Thứ Tư, 22 tháng 9, 2021
Nguyễn Văn Trung: Góp Ý Với Số Đặc Biệt Về Phan Thanh Giản Của Tạp Chí Thế Kỷ 21 (Số Tháng Chín, 2004)
Người đọc các bài số đặc biệt này có thể nhận ra các phản ứng khác nhau của những người đều là đảng viên cộng sản về thái độ đối với Phan Thanh Giản vào thời điểm 1963, 1975, 2003. Hồi 1963 trước thái độ của Trần Huy Liệu và những người đồng tình với ông mạt sát nặng nề và kết án Phan Thanh Giản, những trí thức miền Nam tập kết hoặc đã phải giữ im lặng, hay như Ca Văn Thỉnh, Phạm Thiều chỉ lên tiếng yêu cầu nên dè dặt trong việc kết án.
- Những ai am hiểu đôi chút sinh hoạt văn học ở miền Nam từ đầu thế kỷ 20 sẽ nhận thấy những nhà báo nhà văn gốc Bắc vào Nam viết báo in sách như Trần Huy Liệu, Đào Trinh Nhất đã bày tỏ thái độ khinh bỉ mạt sát đạo Cao Đài là nhảm nhí, tạp-pí-lù khi đạo này xuất hiện ở Nam kỳ vào những năm 1926-1930.
- Ngược lên nữa hồi 1915, Phạm Duy Tốn cộng tác với Lục Tỉnh Tân Văn ở Sài Gòn, nhân Bắc kỳ bị bão lụt lớn, viết bài kêu gọi người Nam kỳ quyên góp tiền cứu trợ nạn nhân bão lụt. Không hài lòng về số tiền quyên được, Phạm Duy Tốn viết bài chê trách người Nam kỳ sở dĩ không đủ hào hiệp vì đất Nam kỳ không có văn minh, hoặc chỉ là thứ văn minh giả. Bài báo đã gây nhiều phản ứng dữ dội trong giới cầm bút ở Nam kỳ.
- Năm 1919, Phạm Quỳnh chủ bút Nam Phong vào công du Nam kỳ, về Hà Nội, viết loạt bài bày tỏ thái độ khinh biệt Nam kỳ: Trí thức là hạng người mất gốc, văn chương thì nhiều về số lượng, nhưng nghèo về phẩm chất, những nhân vật được người Nam kỳ quý trọng như Trương Vĩnh Ký, chẳng qua chỉ là người soạn sách giáo khoa cho con nít nào có công trạng gì đáng kể làm vẻ vang cho đất nước... (bài này đã bị bỏ ra trong toàn tập Phạm Quỳnh xuất bản ở Hoa Kỳ).
- Năm 1954 một đợt người Bắc di cư vào Nam trong đó có nhiều người thuộc giới cầm bút. Năm 1960 luật sư Trần Thanh Hiệp nói chuyện ở câu lạc bộ đường Tự do về đề tài: “Viễn tượng văn nghệ miền Nam” ngày 12-8-1960, diễn giả đã khẳng định trong bài rằng văn nghệ miền Nam không có quá khứ.
- Năm 1975 nhiều nhà văn nhà báo từ Bắc vào Nam. Nguyễn Mạnh Tuấn xuất bản tiểu thuyết Cù Lao Chàm cho rằng sở dĩ những người gốc Nam Bộ đi theo cách mạng sau chiến tranh trở thành mất gốc, phản bội cách mạng là vì từ căn bản họ là những người thuộc một vùng đất không có truyền thống lịch sử mà chỉ có những tập quán xấu xa, những kiến thức nông cạn. Dĩ nhiên thái độ của Nguyễn Mạnh Tuấn cũng đã gây nhiều phản ứng giận dữ nơi những người cầm bút gốc Nam Bộ cũng là đảng viên hay theo kháng chiến.
Những tố cáo kết án của người miền Bắc kể trên đều dựa trên niềm hãnh diện miền Bắc có truyền thống văn hóa sâu sắc lâu đời mà tầng lớp sĩ phu Bắc hà là một tiêu biểu, trong khi người miền Nam thuộc vùng đất mới không có truyền thống lịch sử văn hóa hoặc nếu có thì nông cạn thua kém so với miền Bắc. Sự kiện không có truyền thống lịch sử văn hóa hoặc có mà hời hợt nông cạn là nguyên nhân chính giải thích thái độ mất gốc về văn hóa, sa đọa về đạo lý và đầu hàng chủ bại về chính trị. Do đó không lạ gì những nhân vật được người miền Nam trân trọng tôn thờ bị một số người cầm bút ở phương Bắc coi thường miệt thị và kết án về các mặt văn học, đạo lý và chính trị. Nguyễn Đình Chiểu tuy được nhìn nhận là người chủ chiến được khâm phục nhưng về mặt văn học thơ văn của ông chẳng ra gì.
