Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2022
Ngô Nhân Dụng: Chiến Tranh Lạnh mới, bên nào mạnh?
Trần Hữu Thục: “Nội chiến” ngôn ngữ - tiếng Ukraine hay tiếng Nga?
Không phải tất cả những gì viết bằng tiếng Nga đều thuộc về văn chương Nga, hoặc thuộc về (nước) Nga. Những nhà văn Ukraine viết tiếng Nga không viết về người Nga mà về người Ukraine.
Andrey Kurkov
Bối cảnh lịch sử và chính trị
Ukraine là nước lớn thứ hai ở Âu Châu, sau Nga, với diện tích 603,628 km2, xấp xỉ tiểu bang Texas (695.622 km2), gần gấp đôi Việt Nam (331.2121km2). Theo kiểm tra dân số tháng 1/2022 (www.ukrstat.gov.ua.), thì Ukraine (không kể bán đảo Crimea đã bị Nga sáp nhập) có 41.167.336 người, trong đó, 77.8 % là người Ukraine và 17.3% là người Nga với 67% nói tiếng Ukraine và 24% nói tiếng Nga.[1]
Dẫu vậy, tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần khẳng định “Không hề có một nước gọi là Ukraine”! Ngay từ đầu một bài viết quan trọng của mình, “On the Historical Unity of Russians and Ukrainians”[2] công bố trên trang mạng của điện Kremlin ngày 21/7/2021, Putin không úp mở xác định rằng “người Nga và người Ukraine là một dân tộc - một toàn thể duy nhất,” [3] vì Nga và Ukraine có cùng một gia tài và một vận mệnh chung. Cái gọi là căn cước quốc gia Ukraine hiện nay chỉ là một sản phẩm của các thế lực nước ngoài, theo ông.
Hai nước Ukraine và Nga quả thực đã cùng chia xẻ một lịch sử khá phức tạp, nhưng lập luận này rõ ràng xuất phát từ một ám ảnh lâu đời của tinh thần đế quốc Nga.
Từ thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ 13, một quốc gia Đông-Slave (East Slavic) đầu tiên có tên gọi là Kievan Rus xuất hiện, với một lãnh thổ rộng lớn và đông dân nhất Âu Châu thời đó; trung tâm của nó là Kyiv, thủ đô Ukraine hiện nay, mà các nước Belarus, Russia, và Ukraine đều xem là nguồn gốc của họ. Vào thế kỷ 12, trong lúc người Nga dần dần tách khỏi Kievan Rus và hình thành một quốc gia riêng, thì những cuộc tranh giành và chiến tranh tương tàn cùng với sự xâm lăng của Mông Cổ đã khiến Kyivan Rus suy yếu và cuối cùng, bị sáp nhập vào vương quốc Polish-Lithuanian. Dẫu vậy, di sản văn hóa và tôn giáo của nó là nền tảng cho tinh thần quốc gia Ukraine về sau, giúp hình thành một nước Ukraine mới gọi là Cossack Hetmanate vào thế kỷ thứ 17, sau một cuộc nổi loạn chống người Ba Lan. Quốc gia này giữ vững độc lập trong vòng hơn 100 năm (1648-1764) mặc dầu bị nước Nga ép chế. Đến nửa sau thế kỷ 18, Cossack Hetmanate lại suy đồi và hoàn toàn bị Đế Quốc Nga sáp nhập; người Ukraine chịu đựng cảnh mất nước thêm gần 200 năm nữa cho đến khi Nga Hoàng bị sụp đổ năm 1917. Ukraine được hưởng một thời gian ba năm độc lập ngắn ngủi (1917-1920). Nhưng sau đó, khi chế độ Cộng Sản Liên Xô vững mạnh, Ukraine hoàn toàn lại nằm dưới sự thống trị của người Nga. Ukraine chỉ giành lại được độc lập hoàn toàn khi chế độ Liên Xô tan rã vào năm 1991.
