Thứ Sáu, 26 tháng 11, 2021

GIÁO SƯ VŨ QUỐC THÚC QUA ĐỜI


Được tin buồn, Giáo sư Vũ Quốc Thúc, một khuôn mặt trí thức lớn của Việt Nam, đã qua đời vào ngày 22 tháng 11, 2021 tại Paris, Pháp Quốc, thọ 101 tuổi.

Để tưởng niệm Giáo sư, chúng tôi xin đăng lại dưới đây bài giới thiệu bộ hồi ký “Thời Đại Của Tôi” của Giáo sư, do Phạm Xuân Đài trình bày trong lần đầu tiên ra mắt bộ sách này tại Little Saigon, California cách đây đúng 11 năm.

DĐTK

*

ĐỌC BỘ HỒI KÝ ‘THỜI ĐẠI CỦA TÔI’ CỦA GS VŨ QUỐC THÚC

Phạm Xuân Đài

Trong năm 2010 này, nhà xuất bản Người Việt đã phát hành một lúc hai tác phẩm mang tên chung là Thời Đại Của Tôi của giáo sư Vũ Quốc Thúc, cuốn I có tên riêng là Nhìn Lại 100 Năm Lịch Sử, cuốn II là Đời Tôi Trải Qua Các Thời Biến.


Nhất Linh: Lan Rừng

Hình minh hoạ


Quang xuống xe rồi vào một cái nhà ở đầu phố để hỏi thăm đường đi Bản Lang và để thuê ngựa. Người cho thuê ngựa hỏi:

– Ông vào nhà ai trong đó?

– Vào nhà ông Vi Văn Hoài. Đường vào đấy có xa lắm không?

– Độ mười cây số thôi. Nhưng ông phải đi ngay kẻo trời tối mất. Để tôi lấy con ngựa thật khỏe ông đi cho chóng. Ông vào trong ông Hoài thì tôi không cần cho người đi theo dắt ngựa về, khi nào ra, ông đem ngựa lại trả tôi cũng được.

Rồi người cho thuê ngựa chỉ tay về phía một con đường lên dốc, bảo Quang:

– Ông cứ đi theo con đường đó. Đến một cái chùa đã đổ nát, thì ông rẽ sang bên tay phải, rồi đi thẳng, khi nào đến một cái cầu gỗ là đến Bản Lang.

Lên hết chỗ dốc, Quang cho ngựa chạy phóng để kịp đến trước khi tối trời.

*

Đi vài cây số gặp một cái chùa đổ nát, chàng theo lời người cho thuê ngựa rẽ về bên tay phải, rồi lại cho ngựa phóng. Nhưng đi được ít lâu, chàng có cảm cái tưởng là lạ rằng con đường đương theo không phải là đường về Bản Lang, tuy chưa lần nào chàng về Bản Lang cả. Chàng tự cho mình nghĩ thế là vô lý, rồi cứ cắm đầu quất ngựa.

Cung Tích Biền (Tùy bút): Thu đi, Cá trở về nguồn

Buổi sơ nguyên của lý luận mang hơi hướng triết học, có câu chuyện giữa hai triết gia Trang Tử và Huệ Tử. Đứng trên cầu, nhìn dòng nước sông Hào trong vắt, bầy cá lội tung tăng. Một này nói, Bầy cá bơi đùa, cá vui nhỉ. Kẻ kia bảo, Ông có là cá đâu mà biết cá vui buồn. Ông này trả lời, Ông có là tôi đâu mà biết tôi hiểu hay không hiểu, cá buồn hay vui.

Là, do liên tưởng, cái đầu tôi mông lung bá láp vầy thôi, khi chiều nay tôi cùng nhìn thấy cá. Tôi và Kim đến Seattle những ngày mùa thu, thăm bạn. Cùng là mơ màng với nắng gió nồng nàn, khi sắc thu đổi màu. Cây. Lá. Và rừng. Cả núi đồi. Nghìn màu. Nồng và lạnh. Ấy là trên mặt đất. Rất ngậm ngùi khi Nguyễn Đức Quang đưa tôi đi xem cá trong dòng sông Cedar. Một sông nước cá hồi. Sông thì có cá, đương nhiên. Nhưng cá này, đặc biệt, cùng nhau bơi ngược dòng. Chúng đang trở về nguồn. Sao mà cá biết nhớ nguồn?

Sông Cedar, tiểu bang Washington, tây bắc nước Mỹ, phát khởi từ vùng núi Cascade, không dài lắm, chừng 45 dặm [72 cây số] rồi hòa vào hồ Washington to lớn, vùng Seattle.

Một con sông nhỏ nhưng rất đẹp. So với núi non hung vĩ, biển cả ngoài kia, và hồ Washington tưởng như mênh mông, Cedar là một thiếu nữ, với bí ẩn lẫn hoang đường. Tôi đến với Renton Memorial Stadium. Đi qua Cedar River Trail, một lối đi bộ từ Maple Valley, qua Renton ra tới bờ hồ Washington. Sông hai bờ, nhiều nơi thẳng tắp, song song nhau như một kênh đào. Vừa đi, thơ thẩn nhìn, lòng thương nhớ những con kênh Nam Kỳ. Nhớ Châu Đốc, Hà Tiên, Vĩnh Long, Bạc Liêu, những con kinh đục màu phù sa. Nguồn nước Phương Nam quê nhà, không trong vắt như Cedar, nhưng phù sa nhiệm mầu đã bao đời nuôi dưỡng con người.

Renton, Tây Bắc Mỹ. Một sáng lạnh. Trời lúc nắng hoang, lúc sương mù. Mù sương biến những cây lá thu, bức tranh lắm màu kia trở nên một cảnh trí kỳ ảo. Là thoát thai từ một thiên nhiên lẽ ra được bày biện trung thực trong nắng hiện.

Lê Hữu: Những sợi vắn, sợi dài trong truyện Hoàng Quân



“Ký ức biết chọn lọc, chỉ giữ lại những mầu hồng mà thôi.”

Tôi nhớ đã đọc câu ấy trong truyện ngắn nào của Hoàng Quân, dường như nhân vật nào ở trong truyện đã thốt lên như vậy. Tôi không chắc có phải tác giả đã để nhân vật nói thay cho mình nhưng tôi thích câu nói ấy; hơn thế nữa, tôi tin là ký ức của tác giả cũng chỉ muốn giữ lại màu hồng và những truyện của Hoàng Quân mà tôi từng đọc cũng là được ghi chép lại từ một ký ức tươi hồng. 

Màu hồng phơn phớt ấy có thể nhìn thấy được qua các truyện ngắn trong tập truyện Sợi Vắn, Sợi Dài (*), qua mối tình nhẹ nhàng phất phơ như cánh cò bay lả bay la trong truyện Ca dao hay mơ màng lãng đãng như chuyện liêu trai trong truyện Người trong mộng, hay qua những “hoa bướm ngày xưa” nơi sân trường kỷ niệm trong truyện Thầy trò một thuở… và nhiều truyện khác nữa.


Lâm Vĩnh Thế: Dịch Thơ Đường

Bài viết này ghi lại một vài suy nghĩ chủ quan dựa trên kinh nghiệm cá nhân tương đối giới hạn của người viết về việc dịch thơ Ðường sang tiếng Việt, hay nói cho đúng hơn là chuyển dịch thơ Ðường sang thơ Việt.  Người viết không phải là người đầu tiên làm công việc này và cũng chắc chắn sẽ không phải là người cuối cùng.  Và đây chính là lý do hình thành của bài viết này: để chia sẻ hứng thú và kinh nghiệm với những người đồng điệu.

Vài nét về thơ đường

Trong lịch sử văn học Trung Quốc, triều đại nhà Ðường (618-907) là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của thi ca, cả về lượng lẫn về phẩm.  Tại nước ta, trong suốt bao nhiêu thế kỷ, "Ðường thi được coi là kho tàng điển-cố trân-quí, là khuôn-mẫu mệnh ý, dụng ngữ cho các nho sĩ khi làm thơ chữ cũng như thơ nôm." [1]    Ngay cả sau khi Nho học đã suy tàn, thơ Ðường vẫn còn rất được ưa chuộng tại Việt Nam.  Số người thưởng thức và chuyển dịch thơ Ðường sang thơ Việt rất nhiều nhưng nổi tiếng nhất thì phải kể đến Tản Ðà và Ngô Tất Tố trong giới cựu-học và Trần Trọng San trong giới tân-học.  

