Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2022
Ngô Nhân Dụng: Cuộc chiến tranh ngầm giữa Nga với Mỹ
Mỹ với Nga đang tham dự một cuộc chiến, nhưng cả hai bên đều không thừa nhận. Vladimir Putin và Joe Biden đều giả bộ như không có gì; vì quân đội hai nước chưa công khai bắn nhau.
Ông Vladimir Putin có nói rằng khi NATO gửi vũ khí giúp Ukraine tức là gây chiến với Nga. Ông dọa sẽ có hậu quả nghiêm trọng. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói bóng gió đến Đại chiến Thứ Ba, đến bom nguyên tử, nhưng ai cũng hiểu đó là những lời nói suông. Ông Putin vẫn bán dầu lửa và khí đốt nếu có nước nào hỏi mua. Ba Lan đã gửi cho Ukraine cả máy bay và thiết giáp do Nga cung cấp thời còn chế độ cộng sản. Nga ngưng bán khí đốt, đe dọa, nhưng vẫn không dám đánh thẳng vào các địa điểm chuyển giao vũ khí các nước NATO cho Ukraine, nằm sát biên thùy Ba Lan.
Về phần Joe Biden, ông đã gọi ông Putin là một “tên sát nhân,” một “tội phạm chiến tranh,” rồi nâng lên hàng “đồ tể;” còn nói thẳng không nên để ông Putin ngồi yên nắm quyền. Nói như thế còn nặng nề hơn công khai tuyên chiến. Ví thử ông Biden tặng ông Tập Cận Bình những danh hiệu tương tự thì chắc Trung Cộng đã tuyệt giao với Mỹ và cho quân đội chuẩn bị sẵn sàng lâm chiến. Nhưng ông Putin chứng ông tỏ có một lớp da rất dầy, vẫn im lặng.
Khi một nước tấn công một nước khác, thì phải coi tất cả những ai giúp quân đối địch với mình là kẻ thù. Không đối đầu trong chiến tranh trực tiếp; nhưng nếu anh giúp một nước đang đánh nhau với tôi tức là anh đánh tôi. Trên thế giới ai cũng phải hiểu như vậy.
Hai phe đang tham dự một cuộc chơi “hiểu ngầm.” Joe Biden không dám công khai nói rằng mình đang đánh Nga. Vladimir Putin không dám nói rằng mình đang bị đánh.
Ngoại trưởng Nga Lavrov tố cáo các nước Tây phương đang “sử dụng” người Ukraine để đánh Nga. Nhưng ai cũng biết rằng quân Ukraine không tấn công nước Nga, họ chỉ tự vệ. Cho nên lời kết án đó vô nghĩa, không căn cứ.
Nga với Anh quốc cũng đang dự một “cuộc chiến giả bộ,” bên ngoài nói vậy mà bên trong không phải vậy. Bộ trưởng Quốc phòng Anh nói rằng quân Ukraine có thể đánh vào các địa điểm trong nước Nga, dùng vũ khí do nước Anh viện trợ, đó là một thẩm quyền chính đáng. Sau đó nhân viên bộ Quốc phòng Anh phải “nói rõ hơn,” rằng nước Anh không can dự vào việc quân Ukraine chọn đánh chỗ nào. Nhưng minh xác như vậy cũng chỉ để tiếp tục “giả bộ” mà không nói thêm được gì cả.
Trần Doãn Nho: Tháng Tư, nói chuyện tị nạn
Không có tị nạn hòa bình; chỉ có tị nạn chiến tranh.
Không có “tị nạn tư bản” hay “tị nạn dân chủ”; chỉ có “tị nạn cộng sản”.
Một nước cộng sản là một nước xuất cảng người tị nạn.
Lại tháng Tư!
Tị nạn này nhắc đến tị nạn kia! Ukraine 2022 chọc sâu vào vết thương 1975 Việt Nam.