Dù đất nước triền miên chìm trong khủng hoảng do di sản của chế độ Cộng Sản và do tham nhũng, thiếu khả năng và nhiều vấn đề linh tinh khác, người dân Ukraine vẫn cương quyết theo đuổi lý tưởng dân chủ của mình: từ năm 1991 đến nay, Ukraine có tất cả 6 tổng thống được bầu lên theo thể thức dân chủ.[4] Gay cấn nhất là cuộc bầu cử năm 2004 với hai ứng cử viên đại diện cho hai khuynh hướng đối chọi nhau: Viktor Yushchenko thân Tây phương còn Viktor Yanukovych thân Nga. Yushchenko, do lập trường của mình, nên bị tình báo Nga đầu độc, được cứu sống với một khuôn mặt bị biến dạng. Viktor Yanukovych đắc cử, nhưng bị phát hiện là gian lận, nên dân chúng biểu tình đòi hủy bỏ kết quả. Khi bầu lại, Yushchenko đắc cử. Điều này khiến mâu thuẫn giữa hai nước Nga và Ukraine càng thêm gay gắt.
Lê Phú Khải: Tuỳ bút về Putin
Alfred H. Moses: Giới tinh hoa quyền lực Nga phải hạ bệ Putin ( “Russlands Machtelite muss Putin absetzen”, WELT,22/03/2022. Nguyễn Xuân Hoài dịch)
Trần Doãn Nho: Nhà văn Nhất Linh tái xuất hiện ở Việt Nam - Xóm Cầu Mới
Bìa tiểu thuyết “Xóm Cầu Mới” của Nhất Linh (2021) (Hình: TDN) |
Nhà văn Nhất Linh vừa tái xuất hiện ở Việt Nam vào cuối năm 2021 vừa qua, bằng “Xóm Cầu Mới”, tác phẩm cuối cùng của ông, do nhà xuất bản “Phụ Nữ Việt Nam”, Hà Nội, xuất bản. Theo Nguyễn Tường Thiết, con trai út của Nhất Linh, thì “Hoài bão của Nhất Linh khi khởi viết Xóm Cầu Mới vào năm 1940 là mong muốn thực hiện một bộ trường giang tiểu thuyết đồ sộ dài gần mười ngàn trang mà theo ông mới đủ để diễn tả cuộc đời muôn vẻ, muôn mặt.” Nhưng, cũng theo Nguyễn Tường Thiết, “Thực tế ông chưa viết được một phần mười của “gần vạn trang” như ông mong muốn. Cuốn Xóm Cầu Mới do Phượng Giang xuất bản lần đầu năm 1973 ở Việt Nam và Văn Mới tái bản lần thứ nhất ở Hoa Kỳ năm 2002 cũng chỉ dầy khoảng hơn 600 trang. Tuy đây là truyện dài nhất trong số những truyện dài của Nhất Linh nhưng chưa đủ để có thể gọi nó là một trường thiên tiểu thuyết. Tuy thế tôi vẫn cho rằng Xóm Cầu Mới là tác phẩm vĩ đại nhất của Nhất Linh.”
Nguyễn Tường Thiết cho biết, với sự tái bản Xóm Cầu Mới, thì từ sau năm 1975 cho đến nay, tất cả các tác phẩm của Nhất Linh sáng tác trước năm 1945 đều đã được tái bản ở Việt Nam, kể cả cuốn Nho Phong (xuất bản ở Hà Nội năm 1926). Tác phẩm duy nhất của Nhất Linh vẫn chưa được tái bản là Giòng Sông Thanh Thủy.
Sau khi Xóm Cầu Mới được phát hành, tôi ghi nhận có hai bài điểm sách ngắn trên báo Việt Nam ở trong nước. Bài thứ nhất xuất hiện trên tờ “Văn Nghệ Quân Đội” ngày 17/1/2022. Một trích đoạn:
Nhất Linh: Tam chiến Lã Bố
Vũ Thư Hiên: Thân phận trí thức trong xã hội cộng sản (Đọc “Tuỳ Tưởng Lục” của Ba Kim)
Cuốn Tuỳ Tưởng Lục tôi đang có trong tay là của một bạn văn trong nước gửi cho. Thỉnh thoảng anh vẫn gửi cho tôi một thứ gì đó, đại loại như trà Tân Cương, cốm Vòng, hoặc tinh dầu cà cuống thứ thiệt, kèm theo một lời nhắn. Thư thì không, tuyệt nhiên. Anh không giấu giếm rằng anh nhát. Lần này có người tin cẩn anh lại gửi quà — một cuốn sách. Chúng tôi chơi với nhau đã nửa thế kỷ, người nọ thuộc tính người kia, tôi không giận anh. Anh cho quà là quý rồi. Anh biết chắc tôi sẽ thích món quà của anh.
