thỏa lòng Ca dứt mưa đêm ầm ập nóc Rượu rồi gió bão chập chờn sông Soi gương bỗng thấy đầu râu bạc Dạo cảnh như hay mặt mũi hồng Non nước ví mà như cũ được Trong tuần say mãi sướng hay không. (Nguyễn Hữu Nghĩa dịch) |
Ông Nguyễn Đình Chiểu làm 10 bài thơ phúng điếu và bài văn tế một lãnh tụ kháng Pháp là ông Trương Công Định nhưng không có thơ hay văn tế cho các lãnh tụ kháng Pháp khác (như Nguyễn Trung Trực, Thủ Khoa Huân, Thiên Hộ Dương, Đốc Binh Kiều...) :
ĐIẾU TRƯƠNG ĐỊNH
Trong Nam tên họ nổi như cồn
Mấy trận Gò Công nức tiếng đồn
Dấu đạn hỡi rêm tàu bạch quỷ
Hơi gươm thêm rạng thể hoàng môn
Ngọc cờ ứng nghĩa trời chưa bẻ
Cái ấn bình Tây đất vội chôn
Nỡ khiến anh hùng rơi giọt lụy
Lâm dâm ba chữ điếu linh hồn.
(Nguyễn Đình Chiểu)
Hậu thế sau nầy thường chỉ ngợi khen hành động yêu nước của ông Nguyễn Đình Chiểu trong lịch sử kháng Pháp ở Nam Kỳ nhưng không để ý đến ông Bùi Hữu Nghĩa. Đây là những bài thơ xướng họa vịnh ông Nguyễn Đình Chiểu 100 năm sau (1961) ở Miền Nam trong thời VNCH:
VỊNH NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU (Xướng)
Sống thời khói lửa khắp non sông
Chia xẻ cùng dân cảnh khốn cùng
Tước lộc không lay lòng chí sĩ
Nho, Y nguyền giữ lớp gia phong
Bao thằng quỷ trắng: bao quân cướp
Một tấm gan vàng: một bút lông
Ai bảo ông đui? Ai mới sáng?
Đui mà như thế! Sáng bằng không!
(Bút Trà)
VỊNH NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU (Họa)
Thôi đành đặt xuống gánh non sông
Sức mỏn sao theo được đến cùng?
Mắc nợ tang bồng danh chửa hổ
Xua môi phú quý tiết còn phong
Rủi may gan ấy bền hơn đá
Sống chết thân nầy nhẹ tựa lông
Mù mắt khôn nhìn trong sáu tỉnh
Thử xem nhân khí nhụt (lụt) hay không?
(Trần Văn Hương)
NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU (Họa)
Mù mắt, nặng lòng với núi sông
Tấm gương chí sĩ đẹp vô cùng
Nước nhà xâm chiếm, căm loài Thực (*)
Dân chúng lầm than, trách bọn Phong (*)
Văn tế anh hùng xinh tựa gấm
Thơ chê phú quý nhẹ bằng lông
Khuyên gìn tiết hạnh, lo trung hiếu (*)
Cháu Lạc, con Hồng, có nhớ không?
(Lãng Ba)
(*) Chú thích
Thực Phong: ám chỉ Thực Dân và Phong Kiến thời Pháp thuộc.
Từ câu: "Trai thời trung hiếu làm đầu. Gái thời tiết hạnh làm câu trao mình" (Lục Vân Tiên)
Truyện Thơ "Lục Vân Tiên"
*
Ông Nguyễn Đình Chiểu nổi danh với tác phẩm truyện thơ “Lục Vân Tiên” ở Nam Kỳ cũng như ông Nguyễn Du với “Truyện Kiều” ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ từ thế kỷ 19. “Lục Vân Tiên” cũng là truyện thơ trên 2000 câu và cũng theo thể Lục Bát như “Truyện Kiều”.
Tương truyền rằng truyện thơ “Lục Vân Tiên” mang tựa đề theo nhân vật chánh trong truyện là Lục Vân Tiên được ông Nguyễn Đình Chiểu sáng tác vào thập niên 1850s (1854-1855).
