Thứ Bảy, 25 tháng 9, 2021
Phong Tử Khải: Thu (Nguyễn Văn Thực dịch từ nguyên văn chữ Hán)
秋
Thu
Phong Tử Khải
豐子愷
Nguyễn Văn Thực dịch từ nguyên văn chữ Hán
Vô ngôn độc thướng tây lâu, nguyệt như câu: Im lặng một mình lên lầu tây, trăng như móc câu/ Văn Trị Tiên Sinh Thôi Mã: Ông Thôi Mã, người Văn Trị/ Tranh: Tử Khải |
Lễ gia quan (1) của tôi phải tới năm “ba mươi” tuổi mới cử hành được; và bây giờ thì đã qua hai năm. Tôi là kẻ không hiểu sao bén nhạy với chuyện đời, nên nhận được không phải là ít những gợi ý và chịu ảnh hưởng khá nhiều từ hai chữ “ba mươi” ấy. Tuy nhiên, tôi biết rõ là sức khoẻ thể lý cũng như tinh thần của tôi so sánh với lúc tôi hai mươi tuổi, thì chẳng khác gì nhau, ngoại trừ tôi thấy cái ý niệm “ba mươi” ấy là một chiếc dù trương ra che toàn thân tôi và làm cho tôi trở thành một cái bóng mờ mờ, và ý niệm ấy còn phảng phất như một tờ lịch có chữ lập thu (2) xé từ cuốn lịch treo tường; lập thu mà trời vẫn nóng hừng hực không giảm, nhiệt độ trên hàn thử biểu không xuống, và phải chờ cho tới khi sức nóng chỉ còn rơi rớt, tàn lụi, lúc sương rơi, lá rụng cái đã, thì lúc ấy khí hậu của trời đất mới trao thân cho thu.
Thật lòng mà nói: Tình cảm của tôi với thu trong hai năm cuối thì rất dễ chịu và êm đẹp đến mức thu và tôi hoà quyện vào nhau được. Trước thì không như thế. Những năm trước tôi chỉ thương mỗi mình xuân mà thôi. Lòng tôi rất đỗi vui mừng khi nhìn dương liễu và chim én, và càng vui hơn khi nhìn liễu non mới nhuốm màu vàng nhạt. Tôi từng gọi căn nhà của tôi là “tiểu dương liễu ốc: nhà nhỏ có cây dương liễu ”, từng vẽ nhiều tranh có liễu, có én, từng nhặt những chiếc lá liễu đẹp, dài gắn lên giấy dày để làm các kiểu mày, mà tưởng tượng dung nhan của các nường có cặp mày như thế, và vẽ thêm mắt, mũi và miệng phần dưới khuôn trăng của các nường. Thuở ấy, khi gặp mùa xuân sớm, tháng giêng, tháng hai giao nhau, đấy cũng là lúc tôi được thấy những hạt ngọc li ti treo chuỗi nơi muôn vàn sợi tơ trên cành liễu, xanh ẩn xanh hiện “đứng xa thấy, lại gần chẳng thấy”, tôi chợt thấy vui đến điên lên được, nhưng rồi niềm vui đến điên lên ấy lại biến ngay thành lo lắng, và tôi thầm thì với tôi: “Xuân đã đến rồi! Chớ để xuân vuột qua! Liệu mà tiếp đón nàng ngay, hưởng nàng, giữ nàng lại mãi mãi.” Tôi đã đọc những câu như “Lương thần mỹ cảnh nại hà thiên? : Ngày lành, cảnh đẹp, nhưng ngày nào?” và lòng từng cảm động. Tôi nghĩ đấy là tiếng thở dài vì người xưa những năm trước đã bỏ phí xuân. Cứ lấy đó mà làm gương răn bảo! Tôi thì tôi quyết không cho nàng vuột đi. Nhất là những khi cổ nhân tiếc xuân vào tết hàn thực, ngay trước tiết thanh minh (3), tôi lại càng lo lắng tợn. Thủa ấy tôi luôn luôn tính là sẽ mừng giai tiết đó hết mình để bù lại chuyện tôi đã có năm, vào dịp này, đã tính làm thơ, vẽ tranh, thủng thỉnh nhấp đôi ba chén rượu, dạo chơi loanh quanh, mà rồi đa số những việc ấy tôi làm không xuể, mà có làm đi nữa, thì cũng chẳng ra đâu tới đâu, và thay vào đó là bị trúng rượu, bị rắc rối ba lăng nhăng hoặc loay hoay nhớ lại những chuyện buồn. Có điều là tôi không hề thấy nản, tôi luôn luôn thấy bước xuân đi. Áng chừng lòng tôi chỉ biết có mỗi mình xuân. Ba mùa kia, tôi đều coi như những mùa dọn lối xuân sang, chúng chỉ làm cái công việc chờ thời gian nghỉ ngơi thong thả mà xuân sẽ mang đến. Tôi hoàn toàn chẳng chú ý đến sự có mặt của chúng cũng như tìm hiểu tại sao chúng lại có mặt trên cõi đời như thế. Còn đối với thu, đặc biệt, những năm trước ấy, tôi lại không có cảm giác gì vì rằng: mùa hạ nằm liền sau mùa xuân, tôi coi hạ như xuân thừa; đông đi trước trước mặt xuân, tôi cho đông chẳng qua chỉ làm cái công việc chuẩn bị cho xuân; chỉ có thu là chẳng có dính dáng gì đến xuân, và nó chẳng có chỗ đứng nào trong lòng tôi.