Phần lớn các tài liệu về văn học Trung quốc đều phân chia văn học thời Ðường làm 4 giai đoạn: Sơ Ðường (618-713), Thịnh Ðường (713-766), Trung Ðường (766-835) và Vãn Ðường (836-905).  Mỗi giai đoạn đều có nhiều thi sĩ nổi danh nhưng hai ngườI nổi tiếng nhất là Lý Bạch (701-762), được gọi là Thi Tiên, và Ðỗ Phủ (712-770), được gọi là Thi Thánh; cả hai đều thuộc thời Thịnh Ðường và đều để lại một sự nghiệp rất vĩ đại.  

Một trong những đóng góp quan trọng của thời Thịnh Ðường là việc hoàn thiện thể thơ mới để thay thế cho thể thơ cổ phong, gọi là thơ cận thể hay kim thể, với luật lệ rất nghiêm ngặt, chặt chẽ.  Do đó về sau người ta gọi là luật thi: ngũ ngôn luật thi hay thất ngôn luật thi.

Trong bài viết này, người viết chỉ đề cập đến việc chuyển dịch một số bài thuộc thể thất ngôn tứ tuyệt, 4 câu 7 chữ. 


Huỳnh Liễu Ngạn: Màu Trăng Cô Lữ

Hình minh hoạ. Rattakarn_, Pixabay
anh về đứng ở thừa thiên
màu trăng cô lữ còn nghiêng giữa dòng
tóc dài em thả bến sông
ánh sao màu nhạt còn long lanh chiều

mắt em bay bổng thúy kiều
trên mui vạt nắng ít nhiều đông ba
anh vô ngã giữa tam tòa
màu trăng cô lữ rẻ qua âm hồn

ngó về vỹ dạ mưa tuôn
dòng sông thả nhánh cây buồn chỏng chơ
anh chờ thành nội ngu ngơ
kéo tay em lại mộng mơ ít ngày

mưa chi mưa cứ làm đày
để tóc em ướt guộc gầy mùa đông
anh về theo gió hướng sông
nhìn vai em mộng qua đồng chợ mai

lên xe cửa thuận trăng cài
áo em mỏng dính hương lài thôn anh
màu trăng cô lữ khuynh thành
cho em xõa tóc trời xanh ngó nhìn

bóng chiều rụng lá vàng hiên
nước trôi cầu gãy mẹ hiền ru con
mắt kia em có hao mòn
làm con cá lội không còn vẫy đuôi

anh đi lụt lội năm rồi
màu trăng cô lữ đã trôi lên trời.

17.9.2020 - 23.11.2021

HLN

James Thurber: Tuyệt Chiêu (The Catbird Seat - Gió ViVu phỏng dịch)

Lời người dịch:


Cổ nhân xưa có câu:

Họa hổ, họa bì, nan họa cốt.
Tri nhân, tri diện, bất tri tâm.

Có nghĩa là:

Vẽ hổ chỉ vẽ được da, khó vẽ được xương.
Biết người, biết mặt, nhưng không biết được lòng.

Câu nói của cổ nhân từ xa xưa nhưng cho đến nay vẫn đúng và vẫn còn được ứng dụng hằng ngày trong giao tế xã hội, trong đối nhân xử thế.

Dò sông, dò biển dễ dò.
Đố ai lấy thước mà đo lòng người.

Dù ở phương Đông hay phương Tây cũng giống nhau, con người thật đa dạng, đa tài, đa mưu túc kế,...!

Tiểu Sử Tác Giả:


Sinh tại Columbus - Ohio, James Thurber (1894 - 1961) thích lấy quê nhà làm bối cảnh cho những câu chuyện khôi hài của ông. Những mẫu nhân vật điển hình trong truyện thường là một người cha hiền lành, nhu nhược bị ăn hiếp, bắt nạt bởi một bà mẹ khôn lanh, đanh đá; và những cuộc chiến tranh hay sự ganh đua, xung đột xảy ra giữa hai phái nam và nữ trong xã hội. Thurber viết cho tờ báo The NewYorker vào năm 1972 và đã được nhiều độc giả biết đến với những bài văn, truyện, hoạt họa và những hí họa rất đặc sắc.

Sau Mark Twain, Thurber được công nhận là nhà văn hài hước nổi tiếng nhất nước Mỹ. Hầu hết những tác phẩm của ông viết về những hậu quả của những cuộc hôn nhân không êm ấm, không thuận buồm xuôi gió; những ảnh hưởng xấu của nền công nghệ, kỹ thuật; và sự tác hại của chủ nghĩa Phát- xít. Thurber ưa thích dùng những hình tượng thú vật trong truyện vì ông rất ngưỡng mộ và cho rằng đó là những hình ảnh đặc thù gây ấn tượng sâu sắc nhất.

Thurber đã viết rất nhiều tác phẩm hay, nổi tiếng và đoạt được một số giải thưởng, bao gồm: My Life and Hard Time (1933), The Middle-Aged Man on the Flying Trapeze (1935), Further Fables For Our Time (1940), The Thurber Carnival (1945), and Thurber's Dogs (1955).

TUYỆT CHIÊU 

Gió ViVu phỏng dịch

Martin đã mua một gói thuốc lá hiệu Camels vào tối thứ Hai trong một tiệm bán Xi-ga rất đông khách ở đường Broadway. Đó là giờ người ta đi coi hát, nên có khoảng bảy hay tám người đến mua thuốc lá cùng lúc. Người bán hàng bận bịu đến nỗi không có thì giờ để ý nhìn mặt từng người khách, Martin lẹ làng đút gói thuốc lá vào túi áo khoác rồi bước nhanh ra cửa. Nếu có ai trong công ty F & S mà nhìn thấy Martin đi mua thuốc lá thì chắc hẳn họ sẽ ngạc nhiên lắm lắm vì ai cũng biết là hắn không hút thuốc và cũng chưa từng có ai thấy hắn phì phèo điếu thuốc bao giờ.

Nguyễn Văn Tuấn: Lịch sử “Dư luận viên”

Mạ Thủ 罵手


Tôi mới học được một danh từ mới: mạ thủ. Một cách ngắn gọn, mạ thủ là một kẻ chuyên nghề chửi, giống như “dư luận viên” ngày nay. Lịch sử ra đời của mạ thủ vẫn còn mang tính thời sự ngày nay.

“Mạ Thủ” - Theo tác giả Huy Phương (báo Người Việt), danh từ này xuất phát từ thời Hán Sở tranh hùng và Tam Quốc Chí bên Tàu. Thời đó, nhà cầm quyền huy động những người có lá phổi lớn, tiếng nói vang, và có cách chửi độc địa để làm ‘mạ thủ’. Mạ thủ chỉ có một việc đơn giản là chửi bới đối phương. Họ trong tư thế trần truồng, xông lên phía trước, sát cổng thành của đối phương, và tung ra những lời chửi bới tục tĩu và dơ bẩn nhất nhắm vào đối phương. Mục đích là hạ nhục và khiêu khích đối phương bằng cách thoá mạ ông bà tổ tiên của đối phương, sao cho họ mở cửa thành để lính xông vào. Điều trớ trêu là mạ thủ là những người bị chết đầu tiên vì họ không có vũ khí khi xông trận. Họ có thể xem như là những con chốt thí cho bọn cầm quyền.

Tàu ngày xưa là nơi sản sinh ra những mạ thủ, thì Tàu ngày nay cũng có những đội quân mạ thủ, nhưng họ mang một danh xưng văn hoa hơn: dư luận viên. Tiếng Hoa là "wumao". Báo chí phương Tây gọi họ là "50 cent Army" ("Lực lượng 50 cent"). Tại sao là '50 cent'? Tại vì mỗi mạ thủ được trả lương 50 cent cho mỗi 'bình luận' họ viết trên mạng.

Ai là những mạ thủ thời nay? Theo nghiên cứu của GS Gary King (ĐH Harvard), họ là những nhân viên, cán bộ của Nhà nước. Nhưng họ không phải cán bộ bình thường, mà phải qua một quá trình tẩy não sao cho họ không còn khả năng suy nghĩ một cách logic. Nói tóm lại, bọn mạ thủ là những kẻ không có khả năng đánh giá đúng sai, họ chỉ đơn giản là những cái máy phun ra những câu chữ mà có khi họ không hiểu.

