Thứ Sáu, 18 tháng 2, 2022
Liễu Trương: Sáng Tạo Của Thảo Trường
Văn học miền Nam tuy có một tuổi thọ rất ngắn, nhưng chỉ trong vòng hai mươi năm, biết bao tác phẩm đã nở rộ trong một bầu không khí tự do, ngoài sự thống trị của mọi hệ tư tưởng, ngoài mọi áp bức chính trị. Tác phẩm của Thảo Trường đã thành hình trong bối cảnh đó, và đã góp phần xây dựng nền văn học miền Nam mà Thảo Trường là một trong những nhà văn trụ cột.
Năm 1954, sau khi Hiệp định Genève được ký kết, một thanh niên 18 tuổi tên Trần Duy Hinh, về sau trở thành nhà văn lấy bút hiệu Thảo Trường, đã rời bỏ quê hương miền Bắc, đành giã từ người mẹ thân yêu để theo làn sóng di cư vào Nam. Đối với người thanh niên này, một cuộc phiêu lưu bắt đầu từ đây, phiêu lưu qua những biến cố lịch sử, qua khói lửa chiến tranh, qua ngục tù cộng sản, để cuối đời trôi giạt đến một cái xứ xa lạ, và từ biệt cõi đời ở đấy. Nhưng cuộc phiêu lưu đã đem lại cho nền văn học Việt Nam những tác phẩm để đời.
Cũng như Thanh Tâm Tuyền, Thảo Trường cầm bút rất sớm, đồng thời ông cũng làm bổn phận của một người trai thời loạn. Ông nhập ngũ và dấn thân cho chính nghĩa Quốc gia. Ở Thảo Trường, chữ nghĩa đồng hành mật thiết với trải nghiệm và suy tư. Chữ nghĩa được cân nhắc, nâng niu, quý trọng để nói dùm tác giả bao ưu tư, bao sầu muộn trước sự đảo điên của thế cuộc.
Thử Lửa là tập truyện ngắn đầu tay của Thảo Trường, xuất bản năm 1962. Trong một cuộc phỏng vấn do Đặng Phú Phong thực hiện trên diễn đàn Saigon Times, tháng 8 năm 2008, Thảo Trường cho biết những truyện ngắn trong Thử Lửa đều được viết từ 1956 (năm ông 20 tuổi) đến 1960, và đều đăng trên tạp chí Sáng Tạo. Thử Lửa mở đầu cho một loạt tác phẩm, những tập truyện ngắn như : Chạy trốn (1964), Người đàn bà mang thai trên kinh Đồng tháp (1966), Chung cuộc (1968) ; về tiểu thuyết thì có : Vuốt mắt (1969), Bên trong (1969), Th. Trâm (1969), Ngọn đèn (1970), Cánh đồng đã mất (1971), Bên đường rầy xe lửa (1971), Người khách lạ trên quê hương (1972), Lá xanh (1972), Cát (1974), và trường thiên tiểu thuyết Bà Phi đăng feulleton trên báo trước 1975, dài mấy nghìn trang. Ngoài ra, Thảo Trường có một tập tùy bút : Hà Nội, nơi giam giữ cuối cùng (1973).
Sau một thời gian dài gác bút vì ở tù cộng sản trong 17 năm, tác giả cầm bút trở lại ở hải ngoại, và cho ra các tác phẩm như những tập truyện ngắn : Tiếng thì thầm trong bụi tre gai (1995), Tầm xa cũ bắn hiệu quả (1999), Miểng (2006), và ba tiểu thuyết : Đá mục (1998), Mây trôi (2002) và Thềm đá xanh rêu (2007). Chưa kể nhiều tiểu thuyết khác mà Thảo Trường dự định cho xuất bản, nhưng rủi ro ông lìa đời trước khi các dự định được thực hiện.
Ngần ấy tác phẩm chứng tỏ sức viết của Thảo Trường rất dồi dào, kiên trì.
Có thể nói, sáng tạo của Thảo Trường trải qua ba thời kỳ mà tôi gọi : thời của dòng sông, thời khói lửa và thời xa xứ.
Thời của dòng sông
Trong những năm đầu sống ở miền Nam, Thảo Trường là một thanh niên mới lớn, vừa nhập vào cuộc di cư vĩ đại từ Bắc vào Nam, nên có những trăn trở, ray rứt rất sớm. Trong các truyện đầu, Thảo Trường thường nhắc đến tuổi thơ, nói đến tình yêu đôi lứa với những bâng khuâng, những ảo tưởng của tuổi trẻ, rồi đến vấn đề chết, một vấn đề lớn lao của con người. Và từ ý nghĩ tự do lựa chọn một cái chết, tác giả hướng về con sông Bến Hải tượng trưng cho sự chia đôi đất nước. Ý muốn dấn thân bắt đầu từ đây chăng ?
