Thứ Sáu, 15 tháng 10, 2021
Ngự Thuyết: Ra Đi (Trích từ MẸ, xuất bản 10/2021, thêm nhan đề)
Một buổi trưa mùa đông. Trời lạnh lẽo dù vẫn còn sót chút nắng vàng vọt, yếu ớt. Đã ba mươi ta, năm hết tết tới. Làng xóm vắng teo. Mọi người đều lui cui quanh quẩn trong nhà lo sửa soạn đón ngày Tết Nguyên Đán. Học trò con nít, khách hàng nghèo nàn thường xuyên của mẹ, đã nghỉ học, mẹ vẫn nách rổ khoai sắn một mình đi lang thang như người lưu lạc ngay trong làng xóm của mình. Không biết đi đâu, không mục đích.
Ở nhà thì buồn quá. Bất cứ cái chi, nơi cánh cửa, góc xó bếp, trên bàn thờ, dưới mái tranh, trong chiếc phản, ngoài sân cỏ, cũng đều nhắc nhở tới hình bóng của chồng, của con. Đi ra ngoài đường khuây khoả hơn. Thì phải đi. Hơn nữa, biết đâu lại “gặp mối”, kiếm thêm năm đồng ba trự đỡ khổ.
Đôi chân uể oải, rã rời, tuy nhiên, cũng còn đủ sức đưa mẹ tới nơi nghỉ trưa quen thuộc hàng ngày.
Mẹ đặt rổ khoai sắn ngay dưới gốc cây bàng cành lá xác xơ. Vài ba con kiến mon men bò tới ngay. Mẹ lượm một chiếc lá bàng rụng đỏ ối cầm khua khua đuổi mấy con kiến đi chỗ khác. Chúng lì lợm, bò ngay lên chiếc lá đang xua đuổi chúng. Mẹ ném chiếc lá đó về phía gốc cây bàng, lượm lá khác để đuổi kiến. Mẹ không muốn sát sanh. Mẹ luôn luôn nghĩ rằng mình tu nhân tích đức, không giết hại ai cả, dù một con kiến, thì con sẽ mau thoát được mọi hiểm nguy để về với mẹ.
Đằng sau cây bàng, một cái miếu nhỏ bỏ hoang lâu ngày. Mái ngói nhiều nơi đã vỡ; bốn tường đều rêu phong, nứt nẻ; bàn thờ không đèn, không bát nhang, vôi loang lổ lâu ngày xám, đen. Một con chim bé nhỏ từ trong vòm cây bỗng kêu lên mấy tiếng, rồi vụt bay đi, bay xa, bay qua bên kia con hói. Chim chi rứa, mẹ không biết tên. Mẹ nhìn theo cho đến khi mất dấu chim bay, rồi ngồi bệt xuống đất trong lòng chiếc nón lá rách.
Mẹ có nhớ rõ bữa ni ba mươi Tết. Không chừng con chim nó muốn nhắc mình đi qua cồn mồ thăm “ba hắng”. Mà nhắc nhở như rứa là “dư hơi” thôi, mẹ nói lên thành tiếng. Vì chiều ni ba mươi Tết làm răng mình không qua được, mà còn nhắc khéo. Tức cười, mẹ lầm bầm nói chuyện với con chim đã bay xa. Khi không có ai trước mặt, mẹ thường nói năng lẩn thẩn như người mất trí.
Như thường lệ, vào buổi trưa, nơi đây vắng, mẹ tới ngồi nghỉ mệt một chốc trước khi nách rổ khoai sắn đi bán nơi khác. Hôm nay mẹ biết là không buôn bán gì được, nhưng đôi chân mẹ cứ đưa mẹ tới nơi này. Từ đó nhìn qua khỏi con hói, như nhìn theo dấu con chim vừa bay đi, mẹ thấy cồn mồ, và nhập nhoè những ngôi mộ rải rác. Đấy là chốn về vĩnh viễn của anh, phải không anh. Gọi “ba hắng” là anh như lũ con cháu gọi nhau nghe cũng hay hay, mẹ bắt đầu làm quen cái lối đó. Và chỉ gọi khi một mình.