Thùy Dương: Quầy sách cổ, sách cũ - nét chấm phá dọc bờ sông Seine

Các hiệu sách cũ dọc bờ sông Seine, gần nhà thờ Đức Bà Paris. RFI

Du khách đến với Kinh Đô Ánh Sáng, khi đi dạo dọc bờ sông Seine, ngoài chiêm ngưỡng vẻ đẹp tráng lệ của những cây cầu như Pont Neuf, Alexandre Đệ Tam, các công trình kiến trúc - lịch sử danh tiếng như Nhà Thờ Đức Bà Notre Dame de Paris, tháp Eiffel …, chắc hẳn không thể làm ngơ trước 250 quầy sách nhỏ, màu xanh lá cây thẫm bày bán vô vàn cuốn sách cổ, tạp chí, bản đồ, bưu thiếp, áp phích quảng cáo phim ảnh, tem thư cổ, quý hiếm hay đơn giản chỉ là những cuốn sách cũ …

Những quầy sách cũ dọc bờ sông Seine còn được người dân Paris gọi bằng một cái tên khác là « các tiệm sách sông Seine ». Nhìn thì có vẻ đơn giản, khiêm nhường, nhưng các « tiệm sách sông Seine » nhỏ nhắn đó, cùng với quần thể dọc bờ sông Seine, đã được UNESCO công nhận là Di Sản Thế Giới vào năm 1991.

250 quầy sách cũ nằm dọc 3km kè sông Seine, với khoảng 1.000 thùng sách và số sách được bày bán lên tới khoảng 500.000 cuốn. Đây được coi là khu hiệu sách ngoài trời lớn nhất trên toàn thế giới. Ở tả ngạn, các quầy sách cũ tập trung từ kè Tournel tới kè Voltaire. Ở hữu ngạn sông Seine, các quầy sách lại nằm rải rác từ cầu Marie tới kè Louvre. Về lịch sử, các quầy sách cũ xuất hiện cách đây khoảng 400 năm, vào đầu thế kỷ 17, dưới thời trị vì của vua Henri IV.

Thứ Sáu, 19 tháng 11, 2021

Tâm Thanh: Phấn Thông

HÌnh minh hoạ, Krzysztof Kamil, Pixabay

Năm nay thu qua nhẹ như chiếc lá khô. Sáng sớm, Quân ra khỏi nhà, thấy lớp sương băng trên đầu ngọn cỏ rầu rầu, chàng đưa tay vuốt tóc. Đêm vừa qua chàng ngủ không yên giấc, thức dậy mới biết là nhiệt độ trong nhà xuống đột ngột; đông đã lén về sau một cuối tuần rực rỡ nắng thu trong vắt. Chàng rùng mình, trở vào.

– Anh quên cái gì vậy?

– Lạnh quá. Trở lại thay áo khoác.

– Đừng quên chìa khóa nhà. Không, chiều anh về sớm, lại đứng ngoài.

Cái đó khỏi lo, Quân có thói quen mỗi lần thay áo khoác, móc mọi vật trong túi áo mùa trước nhét vào túi áo mùa sau, không bỏ gì cả, cho gọn, sợ có những vật lúc này vô nghĩa, vất đi rồi mới hối hận. Thọc tay vào túi áo dạ, Quân chạm phải một vật sót lại từ mùa đông trước. Một vật không tên. Ông già đã nói cho chàng nghe bằng tiếng Na-uy, nhưng khi Quân nói lại, không ai hiểu. Tạm gọi là đồ 'căn bu-gi xe hơi'. Nó là của ông già hàng xóm cho Quân mượn. Năm ngoái nó cứ kêu lách cách trong túi khi chàng đi, cô bạn đồng nghiệp chọc là bò đeo lục lạc, vì vậy chàng không cho nó sang áo mùa xuân, mà cứ để trong túi áo mùa đông, chờ chiều đi làm về sẽ trả cho ông già. Ai ngờ quên luôn tới năm nay.

Thu mình trong cái ghế quen thuộc trên xe buýt, Quân thọc tay vào túi áo khoác, mân mê những mẩu thép lạnh ngắt và miên man nghĩ tới ông già ...

Giữa những người đồng hành dường như gặp mỗi ngày nhưng không bao giờ làm quen, Quân thấy ông già hàng xóm là một người quí. Khi vợ chồng chàng mới dọn tới khu này, ông còn đi làm. Dường như luôn luôn chàng bắt cùng chuyến xe buýt với ông. Ông là người đầu tiên gạ chuyện với Quân. Và cũng là người cuối cùng. Vì cho tới nay, sau 10 năm đi xe buýt, không ai gạ chuyện với chàng nữa. Ông già đã về hưu cách đây năm năm. Ông dễ làm quen, có lẽ nhờ cái tính tò mò. Bên này vườn, Quân làm gì ông cũng lách hàng rào sang coi.

Trần Mộng Tú: Chùm Thơ Lục Bát

Hình minh hoạ, 白川 楽, Pixabay
Rượu Mận

(Gửi Thơ Thơ)

Ủ cho thật kỹ nghe em
Mận xanh rượu trắng lên men theo ngày
Trong hương thơm có cay cay
Như tình yêu chẳng ngọt ngay bao giờ
Rượu như tình rót bất ngờ
Giọt Tình giọt Rượu đánh lừa lẫn nhau.

Khung Cửa sổ


Nhìn ra vách đá bốn mùa
Bức tranh mưa nắng sáng trưa mỗi ngày
Lá hoa chim sóc đổi thay
Riêng Ta có phải Ta ngày cũ không?

Đổi Giờ


Đổi giờ vào lúc sang mùa
Đổi tình không đợi vào mùa được đâu
Mùa Xuân tình mới bắt đầu
Mùa Hạ rám cánh con sâu ái tình
Tưởng rằng Thu sẽ hồi sinh
Mùa Đông ập tới ái tình đóng băng.

Đi Bộ Trong Xóm


Tưởng rằng bước đã quen chân
Chông chênh vẫn lạc ngay trong xóm mình
Hóa ra chân vẫn đi tìm
Con đường xưa với bóng hình người xưa.


Ngô Thế Vinh : 100 Năm Sinh Hoạ Sĩ Tạ Tỵ Và Giấc Mộng Con Năm 2000 (Phần 1)

 Tôi thường nghĩ, nước Việt Nam dù dưới chủ nghĩa nào cũng chỉ tạm thời, cái Vĩnh Viễn là mảnh đất do tất cả Dân Tộc dựng nên, cái đó mới tồn tại lâu dài, Vĩnh Viễn! Tôi nhìn mãi tấm hình chiếc cầu Mỹ Thuận, lòng thấy vui vô cùng. Thế là người Việt Nam thoát được cái cảnh “sang sông” phải lụy phà… Chúng tôi nhất quyết về Việt Nam dù không biết phía trước cái gì sẽ xảy ra cho mình. Nhưng dù sao, tôi cũng muốn an nghỉ ở Việt Nam nơi mình đã sinh ra và đã sống 60 năm trời! Tạ Tỵ [thư gửi Ngô Thế Vinh viết ngày 29.2 & 27.7.2000]

**

Hình 1: trái, Tạ Tỵ 31 tuổi, sau 4 năm theo kháng chiến chống Pháp và về thành (Hà Nội, 1952); giữa, Thiếu Tá Tạ Tỵ trong quân đội Việt Nam Cộng Hoà; phải, chân dung Tạ Tỵ năm 2000. Sau 1975, ông đã phải đi tù cải tạo 6 năm, hồi ký Đáy Địa Ngục ghi lại kinh nghiệm ông đã trải qua trong những năm tháng nghiệt ngã tù đày với lao động khổ sai “ăn không đủ no, đói không đủ chết”;  [nguồn: album gia đình Tạ Tỵ, photo by Phạm Phú Minh, Đáy Địa Ngục, Nxb Thằng Mõ 1985]


TIỂU SỬ

Tạ Tỵ là bút danh, Tạ Văn Tỵ là tên thật, sinh ngày 3 tháng 5 năm 1921 (tức ngày 26 tháng 3 năm Tân Dậu) tại Hà Nội, nhưng trên giấy khai sinh lại ghi là ngày 24 tháng 9 năm 1922, vì khai muộn một năm. Ngay từ khi còn là một sinh viên trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương / École Supérieure des Beaux-Arts de l’Indochine, Tạ Tỵ đã thành danh khá sớm.