Chủ đề chết hiển hiện trong tập Thử Lửa. Có một truyện mang tựa đề Xác chết. Trong truyện Cái hố, người con trai thắc mắc về sự chết chóc, nó muốn biết cái mùi khét khi da thịt bị đốt cháy. Còn truyện Trần gian kể một vụ tự tử hụt, nhân vật muốn tự tử vì chưa tìm thấy chân lý ở đời. Trong truyện Làm quen có hai loại chết : cái chết do mình muốn và cái chết do kẻ khác gây ra. Một người con gái trước ngày cưới bỗng nhiên tự tử, cô ta có cái ý nghĩ điên rồ là chết để người yêu, một họa sĩ, vẽ mình sau khi mình chết và vẽ … tình yêu. Còn cái chết kia là cái chết của hai người do một tai nạn giao thông gây ra. Trong những suy nghĩ về cái chết trong truyện này thấp thoáng màu sắc của thuyết hiện sinh. Trong cuốn L’existentialisme est un humanisme (Thuyết hiện sinh là một chủ nghĩa nhân văn), tác giả Jean Paul Sartre viết : … không có thuyết quyết định, con người tự do, con người là sự tự do (…) con người bị đày phải tự do. Bị đày, bởi vì con người không tự tạo ra mình, và mặt khác con người lại tự do, bởi vì một khi bị vứt ra trên đời, con người chịu trách nhiệm về tất cả những điều mình làm.
Nhân vật của Thảo Trường thì nghĩ : Mình đã không có thẩm quyền gì về sự sinh ra của mình, thì ít nhất để đền bù lại mình cũng phải có ý kiến, thái độ về cái chết của mình chứ. Phải làm thế nào trên đời này không còn những bất trắc. Cái chết là việc quan trọng nhất trong đời sống. Vậy thì sự chấm dứt của mỗi cá nhân phải do chính cá nhân ấy định đoạt. Như thế để chứng tỏ kể từ khi ra đời mình cũng đã biết được mình, mình hoàn toàn tự do. Cái chết của tôi, tôi đã định đoạt trước, vì vậy tôi nhập ngũ. (tr. 84)
Cái chết được nhân vật chọn lựa không phải là đơn giản tự sát, một hình thức tiêu cực ; nhân vật chọn cho cái chết của mình một ý nghĩa cao đẹp, đó là dấn thân cho đất nước bằng cách nhập ngũ. Dấn thân cho đất nước vào một giai đoạn rối bời, khiến con người ngẩn ngơ. Đối với nhân vật trong truyện, nhập ngũ là để đối phó với một đe dọa lớn : sự chia đôi đất nước mà con sông hiền hòa kia bị bắt buộc đóng cái vai trò biểu tượng. Trong thời kỳ sáng tạo đầu đời này, Thảo Trường đã bị con sông ám ảnh và linh cảm một tương lai không mấy sáng sủa. Cho nên tôi gọi thời gian này là thời của dòng sông.
Trong truyện Làm quen, khi người kể truyện đứng gác trên lô cốt, nhìn về dòng sông thì có những trăn trở về sự phân chia địa lý, nhưng tin tưởng không có chia cách trong lòng người :
Ý nghĩ đầu tiên của tôi về con sông này : nó chỉ là biên giới của đất đai, nó không
là biên giới của tư tưởng. Người bên kia hay bên này không qua lại nhau, nhưng những tư tưởng phát sinh từ tâm hồn người bên này hay bên kia thì cũng nẩy nở sang bên kia hay bên này (…) Quốc lộ vẫn bò dài nam bắc, chiếc cầu qua sông rất vững chắc, nước chảy hiền từ. Tôi cố gắng phân biệt ra biên giới nhưng không được, vẫn chỉ là làng mạc, đồng ruộng và đường đi, muôn đời muôn thuở vẫn là hình ảnh quê hương tôi. Dù đã bị giới hạn cái quyền tự do tung tăng chạy nhảy trên đất nước, để phải dừng chân ở ngọn đồi này, tôi cũng vẫn tự bảo mình rằng bên kia là của mình, phải là của mình. Mười ba triệu người đằng sau tôi chắc cũng tin như vậy ? Tôi đứng gác ở tiền tuyến cho nửa dân tộc yêu nhau và tin tưởng con sông trước mặt tôi sẽ không là biên giới. (tr. 89-90)
Nhân vật trong truyện từ chối sự phân chia lãnh thổ một cách vô lý, để vẫn tha thiết yêu thương cái không gian bên này và bên kia gọi là quê hương, vẫn nhận thức không gian đó là sở hữu thiêng liêng của mình.
Đặc biệt truyện Mầu và sắc nói lên nỗi trăn trở, buồn phiền về sự ngăn chia và niềm tin vào tình yêu thương của con người. Truyện Mầu và sắc là nỗi niềm của một nhà giáo đã từng sống gần con sông chia đôi đất nước, và sắp rời xa nơi này. Nhân vật bâng khuâng : Cũng chỉ là một dòng sông, cũng chỉ là một chiếc cầu (…) Tôi chưa giám dùng chữ biên giới, có lẽ vì trong tôi nó còn tiềm ẩn một niềm tin. (tr
15) Có những cái không thể chia cắt được : … không khí tôi thở có thể là từ bên này hay bên kia bởi làn gió hiu hiu từ cửa biển thổi vào. (tr. 15)
Trong suy nghĩ của một nhà giáo có nhiệm vụ gieo trong tâm hồn của trẻ thơ
tình yêu thương mọi người, có sự cần thiết bỏ đi những chướng ngại gây chia rẽ : những cuộc biểu tình, những biểu ngữ, khẩu hiệu, những bản đồ tham mưu, những chiến lược. Phải phá tan sự dửng dưng của hai người cán bộ đứng gác ở hai đầu cầu, hai người không bao giờ cười với nhau. Nhưng phải công nhận khó mà hàn gắn sự chia cắt : Nhưng thực ra vấn đề không ở con sông, không ở chiếc cầu, không ở cột cờ. Nó ở trong lòng con người hai miền, nó ở trong lòng chúng ta. (tr. 23)
Cũng như trong truyện Làm quen, ở đây nhân vật cũng tra vấn sự vô lý của một phân chia đất đai, một chia cách lòng người.
