Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2022

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn được vinh danh trong Nghị Viện tiểu bang New South Wales, sau khi được trao “Huân chương Australia”

 Qua lời trần thuật và bản dịch của Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn

Tôi rất hân hạnh được biết rằng tháng vừa qua, trước Nghị Viện tiểu bang New South Wales, hai Dân biểu Tania Mihailuk và Wendy Lindsay có lời vinh danh những đóng góp của tôi cho đất nước này. Sự việc cũng rất là tình cờ (vì tôi không được báo trước) nhưng làm mình xúc động về tấm thịnh tình của hai bà dân biểu mà tôi chưa bao giờ gặp ngoài đời. 

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn trong dịp được bầu vào Viện Hàn lâm Y học năm 2019. Bên trái là Gs Ian Frazer, Chủ tịch Viện Hàn lâm Y học.


Hôm 1 tháng 3, tôi nhận được một cú điện thoại từ cô thư kí của bà Tania Mihailuk nói rằng bà ấy đã có lời phát biểu gọi là “Statement of Recognition” trước Hạ nghị viện về những đóng góp của tôi cho y học và giáo dục đại học của Úc. Cô ấy còn nói thêm là bà ấy sẽ kí một bằng khen cho tôi. Nghe thật cảm động, và tôi cũng chẳng biết nói gì ngoài lời cảm ơn. Hôm sau, một ông phụ tá cho dân biểu Wendy Lindsay gọi điện báo cho biết là bà cũng đã có một phát biểu vinh danh tôi trước Hạ nghị viện về dịp tôi được trao Huân chương Australia. Lại thêm một giây phút cảm động và cảm ơn rối rít. Sự vinh danh này được ghi trong ‘Hansard’ (giống như biên bản vĩnh viễn của Nghị Viện). Lời phát biểu của hai vị dân biểu đã được tôi dịch sang tiếng Việt và đăng dưới đây.

Hồi nào đến giờ tôi tưởng các dân biểu chỉ tranh luận chánh trị trong nghị trường, chớ không hề biết rằng họ còn có quyền phát biểu tuyên dương và vinh danh cá nhân trong cộng đồng.  Tôi chưa bao giờ gặp hai bà dân biểu, nhưng dĩ nhiên là nghe qua những việc làm của họ. Bà Tania Mihailuk thì rất nổi tiếng trong cộng đồng người Việt ở đây vì bà hay giúp đỡ cho cộng đồng những lúc khó khăn. Bà là người của đảng Lao Động (giống như đảng Dân Chủ bên Mĩ vậy). Bà Wendy Lindsay là người của đảng Tự Do (giống như đảng Cộng Hoà bên Mĩ) và cũng là người nổi tiếng trong cộng đồng vì những hoạt động xã hội. Rất dễ nói họ làm vì cuộc bầu cử sắp tới (năm nay), nhưng tôi muốn nghĩ rằng họ làm thật sự vì cộng đồng.

Cũng có thể họ muốn nói với cộng đồng rằng một nước Úc đa văn hoá là môi trường tốt để mọi người có thể đóng công sức mình và thành công. Trong thực tế thì đúng như vậy. Tôi hay nói rằng nếu không có nước Úc thì mình không có như ngày hôm nay. Cái con dấu “Accepted” của phái đoàn Úc trong trại tị nạn Songkla 41 năm trước đánh dấu một bước ngoặt quan trọng của cuộc đời tôi. Lúc đó tôi nghĩ mình sẽ không có cơ hội đi Úc vì trả lời câu hỏi nào cũng … trớt quớt. Muốn đi học lại? Tiếng Anh vầy mà học hành gì. Muốn làm ruộng? Tiền đâu mà anh làm. Chỉ khi đến lí do muốn thấy con Kangaroo thì mới có được sự may mắn. Đúng là tình cờ. Rồi 40 năm sau, người ta xướng tên mình trong Nghị viện cũng là một sự tình cờ.

Viết đến đây tôi chợt nhớ câu nói của bà Condoleeza Rice (cựu Ngoại trưởng Mĩ) rằng cuộc sống là những sự ngạc nhiên và tình cờ, mình không bao giờ biết người mình sắp gặp sẽ làm thay đổi cuộc đời mình một cách vĩnh viễn. Nhìn lại quãng đời mình, tôi thấy ứng nghiệm với câu này, vì hết gặp người này đến người nọ — có khi là ân nhân nhưng cũng có khi là bất nhân — và mỗi lần gặp làm mình thay đổi hẳn về tầm nhìn và hướng đi.

