Thứ Sáu, 24 tháng 12, 2021

Rebecca Denova: Sử gia cổ đại Do Thái Josephus viết gì về Kytô giáo/Đạo Cơ Đốc? (Josephus on Chistianity- Dịch giả: Nguyễn Văn Thực)

Macintosh HD:Users:thucvannguyen:Documents:Skjermbilde 2021-12-21 kl. 06.57.25.png

Rebecca I. Denova, Tiến sĩ, Cựu Giáo sư môn Kytô giáo thời kỳ sơ khai, môn tôn giáo học, Đại học Pittsburg, Mỹ. Bà mới hoàn thành cuốn sách giáo khoa: “Những nguồn gốc của Kytô giáo và Tân Ước”, NXB Wiley-Blackwell.

Dịch giả: Nguyễn Văn Thực, cộng tác viên lâu năm của báo giấy Thế Kỷ 21, và Diễn Đàn Thế Kỷ online trong lãnh vực sáng tác và dịch thuật. 

Nguồn:

Macintosh HD:Users:thucvannguyen:Documents:Skjermbilde 2021-12-21 kl. 06.44.42.png

https://www.worldhistory.org/article/1848/josephus-on-christianity/

Bài báo: 

Titus Flavius Josephus (36-100 CE), sử gia người Do Thái, là nguồn tài liệu chính giúp ta hiểu Do thái giáo vào Thời kỳ xây dựng đền thờ lần thứ hai (khoảng 515 Trước Công Nguyên:TCN)). Và trong những thập niên cuối của thế kỷ I Sau Công Nguyên (SCN), Ông viết Chiến tranh Do thái/ The Jewish WarLịch sử cổ đại của Người Do Thái/ Antiquities of the Jews/; Chống Apion/Against Apion,Cuộc đời của Flavius Josephus/ The Life of Flavius Josephus.

Những chứng từ sử liệu và chứng từ chứng kiến tại chỗ của ông vẫn còn thiết yếu cho sự nghiên cứu sử cảnh dẫn đưa tới những nguồn gốc của Kytô giáo

Hình1: Cuốn Lịch sử cổ đại của Dân Do Thái
/Flavius Josephus

Flavius Josephus

Flavius ​​Josephus tên khai sinh là Yosef ben Matityahu, thuộc một gia đình tư tế ở Jerusalem nhờ cha của ông (nhà và dòng dõi Jehoiarib), và mẹ là người gốc hoàng tộc (Hasmonean). Ông được đào tạo tại Giêrusalem và rất có thể có chung hệ tư tưởng và có thiện cảm với nhóm người Pharisiêu. Ông bị coi như một trong những người Do Thái phản bội nhất, và những người theo Kytô giáo là những người đã lưu giữ các tác phẩm của Josephus cho hậu thế. Trong Cuộc nổi dậy lớn của người Do Thái năm 66 CN, Josephus được bổ nhiệm làm tổng chỉ huy vùng Galilê. Ông ta trở nên nổi tiếng (và khét tiếng) vì đã trở cờ (theo phe La Mã – ND) trong cuộc vây hãm (của quân La Mã – ND) ở Jotapata. Ông dự đoán đúng là tướng chỉ huy La Mã/Roma, Vespasian (69-79 CN) sẽ trở thành hoàng đế La Mã. Vespasian đã tha mạng cho Josephus và Josephus trải qua phần còn lại của cuộc chiến với tư cách là cố vấn cho Titus, con trai của Vespasian (79-81 CN). Titus, cuối cùng, đã phá hủy Jerusalem và quần thể Đền thờ vào năm 70 CN. Sau chiến tranh, Josephus di cư đến Rome, nơi ông có quyền vào và truy cập các kho lưu trữ, và viết các sách lịch sử của mình. Các tác phẩm của Josephus rất quan trọng đối với một số lĩnh vực: Đạo Do Thái ở Thời kỳ Xây dựng Đền thờ lần thứ hai (vào khoảng năm 515 TCN -ND), các nguồn thông tin cơ bản về Kytô giáo Thời sơ khai, các chi tiết lịch sử về các vị vua chư hầu của Đế quốc La Mã ở phương Đông, và dòng dõi của các hoàng đế Julio-Claudian ở La Mã. Josephus bị coi là một trong những kẻ phản bội tồi tệ nhất của người Do Thái. Những người theo Kytô giáo là những người đã lưu giữ những tác phẩm của ông cho hậu thế bởi vì ông đã viết về Gioan Tẩy giả/John the Baptist, tường thuật về cái chết của anh/em trai/brother của Giêsu/Jesus, là Giacôbê/ James, và viết một đoạn chính về Giêsu/Jesus.