Phải nói dòng sông là một đề tài gây trăn trở, bứt rứt, một ám ảnh của Thảo Trường. Nhưng đã đến lúc không còn bâng khuâng về vai trò vô lý của con sông nữa. Bánh xe lịch sử vẫn quay, và bộ mặt hung thần của chiến tranh đã hiện đến cận kề.
Thời khói lửa
Khi chiến tranh lan tràn khắp nơi, Thảo Trường bước qua một giai đoạn mới : ông dấn thân hết mình, ông đi tác chiến dọc ngang trên khắp lãnh thổ miền Nam. Và khi cầm bút, ông không còn loay hoay với những khắc khoải về sự phân chia đất nước, sự chia cắt tình người, giờ đây ông thao thức, ông bị dằn vặt bởi thân phận con người trong chiến tranh. Có hai truyện ngắn có thể tượng trưng cho thời kỳ sáng tạo này. Một truyện rất nổi tiếng : Người đàn bà mang thai trên kinh Đồng tháp, ra năm 1964, và một truyện ít được người đọc biết đến, đăng trên tạp chí Đất Nước, số 6, tháng 9 và 10 năm 1968, truyện : Trong hầm trú ẩn. Trong hai truyện này, tác giả miêu tả hoàn cảnh sống của hai nạn nhân chiến tranh. Thảo Trường có lối viết rất sâu sắc, người đọc khó quên những nhân vật của ông.
Truyện Người đàn bà mang thai trên kinh Đồng tháp là truyện một người phụ nữ quê mùa, nạn nhân của thời cuộc, bị ép giữa hai chủ nghĩa cộng sản và Quốc gia. Vào truyện, tác giả khéo léo dàn cảnh thiên nhiên : một con kinh dài với những con lạch chảy từ một cánh đồng bao la tràn vào. Đường đi nhỏ hẹp có những chiếc cầu khỉ. Cây cối hai bên bờ quá um tùm đến nỗi ánh sáng mặt trời khó len lõi vào đến mặt nước, nhà cửa lưa thưa đây đó. Chị Tư lớn lên và sống trong cái không gian của nước và thảo mộc này. Chị không hề biết đến cái thế giới lớn lao bên ngoài. Chị lập gia đình với anh Tư, vợ chồng chỉ sống với nhau sáu tháng, sau đó anh Tư đi tập kết biền biệt. Nơi chị Tư sống ngày càng không yên. Có những người lạ mặt, bạn anh Tư, lúc đầu thấp thoáng trong khu xóm, dần dà ra mặt hẳn hòi. Có tiếng súng nổ, đồn dân vệ bị đốt cháy. Chị Tư phải học tập chính trị, chị sành sõi với những danh từ « tự do », « dân chủ », « căm thù », v.v… Nhưng quân đội Quốc gia trở lại, đồn dân vệ được xây cất lại. Lần này chị Tư học tập với phía Quốc gia, chị biết rành rọt Ấp chiến lược là gì. Sự hiểu biết của chị giàu thêm, chị biết tới hai chủ nghĩa : cộng sản và nhân vị. Nhân vị là một triết thuyết được chế độ Tổng thống Ngô Đình Diệm đề cao. Nhưng, một lần nữa, những xây dựng của phía Quốc gia bị tàn phá, « Ấp chiến lược » trở thành « Ấp chiến đấu » của các anh cán bộ. Một hôm chị Tư được giao phó một trọng trách. Cần nhớ trong suốt thời gian chị tiếp xúc với các anh cán bộ, thỉnh thoảng chị nhận được thư anh Tư do các anh này chuyển lại. Anh Tư không nói gì đến tình vợ chồng, trong khi chị Tư cảm thấy cô đơn, anh chỉ khuyến khích chị chuyên tâm tranh đấu. Chị được đề cử đi binh vận, chị phải lên chợ quận mở một quán cháo với một người cán bộ vờ làm em chị và vờ gia nhập dân vệ. Chị Tư nhận lời một cách miễn cưỡng. Ở quán cháo chị Tư quen biết với một anh binh sĩ truyền tin. Hoàn cảnh đưa đẩy chị Tư dan díu với cả hai người : người cán bộ, chú em vờ và anh binh sĩ truyền tin. Chẳng bao lâu chị mang thai, chị lấy làm lo lắng, không biết cái thai là con của ai. Người cán bộ nói cái thai là con của Đảng. Chị Tư bơ phờ trở về ngôi nhà lụp xụp bên bờ con kinh. Người cán bộ đã đào ngũ dân vệ, đi theo chị và không ngớt hà hiếp chị, áp bức chị. Một hôm anh ta bắt chị phải tự tay kẻ một biểu ngữ « Đả đảo Đế quốc Mỹ », tự mình leo lên cây, gắn biểu ngữ và tự tay buộc một trái lựu đạn sau tấm biểu ngữ. Tác giả dùng kỹ thuật lặp lại để nói lên sự khó nhọc của người đàn bà mang thai gần đến ngày sinh : Chị Tư ì ạch kẻ khầu hiệu (…). Chị Tư ì ạch vác thang ra gốc cây trước nhà. Chị Tư ì ạch mang cái bụng chửa lên thang. Chị Tư ì ạch đóng đinh tấm bảng. Chị Tư ì ạch cột sợi giây oan nghiệt từ chốt lựu đạn sang một cành cây, trước cặp mắt khuyến khích của anh cán bộ đứng dưới. (tr. 11)