Tháng 3, tháng 4/2022, cả nước Ukraine chạy! Từng đoàn rồi từng đoàn rồi từng đoàn đàn bà, người già, trẻ con nối đuôi nhau ngơ ngác, bơ vơ, bất kể ngày đêm, bất kể hiểm nguy, bỏ lại đàng sau tất cả để đi vào một nơi xa lạ. Đi cái đã. Miễn là thoát. Trước mặt thì mênh mông, vô danh, vô định, nhưng vẫn có chút ánh sáng còn hơn là ở lại quê nhà, một quê nhà thân yêu đột nhiên trở thành hiểm địa. Với tình hình không lối thoát hiện nay, những tháng, những năm trước mặt, có lẽ người Ukraine sẽ vẫn tiếp tục ra đi! Họ trốn chiến tranh, mà thực ra cũng là trốn một đất nước có thể bị Putin chiếm đoạt để biến một Ukraine dân chủ thành một chư hầu độc tài.
Tháng 3, tháng 4/1975, cả miền Nam ùn ùn “chạy”. Đi bộ, đi xe, đi thuyền, đi tàu, đi máy bay, đi, đi, đi, đi bất cứ đâu, miễn là thoát khỏi cộng sản. Chỗ nào bộ đội cộng sản tiến vào là chạy. Từ cao nguyên chạy về đồng bằng, từ bắc chạy vào nam, từ các tỉnh chạy về Sài Gòn. Mất Sài Gòn, lại tiếp tục chạy, từ đất liền ra biển, từ Việt Nam chạy đến các nước khác. Đã gần nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày ấy, người Việt vẫn còn tìm cách chạy khỏi đất nước, dù kiểu chạy bây giờ có khác hơn xưa: du học, bảo lãnh, lấy vợ lấy chồng…
Tị nạn này là bản sao của tị nạn kia. Chế độ ở quê nhà là “nạn”, nên đành phải “tị”: bỏ quê nhà, ra đi lánh nạn.
Từ Thức: 30/4. Tại Sao, 47 Năm Sau, Vẫn Chưa Có Thay Đổi Tại V.N ?
1001 LÝ DO
Người ta đã nêu rất nhiều lý do, nhưng những lý do đưa ra có thực sự giải thích hiện tượng đáng buồn là chế độ Cộng Sản vẫn đứng vững ở VN ?
-Lý do lịch sử : VN là nạn nhân của chế độ thuộc địa, nhu cầu đòi độc lập, cuộc tranh đấu đòi tự do đã đẩy đất nước rơi vào quỹ đạo Cộng Sản quốc tế. Tệ hại hơn nữa, quỹ đạo Trung Cộng. Nhưng rất nhiều quốc gia đã là nạn nhân của chế độ thuộc địa, rất ít rơi vào rọ. Rất nhiều quốc gia đã bị chủ nghĩa CS cám dỗ lúc đầu, nhưng thức tỉnh kịp thời.
-Lý do địa lý: VN có cái bất hạnh là ở sát cạnh nước Tàu, nhưng VN không phải là trường hợp duy nhất. Trung Cộng giáp ranh với 14 quốc gia.
-Lý do chính trị: chế độ Cộng Sản tàn bạo, cai trị bằng khủng bố, cái sợ trở thành một bản năng để sống còn, một dân tộc tính; chính sách ngu dân, nhồi sọ của CS đã thành công trong nghĩa vụ biến người dân thành một đàn cừu.
Nhưng chế độ độc tài nào cũng tàn bạo, tàn bạo là một định nghĩa của độc tài. Điều đó đã không ngăn được các chế độ độc tài thi nhau sụp đổ. Chế độ Công Sản nào cũng cai trị bằng khủng bố, tẩy não, điều đó đã không ngăn được Xô Viết Nga tan rã, bức tường ô nhục Berlin sụp đổ, các nước Đông Âu tìm được tự do.