Hôm nọ, trong buổi lễ trao giải thưởng cho các em học sinh xuất sắc, có người hỏi tôi rằng thời gian nào trong đời người là làm được nhiều việc nhứt. Tôi nói rằng kinh nghiệm của tôi không phải là tiêu biểu, bởi vì tôi đến đây ở tuổi thanh niên và không có một hành trình suôn sẻ như các em lớn lên ở đây. Nhưng tôi nhìn lại thì thấy những năm trong độ tuổi 25 đến 50 là có dịp làm nhiều nhứt. Đó là độ tuổi sau tiến sĩ đến trung niên. Đó là thời gian mình có nhiều ý tưởng, phấn đấu và xác định căn cước khoa học, và do đó có thì giờ và động cơ. Nhưng sau 50 tuổi (nhứt là sau 60 tuổi) thì, nếu đã đạt thành tựu, sẽ bị vào vai trò quản lí. Trong vai trò mới, người ta bắt đầu “meldown”, nên khó có thì giờ để tập trung ‘suy nghĩ những câu hỏi trời xanh’ (blue sky thinking). Thành ra, tôi khuyên là nên tận dụng quãng thời gian 25-50 tuổi để cống hiến hết mình — đó là thời gian gieo hạt, để sau đó (sau tuổi 50) thì gặt hái kết quả.

_____


Bản dịch lời phát biểu của bà Tania Mihailuk, ngày 15/2/2022:

Link tiếng Anh: https://www.parliament.nsw.gov.au/Hansard/Pages/HansardFull.aspx#/DateDisplay/HANSARD-1323879322-121970/HANSARD-1323879322-122088

Dân biểu Tania Mihailuk


“Tôi nhân dịp này chúc mừng Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn được trao Huân chương Australia (AM) vì những cống hiến xuất sắc cho nghiên cứu y khoa, phòng ngừa loãng xương và gãy xương, và giáo dục đại học. Giáo sư Nguyễn nhận được danh dự tuyệt vời này đúng vào ngày mà ông đặt chân đến Úc từ Việt Nam 40 năm trước. Đóng góp của Giáo sư Nguyễn trong lãnh vực loãng xương đã có những tác động quan trọng đến di truyền và dịch tễ học. Qua việc phát hiện gen thụ thể vitamin D và xây dựng mô hình để cá nhân hoá nguy cơ gãy xương, đóng góp của Giáo sư Nguyễn trong y học ngày nay được trích dẫn toàn cầu trong công tác phòng chống loãng xương. Tôi rất vui mừng trước thành tựu chuyên môn đó xuất phát từ một cư dân trong cộng đồng chúng ta. Một lần nữa, tôi chúc mừng Giáo sư Nguyễn về sự ghi nhận xứng đáng và quí báu đó.”


*

Bản dịch lời tuyên dương của bà Wendy Lindsay (East Hills), phát biểu vào lúc 17:32 ngày 24/2/2022: 

Dân biểu Wendy Lindsay (East Hills)

Link tiếng Anh: 

https://www.parliament.nsw.gov.au/Hansard/Pages/HansardResult.aspx#/docid/HANSARD-1323879322-122929

“Vào ngày Quốc Khánh Úc năm 1982, một thanh niên tên là Tuan Van Nguyen đến Úc như là một người tị nạn. Giống như những người tị nạn ở Úc thời đó, anh thanh niên khởi đầu cuộc sống ở đây chỉ một cái áo trên lưng và không một đồng xu dính túi. Tuan Van Nguyen được sanh ra và lớn lên ở một làng quê vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thuộc miền Nam Việt Nam.  Ba Má anh ấy là những người nông dân trồng lúa, nhưng họ đặt nặng việc học hành cho con cái. Những giá trị gia đình đó đã giúp tích cực cho Tuấn, cho quê hương thứ hai và cộng đồng y học quốc tế. Người thanh niên đó đã bỏ ra 30 năm làm nghiên cứu tại Viện nghiên cứu y khoa Garvan. Mối liên hệ của anh với Viện Garvan bắt đầu từ một cuộc phỏng vấn với Giáo sư John Eisman, người đã thuyết phục anh làm nghiên cứu y khoa vì sẽ giúp ích cho hàng triệu người.