Năm 1941, ở tuổi 20,do đoạt một giải thưởng tranh của nhà trường, Tạ Tỵ được đến thăm kinh đô Huế.


Năm 1943, Tạ Tỵ tốt nghiệp khoa Sơn Mài tại trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương nhưng dấu ấn Hội hoạ của ông không phải là những tác phẩm Sơn Mài. Tạ Tỵ luôn luôn đi tìm cái mới, và được xem là người đi tiên phong vào lãnh vực Lập Thể / Cubisme và Trừu Tượng / Abstrait của hội hoạ Việt Nam.


Và cũng năm 1943, sau khi vừa tốt nghiệp,Tạ Tỵ đoạt ngay một giải thưởng với bức tranh“Mùa Hạ” (tân ấn tượng / néo-impressionnisme) được giải thưởng tại phòng Triển lãm Duy nhất (Salon Unique) “vì có một phương pháp diễn tả theo khuynh hướng mới, tuy chưa hẳn là lập thể, nhưng các hình thể đã được biến cải theo sở thích riêng.”[1]


Ngô Thế Vinh: 100 Năm Sinh Hoạ Sĩ Tạ Tỵ Và Giấc Mộng Con Năm 2000 (Phần 2)

 ĐÁY ĐỊA NGỤC: HỒI KÝ VIẾT TRÊN ĐẢO

Ngay từ ngày đặt chân lên đảo, Tạ Tỵ đã cầm bút ghi lại kinh nghiệm những năm tù đày kinh hoàng mà anh và các đồng đội vừa trải qua. Cuốn Hồi ký Đáy Địa Ngục, dày 678 trang được khởi viết ngày 25/9/1982 và viết xong ngày 15/12/1982 tại trại Tỵ Nạn chuyển tiếp Sungai Besi, Malaysia, được Nxb Thằng Mõ, California xuất bản năm 1985 và tái bản một năm sau đó. Ngay trang mở đầu cuốn Hồi ký, Tạ Tỵ viết: 


      Cuốn “Đáy Địa Ngục” được thực hiện trong hoàn cảnh vô cùng phức tạp, giữa những tiếng ồn ào, sinh động của một trại Tỵ Nạn trên vùng đất Mã Lai… Khoảng thời gian, từ ngày Cộng sản chiếm miền Nam, tính đến hôm nay, mới gần 8 năm. Quả thực không lâu so với cuộc luân hành miên viễn của thời gian, nhưng đích thực, đó là một chuỗi đau thương đan kết bằng máu và nước mắt của mỗi con người Việt Nam đã và đang sống trong một bối cảnh vô cùng khốn khổ trực diện với một chế độ mình không ưa thích, không muốn phục vụ, vẫn phải làm như nhiệt tình, thành khẩn!

      Sau ngày 30-4-1975, Việt Nam là một nhà tù lớn, bên trong nó, có rất nhiều nhà tù nhỏ, được quây kín sau dãy Trường Sơn trùng điệp, sau những lũy tre dày đặc, hoàn toàn cách biệt với thế giới bên ngoài. Không một ký giả nào thuộc Thế Giới Tự Do, kể cả các ký giả thuộc các nước Cộng sản anh em, được “tham quan” những vùng đất cấm đó. Đối với Cộng sản, cái gì cũng được giữ bí mật tối đa, cái gì cũng được che giấu bằng dối trá, lừa bịp!

      Tôi đã trải qua 8 trại Tập Trung Cải Tạo, từ Nam ra Bắc. Tôi đã sống và đã chứng kiến bao nhiêu trạng thái bi thương…

Người tù chính trị Việt Nam sau ngày 30-4-1975, quả thực, một vết nhơ trên “tấm thảm lương tri nhân loại”. Họ được đối xử như những con vật, đôi khi không bằng con vật. Họ luôn luôn sống trong lo âu, hồi hộp, chẳng biết chuyện gì sẽ xảy đến với họ, buổi sớm mai khi thức dậy, sau một đêm trằn trọc với ác mộng và muỗi rệp! Họ “ăn không đủ no, đói không đủ chết”, nên lúc nào miếng ăn cũng ám ảnh, giày vò họ, làm khổ sở, ngày này qua ngày khác, mùa nắng cũng như mùa mưa, mùa hạ cũng như mùa đông, không mùa nào họ có thể tìm thấy chút gì để tạo nên nguồn hy vọng. Nếu ai đã trải qua một lần trong bất cứ Trại Tập Trung Cải Tạo nào của Cộng sản Việt Nam, người đó có quyền coi thường mọi nhà tù trên Thế Giới!

… “Nhưng trang sử đã lật. Cái gì qua, phải qua. Nó là bài học vô cùng quý giá, miễn rằng bài học này đừng bao giờ ôn / lặp lại trong ngày mai.” [1] [hết trích dẫn]


      Tạ Tỵ đã đặt chân tới Mỹ với tập bản thảo hồi ký Đáy Địa Ngục vừa được viết xong. 



Hình 12:Tạ Tỵ và các thân hữuở Little Saigon, hàng ngồi từ phải: Tạ Tỵ, Ngô Bảo; hàng đứng từ trái: Thanh Chương, Phan Diên, Phạm Quốc Bảo, Nguyễn Văn Định. [photo by Phạm Phú Minh, do Phạm Quốc Bảo nhận diện]



RA MẮT TUYỂN TẬP VĂN – THƠ – HOẠ TẠ TỴ 2001

Trong khoảng thời gian 21 năm sống tại California Hoa Kỳ, khi thì San Diego, khi thành phố Garden Grove, Tạ Tỵ tiếp tục sáng tác vẽ và viết; ông hoàn tất được một số tranh với phong cách trừu tượng và một số tác phẩm viết và xuất bản ở hải ngoại. 


Tuyển Tập Văn – Thơ – Hoạ của Tạ Tỵ là cuốn sách cuối cùng được xuất bản và ra mắt tại Hoa Kỳ. Sách gồm bốn tập truyện: Những Viên Sỏi, Yêu và Thù, Bao Giờ, Xóm Cũ, và một tập thơ Mây Bay, đặc biệt có 12 phụ bản màu: gồm 6 bức tranh Sơn Dầu Trừu Tượng, tất cả được vẽ tại Hoa Kỳ và 6 Ký hoạ Bột màu / Gouache các Khuôn Mặt Văn Nghệ Sĩ. 


Đinh Từ Bích Thuý & Đặng Thơ Thơ: Đối thoại với Trịnh Y Thư - Văn chương Nghệ thuật & Những điều khác

DTT_PV_2.jpg

Đặng Thơ Thơ & Trịnh Y Thư

Café Centro Storico, Old Town Tustin, California, 11/13/2021.


Chúng tôi thỉnh thoảng gặp nhau trong những buổi ra mắt sách, cà phê cuối tuần, triển lãm tranh, và những lần họp mặt khi có bạn văn từ xa đến. Chúng tôi có những trao đổi trong những không gian nghệ thuật về những cuốn sách vừa xuất bản, về những nhà văn yêu thích, về âm nhạc cổ điển, về những người bạn còn mất… Nhiều lần tôi được nghe Trịnh Y Thư chơi độc tấu Tárrega, Albéniz, Villa-Lobos, Barrios, và những bản cầm khúc anh soạn cho Tây Ban Cầm. Phỏng vấn dưới đây có thể được coi như những trích đoạn của những mẩu chuyện đã kéo dài trong nhiều năm tháng. Phỏng vấn sẽ bắt đầu với những câu hỏi về xuất bản của Đinh Từ Bích Thuý, qua phần trò chuyện về Văn chương Nghệ thuật giữa Trịnh Y Thư và Đặng Thơ Thơ.   – ĐTT


Đinh Từ Bích Thuý (ĐTBT): Thưa anh Trịnh Y Thư, lý do gì đã thúc đẩy anh tái lập nhà xuất bản Văn Học?


Trịnh Y Thư (TYT): Có nhiều lý do nhưng tựu trung vẫn là lòng đam mê sách vở, chữ nghĩa. Thêm nữa là sự dễ dàng trong việc in ấn nhờ vào các phương tiện kỹ thuật số hiện đại.


ĐTBT: Theo anh, số độc giả có nhu cầu đọc sách giấy vẫn như trước thời Internet, ít hơn, hay gia tăng?


