Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2022

Ngô Nhân Dụng: Nước Mỹ nhiều súng quá!

Trong năm 2021, cảnh sát Anh bắn chết hai người, cảnh sát Mỹ bắn 1,055 người, theo tuần báo The Economist. Số người chết chênh lệch như vậy – dù dân số Mỹ chỉ đông gấp bốn lần – vì phần lớn cảnh sát Mỹ phải đương đầu hoặc lo lắng họ đang phải đương đầu với những thường dân mang súng. Trong năm 2020, 45,000 người Mỹ chết vì súng; nhiều hơn số người chết vì tai nạn xe hơi. Số các vụ sát nhân ở Mỹ cao gấp 4, 5 lần ở các nước tiên tiến khác. Ở nhiều tiểu bang trong nước Mỹ, xin một con chó về nuôi bị nhiều luật lệ kiểm soát hơn là mua súng.

Mười ngày sau vụ Payton Gendron vào một siêu thị bắn chết 10 người da đen ở Buffalo, New York, Salvador Ramos dùng một khẩu súng tự động AR-15 vào một lớp học ở Uvalde (đọc là Yu Van Đi), Texas, bắn chết 19 học sinh lớp 4 và 2 cô giáo. Nhiều xác trẻ em nằm chất đống trên nhau. Cả hai thủ phạm đều 18 tuổi. Khoảng 30 phút trước khi ra tay, Ramos đã viết trên mạng báo trước sẽ bắn bà ngoại rồi đi bắn ở một trường tiểu học. Bà cụ may mắn chỉ bị thương.

Nhiều vụ bắn giết ở Mỹ không được mấy người chú ý. Theo tin Reuters cũng trong ngày 24 tháng 5, ba học sinh một trường tiểu học ở Washington D.C. bị thương vì súng bắn. Ngày hôm trước, ba học sinh trung học ở Philadelphia cũng may mắn thoát chết như vậy. Tuần trước, ba vụ nổ súng trong lễ bế giảng tại các trường ở tiểu bang Michigan, Louisiana và Tennessee. Từ đầu năm đến nay gần như ngày nào cũng xảy ra một vụ bắn giết, tổng cộng 137 lần, so với 249 vụ trong cả năm ngoái.

Salvador Ramos không tìm giết người vì kỳ thị chủng tộc như Payton Gendron. Cậu hận đời vì lớn lên luôn luôn bị bạn bè chế nhạo về tật nói lắp, đi học bị bắt nạt, không thể chịu được cả bà mẹ mình, sống với ông bà. Khắp thế giới không thiếu gì những thanh niên bất mãn với đời như vậy. Không ai có thể biết trước và ngăn cản được họ không hành động giết người để tự sát. Nhưng chỉ có ở nước Mỹ họ có thể mua súng dễ dàng. Sau sinh nhật đủ 18 tuổi, Ramos đã đi mua hai khẩu súng máy AR-15. Nước Mỹ có 332 triệu dân, với 400 triệu khẩu súng trong tay tư nhân.


Bùi Văn Phú: Người Việt ở Mỹ thành công, chính phủ Việt Nam giúp được gì ?

“Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn…” là câu hát mở đầu nhạc phẩm “Nỗi buồn hoa phượng” của nhạc sĩ Thanh Sơn, sáng tác cách đây hơn nửa thế kỷ, ghi lại tâm cảm của lứa tuổi học trò ở Việt Nam khi niên học sắp kết thúc. 


Nửa thế kỷ trước, lúc còn ở quê nhà tôi cũng đã có nỗi buồn như thế khi thấy phượng nở đỏ sân trườngvà trên sóng phát thanh vang vang những lời ca báo hiệu mùa hè đang về.


Hôm nay, bên trời Mỹ, sắp vào hạ lòng tôi không buồn mà vui. Vui vì sắp hết niên học với các buổi lễ tốt nghiệp, khi khúc nhạc hoà tấu “Pomp and Circumstance” trổi vang chào đón tân khoa và mùa hè thư giãn đang chờ đón trước mặt.


Lúc này còn vui hơn vì nguy hiểm chết người của bệnh dịch Covid đã qua, đời sống đã bình thường trở lại sau hai năm với nhiều điều bất bình thường như làm việc từ nhà, đeo khẩu trang, giữ giãn cách xã hội để đề phòng lây bệnh. Có lúc thiếu nhu yếu phẩm, dân phải xếp hàng trước siêu thị chờ mua. Hai năm không còn tự do đi chơi đó đây. Xa lộ, phố phường có nhiều ngày vắng xe như giờ giới nghiêm thời chiến tranh trên quê hương cũ. Đó là những hình ảnh lạ trong đời sống Mỹ.


Năm 2020 khi lệnh cấm túc được ban hành vào tháng 3, học sinh không còn đến trường mà ở nhà học online. Hết niên học không nơi nào có lễ tốt nghiệp vì mọi sinh hoạt đông người đã phải tạm ngưng.


Cuối niên học 2021 đã có thuốc chống Covid và nhiều người được chích ngừa, một số nơi có lễ tốt nghiệp nhưng tổ chức đơn giản. Sinh viên học sinh vào những bãi đậu xe, ngồi trên xe nhận bằng. Chỉ vài người thân có mặt. Không bạn bè bên cạnh để chứng kiến, tặng hoa, chụp hình kỷ niệm, chúc mừng tân khoa.


Năm nay, sắp hết niên học và đang là thời điểm của các lễ tốt nghiệp truyền thống cho sinh viên, học sinh.



Nguyễn Hoài Vân: Ky Tô Giáo và Tư Bản Chủ Nghĩa

 Nếu Đức Ky Tô được quyền đi bầu, thì sự chọn lựa của Ngài sẽ rất rõ ràng :

"Hãy bán tất cả những gì ngươi sở hữu, và đem tiền cho người nghèo" - Mateo 19:21

Hay :

"Hãy bán mọi của cải, đem bố thí" - Luca 12:33

"Kẻ nào có hai cái áo, hãy chia cho người không có, người có thức ăn cũng phải làm như thế" - Luca 3:11.

Không quên lời Thiên Chúa nói qua Tiên Tri Isaïe : "Điều các ngươi làm Ta vui lòng nhất (...), phải chăng chính là chia sẻ thức ăn với người đói kém, mở cửa nhà đón tiếp kẻ vô gia cư, và khi thấy người thiếu y phục, thì lấy áo quần đem cho họ" (Isaïe 58, 6-7.)

Các bạn đã hiểu, với chính sách được sự ủng hộ nhiệt tình của đức Ky Tô, thuế sẽ tăng vọt, đến độ bạn phải bán của cải đi để đóng góp, và các trợ cấp xã hội, y tế, gia đình, học đường ... cũng sẽ đạt đến tột đỉnh. 

Chính sách này đã được áp dụng một cách rất chặt chẽ trong Cộng Đồng Ky Tô Hữu nguyên thủy (xem ở sau). Tuy nhiên nó đã phai mờ dần dần với thời gian, để, ngày nay, đại đa số người Ky Tô Giáo bầu cho đảng phái hữu khuynh (như 70 % người Công Giáo  ở Pháp). Người ta có thể tự hỏi phải chăng Ky Tô hữu không còn muốn vào "Nước Chúa" sau khi chết ? Thật vậy, Đức Ky Tô từng khẳng định :

"Ta bảo thật (...) con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Trời" - Mateo 19:23-24.


Hà Sĩ Phu: Ngồi buồn tự phỏng vấn chơi!