Rồi cuộc hành quân của quân đội Quốc gia dừng lại ở con kinh. Các cán bộ đều biến mất. Trong khi toán lính đi lục soát bên ngoài, thì người sĩ quan chỉ huy vào nhà chị Tư, quan sát khắp nơi. Một người lính vào báo tin có một khẩu hiệu đả đảo Mỹ. Người sĩ quan ra lệnh không ai được đụng vào cái khẩu hiệu ; đã có hai người lính bỏ mạng vì giật một khẩu hiệu, làm nổ một trái lựu đạn ở phía sau. Khi biết chính chị Tư đã treo khẩu hiệu và gài một trái lựu đạn, người sĩ quan ra lệnh cho chị ra gỡ xuống, chị Tư van lạy ông ta vì chị sợ chết. Người sĩ quan lại biết thêm chồng chị Tư đi tập kết đã mười năm, ông ta lớn tiếng bắt chị phải ra gỡ trái lựu đạn, ông ta rút súng, chị Tư đâm hoảng. Chị Tư ì ạch với cây gậy dựa nơi góc nhà. Chị Tư ì ạch bước ra gốc cây. Chị Tư ì ạch dơ gậy lên giáng thật mạnh vào tấm bảng (…). Khi trái lựu đạn rơi xuống, chị bỏ chạy, toán lính thì nằm rạp xuống đất. Nhưng lựu đạn không nổ. Chị Tư té nhào xuống đất, chị bị động thai. Người sĩ quan bế chị vào nhà, đặt chị lên giường. Đêm hôm đó chị sinh một đứa bé thiếu tháng, và người sĩ quan đã làm cái công việc đỡ đẻ cho chị một cách tận tụy ; ông ta cảm thấy vui khi nghe đứa bé khóc. Lần đầu tiên chị Tư và người sĩ quan mỉm cười với nhau. Mấy hôm sau người sĩ quan đi khai sinh cho đứa bé, vì chị Tư không biết cha nó là ai, người sĩ quan bèn cho đứa bé tên họ của mình.
Truyện kết thúc bằng một lời nhắn tin của người sĩ quan với đứa bé khi nó lớn lên. Người sĩ quan nhắn với nó rằng trong bất cứ hoàn cảnh nào, trước khi quyết định làm một việc gì, nó phải nghĩ đến nỗi thống khổ của một người đàn bà mang thai, nghĩ đến những người mẹ đã bị nhiều chủ nghĩa hành hạ. Xin cậu hãy nghĩ tới cái hình ảnh đó (…) vì tôi chính là tên sĩ quan đã hành hạ mẹ cậu, đã đỡ đẻ cho mẹ cậu sau khi các đồng đội của tôi chết vì những thứ khẩu hiệu như cái khẩu hiệu « Đả đảo Đế quốc Mỹ » ấy.
Trong truyện Người đàn bà mang thai trên kinh Đồng tháp, những biến cố xảy ra dồn dập như để nhanh chóng đẩy người phụ nữ vào một hoàn cảnh không lối thoát, nỗi bất hạnh như giáng xuống thân phận một con người chỉ biết hứng chịu. Như đã nói, chị Tư bị ép giữa hai chủ nghĩa, chị đối diện với hai quyền lực mâu thuẫn nhau, chịu sự áp đặt của hai guồng máy tuyên truyền chống đối nhau, và cả trong thú nhục dục, chị hưởng thụ với hai đại diện của hai chủ nghĩa chống đối nhau. Tác giả dùng trạng từ ì ạch để nói lên sự khốn khổ của chị Tư trước hai quyền lực : chị tuân lệnh anh cán bộ cộng sản ì ạch leo lên cây, gài trái lựu đạn, chị tuân lệnh người sĩ quan Quốc gia ì ạch gỡ trái lựu đạn. Bên nào cũng hành hạ chị, bắt chị ì ạch gài, gỡ. Nhưng cuối cùng chị mỉm cười khi chị phát hiện lòng nhân ái của người sĩ quan.
Truyện ngắn thứ hai là truyện Trong hầm trú ẩn. Từ một con kinh ở miền Đồng tháp, người đọc đi vào không gian một khu xóm gần thành phố, để gặp một nạn nhân khác của chiến tranh.
Mở đầu truyện Trong hầm trú ẩn, cảnh chiến tranh tạo ngay một không khí bất an, gây lo sợ : trực thăng vần vũ trên trời, những tràng hỏa tiễn rơi xuống, những tiếng nổ làm rung chuyển nhà cửa.