Hêrôđê Antipas/Herod Antipas

Là con trai của Hêrôđê Đại đế/ Herod the Great (khoảng 75-4 TCN), Hêrôđê Antipas (khoảng 4 TCN - 39 CN) thừa kế vùng Galilê (là con trai của Hêrôđê Đại đế, và cai quản ¼ lãnh thổ). Josephus đã mô tả chi tiết về triều đại và các hoạt động của Hêrôđê Antipas trong Lịch sử cổ đại/Antiquities. Antipas đã kết hôn với con gái của vua Aretas xứ Petra (Vương quốc Nabatea ở Jordan). Tuy nhiên, khi gặp vợ của một người anh cùng cha khác mẹ là Herodias, Hêrôđê Antipas đã ly hôn với con gái của Aretas và kết hôn với Herodias. Aretas sau đó đã gây chiến chống lại Hêrôđê Antipas, và Hêrôđê Antipas đã bị đánh bại. Trong một ngoại truyện, Josephus đã viết thêm những điều như sau: 

Bây giờ một số người Do Thái nghĩ rằng sự tiêu diệt quân đội của Hêrôđê  Antipas là do Đức Chúa Trời và rằng đó là một hình phạt rất chính đáng cho những gì ông vua này đã làm hại đối với Gioan Tẩy giả/John The baptist [Người nhúng nước]. Vì Hêrôđê Antipas đã giết ông ta, mặc dù ông ta là một người tốt và đã thúc giục người Do Thái hãy cố gắng sống tốt, ăn ở với nhau cho đàng hoàng, và hãy kính thờ Đức Chúa Trời, và sau khi đã làm như vậy, thì hãy chịu Phép rửa. Đối với Gioan Tẩy giả, việc nhúng mình trong nước rõ ràng là không thể được sử dụng để tha tội, mà chỉ được coi như một sự thánh hóa thể xác, và chỉ (được hết tội – ND) khi linh hồn đã được thanh luyện hoàn toàn bằng những hành động tốt lành. Và khi dân chúng bàn tán xôn xao về Gioan Tẩy giả vì họ rất cảm động trước những lời của Ngài, Hêrôđê Antipas sợ rằng Gioan Tẩy giả sẽ gây ảnh hưởng mạnh mẽ trên dân chúng, và điều này có thể dẫn đến một cuộc nổi dậy - vì họ dường như sẵn sàng làm bất cứ điều gì Gioan Tẩy giả khuyên – và Hêrôđê Antipas tin rằng thà dẹp ảnh hưởng đó ngay hơn là về sau nổi lên cuộc nổi loạn, và buộc vua phải làm những điều sau này vua phải hối tiếc. Vì bị Hêrôđê Antipas nghi ngờ như thế, nên Gioan Tẩy giả đã bị xích và giải tới Machaerus, pháo đài đã được đề cập trước đây, và bị xử tử ở đó; nhưng người Do Thái cho rằng để báo oán cho Gioan, Đức Chúa Trời đã có ý tiêu diệt quân đội để cho Hêrôđê  phải khốn đốn.” (Lịch sử cổ đại/ Antiquities, 20.9