 Tôi đứng về phe “nước mắt”, nhưng phải lau khô nước mắt mới nhìn rõ được con đường! (HSP)

***********

HỎI: Anh nghĩ gì về cái khẩu hiệu “TRÍ-PHÚ-ĐỊA-HÀO-đào tận gốc trốc tận rễ” của Tổng Bí thư Trần Phú?

ĐÁP: Nhiều người cứ tưởng Trí Phú Địa Hào là bốn kẻ thù căn bản nhất của Cộng sản, thực ra đó là bốn giá trị mà người Cộng sản khao khát nhất, nhưng bốn quyền lợi ấy đang nằm trong tay kẻ khác nên Cộng sản phải diệt họ đi để chiếm đoạt lấy!

HỎI: Nhưng trong bốn điều mà Cộng sản khao khát ấy thì TRÍ là thứ khó chiếm đoạt nhất phải không?

ĐÁP: Đúng vậy, lá cờ Cộng sản nhân danh búa liềm Công Nông, nên thoạt đầu Công Nông tưởng mình sẽ thu hoạch được cả thế giới, nên đem hết công sức giúp Cộng sản nổi dậy, nhưng nổi dậy xong thì Đảng đứng ra đại diện và thâu tóm hết. QUYỀN thì sinh ra TIỀN! Giành được quyền rồi thì đảng Vô sản tự biến thành PHÚ-ĐỊA-HÀO hữu sản một cách dễ dàng, đảng viên có quyền bây giờ biến thành Phú Địa Hào thật sự. Nhưng biến thành TRÍ là điều không dễ, dù cố mua bán để làm những “lò ấp Tiến sĩ” thì vẫn lòi đuôi là những Tiến sĩ giả, chẳng ai tin. Còn Công và Nông thì vẫn là hai tầng lớp chịu khó khăn nhất hiện nay.

HỎI: Anh có viết những suy nghĩ ấy ra giấy chưa?

ĐÁP: Viết hết ra rồi. Nhưng dễ nhớ nhất là bài thơ Trí Phú Địa Hào mà nhiều người đã thuộc.

HỎI: Anh đọc lại cho nghe bài thơ ấy đi!

ĐÁP: Xin đọc (Bài ca Trí Phú Đị Hào):           

       

Bốn anh Trí Phú Địa Hào

Chỉ riêng anh Trí lao đao đến giờ

Đảng ta thương Trí ngu ngơ

Cho Công Nông Trí chung cờ liên minh

Trông lên Liềm Búa hai hình

Trí ta vẫn chẳng thấy mình ở đâu

Quay sang tìm Phú Địa Hào

Thấy ba bụng phệ… đã vào Đảng ta! (HSP)


Phạm Tín An Ninh: Tô Thùy Yên và những bài thơ viết trong tù

Một người dốt đặc về thơ phú như tôi mà lại từng được làm bạn và lạm bàn về thơ cùng với một nhà thơ nổi danh như Tô Thùy Yên thì đúng là chuyện lạ. Cho dù đó là chuyện ở trong tù. Vì vậy, khi biết tin anh qua đời, một số bạn tù khuyên tôi nên viết một bài để tưởng niệm anh, nhưng tôi không dám. Vì thấy rất nhiều nhà văn nhà thơ tên tuổi bậc thầy đã viết về anh, hơn nữa tôi ngại người đời thường dị nghị chuyện “thấy người sang bắt quàng làm họ.” Hôm nay nhân ngày giỗ lần thứ ba của anh (*), theo tập tục Việt nam, là ngày chính thức mãn tang anh, tôi xin viết đôi điều để tưởng nhớ anh và nhắc lại vài kỷ niệm cùng anh trong tù. 

Khi còn ngoài Bắc, có thời gian tôi đã từng ở chung trại tù với anh Đinh Thành Tiên (tên khai sanh của Tô Thùy Yên), nhưng khác đội, lúc ấy chưa biết nhiều về anh và cũng chưa có dịp thân quen anh. Mãi đến tháng 9 năm 1981, chuyển vào Nam, đến Trại Z- 30 C Hàm Tân, anh và tôi được “biên chế” ở cùng một đội, và nắm gần nhau trong gần hai năm, cho đến khi tôi ra tù. Đặc biệt trong đội này có cả anh Đặng Trần Huân, cũng nằm cách chúng tôi vài ba người. Và tôi được hân hạnh thân thiết với cả hai. Khi ấy, tôi biết danh anh Đặng Trần Huân nhiều hơn là anh Đinh Thành Tiên, vì quanh năm  hành quân trong núi rừng, chưa có cơ hội được đọc nhiều thơ Tô Thùy Yên, chỉ biết mỗi bài Chiều Trên Phá Tam Giang được phổ nhạc và loáng thoáng chuyện tình giữa anh và nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ. Riêng anh Đặng Trần Huân thì có nhiều chuyện vui trên báo Chiến Sĩ Cộng Hòa, và “Chuyện Cấm Đàn Bà” mà tôi thường đọc. Cả hai anh đều lớn tuổi hơn tôi, và sau khi biết cha tôi bị chết ở một trại tù khác trong Nam, vợ con nheo nhóc, tôi trở thành một trong những con bà Phước trong tù nên hai anh đều thương quí tôi. Nằm bên cạnh anh Tô Thùy Yên, nên tôi thường được anh đọc cho nghe những đoạn thơ anh ứng khẩu hay sáng tác. Anh có thói quen làm bài thơ nào cũng dài. Bất cứ lúc nào, ngay cả khi đang phải lao động, anh thì thầm ứng khẩu một vài câu hay vài đoạn, đến tối nằm đọc lại, ghi vào tờ giấy nhỏ để sau đó ghép thành một bài dài. Có khi cả năm mới đủ một bài. Nghe anh thì thầm những câu thơ anh viết, thét rồi tôi thuộc lòng và còn nhớ hơn cả chính anh. Tôi dốt về thơ nhưng lại có tính mê thơ từ nhỏ. Vì vậy có nhiều khi anh quên, tôi có nhiệm vụ phải nhắc bài thơ đã đến đâu rồi, để anh tiếp tục. Anh làm thơ trong trí, lẩm bẩm một mình, đọc cho tôi nghe, rồi chép vội vào một mảnh giấy nhỏ, nhét ở đâu đó. Thỉnh thoảng anh nhờ tôi giữ hộ một số. Có lần anh bỏ vào cuốn tự điển Anh-Việt được gia đình thăm nuôi, ngụy trang bằng cái bìa của cuốn truyện “Thép Đã Tôi Thê Đấy”nên qua mắt được gã công an kiềm soát. Anh học Anh văn bằng cách say sưa đọc cuốn sách gối đầu giường của người cộng sản, tác phẩm nổi tiếng của văn hào Nga Nikolai A. Ostrovsky, nhưng kỳ thực, chỉ có cài bìa, còn cả phần ruột là cuốn tự đỉển Anh – Việt của tác giả Nguyễn Văn Khôn. Có một lần không may, bất ngờ cả trại bị khám xét “đột xuất”. Các tù nhân có lệnh mang theo tất cả tư trang ra ngoài sân để chuyển trại. Một tên công an lục lọi đủ mọi


Ý Nhi: Thức Cho Xong Bài Thơ [1]

Tô Thùy Yên

1.Năm 1993.