Katsuji Nakazawa: Sự tự tin của Tập vào hàng không mẫu hạm Trung Quốc bị lung lay (Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng)
Trần Mộng Tú: Tháng Tư Tôi Hòa Giải Với Mình
![]() |
Hình minh hoạ, hungyentran88, Pixabay |
Vâng, tôi ở đây
nơi xa lạ này được 47 năm
tôi đã đi qua những rừng thông
xanh ngọc tới chân trời
tôi đi qua những mảnh đất
có thật nhiều hoa dại
những vườn cỏ vàng như hoa cải ở quê tôi
47 năm những mái nhà lạ thành thân thiện
như những ngón tay trên bàn tay
bàn tay có bao nhiêu đường chỉ
ngang dọc thế nào
rồi cũng nối vào nhau
Nguyễn Lê Hồng Hưng: Chuyện Tháng Tư
Cái ấn tượng cuối cùng trước ngày tôi rời khỏi quê hương là vào tháng Ba âm lịch, nhằm tháng Tư dương lịch, năm một ngàn chín trăm bảy mươi sáu. Tháng Ba ở quê hương tôi là mùa gió chướng, cũng là mùa tôm, cá, nhưng nổi tiếng nhứt là mùa tôm bạc rại và mùa cá đường hội. Sau một năm sống dưới chánh quyền mới, dân chúng quê tôi khổ cực vô cùng, một phần vì thiếu dầu máy, một phần vì thanh niên ngư phủ trong xóm bị bắt đi làm thủy lợi hết, cho nên ghe cào, ghe te và các loại ghe lưới ở Sông Đốc Vàm cũng hạn chế ra bãi và ra khơi đánh bắt.
Tôi cũng như bao thanh niên trong xóm đi đào đất đắp nghĩa trang ở Bạc Liêu. Khi tôi về tới Sông Đốc thì mùa tôm, cá đã qua rồi, theo ghe ra biển chỉ vớt vát được tôm, cá lặt vặt cuối mùa. Những năm đầu miền Nam rơi vào tay cộng sản, sông Đốc vàm bị thất mùa thê thảm, nhiều gia đình thiếu gạo ăn, phải vô rừng bắt vọp, bắt cua, chặt cây làm củi bán mua gạo sống cầm chừng. Đã vậy mà báo chí của nhà nước lại viết, tôi chỉ nhớ đại khái rằng, là nhờ cách mạng giải phóng, dân ngư được yên ổn mần ăn, cho nên ngày mùa ở Sông Đốc vàm xôn xao mùa cá đường hội và được trúng mùa tôm bạc rại. Dân chúng vùng ven hồ hởi, phấn khởi lắm. Trong những năm thiếu thời, tôi hay tò mò nhiều chuyện, cho nên mỗi khi đọc những bài báo như vậy, trong lòng tôi ray rứt và canh cánh buồn cho cái thời đại, mới bắt đầu mà đã dối trá rồi. Nên tôi hay chú ý tới thế sự đổi thay qua những chiếc loa công cộng với những câu, những chữ mới lạ tôi còn nhớ những khẩu hiệu, những từ như: “hồ hởi, phấn khởi, khắp nơi reo mừng, nhờ ơn bác đảng, áo ấm cơm no... Nhứt là một đoạn văn mở đầu của ban thông tin mỗi khi đọc: “Nhân dân miền Nam nói chung, nhân dân thị tứ, lúc đó Sông Đốc còn là thị tứ, nói riêng đời đời nhớ ơn chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, vâng lời bác Hồ dạy không có gì quý hơn độc lập tự do. Hình như ban thông tin văn hoá thấy lời bác dạy còn thiếu nên họ thêm hai câu nữa cho nó hợp với thời đại: “Quê hương nay giải phóng rồi, người dân làm chủ cuộc đời từ đây.”. Chắc họ đắc ý với đoạn văn mở đầu này lắm, cho nên ngày nào cũng nghe mấy cái loa bự tổ chảng, treo theo mấy cái cột cắm từ khu một tới khu ba, sáng nào cũng cứ ra rả đọc đi đọc lại cho tới ngày tôi vượt biển vẫn còn đọc. Có lẽ cũng vì sáng bảnh mắt đã nghe cho tới tối, trước khi ngủ vẫn còn nghe nên nó ăn sâu vào lòng tôi cái đoạn mở đầu “hay quá xá” ấy cho tới ngày hôm nay tôi vẫn nhớ.