Vào lúc đó, dự án nghiên cứu Dubbo Osteoporosis Epidemiology Study mới khởi động, và Giáo sư Eisman cần một chuyên gia về dịch tễ học và một chuyên gia về thống kê học để làm trong dự án. Ông phát hiện Tuấn có thể làm hai việc và bổ nhiệm vào cả hai chức vụ đó. Tuấn hoàn tất luận án tiến sĩ từ nghiên cứu Dubbo. Từ đó, anh theo đuổi chuyên ngành loãng xương, tìm hiểu tại sao người ta gãy xương và làm cách nào để có thể tiên lượng nguy cơ gãy xương cho một cá nhân. Chương trình nghiên cứu của anh xây dựng trên giả thuyết rằng nguy cơ gãy xương của một cá nhân là xuất phát sự suy giảm sức chịu đựng của xương do mất xương, suy thoái cấu trúc xương, và rằng quá trình mất xương và suy thoái chất lượng xương là do gen quyết định.

Vào thời đó, mối liên quan giữa gen và loãng xương gần như chẳng ai biết đến hay chú ý. Loãng xương là một bệnh lí phổ biến, ảnh hưởng đến 1/3 phụ nữ và 1/10 nam giới tuổi 50 trở lên. Loãng xương dẫn đến gãy xương. Gãy xương có thể làm cho người ta chết sớm và giảm tuổi thọ. Mục tiêu nghiên cứu của Giáo sư Nguyễn là cải thiện tuổi thọ cho những người bị loãng xương, và giúp cho họ tự phòng ngừa nhằm giảm nguy cơ gãy xương. Năm 2000, Tuấn được bổ nhiệm giám đốc labo nghiên cứu di truyền dịch tễ học loãng xương tại Viện Garvan. Nghiên cứu của anh định hình mối liên quan giữa gãy xương và tử vong, và phát hiện gen có liên quan đến gãy xương. Một trong những thành tựu quan trọng của anh là chuyển giao những kết quả nghiên cứu thành một mô hình tiên lượng có tên là “Garvan Fracture Risk Calculator” để ước lượng nguy cơ gãy xương cho một cá nhân. Mô hình này đã được triển khai trên một trang web, trên các ứng dụng điện thoại di động và được sử dụng bởi bác sĩ và bệnh nhân khắp thế giới. 

Ông Nguyễn đã công bố hơn 320 bài báo khoa học, và một số bài báo được đánh giá là tiên phong trong chuyên ngành, nhận được những bài xã luận khen ngợi. Các bài báo của ông Nguyễn đã được trích dẫn hơn 32,000 lần. Trong lãnh vực y khoa, ông là một trong những nhà khoa học có nhiều trích dẫn nhứt trên thế giới. Ông được mời nói chuyện trong các hội nghị quan trọng về loãng xương trên khắp thế giới. Trong thời gian 15 năm qua, ông đã giảng cho nhiều chương trình tập huấn về loãng xương, y học thực chứng, phương pháp nghiên cứu, phương pháp viết bài báo khoa học, dịch tễ học, thống kê sinh học ở Thái Lan và Việt Nam. Những chương trình tập huấn rất nổi tiếng của ông đã thu hút và giúp nâng cao năng lực khoa học cho hàng ngàn bác sĩ, chuyên gia y tế và khoa học. Ông còn đóng góp trong việc xét duyệt các đơn xin tài trợ nghiên cứu khoa học ở Úc và trên thế giới. 

Ông đã đào tạo 15 nghiên cứu sinh tiến sĩ, kể cả 4 tiến sĩ ở Việt Nam. Tất cả nghiên cứu sinh của ông nay đã là những người thành danh trong y khoa và khoa học. Hiện nay, ông Nguyễn hướng dẫn cho 3 nghiên cứu sinh. Những nghiên cứu sinh của ông đã công bố nghiên cứu trên những tập san có tác động cao, và được trao nhiều giải thưởng cấp quốc tế. Ông Nguyễn còn hợp tác nghiên cứu rộng rãi ở trong nước Úc và quốc tế, và được trao chức danh Giáo sư Xuất sắc và Giáo sư Thỉnh giảng của nhiều đại học ở nước ngoài.