Tôi đã được nghe Trường Sa hành, Chiều trên phá Tam Giang, Thi sĩ…trước khi gặp Tô Thùy Yên. Vì vậy, có phần bất ngờ khi đối diện với tôi, con người từng mộng du trên trái đất tròn, từng chạy cắm đầu trên sợi kinh hoàng/giăng qua đôi bờ vực lạnh hư vô, con người từng hỏi han hiu quạnh lớn, từng bay trên phá Tam Giang với những suy nghĩ ở một tầng cao đáng kinh ngạc về cuộc chiến tàn khốc đang diễn ra, lại là một người đàn ông tầm thước, lịch duyệt, từ tốn. Bất ngờ khác, ông gần như không có sự ngại ngần khi trò chuyện với tôi- một nhà thơ từ Hà Nội vào. Có lần, ngồi ở quán nước vỉa hè cùng nhà văn Nguyễn Đình Toàn, sau khi nghe tôi kể một giai thoại chính trị, ông cười: tôi hiểu vì sao tôi chơi được với cô rồi. Nhưng có lẽ, không chỉ do những giai thoại.

Ông thường ghé qua nơi tôi làm việc- Chi nhánh Nhà xuất bản Hội nhà văn tại thành phố Hồ Chí Minh, nơi ông có thể gặp những nhà văn miền Nam còn ở Sài Gòn như Huỳnh Phan Anh, Bùi Giáng, Nguyễn Đình Toàn, Thế Phong…và những nhà thơ trẻ như Nguyễn Quốc Chánh, Bùi Hoằng Vỵ,Thảo Phương, Phạm Thị Ngọc Liên… Hồi đó, hẻm 361 Hai Bà Trưng (nơi có trụ sở Nhà xuất bản) còn vắng vẻ. Phía trước mặt trụ sở có một khoảnh đất trống.  Gia đình nọ đã dựng tạm gian quán lợp giấy dầu bán cà-phê nước ngọt, kiểu một cái quán cóc. Chúng tôi thường “tụ tập” ở đó. Nhiều khi chúng tôi là những người khách duy nhất. Sáng nọ, trong gian quán quạnh quẽ, Tô Thùy Yên đã đọc cho chúng tôi nghe bài thơ Quán vắng vẻ của ông: Quán vắng vẻ/ không ai người đến gặp/ ngọn đèn như nỗi đợi thiên thu…Giọng ông nhẹ nhàng, cách đọc chậm rãi khiến người nghe dễ dàng nhập vào tâm trạng của tác giả: Việc đời lầm lẫn vậy/ Hối mấy chẳng hơn gì/ Thôi thì hãy cố nán/ Cho đáng một lần đi… Nghe đâu, trong tù, ông còn hát vang lên một ca khúc của Trịnh Công Sơn, để báo với bạn tù sự có mặt của mình, để thiên hạ biết mình vẫn có thể hát. Hỏi, ông cười, tôi hát cũng được lắm đó cô.


Song Chi: Đôi Giày Màu Hồng

Cái cửa sổ đó là toàn bộ thế giới bên ngoài của Nó.

Mỗi ngày, trước khi đi làm, Mẹ bế Nó đặt vào cái ghế xoay cạnh cửa sổ, cái ghế mà Mẹ đã đóng thêm một miếng ván vuông nhỏ kéo ra kéo vô được để làm thành cái bàn cho Nó, trên đó Mẹ đặt tập giấy, cây bút chì, hộp chì màu, cục gôm. Thêm cái chìa khóa cửa và chiếc điện thoại cũ, loại thường, không phải smart phone. Thức ăn đã được nấu sẵn, để trên bàn trong bếp. Nước lạnh, nước ngọt có trong tủ lạnh. Cả ngày Nó ngồi đó, hí hoáy vẽ hết bức tranh này đến bức tranh khác. Khi nào đói Nó chỉ cần chống hai tay vào cái giường gần đó làm điểm tựa, quẳng thân mình xuống đất, dùng hai tay đẩy người lết đến bên cái bàn trong bếp, lại bám lấy cái ghế khác, quẳng thân mình lên ghế, rồi lấy hộp thức ăn, bỏ vào trong microwave. Buồn đi tiêu, đi tiểu thì có cái bô đậy nắp để sẵn trong toilet. Nếu có chuyện gì xảy ra thì Nó lết đến bên cửa, nhướn người lên đút chìa khóa vào ổ, lết ra ngoài, bám vào từng bậc cầu thang dẫn lên mặt đất rồi lết ra cửa trước, đập vào cửa gọi bà chủ nhà, một người phụ nữ gốc Pakistan, Hồi giáo, luôn luôn bận rộn suốt ngày với việc nhà và ba đứa con nhỏ trong lúc ông chồng đi làm, công việc của ông ta là lái xe bus. Trong thế giới của Nó, mọi thứ đều được đặt biệt danh cho dễ nhớ. Bà chủ nhà có dáng người thấp, tròn tròn như trái banh, lúc nào cũng chùm khăn trên đầu được đặt tên là Banh Trùm Đầu. Còn ông chồng là Bụng Bia. Ba đứa con, hai trai một gái, khoảng 6, 7 tuổi và 2 tuổi, lần lượt được đặt tên là Tóc Xoăn-đứa con gái, Chân Khẳng Khiu-đứa con trai và Bi Ve-vì hai con mắt nó đen lay láy, tròn xoe như hai hòn bi ve.

Mẹ đã dặn đi dặn lại có chuyện gì hãy mở cửa bò ra ngoài gọi bà chủ nhà. Hoặc nhắn tin cho Mẹ. Nhưng chẳng có chuyện gì để Nó phải bò ra ngoài hay phải nhắn tin cả. Ngày nào cũng thế, tháng nào cũng thế, chả có chuyện gì xảy ra. Nhưng Mẹ vẫn lo lắng. Mẹ dặn cả bà chủ nhà Banh Trùm Đầu. Thỉnh thoảng khi ra sân đi đổ rác hoặc lấy thư trong hộp thư ngoài cổng, Banh Trùm Đầu lại đi vòng qua cửa sổ tầng hầm, khom người nhìn xuống để xem Nó có làm sao không. Cũng có khi Banh Trùm Đầu đi xuống mấy bậc cầu thang gõ gõ lên cửa lớn, khi Nó mở ra, Banh Trùm Đầu đưa cho Nó mấy cái bánh chiên, bên trong có hành, nhờn nhờn mỡ, hoặc một chén cơm trộn với các loại đậu, thịt gà, khá nặng mùi gia vị. Nó không thích những món đó, nhưng Nó không hề tỏ thái độ. Khuôn mặt Nó rất ít khi biểu lộ điều gì.

Căn hộ nhỏ Mẹ con Nó thuê nằm ở tầng hầm (basement) của căn nhà gỗ nhỏ hai tầng, thêm một tầng áp mái. Gia đình Banh Trùm Đầu chỉ sống ở tầng trệt, còn lại cho thuê tất. Mẹ giải thích, ở xứ này phần lớn những ngôi nhà đều có tầng hầm như vậy, thường thì họ để làm nhà kho, nhưng với một số người, nhất là dân nhập cư, họ sửa chữa lại cho thuê để kiếm thêm thu nhập.

Nguyễn Lê Hồng Hưng: Hải Hành-Mùa Đại Dịch 3

Mặt trời ẩn sau tầng mây xám, mây vén lên chừa một đường vàng nhạt phía trời tây. Những cánh tua bin gió đã ngừng quay, mặt nước dưới dòng sông êm ả và vài chiếc tàu vô ra thưa thớt. Trời chiều, đường vắng và nghe rõ tiếng chim kêu. Chúng tôi đi trên con đê dài hướng xuống con đường đi bộ dọc bờ sông. Ama hỏi tôi:

– Đi đâu chú?