Thế nào gió lốc cũng nổi lên. Cồn mồ mà, thường có gió lốc lắm. Lúc còn là con gái, mẹ nghe nói khi gió lốc vừa tụ lại cuốn quanh chưa kịp bay lên cao, lấy cái nón lá úp nó lại. Giở ra sẽ thấy có hòn máu còn tươi. Không có ai úp nón, bụi cát sẽ theo cơn gió bay là là trên mặt đất trông như đám sương mù màu vàng tái dày đặc. Như con quái vật khổng lồ trườn bò lên trên những nấm mồ lẻ loi, quạnh quẽ. Xóm làng quanh đây đều nghèo, mồ mả toàn là những nấm đất thấp lè tè, cỏ cú mọc tràn đìa. Không thấy ngôi mồ nào được xây bằng gạch hay đá như mộ của “ba hắng”.
Ngày còn con gái, mẹ sợ ma quỷ vô cùng. Có chồng mẹ vẫn còn sợ, bị “ba hắng” chọc quê hoài. Một hôm, vào một buổi tối cũng gần đến ngày Tết, “ba hắng” đứng sau chuồng gà rình hù mẹ, hù nhỏ thôi, khi mẹ đi ra đó tướt thêm một ít lá chuối đem vô gói bánh tét. Mẹ tưởng ma, sợ hết hồn, ngất xỉu. “Ba hắng” khiếp đảm, bồng mẹ vô nhà, săn sóc mẹ như săn sóc người đau “bịnh trượng”. Thức suốt đêm vỗ về, nước nôi, xoa bóp, thiếu đường muốn ru mẹ như ru “thằng chó”.
Sáng hôm sau vừa mới mở mắt, bỏ cả mọi việc như dọn dẹp nhà cửa, lau bàn thờ, chùi đồ đồng, chuẩn bị Tết, “ba hắng” chạy ra hai, ba chợ - ba mươi Tết chợ mô cũng vắng người bán cũng như người mua - tìm mua cho đủ cua, trứng, thịt luộc, đem về sắp vô một cái dĩa lớn, thắp mấy cây nhang, rồi mang ra đặt giữa cươi đã xuốc dọn sạch sẽ, cúng vái cho mẹ “hoàn hồn”.
Nhưng từ khi “ba hắng” mất, mẹ hết sợ ma. “Ba hắng” cũng đã là ma rồi, chắc chắn không tìm cách hại mẹ đâu. Thương yêu, phù hộ nữa là khác, mẹ ngẫm nghĩ.
Trưa nay, mẹ ngồi một mình, đúng ngọ, không gian bao la, tịch mịch, tức là vào thời khắc nghe nói hồn ma bóng quế ưa lảng vảng về nơi dương thế. Mẹ mong trong đám bụi bay là là trên mặt đất kia có “ba hắng” lẩn quất. Nhiều lần em tưởng như thấy anh múa may, đùa giỡn, cười cợt với em, hay hai tay nắm tao nôi đưa tới đưa lui, mắt liếc xéo, miệng “noái chữ”. Mẹ chắp hai tay, lầm rầm khấn vái. Rồi thầm rủ “ba hắng”, Anh hãy cùng em quay về thăm lại những năm tháng cũ.