Lúc đó ông đã mù nên ông chỉ đọc cho chúng đệ tử chép lại bằng chữ Hán Nôm rồi truyền bá (đa số là truyền khẩu) trong dân gian ở Nam Kỳ. Ông muốn gửi gấm tâm tình và hy vọng của riêng mình qua nhân vật chánh Lục Vân Tiên cũng có một thời gian bị mù như ông.
Theo E Villard trong tạp chí Excursions et Reconnaissances (1882) :
Truyện thơ tựa đề “Lục Vân Tiên” đã được phổ biến truyền khẩu ở Bắc Kỳ (?) rồi được ông Nguyễn Đình Chiểu chuyển viết thành chữ (Hán) Nôm phổ biến rộng rãi ở Nam Kỳ 50, 60 năm về trước.
Nguồn gốc Bắc Kỳ của Lục Vân Tiên chắc chắn là không đúng căn cứ trên hình thức ngôn ngữ.
Muốn biết E Villard có trúng hay không về việc tác giả không phải là ông Nguyễn Đình Chiểu, ta hãy nhìn lại lịch sử ấn bản của tác phẩm “Lục Vân Tiên”:
Năm 1864, G. Aubaret dịch “Lục Văn Tiên” ra chữ Pháp đăng từng đoạn trong Journal asiatique. Tựa đề những đoạn nầy là “Thơ dân gian An Nam” (Poème populaire annamite) và không có bản chữ Hán Nôm cũng như bản chữ Quốc Ngữ kèm theo và dĩ nhiên không có đề tác giả là ai.
Năm 1865, tác phẩm nhan đề “Lục Vân Tiên Truyện” (thơ) xuất bản ở Quảng Đông viết bằng chữ Hán Nôm không đề tên tác giả mà chỉ có đề người hiệu đính là Duy Minh Thị.
Năm 1871, Jeanneau viết chữ (Hán) Nôm chuyển sang (thơ) chữ Quốc Ngữ toàn bộ truyện Lục Vân Tiên (theo lệnh của Thống Đốc Dupré) xuất bản ở Pháp. Tựa đề là “Lục Vân Tiên, thơ dân gian An Nam” và không đề tên tác giả.
Năm 1883, Abel des Michels viết chữ Hán Nôm chuyển sang (thơ) chữ Quốc Ngữ rồi dịch sang chữ Pháp. Sau đó E Bajot viết thành thơ chữ Pháp năm 1887. Cả 2 tác phẩm đều xuất bản ở Paris. Tựa đề của bản Abel des Michels là “Lục Vân Tiên ca diễn, thơ An Nam”. Tựa đề của bản Bajot là “Chuyện danh sĩ Lục Vân Tiên” (Histoire de grand lettré Lục Vân Tiên). Cả hai bản đều không đề tên tác giả. Hai bản nầy dựa trên ba bản chữ Hán Nôm: của Duy Minh Thị (1865), của Jeanneau (1871) và một bản viết tay không biết của ai.
Năm 1889, ông Petrus Trương Vĩnh Ký chuyển (thơ) chữ Hán Nôm thành (thơ) chữ Quốc Ngữ. Ông Petrus Trương Vĩnh Kýkhông có đề tên tác giả. Theo tài liệu thì đề tựa chỉ là : "Lục Vân Tiên Truyện, Poème populaires anamites transcrites en quốc ngữ".
Năm 1897, “Vân Tiên cổ tích tân truyện” do Tụ Văn Đường xuất bản (ở miền Bắc) viết bằng thơ chữ Hán Nôm cũng như sau nầy do Liễu Văn Đường xuất bản năm 1921 đều không có đề tác giả.
Mãi đến đầu thế kỷ 20 (thập niên 1930s hay 1940s), theo ông Dương Quảng Hàm trong Việt Nam Văn Học Sử Yếu (VNVHSY) thì tác giả của truyện thơ Lục Vân Tiên là ông Nguyễn Đình Chiểu. Dĩ nhiên hậu thế đều căn cứ vào VNVHSY và ông Dương Quảng Hàm.