Tôi quơ tay một vòng và chỉ ngón tay ra cột đèn bẹo ở bờ sông nói:

– Mình đi dạo một lát rồi trở xuống đó.

Tôi day ngang hỏi Ama:

– Con thấy bến chờ có khác hơn bến cảng không?

– Khác nhiều chú, ở đây không có cần trơi, những chiếc xe tải containers và cũng hổng có người làm việc nên không ồn ào như bến cảng.

– Còn thiếu một thứ nữa.

– Thứ gì chú?

– Bông! Mùa xuân ở Hoà Lan thường thì nơi nào cùng thấy trồng bông, ở những bến cảng người ta cũng có làm nhiều bồn trồng đủ thứ bông được thường xuyên chăm sóc. Còn ở đây chỉ có bãi cỏ, chòm cây và bông dại, trông rừng rú và còn có vẻ thiên nhiên.

Ama ỡm ờ chưa nói gì thì chợt có tiếng điện thoại reo, nó đứng lại móc túi lấy điện thoại ra nghe. Ama trả lời bằng tiếng In Đô nên tôi không hiểu gì hết, nói xong cúp điện thoại, day qua tôi, nó nói:

– Chú ra bến sông trước đi, con xuống tàu có chuyện, lát nữa xong con lên liền.


Song Thao: Hát Cô Đầu

Cũng lại tên Khánh Giang! Những ngày của thập niên 1960-1970, Thư Ký Tòa Soạn bán nguyệt san Thời Nay luôn luôn là tên đầu têu chuyện ăn nhậu của chúng tôi. Hồi đó, gần khu hồ bơi Đại Đồng bên Bình Thạnh có một nhà hát cô đầu nhỏ. Sau một cuộc rượu, Khánh Giang bỗng nảy ra ý đi hát cô đầu. Thời chúng tôi chuyện hát cô đầu là chuyện xưa quá là xưa, chúng tôi không nghĩ là còn nhà hát. Khoảng chục tên làm báo đổ bộ vào nhà hát nhỏ. Khi họ đưa cho chiếc trống cầm chầu thì các “quan viên” ngó quanh. Có tên nào biết chi đâu. Khánh Giang nói tôi cầm chầu vì tôi là dân Bắc Kỳ. Rượu đã có trong máu, tôi gật đầu. Khi cô đầu hát, tôi chẳng biết trống triếc ra sao mà từ cô đầu tới các nhạc công mở to mắt nhìn. Tôi gõ lung tung, chẳng biết tại sao mình gõ.


Chầu hát cô đầu hôm đó, lần đầu và là lần cuối, tôi thất bại nặng. Coi như một kỷ niệm không đáng nhớ. Nhưng cho tới nay, khi định viết về hát cô đầu, tôi đọc một số tài liệu mới thấy mình điếc không sợ súng. Tác giả Bùi Trọng Hiền luận về cầm chầu như sau: “Trong quan hệ cung cầu, giá trị quan viên cầm chầu chính là một trong những yếu tố hấp dẫn, thu hút khán giả. Nó như một sự thách đố, kích thích tầng lớp thức giả cô đầu phố thị. Bởi đi nghe hát mà không biết cầm chầu thì sẽ bị coi là chưa biết thưởng thức ả đào. Nên ai cũng có tâm lý phải tập, phải đi nghe nhiều để học hỏi chúng bạn, những mong nâng tầm nhận thức nghệ thuật. Thưởng thức các thể cách, khách chơi - quan viên được coi là sành điệu tất phải am hiểu lề luật âm nhạc, thơ ca để có thể khen thưởng hay điểm chầu khớp với các khổ phách/ khổ đàn. Những quan viên sành điệu bao giờ cũng được giới đào kép nhất mực nể trọng. Ở Hà Nội thời đầu thế kỷ 20, lịch sử đã ghi nhận những cuộc thi lớn được tổ chức thường niên giữa các nhà hát cô đầu. Bên cạnh giải thưởng cho đào kép, cũng có cả giải thường dành riêng cho giới quan viên cầm chầu. Nó chứng tỏ một mối quan hệ cung cầu, một đời sống nghệ thuật phát triển sôi động của thể loại. Nhu cầu làm quan viên của khán giả đô thị thể hiện rõ qua việc Tân Dân Thư Quán xuất bản cuốn “Sách Dạy Đánh Chầu”  ở Hà Nội vào năm 1927. Cuốn sách bán chạy tới mức nó đã được tái bản ngay 2 năm sau đó (1929)”.


Tái mặt với nhận xét của tác giả Bùi Trọng Hiền, tôi còn bị một cú ca dao giũa cho te tua. “Quan viên ba bảy quan viên / Chém cha cái loại lấy tiền vung văng / Cầm chầu roi trống vụt xằng / Say tình nhập nhằng rờ mó hơn ma!”.


Cuộc triển lãm: "Hiệu Ứng Bươm Bướm" - Họa sĩ: Beverly Jacobs và Ann Phong

 

Ngày khai mạc: Thứ Năm 2 tháng 6, lúc 4-8 giờ chiều

Triển lãm mở cửa từ: 2 đến 25 tháng 6, 2022.

Thời gian mở cửa: Thứ Sáu, Thứ Bảy và Chủ Nhật, 12-5 giờ chiều.

117 N. Sycamore. Santa Ana, CA 92701 (góc đường First và Sycamore)

Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2022

Ngô Nhân Dụng: Kỳ thị chủng tộc mang súng

Một thanh niên 18 tuổi bắn chết 10 người tại một siêu thị trong khu vực người da đen ở Buffalo, New York. Trong cùng một cuối tuần giữa tháng Năm, hai người bị giết và ba người bị thương tại một chợ trời ở Harris County, Texas. Tại Orange County, California, 5 người bị thương và một người chết trong một nhà thờ. Tại một sân chơi bóng rổ ở Milwaukee, 21 người bị thương trong một cuộc đấu súng.

Payton Gendron, người bị bắt giữ sau vụ thảm sát ở thành phố Buffalo còn để lại những ghi chú trên mạng dài hơn 600 trang cho thấy anh ta đã chú ý đến ba địa điểm để chọn với mục đích “bắn hết bọn da đen” (shoot all blacks). Gendron vẽ đường đi tới từng địa điểm, tính toán thời gian cần thiết cho công tác bắn giết hơn ba chục người.

Buffalo là một thành phố phân cách chủng tộc, đứng hàng thứ bảy ở Mỹ, theo tài liệu của cơ quan nghiên cứu Brookings Institution. Người da trắng phần lớn ở phía Tây, phía thác Niagara, với những công viên xanh, các con đường lớn phẳng phiu, trồng cây. Người da đen phần lớn ở phía Đông, mặt đường gồ ghề, ít trồng cây, nhiều lô đất để trống và các cửa tiệm đóng kín bằng ván gỗ. Theo một nghiên cứu của Đại học University of Buffalo thì lợi tức gia đình bậc trung (median household income) năm 2019 của người da đen ở Buffalo là $28,320 đô la, của người da trắng là $49,156. Tỷ số người da đen được xếp hạng “nghèo” lên tới 31 phần trăm, người da trắng là 9 phần trăm.

Tháng 11 năm ngoái Gendron đã đăng trên mạng Discord bản tuyên bố của Brenton Tarrant, người tấn công hai nhà thờ Hồi Giáo ở New Zealand vào năm 2019. Anh ta báo trước “một biến cố kiểu Brenton Tarrant sắp xảy ra” trên mạng “4chan” là nơi trao đổi ý kiến được những người da trắng cực đoan sử dụng. Ngày 5 tháng 12, Gendron ghi trong nhật ký rằng đã đến lúc “hành động” đối với các chủng tộc hạ đẳng (inferior races). Anh ta viết: “Tôi sẽ đánh “bọn thay thế” (replacers) và sẽ quay phim cuộc tấn công này.”