TYT: Giảm nhiều lắm, thưa chị. Sự thật là ngày nay người ta ít ai đọc sách, sách văn chương lại càng ít hơn, mà chỉ liếc đọc trên mạng những thông tin hằng ngày trong vài ba phút rảnh rỗi hiếm hoi. Đời sống càng văn minh, hiện đại, con người càng tất bật, vội vàng, một nghịch lý hết thuốc chữa của đời sống.



*Song Thao: Phắc

Ông Ted Osius, cựu Đại Sứ Mỹ tại Việt Nam từ năm 2014 đến 2017, sắp cho phát hành cuốn hồi ký mang tên: “Nothing is Impossible: America’s Reconciliation with Vietnam”. Tạm dịch: “Không gì là không thể: Chuyện Hòa Giải của Hoa Kỳ với Việt Nam”.

Trong cuốn sách này, ông kể lại một sự kiện mà ông cho là “kỳ quặc”, nằm ngoài sự chuẩn bị của ông trong 30 năm làm ngoại giao. Ngày 31/5/2017, ông Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tới thăm tòa Bạch Ốc. Khi đó ông Donald Trump mới nhậm chức Tổng Thống được vài tháng. Khi ông tới phòng Bầu Dục, tướng HR McMaster, lúc đó là cố vấn an ninh quốc gia, giới thiệu ông với Tổng Thống Trump. Ông Trump đưa ra lời khen về công việc của ông Ted Osius tại Việt Nam rồi hỏi: “Vậy hôm nay chúng ta gặp ai đây?”. Tướng McMaster trả lời: “Thủ Tướng Việt Nam”. Ông Trump hỏi: “Ông ấy tên là gì?”. Một nhân viên trả lời: “Nguyễn Xuân Phúc. Theo vần ‘book’”. Ông Trump hỏi lại: “Ý ông nói là Fook You?”. Rồi ông Trump nói tiếp là ông từng biết một người tên Fook You. Ông kể: “Thật đấy. Tôi cho ông ấy thuê một nhà hàng. Khi ông ấy nhấc điện thoại lên, ông ấy trả lời ‘Fook You’. Việc kinh doanh của ông ấy trở nên tệ hại. Mọi người không thích nó. Ông ấy mất nhà hàng”. Bài viết về chuyện này trên đài VOA cũng nhắc lại chuyện ông Trump thăm Việt Nam vào tháng 11 cùng năm: “Một văn bản bài phát biểu tổng kết chuyến thăm của ông Trump tới Việt Nam hồi tháng 11 năm đó được Nhà Trắng công bố cũng đã viết tên ông Phúc thành “Fook”, được cho là nhắm mục đích để giúp Tổng Thống phát âm tên của Thủ Tướng Việt Nam. Tên của ông Phúc từng là chủ đề bàn tán trên mạng xã hội vì, trong tiếng Anh, có thể bị đọc nhầm thành một từ có nghĩa thô tục”.

Không may cho ông Phúc là ông tới tòa Bạch Ốc vào đúng nhiệm kỳ của ông Trump, một người rất hồn nhiên, giữ chức vụ lớn nhưng muốn nói chi thì nói. Nhưng cũng may cho ông Phúc khi ông không phải là một di dân gốc Việt tại Mỹ. Cái tên “Phúc” của những di dân người Việt là một nỗi khổ tâm. Phúc trong tiếng Việt là một điều rất tốt đẹp, các bậc cha mẹ thường gửi phúc cho con khi đặt tên cho đứa bé mới ra đời. Họ chỉ không là thầy bói nên không biết trước được có ngày đứa con sẽ phải lưu lạc qua Mỹ để khổ vì cái tên.

Trần Doãn Nho: Cung Tích Biền - Đành Lòng Sống Trong Phòng Đợi Của Lịch Sử

Bìa trước và bìa sau tập “Đành Lòng Sống Trong Phòng Đợi Của Lịch Sử”(Hình: TDN)

“Đành Lòng Sống Trong Phòng Đợi Của Lịch Sử” là một tập sách ghi lại sáu (6) cuộc phỏng vấn:

  • Trò chuyện với với nhóm chủ trương tạp chí Trước Mặt (Quảng Ngãi) do Cung Tích Biền, thay mặt cho tạp chí Khởi Hành, thực hiện (1969).
  • Phỏng vấn nhà văn Cung Tích Biền do Lý Đợi (tháng 2/2007), Đặng Thơ Thơ (3/2008) và Mặc Lâm (Đài Á Châu Tự Do) (5/2008), thực hiện khi tác giả còn ở trong nước.
  • Phỏng vấn Cung Tích Biền do Phạm Viêm Phương (3/2020) và tạp chí mạng Da Màu (10/2020) thực hiện khi tác giả đã đến định cư ở Hoa Kỳ (2016).
Bài phỏng vấn của Lý Đợi được công bố trên trang Talawas, ngày 1/2/2007, gây nên một ngạc nhiên, nếu không muốn nói là sửng sốt, đối với bạn bè hải ngoại, trong đó có tôi. Lần đầu tiên, một nhà văn miền Nam, từ trong nước, lên tiếng phát biểu, một phát biểu không thể nào thẳng thắng và rạch ròi hơn, về tình hình nhiều mặt của đất nước vào thời điểm mà chế độ Cộng Sản đang hồi cực thịnh. Sau 1975, trong một thời gian dài, Cung Tích Biền, nói như Du Tử Lê, “…phải sống với oan khiên, như vết chàm, như chiếc bóng định mệnh bất hạnh đời mình…” Anh đã chọn im lặng, không biện minh, chống chế. Thư cho Lý Đợi, anh viết, “Bao năm nay anh đã Ra Ngoài. Không tơ hào gì Cõi Bên Trong. Gần gũi với anh lâu nay chắc em hiểu. Anh sống mà như vắng bóng. Ít tâm sự cùng ai. Đời hiểu lầm anh không ít. Vài ngộ nhận chết người mà anh không bao giờ cải chính. Mặc áo Lặng Thinh.” Và anh chọn thời điểm phá vỡ im lặng. Tôi, hồi đó, may mắn được làm kẻ ở ngoài, đọc đi đọc lại bài phỏng vấn, nghĩ đến tiếng hót vang, tỏa ra của một con chim đang trong thân phận “cá chậu chim lồng”, lòng đầy cảm khái!

Nguyễn Vạn An : Chuyện Các Bà Già Trong Quán Ngựa

(tranh minh họa)
Gần nhà gia đình tôi có một quán cà phê lớn. Chúng tôi thường gọi là Quán Ngựa. Quán lúc nào cũng đầy người, phần lớn là các ông bà già đã về hưu, và người nghèo, thợ thuyền, dân ngoại quốc tới xứ Pháp làm ăn. Họ đến đây để gặp nhau, trò chuyện tiếng xứ họ, và thi nhau đánh cá ngựa.

Điều đặc biệt với tôi là quán này có một cái bàn rất lớn, đặt trong góc phải khi đi vào, dành cho người Việt. Mà người Việt đây toàn là đàn bà. Toàn là các bà già ! Bà nào cũng ít nhất 70 tuổi, có bà đã tới 90.

Sáu bảy bà mà châu lại với nhau trong một quán cà phê thì ai không để ý. Nhất là còn có thêm hai lý do. Lý do thứ nhất là bà nào người cũng bé nhỏ chút xíu. Cho nên cái bàn đó từ xa nhìn thấy như trũng hẳn xuống, so với các bàn chung quanh, phần lớn là bàn các ông thợ thuyền vai u thịt bắp. Lý do thứ hai là, tuy nhỏ người, các bà lại nói rất to, và chỉ nói tiếng Việt. Tiếng các bà lanh lảnh, tiếng cười khanh khách, chẳng coi ai ra gì hết. May là quán cũng nhiều tiếng nói chuyện ồn ào, và chủ tiệm cũng như khách hàng đã quá quen với các bà, nên cũng chẳng ai than phiền gì.

Tôi tò mò nhiều lần đến đứng ở quầy uống cà phê để có dịp quan sát các bà và tìm hiểu thêm. Dĩ nhiên là tôi không qua mắt các bà được, và các bà, thấy tôi người Việt, lần nào cũng lên tiếng chào mời hỏi thăm. Các bà bô bô hỏi chuyện, mặc dù tôi đứng uống ở quầy xa bàn các bà tới năm sáu thước. Và không hiểu từ đâu, tôi được đặt tên là « cậu Ba » ! « Cậu Ba có khỏe không ? », « Cậu Ba có vợ con gì chưa ? », « Cậu Ba hồi này mần ăn ra sao ? », vân vân.

