Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2022
Rod Buntzen: Nổ Bom hạt nhân qua mắt một Nhân chứng (Nguyễn Đức Tường biên dịch)
Rod Buntzen là tác giả cuốn sách “Trải nghiệm Armageddon: Hồi ký Thử nghiệm Vũ khí Hạt nhân”.
Trong mấy ngày đầu của chiến tranh Ukraine, Tổng thống Vladimir Putin loan báo thế giới rằng ông đã ra lệnh cho các lực lượng hạt nhân quốc gia phải ở trạng thái sẵn sàng cao hơn. Kể từ đó, các chuyên gia, tướng lĩnh và chính trị gia đã cố suy đoán điều gì sẽ xảy ra nếu quân đội Nga sử dụng vũ khí hạt nhân.
NATO sẽ hành động thế nào? Hoa Kỳ có nên đáp trả bằng vũ khí hạt nhân hay không?
Đối với tôi, tất cả những suy đoán này đều trống rỗng. Những lời nói vô cảm, thiếu thuyết phục.
Operation Hardtack Oak, June 1958.- Photograph via Wikimedia Commons |
Năm 1958, với tư cách một nhà khoa học trẻ của Hải quân Hoa Kỳ, tôi đã chứng kiến vụ nổ một vũ khí nhiệt hạch 8,9 megaton, được đặt trên một sà lan ở đảo san hô Eniwetok, thuộc quần đảo Marshall. Tôi quan sát từ phía bên kia bờ đầm ở bãi biển trên Đảo Parry, nơi nhóm của tôi chuẩn bị thiết bị để đo bức xạ khí quyển. Sáu mươi ba năm sau, những gì tôi thấy vẫn còn in hằn trong tâm trí, nên tôi rất lo lắng về việc sử dụng vũ khí hạt nhân có thể được thảo luận một cách phóng túng như vậy vào năm 2022.
Mặc dù nỗi kinh hoàng tiềm tàng của vũ khí hạt nhân vẫn còn tồn đọng trong những phim ở Hiroshima và Nagasaki, công chúng ngày nay vẫn chưa hiểu rõ về những đe dọa của Chiến tranh Lạnh và những gì có thể xảy ra ngày nay nếu cuộc chiến ở Ukraine cố ý hay vô tình vượt ra ngoài tầm kiểm soát.
Cuộc thử nghiệm mà tôi chứng kiến, tên mã là Oak, nằm trong một chương trình lớn có tên là Hardtack I, bao gồm 35 vụ nổ hạt nhân trong nhiều tháng vào năm 1958. Với mối quan tâm của thế giới ngày càng tăng về việc thử nghiệm nguyên tử trong khí quyển, quân đội thiết tha về việc thử nghiệm nhiều loại vũ khí khác nhau, càng nhiều càng tốt, trước khi một lệnh cấm sử dụng khí quyển được công bố. Quả bom khinh khí được dùng trong vụ thử Oak phát nổ lúc 7:30 sáng. Một quả bom thứ hai được phát nổ vào buổi trưa trên đảo san hô Bikini ở gần đó.
Trong một vụ nổ hạt nhân, các hiệu ứng nhiệt và sốc xảy ra tức thì và ra ngoài mọi sức tưởng tượng. Quá trình phân hạch-nhiệt hạch trong một vụ nổ nhiệt hạch xảy ra trong một phần triệu giây.
Tôi đứng quan sát cách xa chừng 20 dặm, tất cả vật liệu trong bom, sà lan, và nước và không khí ở quanh đầm đã bốc hơi và nhiệt độ tăng lên hàng chục triệu độ.
Khi tia X và neutrons từ bom bắn ra ngoài, những hạt vật chất nặng được để lại đằng sau, chúng tạo ra một mặt trận bức xạ bị không khí xung quanh hấp thụ. Các quá trình bức xạ, hấp thụ, tái bức xạ và giãn nở tiếp tục, làm nguội khối lượng bom trong vòng vài phần nghìn giây.
Vùng sốc áp suất cao bên ngoài nguội bớt và mất đi độ mờ khi nó chạy nhanh về phía tôi, một quả cầu lửa bên trong nóng hơn lại xuất hiện một lần nữa.
Trong quá trình, thời điểm này gọi là điểm ly khai, xảy ra khoảng ba giây sau khi phát nổ, khi ấy bán kính quả cầu lửa đã lớn gần 5500 feet.
Quả cầu lửa lúc này đã bắt đầu bay lên, bao trùm ngày càng nhiều bầu khí quyển và cuốn theo san hô và nước trong đầm tạo thành một cột khổng lồ. Quả cầu lửa cuối cùng có bán kính chừng 1,65 dặm.
Thời gian như ngừng trôi. Tôi đã quên mất số giây đang đếm.
Cái nóng trở nên không thể chịu đựng nổi. Những chỗ trần ở mắt cá chân tôi bắt đầu đau. Chiếc mũ nhôm trùm đầu mà tôi làm để bảo vệ đã bắt đầu hỏng.
Tôi nghĩ tóc sau đầu của tôi có thể bốc cháy.
Vụ nổ tạo ra một độ sáng không thể mô tả nổi. Tôi lo kính bảo hộ mật độ cao sẽ bị hỏng.
Operation Hardtack Poplar, July 1958.Credit...Photograph via Wikimedia Commons |
Mắt nhắm, tôi quay người cho đến khi tôi nhìn thấy rìa của quả cầu lửa.
Khi quay qua khỏi quả cầu lửa một lần nữa, tôi mở mắt bên trong kính bảo hộ và nhìn thấy hình dáng của những cây cối và đồ vật quanh đó.
Ánh sáng thường xuyên qua kính bảo hộ của tôi tăng lên, và cái nóng trên lưng tôi ngày càng mãnh liệt. Tôi cựa quậy để phân phối nhiệt từ bên hông sang phía lưng.
Khoảng 30 hoặc 40 giây sau khi phát nổ, tôi tháo kính bảo hộ ra và quan sát đám mây tím đỏ và nâu giận dữ từ quả cầu lửa.
Khi đám mây bay lên cao bắt đầu trở thành chỏm mũ hình nấm, tôi chờ đợi sóng xung kích đến. Tôi có thể nhìn thấy một bóng đen dài thẳng đứng đang tiến lại gần từ đằng xa. Theo bản năng, tôi mở miệng và chuyển hàm qua lại để cân bằng chênh lệch áp suất trên màng nhĩ, nhắm mắt và đưa tay che tai.
Pow!
Nó như cho tôi một cái tát mạnh vào toàn thân, khiến tôi ngã ngửa. Tôi mở mắt ra thì thấy một bóng đen khác đang tiến gần từ một hướng hơi khác. Trong vài giây tiếp theo, tôi cảm thấy một số cú đánh nhẹ hơn tạo ra bởi sự phản xạ của sóng áp suất từ bên ngoài các hòn đảo xa xôi.
Quả cầu lửa tiếp tục lớn rộng và leo cao hơn 200 dặm một giờ, đến khoảng cao chừng 2 dặm. Đám mây nóng bỏng cách xa chừng 20 dặm đó biến thành một hỗn hợp hơi trắng xám, tiếp tục bay cao cho đến khi cao khoảng 100 000 feet.
Trong khi đó, nước đầm đã rút đi như một bức màn sân khấu được kéo lên, đáy biển từ từ xuất hiện. Lưới cá mập dùng để bảo vệ những người bơi lội nằm ở dưới đáy.
Cuối cùng, nước ngừng rút và có vẻ như tạo thành một bức tường, giống như những bức tranh vẽ việc Moses chia mặt biển. Bức tường dường như bất động trước khi gầm lên lại.
Nước rút đi lần thứ hai, sau đó lặp lại theo từng đợt sóng ngày càng nhỏ hơn và cuối cùng là những dao động nhỏ trên mặt đầm kéo dài cả ngày.
Nhân loại đã tiến hành hơn 500 vụ thử hạt nhân trong bầu khí quyển trước khi chuyển hoạt động xuống dưới lòng đất, nơi chúng ta đã thử nghiệm thêm 1500 lần nữa. Thử nghiệm để xác minh thiết kế của vũ khí. Thử nghiệm để đo tác động của bức xạ trên con người. Thử nghiệm để kiểm tra trước khi đưa ra các tuyên bố chính trị.
Trong thời kỳ đầu làm việc trong Hải quân, tôi tập trung vào các kịch bản liên quan đến những trao đổi hạt nhân có thể khiến hàng chục triệu người thiệt mạng - điều mà ta biết trong Chiến tranh Lạnh gọi là sự hủy diệt lẫn nhau.
Nhưng sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh không mang lại sự chấm dứt cho những vũ khí đáng sợ này.
Chỉ cách đây vài tháng, vào tháng Giêng, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Mỹ đã đưa ra một tuyên bố chung khẳng định rằng chiến tranh hạt nhân là một cuộc chiến tranh không thể thắng và không bao giờ phải xảy ra.
“Chúng tôi nhấn mạnh mong muốn làm việc với tất cả các quốc gia để tạo ra một môi trường an ninh thuận lợi hơn cho tiến trình giải trừ quân bị với mục tiêu cuối cùng là một thế giới không có vũ khí hạt nhân với an ninh không sút giảm cho tất cả mọi người,” tuyên bố viết.
Nếu vũ khí hạt nhân được sử dụng ở Ukraine, nỗi lo lớn nhất là cuộc xung đột có thể nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát. Trong một cuộc chiến chiến lược với Nga, hàng trăm vụ nổ như vụ tôi chứng kiến có thể bao trùm đất nước chúng ta.
Đã chứng kiến một vụ nổ nhiệt hạch, tôi hy vọng rằng không còn ai phải chứng kiến một vụ nổ khác.
Source: https://www.nytimes.com/2022/03/27/opinion/nuclear-weapons-ukraine.html2022 03 22