The Economist: Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO làm lập luận của Putin sụp đổ (Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng)


Sự mở rộng của liên minh không phải là nguyên nhân dẫn tới cuộc chiến của Tổng thống Nga ở Ukraine.

Quyết định của Phần Lan và Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập NATO là một hành động thẳng thừng bác bỏ tầm nhìn chiến lược của Tổng thống Nga, Vladimir Putin. Hai quốc gia từng tự hào về lịch sử không liên kết quân sự lâu đời của mình đã nhận định rằng, rủi ro làm mất lòng nước láng giềng không quan trọng bằng sự trợ giúp an ninh bổ sung mà họ có được khi tham gia một liên minh chuyên chống lại sự xâm lược của Nga. Đó là kết quả trực tiếp của việc Nga xâm lược Ukraine, mà theo Putin là để ngăn chặn NATO mở rộng.

Nó cũng là một lời bác bỏ đối với những người lập luận rằng NATO có lỗi vì đã dẫn tới cuộc chiến. Putin không phải là người duy nhất cho rằng việc liên minh mở rộng sang Trung và Đông Âu sau Chiến tranh Lạnh là điều khiến người Nga không thể dung thứ. Nhiều học giả phương Tây đồng tình với lập luận đó. Tuy nhiên, sự lựa chọn của Phần Lan và Thụy Điển cho thấy họ có quan điểm ngược lại. Hai nước tìm cách tham gia NATO vì họ bị Nga đe dọa, chứ không phải để chống lại nước này.

Tin tức từ Phần Lan và Thụy Điển được công bố ngày 15/05, khi các ngoại trưởng của NATO đang nhóm họp để thảo luận về Ukraine và về chiến lược mới của liên minh, trong giai đoạn chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh vào tháng tới. Bất chấp những than phiền từ Thổ Nhĩ Kỳ, việc gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển nhiều khả năng sẽ là chính thức. Khi tham gia, cả hai sẽ mang lại khả năng vũ trang đáng kể, đặc biệt là nếu có chiến tranh ở Bắc Cực, và, trong trường hợp của Phần Lan, là lực lượng pháo binh lớn nhất châu Âu. Những lực lượng này có thể nhanh chóng được tích hợp vào cấu trúc chỉ huy của NATO. Tư cách thành viên của hai nước cũng sẽ giúp chiều dài biên giới của liên minh với Nga tăng lên gấp đôi (xem bản đồ). Nó còn củng cố các nước thuộc khu vực phía bắc, đặc biệt là các quốc gia vùng Baltic, nơi sẽ dễ được tiếp tế hơn, và là những nước mà Thụy Điển và Phần Lan sẽ cam kết bảo vệ nếu họ trở thành thành viên NATO.

Tuấn Khanh: Nhà văn Trần Đĩnh - người tiết lộ những chuyện “động trời”

Tác giả Trần Đĩnh. Báo Người Việt

Giới văn chương không chịu sự kiểm soát của Nhà nước, đã công khai bày tỏ sự thương tiếc với tin nhà văn Trần Đĩnh từ trần ngày 12 tháng Năm năm 2022 tại nhà riêng ở Sài Gòn, hưởng thọ 93 tuổi. Trên các trang cá nhân, nhiều người đã viết những dòng kính trọng với một nhà báo, nhà văn suốt đời lận đận vì sự thật. Không thấy có dòng nào đưa tin về sự ra đi của ông trên báo chí nhà nước.

Tác phẩm gây sốc dư luận của nhà văn Trần Đĩnh, là bộ sách Đèn Cù. Trong một lần trò chuyện tại Sài Gòn, ông cho biết đã ôm ấp ý tưởng viết bộ ký lịch sử này, và thực hiện trong hơn 10 năm. Năm 1991, ông tạo những phác thảo đầu tiên, và đến năm 2014, khi dàn khoan HD981 của Trung Cộng xuất hiện ở vùng biển thuộc chủ quyền kinh tế thuộc Việt Nam, ông quyết định gửi đi Mỹ (nhà xuất bản Người Việt Books). Tức thì cuốn sách gây rúng động với những câu chuyện kể đời làm báo của ông, và những điều mắt thấy tai nghe liên quan đến nhiều nhân vật quan trọng của Đảng Lao động và Đảng Cộng sản Việt Nam.

Giải thích việc gửi ra nước ngoài in sách, ông Trần Đĩnh nói rằng: “Tôi muốn nói rõ một điểm: tôi gửi in ở ngoài vì ở trong nước không ai in và phát hành cho tôi, không phải tại vì sách có nhiều bí mật. Hai lý do khác nhau”.

Ngô Nhân Dụng : Giới thiệu "ÐÈN CÙ, Số Phận Việt Nam Dưới Chế Ðộ Cộng Sản" của TRẦN ÐĨNH (Tự truyện của người từng viết tiểu sử Hồ Chí Minh)

Quý vị phải lắng nghe bài Đèn Cù. Tự mình hát lên, hát cho thấm thía vào lòng, cho những câu dân ca văng vẳng trong đầu trong khi đọc Đèn Cù của Trần Đĩnh. Khen ai khéo vẽ (ối a) đèn cù.Voi giấy (ối a) ngựa giấy, tít mù nó chạy vòng quanh… Voi giấy (ối a) ngựa giấy, vòng quanh nó chạy tít mù. Đèn Cù, cũng gọi là đèn kéo quân, là một trong số đèn Trung Thu, đồ chơi cho trẻ em và cho cả người lớn. Quý vị sẽ dần dần nhìn thấy hoạt cảnh xã hội Việt Nam những hình nhân voi giấy, ngựa giấy tít mù nó chạy vòng quanh trên màn ảnh đèn cù trong hơn nửa thế kỷ. Trong đó có tác giả. Một nhân chứng, một người tham dự trong đám Voi giấy (ối a) ngựa giấy lần lần hồi tưởng lại những cảnh cùng nhau chạy vòng quanh (ối a) nó tít mù. Nhiều tác giả đã viết về xã hội miền Bắc Việt Nam dưới chế độ cộng sản, dưới dạng hồi ký, tiểu thuyết, biện thuyết và lý luận, vân vân. Đèn Cù nổi bật lên trong tủ sách đó. Nếu chưa phải là một kho chứng liệu quan trọng và đầy đủ nhất thì đây là cuốn sách đọc lý thú nhất. Rất nhiều chuyện mới nghe lần đầu. Rất nhiều chuyện cũ được nhìn dưới con mắt khác, thấy những khía cạnh chưa ai từng thấy. Quý vị sẽ cười, sẽ khóc, sẽ thắc mắc, sẽ dằn vặt, thao thức, kinh tởm, giận dữ, sót thương, khi bị cuốn theo những Voi giấy (ối a) ngựa giấy chạy quanh trong cái đèn cù.


Dưới cái tựa Đèn Cù Trần Đĩnh gọi cuốn sách này là “truyện tôi.” Đọc xong thì hiểu tại sao tác giả không gọi nó là một “hồi ký” hay “tự truyện,” những loại văn quen thuộc khi người ta kể chuyện cuộc đời mình đã sống. Cuốn sách không viết theo phong cách hồi ký hay tự truyện, khi người viết có sẵn một bản đồ để viết theo, với một mục tiêu muốn đạt tới. Đây cũng không phải là tiểu thuyết, tác giả không kể những chuyện mình tưởng tượng ra. “Truyện tôi”  là một thể loại văn xuôi mới, Trần Đĩnh tạo ra. Mai mốt có thể sẽ không còn ai viết “truyện tôi” nữa. Mà có ai viết thì chăc chắn cũng không viết giống như Trần Đĩnh. Đèn Cù là một cuốn sách độc đáo. 


Trần Đĩnh: Chương 5 Đèn Cù

Mỗi số báo tôi được hai trang để tuyên truyền cải cách ruộng đất. Chủ yếu phổ biến kinh nghiệm các đoàn đang giảm tô giảm tức ở Thanh – Nghệ. Và kinh nghiệm cải cách ruộng đất ở Trung Quốc. Tài liệu ở nội san các đoàn giảm tô, bản dịch được Hoàng Ước, thư ký của Hoàng Quốc Việt, người chỉ đạo cải cách ruộng đất lúc đó gửi cho. Tóm lại các kinh nghiệm khêu gợi căm thù và tiến hành bạo lực (trong đó có cả chuyện Pavlik Morozov, cậu bé tố cáo bố phú nông ở Liên Xô).

Cải cách ruộng đất chính thức nổ pháo hiệu đầu tiên ở xã Dân Chủ, Đồng Bẩm, Thái Nguyên, trên quốc lộ 1 lên Lạng Sơn. Đối tượng: Nguyễn Thị Năm, tức Cát Hanh Long, nhân sĩ tên tuổi trong Trung ương Hội Liên Hiệp Phụ Nữ cũng như Trung ương Mặt trận Liên Việt, người thường cùng họp long trọng với Hồ Chí Minh, Tôn Đức Thắng, Hoàng Quốc Việt. Nay bà trở thành địa chủ phản động, cường hào gian ác lợi dụng tiếng thân sĩ để phá hoại cách mạng và kháng chiến, có nhiều nợ máu với bần cố nông. Quản lý đồn điền Nguyễn Lân, nguyên vô địch võ sĩ quyền Anh trước kia nổi tiếng khắp Đông Dương cũng là đối tượng đấu tố và xử bắn. Đặc biệt Công, con trai bà Nguyễn Thị Năm, Việt Minh bí mật, nay là chính ủy trung đoàn pháo 105 li đang học ở Côn Minh, Trung Quốc cũng bị gọi về, treo giò.

Một tình tiết thú vị: khi tướng Pháp Cogny lập tập đoàn cứ điểm đầu tiên ở Nà Sản mà ta không công phá được vì thiếu đại pháo bắn cầu vồng, đơn vị pháo 105 ly của Công đã chuẩn bị về nước tham gia chiến dịch thì Cogny rút, pháo ta bèn nán lại học tiếp. Ai ngờ việc đó đã khiến tướng Navarre kết luận Việt Minh không có đại pháo do đó hăng hái nhảy lên Điện Biên Phủ và Piroth đại tá pháo binh Pháp ở Điện Biên Phủ đã giật lựu đạn tự sát ngay khi pháo Việt Minh lên tiếng.


Pavlo Vyshebaba: Bài thơ từ tiền tuyến (Đặng Vũ Vương dịch)

 Pavlo Vyshebaba, nhà thơ Ukraine, hiện đang ở chiến tuyến bảo vệ tự do và sự toàn vẹn của đất nước mình. Bài thơ viết cách đây không lâu tại tiền tuyến.

Pavlo Vyshebaba đến từ Kramatorsk. Trước năm 2014, Pavlo di chuyển đến Kyiv và trong những năm này, anh đã tình nguyện nhập ngũ. Đồng thời, anh là một nhà hoạt động vì môi trường và phản đối việc sản xuất lông thú tự nhiên. Vào ngày thứ hai của cuộc xâm lược toàn diện, Pavlo đưa gia đình đến nơi an toàn. Hiện anh đang ở Slobozhanshchyna, giáp với Donbass vùng quê của anh, nơi mà anh đang bảo vệ vùng đất của mình bằng vũ khí trong tay. Ngoài ra, vào tháng 4, ban nhạc “Một hành tinh” của Pavlo đã phát hành một album “My War”. Trong đó, anh cố gắng kể về cảm xúc của chính mình và truyền tải nỗi đau của người dân ở các vùng bị chiếm đóng và ở hậu phương. Anh gọi tất cả những biến cố này là một thảm họa, đồng thời là một kỳ công vĩ đại của dân tộc Ukraine.


Chúc mọi người bình an. Chúng ta chắc chắn sẽ giành chiến thắng! 


 

Bản dịch của Đặng Vũ Vương

 

Tới khi tất cả súng liên thanh im tiếng

Và kết cuộc ta sẽ nghe được mùa xuân

Hai đứa mình sẽ yêu nhau như kẻ chết khát

để tự gột sạch chiến tranh

ta sẽ đánh tan mùi khốn kiếp của nó

trong mồ hôi mặn muối của đôi ta

qua những nốt ruồi của em, bản đồ của những tinh tú

anh sẽ ngắm kỹ em toàn diện như lúc Chúa tạo em

và đến khi các đại bác đã nguội tanh

sẽ thật ấm nóng biết bao trong giường ngủ

anh sẽ hôn em đến gần như cắn

để xóa đi sự kinh hãi trong trí anh

để những lời rên rỉ của em đuổi đi sự im lặng

Trước một giấc ngủ vì mệt nhoài

anh sẽ ghì ôm em bất tận

và buổi sáng anh sẽ lại yêu em

và nếu định mệnh tha cứu chúng ta

và nếu chúng ta sống sót được cái mùa xuân độc ác này

hai đứa mình sẽ yêu nhau như kẻ chết khát

để tự gột sạch chiến tranh.

 

ĐVV 



Song Thao: Già Khú Đế

 Bạn bè tôi, bỏ rẻ cũng đã tám chục niên kỷ. Người đời bảo già rồi. Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc chơi ác hơn. Trong bài viết “Già Khú…Đế”, ông luận như ri: “Già khú là giai đoạn một, thêm một bước nữa thì gọi là “già khú đế”. Khú, từ điển tiếng Việt bảo là “để thâm lại và có mùi hôi”, thí dụ dưa khú, tức là một thứ dưa để lâu quá, sắp hư. “Khú đế” là “vua” của khú, hơn hẳn các khú”.


Bác sĩ - nhà văn, nhà thơ  Đỗ Hồng Ngọc


Tám chịch hay hơn nữa có phải là già khú đế không, hình như không ai trong chúng tôi nghĩ như vậy tuy mỗi lần tụ họp với nhau là một kịch bản khác. Gần như toàn thể chúng tôi đều là những vận động viên môn thể dục dụng cụ. Ông thì chơi gậy thường, ông gậy bốn chấu, ông chơi môn đẩy cái walker, có ông chơi nguyên chiếc xe lăn. Kềnh càng như vậy nhưng vẫn vui vì còn được nhìn thấy nhau. Già đâu mà già! Tuổi chỉ là những con số!


Theo phép lịch sự đương đại, người ta không nên hỏi tuổi một phụ nữ. Tôi muốn thêm vào một chút: người ta cũng không nên hỏi tuổi một người cao tuổi. Phiền phức cho các bậc quân tử lắm. Ngày xưa ngài Nguyễn Công Trứ khi bị gái nhí hỏi tuổi đã lách: ngũ thập niên tiền nhị thập tam. Năm chục năm trước tớ hăm ba!