Trần Hữu Thục: Tính hiện thực trong lời ca của Phạm Duy
Rõ ràng là khi sáng tác, PD cũng như TCS quan tâm đến tính diễn tả của lời y như nhạc. Lời không chỉ hiện diện như cái cớ, như phương tiện. Ðọc hầu hết các lời ca của PD, ta thấy rất rõ điều này, từ ca khúc quê hương cho đến tình ca, đạo ca, tâm ca, tục ca, vân vân. Tất nhiên, tiết tấu phong phú trong nhiều bản nhạc của ông đã phát triển ý nghĩa của lời lên đến mức cao nhất, điều mà tự ngôn ngữ để đọc không đủ sức làm. Nhưng cũng phải thừa nhận trong nhiều bản nhạc, chính lời ca của ông đã nâng bài hát lên, khiến cho bản nhạc có một giá trị cao hơn hẳn chính nó. "Tình ca" chẳng hạn. "Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui, khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi!". Từ lâu trước đó, có lẽ cũng chẳng mấy ai tìm thấy trong "tiếng mẹ ru từ lúc nằm nôi" lại có thể gắn liền với tình yêu nước nồng nàn trong mỗi một người như thế. Cũng như Phạm Quỳnh vào đầu thế kỷ thứ 20, "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”, PD cho ta một định nghĩa mới về sự tồn tại của một đất nước: nó bắt đầu từ một chỗ đơn giản nhất mà cũng bền vững nhất: ngôn ngữ mẹ đẻ. Có lẽ chỉ khi nói đến ngôn ngữ, ta mới có thể nói đến khái niệm "bốn ngàn năm" mà từ lâu đôi khi nói bằng quán tính, nó đã trở thành sáo ngữ (chẳng hạn "bốn ngàn năm văn hiến", "lịch sử bốn ngàn năm"...). Hơn ai hết, khi định cư ở một xứ sở xa lạ như bây giờ, ta mới thấm thía rằng, khó mà truyền đạt tấm lòng đối với đất nước cho một đứa bé nếu cháu chẳng nói được một câu tiếng Việt nào. Nói thông thạo tiếng Mỹ và bập bẹ tiếng Việt thì không thể nào mà hiểu hết nổi cái "ròng rã buồn vui" của “mệnh nước nổi trôi"! Ý nghĩa và cách dùng chữ độc đáo của ông đã tạo một hình ảnh hoàn toàn mới mẻ về quê hương và lịch sử dân tộc.
Phạm Xuân Đài: Bài Thuyết Trình Không Đọc
Một phần của bài dưới đây được tác giả soạn để nói tại buổi sinh hoạt “Đêm nhớ về Sài Gòn,” một chương trình có chủ đề Sài Gòn do một số anh em văn nghệ ở Boston dự trù tổ chức vào ngày 6 tháng Mười Hai, 2003, nhưng vào giờ chót phải hủy bỏ vì một trận bão tuyết bất ngờ. Cũng vì trận bão, tác giả đã phải quay trở về lại California sau khi đã đi được quá nửa đường đến Boston.
*
Ý định hát về Sài Gòn, viết về Sài Gòn, nói về Sài Gòn tự nhiên nảy ra cùng một lúc nơi nhiều người làm văn nghệ. Riêng tạp chí Thế Kỷ 21 thì gần đây đã được một độc giả ở Chicago viết thư về trách sao quý vị không làm một số báo về Sài Gòn mà lại làm số báo về Hà Nội. Bức thư ấy làm chúng tôi giật mình, mới thấy ra sự vô tình của mình đối với một thành phố mà mình quá nặng nợ. Đúng thế, Sài Gòn đối với chúng ta như một kẻ rất thân yêu và gần gũi, đến nỗi chúng ta thấy không cần nhắc nhở đến, kiểu như con cái thì không hay nói nhiều về cha mẹ của mình, mà chỉ nói về thiên hạ.
Đường phố Sài Gòn thời 1960
|
Từ đầu thế kỷ 20, Sài Gòn đã là một nỗi quyến rũ người cả nước. Đó là một đô thị văn minh đích thực trước bất cứ một thành phố nào của Việt Nam. Tổ chức đô thị có những quy luật riêng của nó, không cứ hễ dồn dân lại ở đông đúc một nơi mà có thể gọi là đô thị. Hà Nội chưa hề có một nếp sống đô thị, yếu tố nông thôn, yếu tố tùy tiện hãy còn đầy rẫy nơi ấy. Các thành phố khác của Việt Nam thì đều có kích thước nhỏ. Chỉ có Sài Gòn, nhờ vị thế đặc biệt về địa lý và lịch sử của nó, đã rất sớm xứng đáng gọi là một đô thị đúng nghĩa của Việt Nam.