Các bà là những người Việt Nam đã qua Pháp từ lâu. Tuổi trung bình là 80, như đã nói. Các ông chồng thì đã theo nhau chết hết cả rồi. Con cháu đã trưởng thành ra ở riêng. Không bà nào chịu ở với con cái dâu rể, bất kể dâu rể là người ngoại quốc hay người Việt. Các bà phần lớn đều có căn nhà riêng, hoặc đã mua khi còn trẻ, hoặc con cái mua cho. Trong nhóm cũng có mấy người nghèo, không ai thân thuộc, đi ở đậu hết chỗ này đến chỗ kia. Tuy vậy, cả nhóm sống điều hoà với nhau, ai đói thì chia cho ăn, ai rách thì tìm quần áo cho mặc. Thỉnh thoảng cũng nghe tiếng la lối om sòm, nhưng nói chung họ cùng tình cảnh lẻ loi xứ người, biết đùm bọc lấy nhau.

Phạm Xuân Nguyên: Dòng thời gian

Nói về thời gian, người ta thường ví với dòng sông. Có lẽ vì cũng như sông chảy theo dòng về phía trước, thời gian cũng một chiều từ hôm qua đến hôm nay sang ngày mai. Thời gian như dòng sông cũng chảy qua nhiều khúc quanh, chỗ ngoặt, có khi ta biết nó chảy về đâu, có khi ta không biết đâu là nơi nó chảy. Ta nói thời gian trôi cũng như sông trôi. Cái đã trôi qua không trở lại. Và trong dòng chảy trôi ấy của sông, của thời gian, muôn vật biến đổi không ngừng nghỉ. Khổng Tử ở phương Đông đứng bên trên sông ngắm nhìn dòng nước mà nói với các học trò: “Thệ giả như tư phù; bất xả trú dạ” (Mọi vật đi qua như nước này chảy đi; ngày và đêm không có vật chi ngừng nghỉ). Heraclit của phương Tây thấy sông là thấy sự chuyển động: “Không ai tắm hai lần trong một dòng sông”. Nhưng không chỉ vì sông trôi nên nước tắm ta lần trước đã không còn phải là nước tắm ta lần sau. Mà còn vì thời gian trôi, ta ở lần tắm sau đã khác ta ở lần tắm trước. Nghĩa là thời gian làm cả sông và ta thay đổi.

Xuân Diệu (1916 – 1985) thi sĩ yêu đời cuồng nhiệt nên luôn cuống quít với bước đi của thời gian. Ông thúc giục con người phải vội vàng để sống hết cõi sống trần gian, căng hết các giác quan để tiếp nhận và cảm thụ hết mọi hình bóng mùi vị thanh âm hương sắc cuộc đời. Nói về thời gian ông có một bài thơ thật hay lấy chuyện đi thuyền để nói. Con thuyền đi trên sóng nước dòng sông cụ thể, nhưng đời người ta cũng là con thuyền trôi trên sóng nước cuộc đời mà mỗi khắc mỗi giây luôn thay đổi cùng với sự đổi thay của đất trời, vũ trụ, của chính cơ thể mình nữa.

Thuyền đi mà nước cũng trôi
Lại thêm mây bạc trên trời cũng bay
Tôi đi trên chiếc thuyền này
Lòng thơ mơ tưởng cũng thay khác rồi
Cái bay không đợi cái trôi
Từ tôi phút trước sang tôi phút này

Thứ Sáu, 12 tháng 11, 2021

Nguyễn Văn Lục: Nguyên Sa của một đời và của một thời

D:\PhamPhuMinh\Pictures\Scanned\2021-11-09 Hình Nguyên Sa\Hình Nguyên Sa 001.jpg
Nguyên Sa, do Tạ Tỵ vẽ

 Về một cõi thơ tình đột sáng chất ngất.

Nguyên Sa là một tên tuổi quá quen thuộc. Nhất là trong lãnh vực thơ tình kéo dài cả hơn 10 năm. Trước ông , có nhiều thi sỹ thế hệ tiền chiến. Như Nguyến Bính (1918-1966)  với những  mối tình vu vơ và đầy lãng mạn. Và những đàn anh như Đinh Hùng với Đường vào tình sử ; hoặc cao sang như Vũ Hoàng Chương trong tập Mây.

Tiếp đến là thế hệ thi sĩ đồng thời, ngồi cùng chiếu với ông như Quách Thoại (mất sớm, ngay từ những ngày đầu của báo Sáng tạo. NVL) Thanh Tâm Tuyền, Du Tử Lê, Diễm Châu, Tô Thùy Yên, Cung Trầm Tưởng. Và nhiều thi sĩ khác.

Và có thể nói, mỗi người một phong cách thơ. Mỗi người  một vũ trụ thơ như một cõi riêng.

Thật vậy, cùng làm thơ Tự do, đều là  « thơ hôm nay » nhưng có điều gì khác  giữa Nguyên Sa và Thanh Tâm Tuyền?

Phải nói một lần là số người  khởi nghiệp cầm bút ở Việt Nam thường bắt đầu làm thơ nên con số hàng trăm thi sĩ đủ loại. Nhưng được nhìn nhận và mến mộ thì không nhiều như Trần Long Hồ (bác sĩ y khoa) đã nhận xét.

Tác giả Trần Long Hồ trong bài viết : Nguyên Sa, Thơ Tình giữa hai đầu thế kỷ cho rằng :  «Từ cổ chí kim, không có thơ nào như thơ Nguyên Sa được lứa tuổi học trò yêu thích đến mức độ gần như đâm mê. Họ trân quý chép thơ Nguyên Sa, ghi khắc trong tim, chuyền tay nhau đọc và tha hồ mơ mộng, rồi thả hồn bay khỏi lớp, phiêu diêu khắp bốn phương. »  Và tác giả kết luận : «  Nếu thơ tình Việt Nam như một dòng sông, Nguyên Sa không ở đầu sông, mà ông chẳng ở cuối sông , thơ tình Nguyên Sa chính là cả một dòng sông chảy suốt hơn bốn thập niên.» 

( Trần Long Hồ. 05-/98)

Giải thích hiện tượng Thơ Tình của Nguyên Sa có thể có nhiều lẽ lắm.

Về hình thức, có thể là phong cách tự sự, nghiêng về văn xuôi, như một thứ văn vần, thường dùng thể thơ lục bát- một thứ «lục bát Nguyên Sa», hay đầy âm hưởng ca dao. Hoặc nó đầy nhạc điệu. Hoặc  nó còn được người ta gọi là thơ phá thể. Thơ ấy, còn dùng nhiều điệp khúc, láy đi láy lại mà không nhàm chán.


Nguyên Sa: Tác Giả và Tác Phẩm - Mai Thảo



Phạm Phú Minh: Học Triết Với Thầy Trần Bích Lan

Giáo sư Trần Bích Lan

Mùa hè năm 1959, lớp Đệ nhị C trường Petrus Ký chúng tôi với sĩ số 40 người, đã thi Tú tài 1 và đậu được đúng 9 người. Với số người đậu Tú tài 1 quá ít như vậy, Petrus Ký không thể mở lớp Đệ nhất C, và cả 9 đứa chúng tôi : Cao Văn Bảy, Nguyễn Thiện Giao, Quan Trung Hiếu, Trương Thanh Hoàn, Tân Văn Hồng, Lê Tấn Kiệt, Trần Đại Lộc, Phạm Phú Minh, Phạm Quang Trung được đưa qua “học nhờ” lớp Đệ nhất C của trường Chu Văn An.

Hồi đó vì trường mới chưa xây xong, các lớp học của Chu Văn An vẫn còn dùng những tòa nhà trong khuôn viên rất rộng của trường Petrus Ký. Riêng lớp Đệ nhất C thì được học trong một cái nhà một tầng khá lớn nằm ngay gần sân vận động, có cổng mở ra đường Trần Bình Trọng. Suốt một năm học trong cái phòng học đơn độc này (mà chúng tôi nghe loáng thoáng trước kia là chuồng nuôi ngựa của người Pháp), chúng tôi không bao giờ biết văn phòng của trường Chu Văn An nằm ở chỗ nào, chưa từng thấy mặt ông Hiệu trưởng lần nào. Thời gian về sau Trung tâm Học liệu của bộ Giáo Dục được xây cất trên mảnh đất này.