Vì tuổi của tôi coi như đã qua lập thu đời người, và vì hai năm qua tâm cảnh của tôi đã xoay hướng và lòng không còn vui điên lên được và lo lắng như ngày xưa. Bây giờ, khi thu đến, tôi chỉ cảm thấy lòng tôi thật êm ả, không phải chỉ vì không còn cảm thấy vui điên lên được hay vì không còn lo lắng mà vì bị gió thu, mưa thu, lá thu, nắng thu cuốn hút tôi, tôi buông tôi và tan hoà vào thu, tuy nhiên, sự hờ hững của tôi đối với những mùa thu xưa không giống với sự hờ hững của tôi đối với xuân nay.
Tôi bây giờ chán ghét xuân lắm lắm rồi. Mỗi khi vạn vật tô lại sắc xuân, thấy ngàn hoa khoe sắc, ong, bướm bay loạn cả lên và cỏ cây, côn trùng tranh nhau sinh sôi nẩy nở, thì cũng là lúc tôi thấy, trong những trò ấy, không có gì khác hơn là sự tầm thường, tham lam, tham mà không biết thẹn và ngu ngốc. Nhất là khi nhìn những hạt châu xanh ẩn ẩn hiện hiện treo trên nhánh liễu, những chấm chấm hồng nơi cành đào, tôi thấy chúng đỏm dáng đến buồn cười và thật đáng thương. Tôi muốn thức tỉnh đám bầu nhuỵ mà nói với chúng: “Này, sao tụi bay lại giở cái trò cũ rích kia ra mà làm gì vậy! Ta đã từng thấy vô số tổ tiên của tụi bay, đứa nào cũng rán chui vào cõi thế như tụi bay, đứa nào cũng ra sức, gồng lưng, tranh sang, giành đẹp, rồi chẳng mấy chốc đứa nào cũng rữa ra thành bùn cả. Thế tụi bay mắc mớ gì mà cứ ca lại bài ca nhàm chán ấy? Hiện tại tụi bay đang nuôi lớn cái nhân ác (4) mà không biết, còn tương lai ư, ta thấy tụi bay sẽ đua nhau chơi gái đẹp, giỡn ghệ xinh (5), rồi còn cười giả lả, giả nhíu mày, tụi bay chỉ mang lại biết bao khổ đau cho những kẻ mà tụi bay đã giẫm nát, đập hỏng, bẻ gẫy, và rồi cuối cùng tụi bay cũng sẽ theo vết chân bụi đỏ của tiên tổ tụi bay mà thôi!”
Kỳ thực, kẻ đã ba mươi lần đón xuân, tiễn xuân, thì sau đó hẳn chán mớ đời hoa với hoè, còn cây cối, hắn đã quá biết rồi, nhiệt tình thì đã nguội ngắt, và chắc chắn chúng sẽ không còn gì để hắn, giống như thanh niên thiếu nữ mới bước đời bị cái đẹp hư ảo của hoa lá cỏ cây quyến rũ, khen chúng, than thở với chúng, thương chúng, tiếc chúng. Huống hồ muôn loài trong trời đất không có loài nào mà thoát được cái lẽ vinh-khổ, thịnh-suy, sinh-diệt, hữu-vô. Lịch sử của thời đã qua chứng minh một cách rõ ràng điểm này, và chúng ta cũng chẳng nên nói lại mà làm gì. Xưa nay vô số thi nhân, ngàn người như một, phí lời mà xót xuân, tiếc xuân, cái kiểu giả nhăn mặt nhíu mày của bọn họ thấy, chán lắm. Giả sử tôi đối với cái sinh, vinh, tử, diệt của cõi đời mà phải nói một lời, thì tôi thấy rằng cái sinh, cái vinh không có gì đáng nói, và thà vui vẻ ngợi khen mọi khổ, mọi diệt thì hay hơn. Đối với những người chết vì tham lam, ngu dốt, rụt rè thì thái độ của loại người chết vì rụt rè, cho thấy họ khiêm cung, rõ lẽ đời, và thật vĩ đại! Chuyện tôi chọn thu bỏ xuân thì cũng y thế.
Nhà văn Nhật Hạ-Mục Sấu-Thạch: Natsume Soseki, khi ông 30 tuổi, đã từng nói: “Con người, khi 20 tuổi, thì biết sống sao cho có ích lợi; 25 tuổi, biết nơi sáng sủa tất có tối tăm; đến 30 tuổi, thì biết nơi nào sáng nhiều, nơi ấy cũng tối nhiều, lúc vui đầy thì cũng là lúc sầu đầy.” Tôi thật thấm thía khi đọc những dòng này, nhưng đôi lúc tôi nhận thấy nét tiêu biểu của tuổi 30 không ngừng ở đấy mà còn ở chỗ thể cảm, hay nói cách khác, ở chỗ cảm nhận tận thân mình, về sự chết. Bọn thanh niên yêu đương mà không thành cứ hay nói sống sống chết chết, mà chẳng hiểu được cái chuyện “chết” tí nào. Đó chẳng phải là thể cảm, cũng như ngày tháng hạ đang uống nước đá, quạt cho mát thì không thể thể cảm được cái sung sướng ngày đông trùm chăn nằm chung quanh lò sưởi. Cũng vậy, chúng ta là những người đã từng trải qua những ngày trời ba mươi độ, mà chưa từng ở dưới cái mặt trời nóng như thiêu như đốt, thì không thể cảm được sự sung sướng của những ngày đi tắm. Nằm quanh lò sưởi, trùm chăn, ngày đi tắm, những chuyện này chỉ là một loại nhận biết rỗng ở trong đầu người ta, và họ biết rằng đấy là những chuyện họ muốn xảy ra trong tương lai, chứ không phải là những sướng khoái mà họ có thể thể cảm ngay. Thu đã phải đến rồi, mặt trời như thiêu như đốt có cái vẻ mất sạch uy thế của nó và từ từ lui gót, mồ hôi mồ kê đẫm da thịt béo phì từ từ ráo khô, và lúc này mặc áo lồng thì hơi bị lạnh. Khi lấy tay sờ vải nhung (5) của Pháp, mà cảm thấy khoái, lúc ấy sự nhận biết về chuyện nằm quanh lò sưởi, trùm chăn mới có thể hoà nhập vào trong vùng thể nghiệm mà hoá thành thể cảm. Sau khi tuổi của tôi coi như đã qua tiết lập thu của một đời người, thì cái trạng thái rất đặc thù trỗi lên trong tâm cảnh tôi lại là thể cảm đối với sự “chết”. Trước kia tôi suy nghĩ cợn cạt! Nghĩ là xuân có thể còn hoài trong cõi người, con người có thể mãi mãi thanh xuân mà chẳng hề nghĩ đến sự chết, rồi lại nghĩ rằng ý nghĩa của đời người chỉ nằm trong cuộc sống, và chỉ có cuộc sống của tôi là có ý nghĩa nhất, như thể sẽ chẳng có lúc tôi phải chết vậy. Mãi cho tới bây giờ, nhờ sự soi chiếu của ánh sáng hiền từ (6) của thu, cái mùa tích tụ và nuôi dưỡng khí thiêng của sự chết, thì tôi mới hiểu được những ngọt, đắng, buồn, vui của đời sống là một chuỗi tình tiết của một bài hát cũ mèm, đã lặp đi lặp lại ức vạn lần trong Trời Đất, thế thì sao ta lại níu kéo đời ta chi dữ vậy? Tôi chỉ cầu bước qua rồi thoát khỏi cuộc đời này bình yên vô sự là mừng rồi. Thậm chí nếu người ta có rủi mà bị điên đi nữa, và trong khi tâm trí rối loạn, mê muội, thì làm sao mà nghĩ ngợi cho thông được; chỉ cầu hết bệnh mới nghĩ ngợi được.
Chính lúc tôi phải gác bút, thì phía ngoài khung cửa sổ phía tây mây giăng đầy khắp nơi, chân trời chớp loé, có tiếng sấm ầm ì, rồi một trận mưa thu có kẹp theo mưa đá chợt ném xuống. A! Thì ra lập thu chỉ mới được mấy ngày, còn non nớt, chưa già giặn gì lắm, nên vẫn không tránh được cái hiện tượng lộn xộn này. Ôi, thật là đáng sợ!
(Năm 1929)
Chú thích: (ND)
(1) Lễ gia quan 加冠: Lễ đội mũ ngày xưa, nay Nhật, Đại Hàn còn giữ: đánh dấu sự chuyển tiếp giữa tuổi thiếu niên và thanh niên. Lúc này anh con trai bắt đầu được quấn khăn, đội mão; (con gái được cài trâm). Ngụ ý nhắc nhở là từ nay anh con trai đủ chín chắn để gánh vác trách nhiệm và phải sống cho có đạo đức. Ngày xưa, con trai hai mươi tuổi thì làm lễ đội mũ, cho nên con trai mới hai mươi tuổi gọi là nhược quán 弱冠, chưa đến hai mươi tuổi gọi là vị quán 未冠.
(2) Lập thu: bắt đầu từ 9/8 hoặc 10/8 dương lịch.
(3) Tết hàn thực: Tết ăn đồ nguội: trước tiết thanh minh 1 hoặc 2 ngày. Tiết thanh minh 4/4 hoặc 5/4 dương lịch.
Tết hàn thực: Theo Đông Châu Liệt Quốc:
Đời Xuân Thu, vua Tấn Văn Công nước Tấn, gặp loạn phải bỏ nước lưu vong, nay trú nước Tề, mai trú nước Sở. Thời ấy có một hiền sĩ tên là Giới Tử (Chi) Thôi theo vua giúp đỡ mưu kế. Một hôm, trên đường lánh nạn, lương thực cạn, Giới Tử Thôi phải lén cắt một miếng thịt đùi mình nấu lên dâng vua. Vua ăn xong hỏi ra mới biết, đem lòng cảm kích vô cùng. Giới Tử Thôi theo phò Tấn Văn Công trong mười chín năm trời, cùng nhau trải nếm bao nhiêu gian truân, nguy hiểm. Về sau, Tấn Văn Công giành lại được ngôi báu trở về làm vua nước Tấn, phong thưởng rất hậu cho những người có công trong khi tòng vong, nhưng lại quên mất công lao của Giới Tử Thôi. Giới Tử Thôi cũng không oán giận gì, nghĩ mình làm được việc gì, cũng là vì mình làm nghĩa vụ của mình, chớ không phải vì có ngày sẽ được thưởng công lao. Vì vậy, ông về nhà, đưa mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn. Tấn Văn Công về sau mới nhớ ra ông, và sai người đi tìm. Giới Tử Thôi không chịu rời Điền Sơn ra lãnh thưởng, Tấn Văn Công hạ lệnh đốt rừng, ý muốn thúc ép Giới Tử Thôi phải ra, nhưng ông nhất định không chịu tuân mệnh, rốt cục cả hai mẹ con ông đều chết cháy. Vua thương xót, lập miếu thờ và hạ lệnh trong dân gian phải kiêng đốt lửa ba ngày, chỉ ăn đồ ăn nguội để tưởng niệm, khoảng từ mồng 3 /3 đến 5/ 3 âm lịch hàng năm.
(4) Chữ Hán là nghiệt: 孽: tội ác, nhân ác.
(5) Nguyên văn: 弄嬌弄艷: Lộng kiều lộng diễm: Chơi gái đẹp, chơi gái xinh.
(6) Một thứ vải dệt bằng lông thú vừa dày vừa ấm.
(7) Dịch chữ 慈光 : từ quang, mà từ quang cũng chỉ Đức Phật, như trong bài Hoá Thân (Quán Thế Âm) của Phạm Duy – Phạm Thiên Thu: “... chiếu ánh sáng từ quang.”