Mà thích thật. Trước hết, đó là cảm giác gần gụi của thân phận tác giả với thân phận người đọc, của sự đồng cảm. Cứ đọc xong một bài, có khi chỉ một đoạn, lại phải đặt sách xuống, thừ người ra mà ngẫm nghĩ. Có chỗ, ứa nước mắt.
Thích thì thích, nhưng tôi đã không đọc nổi Tuỳ Tưởng Lục của Ba Kim một mạch. Chắc nó cũng có sức lôi cuốn tương tự với những ai từng sống trong xã hội cộng sản và có một chút trăn trở về xã hội ấy: nó thật sự là cái gì vậy? nó có xứng với ta, với con người, không? liệu nó còn tương lai không?
Tuỳ Tưởng Lục là lời tâm sự thật thà của một trí thức háo hức đi tìm chân trời mới rồi lớ ngớ thế nào lại thấy mình rơi tõm xuống địa ngục. Trong Tuỳ Tưởng Lục có đủ nỗi nhục nhằn tinh thần và những mất mát làm trái tim suốt đời rỉ máu, không kể đến những đớn đau thân xác.
Tuỳ Tưởng Lục, bản tiếng Việt (nhà xuất bản Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 2002) là một tập những bài viết của Ba Kim trong tuổi trên 80, nghĩ gì viết nấy, không câu nệ thể loại, đề tài. Hai dịch giả danh tiếng - Trương Chính và Ông Văn Tùng — tự chọn các bài để dịch. Sự chọn lựa của hai ông rất khéo: vừa đủ để người đọc được biết về một thảm họa xảy ra ở nước láng giềng đã nhiều năm, nhưng vì bị bưng bít nên không ai biết vân mòng nó ra làm sao, đồng thời cũng tránh được cơn giận dữ ở các bậc quyền cao chức trọng dễ chạnh lòng.
Thảo Trường: Con Bò
Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2022
Nhà văn Văn Quang qua đời ở Sài Gòn, thọ 90 tuổi
Nhà văn Văn Quang |
Tiểu sử nhà văn Văn Quang
Văn Quang qua nét vẽ Đinh Cường 2001 |
Trùng Dương: Văn Quang mà tôi biết
Trước 1975 chúng tôi không quen nhau. Ngoài tuổi tác chênh lệch—anh Văn Quang hơn tôi trên 10 tuổi--cũng còn vì… “phe nhóm” văn chương khác nhau. Tôi cũng chẳng hề đọc anh và ngược lại, có lẽ anh chẳng bao giờ đọc tôi.
Nhưng vào giữa thập niên 1990 thì chúng tôi quen nhau và trở nên thân thiết qua điện thư. Hồi ấy tôi đang cộng tác với một tờ báo Mỹ địa phương ở Stockton, Cali. Anh Hồng Dương, nguyên ký giả báo Chính Luận xưa, đã định cư tại đây từ giữa thập niên 1980. Chúng tôi có biết nhau song cũng chỉ sơ giao ở Sài Gòn. Đồng hương gặp nhau, lại cùng đồng nghiệp xưa, mặc dù Hồng Dương đã sinh hoạt trong ngành khác, nên hai chúng tôi gặp nhau thường xuyên, và vì cùng thích chuyện kỹ thuật điện toán,nên trở nên thân.
Hồi ấy máy computer cá nhân còn tương đối mới, điện thư qua lại còn là chuyện có phần lạ, song ai đã làm quen với nó thì dễ trở nên gắn bó vì thấy bỗng dưng liên lạc được với những người ở tận đẩu tận đâu mà chỉ cần ngồi ở bàn giấy tại gia, nghe có cái gì mầu nhiệm là đàng khác. Qua Hồng Dương và điện thư tôi quen thêm với những người bạn của anh, trong đó có Văn Quang ở Sài Gòn. Chúng tôi họp thành một nhóm điện thư gồm năm người: ngoài tôi, là Hồng Dương, Văn Quang, Tạ Quang Khôi, và Hoàng Ngọc Liên—là những nguời nay đều đã bỏ cuộc chơi.
Trong những chuyện trao đổi với nhau qua điện thư trong thời gian này, hai chuyện liên quan tới Văn Quang mà tôi còn nhớ hơn cả. Thứ nhất là việc băn khoăn đi hay ở của anh sau khi bị tù cộng sản ra và được nhận đi Mỹ qua chương trình HO vào giữa thập niên 1990. Và chuyện thứ hai liên quan tới việc gây quỹ giúp mẹ con nhà văn Nguyễn Thị Thuỵ Vũ.