Miện, nhân vật trong truyện, trước khi trở thành một người tàn phế, đã từng chỉ huy một tiểu đội, tham dự nhiều trận đánh, có lần chiến công của anh đã vang lừng trong dư luận. Nhưng rồi anh bị trọng thương, chân phải bị cưa, anh được lệnh giải ngũ, từ đó anh về sống với vợ con ở cái khu xóm ngoại ô này. Hằng ngày Miện giữ con cho vợ đi làm, anh cũng thường khập khiễng trên đôi nạng gỗ, ra quán cà phê uống nước, kể cho lũ trẻ con nghe cái thời oanh liệt của mình. Vợ Miện đi làm thuê ở một sở Mỹ, thường đem về những hộp thịt, thuốc hút, bia và các sản phẩm thường dùng của Mỹ. Chị ta cũng đem về những cái bao không, Miện liền đi đào đất bỏ đầy bao và kéo về nhà, chồng chất quanh bộ ván ngựa để làm thành cái hầm trú ẩn. Một hôm vợ Miện chạy về nhà than không đi làm được, vì có những người lính mang súng, ăn mặc lộn xộn, lạ lùng, đứng gác khắp nơi và xua mọi người trở về nhà. Vợ Miện lo sợ nếu không đi làm thì sẽ bị đuổi, Miện chống nạng lê chân đến khe cửa nhìn ra ngoài, rồi nói nhỏ với vợ : Tụi nó. Vậy là chiến tranh đã tràn đến cái khu xóm ngoại ô này. Miện bị vây hãm, và ngôi nhà tôn của hai vợ chồng cùng cái hầm trú ẩn trở nên cái không gian chật hẹp cầm tù Miện. Khi nghe tiếng súng nổ, Miện lầm bầm : Tiên sư mấy anh Cộng sản. Nhưng Miện có tới hai kẻ thù : Cộng sản và Mỹ. Đối với Mỹ, Miện không cần nhìn xa hiểu rộng với những lập luận chính trị, hệ tư tưởng gì cho rắc rối. Không, anh chống Mỹ chỉ vì… anh ghen, vì sợ người Mỹ xúc phạm đến vợ mình. Miện tưởng tượng người Mỹ thèm muốn phụ nữ Việt Nam, và lợi dụng địa vị làm chủ có nhiều tiền của họ để cưỡng ép những người phụ nữ nghèo, làm dưới quyền họ. Cho nên Miện không ngớt tra hỏi vợ, mặc dù chị vợ quả quyết không có chuyện gì, Miện vẫn không yên lòng. Có lần vợ Miện cười, tỏ vẻ coi thường cử chỉ ve vãn của người Mỹ, Miện liền tát vợ một cái tát nảy lửa. Nhưng rồi anh xin lỗi vợ, tỏ lòng thương yêu vợ và lấy làm khổ tâm. Miện nói : Em như thế này. Cổ trắng như thế này. Vai đầy như thế này… Đến anh… mà anh còn hằng ngày thèm muốn huống hồ tụi nó, tụi dâm đảng đó, tránh sao chúng không tìm cách gỡ gạc.
Tuy chống Mỹ, nhưng thường ngày Miện vẫn ăn đồ hộp của Mỹ, vẫn hút thuốc Mỹ. Lòng anh uất ức, quặn đau. Anh đối mặt với hai kẻ thù : kẻ thù ở ngoài kia, đang mang súng AK, làm chủ khu xóm, và kẻ thù trong nhà, ngay trong hầm trú ẩn, hiện diện trong các món ăn, đồ uống, nó bám chặt lấy anh và như trêu cợt anh, anh không làm sao thoát khỏi kẻ thù này. Bị dằn vặt, Miện lầm lì bỏ ăn. Người vợ không hiểu, cằn nhằn, trách anh không ăn sao không nói trước để chị ta lỡ mở hộp thịt, giờ phải vứt đi, thật là phí, thời buổi khó khăn, đâu phải ai cũng được ăn các thứ đó. Thường khi Miện hay nói : Đồ vứt đi. Đồ của Mỹ. Mẹ cóc ăn làm đếch gì mà mang về. Lần này nghe vợ trách, Miện phát cáu : Đổ cho chó nó ăn. Vợ trả lời nhà không có chó. Miện nói : Thì đổ đi và coi như tôi đã ăn rồi, ăn hết rồi. Con chó này đã ăn hết rồi. Được không ?
Nỗi đau xót xa nhất của Miện là cái thân thể tàn phế của anh, khiến anh không còn chiến đấu được nữa. Anh tiếc không còn được vẫy vùng như trước kia : Mẹ cóc chúng đứng ngơ ngơ như thế kia mà không thấy thằng lính nào phe mình vào cả. Ngày xưa tao đâu có chịu thế. Tao nhào vào làm liền. Bây giờ chúng nó ỉ có trực thăng của tụi Mỹ, động một tí là kêu trực thăng bắn tùm lum, làm sao không cháy nhà cháy xóm (…) Tao mà không tàn tật như thế này. Chúng mày sức mấy còn đứng đây. Cái chân cụt của Miện trở nên một ám ảnh, anh thường lầm bầm trong miệng : Mẹ cóc ông mà không bị cụt chân (…) Tao mà không cụt chân thì phải biết (…) Mẹ cóc thằng nào nó tỉa mình mà độc quá.
Miện trở nên bất lực trước cuộc đời, chẳng những anh không còn là một người lính ra trận mà anh còn ăn nhờ vào sức lao động của vợ. Anh lấy làm tủi hổ : Phải, em đi làm cực khổ nuôi anh. Anh biết và anh thấy nhục quá. Anh què rồi mà. Anh muốn chết quá !
Cuộc chạm trán với kẻ thù bên ngoài xảy ra hai lần. Lần đầu một người cộng quân đứng trước nhà nói với Miện :
Vợ Miện lanh miệng :
- Dạ thưa các anh, nhà tôi không phải lính. Nhà tôi bị đụng xe…
Miện nổi nóng, muốn chửi lại, nhưng vợ Miện đã nhanh nhẹn đóng cửa, kéo Miện vào trong nhà và dịu dàng vuốt ve anh. Nhưng Miện quát : Việc chó gì phải nói dối. Cứ nói mẹ nó là tao đi đánh chúng nó bị thương đó. Tao đâu có đụng xe mà nhục mạ tao. Mẹ cóc chứ thân này đã kể như bỏ rồi. Vứt đi rồi. Phế thải rồi.