Trần Doãn Nho: “Đoản thi” của sinh viên Trung Quốc: - một hình thức phản kháng

 Một cuộc thi thơ dành cho sinh viên đã trở thành một cơ hội để bày tỏ nỗi thất vọng của công chúng về các vấn đề xã hội đang gây xôn xao ở Trung Quốc trong những tháng vừa qua. 

Thơ dự thi là những bài thơ ngắn - đoản thi - bằng Hoa ngữ dành cho sinh viên đại học, do trường Đại học Jiaotong [Giao thông = Media and Communication] Thượng Hải tổ chức, năm này là lần thứ năm. Danh sách người  thắng giải sẽ được công bố vào tháng 6/2022, tuy nhiên, một số bài thơ gửi đến đã được đưa lên mạng từ tháng 4/2022. Trong số những bài thơ này, ngoài những chủ đề chung chung liên hệ đến giới tính, môi trường, sự nghèo đói, vấn đề tự do ngôn luận, có nhiều tác phẩm đề cập đến cơn đại dịch và các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt của nhà cầm quyền Trung Quốc đang được áp dụng trên toàn quốc như khẩu trang, cách ly, phong tỏa; và cả chiến tranh ở Ukraine. Đặc biệt, vào thời điểm mà không gian tranh luận bị nhà cầm quyền Trung Quốc thu hẹp đến tối đa, một số bài thơ hiếm hoi mang ý thức xã hội rõ nét đã thu hút sự chú ý của người dùng Internet và được ca ngợi vì sự táo bạo của chúng.


Ảnh chụp màn hình bài thơ “Sử ký” của

Trần Vân Tĩnh (Hình: Nguyễn Ngọc Dung)


Nhật báo “The Washington Post” số ra ngày 24/4/2022 gọi đó là hiện tượng “bất đồng chính kiến” diễn ra ngay trong lòng chế độ chuyên chế, qua một bài viết của Lily Kou, thông tín viên trưởng thường trú tại Bắc Kinh, tựa đề “Student Poetry Contest in China Becomes Unexpected Outlet for Dissent”[1] (Cuộc thi thơ sinh viên ở Trung Quốc trở thành kẽ hở bất ngờ bày tỏ bất đồng chính kiến). Kou dẫn phát biểu của Chris Song, một trợ lý giáo sư chuyên về dịch tiếng Anh và tiếng Trung tại đại học Toronto Scarborough (Canada), cho biết: “Thực đáng ngạc nhiên! Tôi rất ngạc nhiên khi những bài thơ được ra đời trong một môi trường thắt chặt như vậy, nơi mà nhiều bài thơ miêu tả những mặt tối của xã hội, hoặc thách thức hệ tư tưởng chung của chính quyền thường bị kiểm duyệt.” Họ tìm thấy trong thơ một lối thoát mạnh mẽ để biểu tỏ “cảm xúc của mình trong những lúc khó khăn," cũng theo Song. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau khi đưa lên, vào đầu tuần lễ từ 18 - 24/4/2022, chúng biến mất khỏi Weibo (微博=Vi Bác), trang mạng xã hội phổ biến ở Trung Quốc: đại học Jiaotong đã rút xuống tất cả các bài thơ “có vấn đề”, trong đó có những bài như "Tha đích nha” (Răng của bà mẹ), "Phi tất yếu ly hiệu” (Rời trường không phải là điều thiết yếu) và "Sử ký”…và đóng hẳn phần bình luận của hầu hết người dùng. Tuy nhiên, những người sử dụng Internet đã lập tức chụp ảnh màn hình (screenshots) các bài thơ, kể cả hình ảnh của các phiên bản viết tay của chúng và tiếp tục phổ biến trên mạng. Khi được những người dùng Internet thắc mắc về sự biến mất của các bài thơ, nhà


Ngự Thuyết: Tại Sao (But why does she not speak? Euripides - Alcestis (Nhưng tại sao nàng không nói?))

Anh đạp thắng gấp. Bánh xe siết lên mặt đường sỏi đá. Chiếc Jeep rùng rùng mấy cái rồi dừng hẳn để lại trên đường hai vạch dài song song. Một người đàn bà vừa chạy vụt qua trước mặt xe. Đường vắng. Anh tắt máy, nhảy nhanh xuống xe, cau có nhìn theo, miệng lẩm bẩm gắt. Không, đấy là một cô gái còn trẻ lắm, khoảng trên 20 tuổi. Cô gái đã bước lên lề đường rồi, bỗng vội vã quay lại. Cô rụt rè tiến đến gần anh, ấp úng:

“Xin lỗi ông. Tôi, tôi ...”

Anh nói như quát:

“Cô ẩu quá. Có ngày rồi đời. Cái đồ ...” Anh định mắng.

“Thưa ông nói chi?”

“Có ngày rồi đời!”

Anh nhủ thầm mình nói cái lối miền Trung này có lẽ cô ta không hiểu. Nhưng cóc cần. Không trả lời câu hỏi, anh nói tiếp:

“Có răng không. Có sao không cô?”

Cô gái bỗng nhìn anh chăm chú. Khuôn mặt cô bỗng như tỏa sáng, đôi mắt dường như vừa bắt gặp một điểm khuất xa xôi nào đó, loé lên những màu sắc lạ. Đến lượt cô cũng không trả lời câu hỏi của anh, nói ngập ngừng, giọng nói cao hẳn lên, nghe như tiếng reo vui:

“Ô, ô, lạ chưa. Thưa, thưa có phải ông là bác sĩ ... bác sĩ Khoa?”

“Đúng vậy. Nhưng sao cô biết. À, hình như ...”

Anh dừng lại nửa chừng, lim dim mắt, cố nhớ. Hình như, hình như cái quái gì nhỉ. Cái bực dọc bỗng tan biến nhanh. Trước người đẹp anh dễ dàng quên mọi bực dọc. Cô bé này trông là lạ, có duyên ngầm, có sức lôi cuốn bí mật. Và nụ cười không thành tiếng đó, giọng nói ngập ngừng nghe quen quen đó, anh cố nhớ. Mà quá khứ như bị sương mù dày đặc bao phủ. Lẩn quất, trốn tránh. Kín bưng. Anh không thể nhớ gì thêm nữa.


Điếu Văn Của Phạm Phú Thứ Viếng Phan Thanh Giản (Dịch thuật : Nguyễn Duy Chính; Giới thiệu : Phạm Phú Minh)

LTS. Dù toàn bộ bài này đã được đăng trên DĐTK vào tháng 8 năm 2021, nay vì một “lý do đặc biệt”, chúng tôi xin đăng lại trong số báo này. Lý do là vào chiều ngày 15 tháng 5, 2022 trong buổi ra mắt cuốn sách Phan Thanh Giản và Vụ Án ‘Phan Lâm Mãi Quốc, Triều Đình Khí Dân’ của tác giả Phan Đào Nguyên, diễn giả Phạm Phú Minh đã dùng bài Ai Điếu của Phạm Phú Thứ viếng Phan Thanh Giản làm đề tài cho bài thuyết trình của mình. Nhiều khán giả tỏ ý muốn biết rõ hơn về bài Ai Điếu này, chúng tôi đã hứa sẽ đăng lại toàn bài trên số DĐTK hôm nay để ai quan tâm sẽ có tài liệu để xem lại kỹ càng hơn. DĐTK
***
Trong thế kỷ 19, Việt Nam đã nếm trải bao nỗi cay đắng trước sự xâm lăng bằng vũ lực mà một triều đình nhà Nguyễn mặc dù đã rất vững chãi với một lãnh thổ lần đầu tiên rộng lớn nhất trong lịch sử kéo dài từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, đã cuối cùng cũng phải mất nước trước kẻ cướp đến từ phương Tây. Nếu phải chọn một nhân vật Việt Nam điển hình đã trực tiếp đương đầu với cái kịch bản đấu trí đấu lực suốt cái quá trình đau khổ ấy, thì thiết nghĩ không ai khác hơn là Phan Thanh Giản. Ông đã phục vụ suốt ba triều Minh Mạng (1820 – 1841), Thiệu Trị (1841-1847), Tự Đức (1847-1883), đặc biệt trong triều Tự Đức ông đã nổi lên như một rường cột chính phục vụ quốc gia cho đến hơi thở cuối cùng, để thấy đời ông cũng chính là hình ảnh cái bi kịch của nước ta khi chống chọi với sự xâm lăng của người Pháp.