Nói là băn khoăn nhưng có lẽ anh Văn Quang cũng đã nhiều phần quyết định ở lại. Có lần, qua điện thư, anh kể có một bà nọ có nhiều tiền bạc của cải cất giấu ở đâu đó có đến đề nghị với anh cho bà đi cùng, bà sẽ đền bù hậu hĩ. Tất nhiên là anh không nhận. Tiền bạc đối với anh không phải là một vấn đề trong thời kỳ này khi mà những bài phóng sự về Sài Gòn nói riêng và Việt Nam nói chung trong loạt bài “Lẩm Cẩm Sài Gòn Thiên Hạ Sự” đang được độc giả hải ngoại khắp nơi đón nhận. Đó là những bài viết về các thân hữu văn nghệ còn ở lại trong nước, hay điểm tin tức báo chí hàng ngày qua cái nhìn thẳng thắn của anh. Loạt bài này được nhiều báo hải ngoại đăng tải và chăm chỉ trả nhuận bút cho anh, nhờ vậy anh Văn Quang có một đời sống không phải ưu lo về vật chất. Anh bảo nhiều người anh quen biết ở vào diện như anh cần đi Mỹ phần lớn vì nhu cầu gia đình, như con cái còn vị thanh niên cần có một tương lai. Còn anh một thân một mình, các con thì đã khôn lớn có đời sống ổn thoả ở nước ngoài, anh chẳng còn gì để bận tâm.
Văn Quang: "Chú Tư Cầu" Lê Xuyên và Những Ngày Cuối Đời
Văn Quang: Tết Trong Trại Tù Cùng Bạn Bè
Văn Quang, bản vẽ của Chóe Màu nước trên vải, Sài gòn 1988 |
Tổng cộng đã có hơn 80 mùa xuân đi qua trong cuộc đời tôi. Nhưng 12 mùa xuân trong những cái được gọi là "trại cải tạo" là những mùa xuân đáng nhớ nhất. Từ Nam chí Bắc, từ Sơn La, Vĩnh Phú đến Hàm Tân, mùa xuân nào đến cũng mang đầy dấu tích buồn như những vết sẹo trong tận cùng tâm khảm, đến nỗi đến bây giờ có đêm còn nằm mơ thấy mình đang bị đày đọa trong lao tù khiếp đảm ấy. Giật mình tình dậy mừng như khi vừa được thả từ trại tù ra.
Tuy nhiên con người ta thật lạ, sống lâu trong tù rồi cũng... quen. Đó là bản năng sinh tồn hay con người phải thích ứng với từng hoàn cảnh để sống, dù để sống cho qua ngày chờ đợi một cái gì sẽ đến. Nhưng cái gì sẽ đến ở trong một thứ tù đày không có án, không có thời hạn là điều đáng sợ hơn nữa. Tù cải tạo làm gì có thời hạn. Thích bắt thì bắt, thích thả thì thả, người ra trước, kẻ ra sau, chẳng bao giờ biết lý do, tất cả chỉ là suy đoán.
Tôi đã sống như thế suốt 12 năm. Khoảng 8-9 năm, khi đã là "tù cũ", có lẽ tụi cai ngục cũng "xuê xoa" cho một đôi phần, không còn xiết chặt cùm kẹp như mấy năm đầu nữa. Tôi bị đưa từ trại tù miền Bắc vào miền Nam, bởi hồi đó miền Bắc dân đói quá thiếu mọi thứ thực phẩm kể cả ngô khoai sắn, không thể nuôi thêm tù. Chúng tôi bị cùm hai tay suốt ba ngày hai đêm trên xe. Cho đến khi vào đến trại Hàm Tân mới được tháo cùm. Tôi nhớ hôm đó là ngày 19 tháng 5 năm 1978 và biết đó là ngày Sinh nhật "Bác" vì xe chạy qua mấy con đường có dựng mấy cái khẩu hiệu đỏ chót "Nhiệt liệt chào mừng sinh nhật Bác". Một sự trùng hợp khá thú vị. Được trở lại miền Nam cũng như sống lại vậy, không nhớ sao được.