Lần chạm trán thứ hai với kẻ thù là khi hai người lạ mặt cầm súng đập cửa bước vào, hạch hỏi và bảo có gì ăn thì đem ra ủng hộ bộ đội. Rồi một người hỏi Miện :
- Anh làm gì ?
- Thất nghiệp (…) Vợ tôi làm bồi cho Mỹ. Tôi ăn nhờ nó.
Hai người cầm súng mỉa mai :
- Sướng nhỉ ! Miện gật đầu :- Sướng.
Rồi hai kẻ lạ mặt lên giọng khiêu khích :
- À anh chàng cụt chân. Hạ sĩ phải không ? Tụi tôi biết rồi (…) Sao ? Bây giờ còn bắn súng được nữa không ? Sao không đi lính nữa đi ?
Miện phải cố hết sức để đừng chửi lại. Vợ Miện nhanh nhảu đưa mấy hộp thịt, rồi vội vàng đóng cửa. Chị lại vuốt ve mơn trớn chồng, khuyên chồng nên nhẫn nhục.
Truyện của Thảo Trường như một hình ảnh chớp nhoáng của một hoàn cảnh trong chiến tranh. Ngôn ngữ của nhân vật Miện là ngôn ngữ của phẫn nộ, của cay đắng tận cùng ; khí giới của Miện không còn là cây súng, chỉ còn lời nói, Miện đã trút vào lời nói tất cả những căm phẫn, uất ức của con người bị dồn vào tuyệt vọng.
Truyện ngắn Trong hầm trú ẩn của Thảo Trường nói lên thân phận bi đát của
con người trong thảm họa chiến tranh. Miện đương đầu với kẻ thù ngoài mặt trận vì chính nghĩa. Miện, nếu còn sống sót, thì không còn là con người như trước kia nữa. Anh rơi vào tình trạng bất lực. Ban đêm nằm trong hầm trú ẩn có ánh sáng hỏa châu đôi lúc chiếu vào, Miện thấy rõ chiếc chân cụt đang ngọ nguậy. Thân thể bị suy thoái. Anh mất chỗ đứng trong xã hội. Anh không còn được tiếp xúc với những người chung quanh, bèn quay ra kể chuyện với lũ trẻ con trong xóm. Anh bị cướp mất lời nói. Anh chỉ có thể trút những lời hằn học, những cơn phẫn nộ cho vợ hoặc khi anh độc thoại. Nhưng anh phải câm nín trước lời cáo buộc, lời khiêu khích của những kẻ có quyền lực : những người cộng quân. Kẻ mạnh tướt đoạt lời nói của kẻ yếu.
Do những mất mát đó, Miện bị chiến tranh tước quyền làm người. Anh biết thế nào là nhục nhã, nhục nhã khi phải ăn uống những thực phẩm của Mỹ, khi phải chịu thiệt thòi trước cái nhìn khinh bỉ của những người cộng quân, và anh tự cho mình là một con chó. Lịch sử đẩy Miện vào tận cùng cay đắng, tuyệt vọng và xóa tên anh.
Trong hai truyện của thời kỳ khói lửa này, hai nhân vật, một nữ một nam, đều hứng chịu chiến tranh. Chị Tư không được chung sống với chồng như chị mong muốn. Chị bị một cơn cuồng phong cuốn chị vào những căm thù vượt quá sự hiểu biết của chị. Miện cũng bị cơn cuồng phong của căm thù, của tàn bạo làm cho thân thể anh tàn phế.
Thế rồi chiến tranh chấm dứt. Và hình phạt kẻ thắng trận dành cho kẻ thua trận là những trại học tập, những nhà tù. Thảo Trường đã trải qua 18 nơi giam giữ từ Nam ra Bắc, rồi từ Bắc vô Nam. Mười bảy năm sau, ông từ địa ngục trở về, tóc bạc, sức yếu, ông lên đường sang Mỹ đoàn tụ với gia đình. Ông cầm bút trở lại. Một thời kỳ mới trong sáng tạo của ông bắt đầu.
Thời xa xứ
Sau 17 năm không làm bạn với chữ nghĩa, nhưng trong tâm hồn của người tù lâu năm biết bao kỷ niệm, biết bao suy tưởng được tích lũy. Giờ đây Thảo Trường không rời chữ nghĩa, như để bù lại thời gian đã mất. Nhưng lối viết của Thảo Trường trên đất Mỹ, nơi ông dung thân như ông nói, nó không còn như trước nữa. Một tiếng nói từ nội tâm sâu thẳm của con người với bao trải nghiệm đau thương dần dần thành hình dưới ngòi bút. Cũng trong cuộc phỏng vấn của Đặng Phú Phong, khi nói về thời gian sống ở Mỹ, Thảo Trường tuyên bố : Tôi dành toàn bộ thời gian để ngẫm nghĩ về thời chiến, thời tù đã qua và đời lưu vong hiện tại. Tôi gửi gấm những suy nghĩ đó vào những sáng tác. Tôi không biết chép sử và cũng không thích viết hồi ký. Dù Thảo Trường không thích viết hồi ký, nhưng những truyện viết trong thời kỳ này phần nhiều có dáng dấp một hồi ký, một hồi ký không liên tục, đi từ truyện này sang truyện khác, mỗi truyện là một hình ảnh của quá khứ tù đày bừng sáng. Những chuyện trong tù tác giả kể lại đều có thật. Qua một hồi ký phân mảnh như thế, người đọc có thể nhận ra trong các trại giam cộng sản nhiều nhân vật của giới văn nghệ miền Nam : những nhà thơ, nhà văn, nhà báo, người phụ trách chương trình thi văn « Tao đàn » trên đài phát thanh của thời miền Nam, và cả một nhà sử học đã từng bôn ba xứ người, nay về chết trong một trại giam. Có thể hiểu rằng tác giả muốn dùng một hình thức gián tiếp để kể truyện, tự gọi mình là « ông lão », « bác tù già », gọi người vợ gặp lại sau 17 năm xa cách là « bà lão ».