Vài nét lịch sử
Năm 1998 vừa qua, Sài Gòn tròn 300 tuổi. Năm 1698 lần đầu tiên địa danh Sài Côn được ghi vào bản đồ hành chánh xứ Đàng Trong nước Đại Việt khi Chưởng cơ Nguyễn Hữu Kính, tức Nguyễn Hữu Cảnh, thừa lệnh chúa Nguyễn Phúc Chu đặt nền cai trị trực tiếp phần đất Nam Tiến, phân chia lãnh thổ Đồng Nai – Gia Định thành hai dinh trấn: Trấn Biên (Biên Hòa) và Phiên Trấn (Gia Định), lấy đất Nông Nại (Đồng Nai) làm huyện Phước Long và xứ Sài Côn (Sài Gòn) làm huyện Tân Bình.
S.T.T.D Tưởng Năng Tiến: TV Ở Ta & TV Ở Nga
Nước Việt không thiếu những thằng rách việc, và nhiều đứa đã bị vạch mặt chỉ tên: thằng đánh máy, thằng cơ chế, thằng sứ quán …. Nước Nga, xem ra, cũng không khác mấy. Một trong những thằng rách việc ở xứ sở này vừa bị lộ diện, và bị ném đá tơi bời hoa lá:
VQuang Boabo: “Tuy mạnh yếu khác nhau xong phụ bếp thời nào cũng nguy hiểm.”
Huynh Nguyen: “Rất chán... tụi kg có chiên môn mà đu lên tàu làm phụ bếp!”
Phương Trần: “Mấy thằng phụ bếp là mấy thằng ăn hại - làm khổ người khác đặc biệt là anh em.”
Nguyễn Lân Thắng: “Những thằng phụ bếp trên tàu là bọn có thể gây hoạ lớn, đừng coi thường.”
Vương Gia Văn: “Lịch sử và thực tiễn đã chứng minh có những thằng phụ bếp không chỉ gây hoạ cho 1 con tàu mà còn gây hoạ cho cả một dân tộc!
Chớ thằng chả làm gì mà “rách việc” dữ vậy – hả Trời? Hỏi thăm lòng vòng một hồi mới được nghe FB Minh Thoại giải thích, bằng … thơ: “Thằng phụ bếp bất cẩn/ Để hỏa hoạn xảy ra/ Làm soái hạm bốc cháy/ Rúng động toàn nước Nga.”
Thiệt là cái đồ hậu đậu. Làm hư bột hư đường hết trơn hết trọi. Chỉ vì “bất cẩn” chút xíu mà khiến cho nguyên cả một siêu cường, cùng với một siêu nhân, bị mất mặt (bầu cua) và mất bộn tiền. Từ đây, mụ nội thằng nào/con nào mà còn dám mua những vũ khí (thổ tả) của Nga nữa đây?
Tuy thế, cảnh tượng soái hạm Moskva bốc cháy đen thui lui rồi chìm dần xuống lòng Hắc Hải (vẫn) chưa thảm hại bằng cảnh hôi của ở Ukraine. Trang Hindustan News Hub vừa cho phổ biến hình ảnh lính Nga đang khệ nệ khiêng những cái TV (bự tổ trảng) cùng với lời bình luận:
“… units of Putin’s troops remain cut off from supplies indefinitely and have been instructed to move to ‘self-sufficiency’ until further orders. That is, to take everything necessary from the local population … những đơn vị của quân Putin vẫn còn bị cắt đứt nguồn tiếp liệu vô thời hạn và được chỉ thị ‘tự túc’ cho đến khi có lệnh mới. Nói cách khác là tha hồ trộm cướp tất cả những gì cần thiết từ dân chúng địa phương…”
Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2022
Ngô Nhân Dụng: Phần Lan và Thụy Điển quyết định
Lê Hồng Hiệp: Tham nhũng là kẻ thù nguy hiểm nhất của quân đội Việt Nam
VOA Tiếng Việt: Phiếu ủng hộ của Việt Nam cho Nga và cảnh báo hệ lụy mối quan hệ với Mỹ
Nguyễn Hùng (Blog VOA): Nếu mai Putin chết liệu có hết chủ nghĩa Putin?
Vincente Nguyen: McDonald’s và những nỗi ám ảnh của nước Nga
Thức ăn nhanh, ý thức hệ và những ám ảnh địa chính trị quốc tế.