(Hình bìa Lục Vân Tiên Truyện của Petrus Ký) |
Nhìn lại những ấn bản của thế kỷ 19, tất cả đều không nói đến tên của tác giả. Một điều lạ nữa là tổng số câu thơ cũng khác nhau:
2130 câu (theo bản 1865/Duy Minh Thị hiệu đính)
2088 câu (theo bản của Jeanneau 1871 và Abel de Michels 1883)
2076 câu (theo ông Trương Vĩnh Ký 1889)
2034 câu (bản Tụ Văn Đường 1897 và Liễu Văn Đường 1921)
2267 câu (theo ông Dương Quảng Hàm 1944)
2076 câu (bản Tân Việt 1951 giống với bản của ông Trương Vĩnh Ký).
Hiện tại có lẽ chúng ta dùng bản của ông Petrus Trương Vĩnh Ký.
Dù sao với lòng thủ cựu ái quốc, chúng ta nên chấp nhận ông Nguyễn Đình Chiểu là tác giả của Lục Vân Tiên. Thơ dân gian làm sao tổng hợp thành 2000 câu thơ có đầu đuôi bố cục được như vậy, tức là phải từ một tác giả, vả lại thi nhân Nam Kỳ lúc đó có rất ít người và đều nổi danh.
*
Hơn nữa nếu đọc kỹ thì thấy cuộc đời của ông Nguyễn Đình Chiểu thể hiện trong nhân vật Lục Vân Tiên. Dưới đây là những câu thơ (tiên đoán) về Lục Vân Tiên khi từ giã Thầy về nhà :
(Lời của Thầy:câu 68-75)
“Thỏ vừa ló bóng, gà đà gáy tan
Bao giờ cho tới bắc phang
Gặp chuột ra đàng con mới nên danh
Sau dầu đặng chữ hiển vinh
Mấy lời thầy nói tiền trình chẳng sai
Trong cơn bỉ cực thái lai
Giữ mình cho vẹn việc ai chớ sờn”
Vân Tiên vội vã tạ ơn
Qua những câu nầy, Thầy của Lục Vân Tiên có ý nói lộ "máy trời" cho Vân Tiên nghe nhưng Lục Vân Tiên khi ấy có nghe mà không hiểu.
Con ngựa là biểu hiệu của năm Ngọ, thỏ là năm Mão (Mẹo), gà là năm Dậu và chuột là năm Tý. Ý nói: Vân Tiên tuổi Ngọ, đến năm Mão mới rạng danh, nhưng danh tiếng vừa mới chớm dậy thì đến năm Dậu đã phải chịu tai nàn. Cho đến năm Tý thì mới nên danh trọn vẹn.
Về đoạn nầy, các nhà viết tiểu sử của ông Nguyễn Đình Chiểu có lời bàn rằng :
Vân Tiên là hình ảnh của ông Đồ Chiểu. Ông Đồ Chiểu sinh năm Ngọ (1822) tức là hạp với câu “Ngựa chạy đường xa”, thi đậu Tú Tài vào năm Quý Mão (1843) tức là ứng với câu “Thỏ vừa lố bóng”, nhưng đến khi sắp sửa thi tiếp thì xảy tin mẹ chết vào năm Dậu (1849) mà lở dở công danh, ứng với câu “Gà đà gáy tan”.
*
Truyện "Lục Vân Tiên" với giáo lý "trung hiếu tiết hạnh" từ Nho Giáo đã để lại ảnh hưởng rộng rãi trong giới trí thức của xã hội Nam Kỳ trong thời Pháp thuộc cho đến thời Đệ Nhất Cộng Hòa.