Ký ức của Thảo Trường còn mang quá nhiều kỷ niệm của 17 năm tù. Những kỷ niệm trở thành ám ảnh. Bên cạnh những truyện nói về một hoàn cảnh sống trong trại giam như Những đứa trẻ đầu thai giữa hàng rào, Con bò, Tiếng thì thầm trong bụi tre gai, lại có những truyện trong đó lối viết của Thảo Trường qua lại giữa hiện tại ở Mỹ và quá khứ ở Việt Nam, những chuyện cũ mới xen kẽ nhau, đan vào nhau theo kỹ thuật liên tưởng, như trong các truyện Hạt thóc, Cơn sốt. Truyện Cơn sốt bắt đầu bằng đời sống của ông lão trên đất Mỹ, tiếp đến kỷ niệm trong tù, ông lão bị bệnh sốt rét nặng, từ trong rừng được khiêng đến bệnh xá trại giam, rồi được đưa đến bệnh viện tỉnh, cơn hôn mê kéo dài, rồi truyện trở lại đời sống ở Mỹ, v.v…
Truyện Cơn sốt kể đời sống của một gia đình được đoàn tụ sau 17 năm xa cách. Bà lão ngày nào dắt díu đàn con thơ dại đến cái đất Mỹ này, vừa học tiếng người, vừa lao động mưu sinh để lo cho đàn con ăn học. Ngày nay con cái đã lớn khôn, thành tài ; bà lão lại có một xí nghiệp làm đồ gỗ rất phát đạt. Bà là một doanh nhân thành đạt, bà điều khiển vài chục nhân công và một bà Mỹ già làm quản lý, họ tuân lệnh bà răm rắp. Bà nói tiếng Mỹ nghe hấp dẫn, dùng thành thạo các máy vi tính, máy fax, máy chuyển tiền vào trương mục ngân hàng, bà thuộc lòng các số điện thoại, theo dõi thị trường hàng hóa, theo dõi khách hàng. Một người đàn bà như thế không còn chỗ nào chê được.
Còn ông lão ? Cái xứ Mỹ này có phải là thiên đường của ông không, sau khi ông đã từ địa ngục cộng sản trở về ? Sang Mỹ, ông được vợ con thương yêu, chiều chuộng, ông sống trong sung túc, về mặt nào ông cũng được đầy đủ. Nhưng sao ông cảm thấy có một khoảng cách lớn giữa ông với mọi người, có một sự chênh lệch quá lớn giữa ông và họ, khó lòng cho ông khỏa lấp. Ông nói tiếng Mỹ dở ; khi xưa ông lái máy bay, nhảy dù, giờ đây ở cái xứ xe cộ tuôn chảy như nước, ông chóng mặt không lái xe được, ngồi trước tay lái ông chậm chạp bị xe sau bấm còi inh ỏi. Bà lão giải thích :
- Ở Mỹ, nó bấm còi xe là nó chửi mình đấy. Ông ngô ghê hỏi :
- Ở Mỹ nó chửi nhau bằng máy à ?
Cái bao tử Việt Nam của ông nó đòi hỏi ngày ba bữa cơm, thế mà bà lão vừa cắn một miếng pizza vừa nói chuyện liên miên trong điện thoại. Thêm một khám phá cho ông lão : ở cái xứ này thì giờ quý lắm, thì giờ là công việc, là tiền. Ông lão dí dỏm gọi bà lão là « bà Mỹ » còn ông là « kẻ lưu vong ».
Nhưng ông lão không chịu ăn không ngồi rồi. Ngoài việc gặp các ông lão cựu tù binh khác cũng sang Mỹ theo diện HO như ông, ông lão bày ra việc đi lượmnve chai, hộp nhôm, đồ nhựa, các loại có thể được tái chế, để bán lại. Ông biến cái xe đạp thể dục của đứa con trai thành cái xe thồ có hai cái giỏ hai bên, và cứ thế ngày ngày ông đạp xe quanh quẩn trong lối xóm, dọc bờ biển, chất đầy ve chai, hộp nhôm trong hai cái giỏ và thở gió biển. Ông lão cho như thế là có ích lợi và tốt cho sức khỏe. Nhưng ông vẫn mang tâm trạng mình khác với mọi người. Với ông không có vấn đề thích nghi hay hội nhập gì cả, vì trong thâm tâm ông kỷ niệm quê nhà, tù đày vẫn còn đấy.