“Nguyễn Đình Chiểu có cả tập Lục Vân Tiên mà dân Nam bộ miệt vườn mê thích cũng không được giới sành điệu bắc kỳ khoái khẩu. Cụ thể là trong tuyển thơ lục bát Việt Nam của nhà Xuất bản Văn hóa Thông tin không có dòng thơ nào của ông Đồ loà yêu nước và nhân hậu này. Rất khó nếu sử dụng thẩm mỹ văn chương Bắc kỳ xem xét văn chương miền Nam.” - Đỗ Quang Hạnh, trong bài “Một chút dông dài về thơ quậy Bùi Chí Vinh.”
Trương Vĩnh Ký bị tố cáo và kết án như Phan Thanh Giản ở miền Bắc thời 1963 và sau 1975 tượng bị tháo gỡ, tên đường tên trường bị thay thế như Phan Thanh Giản. Ở Sài Gòn có hai di tích lịch sử Lăng Cha Cả và Lăng Ông. Người dân miền Nam tôn kính Gia Long nên cũng tôn kính quân sư của nhà vua; khi Bá Đa Lộc qua đời, Gia Long đã tổ chức quốc táng và xây lăng cho ông. Sau 75 Lăng Cha Cả bị san bằng, lăng Ông đáng lẽ cùng chung số phận, tôi còn giữ một bài kết án Lê Văn Duyệt thật nặng nề của ban nghiên cứu lịch sử đảng quận Bình Thạnh đề nghị biến lăng thành khu vui chơi giải trí lành mạnh, không hiểu sao đề nghị này không được đem ra thi hành. Hồi 1945 những người cộng sản miền Nam tổ chức khởi nghĩa cách mạng tháng Tám bằng những mít tinh tuần hành trên đường phố Sài Gòn. Đám đông tuần hành giật đổ các tượng ông tây bà đầm, nhưng không đụng đến tượng Trương Vĩnh Ký ở giữa trung tâm mít tinh đằng sau nhà thờ Đức Bà.
Vào những năm 2000-2003 đảng phục hồi những danh nhân miền Nam, tổ chức các tọa đàm hội nghị trí thức miền Nam và ngay cả lãnh đạo các cấp ủy, nhà nước đã lên tiếng khẳng định lòng tôn kính những danh nhân của miền Nam.
Như vậy điều đáng lưu ý là có một sự khác biệt về tâm tình giữa người miền Bắc và miền Nam do những yếu tố địa lý chính trị của vùng đất cũ và vùng đất mới qui định. Tâm tình này vượt khỏi những khác biệt về ý thức hệ, tôn giáo. Nói cách khác có một mẫu số chung cho những người Việt sống ở một vùng đất bất kể những khác biệt về ý thức hệ, về tôn giáo. Những yếu tố địa lý chính trị quy định sự khác biệt có tính cách quy luật này áp dụng cho cả người ngoại quốc ở lâu năm trong hai vùng. Những căng thẳng mâu thuẫn từ hồi đầu thế kỷ 20 giữa phủ toàn quyền ở Hà Nội và Hội đồng Thuộc địa ở Sài Gòn đã có lúc làm cho Hội đồng Thuộc địa có ý định tách Nam kỳ ra khỏi Liên bang Đông Dương. Quan hệ giữa vùng đất cũ và đất mới ở miền Nam có nhiều nét tương tự ở các châu khác như Bắc Mỹ và Âu châu. Chính người Bắc với thái độ khinh miệt về văn hóa người miền Nam bày tỏ một thái độ kỳ thị; nhưng trước phản ứng của người bị kỳ thị lại đổ cho người miền Nam tội kỳ thị. Nêu ra một vài ghi nhận kể trên không nhằm phê phán người miền Bắc vì người viết bài này gốc miền Bắc đã viết những điều xúc phạm đến miền Nam, cụ thể qua trường hợp Trương Vĩnh Ký trước 1975.
Trong chiều hướng phục hồi những danh nhân miền Nam đã bị phê phán kết án thiết tưởng cũng cần xét lại thái độ đối với Tôn Thọ Tường, một người có chân trong phái đoàn Phan Thanh Giản đi Tây, cũng chủ trương cải cách. Trước 75 người cộng sản miền bắc và người chống cộng gốc Bắc di cư vào Nam đều đề cao Phan Văn Trị và kết án Tôn Thọ Tường. Nhưng người miền Nam có thái độ dè dặt hơn. Nguyễn Liên Phong trong Nam Kỳ Phong Tục Nhân Vật Diễn Ca do nhà xuất bản Phát Toán Sài Gòn 1909, trang 34 đã giới thiệu hai nhà thơ này như đôi bạn thân thiết mặc dầu khác nhau về lựa chọn chính trị. Tôn Thọ Tường làm quan vẫn đưa tiền cho Phan Văn Trị uống say chưởi bạn mà vẫn chịu đựng bạn. Nếu có ai chịu khó tìm trong văn khố Pháp những bản điều trần đề nghị của Tôn Thọ Tường gửi nước Pháp, có thể hiểu hơn lập trường hợp tác của ông.
