Thứ Sáu, 24 tháng 12, 2021

Ngô Nguyên Dũng: Tặng Phẩm Của Bầu Trời

Hình minh hoạ  Angeles Balaguer, Pixabay

Sau khi lướt đọc hồ sơ bệnh lý, vị bác sĩ trưởng ngước nhìn ông đăm đăm, cất giọng chậm rãi:

"Những thương tích thể xác của cậu con trai ông sau tai nạn hôm đó, chúng tôi đã chữa xong, chỉ chờ lành. Có điều… những chấn thương não bộ và tâm lý đã khiến cậu hôn mê…" Ông ngập ngừng, rồi buông tiếng ngắn gọn: "Phải chờ thôi!"

Người đàn ông với khuôn mặt âu lo thở hắt, hỏi khẽ:

"Bao lâu, thưa bác sĩ?"

"Không nói được. Có thể chỉ vài ngày, dăm tuần, … Có những trường hợp kéo dài tới đôi ba năm."

Người đàn ông lặng lẽ gật đầu thay cho lời cám ơn.

"Căn cứ theo những tài liệu y học và kinh nghiệm chữa trị của chúng tôi, trong khoảng thời gian chờ đợi cậu con trai của ông hồi tỉnh, ông có thể làm những việc này…", vị bác sĩ tiếp lời.

Người đàn ông ngẩng mặt, đưa tay sửa gọng kính lệch. Đầu tóc bạc thưa sợi dường như cũng hắt sáng. Ông chớp mắt, chút lệ xúc động ngân ngấn khóe mắt.

"Tôi sẵn lòng, thưa bác sĩ."

"Mỗi lần vào thăm, ông nhớ thường xuyên chuyện trò với cậu, nhắc lại cho cậu nghe những kỷ niệm vui buồn thời thơ ấu, những tính tốt cũng như tật xấu của cậu. Ông hát cho cậu nghe những ca khúc thuở xưa mà ông và cậu đã hát chung với nhau, nếu có. Ông đọc lại những trang sách ngày xưa ông đã dỗ đọc cho cậu nghe mỗi tối trước khi ngủ…", vị bác sĩ nói miên man như thể thuộc lòng. Gương mặt ông không còn những nét đăm chiêu, miệng thỉnh thoảng lại nhoẻn cười như thắp lên những ngọn lửa hy vọng. "Nếu nhà có nuôi chó hay mèo, hay bất kỳ con thú nào mà cậu con trai ông đặc biệt cưng chiều, ông cứ đem theo mỗi lần vào thăm. Biết đâu chừng…"

*

Ông mở trang sách đã làm dấu sẵn bằng một tấm thiệp con, cầm lấy bàn tay đứa con trai nằm mê thiếp trong giường bệnh, cất giọng khe khẽ:

"Các con yêu dấu của bố,

chắc hẳn các con ngạc nhiên lắm khi tìm thấy lá thư này nằm trong chiếc giày ống của các con đặt trước cửa phòng ngủ chờ nhận quà của ông già Nô-en tới phát giữa khuya đêm thánh, thư của một người lạ, lại xưng bố. Ồ không, bố mới chính là người cha đích thực của các con, còn 'nhân vật' mà các con vẫn gọi là bố, thích ăn tiết canh, hột vịt lộn, đùi ếch chiên bơ, … thật ra chỉ là người đóng vai bố mà thôi. Có thể nói, Cún 1, Kiki và Cún 2 là 'sản phẩm', là những đứa con tinh khôi trong bầu trời mơ mộng của bố. Hay văn chương hơn, bố đặt cho các con cái tên: 'Tặng phẩm của bầu trời'.

