Chủ Nhật, 19 tháng 9, 2021

Kate Chopin: The Story Of An Hour ( Gió ViVu phỏng dịch )

Lời người dịch.-

Nhìn những phụ nữ Hồi giáo mặc trang phục và trùm khăn Burka tôi không khỏi rùng mình lo nghĩ dù đang sống ở Bắc Mỹ - ở một xứ tự do, độc lập - và trong một xã hội được xếp hạng là "Nhất trẻ em, nhì đàn bà, thứ ba là chó". Từ bao thế kỷ trước, người đàn ông luôn được xếp hàng cao "chót vót" ngay cả ở những xứ Bắc Mỹ; đàn ông là trụ cột và được quyền khống chế, điều khiển vợ con nhất thiết phải sống theo ý mình. Thật là một bất công, vì từ đó bao cảnh đau khổ, đắng cay, nhục nhằn mà phụ nữ đã phải gánh chịu khi bước vào cuộc sống hôn nhân. Thời gian qua với bao nhiêu tranh đấu phụ nữ đã đạt được sự tự do và quyền bình đẳng. Nhưng không phải tất cả phụ nữ trên thế giới đều được may mắn như nhau. Vì ở một số nơi, người phụ nữ vẫn còn sống dưới sự áp bức và cai quản của đàn ông, và hôn nhân coi như một sự áp đặt sẵn hoặc mua bán, trao đổi vì quyền lợi chính trị, kinh tế, giai cấp,...chứ không có tình yêu lãng mạn, hẹn hò của lứa đôi.

Dù đã hai thế kỷ qua, câu chuyện "Một Khoảnh Khắc Thần Tiên" (Story Of An Hour) của Kate Chopin như vừa mới viết hôm qua - để nói lên cuộc đời, thân phận và tâm tình của những người đàn bà, những người vợ phải sống dưới chế độ thống trị, áp bức của nam giới - đã và đang còn tồn tại ở một số nơi trên thế giới ngày nay (thế kỷ 21).

TIỂU SỬ TÁC GIẢ

Bà Kate Chopin - 1894
Kate Chopin (1851 - 1904)

Kate Chopin (được biết với tên Catherine O'Flaherty trước khi lập gia đình với Oscar Chopin vào năm 1870) sinh tại St. Louis, Missouri (USA) - Mẹ là người gốc French-Creole, cha là người di dân gốc Ái Nhĩ Lan. Kate Chopin lớn lên trong "Chế độ phụ hệ" chứng kiến bao thế hệ phụ nữ bị "nam giới thống trị". Từ thời bà cố ngoại, Chopin đã nghe nhiều truyền thuyết về người Pháp đặt bước chân đầu tiên đến St. Louis. Những "thần thoại" này cũng đã ảnh hưởng nhiều đến truyện ngắn của bà với đầy đủ màu sắc, hương vị và âm thanh của dân Creole và Acadian.

Những câu chuyện của Kate Chopin viết hầu hết về những người phụ nữ đã miệt mài, buồn khổ đi tìm kiếm tự do dưới chế độ cai quản của "đàn ông", và bà được mệnh danh là người tiên phong dám viết lên tiếng nói và tâm tình của những người phụ nữ bị hà hiếp, thống trị thời đó. Bà đã viết hơn một trăm truyện ngắn, rất nhiều truyện đã được xuất bản hai lần như: Bayou Folk (1894) và A Night in Acadia (1897). Hai cuốn: At Fault (1890), và The Awakening (1899), đã gây tranh cãi gay gắt về vấn đề ly dị và ngoại tình. Bị bài bác như một kẻ vô luân, vô đạo đức, The Awakening đã làm dư luận sôi nổi, phản kháng kịch liệt khiến Kate Chopin rơi vào tâm trạng buồn chán, thất chí và viết rất ít vào khoảng năm năm cuối đời.

Khi bà lên năm tuổi thì Thomas O'Flaherty, cha của Kate Chopin - một thương gia giàu có - qua đời vì một tai nạn ở đường rầy xe lửa. Nỗi buồn mất cha đã đeo đẳng theo bà suốt cuộc đời và là mấu chốt cho câu chuyện "Một Khoảnh Khắc Thần Tiên" (1894) - sau hơn bốn mươi năm. Kate cũng đã viết lên vai trò của người phụ nữ qua cuộc đời của những người trong gia đình. Mẹ, Bà, và Bà Cố đều đã chọn là quả phụ sau khi chồng qua đời : họ cảm thấy được sống tự do, và hạnh phúc hơn là bước thêm bước nữa. Nhận thức và mong muốn được tự do, độc lập của những người phụ nữ thời đó đã ảnh hưởng sâu đậm trong nhiều tác phẩm của Kate Chopin.

MỘT KHOẢNH KHẮC THẦN TIÊN


Gió ViVu dịch thuật

Bà Louise Mallard là một phụ nữ yếu đuối mang bịnh tim, vì thế mọi người phải hết sức thận trọng khi muốn báo tin cho bà về người chồng vừa bị tai nạn qua đời.

Ai cũng lo ngại khi phải báo tin chẳng lành cho Louise. Sáng nay, Richards có mặt ở tòa báo khi biết tin có tai nạn thảm khốc tại đường rầy xe lửa và trong danh sách những người tử nạn có tên Brently Mallard. Richards cũng đã cẩn thận gởi thêm một điện tín nữa để xác thật nguồn tin. Rồi chàng vội vã đi tìm Josephine, bàn cách báo tin cho Louise vì sợ hung tin sẽ làm kinh động đến trái tim yếu ớt của nàng. Josephine, em gái của Louise trong thái độ ngập ngừng, khó mở lời ..., và có cả Richards bạn thân của chồng cũng lo lắng đứng gần đó.

Louise không cảm thấy hụt hẫng, bơ vơ, lo sợ hoặc không chịu chấp nhận sự mất mát, đau buồn lớn lao này như những người phụ nữ khác. Nàng chỉ sững sờ nhận hung tin, quệt vội nước mắt, rồi òa khóc trong vòng tay vỗ về, an ủi của cô em gái. Khi cơn khích động từ từ lắng xuống, nàng lặng lẽ đi vào phòng và không muốn ai quấy rầy.

Nàng gieo mình xuống chiếc ghế bành, mắt hướng về phía cửa sổ đang mở rộng, và dường như sự mệt mỏi về thể xác đã làm tâm thần nàng mơ màng, mộng mị như có một điều gì huyền hoặc, lạ lùng len lỏi vào...

Nhìn qua khung cửa sổ trước nhà nàng, những chồi non đang reo vui với làn gió xuân phơi phới. Nàng cảm thấy như sắp được hít thở những giọt mưa xuân thơm mát hòa quyện vào không khí. Ngoài đường phố, những người bán hàng rong đang cất cao tiếng rao hàng. Xa xa nghe văng vẳng như có tiếng ai ca hát và tiếng những chú chim con đang ríu rít trong tổ ấm dưới mái hiên nhà.

Và nhìn kìa, vài mảnh trời xanh trong vắt đang ẩn hiện sau những đám mây trắng lững lờ trôi để rồi cùng quấn quít bên nhau xuôi về phía trời tây yên bình, hạnh phúc.

Nàng ngồi đó, bất động, đầu dựa trên chiếc gối ở ghế, chỉ thấy nàng nấc rất nhẹ, nấc...nhẹ như những đứa trẻ con hay khóc hờn trong giấc ngủ mơ... Nàng đang nức nở, thổn thức.

Nàng còn quá trẻ, dịu dàng và điềm tĩnh nên nàng không cho phép mình biểu lộ những cảm xúc trước mặt mọi người. Nhưng giờ đây, đôi mắt nàng đang mơ màng ngắm nhìn những đám mây trắng như bông đang tung tăng nô đùa dưới bầu trời xanh, rồi nôn nao nối tiếp chân nhau bay về nơi cuối trời. Không phải chỉ là cái nhìn bâng quơ mà trong lòng nàng còn vương mang nhiều ước vọng... mơ màng, nhẹ nhàng như những đám mây trôi giữa bầu trời tươi đẹp kia.

Có những gì sẽ đến với nàng mà nàng đang chờ đợi một cách sợ hãi. Đó là cái gì vậy? Nàng không hề biết; nó quá mơ hồ và khó diễn tả... Nhưng nàng cảm nhận được, vì nó đã nhẹ nhàng êm ái đến với nàng từ bầu trời mênh mông, bao la quyện theo những âm thanh, cùng mùi vị, và màu sắc tràn ngập trong bầu không khí mà nàng đang hít thở.

Bây giờ, lòng nàng rộn rã, xôn xao. Nàng bắt đầu cảm thấy như có điều gì xâm chiếm tâm hồn và nàng muốn cưỡng lại nó, xua đuổi nó - nhưng đôi tay nhỏ bé gầy guộc của nàng - quá yếu đuối.

Nàng mơ màng, đôi môi mấp máy thì thầm trong hơi thở nhẹ: "tự do, tự do, tự do rồi!" ... Nhưng lại sợ hãi, nàng đưa mắt nhìn vào khoảng trống không, đôi mắt nàng sáng và sắc. Tim nàng đập mạnh, và một dòng máu ấm chảy lan tỏa khắp người làm nàng cảm thấy thư thái dễ chịu.

Nàng không ngừng tự hỏi... đây có phải là một niềm vui "tội lỗi" không? Nó đã hình thành thật hiển nhiên khiến nàng không thể chối từ rằng nó đã hằng được ấp ủ trong lòng.