Ngày xưa đơn sơ, dễ dãi, thân yêu. Sống tự nhiên như hít, như thở bầu không khí quanh mình. Như cây cỏ mơn mởn khắp xóm, như vườn cau xanh, như cây nhỡn với đàn ong kêu vù vù, như tiếng gà gáy trưa nao nao, như con mèo con chó quấn quýt, như con hói lặng thinh đón chờ những con chuồn chuồn ớt đỏ rực bay tới “đạp nước”. Chúng thường nhúng cái đuôi xuống mặt nước lặng lờ làm gợn lên những vòng tròn nhỏ đồng tâm. Làm chi rứa? Cho mát hả, mẹ bỡ ngỡ hỏi, rồi bùi ngùi nghĩ tới câu hò, “Chuồn chuồn đạp nước kim cang/Bên em mở cửa anh sang ...” mà cho đến bây giờ mẹ vẫn không hiểu muốn nói gì. Phải chăng đó là chuyện trai gái hẹn hò lén lút? Mẹ tiếc rằng khi “ba hắng” còn sống mẹ quên hỏi. “Ba hắng” qua đời, những câu hò chết theo. Trên con hói đó, thỉnh thoảng thấy ông già ốm o chèo lá thuyền nhỏ xíu lộn lui lộn tới, giở lên, đặt xuống mấy cái rớ cất tôm, cất tép. Mẹ buồn rầu nghĩ đến thời gian trôi, chắc chắn ông già ấy cũng không còn ở trên đời này nữa.
Xưa nghèo mà vui. Nhưng ngày vui sao ngắn quá. Nhớ lại, hạnh phúc nhất là lúc về ở với chồng. Thương chồng, chồng thương. Rồi sinh con đẻ cái. Và thằng chó bụ bẫm, chân tay đạp chọi thường văng cả cái khăn đắp, miệng gù gù cùng bầu sữa. Và đứa con gái xinh tươi, ngoan ngoãn, ưa khóc nhè, con ẹo. Và “ba hắng” ưa chọc ghẹo, hóm hỉnh, chữ nghĩa, tứng từng, hát hò, đối đáp. Có phải không, “ba hắng” thương tui như thương con mà cũng thương tui như thương vợ. Mà cũng thương tui như thương mẹ. Ô, em lại nói hỗn rồi, anh đừng giận nghe anh.
Nay cuộc sống ngược ngạo, độc ác, tan tác, khó khăn, khổ sở, hoang mang. Anh không còn, thằng chó cũng “không biết ra răng cả” như mẹ thường trả lời khi có người tò mò hỏi. Đứa con gái và chồng con vượt biên lâu ngày không tin tức. Nước mắt mẹ lại tuôn ra nhỏ thành giọt xuống vạt áo vá. Đám bụi mờ bên cồn mồ trông càng nhoè nhoẹt qua làn nước mắt. Mặc. Không ai thấy, cứ để nó chảy dài xuống má, xuống cằm, thấm vô áo, vô lồng ngực héo hon thổn thức.
Bỗng một bóng người lấp ló sau cái miếu cũ. Rồi ào ào xông ra như cơn gió lốc. Mẹ chết khiếp.
Nhưng coi tề, Ôn, Mệ ơi! Trời, Đất, Phật, Thánh ơi! Thằng con trai của tui! Chớ không phải ma. Mẹ bật người đứng dậy. Hai mẹ con ôm chầm lấy nhau. Mẹ nghẹn ngào, khóc không ra nước mắt. Rồi nỗi xôn xao từ trong lòng tự nhiên bật ra thành tiếng:
“Thiệt là có Trời có Phật. Có ... có ba hắng nữa... ngó lại!”
Thằng con suỵt suỵt:
“Răng mạ la to dữ rứa. Mạ nói nhỏ nhỏ lại một chút đi!”
Mẹ nhìn quanh. Không một bóng người. Mẹ quay nhìn kỹ thằng con hơn. Con trai của mẹ mới đó, mới xa nhau mấy tháng, mà trông đã khác đi nhiều. Da mặt sần sùi và đen sạm lại, trên trán lờ mờ những nếp nhăn, hai mép những vết hằn, cằm lún phún râu, đầu tóc lởm chởm, mà lạ chưa, đã có sợi bạc. Hồi nãy ôm con thấy nó ốm o xương xóc như khô cá sặt, và có mùi hôi ... dễ chịu. Nhưng cặp mắt con răng buồn rứa làm mẹ xót xa cả dạ. Trước kia tươi tắn, thông minh, láu lỉnh; nay u ám, lờ đờ, đắng cay, chịu đựng. Nhưng lạ quá, thỉnh thoảng nó rừng rực lên như mắt giặc.