Hôm nay, tôi rất hân hạnh phát biểu trước Hạ Nghị Viện về Giáo sư Nguyễn, đúng vào ngày Quốc Khánh 40 năm trước, ngày mà ông đặt chân đến Úc. Ông Nguyễn đã được trao Huân chương Australia vì những đóng góp quan trọng cho nghiên cứu y khoa, loãng xương và giáo dục đại học. Giáo sư Nguyễn là một ánh sao về sự thành công trong quốc gia đa văn hoá của chúng ta và là một tấm gương tuyệt vời của sự thành công trong cộng đồng người Việt ở vùng cử tri East Hills của tôi. Tôi chúc mừng ông nhân dịp ông nhận danh dự vào ngày Quốc Khánh, và tuyên dương những đóng góp của ông cho nghiên cứu khoa học trải dài qua nhiều thập niên.”


***

Về ‘Huân chương Australia’ (AM)

(Trích từ thư riêng của Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn gửi Diễn Đàn Thế Kỷ)




Đây là một hình thức vinh danh cao quí nhứt trong hệ thống huân chương ở Úc ("the highest recognition for outstanding achievement and service.")

 Trước đây (1975 trở về trước) thì chỉ có Nữ Hoàng Anh mới trao huân chương này và nó mang tên khác. Từ sau 1975 dưới thời chánh phủ mới, thì được đổi tên là "Order of Australia", và người trao là Tổng toàn quốc Úc đại diện cho Nữ Hoàng (Governor-General).

 Huân chương Australia có hai nhóm: dân sự và quân sự. Nhóm dân sự chiếm đa số, và dĩ nhiên tôi thuộc nhóm dân sự. Có 4 bậc huân chương [1]:

 OAM (Medal of the Order of Australia) được trao cho những người có những đóng góp cụ thể (particular contribution) đáng được vinh danh. Đa số những người có đóng góp cho cộng đồng (như có công trong phòng chống hoả hoạn, phong trào Hướng Đạo, phục vụ cộng đồng người Việt) được trao huân chương này. Mỗi năm không có giới hạn về con số huân chương OAM. Tính đến năm 2022, có 32 người Việt được trao huân chương OAM.

 AM (Member of the Order of Australia) vinh danh những đóng góp quan trọng (significant contributions) cấp quốc gia hay quốc tế về một lãnh vực chuyên môn. Nhiều nhà chuyên môn, giáo sư và chánh trị gia thường rơi vào nhóm này. Mỗi năm họ có quota chừng 300 người. Trong cộng đồng người Việt ở Úc trong 45 năm qua, có 7 người được trao huân chương AM, trong đó có 2 người trong lãnh vực khoa học và giáo dục đại học.

 AO (Officer of the Order of Australia) vinh danh những đóng góp xuất sắc (distinguished contributions) cấp quốc gia và nhân loại. Mỗi năm họ có quota cho chừng 150 người. Đa số những người trong nhóm này cũng là nhà chuyên môn, giáo sư, giám đốc của tập đoàn thương mại và chánh trị gia. Trong cộng đồng người Việt ở Úc trong 45 năm qua, có 1 người được trao huân chương AO.

 AC (Companion of the Order of Australia) vinh danh những người có những đóng góp ngoại hạng (outstanding contributions) cấp quốc gia và nhân loại. Quota cho mỗi năm là 35 người. Đa số những người được trao là chánh trị gia, chủ tịch đảng, hiệu trưởng đại học, giám đốc các tập đoàn kinh tế, và cả giáo sư nữa. Trong cộng đồng người Việt ở Úc trong 45 năm qua, có 1 người là Toàn Quyền tiểu bang Nam Úc được trao huân chương AC. Anh này trước đây đã được huân chương AO và nay  'nâng cấp' lên AC.

Về qui trình xét duyệt và trao huân chương, tôi thấy rất ... thú vị. Đầu tiên là một người đề cử (nominator) và người này không được báo cho người được đề cử hay "ứng viên" (nominee) biết. Sau khi nhận được đơn đề cử, văn phòng của Tổng Toàn Quyền (GG) có một nhóm chuyên gia phụ trách việc xác minh các thông tin về ứng viên trong đơn đề cử. Quá trình xác minh là 2 năm. Trong 2 năm đó, văn phòng GG liên lạc tất cả những nơi ứng viên đã làm việc và xác minh thông tin có đúng như người đề cử báo cáo.