Cứ mỗi năm, khi cơn mưa tuyết đầu mùa lã chã phủ lên vườn cỏ, không gian thê thiết một màu xám, lòng bố lại gợn lên một chút vui lẫn một chút sầu. Sầu vì mùa nắng đã tắt, thời tiết thôi ấm, ngày ngắn lại và đêm dài chập chùng. Nhưng vui, một niềm vui khó tả, khi ngoài phố chính những chùm hoa đăng trang hoàng cho lễ Giáng Sinh đã được thắp lên mỗi tối. Hình những vì sao năm cánh có chuôi. Hình ông già Nô-en ngồi trong cỗ xe nai. Hình những cây thông máng đầy quà tặng, … Và những hàng cây ven đường được quấn những vòng dây sáng đèn rực rỡ.

Bốn tuần trước đêm thánh, khu chợ phiên Giáng Sinh bày bán đến nửa đêm. Những nóc nhà thờ cao vợi giăng đèn sáng rực. Người trẩy hội vui nhộn, dạo quanh các hàng bán rượu vang nóng, gia vị quế và hồi cánh sao, những món kẹo bánh đặc biệt dành cho lễ thánh, hạt dẻ và ma-rông rang, những món trang hoàng cho cây Giáng Sinh, … Nhiều lắm, làm sao bố kể hết.

Nhưng trong lá thư này, bố phá lệ, không nhắc đến những niềm vui đó mà bố sẽ chỉ cho các con xem một thứ khác và kể cho các con nghe một câu chuyện xưa ở quê nhà.

Các con có để ý không, ánh đèn rực rỡ của phố thị, của đời sống văn minh đã che mờ ánh sáng của trời đêm? Có khi nào, đi giữa chợ đêm Giáng Sinh, các con ngẩng đầu nhìn lên? Không phải để ngắm tháp chuông nhà thờ giăng đèn sao cao ngất. Không phải để xem trên ô cửa một tiệm bán đồng hồ, cứ mỗi giờ chuông lại gõ kính koong, và từ bên trong đủng đỉnh lướt ra bức tượng ba vua lễ mễ mang tặng vật đến Bê-lem mừng Chúa ra đời. Cũng không phải để chắt lưỡi trầm trồ ngắm nhìn cây Giáng Sinh cao ngất ngưỡng đặt giữa những quầy quán chợ phiên, thắp hàng ngàn ngọn đèn ngũ sắc lấp lánh, mà chỉ để tìm kiếm những vì sao.

Ôi, tội nghiệp biết bao những vì sao bị bỏ quên trên bầu trời đêm thánh!

Thuở xưa, giữa bình nguyên trung đông bao la, đêm vẫn còn an lành, có chú bé chăn chiên mê mải ngước mắt đếm sao. Chợt, trên thinh không xanh thẳm vang lên tiếng nhã nhạc réo rắt. Những chòm sao dường như sáng hơn, và nơi đỉnh trời hiện lên một ngôi tinh tú rạng ngời, đuôi lấp lánh sao sa, soi hướng về Bê-lem. Cậu bé chắp tay, khép nép quỳ xuống. Mặt cậu ngẩng nhìn, có cảm tưởng thấy ra những đôi cánh thiên thần lượn lờ tấu nhạc trên vùng trời đêm.

Bố nghe thuật chuyện Chúa ra đời từ thuở bé, lúc còn ở quê nhà. Nhưng, không giống như chú bé chăn chiên kia, bố đã không ngẩn ngơ vì tiếng nhã nhạc hay cảnh tượng thiên thần bay lượn múa hát, mà bố chỉ yêu cảnh trời đêm bao la đính sao rực rỡ và hình ảnh cậu bé con bơ vơ hốt hoảng trước hiện tượng mầu nhiệm. Vâng, các con của bố ơi, bố đã bị nét mặt cậu bé chăn chiên ám ảnh không nguôi… Chắc các con đang tự hỏi sao bố biết được 'khuôn mặt' đó? Các con đừng cười bố nhé! Bố đã làm quen với cậu bé chăn chiên ấy qua hình vẽ trong một tấm thiệp Giáng Sinh!