Mẹ thở dài, ngó xuống đôi dép râu của con, thì thầm:
“Con ơi, chừ về nhà ngay nghe. Ở đây nguy hiểm lắm. Mạ bỏ bán buổi chiều nay. A, mà cũng ba mươi Tết rồi.”
Thằng con lắc đầu ngay:
“Không, không được mô.”
Mẹ ngạc nhiên:
“Răng rứa?”
Nó chồm tới, nói bên tai mẹ:
“Chắc chắn tụi nó có đặt người rình sẵn tại nhà mình để bắt con. Con dò mấy hôm biết mạ hay tới đây bữa trưa. May quá, may quá. Hôm nay lén về đây gặp được mạ liền.”
Mẹ thở dài nhẹ nhõm. Nước mắt mẹ bây giờ mới bắt đầu tuôn ra thành dòng. Mẹ kéo vạt áo lau nước mắt, miệng mấp máy định nói thêm. Đứa con chận lại:
“Khoan, khoan. Để con nói tiếp. Ngày giờ gấp rút quá rồi. Con đem mạ đi trốn.”
“Hả? Hả? Răng lại đi trốn? Trốn cái chi? Khi mô?”
Thằng con trai vẫn còn giữ tính ưa bắt bẻ:
“Trốn là trốn chớ còn trốn cái chi nữa. Trốn ngay tối nay. Con có đường dây.”
“Đường dây là cái chi?”
“Thôi, mạ đừng hỏi nữa. Tối nay đi.”
Mẹ buột miệng hỏi tiếp:
“Đi mô?”
“Vượt biên.”
Mẹ hoảng hốt định la to lên, nhưng nửa chừng kịp bụm miệng lại nén giọng xuống:
“Vượt biên? Nghe người ta nói vượt biên là đi xa lắm. Mô được con ơi. Còn bàn thờ ba ở nhà ai lo. Còn nấm mộ ba bên tê ai săn sóc, nhổ cỏ. Mạ không đi mô cả.”
Thằng con nổi cáu:
“Mạ không chịu đi, tui cũng phải đi một mình. Ở đây trước sau chi tui cũng sẽ bị bắt. Lại bị tống vô tù. Bị bắn chết không biết chừng. Mạ không muốn con sống hay sao?”
Mẹ nghe nói hoảng hốt, lòng dạ rối bời. Nghĩ đến cái bàn thờ hương tàn khói lạnh, ngôi nhà tranh không người ở sẽ mau mục nát, ngôi mộ không ai coi ngó sẽ bị cỏ lấp kín, trâu bò dẫm nát. Rồi sẽ bị san bằng như những nấm mồ hoang. Và rổ khoai sắn ... Nước mắt mẹ lại tuôn ra.
Thằng con sốt ruột:
“Mạ ơi, con phải đi ngay đêm nay. Nhưng con không muốn, không thể đi một mình. Liều lén về đây tìm mạ. Mạ con mình còn ai thân thích trên đời này nữa đâu.” Đứa con quay ngoắt đầu tránh cái nhìn thê thảm của mẹ. Và cũng không muốn mẹ thấy mình mềm lòng.
Mẹ ngập ngừng. Buồn bã chỉ tay qua phía cồn mồ, rán hỏi thêm:
“Ba con còn nằm đó, ... mạ bỏ đi răng đành hả con?”
Người con nổi nóng, đưa hai tay nắm chặt lấy vai mẹ day mạnh, và nói như hét, quên cả chính mình đã ngăn không cho mẹ nói to:
“Không còn ngày giờ nữa. Mạ không chịu đi thì tui đi một mình. Nhất định đi một mình.”