Sau khi quân Pháp đã chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, ông Phan Thanh Giản là người được vua Tự Đức cử làm chánh sứ, Lâm Duy Hiệp làm phó sứ đi vào Gia Định thương thuyết với Pháp để nghị hòa. Kết quả là hòa ước Nhâm Tuất 1862 đã được ký kết, Việt Nam nhượng cho Pháp ba tỉnh Biên Hòa, Gia Định và Định Tường. Theo Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, vua Tự Đức bất đắc dĩ phải chấp nhận hòa ước Nhâm Tuất nhưng trong bụng vẫn muốn cố hết sức để chuộc lại vì đất Gia Định là đất khai nghiệp của nhà Nguyễn và lại là đất quê ngoại của nhà vua. Chính vì lý do này mà năm 1863 vua Tự Đức mới cử một phái đoàn Việt Nam gồm Phan Thanh Giản chánh sứ, Phạm Phú Thứ phó sứ và Ngụy Khắc Đản bồi sứ, qua tận Pháp để thương thuyết chuộc lại ba tỉnh ấy. Nhưng đã gọi là thực dân, đã chiếm được đất của người ta rồi, làm sao có chuyện trả lại! Không trả lại, mà còn lấy thêm ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ và đưa đến cái chết bi tráng của Phan Thanh Giản.

Chúng ta đều biết bản án mà triều đình Huế dành cho Phan Thanh Giản sau khi Pháp chiếm nốt ba tỉnh miền Tây và ông đã tuẫn tiết : tước bỏ hết quan tước và đục xóa tên trong bia tiến sĩ. Một đời làm quan suốt ba triều nhà Nguyễn, nhiều lần xin rút lui vì tuổi già sức yếu mà vua khăng khăng không chấp thuận, bắt phục vụ cho đến giây phút cuối cùng, để rồi sau cái chết đã bị xóa trắng bao công sức mà suốt đời ông đã bỏ ra cho vua, cho dân, cho nước. Bi kịch ấy của cuộc đời Phan Thanh Giản rất thấm thía trong lịch sử nước ta, mà các thế hệ về sau đã ra công điều chỉnh để giữ gìn công đạo của một dân tộc có lương tâm.

Nhưng ít ai biết ngay trong thời gian xảy ra vụ án này, ngay giữa triều đình Tự Đức, đã có một tiếng nói cất lên để bênh vực Phan Thanh Giản. Đó là bài điếu văn của Phạm Phú Thứ viếng Phan Thanh Giản. Đúng hơn đây là một tài liệu mượn hình thức là điếu văn để khẳng định bao công lao, mưu lược, tài kinh bang tế thế của vị lão thần Phan Thanh Giản, dù tuổi già sức yếu đã mấy lần xin về hưu, đã bị nhà vua khư khư đưa ra tuyến đầu đại diện cho triều đình để đương đầu với một thế lực cướp nước quá hùng cường. Gọi là điếu văn mà không có một tiếng khóc Ô Hô!, không một từ ngữ đã thành sáo ngữ để tưởng niệm người quá cố. Trái lại, như một bài chính luận đanh thép nhằm đặt để lại giá trị của vị lão thần đã đem hết sức tàn lực kiệt để lo cho nước, và đã được “trả ơn” bằng một bản án có thể gọi là bất nhân, bất cận nhân tình. Với bản án đó, sau khi chết, cụ Phan Thanh Giản ra đi tay trắng, chẳng còn một sự nghiệp “hợp pháp” nào để lại cho người đời và con cháu.

PHÂN ƯU



Minh hoạ FreePik


Thứ Sáu, 13 tháng 5, 2022

Ngô Nhân Dụng: Phá Thai - Joe Biden phải chọn một phía!

Từ khi nhậm chức tổng thống, ông Joe Biden chưa bao giờ nói đến chữ “phá thai” (abortion). Ông im lặng cho tới khi cả nước Mỹ sôi nổi tranh luận phá thai, sau khi bản ý kiến của Thẩm phán Tối cao Samuel Alito bị tiết lộ.

Dư luận ồn ào vì án lệ Roe v. Wade xác nhận quyền phá thai có thể bị xóa bỏ. Nhưng các lời tuyên bố của ông Biden còn rất ôn hòa, không như các lãnh tụ Dân chủ khác. Phó Tổng thống Kamala Harris chẳng hạn, bà lên án những ý kiến của Thẩm phán Alito là “tấn công trực diện trên quyền tự do.” Nghị sĩ Chuck Schumer, (Dân Chủ-N.Y.), tố cáo các vị Thẩm phán bảo thủ đã nói dối Thượng viện, khi trình bày ý kiến ôn hòa của họ về quyền phá thai rồi được Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm.

Chính trị gia cả hai đảng bàn tán về thái độ dè dặt của ông Biden, cho tới nay. Những người vẫn tranh đấu cho quyền phá thai rất bất bình. Renee Bracey Sherman, người sáng lập tổ chức “We Testify” cay đắng nói rằng ông tổng thống đã “đào ngũ.” Trong hơn một năm qua We Testify đã thỉnh cầu ông đọc một diễn văn về chuyện phá thai mà chưa được. Đảng Cộng Hòa thì bắt ngay lấy một câu của ông Biden, ngày Thứ Ba tuần trước. Khi nói đến hành động phá thai ông Biden dùng chữ “một đứa bé” (a child) – thay vì dùng chữ “một bào thai” (a fetus). Đó là cách diễn tả quen thuộc của những người tranh đấu chống phá thai, ví phá thai như giết người.

Thái độ dè dặt của ông Joe Biden có thể giải thích bằng tôn giáo: Ông đi lễ nhà thờ thường xuyên nhưng từng bị cánh bảo thủ trong đạo chỉ trích, vì lập trường đảng Dân chủ quyết bảo vệ quyền phá thai. Đã có lời yêu cầu Hội đồng Giám mục Mỹ không cho ông được nhận “mình thánh” cũng như các nhà chính trị ủng hộ phá thai khác, nhưng Tòa Thánh không chấp thuận yêu cầu này.

Vì thế, ông Biden vẫn đứng hai chân hai bên. Ông chọn thế tiến thoái lưỡng nan từ năm 1973 khi Tối cao Pháp viện tuyên án vụ Roe v. Wade. Năm đó, ông Biden đã nhận xét rằng phán quyết của Tòa Tối Cao coi phá thai là một quyền hiến định đã “đi quá xa.” Ông nói với một nhà báo rằng, trong vấn đề phá thai, lập trường của ông cũng “cấp tiến như bà nội ở nhà anh vậy.”