Các con biết đó, gia đình mình không theo đạo Thiên Chúa, dù vậy mỗi năm, tới lễ Giáng Sinh bố lại được ông bà nội của các con tặng một món đồ chơi tùy bố lựa chọn. Có năm là một con thỏ hồng đánh trống thiếc. Năm khác là một con rùa mẹ và hai chú rùa con dính vào nhau bằng một sợi xích con, khi vặn dây thiều, rùa mẹ sẽ kéo bầy rùa con chạy lòng vòng, trông ngộ nghĩnh lắm.

Nhưng trước đó, Giáng Sinh đã đến với bố từ khi ngoài chợ, người ta bắt đầu bày thiệp ra bán. Bố yêu chúng vô cùng. Hôm nào đi học về, bố cũng nán lại xem một đỗi lâu, không hề chán. Từ những tấm thiệp màu nội hóa rẻ tiền rắc kim tuyến cho tới những tấm giát kim nhũ, in nổi sắc sảo nhập cảng từ nước ngoài, đều làm bố say mê. Với món tiền quà vặt hàng ngày, bố chỉ có thể mua nổi những tấm thiệp 'lô-can' mà thôi. Hề gì, cũng đẹp đó chứ. Hình ông già Nô-en khệ nệ vác túi quà khổng lồ trên lưng. Hình cô bé mặc áo đầm tở mở đứng trước cây thông treo đầy những món đồ chơi tí hon. Hình chú nai con đứng ngơ ngác giữa rừng tuyết trắng, trên cao là cảnh trời đêm sáng rỡ một ánh sao kim tuyến lạc loài, … Tuyệt vời! Bố đã nhịn ăn quà, để dành tiền mua những tấm thiệp ưng ý và vừa túi tiền đem về… ngắm chơi, vì lúc đó bố còn trẻ con, 'quê mùa' lắm, chưa nghĩ đến chuyện gửi tặng ai!

Cho đến bữa nọ, bà nội dẫn bố cùng anh chị đến thăm một bà bạn có cửa hàng bán sách. Ồ, bố xoe mắt nhìn những tấm thiệp Giáng Sinh bày biện trong tủ kính, toàn thiệp nhập cảng, mới lạ và đẹp đẽ vô cùng. Cũng cần kể thêm cho các con nghe là tiệm sách ấy đang hồi ế ẩm, sắp đóng cửa, không thấy ai ghé mua. Không biết có phải vì vậy không mà cô bán hàng là em gái của bà chủ tiệm đã khuân ra từ trong tủ những hộp nhỏ đựng đầy thiệp Giáng Sinh ra cho bố cùng anh chị lựa mang về, mỗi người vài tấm. Ôi, còn niềm vui nào to tát hơn thế? Hai mắt bố láo liên, tham lam thèm khát, thấy tấm nào cũng đẹp. Cả ánh mắt của anh chị bố nữa. Và bố đã chọn ra một tấm thiệp thật đẹp… Không, đẹp nhất. Cho đến bây giờ, bố vẫn chưa thấy tấm thiệp Giáng Sinh nào đẹp hơn.

Thật ra, tấm thiệp cũng đơn giản thôi các con ạ! Nhỏ vừa phải, giấy trắng tinh, in nhiều màu, không có rắc kim tuyến, giát kim nhũ hay in nổi in chìm gì cả. Mà đẹp nhờ tấm hình… Hay nói cách khác, lúc đó bố chưa 'cảm' được cái hình vẽ ấy đâu, vì mải lo giành giật với anh chị. Tới khi về nhà, soạn xem lại mớ 'chiến lợi phẩm', bố mới ngẩn người ra ngắm. Bố cảm động. Niềm xúc cảm vô cùng khiêm tốn, nhỏ nhoi như một hạt kim tuyến được đính lạc lõng trên khung trời xanh thẫm, trông như một chấm sao đêm. Bố chúm môi, khẽ thổi, vì sao rơi rụng. Và bố giơ tay vuốt nhẹ tấm thiệp như thể mơn trớn một con thú ngoan. Thiệp in hình một chú bé con, tay cầm gậy gỗ, cán cong, đang quỳ gối bên đàn cừu, mặt ngẩng nhìn cảnh trời đêm bao la. Trên đó thấy có một vì sao đang hiện, lung linh sáng rỡ trong trí tưởng tượng của bố. Vì sao màu vàng rực. Bầy cừu lông trắng nõn như những chòm mây sa. Quần áo cậu bé màu nâu nhạt, rách rưới. Tóc cậu vàng xoắn. Đôi má cậu phơn phớt hồng. Cặp môi cậu đỏ au. Nét mặt cậu an nhiên, tĩnh lắng, dĩnh ngộ như gương mặt một thiên thần.