Song Thao: Cu Tin
Trần Mộng Tú: Con Gà Ukraine Và Nhành Lúa Việt Nam
![]() |
Hình minh hoạ, Jacques GAIMARD, Pixabay |
Hoàng Quân: Một Trăm Chỗ Lệch
Đôi Bóng- Tranh Hoàng Thanh Tâm |
Thỉnh thoảng nổi hứng, ông bảo, để ông nấu nướng, bà dọn dẹp rửa chén. Ông nấu nhanh, mắm muối mạnh tay. Khi nghe ông thông báo trổ tài món thịt heo kho trứng, bà tưởng như lượng Cholesterol phóng vút lên trần nhà. Ông khuân về tảng thịt hai rọi, chứ không phải ba rọi. Rọi mỡ lấn lướt rọi thịt một cách sỗ sàng. Ông luộc trọn chục trứng gà. Ông theo nguyên tắc “cho gọn”, mua bao nhiêu, nấu bấy nhiêu. Cũng may, chợ gần nhà ông bà không bán vĩ trứng 24 cái. Nhìn nồi thịt kho, ông tấm tắc: “Ngon bá cháy”. Bà nhăn nhó, với đà dinh dưỡng như vầy, chẳng chóng thì chầy ông bà trở thành võ sĩ Sumo.
Đến phiên bà lo việc bếp núc, ông rối cả mắt. Vài rẻo thịt mỏng dính nằm khép nép trên thớt. Mấy rổ rau dàn hàng nghênh ngang, nào cần tây, cà rốt, bắp cải. Bà giảng giải, ăn uống phải đầy đủ sinh tố từ A đến Z. Nồi canh mồng tơi (Spinach) to tướng được bà ban cho vài con tép riu. Ông chẳng biết mấy con, vì bà đã băm nhuyễn rồi. Đã vậy, sợ lên đường, lên muối, bà nêm lạt lạt. Bà nhắc chừng ông, cao máu, cao mỡ, thì phải để ý thế này, thế nọ. Thằng em rể mắng vốn với ông: “Anh ơi, em gái anh coi chồng như thỏ, như bò. Vợ em cho em ăn toàn là rau với cỏ”. Ông thở dài sườn sượt: “Chú mầy vậy là còn hên! Anh đây, không chỉ ăn, mà còn phải uống rau cỏ nữa. Chú mầy thấy mắt anh lúc nào cũng trố trố không? Bả ép su hào, ớt chuông, dưa leo, rồi bả ép anh uống, mà phải uống trước mặt bả, chứ đâu lén đổ đi đâu được. Uống riết, trợn trắng”.
Bà dọn mì xào, ông trút cả tô nước mắm vào dĩa mì, hỏi giỡn:
-Bữa nay em quên nêm hay sao mà lạt nhách, lạt nhơ. Ăn hổng biết là món gì.
Bà nghiêm giọng:
-Lạt thì anh cứ việc thêm chút nước mắm. Chỉ sợ quá mặn mới hết thuốc chữa.
Trang Châu: Tâm sự của lá thư rơi
S.T.T.D Tưởng Năng Tiến: Kiêng & Kỵ
Ở California, thỉnh thoảng, tôi vẫn nghe người dân bản xứ nói đôi câu (cũng quen quen) nhưng không hiểu rõ ý:
We’re turning into our parents.
We all become our mothers.
Sao kỳ vậy cà?
Sao chúng ta lại có thể trở thành phụ mẫu của mình được chớ? Thì cũng tự hỏi (thầm) thế thôi nhưng rồi lần nào cũng tặc lưỡi cho qua. Là dân tị nạn nên tôi xem Hoa Kỳ chỉ là chỗ tạm dung. Sống đỡ ngày nào hay ngày đó, chả hơi đâu mà quan tâm đến phong tục, tập quán, văn hóa và ngôn ngữ nơi đất lạ xứ người. Phải lo chuẩn bị chuyện hồi hương để xây dựng lại đất nước mình mới là điều thực sự cần thiết.
Vậy mà tui cứ ở cái xứ sở này cho mãi tới giờ luôn và đường về thì vẫn chưa có lối. Với thời gian, tự nhiên, rồi tôi hiểu ra tại sao chúng ta lại trở nên như những đấng sinh thành.
Rõ ràng, càng già tôi càng giống song thân. Hay nói theo kiểu Mỹ là tôi trở thành y như cha mẹ của mình. Má tui có cái tính rất hay kiêng. Bả kiêng đủ thứ hết trơn:
Không cho ai dao kéo, sợ tình cảm bị chia cắt.
Không quét nhà vào ngày mồng một tết, sợ hất tài lộc ra khỏi cửa.
Không phơi quần áo vào ban đêm, sợ ma quỷ mặc lầm.
Không lượm tiền rơi, sợ lỡ đụng tiền cúng cô hồn là xui tận mạng.
Ba tôi thì không thường kiêng nhưng lại rất hay kỵ. Bà chị lớn lấy chồng xa, hý hửng ôm con sơ sinh về nhà khoe là thằng cháu đích tôn vừa được ông nội đặt tên Bình. Vậy là mặt ông ngoại xa xầm, lầu bầu/lầm bầm (“hỗn láo, hỗn láo, hỗn láo”) một chập rồi gằn giọng: “Gọi nó là Bường nghe chưa!”
Ổng còn cấm tụi tui nhiều chuyện nữa. Cấm không đứa nào được nói duуệt binh, duуệt ᴠõ mà phải đổi thành dợt binh, dợt ᴠõ ᴠì kỵ húу của … Đức Tả Quân Lê Văn Duуệt!
Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2022
Ngô Nhân Dụng: Tập Cận Bình và Omicron
Đó là hậu quả của các chế độ độc tài. Khi một chính sách được lãnh tụ ban ra là khó thay đổi. Vladimir Putin phiêu lưu trong cuộc chiến tranh Ukraine đã thất bại nhưng dù kinh tế suy sụp vẫn phải tiếp tục. Tập Cận Bình cũng lâm tình trạng giống như vậy.
Hồi xưa Mao Trạch Đông đổ tội chim chóc ăn hại mùa màng nên dân thiếu ăn; hô lên một tiếng thế là nhân dân Trung Quốc hùa nhau đi giết các loài chim chóc. Chim bị diệt gần hết, các loài giun, dế, côn trùng thoát chết. Sau đó dân lo mua thuốc trừ sâu bọ. Một lần khác, Mao bảo toàn dân phải dựng lên những “lò luyện thép trong sân sau nhà” để công nghiệp hóa đất nước. Nhân dân bèn mang nồi niêu soong chảo, thau nhôm, mâm đồng, kìm, kéo, búa, đem nấu hết thành hợp kim, đem nạp vào kho. Cuối cùng, chẳng biết có đúc ra một thứ máy móc nào không.
Khi kiểm điểm các chế độ độc tài, người ta thường không kể đến một thứ tai hại là làm dân chúng phí thời giờ. Mỗi người phí mất vài, ba tháng trong một năm, họ đành chịu. Nhưng hàng trăm triệu người được huy động đi làm những việc vô ích thì cả nước đã phí phạm biết bao nhiêu?
Cái tật đó đến đời Tập Cận Bình chưa bỏ; nhân bệnh dịch Covid mới để lộ rõ ràng.
Phải công nhận Trung Quốc đã thành công với chủ trương ngăn ngừa Covid triệt để. Nơi nào thấy bệnh là bệnh nhân bị cô lập, tất cả mọi người khác bị cấm cung. Hầu hết dân chúng đã được chích ngừa, dù thuốc nội hóa công hiệu rất thấp; phần lớn những người 80 tuổi trở lên chưa được chích đủ hai mũi. Dân được thử nghiệm xem có mắc vi khuẩn hay không, hễ kết quả “dương tính” là bị cô lập. Nhờ chính sách triệt để này, số người bệnh ở Trung Quốc và chết vì Covid thấp nhất thế giới
Nhưng sau hai năm loài vi khuẩn coronavirus đã thay đổi, căn bệnh mới vừa nhẹ vừa ít chết người. Tập Cận Bình không thay đổi. Ở các nước khác, khi thấy bệnh dịch do biến thái mới Omicron gây ra không tai hại như các đợt trước thì người ta thay đổi. Đa số bệnh nhân không cần bị cô lập, các trường học, cửa hàng, xưởng máy không cần đóng cửa. Ở Trung Quốc, chưa có lệnh trên, vẫn theo chính sách cũ.
Từ Thức: Bầu Cử Pháp - Nước Pháp, Âu Châu Đi Về Đâu ?
Trần Mộng Tú: Kinh Thơ
![]() |
Hình minh hoạ, congerdesign, Pixabay |
Chúa trên cao cũng mỉm cười
bấc chưa thắp, nến đã ngời lửa thiêng
Tâm em nở đóa bình yên
những hàng ghế cũ ngồi thiền giữa trưa
dương cầm hàng phím ngủ mơ
Chúa nghiêng vai xuống những tờ kinh thơm
Em buồn Chúa cũng cô đơn
hoa mân côi nở trên tường nhã ca
vườn địa đàng táo trổ hoa
con rắn tiền kiếp bước ra tỏ tình
Adam quay mặt làm thinh
ừ thôi trái táo để dành trên cao
tiếc chi một chút má đào
thôi em trái cấm ngọt ngào quên đi
Tội tổ tông cánh chim di
thả trong bão cát bay về chốn nao
Em về giữa những vì sao
nến, hương thắp tự xứ nào đến đây
ôi em áo mỏng hồn gầy
mở trang kinh thánh hai tay thơm trầm
Chúa đưa vai gánh trầm luân
em đi bằng những gót chân tông đồ
ừ thôi cứ viết thành thơ
cứ gieo vần giữa những tờ thánh kinh
Cho anh bông huệ trắng tinh
con chim vỗ cánh phục sinh trong hồn
Chúa hôn lên những vết thương
chuông nhà thờ dội bốn phương thái hòa
Song Thao: Đọc “Thành Tôn, Một Đời Thắp Tình”
Nhà thơ Phan Xuân Sinh kể lại một chuyện xưa, khi Thành Tôn làm Bí Thư cho Đại Tá Hoàng Đình Thọ, Tiểu Khu Trưởng Quảng Tín. Khi nhà thơ Hạ Đình Thao ra trường Thủ Đức và được đổi về Quảng Tín, Phan Xuân Sinh nhắc: “Mầy thân với anh Thành Tôn, nhờ ảnh nói với ông Thọ một tiếng để ấm thân chút đỉnh. Nó trả lời với tôi là không được đâu, anh Thành Tôn rất ngại những chuyện này, đứng làm khó ảnh tội nghiệp. Chính lúc đó tôi mới biết cái tính ngay thẳng của anh Thành Tôn. Ngồi một cái nơi dễ dàng tham nhũng, sống giữa một đám tham nhũng có hệ thống mà anh không một chút hệ lụy với nó. Như vậy đủ biết con người của anh như thế nào, còn hơn một vị Bồ Tát!”
Nhiều người nói anh hiền thì chắc anh phải hiền thật. Mỗi lần qua chơi Cali, tôi thường “bắt nạt” ông người Quảng hiền hậu này. Ở chơi một tuần thì bắt nạt anh Thành Tôn một tuần, hai tuần thì bắt nạt anh hai tuần. Anh bị tôi bắt nạt mà chẳng bao giờ tắt nụ cười. Chuyện bắt nạt này là việc nhờ anh chở đi nơi này nơi khác. Thực ra chẳng có một ông Uber nào có thể đưa tới nơi, trả về tới chốn như Thành Tôn. Anh rành đường đi nước bước tới nhà các bạn văn như có cả một cái google map trong đầu. Tư gia của Võ Phiến, Nguyễn Đình Toàn, Du Tử Lê, Nguyễn Mộng Giác, Phạm Phú Minh, Khánh Trường và nhiều khuôn mặt văn hóa khác anh đều thường lui tới. Đúng ra tôi không bắt nạt nhưng Thành Tôn tự nguyện. Nhà thơ Phan Xuân Sinh cũng đã từng hưởng sự tự nguyện của Thành Tôn như tôi: “”Khi đến Cali tôi là người làm phiền anh nhiều nhất. Anh biết tôi không có xe nên đi đâu anh cũng đến chở đi thăm người này người kia, và cũng nhờ anh một phần tôi mới có dịp đến thăm các bậc văn nghệ đàn anh”.