Phan Thanh Giản bị kết án là chủ hòa hiểu theo nghĩa chủ bại. Chủ chiến dựa vào cảm tính còn chủ hòa xuất phát từ nhận thức. Nhận thức càng sâu rộng nếu có điều kiện ra nước ngoài đi Âu châu. Phan Thanh Giản được sai đi sứ không những có thể thấy tận mắt để quan sát tìm hiểu Âu châu mà còn có may mắn được Trương Vĩnh Ký tháp tùng làm thông ngôn, một thông ngôn không phải chỉ biết phiên dịch mà còn có thể giúp phái đoàn hiểu sâu rộng Âu châu, nước Pháp về mặt chính trị lịch sử văn hoá tôn giáo. Những hiểu biết này đã đưa những Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ đến lập trường thương lượng nhượng bộ để cải cách vì thấy rõ chỗ yếu của ta và chỗ mạnh của địch. Trường hợp không thể nhượng bộ được và nhượng bộ cũng vẫn mất thì chỉ còn càch chịu mất để tránh những thiệt hại vô ích về nhân mạng. Nhưng Phan Thanh Giản không để mất tư cách, một cái mất không phải do hoàn cảnh khách quan bên ngoài mà do chính mình. Phan Thanh Giản đã lựa chọn cái chết để chứng tỏ mình không ham sống sợ chết. Tự sát trong truyền thống Á đông vẫn được coi như một cử chỉ cao đẹp nhất để bày tỏ tư cách con người, và chính nghĩa mà mình theo đuổi.
Ngày 30-4-75 tướng Dương Văn Minh đứng trước một thực tế tuyệt vọng, nếu tiếp tục chiến đấu, vẫn mất nước, tạo thêm những thiệt hại về nhân mạng vô ích, ông đành nhận trao quyền cho kẻ thắng. Sau đó nếu ông có thể nói công khai đôi điều với người Mỹ như thủ tướng Cao Miên đã làm và đôi điều với những người anh em thắng trận rồi tự sát bằng cách nào đó, dùng súng hay cyanure và nếu một vài bộ trưởng theo gót ông thì không ai có thể oán trách ông được. Thực ra đã có nhiều tướng tá và binh lính đã tự sát nhưng hình như ít được nói đến cả về phía người Mỹ và Cộng sản, cả hai đều xem ra đồng tình coi quân đội viên chức VNCH là tay sai, lính đánh thuê. Nếu tướng Minh tự sát thì sẽ có tiếng vang không thể che giấu được và đặc biệt dư luận Hoa Kỳ và Cộng sản không thể nói chế độ miền Nam là bù nhìn tay sai lính đánh thuê vì tay sai lính đánh thuê không bao giờ tự sát.
Phan Thanh Giản đã nói những điều cần phải nói với người Pháp mà ai nấy đều biết. Nhưng ông đã để lại một bài tự thuật có lẽ ít được biết đến để oán trách những kẻ không biết nghĩ sâu bảo thủ làm cho mất nước. Bài này nhan đề: Phan lương Khê tự thuật thế sự đăng trên báo Miscellanees (“thông loại khóa trình,” một thứ học báo do Trương Vĩnh Ký bỏ tiền túi ra xuất bản) số 5 tháng 9 và số 6 tháng 10-1889, có lẽ chưa đăng hết vì Trương Vĩnh Ký đình bản với lý do hết tiền in. Trong tập hồ sơ cá nhân của Trương Vĩnh Ký, (Dossier individuel de monsieur Trương Vĩnh Ký, 52 pièces, direction de L’Interieur, archives, gouvernement de la Cochinchine SL 172) có văn thư của Trương Vĩnh Ký gửi ban xét duyệt các bản thảo để được phép xuất bản, văn thư số 7 ghi: “Phan thanh Giản tự thuật thế sự. Reflexions sur les evenements de l’epoque par Phan Thanh Giản” bài này hiện nay thất lạc. Trong Miscellanees Trương Vĩnh Ký viết lời giới thiệu và chú thích bài thơ. Chúng tôi sao chụp nguyên văn để giữ được nguyên bản; như vậy người đọc bây giờ thấy được ngôn ngữ chữ viết cuối thế kỷ thứ 19. Sau cùng xin nhắn hỏi giáo sư Lưu Khôn đã đọc Lương Khê Thi Tập có thấy bài “Phan lương khê tự thuật thế sự” trong tập đó không?