Vậy mà chỉ vài hôm sau, bố đã 'đặt' tấm thiệp ấy trong ván bài trẻ thơ chơi với bác gái của các con, chị của bố. Bác chê tấm thiệp 'xấu ỉn' và đánh giá nó bằng một 'đơn vị' thấp nhất: 'Ăn một'. Có nghĩa là nó chỉ có giá trị bằng nửa tấm 'ăn hai', hay chỉ bằng một phần năm tấm 'ăn năm' là những tấm thiệp cỡ lớn, in nổi cầu kỳ có rắc kim tuyến lấp lánh. Tất cả các 'đơn vị cờ bạc' ấy đều do bác gái của các con đặt ra, vì bác lớn hơn bố ba tuổi, óc nhận định giá trị thẩm mỹ lẽ dĩ nhiên hơn nhãn quan bác tới ba lần. Và rốt cuộc, bố thua mất tấm thiệp ưa thích. Mà phải thú thật với các con, thuở đó bố chỉ cảm thấy tiêng tiếc một vài hôm rồi thôi. Sau đó quên đi. Quên bẵng đi. Chợt, hôm nay, gần ba mươi năm sau, tại một nơi xa quê nhà vạn dặm, khi ngoại cảnh báo lễ Giáng Sinh gần kề, đột nhiên bố nhớ lại. Nỗi nhớ se sắt như những vết kim châm. Không đau mà buốt xé. Vì bố biết, sẽ chẳng bao giờ bố có lại tấm thiệp ấy trên tay. Và đau đớn nhất, suốt quãng đời còn lại, sẽ không khi nào bố cảm nhận lại xúc cảm ấy, một lần thứ hai.

Giáng Sinh năm nay lại đến. Năm nào cũng thế, vài tuần trước đêm thánh là các con lại rạo rực, nô nức với ý nghĩ sẽ xin ông già Nô-en món quà gì. Một cái smartphone? Một cái 'đĩa nhớ' trữ những trò chơi cho giàn máy vi tính? Một cái skateboard hay một đôi giày trượt băng hàng hiệu? Bố vui cùng những háo hức của các con, và năm nào bố và mẹ cũng cố gắng chiều theo những 'yêu sách' của các con, chỉ vì lý do duy nhất: Để các con vẫn luôn tin rằng ông già Nô-en có thật. Để hàng năm, vào đêm 24 tháng chạp, trước khi đi ngủ, các con lại trịnh trọng đặt trước cửa phòng một chiếc giày ống bóng loáng sạch sẽ. Thằng Cún 2 bao giờ cũng tham lam, luôn luôn chọn chiếc ủng to nhất, dẫu biết rằng ông già Nô-en chưa bao giờ thỏa đáp trọn vẹn mọi ước muốn của nó.

Vui chơi trong những ngày lễ cuối năm, có khi nào các con nghĩ đến những đứa trẻ khác? Những đứa bé ốm còi, khập khiễng đứng sắp hàng chờ nhận một bát sữa tươi ở Phi châu. Những đứa trẻ sống lây lất ngoài vỉa hè, làm những nghề đê tiện ở Nam Mỹ. Những đứa trẻ suy dinh dưỡng ở khắp nơi trên quê hương mình. Những đứa trẻ sống trong sự cùm kẹp, vô tâm của cộng sản Trung hoa ở Tây tạng. Những đứa trẻ trải qua quãng đời thơ ấu nơi ranh giới giữa sống và chết bên bờ sông Hằng ở Ấn độ. Và còn biết bao cảnh thương tâm khác nữa thường xuyên diễn ra trên trái đất này.