Nói xong anh đẩy mẹ ra, hơi mạnh tay, mẹ lảo đảo. Anh quay người bước nhanh khuất sau miếu. Mẹ vội cúi gập người xuống bưng rổ khoai sắn lên tất tả chạy theo. Vấp ngã, sút một tay, khoai sắn đổ lăn lóc trên đám cỏ mọc cao. Mẹ ngồi bệt xuống đất hai tay quờ quạng tìm tòi, môi run run như muốn nói gì mà không nói ra được, cặp mắt vô hồn như kẻ đã mất trí. Quơ vội không được củ nào, mẹ đứng dậy, tay cầm xuôi cái rổ không, ngó quanh ngơ ngác, run rẩy. Mặt mẹ tái mét, không một hột máu, tiếng rú âm u trong cổ họng vang lên như tiếng kêu thương của một con thú hoang, không còn là tiếng người nữa.
Anh từ chỗ núp sau lùm cây hoảng hốt bước vội đến mẹ vỗ về:
“Mạ sao vậy?”
Mẹ mừng rỡ buông chiếc rổ rớt xuống đất, hai bàn chân nứt nẻ nhón lên, hai bàn tay gầy ôm choàng lấy cổ con, nức nở. Anh thì thầm, cố nén xúc động:
“Mạ thấy chưa, mạ con mình không thể nào xa nhau. Mạ ơi, còn có cách ni. Con qua mộ ba hốt vài nạm đất. Mạ về nhà một mình lấy tấm hình của ba trên bàn thờ. Mang hết cả đem theo.”
Mẹ như người chết đi sống lại, buông con ra, bước lui một bước, chăm chú nhìn lại con từ đầu tới chân. Nở một nụ cười hiếm hoi, mẹ dịu dàng hỏi:
“Mà vượt biên đi mô? Xa không con? Đi gần nghe. Ra ngã Quảng Trị hay vô trong Quảng Nam hả con? Cả đời mạ chưa khi mô đi xa đất Huế.”
Anh trả lời cố nén gắt gỏng:
“Mạ nói chi lạ rứa. Vượt biên phải đi xa, xa lắm. Chạy trốn gần thì trước sau chi cũng bị tóm cổ. Cứ ra biển cái đã rồi tính sau. Gặp đảo ghé đảo. Gặp tàu lên tàu. Miễn sao trốn thoát khỏi cái đất nước khốn nạn này.”
Mẹ đã lấy lại bình tĩnh, dè dặt hỏi:
“Tới những nơi mà mình không biết tiếng biết tăm của người ta thì mình cũng như người câm, người điếc. Con ơi, làm răng?”
Anh cau mày, gắt giọng:
“Không răng cả. Không biết tiếng thì đừng nói, đừng nghe. Người câm, người điếc ở nước họ vẫn sống được như thường.” Dịu giọng lại. “Mạ yên tâm, con sẽ nuôi mạ.”
Mẹ âu yếm nhìn con, nói khẽ:
“Rứa là con sẽ đi làm. Mạ ở nhà đi chợ nấu cơm con ăn.”
Rồi mẹ thở dài, mắt nhìn xa như mắt con dê dốc Nam Giao năm nào, nói một mình, Thôi con muốn răng tuỳ con. Con muốn đi mô cũng được. Con đi mô mạ đi theo nấy.
Mẹ muốn hỏi thêm nhiều chuyện ấm ức khác, nhưng sợ làm bực bội thằng con ưa cáu kỉnh, hay lý sự.
Cả hai mẹ con tự nhiên khựng lại một hồi lâu, không nói gì thêm. Vài ba chiếc lá bàng vàng vọt hoặc đỏ ối rụng xuống lên mái của cái miếu đổ nát. Có chiếc nằm lại đó, có chiếc lăn xuống đất. Những cành cây bàng trông càng khẳng kheo, như trơ xương. Một cơn gió thổi mạnh. Thêm vài chiếc lá bàng rơi xuống cạnh chỗ hai mẹ con đứng. Cũng có chiếc bay xa, bay rớt xuống trôi theo dòng nước chảy lờ đờ, hoặc bay ngang qua con hói, tới vùng mồ mả.
Mẹ buồn rầu ngẫm nghĩ. Chắc xứ người cũng có chợ búa, có đò dọc đò ngang. Có cây cau, cây chuối, cây tre. Có ruộng nương, sông hói, đình, chùa, mồ mả. Mà cau có cũng tốt, không có cũng đành chịu, quen rồi.
Mình như cây cau Nam Phổ đứng một mình, không ai thèm đoái hoài tới. Bông không người ngó, trái không người hái.
Nhưng chắc phải có cây tre. Mô mà lại không có tre. Tre đeo dính với người. Tre làm được đủ thứ chuyện. Làm đũa ăn, làm cột nhà, làm phên. Làm nia, làm thúng, làm mủng, làm quạt, làm rổ, làm cán dao, làm cầu, làm củi ... Và làm đòn gánh. Mẹ nghĩ đến câu hò, “Cực thì đòn gánh đè vai. Chớ để cho ai nặng nhẹ ...”
Nghĩ đến gánh bánh canh, rồi rổ khoai sắn, và những đứa học trò con nít thiệt dễ thương. Khi “thằng chó” lớn lên, mẹ mong nó có vợ, có con, để mẹ có cháu mà bồng mà bế. Chưa có, thì thương học trò con nít, và trẻ em hàng xóm như thương cháu. Xa chúng nó, chắc chắn mẹ cũng nhớ chúng nhiều. Có đứa không có tiền mua quà ăn, đứng một xó ngó quanh, làm như không chú ý chi cả. Thì mẹ cho. Nó rụt rè mãi mới ngửa hai bàn tay nhỏ xíu cầm lấy củ khoai, củ sắn nấu nguyên vỏ. Vỏ khoai mẹ rửa sạch nấu ăn cũng ngon. Nhưng vỏ sắn, mẹ nói với nó, độc lắm, dù đã nấu chín. Quăng đi. Nó ngần ngại một chút, tiếc rẻ, rồi cũng nghe lời mẹ, quăng.
Mẹ nghĩ đến những ngày xưa xa thật xa, thật êm đềm, lúc còn ba hắng ru em “noái chữ”, mình thì róc cau. Rồi lúc thằng con trai chăm chỉ ăn học, đứa con gái ưa hổ ngươi, mau nước mắt. Lúc cây nhỡn đâm bông kết trái và những đàn ong bay về vù vù suốt ngày. Rồi mẹ nghĩ đến mái tóc có nhiều sợi bạc, hàm răng đen cạo trắng, và tương lai mù mịt.
Mẹ ngập ngừng, phá tan cái im lặng từ nãy đến giờ:
“Rứa có xa bằng nơi em con ở không con?”
Anh lại quắc mắt, cố dịu giọng:
“Xa hơn. Xa hơn nhiều”. Nhìn trời ngẫm nghĩ. “Mà vợ chồng nó cũng không còn ở An Giang, Châu Đốc nữa đâu. Chúng nó đã vượt biên lâu rồi, tới ở nơi mô không biết, khi con chưa vô tù. Mạ quên chuyện đó rồi sao?”
Anh thở dài, nói tiếp:
“Chẳng biết tụi nó sống chết ra răng.”
Mẹ ôm ngực nấc lên một tiếng, vội lập cập đáp:
“Còn sống, còn sống. Chắc chắn còn sống.”
“Răng mạ biết.”
“Mạ nằm thấy. Nằm thấy nhiều lần.”