Là một vị vua chư hầu của La Mã, Hêrôđê Antipas có nhiệm vụ tuân giữ luật pháp và giữ gìn trật tự trong tỉnh của mình. Vào thời kỳ này, các kẻ tự cho mình là đấng thiên sai đã khích động đám đông bằng những bài phát biểu chống La Mã. Hêrôđê Antipas sợ những người theo Gioan Tẩy giả sẽ đùng đùng nổi loạn, và La Mã sẽ đổ lỗi cho vua vì vua đã không kiểm soát được dân. Các học giả thường so sánh lời tường thuật của Josephus với lời tường thuật được tìm thấy trong phúc âm của Mác cô/Mark. Mác cô/Mark ghi rằng Gioan Tẩy giả đã chỉ trích cuộc hôn nhân thứ hai cùa Hêrôđê Antipas. Vua mời khách của mình đến một bữa tiệc sinh nhật, nơi đó vua yêu cầu con gái của Herodias là Salome, khiêu vũ cho khách của mình xem. Vua hứa với cô rằng nếu cô muốn và muốn bất cứ điều gì, cô đều được ban cho. Mẹ cô bảo cô đến xin đầu của Gioan Tẩy Giả. Tuy nhiên, trong khi (các nhà nghiên cứu – ND) vẫn còn tranh luận về niên biểu của Josephus, câu chuyện về Gioan Tẩy giả vẫn được coi là có tính lịch sử và quan trọng theo quan điểm của một người ngoài cuộc (là Flavius Joseph – ND)

Cái chết của Giacôbê/James, anh/em trai của Giêsu 

Khi mô tả quyền cai trị của quan kiểm sát Albinus (62 CN), Josephus đã đưa vào bản mô tả về việc ném đá Giacôbê, là anh/em trai của Giêsu: 

“Và bây giờ vua Xêda/Caesar, khi nghe tin Festus qua đời, đã cử Albinus đến Judea với tư cách là quan kiểm sát. Nhưng nhà vua đã tước bỏ chức tư tế thượng phẩm của Joseph (không phải sử gia Joseph – ND) và ban cho con trai của Ananus, người cũng có tên là Ananus, làm người kế vị chức (tư tế thượng phẩm  - ND ) này... Nhưng Ananus trẻ tuổi này là một người đàn ông bạo dạn, và rất xấc xược; ông cũng thuộc giáo phái Sađusê, là những người cứng nhắc hơn tất những người Do Thái khác, trong việc xét xử những kẻ phạm tội... Ananus đã tính đến chuyện này, và bây giờ ông có một cơ hội thích hợp (để thực thi quyền hành của mình). Festus lúc này đã chết, còn Albinus đang còn trên đường đến nhiệm sở, vì vậy, Ananus đã tập hợp Tòa Công luận gồm các thẩm phán, và đưa ra trước mặt họ người anh /em của Giêsu, người được gọi là Kytô, tên là Giacôbê và một số người khác, và khi đã kết tội họ đã vi phạm luật pháp, thì Ananus giao bọn này cho người ta ném đá.” (Lịch sử cổ đại/ Antiquities, 18.3)

Ananus bị cách chức thầy tư thế thượng phẩm vì đã tự ý hành động trước khi vị quan kiểm sát kế tiếp của La Mã đến. Josephus đã không làm rõ các chi tiết của cáo buộc gọi là "những người vi phạm luật pháp." Tuy nhiên, đến thế kỷ thứ 2 CN, câu chuyện về Giacôbê đã được mở rộng, bao gồm các chi tiết về lòng mộ đạo của ông, do đó ông được gọi là Giacôbê Người công chính. Theo phiên bản này, ông đã bị ném xuống từ đỉnh cao của Đền thờ và được coi là một trong những vị tử đạo đầu tiên của Kytô giáo.

Testimonium Flavianum /Chứng từ của Flavius Josephus

Một trong những đoạn gây tranh luận nhất được viết trong một Ngoại truyện về Quan tổng trấn Phongxiô Philatô/Pontius Pilate: 