Trai thời trung hiếu làm đầu
Gái thời tiết hạnh làm câu trao mình (Lục Vân Tiên)
Chữ "trung" được áp dụng khác đi, không còn chỉ là "trung quân" (= trung với vua) nhưng thực tế hơn là "trung nghĩa" trong những cương thường khác như "cha mẹ con cái", "vợ chồng", "anh chị em" và "bạn bè". Giáo lý nầy được trọng dụng trong văn chương và nghệ thuật Nam Kỳ trong thời kỳ nầy, điển hình là những Truyện Thơ dùng chữ Quốc ngữ. Giáo lý nầy càng được trọng dụng trong xã hội của người Nam Kỳ nhưng quan niệm "trung quân" không còn người Nam Kỳ tôn trọng nữa từ đầu thế kỷ 20 khi văn hóa Nho Giáo cổ điển phai tàn, điển hình là cuộc đời và thi văn của bà Sương Nguyệt Anh (người con gái của ông Nguyễn Đình Chiểu). Giáo lý "trung nghĩa" từ Lục Vân Tiên được người Nam Kỳ áp dụng trong xã hội giúp cho trật tự xã hội. Đó chính là điều chánh quyền Pháp lúc bấy giờ mong muốn. Do đó người Pháp đã giúp truyền bá Truyện Thơ Lục Vân Tiên song song với ý định truyền bá chữ Quốc ngữ đã dùng truyện thơ nầy làm một phương tiện.
Truyện Thơ Quốc Ngữ ở Nam Kỳ
Vào đầu thế kỷ 20, Nam Kỳ lúc bấy giờ tràn ngập những Truyện Thơ chữ Quốc Ngữ mang tính chất Nho giáo giống như “Lục Vân Tiên” của ông Nguyễn Đình Chiểu. Những Truyện Thơ nầy đại đa số từ hai tác giả chính là ông Đặng Lễ Nghi (?-?) và ông Nguyễn Bá Thời (?-?), viết theo thể Lục Bát hay Song Thất Lục Bát (?). Hầu hết được phổ biến thành truyện bằng tranh hay tuồng hát:
Lý Công (1905) của Nguyễn Bá Thời
Trần Đại Lang (1907) của Đặng Lễ Nghi
Thạch Sanh Lý Thông (1907) của Hà Trung
Phạm Công Cúc Hoa (1907) của Nguyễn Bá Thời và Nguyễn Văn Khoẻ
Tiên Bửu hayLão Trượng Tiên Bửu (1908) của Đặng Lễ Nghi
Trò Đông (1909) của Đặng Lễ Nghi
Nữ Trung Báo Oán (1909) của Đặng Lễ Nghi
Chàng Nhái Kiễn Tiên (1910) của Nguyễn Bá Thời
Con Tấm Con Cám (1911) của Nguyễn Bá Thời
Bạch Viên Tôn Các (1911) của Đặng Lễ Nghi
Nàng Út (1928) của Đặng Lễ Nghi
Lâm Sanh Xuân Nương (1928) của Đặng Lễ Nghi và Nguyễn Kim Đính
Lâm Sanh Lâm Thoại (1929) của Đặng Lễ Nghi
Ngọc Cam Ngọc Khổ (1929) của Đặng Lễ Nghi
Mục Liên Thanh Đề (1930) của Đặng Lễ Nghi
Thoại Khanh Châu Tuấn (?) của Bà Huỳnh Kim Danh
Dương Ngọc hay Khoai lang Dương Ngọc (?) của Bà Huỳnh Kim Danh
Ngoài ra có vài tác phẩm thơ Lục Bát không biết tác giả:
Thơ Sáu Trọng (hay Sáu Trọng Hai Đẩu) là truyện thơ dân gian gồm 672 câu thơ Lục Bát (1905). Theo ông Sơn Nam thì tác giả là người Trà Vinh.
