Thứ Ba, 28 tháng 9, 2021

Thân gửi văn hữu và bạn đọc
DIỄN ĐÀN THẾ KỶ

Hôm nay chúng tôi có một tin tức mới gửi đến các bạn.

Diễn Đàn Thế Kỷ, ra mắt độc giả từ năm 2010, đến nay đã được 11 năm, suốt thời gian ấy bài vở luôn luôn đến với độc giả đều đặn hàng ngày. Hiện nay, vì các lý do khách quan lẫn chủ quan, nhịp độ ấy không còn thích hợp nữa, chúng tôi quyết định đưa bài vở lên diễn đàn mỗi tuần một lần, vào ngày Thứ Sáu. Nội dung bài vở cũng gần như cũ, gồm các mục thời sự, nghiên cứu và văn học.

Xin kính báo cùng quý văn hữu và độc giả.

DĐTK


Chủ Nhật, 26 tháng 9, 2021

Lưu Văn Vịnh: Mò Gươm Dưới Đáy Thời Gian !

Tưởng niệm 50 năm xa Hà Nội Băm Sáu Phố Phường.

Đầu năm 2000, tôi về thăm Hà Nội, về lần thứ tư, mấy tay văn nghệ gốc Băm Sáu Phố Phường dẫn đi ăn cháo gần Ô Quan Chưởng, chẳng xa phố Hàng Tre Bờ Sông ngày thơ ấu xa xưa. Cá thật tươi vừa lát vẩy, sắt ra từng miếng mỏng đỏ hồng... Chờ có nghế ngồi cũng mất nửa tiếng, nhìn rổ cá thấy ngon, nhưng nhìn phía lòng lợn lầy nhầy trắng đỏ máu, đầy một nồi lớn, như vừa mổ lợn xong, thì thấy rợn như ruột người mới rút ra... Hà Nội vẫn sót lại đám dân kinh kỳ biết ăn biết chơi, thú hưởng lạc của bao thế hệ truyền lại, từ Tản Đà, Thạch Lam, Nguyễn Tuân... vẫn còn trong huyết mạch, góc nào có quán ngon, hàng nào có món khoái khẩu, chẳng cần quảng cáo, dân Hà Nội rủ nhau tới tấp nập. Đôi khi ích kỷ, tôi cứ mong Hà Nội còn nguyên thời 1950, dân số chưa tới nửa triệu, ăn hàng quà rong thưa thớt chẳng phải chờ đợi, như một cái làng nửa tỉnh nửa quê, còn cô bán chiếu, còn bà hàng bánh dầy bánh giò nóng, còn cơm tám thơm, còn cụ bán xôi chè, chợ Đồng Xuân còn có góc bún chả quạt lên thơm phưng phức...; và còn lao xao giọng nói cao, rất trong và thanh của dân kinh kỳ, đấy là dấu tích văn vật nghìn năm, gạo trắng nước trong, có cả không gian linh diệu, có cả luồng vũ trụ tuyến phả vào âm sắc, vào thớ thịt cổ họng, làm nên sắc thái riêng...

Nhưng giá những người yêu Hà Nội như Thạch Lam, yêu món ngon như Nguyễn Tuân, có còn sống, thì không chừng các cụ cũng phải di tản, di tản theo đàn người phong lưu Băm Sáu Phố Phường, họ mang theo giọng nói, mang theo nghệ thuật nấu ăn, mang theo phong cách ngồi ăn, cầm đũa, gắp thịt, chẻ rau... Bắc Cali có bà đi từ Hà Nội sang Pháp năm 1954, nấu phở không chê được, mà hương vị thuần phở Hà Nội năm xưa, Sacramento thời 1980 có bà làm món chả cá tưởng Lã Vọng thời 1950 cũng không thể hơn, cho đến món ốc nhồi ăn ở Sài Gòn, đường Lý Trần Quán hay ăn ở Cali cũng chẳng sút kém. Đành rằng Hà Nội vẫn còn những đặc sản, giò chả thơm ngon vì thịt tươi, những món xôi nóng dẻo quánh nhờ lúa gạo mới mà ông bạn từ Huế ra nhận xét rằng món xôi chính món đặc biệt nhất của Hà Nội, có mất chăng là mất cái khung cảnh không khí xa xưa, mà nay giá cũng lang thang gót công tử như Thạch Lam, cầu kỳ như Tản Đà, kỹ càng như Nguyễn Tuân đi đâu cũng mang theo một cái bát kiểu, thì bạn bè bằng hữu tri kỷ tri âm giờ đây còn lại mấy ai? Món ăn ngon mà không có bạn bè cùng tri kỳ vị, cùng tri kỳ tâm, cùng đàn đúm, thì cổ họng rất dễ khô lại, tỳ vị không sung mãn hỷ hả, bị ức chế, tưởng khó mà thấy ngon. Vả lại lớp người biết ăn ngon mặc đẹp ấy đã bị thời cuộc ruồng rẫy, bây giờ lối sống vội vã, nhìn trước nhìn sau, đâu còn cái thú la cà, dềnh dàng...