“Vào khoảng thời gian này, có Giêsu, một người đầy minh trí, nếu thực sự người ta phải gọi ông là người. Vì ông ấy là người đã làm những việc đáng ngạc nhiên và là một người thầy của những người vui lòng chấp nhận sự thật. Ông đã thuyết phục được nhiều người Do Thái và nhiều người Hy Lạp. Ông là Kytô. Và khi (Quan tổng trấn – ND) Philatô, dựa trên sự tố cáo từ những người trọng yếu trong chúng ta, đã kết án (và ra lệnh – ND) đóng đinh Giêsu vào thập tự giá, thì những kẻ xưa vốn yêu mến Giêsu, nay vẫn không ngừng yêu mến ông. Giêsu sống lại sau ngày thứ ba (được táng trong mồ - ND) và hiện ra với họ, vì các tiên tri của Đức Chúa Trời đã báo trước những điều này và hàng ngàn điều kỳ diệu khác về Giêsu. Và nhóm người Kytô hữu/Christians, được gọi theo tên* của ông, cho đến ngày nay vẫn chưa biến mất.”(Lịch sử cổ đại/ Antiquities 18.3)

* Chú thích của ND: Giêusu Kytô, Jesus Christ: Giêsu là tên thật, còn Kytô/Christ là tên cộng đồng Kytô hữu thời sơ khai tuyên xưng Jesus quê Nazaeth. Christ, bắt nguồn từ chữ Hi Lạp là khris-TOS, chữ này này lại bắt nguồn từ chữ Do Thái maw-SHAKH: biến ra Messia, có nghĩa là “Đấng được xức dầu thánh” hay “Đấng được chọn” để được sai đi thực hiện sứ vụ của Đức Chúa Trời. Các vua, các thầy cả, các tiên tri cũng được xức dẩu thánh như thế.// Còn về tên gọi  ”Jesus” hay là “Yeshua”, chỉ là tên thiên thần Gabriel truyền cho Maria gọi đứa trẻ sẽ sinh ra. (Luke 1:31), từ chữ Do Thái “Yahweh [Chúa] cứu” hay “Yahweh là sự cứu rỗi”. Và Kytô hữu: Những người có Chúa Kytô – Hết chú thích.

Các học giả tranh luận với nhau rằng liệu đoạn văn này được chính Josephus viết, hay bị một Kytô hữu sau này thêm vào nhằm chứng thực những điều mà người Kiô hữu tin tưởng. Đoạn này trở nên nổi tiếng hơn vào thời Trung cổ, và được xem như bằng chứng về hành trạng của Giêsu vì hành trạng của Giêsu được chứng minh là có, dựa trên quan điểm khách quan của một người ngoài cuộc (là sử gia Josephus – ND). Đoạn văn vẫn làm cho người ta thắc mắc vì ngoài việc đề cập đến Giêsu là "Kytô" trong câu chuyện kể về Giacôbê (và trong đoạn tường thuật về Quan tổng trấn Phongxiô Philatô - ND), thì người ta không thấy có đề cập nào khác về phong trào Giêsu. Điều kỳ lạ là nếu Josephus tin rằng Giêsu là Đấng Kytô (Đấng thiên sai trong Kinh thánh), thì lẽ ra phải có thêm nhiều chi tiết và tài liệu Josephus tham khảo về sứ mệnh của các tông đồ (Kytô giáo – ND) trên khắp Đế quốc (La Mã - ND). Nhưng sau đoạn này, Josephus tiếp tục mô tả nhiều thêm những sự lạm dụng và những xung đột dưới sự cai trị của người La Mã. Một số học giả hiện đại cố gắng khôi phục bản gốc (của đoạn văn kể trên – ND) bằng cách loại bỏ các tham chiếu (hiểu là thêm thắt – ND) Kytô học, để đưa đoạn văn này trở lại thuần tuý là một bản tưởng thuật về một thiên sai như những thiên sai khác. Vì những đoạn văn kể trên, nên những người Kytô hữu đã lưu giữ những tác phẩm của Josephus, và những tác phẩm này vẫn còn là một nguồn quan trọng cho việc nghiên cứu về Kytô giáo thời kỳ đầu. Trong việc tái hiện các thị trấn và làng mạc xưa ở Judea và Galilê, Josephus lại cũng trở nên rất cần thiết cho các nhà khảo cổ học hiện nay. Thời xưa, về sau còn có những loan truyền rằng một số Kytô hữu muốn xin phong thánh cho Joesphus Flavius, nhưng điều này không thành hiện thực.

Thư mục: