Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2021

Đinh Quang Anh Thái: 'Vĩnh biệt bác Bùi Diễm'

Cựu Đại Sứ Bùi Diễm (Hình: Trần Triết)

Sáng sớm ngày Chủ Nhật 24 Tháng Mười 2021, điện thoại cầm tay có người gọi đến mà không thấy tên xuất hiện trên màn hình, chỉ có số vùng (202) Washington DC. Tôi alô, đầu giây bên kia tự giới thiệu là phóng viên ban Việt ngữ Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ VOA, muốn phỏng vấn tôi về tin cựu Đại sứ Bùi Diễm vừa qua đời.

Tôi sững người!

Rạng sáng hôm đó, trong lúc tìm các hình ảnh cũ để in vào cuốn KÝ 3 tôi đang viết thì thấy hai tấm hình tôi chụp ông Bùi Diễm, giáo sư Nguyễn Ngọc Linh và cựu Trung tá Nhẩy Dù Bùi Quyền ngồi uống trà tại quán Phở Nguyễn Huệ của ông Cảnh “Vịt” ở Quận Cam – Nam California. Một trong hai tấm hình là lúc ông Bùi Diễm hút thuốc lào do ông Bùi Quyền mời.

Cả ba người, giờ đây không ai còn.

Trả lời câu hỏi của VOA, tôi nói: “Cụ Bùi Diễm là người xuất thân từ đảng cách mạng Đại Việt. Sau đó cụ bắt đầu tham gia chính trường của Việt Nam với nhiều vị thế, từ bộ trưởng phủ thủ tướng cho đến đại sứ. Cụ có tấm lòng nhiệt thành của người làm cách mạng, có sự thận trọng cân nhắc của một người làm chính trị và có cách hành xử khéo léo của một nhà ngoại giao. Năm 1975 khi qua Mỹ, cụ tiếp tục là một tiếng nói đóng góp vào dòng chính để nước Mỹ hiểu chính nghĩa của Việt Nam Cộng Hòa. Đồng thời, cụ đi khắp nơi để trao truyền bó đuốc cách mạng cho những thế hệ trẻ về sau.”

Lâm Vĩnh-Thế: Nhớ Đại Sứ Bùi Diễm

Được tin Ông Đại sứ Bùi Diễm đã vĩnh viễn ra đi, lòng tôi không tránh được cảm xúc bùi ngùi và thương tiếc. Trước sau, tôi chỉ được gặp Ông có hai lần nhưng hình ảnh tốt đẹp, khả kính của Ông tôi sẽ không bao giờ quên được. Bài viết này là một nén hương lòng tôi kính dâng Ông, cầu nguyện cho Ông từ đây được yên vui và thanh thản trong Cõi Vĩnh Hằng.

Lần Gặp Gỡ Đầu Tiên


Mùa Thu năm 1971, tôi đang theo học chương trình Cao Học về ngành Thư Viện Học tại Đại Học Syracuse, tiểu bang New York, Hoa Kỳ. Lúc đó Ông Bùi Diễm đang là Đại sứ của Việt Nam Công Hòa tại Hoa Kỳ. Người anh lớn của một người bạn thân của tôi hồi còn học ở Trường Trung Học Petrus Ký, anh L.Q.M., lúc đó đang là một trong các vị Cố Vấn tại Tòa Đại sứ. Một hôm, trong một dịp lễ và được long weekend, tôi về Washington, D.C. thăm Anh M. Sáng hôm sau, một ngày Thứ Bảy, Anh M. có công tác đột xuất phải đến Trường College of William and Mary, tại thành phố Williamsburg, thuộc tiểu bang Virginia. Anh cho tôi đi theo để được dịp viếng thành phố cổ kính này của Hoa Kỳ. Trước khi đi, Anh M. chợt nhớ là còn quên giấy tờ gì đó nên Anh lái xe đến Toà Đại sứ để lấy. Tình cờ hôm đó Đại sứ Bùi Diễm lại đến làm việc (về sau tôi được Anh M. cho biết là Ông Bùi Diễm rất thường đến Đại Sứ Quán làm việc trong weekend vì trong tuần phần nhiều ông rất bận với các công tác bên ngoài Tòa Đại sứ nên không có thì giờ giải quyết các công việc, giấy tờ của Tòa Đại sứ), và vì vậy tôi được cái may mắn gặp ông, và tôi đã có một ấn tượng đầu tiên rất tốt về ông. Sau khi Anh M. giới thiệu tôi với ông, ông vui vẻ và niềm nở hỏi tôi học Đại Học nào và về ngành gì. Khi nghe tôi nói là học ngành Thư Viện Học ông có vẻ rất thích thú, bảo rằng Việt Nam mình bây giờ rất cần chuyên viên về ngành này, và chúc tôi học có kết quả tốt. Cuộc gặp gỡ của tôi với ông Đại sứ Bùi Diễm diễn ra rất ngắn, có lẽ chỉ độ 5 phút thôi. Gần 30 năm sau tôi mới có dịp gặp lại Ông lần thứ nhì.

Lần Gặp Gỡ Thứ Nhì


Lần gặp gỡ thứ nhì này của tôi với Ông Đại sứ Bùi Diễm diễn ra vào cuối tháng 3 năm 2000. Lần đó tôi đang dự một hội nghị tổ chức trong hai ngày, 31/March – 1/April, tại Vietnam Center, thuộc Trường Đại Học Texas Tech University, tại thành phố Lubbock, tiểu bang Texas.

Bùi Diễm: Lúc Còn Nhỏ, Đi Học (Chương 2 của cuốn Gọng Kìm Lịch Sử)

Ông thân sinh ra tôi là Bùi Kỷ. Ông vốn là một nhà nho phóng khoáng, phóng khoáng đến độ chẳng coi việc gì là quan trọng. Đối với ông thì trời có sập đổ xuống cũng chẳng thành vấn đề. Sống trong truyền thống của các cụ nhà nho, ông chọn bút hiệu là Ưu Thiên. Ưu là lo và Thiên là trời. Vì ngày xưa sách có ghi rằng người nước Kỷ thường hay lo trời đổ, tên ông lại là Kỷ, nên ông chọn bút hiệu là Ưu Thiên. Ông thường nói: “Những kẻ lúc nào cũng lo âu mọi chuyện là những kẻ dại” và trong một bài thơ mà nhiều người biết, ông viết rằng:

“Lo như ai cũng là ngốc thật
Lo trời nghiêng lo đất chông chênh
Lo chim bay lạc tổ quên cành
Lo cá lội xa ghềnh lạ nước
Hão huyền thế đố ai lo được
Đem gang tay đánh cuộc với cao dầy…”

Ngay khi còn trẻ, bố tôi đã có ý không muốn theo con đường của một số người thời đó là ra làm quan dưới chính quyền đô hộ Pháp. Ông tìm cách đi du học nước ngoài và năm 1912, ông sang Pháp rồi vào học Trường Thuộc Địa (Ecole Coloniale). Ở Pháp ông đã có dịp gần gũi làm bạn với các Cụ Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường và những lãnh tụ quốc gia thời đó, nhưng có lẽ bản chất của ông không phải là người làm cách mạng nên sau những năm ở Pháp, ông trở về Việt Nam và mở trường dạy học. Đã có lần, lúc tôi mới 11, 12 tuổi ông kể cho tôi nghe về những năm ông ở bên Pháp và bảo tôi rằng: “Những người như Cụ Phan Chu Trinh tranh đấu để nước ta có được một tương lai sáng sủa hơn và bổn phận của tất cả chúng ta là phải ủng hộ cuộc tranh đấu đó”. Như vậy lập trường của ông thật là rõ nét, nhưng với bản chất cố hữu của ông là đứng ngoài mọi việc, ông đã không chọn con đường hành động.

Bản tính cố hữu này có vẻ như đã ăn sâu thành cội rễ trong gia đình tôi từ lâu. Cụ nội tôi (Bùi Văn Quế) vốn làm quan trong triều. Sau khi đậu Phó Bảng, cụ ra làm quan và giữ chức Tham Tri Bộ Hình, lãnh Tuần Phủ Nam Ngãi – Thuận Khánh, nhưng đến năm 1882 thì cụ xin cáo quan để về quê làm ruộng và dạy học. Cụ cùng một thời với cụ Tam Nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến và cáo quan về trước cụ Nguyễn Khuyến hai năm. (Về sau này, người ta thường nhắc tới bài thơ “Gửi Bác Châu Cầu” của cụ Nguyễn Khuyến: “Mấy lời nhắn nhủ Bác Châu Cầu, Lụt lội năm nay Bác ở đâu! Mấy ổ lợn con nay còn mất! Vài gian nhà thóc ngập nông sâu!” làng Châu Cầu ở Phủ Lý là quê của giòng họ tôi).

Nguyễn Mạnh Hùng: Cuộc chiến Việt Nam dưới con mắt của một người trong cuộc

Gọng Kìm Lịch Sử là một cuốn hồi ký viết theo kiểu Mỹ dành cho độc giả người Việt. Nói vậy có nghĩa là cuốn Gọng Kìm Lịch Sử không phải chỉ ghi lại lời kể chuyện nhớ đến đâu ghi đến đấy, mà còn là một cố gắng tìm tòi dữ kiện, tra cứu sách vở, viện dẫn tư liệu để bổ túc thêm cho những điều mà chính tác giả chứng kiến. Cho độc giả ngoại quốc thì ông Bùi Diễm đã xuất bản cuốn In the Jaws of History viết chung với David Chanoff từ năm 1987. Gọng Kìm Lịch Sử là cuốn sách viết cho độc giả người Việt. Tuy có lập lại những điểm chính trong cuốn sách Anh ngữ, nhưng Gọng Kìm Lịch Sử không phải là bản dịch của cuốn sách ấy. Đây là cuốn sách được viết hẳn lại, khai triển và đưa ra nhiều chi tiết hơn, những chi tiết mà độc giả người Việt quan tâm. Đây là một cuốn hồi ký, qua câu chuyện cá nhân, tóm gọn đầy đủ một giai đoạn lịch sử sôi động và gần nhất của nước ta, từ Đệ Nhị Thế Chiến cho đến ngày cuối của Việt Nam Cộng Hòa. Giai đoạn lịch sử này được thuật lại theo cái nhìn của một người trong cuộc, một nạn nhân của “Gọng Kìm Lịch Sử”.

Trong nhiều lần nói chuyện cũng như ngay trong lời tựa của cuốn sách, cựu đại sứ Bùi Diễm cho rằng cuốn hồi ký của ông không phải chỉ là chuyện cá nhân mà còn phản ảnh kinh nhiệm chung của những người quốc gia thuộc thế hệ ông. Nói vậy chỉ đúng một phần. Ông Diễm là một người, vì liên hệ gia đình và biệt tài cá nhân, đã được lịch sử đặt vào vị thế đặc biệt để hành động và chứng kiến nhiều điều mà những người khác cùng thế hệ ông không có được. Tác giả hoặc làm việc mật thiết với hoặc ở gần nhiều nhân vật lịch sử và văn học của Việt Nam, vì thế cho ta biết được một số chi tiết đặc biệt và những kỷ niệm cá nhân của tác giả đối với các nhân vật như Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Trương Tử Anh, Võ Nguyên Giáp, Nghiêm Kế Tổ, Bảo Đại, Ngô Đình Diệm, Phan Huy Quát, Phan Khắc Sửu, Trần Văn Văn, Trần Văn Tuyên, Nghiêm Xuân Hồng, Trần Văn Đỗ, Lê Văn Kim,… Trong số những người kể trên, ông nói nhiều nhất đến sáu người: Trương Tử Anh, Trần Trọng Kim, Phan Huy Quát, Bảo Đại, Ngô Đình Diệm, và Nguyễn Văn Thiệu. Ông tỏ ra mến trọng ba nhân vật đầu và không phục ba nhân vật sau.