Mẹ còn muốn nói thêm nhiều mà cứ lấm lét ngó thằng con trai kỳ khôi. Còn lắm chuyện muốn nói quá mà. Mẹ nói thầm trong bụng, “Tết nhứt răng cứ đeo đuổi tui hoài vào những lúc ngặt nghèo. “Ba hắng” bỏ mạ con tui mà đi vào dịp Tết, thì mạ con tui bữa ni ba mươi Tết lại được sum họp, rồi cũng bắt chước “ba hắng” mà ra đi. Trùng ngày với “ba hắng” rồi. Như rứa không chừng lại mau gặp nhau. Mà Trời Đất Phật Thánh ơi, gặp nhau nơi mô! Mẹ không dám nghĩ tiếp, vội chắp hai tay lâm râm khấn vái.
Bỗng mẹ buột miệng:
“Rứa khi mô về?”
Thằng con quắc mắt:
“Mạ nói cái chi rứa? Về mô?”
Mẹ muốn hỏi tiếp, Không lẽ đi hoài. Mà không dám hỏi. Mẹ nói trong bụng, Mình cứ tưởng khi mình già yếu ở yên một chỗ nơi ni với “ôn mệ và ba hắng”, để cho hắn con trai đi đây đi đó cho thỏa chí lâu lâu về thăm mạ một lần. Biết đâu lại đem về vợ, và bầy con cho mệ bồng. Chừ mình lại theo hắn ra đi. Mà đi mô? Nghĩ tới đó mẹ muốn ứa nước mắt, thổn thức. Vội vàng nói cho nhẹ lồng ngực:
“Nghe nói nước người ta đường sá dài lắm. Mà mạ không biết đi xe đạp. Làm răng, con?”
“...”
“Mình phải tìm thuê nhà gần chợ mà ở nghe con. Con có còn nhớ lời mạ nói đó hay không? Con đi làm thì mạ còn phải đi chợ, đi búa, nấu cơm cho con ăn ...”
Anh ngắt lời, nổi tính cà khịa:
“Ở luôn trong chợ cho gần càng tốt. Cho tiện việc sổ sách. Và mạ thì được làm luôn nghề quét, quét...”
Mẹ ái ngại nhìn con:
“Nghề quét chợ hả con?”
“Không,” anh nói như hét. “ Con không định nói rứa.”
Tối hôm đó đêm ba mươi Tết. Khắp mọi nơi, người ta lu bù tiệc tùng, rượu chè, ăn uống, đốt pháo, cúng giao thừa, tiễn năm cũ, đón năm mới. Một năm mới có một lần để tung hê thả giàn mà, cho nên việc canh phòng chắc chắn phải lơ là, lỏng lẻo, nhất là tại vùng biển vắng này. Anh nghĩ thế.
Hai mẹ con ngồi xổm núp sau một độn cát lùm lùm cao quá đầu người trên bãi biển Thuận An. Không trăng, không sao, không đèn, không một bóng người. Đêm đen mênh mông, rùng rợn, trùm lên vạn vật. Bỗng tiếng nói khe khẽ, ngập ngừng, run rẩy, “Ngồi đây ... lâu rứa ...làm ... làm ... làm chi hả con”, chưa thoát ra khỏi cửa miệng của mẹ thì đã bị gió biển đêm đánh bạt. Mà cũng lọt được vào tai đứa con ngồi bên. Và cũng đánh bạt ngay tiếng trả lời thì thầm của con, “Chờ ... chờ ... chờ đường dây ... chờ người ta ... tới dắt đi.”
Một khối đen đặc quánh, thăm thẳm, mịt mùng. Mắt không thấy gì, nhưng tai nghe xôn xao. Nghe tiếng biển gọi rì rào, âm u, miên man, bí ẩn như nó đã từng gọi người ta như thế hàng ngàn năm. Nó vang dội vào lòng đứa con quả quyết, dứt khoát. Nó thâm nhập vào lòng người mẹ lo sợ, hoang mang.
8/2018