Học sinh của lớp Đệ Nhất C Chu Văn An năm đó là một tổng hợp khá phức tạp. Ngoài học sinh ban C của chính trường Chu Văn An thi đậu Tú tài 1 lên lớp học tiếp tục, những học sinh tương tự của các trường Petrus Ký, trường Võ Tánh Nha Trang, trường Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho đều được thu nhận để học tiếp lớp Đệ Nhất C. Cho nên lớp Đệ Nhất C năm đó rất đông đúc và nguồn gốc địa phương của học sinh cũng không thuần nhất : người Bắc di cư, trộn lẫn với dân Sài Gòn chính cống, với dân ven biển miền Trung, và với con em miền Lục tỉnh… Thật là một tập hợp của tứ chiếng giang hồ.

Nguyên Sa: Vài Ngày Làm Việc Ở Chung Sự Vụ



Vài Bài Thơ Của Nguyên Sa

Paris có gì lạ không em ?


Paris có gì lạ không em?
Mai anh về em có còn ngoan
Mùa xuân hoa lá vương đầy ngõ
Em có tìm anh trong cánh chim

Paris có gì lạ không em?
Mai anh về giữa bến sông Seine
Anh về giữa một giòng sông trắng
Là áo sương mù hay áo em?

Em có đứng ở bên bờ sông?
Làm ơn che khuất nửa vừng trăng
Anh về có nương theo giòng nước
Anh sẽ tìm em trong bóng trăng

Anh sẽ thở trong hơi sương khuya
Mỗi lần tan một chút sương sa
Bao giờ sáng một trời sao sáng
Là mắt em nhìn trong gió đưa…

Anh sẽ cầm lấy đôi bàn tay
Tóc em anh sẽ gọi là mây
Ngày sau hai đứa mình xa cách
Anh vẫn được nhìn mây trắng bay

Anh sẽ chép thơ trên thời gian
Lời thơ toàn những chuyện hờn ghen
Vì em hay một vừng trăng sáng
Đã đắm trong lòng cặp mắt em?

Anh sẽ đàn những phím tơ trùng
Anh đàn mà chả có thanh âm
Chỉ nghe gió thoảng niềm thương nhớ
Để lúc xa với đỡ nhớ nhung

Paris có gì lạ không em?
Mai anh về mắt vẫn lánh đen
Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm
Chả biết tay ai làm lá sen?...

Tháng Tám riêng

Khi em cởi áo nhọc nhằn
Cất son phấn chỗ rất gần xót xa
Anh xin ân huệ kiếp xưa
Xếp phong sương cũ với ngờ vực quen
Anh ru em ngủ cách riêng
Trời Tô Châu xuống, giấc hoàng điệp bay
Đắp lên mười ngón hao gầy
Cây trong giấc mộng mang đầy trái thơ
Trái Giang Nam những ngày mưa
Anh ru em ngủ giấc mơ phù kiều
Hải âm trả lại tiếng đều
Tiếng son sắt ở, tiếng vào thiết tha…

Thứ Sáu, 5 tháng 11, 2021

Nguyễn Đức Tường: Nhân chuyện hành hương thăm mộ Alexandre de Rhodes và vài chuyện khác

Thuở nhỏ học trường tỉnh ở thị xã Hải Dương, tôi thường được thưởng những tờ chuyện tranh kể sự tích các nhân vật lịch sử như Bà Trưng, Bà Triệu, Đại úy Đỗ Hữu Vị - Anh hùng Pháp-Việt, Cố Alexandre de Rhodes, vân vân. Nhờ vậy mà tôi tích được một tập chuyện tranh, quý hóa lắm, cố giữ mãi nhưng rồi cũng mất hết vì chiến tranh. Ngày ấy, những chuyện tranh này chắc phải rất phổ biến, được phát cho học trò trong khắp nước bởi vì, bao nhiêu chục năm về sau, trong một dịp nào đó tôi kể chuyện, viết “Đại Đỗ Hữu Vị...” một bạn học cũ cùng lớp ở trường Khải Định (nay là Quốc Học, Huế) đọc thấy, bèn gửi email hiệu đính, “Đại úy Đỗ Hữu Vị - Anh hùng Pháp-Việt. Ngày ấy, dân ta đã làm gì có đại tá?” Thì ra bạn tôi cũng có cùng tờ chuyện tranh. Cũng được thôi, ông sĩ quan trong tranh đứng cạnh chiếc máy bay đang bốc cháy, trông rất điển trai, mặc quân phục, đầu đội képi, nhưng tôi không biết ông anh hùng như thế nào. Xin lỗi người Anh hùng Pháp-Việt, phải kéo cấp bậc của ông xuống mấy nấc.

Nhưng với Alexandre de Rhodes thì khác. Qua chuyện tranh, tôi được biết ông là người đã cho dân Việt ta chữ Quốc ngữ, một công ơn vô cùng to lớn vì nhờ thứ chữ viết này mà một người Việt trung bình có thể học để biết đọc, biết viết trong vài tháng. Tôi biết thế vì mẹ tôi cho tôi chơi với bộ chữ abc... dạy tôi chắp chữ đánh vần năm tôi chừng 4 tuổi. Sau vài tháng, một hôm bố đi làm về, mẹ bảo tôi biểu diễn đánh vần cho ông xem, khiến ông ngạc nhiên hết... lớn. Cho đến nay, tôi vẫn còn mơ hồ nhớ lại mùi gỗ thông thơm ngọt của bộ chữ.

Nhờ có chữ Quốc ngữ mà năm 1946, ngay trong chiến tranh chống Pháp giành độc lập, nạn mù chữ có thể nói hầu như được xoá hết ở Việt Nam, hay ít nhất ở quanh tỉnh Hải Dương và Thái Bình nơi tôi được trực tiếp trông thấy, tản cư, chạy giặc từ làng nọ sang làng kia. Không ai thật sự bị bắt buộc nhưng ông già, bà cả được khuyến khích đi học đánh vần. Bằng phương pháp chủ yếu dựa vào tâm lý làng xã của dân ta nếu so với tiêu chuẩn ngày nay mạnh mẽ kêu đòi nhân vị, nhân quyền... có lẽ sẽ bị coi là xúc phạm, thế nhưng ngày đó lại rất được việc. Thỉnh thoảng người ta cho dựng trên đường cái ở đầu làng hai cái cổng tượng trưng cạnh nhau, với tấm bảng to tướng viết những chữ i, tờ...[1] Ai đánh vần được thì đi qua cổng lớn, không đánh vần được thì đi qua cổng nhỏ! Không mấy người muốn đi cổng nhỏ. Riêng tôi, khi ấy mới vào trung học, nhưng cũng hào hứng cố dành thì giờ đọc chính tả cho vài dân làng người lớn trẻ con viết, ít dòng thôi song cũng gọi là chút lòng đóng góp. Đó là những ngày vui tôi không bao giờ quên mà trái lại luôn luôn ghi nhớ ơn sâu của Alexandre de Rhodes.

Đỗ Hồng Ngọc: Nghĩ về “Tập sách Cái cười & Sự lãng quên” (Tiểu thuyết Milan Kundera, Trịnh Y Thư dịch)

Đó là cuộc truy tìm bản ngã con người để từ đó rất có thể lóe lên luồng sáng mới mẻ cho ta thấy rõ hơn cái ẩn mật của hiện tồn. (Kundera)

Je pense donc je suis… (Descartes).

Mà vì hình như, suy nghĩ một mình không thể tìm ra bản ngã, tác giả phải tạo ra nhiều mình khác qua nhân vật, gọi là tiểu thuyết để cùng đi tìm: tìm trong cái phông nền lịch sử, trong tình dục, trong tình yêu, hạnh phúc, đớn đau…

Nhân vật trong tiểu thuyết tôi là những khả thể vô thức của chính tôi (Kundera). Bởi cuối cùng là để vượt ra, vượt qua: một cái đường biên mong manh mà mênh mông đó. Ở đó, Bên kia đường biên “bản ngã” của riêng tôi chấm dứt (trang 19). Nghĩa là đạt đến vô ngã / non-self (không phải no-self).

Cái đường biên đó do chính tác giả tạo ra cho mình và loay hoay tìm lối thoát, càng tìm lối thoát càng bị quấn chặt. Chỉ vượt ra, vượt qua (Gaté, gaté…paragaté…) đường biên khi có được trí Bát nhã (Prajna) thấy được ngũ uẩn giai Không, mới “độ nhất thiết khổ ách”.