Thơ Thầy Thông Chánh (242 câu Lục Bát)
Thơ Cậu Hai Miêng là truyện thơ Lục Bát về Cậu Hai Miêng (Huỳnh Công Miêng), con của Lãnh Binh Huỳnh Công Tấn là một tay chơi có võ nghệ và ngang tàng hay giúp người yếu chống người mạnh. Trong lịch sử, Lãnh Binh Huỳnh Công Tấn là người phản ông Trương Công Định ở Bến Tre. Gần đây theo ông Hứa Hoành, truyện Cậu Hai Miêng bắt đầu xuất bản từ nhà in Tín Đức Thư Xã (1928) và tác giả là ông Văn Phước Nguyễn Bá Thời và truyện bắt đầu với những câu thơ:
Nam Kỳ có cậu Hai Miêng
Con quan lớn Tấn ở miền Gò Công
Cậu Hai là bực anh hùng
Ăn chơi đúng bực anh hùng liệt oanh
Nam Kỳ lục tỉnh nổi danh...
Có thơ về truyện Cậu Hai Miêng:
CẬU HAI MIÊNG (1857-1895)
Số hệ ai làm hỡi Cậu Miêng
Ba mươi tám tuổi du huỳnh tuyền
Sao lờ Bến Nghé xiêu người ngó
Khói tỏa Cầu Kho thăm vợ hiền (*)
Đúng bực phong lưu trời vội dứt
Những trang hào kiệt đất không kiêng
Cho hay khuất bóng danh còn tạc
Nhựt báo đòi nơi đã khắp truyền.
(Lê Quang Chiểu)
(*) Chú thích: Cầu Kho ở Sài Gòn
Sương Nguyệt Anh
Quan niệm "trung quân" không còn người Nam Kỳ tôn trọng nữa từ đầu thế kỷ 20 khi văn hóa Nho Giáo cổ điển phai tàn, điển hình là cuộc đời và thi văn của bà Sương Nguyệt Anh (người con gái của ông Nguyễn Đình Chiểu).
Đây là bài thơ của bà Sương Nguyệt Anh làm ở Sài Gòn nhân chuyến vi hành của vua Thành Thái ở đây:
THAN VUA THÀNH THÁI
Nghìn thu may gặp hội minh lương
Thiên hạ ngày nay trí mở mang
Tấc đất ngọn rau tràn dưới mắt
Đai cơm bầu rượu chật ven đường
Vui lòng thánh đế nơi xe ngựa
Xót dạ thần dân chốn lửa than
Nước mất cơ cùng trời đất biết
Biển dâu một cuộc thấy mà thương.
(Sương Nguyệt Anh)
Thời VNCH hay gọi là “Sương Nguyệt Ánh” nhưng phải gọi cho đúng là “Sương Nguyệt Anh” qua những bài thơ xướng họa dưới đây:
(Xướng)
Ai về nhắn với Nguyệt Anh cô (*)
Chẳng biết lòng cô nghĩ thế mô
Không phải vãi chùa toan đóng cửa?
Đây lòng gấm ghé bắt cầu ô.
(Bảy Nguyện ở Mỏ Cày)
(*) Chú thích:
Chữ thứ sáu của câu 1 nầy phải âm “bằng” mới đúng luật thơ Đường Luật, do đó phải là chữ “Anh” không thể là chữ “Ánh” được. Do đó tên đúng là "Sương Nguyệt Anh".
(Họa 1)
Chẳng phải tiên cô chẳng đạo cô
Cuộc đời dâu bể biết là mô?
Lọng sườn dầu rách còn kêu lọng
Ô bịt vàng ròng vẫn tiếng ô.
(Sương Nguyệt Anh)
(Họa 2)
Phải thời cô quả chịu thời cô
Chẳng biết tuồng đời tính thế mô?
Dòm thấy bụi trần toan đóng cửa
Ngọc lành chi để thẹn danh ô.
(Sương Nguyệt Anh)
(Bà Sương Nguyệt Anh và tờ báo Nữ Giới Chung) |
Bà Sương Nguyệt Anh (1864-1921) tên là Nguyễn Thị (Ngọc) Khuê tự Nguyệt Anh là con gái thứ 4 của ông Nguyễn Đình Chiểu. Bà lấy chồng làm Cai Tổng ở Rạch Miễu, có một con gái hai tuổi thì chồng chết sớm. Bà ở vậy không tái giá đến khi qua đời mặc dù có nhiều người dạm hỏi (như ông Bảy Nguyện với bài thơ trên đây). Bà đổi bút hiệu từ Nguyệt Anh ra Sương Nguyệt Anh (nghĩa là Nguyệt Anh góa chồng). Những năm gần qua đời Bà bị bệnh mù mắt như ông Nguyễn Đình Chiểu.
Bà Sương Nguyệt Anh là người đàn bà đầu tiên làm Chủ Bút một tờ báo ở Sài Gòn, tờ Nữ Giới Chung (Tiếng Chuông Nữ Giới) vào năm 1917-18. Cháu ngoại của bà là vợ hai của nhà cách mạng Phan Văn Hùm.
Truyện Thơ "Dương Từ Hà Mậu"
Ngoài việc quảng bá Nho Giáo, Nguyễn Đình Chiểu có đả kích Phật Giáo và Ki Tô Giáo trong quyển truyện thơ khác của ông là "Dương Từ Hà Mậu".
Đây là quyển Truyện Thơ thứ nhì trong hai truyện thơ của ông gồm có 1725 câu thơ. Tuy cũng có gần 2000 câu thơ, truyện thơ "Dương Từ Hà Mậu" ít được người biết đến và đọc kỹ.
Truyện tả hai nhân vật chính và mang tựa đề của truyện là Dương Từ và Hà Mậu. Dương Từ là người theo Phật Giáo (Đạo Phật) và Hà Mậu là người theo Ki Tô Giáo, gọi là Đạo Gia Tô vào lúc bấy giờ (thế kỷ thứ 19). Truyện tả đời sống theo Đạo của hai người nầy mà Truyện cho là sai lầm để đả kích Phật tử và Ki Tô hữu cũng như Phật Giáo và Ki Tô Giáo. Sự đả kích nầy dựa trên căn bản của Nho Giáo, tôn giáo mà tác giả (ông Nguyễn Đình Chiểu) cho là đúng. Ki Tô Giáo truyền vào Đại Việt từ thời nhà Mạc chính là Công Giáo, của Giáo hội La Mã. Cho đến thế kỷ thứ 20 mới có truyền giáo của những người Kháng Cách (Protestants) vào Việt Nam.
Kết cuộc của câu chuyện là hai người Dương Từ và Hà Mậu và các đạo hữu của mình bỏ Phật Giáo và Ki Tô Giáo mà theo về với Nho Giáo.
Xin trích một vài đoạn trong Truyện Thơ để làm thí dụ:
* Phần Nhập Đề (Câu 1 - 12)
(*) Chú thích:
Đạo trời = Ki Tô Giáo. Trời = đấng Ki Tô, đức Chúa Trời.
Đạo Hòa Lan = Ki Tô Giáo
* Một Đoạn trong Thân Bài (Câu 470 - 503)
- Mượn lời Hà Mậu để đả kích Phật Giáo:
- Mượn lời Dương Từ để đả kích Ki Tô Giáo:
(*) Chú thích: Du Di = (Chúa) Giê Su của Ki Tô Giáo.
* Phần Kết (Câu 1718 - 1725)
* Đoạn Thơ Đường Luật và Cổ Phong
Truyện Thơ Dương Từ Hà Mậu có tất cả 1725 câu thơ, đại đa số theo Thể Thơ Lục Bát như Truyện Thơ Lục Vân Tiên. Tuy nhiên có vài đoạn nhỏ (từ 8 câu trở xuống) trong thân bài dùng Thể Thơ Đường Luật hay Cổ Phong. Những đoạn nhỏ nầy dùng để ca tụng Nho Giáo, trong khi đại đa số những câu thơ khác dùng để công kích Phật Giáo và Ki Tô Giáo.