Nàng biết rằng nàng sẽ lại khóc khi nhìn thi thể người chồng yêu dấu của mình, người mà đã không còn âu yếm nhìn nàng hay ôm ấp nàng nữa mà chỉ nằm đó, lạnh lùng và buồn thảm. Nàng đã xuất giá tòng phu, nhưng người chồng chỉ coi nàng như một vật nuôi trong nhà. Ngôi nhà như một nơi đã giam hãm nàng, và cái khung cửa sổ mở chính là cái khoảng trời tự do duy nhất mà nàng có thể nhìn ngắm mỗi ngày. Giờ đây, Brently đã không còn hiện diện trong ngôi nhà này nữa...! Trong những giây phút đắng cay, sầu thương đó, nàng lại thấy những ngày tháng an nhiên tự tại sẽ thuộc về nàng. Và nàng đang mở rộng vòng tay ra đón nhận.

Những tháng năm dài sắp tới, chỉ có nàng sống với chính mình. Sẽ không có quyền lực nào áp bức, trói buộc mà trong đó người đời vẫn tin rằng người chồng được quyền cưỡng bức vợ phải sống và chiều theo ý mình. Một sự thương yêu, bảo bọc hay là một bạo lực đã áp đặt lên đời nàng như một "tội ác" mà giờ đây nàng nhận rõ ra. Hôn nhân của nàng là một sự trói buộc, là một phương tiện để điều khiển người phụ nữ dưới sự áp bức, cai quản của người đàn ông. Xã hội thật không công bằng khi bắt nàng phải sống dưới sự khống chế và điều khiển của chồng. Nàng không có quyền được sống và làm những gì mình yêu thích trong đời.

Và đúng là... chỉ đôi khi nàng yêu chồng - thường thì không yêu. Thế thì đã sao nào! Tình yêu là một cái gì huyền bí khó giải thích, và nó không dựa trên sự chiếm hữu trong đó vợ hay chồng không có quyền áp chế lên nhau. Nàng vừa nhận chân ra nàng phải được sống tự do và ý tưởng này dường như đã khơi dậy, thúc đẩy cái bản năng của nàng mạnh mẽ hơn để tồn tại, và hiện hữu.

"Tự do! Được tự do cả thể xác lẫn tâm hồn!" nàng vẫn lẩm bẩm.

Josephine đang quỳ trước cửa phòng, miệng ghé vào ổ khóa nài nỉ "Louise, hãy mở cửa ra! em xin chị hãy mở cửa ra - đừng tự mình làm khổ mình - Louise, chị đang làm gì đó? Vì Chúa, xin hãy mở cửa ra!!!"

"Hãy để chị yên! Chị không tự mình làm khổ mình đâu!"

Không đau khổ đâu, nàng đang cảm thấy rất thanh thản và sảng khoái như vừa được uống thần tiên dược thảo!

Nàng vẫn miên man, mơ màng tưởng tượng đến những ngày tháng thong dong, không chút lo âu phiền muộn sắp tới... Kìa, những ngày xuân tươi vui, những ngày hè ươm nắng và tất cả những ngày vui đẹp khác sẽ là của riêng nàng. Nàng sẽ cầu nguyện cho mình được sống lâu. Vậy mà mới hôm qua đây, nàng lại rùng mình run rẩy khi nghĩ đến cuộc đời nàng sẽ còn dài lâu với những chịu đựng, nhẫn nhịn và tù hãm.

Nàng nhỏm dậy, ra mở cửa cho cô em vẫn còn đang nài nỉ. Ánh mắt nàng hoan hỉ, đắc chí như muốn hát lên khúc khải hoàn ca của một vị nữ thần vừa thắng trận. Nàng ôm nhẹ ngang eo cô em gái và cùng nhau bước xuống lầu. Richards đang lo lắng, đứng chờ đợi họ ở dưới.

Ai đó đang tra chìa vào ổ khóa cửa... Brently Mallard vừa bước vào nhà, bụi đường còn dính trên áo, tay còn xách chiếc cặp và dù... Ô...nhìn kìa, một Brently bằng da bằng thịt trở về chứ không phải là một cái xác lạnh lùng, bất động. Brently ở xa và không hề hay biết về tai nạn chết người vừa xảy ra ở đường rầy xe lửa. Có thể là một sự nhầm lẫn hay ngộ nhận tên tuổi của chàng?

Brently kinh ngạc đứng sững người khi nghe tiếng la thất thanh của Josephine và Richards thì vội vàng đứng che Brently lại không cho vợ chàng nhìn thấy.

Nhưng Richards đã quá trễ...!

Khi bác sĩ đến, họ nói Louise chết vì bị đứng tim - vì mừng quá mà chết!

Hay vì nàng "sợ" quá mà chết?!!!