Trong truyện dài Đá mục, tác giả viết : Ông lão thấy rõ ràng cuộc đổi đời của mình thật là phi lý. Tự nhiên tình thế xoay chiều, « sông núi đã biến thiên, thời đại đã xa cách », đang từ miền đất quen thuộc bao đời, u mê một cơn, mở mắt ra đã thấy mình sống ở một nơi hoàn toàn xa lạ. Mình trở thành một kẻ dưới hạng thứ dân, cái gì cũng thấp kém, cái gì cũng không bằng người, cái gì cũng phải học tập lại. Từ cách ăn mặc, đi đứng, nói năng, cư xử… đến cách suy nghĩ, yêu thương, giận hờn… đều phải xem xét lại cho phù hợp với đời sống xung quanh. Mình đang là người Kinh ở quê nhà, nay hóa ra người Thượng ở quê người. Mà trong cái giới người Thượng này mình lại còn là người Thượng mới không giống người Thượng cũ. (…) Cho dù anh có vào quốc tịch người Kinh ở đây đi nữa thì anh cũng vẫn không giống họ….
Ông lão không thể là người Thượng cũ được, nói gì đến việc trở thành người
Kinh. Điều khiến ông lão quá xa lạ với cái xứ Mỹ này là cái chấn thương tâm lý, cái chấn thương của thời ở tù cộng sản. Trong suốt 17 năm sống trong lao tù cộng sản, Thảo Trường là một chứng nhân của nhiều hoàn cảnh đau thương. Ông biết thế nào là tàn ác, là hẹp hòi, ngu ngốc, là nhục nhã, là chịu đựng ; giọng kể truyện của ông khi ngậm ngùi, đau xót, khi dí dỏm, mỉa mai.
Có một truyện đặc biệt nói về cái chết, về sự chấm dứt cuộc đời của những người lính bại trận, bị tất cả bỏ rơi, chìm vào lãng quên. Đó là truyện Tiếng thì thầm trong bụi tre gai. Trại giam Rừng Lá có hai đặc điểm : trước hết nó được bao quanh bằng những hàng rào tre gai vuông vắn, thành quách, sừng sững như là dấu ấn của một thời hận thù nghiệt ngã, để lại cho lịch sử. Đặc điểm thứ hai là nó có một nghĩa địa riêng, nơi chôn rất nhiều hài cốt tù binh. Chính nơi này có hai nấm mộ của hai người tù trẻ. Một người là đại úy Lam, một hôm anh thắt cổ trên cây tự sát, vì không muốn là gánh nặng cho đứa em gái phải lo thăm nuôi, hai anh em mồ côi cha mẹ. Ba ngày sau người ta mới tìm ra xác của đại úy Lam, lúc đó xác đã bị thối rữa. Người thứ nhì là một sĩ quan rất trẻ vừa ra trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Vì quá tin cộng sản, người sĩ quan trẻ này vào trại giam hy vọng sẽ sớm được trở về. Người vợ trẻ của anh thường vào thăm nuôi, hai vợ chồng vừa mới lấy nhau, chưa có con. Mỗi lần vợ đến thăm, hai vợ chồng quá thương nhau, chỉ biết nhìn nhau rơi nước mắt. Một hôm người sĩ quan trẻ được tin vợ anh đã biến mất ; anh thường nghe nói vợ tù binh bỏ chồng đi lấy người khác. Anh quá đau đớn vượt hàng rào bị công an bắn chết. Chôn cất anh xong thì người vợ đến, chị cho biết chị bị bắt giam hai tháng vì tội mua cá định bán lại lấy tiền đi thăm nuôi chồng. Người vợ trẻ chỉ còn biết khóc lóc thảm thiết trên ngôi mộ chồng. Ngoài ra, có một ngôi mộ không thuộc quản lý của trại giam. Người ta cho biết đó là ngôi mộ của một người lính Cộng hòa bị Việt Cộng sát hại năm 1968, ngôi mộ được dân trong vùng săn sóc chu đáo. Trong trại giam Rừng Lá có bác tù già đã chứng kiến hàng trăm người tù ra khỏi trại giam, mà mình thì vẫn còn ở lại ; từ trên một nghìn người tù, nay chỉ còn lại mười hai người. Bác tù già mang tâm trạng cô đơn của một kẻ bị bỏ rơi. Rồi bác tù để ý đến ngôi mộ bên ngoài, bác đi nhặt những cành cây khô đem lại đốt trước mộ như làm một buổi lễ truy điệu. Bác tù binh già nghĩ rằng hôm nay bác chiêu hồn, truy điệu, tưởng nhớ, tri ân, ngậm ngùi… những liệt sĩ vị quốc vong thân vốn từng là đồng đội chiến hữu. Mặc cho kẻ thù triệt hạ, mặc cho đồng minh phản bội phủi tay, mặc cho lãnh đạo bỏ chạy và đồng ngũ quên lãng, mặc cho thời gian lạnh lùng trôi qua, mặc cho lịch sử sang trang… hôm nay, ở đây, có người tù binh già thì thầm với anh, thì thầm với các anh, trong nỗi cô đơn tột cùng của kẻ sống người chết, nỗi cô đơn tột cùng của những người lính đã mãn phần hay đang là tù binh. (tr. 84)
Có lời kinh truy điệu nào hay hơn cho những người lính đã nằm xuống ?
Qua ba thời kỳ sáng tạo, thời của dòng sông, thời khói lửa và thời xa xứ, Thảo Trường một mực trung thành với lập trường của mình, là tranh đấu cho tự do, chống lại một hệ tư tưởng cực quyền gây bao tàn phá, khổ đau, hận thù. Cho nên sáng tạo của Thảo Trường bắt nguồn từ sự dấn thân cho một lý tưởng, dấn thân là chủ đề của phần lớn các tác phẩm của ông, dấn thân bất cứ trong bối cảnh lịch sử nào, dẫu cho phải trả một giá rất đắt.
Liễu Trương