Đây là một đoạn là một bài thơ Đường Luật Thất Ngôn Bát Cú (câu 212 -219):
* "Đạo Trời"
Đây là 1 Đoạn khác cũng là 1 bài thơ Đường Luật Thất Ngôn Bát Cú (câu 552 - 559):
Đọc bài thơ nầy trong Truyện Thơ Dương Từ Hà Mậu chúng ta thấy ông Nguyễn Đình Chiểu có một bài thơ khác tựa đề là Đạo Trời, không có trong truyện Thơ Dương Từ Hà Mậu. Hai bài thơ giống nhau nhưng khác ở câu đầu.
ĐẠO TRỜI
Đạo trời nào phải ở đâu xa
Gội tắm lòng người có giải ra
Mến nghĩa bao đành làm phản nước
Có nhân nào nỡ phụ tình nhà
Xưa nay đều chọn đường trung hiếu
Sách vở còn ghi lẽ chánh tà
Năm phẩm rừng nhu săn sóc lấy
Ấy làđạo vị của mình ta.
(Nguyễn Đình Chiểu)
Vì bài thơ nằm trong Truyện Thơ Dương Từ Hà Mậu và trong Truyện Thơ nầy ông Nguyễn Đình Chiểu lỡ dùng từ ngữ "Đạo Trời" cho Đạo Gia Tô mà ông đã chỉ trích nên ông sửa câu đầu của bài thơ, không dùng từ ngữ "Đạo Trời"!
Dốc tầm đạo, phải ở đâu xa? (trong Truyện Thơ "Dương Từ Hà Mậu")
Từ ngữ “Đạo Trời” của bài thơ (không thuộc Truyện Thơ Dương Từ Hà Mậu) dùng cho Đạo Nho mà ông Nguyễn Đình Chiểu tôn thờ. Cả hai bài đều ca tụng Nho Giáo.
Đạo trời nào phải ở đâu xa (trong bài thơ "Đạo Trời")
Dùng từ ngữ cũng gặp rắc rối ngay cả cho một thi hào như ông Nguyễn Đình Chiểu?
Kết Luận
Ông Nguyễn Đình Chiểu luôn được tôn trọng vì ông là một người đạo đức thanh bần giữ vẹn khí tiết Nho gia.
Ông được an toàn trong thời Pháp thuộc mặc dù đã công khai ủng hộ nghĩa quân kháng Pháp. Truyện thơ Lục Vân Tiên của ông được ông Petrus Trương Vĩnh Ký viết thành chữ Quốc ngữ và xuất bản. Người Pháp lại giúp truyền bá truyện thơ Lục Vân Tiên dưới nhiều hình thức.
Đến thời Việt Nam Cộng Hòa, ảnh hưởng của ông trong xã hội của người Nam Kỳ đã quá mạnh nên tên của ông được đặt cho trường trung học Mỹ Tho thay vì tên của ông Phan Thanh Giản, một danh nhân khác cũng ở Bến Tre (thuộc tỉnh Mỹ Tho).
Danh dự của ông Nguyễn Đình Chiểu cũng được chính quyền mới tôn trọng sau ngày 30-4-1975 mà không hề bị mất như các danh nhân hàng đầu khác của Nam Kỳ trong thế kỷ 19 (như các ông Phan Thanh Giản, Petrus Trương Vĩnh Ký và Lê Văn Duyệt).
Qua truyện thơ "Dương Từ Hà Mậu", ông Nguyễn Đình Chiểu bày tỏ rõ ràng tư tưởng độc tôn của Nho Giáo và công kích Phật Giáo và Ki Tô Giáo là điều mà hậu thế cho đến nay ít người để ý đến.
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền
Bài nầy đăng lần đầu trong phanthuonghai.com mục "Thơ và Sử" phần "Thời Pháp Thuộc Thế Kỷ 19".
Tài Liệu Tham Khảo
Thơ và Việt Sử - Thời Pháp Thuộc Thế Kỷ 19 - phanthuonghai.com
Thơ và Việt Sử - Thời Pháp Thuộc Thế Kỷ 20 - phanthuonghai.com
Trang Thơ Nguyễn Đình Chiểu - Thi Viện Net
Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn và giữ bản quyền