Diễn viên, kịch sĩ cũng sắm nhiều “bản ngã” cho mình, như lúc sắm vai vua, lúc sắm vai ăn mày… nếu “thức tỉnh” cũng dễ vượt thoát. Nhà viết tiểu thuyết còn có ưu thế hơn: tiểu thuyết nói được những điều mà chỉ tiểu thuyết mới nói được (Kundera). Hài hước, châm biếm, ẩn dụ, châm ngôn, giả định, khoa đại, bông lơn, gây hấn, huyễn hoặc,… và dĩ nhiên cũng không tách khỏi cái “vòng tròn ảo diệu bao quanh đời sống” dù giãy nảy: Tiểu thuyết gia không phải là kẻ hầu của sử gia (Kundera). Cái “vòng tròn ảo diệu bao quanh đời sống” đó dù làm người ta nôn ói, người ta bị điều khiển ngay cả cách làm tình thì cũng đã tạo cái cớ cho tiểu thuyết gia vung chiêu. Dĩ nhiên lịch sử chỉ là… những lời nói dối (thơ ĐN).

Chỉ có một cách thoát, như Vạn Hạnh thiền sư dạy đệ tử hơn ngàn năm trước:

Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô
(Vạn Hạnh thiền sư)

Nhất Linh: Cô Thi Thi



"Cô Mùi ơi, cầu gẫy rồi!"

Mùi đương ngồi khâu ở trong buồng, ngừng tay và ngửng lên nghe ngóng.

"Tiếng ai như tiếng bà Ký Ân. Cầu gẫy rồi, anh Siêu ạ".

Siêu nằm ở giường bên cạnh đương thiu thiu ngủ trưa, thức giấc ngồi nhỏm dậy:

"Thế à? Cầu gẫy rồi à?"

Mùi nhìn Siêu và không giữ nổi nhếch mép mỉm cười; nàng thấy Siêu vẫn lo cầu gẫy mà sao lúc nghe tin cầu gẫy Siêu lại tươi hẳn nét mặt lên như thế kia. Siêu nói tiếp:

"À nhưng cô có mê ngủ không. Nước lụt thế này mà bảo có tiếng bà Ký Ân!"

Mùi nghĩ đến chỗ đó, hơi ngơ ngác; có lẽ nàng đã mơ chăng.

"Cô Mùi ơi..."

Siêu nói:

"Có tiếng bà ta thật. Mà như nói ở trong vườn. Lạ nhỉ?"

Hoàng Quân: Chợ trời làng Rất Gần

Chủ Nhật tươi hồng, xóm nhỏ nơi tôi ở bỗng rộn ràng, nhộn nhịp, khác hẳn với những Chủ Nhật im ắng thường lệ, là ngày nghỉ ngơi của mọi người. Xóm tôi nằm cuối làng Rất Gần (Rödgen đọc tiếng Đức nghe giống như “Rất Gần”), thuộc thành phố Bad Nauheim, một thành phố nghỉ dưỡng xanh tươi gần Frankfurt, miền trung nước Đức. Nhìn qua cửa sổ, hai người con của nhà bác đối diện lăng xăng dựng bàn, bày những món đồ dùng, đồ chơi của trẻ con. Vợ chồng láng giềng cạnh nhà khệ nệ khuân mấy thùng đĩa hát, thùng sách để trước cửa. “Ô, chợ trời hàng năm của làng”. Sực nhớ, tháng trước, lúc tôi đang lúi húi trồng cây, chị hàng xóm bên vườn kia nói vọng sang: “Chủ Nhật đầu tháng tới, làng mình có chợ trời.” Ý chị hàng xóm nhắc dịp dọn dẹp, tống tiễn bớt đồ đạc trong tầng hầm, nhà kho. Tôi ghi vội trong trí ngày tháng, để nhớ, không vắng nhà trong cuối tuần “quan trọng” này. Thật ra, tôi chưa hề nắm lấy thời cơ chợ trời để nhẹ gánh. Ngược lại, tôi ưa đi loanh quanh. Thấy món gì ngồ ngộ, hay hay tôi lại tha về. Theo nhận xét của chồng tôi, là mang về cho bụi có chỗ bám.

Làng nhỏ, suốt “đại lộ” xuyên qua làng, có hai gia đình Á châu: gia đình em gái tôi ở đầu đường, gia đình tôi ở cuối đường, ở giữa khoảng một trăm nóc nhà. Chúng tôi quen với chừng mươi gia đình trái phải gần nhà, nhưng cả làng hầu như ai cũng biết nhau. Trời đẹp, nhẩn nha đi dạo, ai nấy xởi lởi cất tiếng hỏi: “Wie geht's? Khỏe không?” Bâng quơ câu chuyện thời tiết, nói trông trổng, bởi, lắm lúc chẳng rõ tên họ người đối diện.

Cô Ba Điệu và cô Tư Đẹp dàn hàng trong sân. Tôi không biết tên hai cô, mặc dầu vẫn í ới chào nhau “Halli hallo” khi thấy nhau ngoài đường. Bởi thế, tôi đặt tên cho các cô theo mắt quan sát của tôi. Trên mấy bàn dài lủ khủ nhiều chai hũ lọ, các loại bình hoa. Tôi chú ý vài nhạc cụ đơn giản. Có lẽ quà lưu niệm từ những chuyến du lịch. Mắt tôi dừng lại ở cái lục lạc bằng trái dừa khô, trên vẽ những chấm li ti. Tôi mỉm cười, nghĩ thầm: “Ô, được quá! Cho làm bạn với những nhạc cụ dân tộc tôi mang về nhà từ những chuyến đi làm ở Phi châu”. Cô Ba Điệu nhanh nhẩu:

-Cái lục lạc này đã đi đoạn đường rất dài, từ Úc lận. Tiếng của nó ấm, nóng. Cát và sỏi vụn của núi lửa trong đấy.

Vừa nói, cô vừa lắc nhẹ lục lạc, rồi đưa cho tôi. Qua vài phút “thương lượng”, cái lục lạc đổi chủ. Tôi vui vẻ:

Phong Tử Khải: Dẫn Ngôn (Nguyễn Văn Thực dịch từ nguyên văn chữ Hán.)

引言
Dẫn Ngôn
豐子愷
Phong Tử Khải

1.

Tôi thấy dường như trái tim con người có một lớp bao bì. Chất liệu và trọng lượng của lớp bao bì này khác nhau tùy người. Có người có trái tim dường như được bao bọc bởi một lớp vải mùng, che sơ sơ, và người ta có thể thấy dáng dấp chân thực của trái tim màu đỏ lung linh ẩn ẩn hiện hiện. Có người có trái tim được bao bọc bởi một lớp giấy, thoạt nhìn thì mặc dầu không thể thấy, những nếu rờ nhè nhẹ, có thể cảm thấy được. Rồi có lúc giấy phải rách, tim lộ ra đỏ thắm. Có người dùng bao bì bằng sắt, thậm chí dùng tám chín lớp. Làm gì thì làm, người ta cũng chẳng sờ tới được, chẳng phá ra được, và dáng dấp của trái tim, làm gì thì làm, vẫn không hiển lộ ra được.

Trái tim của Chiêm Chiêm 3 tuổi của nhà chúng tôi, chẳng bao bọc gì, ngay cả bởi một lớp vải mùng. Tôi thấy trái tim của nó thường trần trụi mà tươi đỏ.*

* Bài này chọn những tuỳ cảm rời rạc của tác giả mà thành, chứ không viết một mạch.

2.

Khi chuyện trò, người ta hay dùng lời, nghĩ ngợi trước sau, thủ thế chặt chẽ, tính toán cặn kẽ, như chơi cờ tướng. Tôi thấy thật căng thẳng, thật dễ sợ, nên tôi chỉ biết nín thinh.

Làm sao mà có được những người bạn khi chuyện trò không dùng thủ pháp đánh cờ tướng, mà buông mà phơi tim mình ra cho ta thấy, như đoá hoa nở ra trong ánh sáng mặt trời.

3.

Trong luống hoa tôi gây giống ba nhánh đậu ván. Tôi cấy chúng vào một xẻo đất trống, và rồi dùng các nhánh tre làm một cái giàn để chống và chư chúng. Mỗi ngày, sáng sớm, tôi sửa sang cho ngay ngắn nhành lẫn lá, ngắm chúng tươi tốt phơi phới, lòng tôi tự nhiên cũng cảm thấy hứng thú.