Các con có để ý không? Mơ ước chỉ đẹp khi còn là mơ ước. Tội nghiệp biết chừng nào cho những ai không còn biết mơ mộng. Ngay chính các con cũng chỉ là những 'nhân vật' trong giấc mộng văn chương của bố. Các con là những vì sao hiền lành, đẹp đẽ của bố. Những vì sao không bao giờ tắt trong vũ trụ thênh thang. Cũng như các con sẽ bé bỏng mãi trong thế giới văn chương ấu thơ của bố.

Cho bố xin các con một điều, các con hãy ngước mặt tìm kiếm những chòm sao Giáng Sinh đã bị ánh đèn chợ phiên che khuất. Như chú bé chăn chiên ngày xưa trong cánh đồng Do Thái ấy.

Bố của các con." (*)

*

Ông gấp sách lại, tháo gọng kính đọc sách, cho vào túi áo, rồi đưa tay nắm bàn tay cậu con trai nằm hôn mê trên giường bệnh, siết lại. Ngọn đèn đầu giường soi ấm gương mặt đứa con trai tái xanh, chằng chịt dây nhợ nối từ mũi, miệng cậu với hệ thống máy kiểm soát đặt cạnh giường. Nhịp thở, nhịp tim cậu vẫn vang lên khẽ khàng, đều đặn.

Bất chợt, ông có cảm tưởng như thể bắt được một cử động trong lòng tay siết. Chỉ một cái. Rất khẽ, nhưng có. Ông mở to mắt, ngó trân trân vào mặt đứa con trai, tìm kiếm những tín hiệu hồi sinh. Gương mặt cậu vẫn trơ trơ bất động như của một pho tượng thạch cao. Nhưng… lạ lùng thay, từ hai khóe mắt của đứa con trai vừa rỉ ra hai dòng lệ lăn xuống thái dương.

Ông rút khăn giấy, chấm lệ cho con. Ngồi chờ thêm một lát, không thấy chuyện gì khác lạ xảy ra, ông đứng dậy ra về.

Cây thông Giáng Sinh trang hoàng giữa sảnh đường đã tắt đèn từ bao giờ. Lúc ấy ông mới hay đã hơn mười giờ đêm.

Khuya ấy ông nằm trăn trở, mở nhạc khe khẽ và đọc sách dỗ giấc ngủ, để rồi thiếp đi lúc nào không hay. Lúc tiếng điện thoại từ phòng khách vang lên từng chặp, ông sực tỉnh. Nhìn đồng hồ báo thức đặt trên mặt bàn đêm, thấy đã sáu giờ kém năm. Đêm vẫn sâu thẳm.

Ông nhồm dậy bật đèn, bước vội ra phòng khách, cầm ống nghe áp vào tai. Cuối đường dây bên kia, một giọng đàn bà cất lên:

"Chào ông Lê. Schmidt, y tá trưởng khu hồi sinh bệnh viện thành phố. Ông có thể đến ngay được không?"

Ông cất giọng run rẩy:

"Có… có… chuyện gì vậy bà?"

Giọng bà Schmidt vẫn bình thản:

"Phải, cậu con trai của ông…"

"Con tôi sao rồi?", ông hấp tấp ngắt lời bà y tá trưởng.

"Xin ông bình tĩnh! Cậu con trai của ông vừa hồi tỉnh sáng nay. Ông tới ngay với cậu ấy nhé! Chào ông."


(11.2021)

(*) Trích đoạn "Gia Đình Cún", Ngô Nguyên Dũng, Làng Văn, 1994. Bản sửa 11. 2021.