Sau khi xác minh thông tin, văn phòng GG sẽ đệ trình một danh sách lên Hội đồng Huân chương Australia (Council of the Order of Australia). Thành viên của Hội đồng bao gồm những nhân sĩ, quan toà, quan chức, và đại diện cộng đồng, đại diện quân đội, và đại diện Thủ tướng. Hội đồng chỉ họp mỗi năm 2 lần, và mỗi lần họp họ sẽ phê chuẩn người được trao huân chương. Hội đồng cũng quyết định một loại huân chương (OAM, AM, AO, AC) cho mỗi ứng viên. Cả người đề cử và ứng viên hoàn toàn không biết gì trong quá trình xét duyệt.

Sau khi Hội đồng phê chuẩn danh sách người được trao huân chương, văn phòng GG sẽ liên lạc từng ứng viên báo tin mừng. Mỗi năm có vài ứng viên từ chối huân chương, vì họ không muốn dính dáng gì đến Nữ Hoàng (họ là dân 'Cộng Hoà', muốn nước Úc là một nước cộng hoà).

Khoảng 7 ngày trước khi GG công bố danh sách người được trao huân chương, văn phòng GG sẽ tiết lộ danh sách cho báo chí và truyền thông để họ phỏng vấn những người "interesting". Nơi ứng viên làm việc cũng sẽ được thông báo. Nhưng tất cả đều không được công bố trước ngày GG công bố danh sách. Ngày công bố danh sách là ngày Quốc Khánh (26/1) hay ngày sinh nhựt của Nữ Hoàng (tháng 8).

Sau khi danh sách được công bố, văn phòng GG sẽ tổ chức nhiều buổi lễ trao huân chương (gọi là lễ investiture) trong Quốc hội hay Dinh thự của GG. Mỗi buổi lễ chỉ trao cho vài chục người, và đích thân GG trao. Trường hợp của tôi thì họ nói tháng 5 này mới có lễ investiture.

Từ ngày tôi được loan báo trao huân chương Australia, rất nhiều đồng nghiệp và cả những chánh trị gia mình chưa bao giờ gặp gởi thư hay điện thoại chúc mừng. Nào là Tổng toàn quyền, Thủ tướng, Thủ hiến tiểu bang, Bộ trưởng Y tế, Bộ trưởng Giáo dục, các bộ trưởng khác, nhiều dân biểu, Giám đốc Y tế, Hiệu trưởng 3 đại học tôi có chức vụ, v.v. đều gởi thư chức mừng. Báo chí địa phương, báo chí đại học cũng phỏng vấn.

Rất nhiều bạn bè và đồng nghiệp người Úc trước đây không hề biết tôi từng là 'boat people'. Họ rất kinh ngạc khi qua báo chí và đại học viết về mình, họ mới biết rằng tôi từng có thời ở trại tị nạn Thái Lan, từng làm trong nhà bếp của cái bệnh viện mà sau này tôi quay về làm giám đốc labo nghiên cứu. Họ chỉ biết tôi là người nổi tiếng trong chuyên ngành loãng xương và là một trong những tác giả được trích dẫn nhiều nhứt trên thế giới (trong lãnh vực y khoa), nhưng không hề biết quá trình gian nan của tôi. Một anh bạn vỗ vai tôi nói "Bây giờ cả thế giới đều biết mày là một boat people".

Nhưng điều làm tôi thấy ngạc nhiên và vinh dự là có 2 bà dân biểu vinh danh mình trong Quốc hội tiểu bang New South Wales. Thật cảm động! Tôi đã viết thư và gọi điện thoại cảm ơn hai bà. Tôi nghĩ có lẽ câu chuyện vượt biên và 'thuyền nhân' của mình làm cho họ thấy 'interesting' nên họ thích tôi kể về hành trình từ một 'boat people' thành một người như ngày nay. Đối với họ, tôi là minh chứng cho sự thành công của chánh sách nhân đạo nhận người tị nạn và xã hội đa văn hoá. Cũng đúng thôi. Không có Úc (và Mĩ nữa) làm sao tôi có ngày hôm nay.