Trần Mộng Tú: Những Người Lính Cũ
LTS. Bài viết sau đây của tác giả Trần Mộng Tú kể lại một chuyến về Việt Nam giúp đỡ thương phế binh VNCH theo một trong những chương trình do nhà văn Văn Quang sáng lập. Tác giả ghi lại mấy dòng cho Tòa soạn :Xin gửi theo bài viết từ năm 2007, sau chuyến đi thăm TPB về, để các anh chị hiểu rõ hơn việc làm của nhà văn Văn Quang.Tmt
Ngô Nhân Dụng: Trung Cộng, Đài Loan rút kinh nghiệm Ukraine
Francis Fukuyama dự báo: Nga nên chuẩn bị cho thất bại ở Ukraine (Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng)
Marci Shore: Đ êm Ukraine (Nguyễn Đức Tùng dịch và giới thiệu)
Lời giới thiệu của dịch giả:
1. ĐẤT CỦA GOGOL
Trùng Dương: Từ Quảng trường Thiên An Môn tới Quảng trường Maidan - Khát vọng tự do không thể bị dập tắt
Nguyễn Công Khanh: Hà-Nội Nửa Đêm
Chưa có một bài thơ nào cho tôi thấy cả tuổi thơ Hà Nội của tôi như bài thơ “Chia Nhau Hà Nội” của Trần Mộng Tú :
CHIA NHAU HÀ NỘI
Em gửi cho anh
chiếc lá bàng cuối thu Hà nội
hồi chuông giáo đường
buổi sớm tinh mơ
góc phố Nhà Chung có bầy sẻ nhỏ
một con rất gầy
đứng hót ngu ngơ
Em gửi cho anh
tơ tầm mới dệt
giăng từ Hàng Đào đến phố Hàng Bông
khúc lụa trắng ngả sang
mầu nguyệt bạch
sợi dệt ngang như mây vắt
trăng rằm
Em gửi cho anh
ly cà phê buổi tối
mùi ngô non
nướng dưới cột đèn
mảnh than nhỏ sưởi mùa thu
sắp hết
hơ gót chân ai
hồng giữa phố đêm
Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2022
Ngô Nhân Dụng: Bớt đổ xăng, bớt đổ máu
Giá xăng sẽ tăng lên sau khi Mỹ ngưng nhập cảng dầu khí của Nga. Khắp thế giới giá dầu sẽ tăng theo khi Mỹ phải mua dầu thô từ nước khác.
Mỹ ngưng mua dầu, khí của Nga khiến giá dầu trên thế giới lên cao. Dầu nhập cảng vào Mỹ chỉ có 8% mua từ nước Nga. Một nửa số dầu do Nga xuất cảng, chiếm 7% cả thế giới, chuyển qua Âu châu nên các nước này không thể làm theo Mỹ. Âu châu chỉ quyết định sẽ giảm bớt số 2 phần 3 số khí đốt mua của Nga, trong năm nay và sẽ xây dựng thêm các bến nhập cảng khí đốt đã hóa lỏng (LNG) để nhận các tàu cung cấp từ Mỹ và vùng Trung Đông.
Vì Nga xâm lăng Ukraine kinh tế thế giới sẽ đi xuống. Hầu hết mọi người sắp thấy cuộc sống của mình bị xáo trộn vì các nhu cầu tiêu thụ không được thỏa mãn dễ dàng như trước. Thực phẩm cũng sẽ lên giá, vì Nga và Ukraine là những nước xuất cảng lúa mì và phân bón nhiều hạng nhất. Ukraine chiếm 30% số bắp xuất cảng trên thế giới; Nga và Ukraine cung cấp 30% số lúa mì. Giá bánh mì, rau, trái cây sẽ đắt hơn vì chi phí vận tải cao.
Nhưng nhiều người sẵn sàng chấp nhận. Nước Nga bớt bán được dầu, khí thì tiền thâu nuôi bộ máy chiến tranh cũng xuống. Bớt lái xe, bớt ăn uống một chút không đến nỗi khốn khổ lắm, so với nỗi thống khổ dân Ukraine đang chịu đựng.
Các thành phố Ukraine đã bị quân Nga vây hãm và pháo kích suốt hai tuần. Lương thực cạn dần, điện, nước bị cắt, dân xuống sống dưới hầm. Quân đội Ukraine đề nghị ngưng bắn để mở những hành lang cho thường dân di tản. Nga chấp nhận cho dân Ukraine thoát chết nếu họ chạy qua nước Nga hay nước chư hầu Belarus. Không khác gì yêu cầu dân Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, chạy sang Trung Quốc nếu có chiến tranh Trung-Việt! Hơn 400,000 dân bên trong Mariupol bị quân Nga vây hãm trên đất liền, bên ngoài biển, đã bị mất điện, thiếu nước hơn một tuần lễ; ông thị trưởng Vadim Boychenko cho biết nhiều trẻ em đã chết vì thiếu nước. Bên ngoài thành phố hải cảng Mariupol, con đường dân đang chạy do Liên Hiệp Quốc làm trung gian thiết lập, quân Nga bất ngờ nã đại pháo sau 45 phút hưu chiến. Hai ngày sau, quân Nga pháo kích trúng một bệnh viện sản khoa trong thành phố.
Dương Quốc Chính: Tâm Lý Cuồng Nga
Trí thức miền Bắc hồi đó, trừ số ít người do Pháp đào tạo, thì 100% là du học ở LX hoặc Đông Âu về, mà Đông Âu lúc đó cũng là cái bóng của Nga, nên sự ảnh hưởng bởi văn hóa Nga là rất khủng khiếp. Những tiểu thuyết đầu tiên của mình đọc cũng đều là tiểu thuyết kinh điển của LX thời đó như: 17 khoảnh khắc mùa xuân, Và nơi đây bình minh yên tĩnh - Tên anh chưa có trong danh sách, Sông Đông êm đềm, Đất vỡ hoang, Chiến tranh và Hòa bình, Thép đã tôi thế đấy...Và còn nhiều, rất nhiều.
Giai đoạn 8x, LX thay thế Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam từ cái kim sợi chỉ, nên hồi đó người ta luận chữ viết tắt LX bằng tiếng Nga CCCP là các chú cứ phá, tội vạ đâu LX chịu! Đấy là chưa kể LX sát cánh cùng Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ.
Vì thế, trong sâu thẳm của con người XHCN miền Bắc thì LX là người cha, người anh cả, sẵn sàng xả thân vì em dại, hi sinh tất cả vì đàn em XHCN. Việt Nam có hai đồng minh TUYỆT ĐỐI tin cậy lúc đó là LX và Cuba. Trung Quốc giai đoạn 8x thì biến thành kẻ thù rồi chứ nếu giai đoạn 5x-7x, nhất là thời Chủ tịch HCM còn sống thì Trung Quốc còn có vai trò hơn cả LX.
Đến năm 1989, Đông Âu sụp đổ, rồi năm 91 cụ LX đi gặp Lenin, người Việt Nam bị sốc, trở nên bơ vơ không nơi nương tựa, nhất là trước đó bị Gorbachev hờ hững, cắt giảm viện trợ cũng chả khác gì Mỹ cắt viện trợ cho VNCH.
Trần Mộng Tú: Trẻ Em và Chiến Tranh
BRATISLAVA, Slovakia (NV) : Cậu bé Hassan phải tự mình bỏ nhà ở Zaporizhzhia, miền Đông Ukraine, đi lánh chiến tranh vì mẹ em không thể để bà ngoại ở lại một mình.
Cậu bé Hassan
11 tuổi ở miền Đông Ukraine
vừa bằng tuổi của Oliver
cũng 11 tuổi ở miền Tây Bắc Mỹ
Hai cậu bé ở cách nhau hơn 5 ngàn dặm
Oliver and his dog Dixie |
Oliver biết làm bánh rice crispy, một món mà ông ngoại rất thích
Oliver dắt chó ra đường mỗi buổi chiều và thường cùng chó ghé vào nhà ông bà ngoại bên dưới con dốc
để nghỉ chân và ăn một cây cà-rem
rồi lại quay về nhà
Oliver thường gọi mẹ để báo
con đang ăn cà-rem ở nhà Bà, con sắp quay về
Bà ngoại của Oliver luôn luôn đứng nhìn theo
cứ lo lắng mơ hồ
một con dốc, từ đường 171 đến đường 173 có an toàn không
(Cô Thơ Thơ biết kêu ầm lên: chị đừng cho cháu đi một mình nhỡ người xấu bắt mất thằng bé)
Hassan được thiện nguyện viên cho thức ăn và nước uống khi đến biên giới với Slovakia hôm Thứ Bảy, 5 Tháng Ba. (Hình: Slovak Interior Ministry)