Hồi ký là loại sách lịch sử chính trị vừa kể lại chuyện đã qua, vừa biện minh cho tác giả. Trong sách, ông Diễm được dịp giải thích ba việc: việc ông tiếp tục làm việc với tướng Kỳ sau khi Thủ Tướng Quát từ chức là do chính ông Quát khuyên, chứ không phải ông phản ông Quát; việc Tổng Thống Thiệu trì hoãn không chịu tham gia hội đàm Ba Lê trước cuộc bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ năm 1968 không phải vì ông đi đêm với phe Cộng Hòa khuyến cáo để làm lợi cho ứng cử viên Nixon như những người trong chính quyền dân chủ và báo chí Mỹ buộc tội ông; việc ông Thiệu nghi ông là người của ông Kỳ là không đúng, ông là người yêu nước độc lập chứ không phải là người của ông Kỳ chống lại ông Thiệu.

Phạm Xuân Đài: Đọc 'Gọng Kìm Lịch Sử' của Bùi Diễm

Tác giả Gọng Kìm Lịch Sử Bùi Diễm (trái) và Phạm Xuân Đài (hình Trần Triết, tháng 5-2015 tại Quận Cam, Nam California)

Nếu Đêm Giữa Ban Ngày của Vũ Thư Hiên là một cuốn Hồi ký chính trị của một người không làm chính trị từng sống trong lòng chế độ cộng sản, thì Gọng Kìm Lịch sử đích thực là hồi ký của một chính trị gia, đứng trong phía quốc gia. Năm 1987 ông đã cho xuất bản cuốn In the Jaws of History viết bằng tiếng Anh, và Gọng Kìm Lịch sử, viết xong vào đầu năm 1999, là hậu thân của cuốn In the Jaws of History, hoàn toàn viết lại bằng tiếng Việt với các tình tiết Việt Nam và thêm một số tài liệu mới tìm thấy.

Ông Bùi Diễm, sinh năm 1923, con trai thứ của học giả Bùi Kỷ, cháu của học giả Trần Trọng Kim, từ tuổi thanh niên, vào đầu thập niên 40, đã tham gia vào phong trào dành độc lập cho Việt Nam. Từ đó ông đi vào cuộc đời hoạt động chính trị, chứng kiến các trôi nổi của lịch sử từ nhiều vị trí đặc biệt: có mặt tại Huế khi nội các Trần Trọng Kim thành lập, yết kiến Quốc trưởng Bảo Đại năm 1949 tại Đà lạt, theo dõi Hội nghị Genève 1954, Bộ trưởng Phủ Thủ tướng 1965, Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Hoa Kỳ từ 1967 đến 1972, Quan sát viên đặc biệt tại Hòa đàm Paris 1968, Đại sứ Lưu động 1973-1975.

Tác giả bắt đầu các hồi ức về đời mình ở Chương 2, lúc còn là một học sinh tiểu học nhưng đã “mơ tưởng đến những chuyện đi xa, đến những nơi mới lạ để tìm hiểu thế giới rộng lớn,” và kết thúc ở Chương 37 với nhan đề “Thay lời kết, Lịch sử còn dài...” Ngay ở Chương 2, ông đã cho thấy ảnh hưởng chính trị đã đến với ông rất sớm khi ông vào học trường trung học tư thục Thăng Long, nơi mà ban giáo sư gồm những tên tuổi như Phan Thanh, Đặng Thái Mai, Hoàng Minh Giám, Trần Văn Tuyên, Võ Nguyên Giáp... và “tôi lớn lên trong bầu không khí đó, và dần dần ý thức được rằng dưới bộ mặt phẳng lặng của đời sống học đường là những đợt sóng ngầm đang chuyển động mạnh.” Lúc bấy giờ là cuối thập niên 30 của thế kỷ 20, những người yêu nước Việt Nam, dưới nhiều khuynh hướng khác nhau, đang vận động để thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp. Và từ đó, ông đã từ từ được dắt dẫn tham gia vào một đảng phái quốc gia, đối lập với khuynh hướng cộng sản vào thời đó cũng đang phát triển mạnh.

Hình FreePik


Trangđài Glassey-Trầnguyễn: lấy Nhạc trị Dịch

Special thanks to Mr. Laszlo Mezo, Award-winning Cellist
(https://www.facebook.com/laszlomezo.cellist/)

Mùa đại dịch. Làm gì cho đầu óc thư giãn, bớt căng thẳng, tìm được niềm vui?

Ai cũng có những cách riêng, nhưng có một cách chung là… nghe nhạc! Nhạc là ngôn ngữ quốc tế, là linh dược vô hình. Ai cũng biết, âm nhạc làm cho người ta yêu đời, hạnh phúc, khỏe mạnh, và thông minh hơn. Nhiều phụ nữ ngay từ khi cấn thai đã mở nhạc Mozart cho con nghe. Trẻ em học nhạc trong nhiều năm sẽ có chỉ số thông minh cao. Đại học Harvard đã có nhiều cuộc nghiên cứu (https://www.health.harvard.edu/newsletter_article/music-and-health) cho thấy những lợi ích thiết thực của âm nhạc đối với sức khỏe. Những dòng nhạc nhẹ nhàng và truyền cảm hứng mang đến nhiều lợi ích tuyệt vời cho đời sống. Một giai điệu quen thuộc có thể gợi lại những kỷ niệm đẹp và làm cho người nghe cảm thấy dễ chịu, hạnh phúc. Nghe nhạc thu âm đã tốt, nhưng nghe nhạc được trình diễn tại chỗ lại càng tốt hơn, nhất là khi người xem được trực tiếp tham gia vào phần trình diễn. Lấy Nhạc trị Dịch ư? Đêm nhạc “Beethoven's Eroica" do dàn nhạc giao hưởng Pacific Symphony Orchestra (https://www.pacificsymphony.org/) với Nhạc trưởng Carl St. Clair và phần độc tấu cello của Gabriel Martins tại Segerstrom Concert Hall là một chọn lựa thích hợp. Để giữ gìn sức khoẻ cộng đồng, mọi người tham dự đều cần phải chích ngừa và mang khẩu trang.

Beethoven (Nguồn: Pacific Symphony)

Một dàn nhạc giao hưởng. Vậy chỉ trình diễn nhạc cổ điển thôi sao? Không đâu! Đêm nhạc thính phòng “Eroica” được trình diễn trong ba đêm trung tuần tháng Mười 14, 15, 16 kết hợp nhạc xưa và nay. Nếu miếng trầu là đầu câu chuyện, thì Nhạc trưởng Clark St. Clair têm trầu thật khéo, và mời trầu cũng thật duyên. Ông đã điều khiển dàn nhạc suốt 32 năm qua, và ông luôn nói chuyện với khán giả như trò chuyện với những người bạn thân. Ông vừa xuất hiện trên sân khấu thì khán giả đã nồng nhiệt vỗ tay chào đón. Nhạc trưởng St. Clair hóm hỉnh nói, “Hôm nay quý vị có vẻ hào hứng quá!” Mọi người lại vỗ tay và cười vui vẻ. Ông hỏi khán giả, “Quý vị có từng muốn được ngồi chung với dàn nhạc và trình diễn trên sân khấu này không?” Nhiều người thay nhau đưa tay lên. Ông lại hỏi, “Ai cũng muốn làm nhạc công, nhưng có ai muốn làm nhạc trưởng không?” Ông chỉ lên bục gỗ dành cho nhạc trưởng và lắc đầu, “Ít ai chịu lên đó lắm! Nhưng hôm nay, quý vị sẽ được làm nhạc trưởng!”

Nguyễn Đức Tùng: Halloween tùy bút

Hình  minh  hoạ, FreePik

Halloween nhằm ngày cuối tháng Mười, cũng là ngày cuối của mùa thu. Thời tiết chuyển giao, người ta tin rằng có một thế giới siêu nhiên hiện ra khi mùa màng thay đổi, lúc con người có thể chạm được vào thế giới thần linh. Đêm nay trong cảnh đất trời mờ ảo, vật chất và tinh thần giao hòa nhau, người sống và người chết nhìn thấy nhau. Ma quỷ không sợ hãi con người như mọi khi, cũng không làm con người sợ hãi bằng họ sợ hãi nhau. Tối nay, bạn đi ra đường, nếu sẵn sàng đón nhận thế giới vô hình bạn sẽ nhìn thấy những điều ngày thường không thấy được. Đêm nay bạn đặt mấy chiếc đèn lồng trên lối vào nhà, nhiều kẹo trước cửa, trong một cái giỏ ngay ngắn, ghi một tấm giấy nhỏ bên cạnh "take one", lấy một cái, "take two", lấy hai cái. Những đứa trẻ sẽ lấy đúng như thế. Đôi khi cũng có một thằng bé sáu hay bảy tuổi quay lại, thò tay lấy thêm một cái nữa, vì không cưỡng nổi cám dỗ. Thằng bé ấy là Tony. Hay chính bạn thời bé.

Chiều nay, thế giới lạnh lẽo trở nên ấm lại, như vùng trời trong cái lu sành đựng chuối mẹ tôi ủ chín, chuối mật ngày rằm, nóng hổi, bụi bặm hương khói. Trần gian trở nên bé bỏng như dưới đường cày mới lật cho đất thở sau mùa gặt hái. Bạn đi ngang nhà nào bật đèn sáng, có đèn lồng khoét bí ngô, Jack of the lantern, bạn biết có kẹo bánh. Đêm nay có những nhà đóng cửa im ỉm vì chủ nhà đi vắng hay vợ chồng cãi lộn hay nhà có người bệnh. Đêm nay có những người ở trong căn nhà đó, nhưng họ không có gì để tặng, tắt đèn, nhà cửa tối om, buồn ngồi im, bạn đừng trách họ vì người đang có một điều gì để cho đi là người may mắn hơn những người không có gì cho bạn cả. Đêm nay những đứa trẻ dễ dàng giao thoa với thế giới thần linh, vì chúng ngây thơ. Đêm nay những người đứng trước cửa nhà mình để phát kẹo cho trẻ dễ dàng nhìn thấy thế giới huyền bí cũng vì họ chịu khó. Đó là những người chiều hôm trước bỏ chút thì giờ bận rộn, đứng xếp hàng ở tiệm tạp hóa đông người, mua những thức cho bọn trẻ không phải con mình, vì nhà họ không có trẻ con.

Rick Steves : Lạc Giữa Rừng Xương (Boning Up On History - Gió ViVu dịch thuật)

Lạc vào một lãnh địa toàn đầu lâu tại Paris sẽ là một kỳ thú dành cho những người "yêu thích" xương khô.
Hình  minh  hoạ, By The original uploader was MykReeve at English Wikipedia.
Transferred from en.wikipedia to Commons., CC BY-SA 3.0.

Sâu dưới lòng thành phố Paris, một mình đi giữa rừng xương người - có cả hằng triệu triệu xương ống chân, xương ống tay, xương chậu, và đầu lâu - tất cả chất đống dọc theo địa đạo chằng chịt dài hơn 300 km - tôi đang đứng trong khu hầm mộ ngầm ở Paris (Paris Catacombs) ... Đã hơn 200 năm qua rồi, nhìn những đống xương sọ này, tôi nghĩ đến trước kia đó là những cái đầu với khuôn mặt người tràn đầy những hỉ, nộ, ái, ố,... Nhìn những xương sọ chất chồng lên nhau, tôi mường tượng đến Hamlet trong vở kịch của Shakespeare, còn lại một mình trên sân khấu với đầy những xác chết ngổn ngang, và rồi ... Hamlet cũng phải chết!!! Chỉ nghĩ đến ... ôm cái đầu lâu mà tôi cảm thấy rùng mình, sợ hãi ...!

Tôi cố trấn tĩnh nỗi sợ hãi hão huyền để có thể tham quan nơi hầm mộ ghê rợn này. Tôi muốn "trộm" một cái xương sọ rồi giấu vào túi xách và nghĩ nếu mang về một cái đầu lâu cổ từ thời Napoleon đại đế thì thật là một món quà lưu niệm đáng giá nhất. Nhưng tôi không thể trộm được đâu. Những cái đầu lâu này đều được cột vào với nhau và có cái bảng cảnh báo rằng du khách sẽ "được" khám xét trước khi ra cửa đó!

Paris Catacombs - hầm mộ ngầm nằm dưới lòng Paris - kinh đô của ánh sáng đèn màu - đã an táng khoảng 6 triệu cư dân thành phố. Vào năm 1786, chính phủ Pháp quyết định giải tỏa giao thông, cải thiện vệ sinh đường phố bằng cách dẹp bỏ những nghĩa trang ở chung quanh các nhà thờ. Chính phủ đã cho xây dựng những khu hầm mộ trong một mỏ đá vôi sau khi đã khai thác, nằm sâu dưới lòng đất và dài ngoằn ngoèo, chằng chịt như mạng nhện; thật là một vị trí tuyệt vời dành cho những "người thiên cổ". Bao thập niên qua, những tu sĩ ở Paris đã làm những buổi lễ với mạng che mặt màu đen, những xe đẩy chứa đầy xương đi vào khu mỏ đá vôi và chất lên cao khoảng 1m 50 (5 feet), dưới lòng đất sâu 24 m (80 feet), mỗi "người" đều có tấm bảng ghi danh tánh của nhà thờ và địa phận, ngày tháng được đem đến.

Thứ Sáu, 22 tháng 10, 2021

Ngô Thế Vinh: In Retrospect - Nguyễn Văn Trung - Nhìn Lại Một Hành Trình Trí Thức Lận Đận

“… những cố gắng suy nghĩ của một người vẫn ước muốn tự đặt cho mình một kỷ luật đồng thời cũng là một lý tưởng là phải tìm kiếm không ngừng, bằng cách tự phủ nhận, bất mãn với quãng đường mình vừa qua và cứ như thế mãi mãi…” [Cùng bạn độc giả, Lược Khảo Văn Học I] [1]Nguyễn Văn Trung

*
Hình 1: trái, Nguyễn Văn Trung, Đại học Văn Khoa Sài Gòn 1969; phải, Nguyễn Văn Trung 50 năm sau, Montréal tháng 8/2019. [nguồn: trái, album gia đình Nguyễn Quốc Linh, phải, photo by Phan Nguyên]

TIỂU SỬ


Nguyễn Văn Trung sinh ngày 26-9-1930, tại làng Thanh Hương, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam; còn có bút hiệu là Phan Mai và Hoàng Thái Linh. Xuất thân trường Dòng Puginier và chủng viện Hoàng Nguyên trước khi chuyển qua học Chu Văn An, Hà Nội. Từ 1950 đến 1955 ông được gửi đi du học Âu châu, ban đầu ở Pháp rồi qua Bỉ, đậu cử nhân triết học Đại học Louvain, Bỉ. Năm 1955 về Sài Gòn dạy trường trung học Chu Văn An, và sau đó là Đại học Huế.

Năm 1961 ông trở lại Bỉ, trình luận án tiến sĩ về Phật Học cũng tại Đại học Louvain với đề tài: “La Conception Bouddhique du devenir, Essai sur la notion du devenir selon la Stharivanâda.”

Về nước ông dạy Triết và Văn ở Đại học Văn Khoa Sài Gòn và Đại học Huế. Tại Đại học Văn Khoa Sài Gòn, ông là Trưởng ban Triết Tây phương, có thời gian được bầu làm Khoa trưởng Đại học Văn khoa Sài Gòn (1969).

Khánh Hà: Mùa thu chết

Hìnnh minh hoạ, FreePik


Mùa thu chết là mùa thu đang sống
Cả đất trời vạn vật bỗng nở hoa
Sống một lần rồi tan tác lìa xa

Hẹn trở lại một mùa sau diễm tuyệt


Thu của đời nguời nhắc giờ từ biệt
Ra đi rồi là khuất bóng ngàn năm
Hạc nội mây ngàn mấy cõi xa xăm
Thanh thản tiêu diêu, không lần ngoảng lại


Đuờng trần thế còn đây sao xa ngái
Nguời đi rồi vẫn để lại dấu chân
Từng con đuờng, từng hè phố bâng khuâng
Sớm nắng chiều mưa, còn ai đứng đợi


Cuối nẻo đuờng sao nghe vời vợi
Kỷ niệm gánh gồng một kiếp nhân sinh

KH



Nguyễn Đặng Bắc Ninh: Một Thoáng Về Hoàng Cầm

Nhà thơ Hoàng Cầm và tác giả

Hà Nội 1994:

Chúng tôi vẫn biết Hoàng Cầm là người cùng quê và là bạn với một ông anh họ từ thời kháng chiến chống Pháp, nhưng không ngờ nhà thơ lại theo xe ra đón chúng tôi ở phi trường Nội Bài. Hôm đó Hoàng Cầm mặc một cái màu đỏ xậm trông rất hào hoa dù Hà Nội năm đó vẫn còn rất nghèo.

Suốt thời gian chúng tôi ở Hà Nội ông đến thăm nhiều lần vì khách sạn chúng tôi ở gần nhà ông trong khu phố cổ. Tôi nhớ một buổi sáng ông dẫn chúng tôi đi ăn bún riêu ở ngõ Tạm Thương. Lâu rồi không được ăn cua đồng, thấy ngon tuyệt. Ông tặng chúng tôi mấy quyển thơ và một cuốn băng do ông đọc. Và cả những lời thơ ông viết trên cuốn Tự Điển Việt Nam tặng chúng tôi, mang nặng hình ảnh quê hương:

Ta con chim cu về gù dặng tre
đưa nắng ấu thơ về sân đất trắng
đưa mây lành những phương trời lạ
về tụ nóc cây rơm…

Trịnh Thanh Thủy: Cung Tích Biền, một đời hoa sương cỏ

Trong tuyển tập "Đành lòng sống trong phòng đợi của lịch sử" nhà văn Cung Tích Biền đã cảm nhận đời mình là "đời hoa sương cỏ" và ông đang đi cho hết một đời hoa sương mỏng manh, bé nhỏ ấy. Tuyển tập này ghi lại toàn bộ các cuộc phỏng vấn ông và là một trong năm cuốn sách được ra mắt hôm nay. Bốn đứa con tinh thần khác của ông được trình làng là "Nhạc điệu của bầy Ong", "Bạch hoá", "Thằng Bắt Quỷ", và "Mùa xuân cô mơ Bay".

Nhà văn Cung Tích Biền và phu nhân Hoàng Thị Kim

Một sáng Thứ Bảy, giữa mùa thu Cali của quận Cam, quán Café & Té xinh xắn, thanh nhã được đón tiếp rất nhiều bằng hữu của Cung Tích Biền đến tham dự buổi ra mắt sách rất đặc biệt này. Đặc biệt là vì ông chưa từng ra mắt sách tại VN hay bất cứ nơi nào trước đây. Buổi RMS được tổ chức với mục đích chính là giới thiệu sách mới in cùng bạn bè đã lâu không được gặp nhau, nên không có người ngoài tham dự.

Từ sáng sớm nhà văn Đặng Thơ Thơ và hoạ sĩ Paulina Đàm đã có mặt để giúp bà Hoàng Thị Kim là phu nhân của nhà văn Cung Tích Biền sắp xếp mọi thứ, sẵn sàng cho một buổi ký sách và đón tiếp bạn bè. Nhiều nhà thơ, nhà văn, hoạ sĩ và cả ca sĩ cũng có mặt. Những hiện diện ghi nhận được phía các nhà văn gồm có: Nhã Ca, Đặng Thơ Thơ, Phạm Phú Minh, Bùi Vĩnh Phúc, Trịnh Y Thư, Phạm Quốc Bảo, Vương Trùng Dương; phía các nhà thơ có Đặng Phú Phong, Thành Tôn, Phan Tấn Hải, Lê Giang Trần, Lê Đình Nhất Lang; bên hoạ sĩ có Nguyễn Đình Thuần và phu nhân, hoạ sĩ Paulina Đàm, cùng sự góp mặt của nhà báo Thanh Huy; ca sĩ Thu Vàng và phu quân Thân Trọng Mẫn. Một vài người bạn thân như Mai Tất Đắc và phu nhân, Lê Phước Bốn, Lê Hùng, Nguyễn Hà và phu nhân, Nguyễn Thị Phương Lan là em gái nhà văn Phùng Nguyễn và phu quân là Thắng….

h o à n g x u â n s ơ n: Biền

B I Ề N,
T Í C H T Ụ

[mừng hội sách Cung Tích Biền]



thao thao ừ*

viết

thaothao

viết bất tuyệt. viết

mời chào thế nhân

thập bát sung mãn như thần

dư vài tuổi lẻ

nắn gân cho đời


h o à n g x u â n s ơ n

tháng mười, 2021

*Thao: tên thật của tác giả CTB, và nhà xuất bản tên Thao Thao

Trần Thị Nguyệt Mai: Chúc mừng Thư Quán Bản Thảo Hai Mươi Tuổi

Thời gian như ngựa chạy tên bay. Thoáng chốc, TQBT đã hai mươi tuổi. Chẳng thể ngờ! Những người chủ trương dù lúc ban đầu đang ngấp nghé ở tuổi hưu xứ Mỹ nhưng vẫn còn mạnh tay khỏe chân, đầu óc, trái tim còn nồng nàn chữ nghĩa. Nay cộng thêm hai mươi năm, nghĩa là hai mươi lần sức lực đã giảm, đi đứng đã phải cần đến cái chân thứ ba, cộng thêm bệnh tật thời “máy móc rệu rạo” hoành hành. Họ chỉ còn lại trái tim mạnh mẽ với tình yêu văn chương và một tình bạn keo sơn, gắn bó. Văn chương thật diệu kỳ và thật đẹp biết bao!

Điển hình trong suốt ba ngày của tháng 7 năm nay, từ ngày 14 đến ngày 16, “nhóm Doãn Dân” gồm mười người từ những tiểu bang xa xôi đã cùng tụ họp đến nhà anh Trần Hoài Thư mang thêm sinh khí, tiếng nói cười nồng ấm cho ngôi nhà đã từ lâu hiu quạnh vì vắng bóng hiền nội của anh hiện trú ngụ trong nursing home. Họ đã giúp vệ sinh nhà cửa, vừa nói chuyện văn thơ: về nhà văn Doãn Dân, về những lần làm báo, đi sưu tập ở thư viện các Đại học Cornell và Yale của Hoa Kỳ, ... Ba ngày ấy đã được chị Doãn Cẩm Liên – con gái nhà văn Doãn Quốc Sỹ – ghi lại trong bài Thư Quán Bản Thảo và Trần Hoài Thư “Lì” đi trên số TQBT 94, tháng 8/2021:
... ba ngày dường như dài vô tận, với tràn trề âm thanh vui, với dư thừa màu xanh tưng bừng. Chúng tôi nói cười ròn tan, đọc thơ nói thơ, kẻ tung người hứng. Ai nấy đều vui vì có nhau.

Ba ngày khó quên

Cháu hỏi số 46
Chủ đề về Doãn Dân
Chú nói chú không còn
Nhưng sẽ in cho cháu
Thế rồi hai chú cháu
Cùng nhau xuống căn hầm
Cháu xếp giấy xếp trang
Chú dán bìa dán gáy…

*Song Thao: Vịt

Tượng ba chú vịt tại quê hương của foie gras Perigord (hình do tác giả chụp)

Vào một tiệm ăn Việt, mở tờ thực đơn, nếu có món bún măng vịt là có tôi. Tôi đã nghiện món tủ này đủ nơi đủ chỗ bên Canada cũng như bên Mỹ. Bên Mỹ, nhất là khu Little Saigon thì khỏi nói. Hầu như tiệm nào cũng có, tiệm nào cũng ngon. Không biết có phải vì ăn thịt vịt hay quên không mà tôi không nhớ tên một tiệm nào ở khu thủ đô của người Việt hải ngoại này. Có lẽ vì tiệm nào cũng sêm sêm như nhau. Tại Portland, đất của ông Từ Công Phụng, cũng có tiệm bán bún măng vịt rất ngon. Ông nhạc sĩ này dẫn tôi tới ăn nên tôi cũng chẳng cần nhớ tên tiệm. Bún măng vịt ngon thịt phải dày, mềm và đậm đà nhưng quan trọng là, theo khẩu vị của tôi, thịt phải để riêng trong một đĩa gỏi có nước mắm gừng. Chính đĩa gỏi này mới làm nên sự nghiệp của bún măng vịt. Thiếu nó là vất đi. Tại Vancouver, Canada, có nhiều tiệm đạt được tiêu chuẩn này. Nhưng tại Montreal chúng tôi thì hầu như không có tiệm bún măng vịt nào ra hồn. Trước khi có dịch Covid, có một tiệm mới mở trên đường Saint Laurent đạt được mức bún măng vịt ngon. Sau thời gian đóng cửa vì dịch, tiệm phẹc-mê-bu-tích vĩnh viễn luôn.

Thịt vịt không phải thứ hiếm ở Montreal. Tại các chợ tây cũng như chợ Việt, vịt của Lac Brome bán ê hề. Lac Brome chỉ cách thành phố Montreal chừng một tiếng lái xe là nơi nuôi vịt quy mô. Thành lập vào năm 1912, họ chuyên nuôi giống vịt Bắc Kinh. Vịt Bắc Kinh?

Thứ Sáu, 15 tháng 10, 2021

Trần Mộng Tú: Chùm Thơ Năm Chữ

Hình minh hoạ, Frepik

Lá Rơi


Một chiếc lá vừa rơi
Hai chiếc lá cùng rơi
Thôi em đừng ngờ vực
Mùa Thu đến thật rồi.

Hạt Nắng


Hạt nắng rơi rất tròn
Trên chiếc lá phai xanh
có con chim ngực đỏ
mổ hạt nắng rất nhanh

hạt nắng vỡ làm đôi
một nửa còn trên lá
một nửa chim mang đi
lá nghiêng mình ngơ ngác

Hình như Thu đã về.

Mưa Bụi


Xòe bàn tay ra hứng
Mưa lấm tấm trên tay
đường chỉ tay co lại
Trông giống như nụ cười

Mùa Thu Tới


Chân bước qua thềm nhà
nắng cũng vào tới cửa
nồi cơm ai vừa thổi
Cùng chín với mùa Thu.

Tiếng chim


Chim mổ trên mái nhà
Nghe như tiếng gõ cửa
ngập ngừng rồi bỏ đi
Không phải đâu, Thu về.

Khi Trở Về


Cầu thang thư và báo
chữ tràn ra đợi người
những phong thư chưa mở
ai lạ ai quen mình
những tờ giấy quảng cáo
Rao vặt cuộc tử sinh.

Mưa


Những hạt mưa lên tiếng
gọi mãi sợi tóc về
tóc đã đi theo nắng
Mưa như lệ đỏ hoe

Mặt Trời


Mặt trời gay gắt quá
Nên không soi rõ em
đốm lửa trong mắt anh
Một đời em soi suốt.

Trong Gương


Tôi nhìn tôi trong gương
Hai tôi hay là một
Hai mặt đối mặt nhau
Thời gian làm giám khảo

Nằm Mơ


Trong mơ thấy mình trẻ
thức dậy thấy mình già
muốn nằm xuống mơ lại
Trên gối tóc trắng phau

Trăng


Người đàn bà thức dậy
bỏ đi lúc mờ sương
vết trũng trên mặt giường
Còn ngập đầy bóng trăng.

Chiếc Lá


(Gửi BH)

Chẳng đọc được điều gì
Ngoài màu đỏ im lặng
chiếc lá ngậm câu Kinh
Tôi ngậm tên một người.

tmt-Tháng 10- 12- 2021

Trịnh Y Thư: Trần Vũ - Phép tính của một nho sĩ

1.

Hai phẩm cách đáng kể nhất của một nhà văn là ngôn ngữ và sự tưởng tượng. Nhà văn Trần Vũ – qua tập truyện Phép tính của một nho sĩ (Công ty sách Nhã Nam liên kết với nhà xuất bản Hội Nhà Văn xuất bản, 2019) – hình như có cả hai. Đây không phải là cuốn sách sáng tác theo công thức có sẵn, kể lể một câu chuyện mà người đọc chưa đọc hết mươi dòng đầu đã biết tác giả muốn nói gì, kết cục ra sao. Nó không phải là cuốn sách đọc qua là quên ngay, chẳng lưu lại trong bộ nhớ người đọc được vài sát-na. Nó khó khăn bắt người đọc trăn trở cùng nó, cùng chiêm nghiệm những góc cạnh đầy gai nhọn nhức nhối từ lịch sử đến siêu hình; từ bản thể đến bản nguyên con người; từ dục vọng thấp hèn đến lý tưởng cao vợi. Nó là cuốn sách đầy cá tính – You either hate it or love it, there is no midway here, no equidistance – để từ đó, hiển lộ một tính cách khai phá cực đoan hiếm thấy trong ngôi nhà văn chương Việt Nam. Những truyện ngắn của Trần Vũ trong tập truyện, tác giả viết không phải để làm cái gì phải đạo, viết không để làm vừa lòng ai, thậm chí viết để thách thức, để đưa ra một Cái Khác, một Lịch sử khác, một Thực tại khác. Bạn hoặc đồng ý, hăng hái tán thành, hoặc phẫn nộ phản đối, mà theo tôi, cả hai phản ứng đều là chỉ dấu cho sự thành công của ngòi bút, bởi như nhà văn Franz Kafka từng nói, “Một cuốn sách phải là chiếc búa tạ dùng để đập vỡ tan biển cả đóng băng bên trong chúng ta.”

Bao trùm trên tất cả những điều đó là thủ pháp siêu hư cấu mà tác giả sử dụng tới hạn trong hầu hết các truyện. Siêu hư cấu là một thủ pháp văn chương, trong đó phần tự sự, miêu thuật cũng như nhân vật luôn luôn nhắc nhở người đọc rằng những gì anh/chị đang đọc chẳng qua chỉ là sự tưởng tượng, hư cấu, chẳng có gì thực. Siêu hư cấu phá bỏ bức tường ngăn chia giữa người viết và người đọc, xóa mờ đường biên, giải trừ tính lưỡng phân, giữa thế giới thực tại và thế giới hư cấu. Nó trực tiếp nhắm thẳng vào người đọc, khiến người đọc có thể tra vấn chính văn bản của câu chuyện. Hơn nữa, siêu hư cấu cho phép tác giả đắp thêm một tầng tưởng tượng bên trên tầng tưởng tượng thông thường thường thấy trong bất kỳ một tác phẩm tiểu thuyết hay truyện ngắn nào. Hiệu ứng của nó là một trải nghiệm văn chương bất chấp quy ước, gây thú vị cho người đọc, và làm bật mở những chiều kích bình thường không cảm nhận được. Sử dụng một cách nhuần nhuyễn, tự nhiên, không gượng ép, thủ pháp siêu hư cấu đánh đổ rào cản nhận thức quy ước để sự thật hiển lộ, để đưa ra cái nhìn khác – tuy thậm xưng, gay gắt, nhưng lại vô cùng chính xác và đau đớn – về thân phận con người. Nói như thế bởi tôi đang nghĩ đến cuốn tiểu thuyết Chiến hữu trùng phùng của nhà văn Mạc Ngôn.

Gió ViVu: Abdulrazak Gurnah Được Trao Giải Nobel Văn Học - 2021

Abdulrazak Gurnah,
Hình 
PalFest - originally posted to Flickr as Abulrazak Gurnah on Hebron Panel,
CC BY 2.0, Wikipedia 

Abdulrazak Gurnah - nhà văn Anh gốc Tanzanian - người da đen đầu tiên đoạt giải Nobel văn học sau gần hai thập niên (sau Toni Morrison 1993) - ông được vinh danh là người cương quyết vạch trần thực chất của chủ nghĩa thực dân và niềm cảm thông sâu sa với số phận của những người tỵ nạn vì sự khác biệt về văn hóa lẫn cuộc sống ở mỗi đại lục.

"Đánh mất một quê hương" rồi đau khổ, nhớ thương, hoài niệm về quê xưa đã tạo cho Gurnah những nguồn cảm hứng để viết lên những tác phẩm để đời của ông."

Abdukrazak Gurnah sinh ngày 20 tháng 12 năm 1948 tại Sultanate, Zanzibar - bây giờ gọi là Tanzania (thuộc phía Đông Phi Châu - Ấn Độ Dương). Ông là người tỵ nạn đến Anh quốc sau cuộc nổi dậy ở Zanzibar vào thập niên 1960. Ông theo học tại University of London, sau đó lấy bằng tiến sĩ tại University of Kent, và ông cũng giảng dạy tại trường đại học này cho đến khi về hưu.

Sinh ra và lớn lên tại Zanzibar, một quần đảo ngoài khơi của Tanzania, Châu Phi. Từ thuở nhỏ, Gurnah không bao giờ nghĩ đến ông sẽ trở thành một nhà văn, vậy mà nay ông đã trở thành một nhà văn nổi tiếng thế giới, đoạt giải Nobel văn học năm 2021.

Gió ViVu: Maria Ressa Được Trao Giải Nobel Hòa Bình - 2021

Maria Ressa
By Joshua Lim (Sky Harbor) -
Own work, CC BY-SA 3.0 ph,
Wikipedia
Maria Ressa - một phụ nữ Mỹ gốc Philippine - một nhà báo - một nhà tranh đấu cho quyền tự do ngôn luận - đã được trao giải Nobel hòa bình. Bà Ressa là người đàn bà đầu tiên đoạt giải Nobel năm 2021. Cùng nhận giải với bà Ressa còn có nhà báo Dmitry Muratov, người đứng đầu tòa báo độc lập "Novays Gazeta"ở Nga.

Bà Maria Ressa sinh ngày 2 tháng 10 năm 1963 tại thủ đô Manila - Philippine. Cha mất lúc bà lên một tuổi. Bà theo mẹ đến Hoa Kỳ sống từ nhỏ. Bà tốt nghiệp tại Đại Học Princeton với hạng danh dự về tiếng Anh.

Đoạt giải Nobel về hòa bình là một vinh dự và cũng là một thắng lợi lớn lao của bà Ressa với sự tranh đấu không ngừng cho quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Philippine. Hội nhà báo hải ngoại của Philippine cũng hy vọng với giải thưởng danh dự này sẽ làm dư luận thế giới quan tâm đến sự đấu tranh đầy khó khăn, gian khổ của họ là hằng ngày luôn bị tấn công và đe dọa trên mạng thông tin xã hội. Những tòa báo trong nước bị kiểm duyệt, những nhà báo bị đánh đập, bắt bớ, tù đày và giết hại.

Philippine là một quốc gia thật đáng sợ đối với những nhà báo trên thế giới, vì những kẻ giết người rất ngang nhiên và không hề bị xét xử trước pháp luật.

Hội Nhà Báo Thế Giới đã xếp hạng: Philippine đứng hàng thứ ba trên thế giới là một quốc gia chuyên đàn áp, gây hại cho giới báo chí, chỉ thua sau Iraq và Mexico.

Trụ sở báo của Philippine ở Brussels, Bỉ đã đưa tin có 159 nhà báo đã bị giết ở trong nước Philippine từ năm 1990 đến 2020.

Đoạt giải Nobel về Hòa Bình - bà Maria Ressa đã thề quyết đấu tranh cho sự thật, cho quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận tại Philippine và cho nền hòa bình lâu dài. Đối với bà Maria, việc thu thập tin tức là quan trọng hàng đầu và những người đưa tin phải được tự do nói lên sự thật, được luật pháp bảo vệ, và không nhượng bộ trước mọi bạo lực chống đối hay ngăn chận của chính phủ đương quyền muốn bưng bít sự thật.

Cung Tích Biền: Một Thời Nên Vắng Mặt

một

Lời âm u khói núi

Hãy rộng lòng với tôi những điều tôi đã nói.
Hãy hiểu cho tôi những điều tôi chưa nói.
CTB

Gọi rằng, tập thể những con người có-mặt-chúng-tôi, là một khu rừng. Rừng rú ấy non thế kỷ qua chỉ toàn cây trái độc. Cây này tỏa chất/khí độc làm tàn héo cây kia. Cây nọ rụng trái/giống độc xuống làm què quặt mầm non khác.

Cuộc anh em choảng nhau kịch liệt đang tới hồi cực điểm. Vừa mấy tháng qua là cuộc chơi nhãn hiệu Tết Mậu Thân. Một cuộc nhang khói quanh co, lẫn ngậm ngùi.

Quanh co, vì suy tới nghĩ lui vẫn ngần ấy nội dung tranh chấp. Có khi tới trăm năm cũng chỉ vậy. Có khi rối mù, tàn tật trí não hơn.

Ngậm ngùi qua-về, vì cái nôi mẹ ru con có giới hạn quá hẻo. Mẹ ru tuổi thơ. Tuổi lớn, tụi con chúng tự tính sổ với nhau. Bên này bên kia một lũy tre, cách một bờ mép chiến hào, qua một màn sương bờ lau sậy, vẫn ngần ấy anh em.

Cha lăn đùng rồi, có anh con cầm dao găm thay. Cha già nua, có anh con thông minh hơn nói hộ. Vẫn ngần ấy nội dung, ông cao từng nói, ông cố đã nói, ông nội từng khẳng định, cha của mình có bổ sung, tới mình thay mặt Buổi-hôm-nay, nói, phải đúng bon vậy. “Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.

Tôi ngồi rất lâu trong đêm thâu. Nghĩ về khói hương một ngày đầu năm mới. Những đóa hoa sẽ nở trong mùa xuân tới.

Người ta đồn rằng có những bà mẹ còn ôm cuốn kinh Phật trong lòng tay, và nhiều em bé còn mang theo món đồ chơi quà tết cha mẹ cho trước khi tử nạn.

Ngự Thuyết: Ra Đi (Trích từ MẸ, xuất bản 10/2021, thêm nhan đề)

Một buổi trưa mùa đông. Trời lạnh lẽo dù vẫn còn sót chút nắng vàng vọt, yếu ớt. Đã ba mươi ta, năm hết tết tới. Làng xóm vắng teo. Mọi người đều lui cui quanh quẩn trong nhà lo sửa soạn đón ngày Tết Nguyên Đán. Học trò con nít, khách hàng nghèo nàn thường xuyên của mẹ, đã nghỉ học, mẹ vẫn nách rổ khoai sắn một mình đi lang thang như người lưu lạc ngay trong làng xóm của mình. Không biết đi đâu, không mục đích.

Ở nhà thì buồn quá. Bất cứ cái chi, nơi cánh cửa, góc xó bếp, trên bàn thờ, dưới mái tranh, trong chiếc phản, ngoài sân cỏ, cũng đều nhắc nhở tới hình bóng của chồng, của con. Đi ra ngoài đường khuây khoả hơn. Thì phải đi. Hơn nữa, biết đâu lại “gặp mối”, kiếm thêm năm đồng ba trự đỡ khổ.

Đôi chân uể oải, rã rời, tuy nhiên, cũng còn đủ sức đưa mẹ tới nơi nghỉ trưa quen thuộc hàng ngày.

Mẹ đặt rổ khoai sắn ngay dưới gốc cây bàng cành lá xác xơ. Vài ba con kiến mon men bò tới ngay. Mẹ lượm một chiếc lá bàng rụng đỏ ối cầm khua khua đuổi mấy con kiến đi chỗ khác. Chúng lì lợm, bò ngay lên chiếc lá đang xua đuổi chúng. Mẹ ném chiếc lá đó về phía gốc cây bàng, lượm lá khác để đuổi kiến. Mẹ không muốn sát sanh. Mẹ luôn luôn nghĩ rằng mình tu nhân tích đức, không giết hại ai cả, dù một con kiến, thì con sẽ mau thoát được mọi hiểm nguy để về với mẹ.

Đằng sau cây bàng, một cái miếu nhỏ bỏ hoang lâu ngày. Mái ngói nhiều nơi đã vỡ; bốn tường đều rêu phong, nứt nẻ; bàn thờ không đèn, không bát nhang, vôi loang lổ lâu ngày xám, đen. Một con chim bé nhỏ từ trong vòm cây bỗng kêu lên mấy tiếng, rồi vụt bay đi, bay xa, bay qua bên kia con hói. Chim chi rứa, mẹ không biết tên. Mẹ nhìn theo cho đến khi mất dấu chim bay, rồi ngồi bệt xuống đất trong lòng chiếc nón lá rách.

Mẹ có nhớ rõ bữa ni ba mươi Tết. Không chừng con chim nó muốn nhắc mình đi qua cồn mồ thăm “ba hắng”. Mà nhắc nhở như rứa là “dư hơi” thôi, mẹ nói lên thành tiếng. Vì chiều ni ba mươi Tết làm răng mình không qua được, mà còn nhắc khéo. Tức cười, mẹ lầm bầm nói chuyện với con chim đã bay xa. Khi không có ai trước mặt, mẹ thường nói năng lẩn thẩn như người mất trí.

SÁCH MỚI NHẬN

Diễn Đàn Thế Kỷ vừa nhận được các sách do tác giả hoặc nhà xuất bản gửi tặng sau đây :

Vũ Mạn Tạp Lục Thư, nguyên văn chữ Hán của Ôn Khê Nguyễn Tấn, xuất bản lần đầu năm 1898,
do Nguyễn Đức Cung sưu tầm, khảo cứu, dịch và chú giải, 526 trang,
do nhà xuất bản Hà Nội ấn hành.

Thứ Sáu, 8 tháng 10, 2021

100 năm Phạm Duy

Nhạc sỹ Phạm Duy sinh  ngày 5 tháng Mười năm 1921 tại Hà Nội, mất ngày 27 tháng 1, 2013 tại Sài Gòn. Tính tới năm nay, 2021, nhạc sỹ vừa tròn 100 tuổi.

Có khi nào chúng ta thử ngẫm nghĩ, trong một trăm năm qua nếu không có Phạm Duy, thì đời sống của người Việt Nam sẽ ra sao? Chắc mọi người có thể trả lời dễ dàng: "Tôi, tôi vẫn sống, tôi vẫn ăn, và tôi vẫn thở" như Phạm Duy đã hát trong bài Tâm Ca số 1 của ông. Vâng, mọi người vẫn ăn và vẫn thở để sống, nhưng về mặt tình cảm và tinh thần, nếu không có ông trong một trăm năm qua, đời sống của người Việt Nam sẽ nghèo đi nhiều. Phạm Duy đã cống hiến cho Việt Nam một sự nghiệp âm nhạc phong phú và đồ sộ khiến cho thế giới âm thanh của chúng ta trở nên lộng lẫy, xinh đẹp từ những nét tinh tế nhất đến những tình cảm rộng lớn bao la nhất.

Tưởng niệm ông hôm nay, Diễn Đàn Thế Kỷ chỉ xin đăng lại một số bài viết nho nhỏ của bạn bè có tính cách trao đổi thân tình với nhạc sỹ trong quá khứ, đồng thời mời độc giả xem một phim tài liệu ngắn về Phạm Duy có tên Người Tình Già, do Charlie Nguyễn và Y Sa thực hiện năm 2002, ghi lại một số hình ảnh và sinh hoạt của Phạm Duy tại Little Saigon, California, trước khi ông về lại Việt Nam và qua đời tại đó.

DĐTK


Trần Mộng Tú: Lời Cám Ơn Nhạc sĩ Phạm Duy

Trên mười ngón tay anh chẩy xuống ngàn ngàn dòng lệ long lanh ngũ sắc, bật lên những tiếng cười hoan ca cho dân tộc Việt.

Anh viết những dòng sử Việt bằng âm nhạc, anh bắn những nốt nhạc thay đạn vào suốt chiều dài của cuộc chiến chống ngoại xâm.

Anh nhắc nhở công ơn tổ tiên, anh hùng dân tộc mỗi ngày trên môi người Việt.

Anh khóc cười bằng nốt nhạc lời ca cho tình yêu, con người, quê hương, dân tộc,

Anh băng bó vết thương trong chiến tranh, anh đốt lửa tìm kiếm hòa bình.

Anh vung tay, mây trôi như lụa giũ, nước như thủy tinh vỡ, anh khắc hình cha Lạc Long Quân vào núi, núi không còn là đá, anh thả tình mẹ Âu Cơ xuống biển, biển không còn là đại dương.

Ngôn ngữ trong những ca khúc của anh trong suốt, lãng mạn, bát ngát tình tự dân tộc, đẹp như những viên ngọc trắng, trong như những giọt nước mưa.

Anh lên rừng, rừng thay lá, anh xuống suối, suối khóc òa. Bằng âm nhạc, bằng tình tự dân tộc anh đi từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mâu suốt cuộc đời mình không ngơi nghỉ.

Tình yêu quê hương trong ca từ của anh làm cho cả người hát và người nghe ứa lệ.

Lê Hữu: “Việt Nam, Việt Nam”, giấc mơ rạn vỡ

(Ảnh: Na Sơn)

Tôi nhớ, trong một lần được nhạc sĩ Phạm Duy chia sẻ tin vui có thêm ít ca khúc của ông vừa được cấp phép phổ biến ở trong nước, tôi nói rằng có một bài tôi thực sự mong cho ông, hơn bất cứ bài nào khác, được phép lưu hành.

“Bài gì?” ông hỏi.

“Việt Nam, Việt Nam,” tôi nói.

Ông im lặng. Tôi nói thêm là tôi chờ cái ngày bài hát ấy được hát vang vang trên khắp mọi miền đất nước, hát vang vang trong màn kết thúc một chương trình nhạc Phạm Duy. Ông im lặng. Tôi gửi ông nghe/xem cho vui ít màn trình diễn bài hát ấy ở nước ngoài trước và sau ngày ông về nước. Ông im lặng. Tôi nghĩ mình hiểu được sự im lặng ấy, và không nhắc tên bài hát ấy nữa.

Vì sao bài hát ấy, bài “Việt Nam, Việt Nam”, vẫn chưa được cấp phép? Có gì lấn cấn chăng? Có “vấn đề” gì chăng?

Bài hát có những lời lẽ khơi dậy lòng nhân ái, tình yêu thương đồng loại và những giá trị phổ quát của các quyền làm người trong một đất nước tự do dân chủ.

Việt Nam đem vào sông núi
Tự Do, Công Bình, Bác Ái muôn đời
Việt Nam không đòi xương máu
Việt Nam kêu gọi thương nhau
Việt Nam đi xây đắp yên vui dài lâu…

Phạm Xuân Đài: Cái Chết Trong Ca Khúc Phạm Duy

Trong buổi lễ tưởng niệm Ðỗ Ngọc Yến vào tối ngày 23 tháng Tám 2006 tại phòng sinh hoạt Lê Ðình Ðiểu của báo Người Việt, Bích Liên với giọng cao vút trong phong cách opéra, đã hát những lời này:

1.

Hồn xuân vừa tàn hơi
Hay nắng ấm lung linh qua đời
Hay gió tuyết mưa sa bay ngang trời
Người yêu dù xa xôi
Xin nhớ tới quê hương u hoài
Trong giá rét đêm đông đang trông vời

Một lần người đưa tiễn nhau
Như vẫn cầu lời hứa năm nào
Ðằm thắm cho vui lòng nhau
Một lần người xa cách nhau
Trái tim sầu còn vẫn tươi mầu
Vì đó... không ai quên đâu...

2.

Người đi về mai sau
Nghe khóc lóc xe tang đưa sầu
Nghe bóng xế khăn sô bay ngang đầu
Người đi vào không gian
Nghe nhớ tiếc đau thương vô vàn
Nghe tiếng hát êm êm ru linh hồn

Phim tài liệu NGƯỜI TÌNH GIÀ

Thân mời bạn đọc xem cuốn phim Người Tình Già, một phim tài liệu ngắn về nhạc sĩ Phạm Duy do Charlie Nguyễn và Y Sa thực hiện năm 2002, khi ông vẫn còn cư ngụ tại Thị Trấn Giữa Đàng (Midway City), trong khu vực Little Saigon, Nam California.





CÁC BÀI KHÁC


Nguyễn Đức Tùng: Nguyễn Linh Khiếu, Nếu Ta Có Một Nắm Đất

Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu
Thơ Nguyễn Linh Khiếu là dòng thơ trữ tình mới. Anh tin vào khả năng của ngôn ngữ trong việc giữ gìn các giá trị văn hóa, mang đi ý niệm truyền sinh, phồn thực, ca ngợi thiên nhiên, trong khi vẫn thường xuyên tra hỏi các vấn nạn lịch sử. Đó là kết hợp giữa tự sự sinh thái và trữ tình xã hội. Những điều ấy được thực hiện trong thể thơ tự do, với những câu dài, kỹ thuật trùng điệp, với các nút thắt mở của trường ca. Nguyễn Linh Khiếu cần thơ trữ tình để vượt qua các khoảng cách, kết nối sự vật trong không gian và thời gian. Anh cũng vượt qua các tập quán, thiết chế, điển lễ, các rào cản xã hội, bằng cách đối thoại với thiên nhiên; và tôi cho rằng đó là chọn lựa thích hợp. Thơ của anh mở ra từng đợt như sóng, nhiều bài nối tiếp nhau, ngay cả những bài ngắn, độc lập, cũng dễ dàng được đặt vào giữa các bài khác, thành những chuỗi, thành chủ đề.

nếu ta có một nắm đất
ta sẽ vùi hạt hạnh vào trong
cầm trên tay đợi khi mùa xuân tới
hạt hạnh trong tay sẽ lặng lẽ nảy mầm

nếu ta có một cánh đồng
ta sẽ cày bừa xới vun đất đai màu mỡ
trên cánh đồng ta chỉ trồng hoa hạnh
ai đi qua cũng trầm trồ cánh đồng hoa hạnh của nhà thơ

nếu ta có một quốc gia
trên lãnh thổ nhiệt đới phì nhiêu của mình ta chỉ trồng hoa hạnh
người yêu hoa khắp thế gian hành hương về chiêm ngưỡng
thiên đường hoa hạnh của thi nhân.

Câu hỏi của Nguyễn Linh Khiếu nhiều hơn câu trả lời. Câu trả lời giới hạn trí tưởng tượng, trong khi câu hỏi mở rộng chúng. Câu hỏi của anh: chúng ta đến từ đâu, chúng ta là ai, tự do là gì, chúng ta đi về đâu, ý nghĩa của tồn tại của dân tộc. Thơ cũng cố gắng giải thích nhiều sự vật, tuy vậy giải thích không phải là công việc chính. Ngôn ngữ thơ cần một tiếp cận toàn bộ, trọn vẹn, không tách rời từng bộ phận. Câu hỏi: mỗi con người đứng ở đâu trong dòng chảy của lịch sử.

đây những người đàn ông bị săn lùng dồn đuổi tận cùng tuyệt diệt
đây những người đàn bà bị chà đạp bị giày vò hãm hiếp

Thiên nhiên đối với anh là hiện thực đẹp đẽ hoang dại, dung hợp cao quý và dung tục. Chất dã thú trong thiên nhiên của Nguyễn Linh Khiếu là sự hồn nhiên nguyên thủy. Cái tàn bạo đáng sợ, tính ác, cũng có mặt trong thơ anh nhưng không nổi bật bằng tính cao quý, thiêng liêng, sự liên tục, như người mẹ.

Trùng Dương: Nhân bộ báo Sóng Thần ‘tái xuất’ trên Mạng, duyệt qua các trang mạng sách báo Miền Nam


Bài này gồm hai phần, như nêu trong tựa bài. Phần đầu giới thiệu bộ báo Sóng Thần và một số báo khác do anh Võ Phi Hùng ở Virginia thực hiện, và được Kho Sách Xưa của ông Hùynh Chiếu Đẳng phổ biến gần đây. Và phần thứ hai nhằm duyệt lại và bổ túc một bài tôi soạn cách đây trên hai năm về các nỗ lực phục hồi sách báo xuất bản ở Miền Nam truớc 1975. Có thể còn những nỗ lực khác mà người viết không được biết tới, xin độc giả tùy nghi bổ túc.

Bộ báo Sóng Thần & kho báo Miền Nam


Vào đầu tháng Chín vừa qua, Võ Phi Hùng, một cựu học sinh Petrus Ký hiện đang cư ngụ tại tiểu bang Virgnia, viết thư cho nguyên tổng thư ký Uyên Thao và tôi, nguyên chủ nhiệm nhật báo Sóng Thần (Saigon, 1971-1975), thông báolà đã gần hoàn tất việc scan xong bộ báo Sóng Thần từ toàn bộ bẩy cuộn microfilm 35mm mượn của thư viện Đại học Cornell qua chương trình Interlibrary Loan. Anh Hùng cho biết “đang tiến hành công việc chụp lại từng film một tại thư viện địa phương Fairfax Regional Library ở Fairfax, VA, và sau đó về nhà ráp từng trang lại thành một số báo.” Anh hy vọng trong hai tuần nữa thì hoàn tất.

Sóng Thần là một trong những bộ báo xuất bản tại Miền Nam, từ 1971 tới 1975, mà anh Hùng “vì yêu đọc sách báo và muốn phổ biến cho việc tham khảo các báo chí Việt Nam đã phát hành ở Miền Nam trước năm 1975” nên đã bỏ công sức ra thực hiện. Những báo kia, Hùng cho biết, hoặc đã hoàn tất, gồm có Phụ Nữ Tân Văn, Tiếng Dân, Thần Chung, và An Hà Nhật Báo, đã gởi đăng trên trang mạng Kho Sách Xưa; hoặc đang thực hiện, ngoài nhật báo Sóng Thần, là Chính Luận (tồn tại lâu nhất trong làng báo Miền Nam, từ 1964 đến 1975), Đông Pháp Thời Báo, và Đuốc Nhà Nam.

Đại Hội Điện Ảnh Việt Nam Quốc Tế 2021 Công Bố Các Phim Trình Chiếu Trên Màn Hình Trực Tuyến, Trong Rạp Và Drive-In

Bước vào năm thứ 12, với kỹ thuật chiếu phim trực tuyến (online), Đại Hội Điện Ảnh Việt Nam Quốc Tế (Viet Film Fest) 2021 sẽ giới thiệu một chương trình quy mô hơn nhằm tôn vinh những câu chuyện và văn hoá Việt trong điện ảnh. 

Ngày 27 tháng 9 năm 2021 (Quận Cam, CA) - Viet Film Fest 2021, do Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) tổ chức, vừa công bố toàn bộ chương trình cho kỳ thứ 12 của Đại Hội trên trang nhà www.vietfilmfest.com. Bắt đầu từ ngày 15 đến 30 tháng 10, lần đầu tiên với phần chiếu trực tuyến (online), Viet Film Fest sẽ tiếp cận với khán giả trên toàn quốc tại Hoa Kỳ và quốc tế. Viet Film Fest 2021 sẽ tạo nhiều cơ hội cho các nhà làm phim đưa những tác phẩm của mình đến với khán giả và tiếp cận với khán giả qua các buổi “Hỏi & Đáp” trực tuyến. Với những suất chiếu trực tuyến khán giả có thể thoải mái xem phim ở nhà. Ngoài ra, Viet Film Fest sẽ có hai buổi chiếu drive-in và hai buổi chiếu tại rạp với sự tuân theo các nguyên tắc về an toàn và sức khỏe cộng đồng. 

“Đại dịch COVID-19 bắt buộc Viet Film Fest tổ chức lại cách thức chiếu phim. Chúng tôi hy vọng rằng chúng tôi đã tìm ra cách để khán giả có thể xem phim một cách thoải mái,” Tony Nguyễn, Giám đốc kỹ thuật của Viet Film Fest 2021, cho biết. “Là Đại Hội Điện Ảnh Việt Nam quốc tế lớn nhất ngoài Việt Nam, những suất chiếu trực tuyến năm nay sẽ cho phép chúng tôi tiếp tục gửi đến khán giả những câu chuyện, tiếng nói của người Việt trên toàn thế giới. ” 

Trong số các phim được gửi, tổng cộng 17 phim dài và 38 phim ngắn đã được tuyển chọn vào danh sách chính thức của Đại Hội Điện Ảnh năm nay. Trong số các phim truyện được chiếu trong liên hoan phim năm nay, có 6 phim chiếu lần đầu ở vùng Bắc Mỹ. Phim được gửi đến từ các quốc gia bao gồm Canada, Pháp, Đức, Việt Nam, Úc và Hoa Kỳ. Phim không nói tiếng Anh sẽ có phụ đề tiếng Anh. 


Thứ Sáu, 1 tháng 10, 2021

Lời Mở Đầu

Sau 11 năm vui buồn với bạn đọc hàng ngày, bắt đầu từ hôm nay, ngày 1 tháng Mười, 2021 Diễn Đàn Thế Kỷ sẽ đến với mọi người hàng tuần, vào ngày thứ Sáu.

Chúng tôi mở đầu số “tuần báo” đầu tiên với chủ đề nhà văn Võ Phiến, vì ngày 28 tháng Chín vừa rồi là ngày giỗ lần thứ sáu của ông, nhắc nhở nhiều kỷ niệm về ông. Bức ảnh trên đây được trích chụp lại từ bìa số báo Thế Kỷ 21 số 78, tháng Mười năm 1995, nhằm gợi lại vị trí lớn lao của nhà văn trong nền văn chương nước nhà từ nửa sau thế kỷ hai mươi cho tới nay.

Ước mong Diễn Đàn Thế Kỷ trong giai đoạn mới này vẫn tiếp tục được sự tham gia của văn hữu và sự quan tâm ủng hộ của đông đảo độc giả khắp nơi như bao năm qua.

DĐTK

Thư Võ Phiến: Chuyện Gia Đình

Los Angeles ngày 30.5.1991

Thân gửi anh Nguyễn Hưng Quốc,

Thư trước gửi anh đã hơn một tháng, nay mới lại có thì giờ để bắt đầu viết lá thư thứ ba.

Bây giờ xin nói về ba tôi. Ba tôi tên là Đoàn Thế Cần. Ba tôi mất năm 1983, thọ 80 tuổi; lúc ấy tôi được 58 tuổi. Suốt đời tôi, tổng cộng thời gian bố con tôi cùng sống chung dưới một mái nhà chắc là không tới ba năm. (Và thời gian tôi được sống gần má tôi có lẽ hơn chín năm, nhưng chưa tới mười năm). Tôi không có được bao nhiêu kinh nghiệm về tình cảm cha con. Có thể vì vậy mà trong các tác phẩm của tôi không thấy bao nhiêu nhân vật được hưởng thứ tình cảm ấy.

Tôi đoán một phần do ông nội tôi mất sớm nên ba tôi và chú tôi (ông nội tôi có hai con trai) đều không chịu học đến nơi đến chốn. Lúc bấy giờ trường Qui Nhơn đã có rồi, ba và chú tôi có thể học xong trung học dễ dàng; vậy mà không ai đủ kiên nhẫn. Ba tôi xong bậc tiểu học thì thôi; chú tôi tiếp tục vài năm trung học rồi cũng bỏ học luôn.

Võ Phiến và Nguyễn Hưng Quốc

Hồi đó một người có bằng tiểu học (primaire) đã tìm được việc làm “tử tế”. Ba tôi làm giáo học ở huyện Hoài Ân, chẳng bao lâu xích mích thế nào với tri huyện Hoài Ân và bỏ việc. (Có điều ngộ nghĩnh là trước đó thân phụ của nhà tôi, sau khi hỏng tú tài ở Huế, cũng từng dạy ở Hoài Ân, cũng xích mích với quan huyện, và cũng bỏ việc.)

Nguyễn Hoàng Văn: Võ Phiến, tình nghĩa giáo khoa thư

Lần đầu tiên đọc Võ Phiến, tôi đọc trong sách giáo khoa. Cái đoạn trích của bài tuỳ bút trong trang sách học, như một bài văn kiểu mẫu, nói về cái thị xã già nua mà tôi đang ngày ngày hai buổi cắp sách tới trường: phố thị có cảnh người khách ngồi bên lề Chùa Cầu, hay Lai Viễn Kiều, vội vàng co chân mỗi khi có chiếc Landrover nào đó chạy ngang để khỏi bị quẹt.

Chùa Cầu ngày đó hãy còn xe cộ thung thăng qua lại và những ông thầy bói vừa ngồi ủ rũ đuổi ruồi vừa nghe ngóng khách hàng. Chùa Cầu với hình ảnh mấy con khỉ và chó ngồi trấn yểm mối hoạ của nước Nhật đã là biểu tượng cho niềm tự hào địa phương về những giao tiếp sớm sủa của mình, và bây giờ, trong ngòi bút của Võ Phiến, lại là bằng chứng sống động nhất cho sự chật hẹp và cổ lỗ của cái phố thị dưỡng già này.

Và Hội An, chốn phố thị ấy nhỏ thực, nhỏ hơn Đà Nẵng, cái đô thị sinh sau đẻ muộn nằm sát nách nó rất nhiều. Ngày nay người ngồi hai bên Lai Viễn Kiều khỏi phải co chân nữa vì cầu chỉ dành cho những người đi bộ với hai rào cản bằng gỗ cao ngang gối chặn ở hai đầu. Móng cầu nghe đâu đã lún. Những ông thầy bói đã bị đuổi đi từ lâu. Và mối giao tiếp bên ngoài của chốn phố buồn trong bài học ngày nào lại có dịp hồi phục với hình ảnh những du khách Tây phương lượn lờ đầy phố. Nhưng Võ Phiến chưa hề có dịp trở lại chốn ấy để một lần nữa bắt gặp lịch sử, bắt gặp cả cao lầu để ngồi đâu đó bẻ cúc cắc mấy mảng bánh tráng, ăn từ từ, vừa ăn vừa ngắm nghía những cây cột tròn to tướng và đen bóng để suy nghĩ về từng ngọn ngành chi li của cái lịch sử cao cả của vùng đất ấy...

Võ Phiến viết nhiều và viết với một giọng văn vừa dí dỏm vừa tinh tế như những sợi tóc chẻ ra làm tư làm tám, với những ý tưởng dàn trải từ đề tài rộng lớn nhất đến những cái nhỏ nhất và tinh tế nhất. Như có thể lắng tai nghe ngóng sự lay động của những chồi cây bật mầm giữa những âm thanh hỗn độn của một thời đại đang rầm rập chuyển mình, ông có thể lặng yên thả hồn theo sự lay động của một vạt áo dài, theo mùi hương nước mắm đọng trên đầu lưỡi bà cô già giữa những cơn trở mình trằn trọc với những băn khoăn phù thế, với những ý tưởng vô cùng buồn thảm về cuộc chiến tưởng sẽ không bao giờ dứt.

Trùng Dương: Mùa thu đi thăm nhà văn Võ Phiến

Tuần trước, qua điện thư, Phan Nhật Nam bảo, “Khi nào đi thăm ông bà Võ Phiến, bác rủ tôi đi với.” Thứ bẩy vừa rồi, 12 tháng 11 năm 2011, có dịp ghé Quận Cam, Nam Cali, bèn rủ. Chẳng ngờ tác giả Mùa Hè Đỏ Lửa dẫn theo ông hàng xóm đặc biệt: tác giả Khu Rừng Lau Doãn Quốc Sỹ, mới dọn từ Houston qua sau khi người bạn đời mất. Tất nhiên là tôi không bỏ lỡ cơ hội thủ theo một cái máy hình. Tới nơi, lại gặp cả chủ bút báo điện tử Diễn Đàn Thế Kỷ Phạm Phú Minh và nhà văn Ngự Thuyết, mới viết sau 1975 và là tác giả của nhiều bài viết nhiều tính sưu tập công phu. Như thường lệ, ông bà Võ Phiến tiếp đón chúng tôi niềm nở. Buổi viếng thăm ngắn ngủi song đượm tình đồng hương và, đặc biệt, văn nghệ.


Hai nhà văn lớn của nền văn học Miền Nam, Võ Phiến, trái, và Doãn Quốc Sỹ, phải. Cả hai ông nay cùng xấp xỉ 90, một người, ông Võ Phiến, ra đi từ 1975 vì biết số phận nào đã dành cho mình dưới chế độ Cộng sản của hận thù và thanh toán, chưa một lần đặt chân lại quê hương; trong khi ông Doãn Quốc Sỹ kẹt lại và bị cộng sản cầm tù trước sau cả thẩy 14 năm. Họ là những vì sao sáng và là niềm hãnh diện của nền văn học Việt Nam tự do, không chỉ vì danh mục tác phẩm đồ sộ của một đời cầm bút của mỗi người, mà còn vì tinh thần bất khuất trong sáng của những người cầm bút chân chính, tôn trọng sự thật và yêu thương chữ nghĩa.


Hình bên trái, từ trái qua, các nhà văn Ngự Thuyết, Võ Phiến, Doãn Quốc Sỹ, Phan Nhật Nam và Phạm Phú Minh. Hình bên mặt, bà Viễn Phố, tiền cảnh, ông Võ Phiến, giữa, và Trùng Dương. (TD, 11/2011)


Tài liệu đọc thêm:

Võ Phiến

Doãn Quốc Sỹ

Nguyễn Tường Thiết: Mưa đêm cuối năm

1975 - Năm đó tôi gặp lại anh thật bất ngờ. Đúng vào cái buổi sáng đầu tiên tôi đặt chân lên đất Mỹ. Chiều hôm trước chúng tôi được chuyển đến một trong bốn trung tâm tiếp cư cho nguời tỵ nạn, trại Indiantown Gap thuộc tiểu bang Pennsylvania. Sáng sau tôi đến Processing Center lập thủ tục nhập trại. Chúng tôi ở barrack số 8. Từ đó đến khu Trung Tâm tôi phải cuốc bộ khá xa, trên một con đường có hàng cây phong thâm thấp trồng rất thẳng hàng. Bên trái là dẫy mess halls một tầng nền xi-măng nhô cao mái màu xanh lá cây dùng làm phòng ăn cho dân tỵ nạn. Bên phải là bãi cỏ trống rất rộng hình như là sân banh của trại lính. Tuy là tháng sáu mùa hè nhưng sáng hôm đó trời cũng lành lạnh như đã vào thu. Khi đi qua cánh đồng cỏ trống tôi hít thở không khí của nước Mỹ và cảm thấy không khí nhẹ tênh. Một con sóc từ trên đùm lá phong thoăn thoắt đổ dọc thân cây, chạy băng mặt đường. Một con khác đứng cạnh thùng rác của barrack, nó đứng thẳng trên hai chân sau đang gậm nhấm thức ăn bằng hai chân trước, đôi mắt lơ láo nhìn tôi thách đố. Hồi đó tôi không quen thấy cái dạn dĩ của những con thú hoang nên rất đỗi ngạc nhiên.

Từ trái: Thế Uyên, Nguyễn Tường Thiết, ông và bà Võ Phiến

Làm xong thủ tục tôi đi lơ ngơ trong khu Trung Tâm nơi được xem là downtown của trại Indiantown Gap. Ở đây người tỵ nạn đông vô kể. Đông nhưng lại không ồn. Cố nhiên. Vui nhộn sao được những ngày tan tác ấy. Từng đám từng đám thầm lặng đứng xếp hàng. Đâu đâu cũng thấy xếp hàng. Tôi cũng tấp vào một đám đứng xếp không cần biết cái hàng này nó dẫn mình đến đâu. Nửa giờ sau khi đã lọt vào trong phòng tôi mới biết đó là nơi phát chẩn quần áo cũ. Mỗi người được chọn hai bộ. Tôi bước vào cái kho tôi tối dành cho đàn ông. Quần áo được móc tươm tất trên những giá cao đặt song song, giữa là lối hẹp người đi phải lách vai để tránh nhau. Tôi chọn cái sơ-mi ướm thử vào người. Không chắc ăn tôi lại đưa thẳng hai cánh tay ra trước căng cái áo ra ngắm nghía, vô tình tôi bước thụt lùi đụng mạnh vào đít một người đàn ông, chắc cũng đang lui cui thử áo như tôi. Tôi quay hẳn người lại tính nói xin lỗi. Bỗng tôi kêu lên sửng sốt: “Trời! Anh Võ Phiến...”.

Trần Hữu Thục: Võ Phiến - tâm và cảnh

Thế giới trong tác phẩm của Võ Phiến là thế giới bề bộn chi tiết: việc có, sự việc có, vật có, sự vật có, rồi những ý nghĩ thoáng qua, những nhớ, những tiếc, những trạng thái tâm lý tủn mủn tỉ mỉ, chợt buồn chợt vui, chợt băn khoăn, chợt xao xuyến. Đọc văn ông, chúng ta sốt ruột đợi một chuyện gì đó đáng đồng tiền bát gạo xảy ra: một cuộc tình, một tấn thảm kịch hay ít nhất cũng là một biến cố có ý nghĩa nào đó. Nhưng không. Ông nhẩn nha, nhẩn nha kể chuyện “trong nhà ngoài phố” y như thế giới này cứ thế, chẳng có gì quan trọng lắm, ghê gớm lắm. Võ Phiến bắt ta nhìn vào vật này, rồi nghe thứ âm thanh gì ở một xó xỉnh nọ. Ông bắt ta rờ cái này, thoắt cái, nhớ đến chuyện khác. Chuyện con kiến, tiếng thở, cái hắt hơi, tờ báo nằm trên đỉnh mùng, bàn tay đè trên sống mũi, mấy cái hũ mắm, vân vân…

Võ Phiến và Trần Hữu Thục

Ông kể chuyện một anh chàng dẫn mẹ đi khám bịnh, gặp cô y tá. Ta những tưởng sẽ có một mối tình lớn chi đây. Ấy thế mà, chẳng có gì cả. Chỉ thấy anh chàng nhìn, rồi nghe, rồi ngẫm nghĩ, rồi nhơ nhớ, rồi…Chẳng đâu ra đâu hết. Không hề có một mối tình da diết nào. Ông nhắc đến cái chéo áo bà mẹ vướng nơi cửa xe, mấy sợi lông măng trên tay cô gái…Hầu hết các “chuyện” của ông đều như thế, là thế. Trong Võ Phiến, dường như mọi chi tiết đều được tận dụng tối đa. Các giác quan đều rộng mở để tiếp nhận mọi ngóc nghách của cuộc sống chung quanh. Thêm vào đó là những hồi tưởng, liên tưởng, suy gẫm. Chúng ta đọc thử vài trích đoạn, nhặt ra một cách tình cờ từ các bài viết của ông: Chán rồi anh nghiêng đầu tò mò nhìn qua lỗ hở của sàn gác, trông thấy người chủ nhà của tầng dưới, một người đàn ông xấp xỉ năm mươi, mập mạp, tóc hớt “cua”, mặc cái quần đùi rộng thồng thềnh và dài tới đầu gối, nằm ôm đứa con nhỏ ngủ trên đi-văng, tay không rời chiếc quạt giấy thỉnh thoảng được phất một cái để đuổi muỗi. (Đèn ở nhà tầng dưới vẫn sáng vì ông chủ nhà có người con trai thường học khuya, chuẩn bị thi trung học năm nay). Có lúc, Mạnh nằm yên nghe tiếng xe chạy rêm rêm trên khắp các nẽo đường đô thành, nghe như thế rất lâu.

Phạm Xuân Đài: Nhà văn Võ Phiến an hưởng tuổi già

Ở tuổi 86, hiện nay nhà văn Võ Phiến đang sống những ngày an hưởng tuổi già trong tình thân của gia đình và bạn bè. Từ năm 1980 làm việc và cư ngụ tại Highland Park City thuộc Los Angeles, nhưng vào năm 2003 ông bà Võ Phiến đã mua nhà tại Santa Ana và dời hẳn về đây, để gần gũi con cháu và bạn bè người Việt Nam.

Họp mặt tại nhà ông bà Võ Phiến dịp Tết Kỷ Sửu 2009. Từ trái : Hà Dương Thị Quyên, Thái Vân, Trần Mộng Tú, Đỗ Quý Toàn, Nguyễn Tường Thiết, Phạm Phú Minh, Võ Phiến-Viễn Phố, bà Đỗ Ngọc Yến.

Ngôi nhà cũng êm đềm như cuộc sống của ông bà. Trong một cư xá yên tĩnh cuối đường số 5 thuộc thành phố Santa Ana, ngôi nhà hai tầng nhỏ nhắn xinh xắn, có một mảnh vườn be bé bên cạnh với những cây hoa hồng ở bờ dậu, cây quít, cây hồng dòn, cây thanh long và những cây hoa khác chạy vòng ra đến sân sau. Đó là nơi để bà Viễn Phố (tức bà Võ Phiến) săn sóc cây cỏ hàng ngày, và là nơi mỗi buổi sáng nhà văn Võ Phiến đi tha thẩn ngắm lá, ngắm hoa, tức là thưởng thức tài chăm nom vườn tược của bà.

Nếu căn nhà ở Los Angeles là nơi sống để làm việc, thì ngôi nhà hai tầng ở Santa Ana là nơi để an hưởng tuổi già. Cả hai căn nhà đều có đặc tính chung gọn gàng, văn vẻ, một chút gì có thể gọi là thơ mộng. Nhà ở Los Angeles tuy xa Little Saigon nơi tập trung đông đảo người tị nạn Việt Nam, nhưng các văn hữu xa gần vẫn thường lui tới thăm ông bà, và ai cũng ưa thích vẻ thanh tao và mỹ thuật của ngôi nhà lẫn vườn cây. Trong khu vườn khá rộng trồng nhiều loại cây ăn trái, có dựng bức tượng bán thân bằng đồng của nhà văn Võ Phiến, tác phẩm của điêu khắc gia Ưu Đàm, một nghệ sĩ di dân thuộc thế hệ thứ hai. Trong khung cảnh của căn nhà Los Angeles, nhà văn Võ Phiến đã viết các tác phẩm quan trọng của ông tại hải ngoại: Văn Học Miền Nam - Tổng Quan, Thư Gửi Bạn, Nguyên Vẹn, Truyện Thật Ngắn, Đối Thoại, bộ Văn Học Miền Nam v.v... Võ Phiến đã sống tại đây từ năm 1980, và sau 15 năm đi làm công chức cho thành phố Los Angeles ông nghỉ hưu vào năm 1992, vẫn tiếp tục sống và viết tại đây 11 năm nữa. Đến năm 2000 khi bà Võ Phiến nghỉ hưu, không còn nhu cầu ở gần sở làm nữa, thì hai ông bà mới dần dần có ý định dời về vùng Orange County để gần con cái và bạn bè hơn. Việc đó đã được thực hiện năm 2003, sau 23 năm cư ngụ tại Los Angeles.

Võ Phiến: Rụp Rụp

Ông Bình Nguyên Lộc quả quyết rằng trong một bàn ăn mười ba người, gồm mười hai người Việt và một người Hoa, đồng vóc dáng, đồng trang phục, ngồi im không nói, ông cũng phân biệt được kẻ Việt người Hoa.

Như vậy đã là tài, nhưng ông còn đi xa hơn: có thể nhìn hình dáng mà phân biệt được người Tàu Phúc Kiến với người Tàu Quảng Đông, người Tàu tỉnh này với người Tàu tỉnh khác.1

Cũng trong quán ăn, trong khi chờ đợi tô hủ tiếu, tôi có dăm ba lần theo dõi cử chỉ của người làm bếp, và chợt lấy làm ngạc nhiên về một nhận xét. Không phải ngạc nhiên về chuyện suy tưởng nhân chủng ưa liên quan với các tiệm ăn quán nhậu. Mà là vì tôi có cảm tưởng đôi khi có thể nhìn mà phân biệt một người Việt miền Nam với một người Việt miền Trung, tức một đồng bào ở miền ông Bình Nguyên Lộc với một đồng bào ở miền tôi. Nói cách khác, tôi có cảm tưởng mình cũng... tài giỏi như ông Bình Nguyên Lộc: cái mới kỳ cục!

Một buổi trưa, tại Cần Thơ, trong ngôi quán ở đầu một ngõ hẻm gần bến xe Lam, lần đầu tiên tôi chú ý đến điệu bộ có vẻ ngộ nghĩnh của người chủ quán.

Ngôi quán khá chật và tối. Giữa trưa, trong quán vẫn có ngọn điện vàng cạch thả toòng teng trên đầu người chủ. Người này mặc mai-ô quần lính, đầu đội chiếc mũ địa phương quân rộng vành, chân mang đôi giày da đen, kbông vớ. Tại sao phải giày và mũ trong một chỗ kín như thế? Có thể chỉ là một thói quen, hay chỉ là một trường hợp ngẫu nhiên nào đó; tức một chi tiết không có ý nghĩa gì. Tuy vậy tôi vẫn ghi lại, vì hình ảnh ấy tưởng còn hiển hiện trước mắt tôi lúc này. Hình ảnh một người khỏe mạnh, nhanh nhẹn, và làm việc hào hứng.

Mỗi người có một cách biểu lộ sự hào hứng. Riêng cái cách của người chủ quán hôm ấy, trời ơi, trông mà mê. Hai tay ông ta thoăn thoắt: chặt khúc xương, xắt lát thịt, gắp mớ ớt, múc vá nước từ trong thùng đổ ra tô, xóc xóc mớ hủ tiếu vừa mới trụng qua nước sôi, rắc một tí tiêu bột v.v... Tất cả bấy nhiêu cử chỉ đều rập ràng, hơi có vẻ nhún nhẩy. Mỗi cái quơ tay, cái nhấc lên hạ xuống đều như có gì quá mức cần thiết một chút. Mỗi cử chỉ bao hàm bảy tám phần cần thiết, lại thêm vài ba phần thừa thãi, chỉ để cho đẹp mắt, để biểu diễn sự thích thú trong công việc. Động tác nghề nghiệp gần chuyển thành sự múa men. Một điệu vũ ca ngợi lao động.