*

Một nhà xã hội học cho rằng nhân cách con người được hình thành ở mươi năm đầu của cuộc đời, không biết có đúng tuyệt đối không nhưng điều chắc chắn là ở tuổi thơ ấu, thiếu niên, trí nhớ như tờ giấy trắng, ghi nhận mọi hình ảnh cất giữ vào tâm não, nên khi lớn, những hình ảnh cảm xúc ban đầu vẫn át các hình ảnh cảm xúc đến sau. Đến tuổi lão, trí nhớ mất gần hết nhưng thuở ấu thơ vẫn là kho tàng cuối cùng sót lại. Và ai chẳng muốn, sau cuộc hành trình chu du vất vả, trở lại kho tàng xưa, tìm tổ ấm dung thân quãng cuối dòng đời.

Nguyễn Lê Hồng Hưng: Trên Một Dòng Sông

Đèn treo cột đáy, nước chảy đèn rung.
Thương nhau xin chớ ngại ngùng,
sông sâu cũng lội
rậm rừng cũng băng.
(ca dao)

Hải đứng lặng nhìn ra giữa dòng sông. Nước lờ lửng chảy, vài chiếc đò dọc thiếu khách chạy tà tà và trên bến sông thì vắng bóng người. Gió chướng hiu hiu không hãm được cơn nắng át của tháng ba. Hải nhớ hồi tháng ba năm ấy. Trên chiếc xuồng tam bản mui trần, mũi cột vô hàng đáy giữa dòng sông trong đêm trời đầy sao và con nước ròng chảy xiết. Cũng tại khúc sông nầy, anh với Lệ ôm nhau khóc, nước mắt tuông theo con nước róc rách dưới dạ xuồng. Lệ nghẹn ngào hứa chờ ngày anh trở về bến đáy. “Anh sẽ dìa với em.” Đó là lời hẹn với Lệ trước ngày anh vượt biển.

Thoát một cái đã mười bốn năm dư và anh đã trở về. Những hàng đáy giữa dòng sông vẫn còn trơ trơ, đầu cột đáy có một con nhàn đứng ủ rũ như đợi chờ một tăm cá, nhưng chủ nhân của hàng đáy bây giờ là ai? Anh hỏi thăm không ai biết bến đáy nào của Lệ. Thiên nhiên đã thu hẹp, rừng cây cối lưa thưa, đứng trên bờ chẳng nhìn ra đâu là bến, chỉ thấy một dãy nhà sàn san sát dọc bờ sông. Hải phải hỏi thăm nhiều lần mới tìm được nhà anh Tài, anh của Lệ, bây giờ đã dời ra vàm sông Ông Đốc. Anh Tài đã đổi qua nghề câu mực, nhưng vẫn còn giữ nghề đóng đáy trên sông.

Trước kia nhằm mùa nước sổ mỗi khi xuồng đáy về, tôm cá đựng bằng cần xé, người ngồi lựa cá, người nấu nước luộc tôm. Ban đêm ánh đèn măng xông soi sáng một vùng, ban ngày tôm phơi ngập sân đỏ ối. Anh Tài nói:

- Bây giờ khổ lắm mày ơi, cá tôm mò đỏ con mắt mới được vài con.

Thiệt vậy, đêm hôm đổ đục về, chị Liên, vợ anh Tài bưng rổ cá tôm lộn xộn lên xốc xốc, lựa ra đếm được hơn chục con cá bống và cân được vài kí lô tôm. Thường ngày vợ chồng sai con bưng cá bưng tôm ra chợ bán, nhưng hôm nay có Hải, anh dành lại ăn.

Hồ Phú Bông: Những Viên Sỏi

Hình minh hoạ FreePik

Lam chuẩn bị đi thư viện thì nghe tiếng gõ cửa. Một thanh niên mặc rất giản dị và lịch sự hỏi nhà Liễu:

- Thưa cô, cô Liễu trước đây ở căn bên cạnh không biết đã dời về đâu? Tôi ở xa về, mất liên lạc nên không biết tin tức. Nếu cô biết xin chỉ giúp. Tôi đã hỏi chủ mới nhưng họ không biết.

- Liễu là bạn tôi. Liễu đi Úc lâu rồi. Tôi có địa chỉ Liễu nhưng không nhớ. Nếu cần, tối anh chịu khó ghé lại tôi sẽ lục tìm cho anh vì bây giờ tôi có việc phải đi ngay.

- Thành thật cám ơn cô. Tôi sẽ trở lại.

Đến thư viện thì Thành đã đợi sẵn ở đó.

- Lam đến trễ một chút vì vừa chuẩn bị đi thì gặp một ông Việt kiều hỏi nhà Liễu.

- Ông Việt kiều là bạn của Liễu? Chưa khi nào Thành nghe Liễu kể cả.

- Lam cũng hơi ngạc nhiên. Tối ổng sẽ trở lại. Thành muốn gặp ổng không?

- Chắc là không rồi.

Ngày trước Thành và Liễu rất thân nhau. Họ có thể là một cặp rất xứng đôi nhưng bạn của chị Liễu, ở Úc về, cuỗm mất Liễu. Thành không ưa Việt kiều từ đó. Thành tiếp:

- Cô nào cũng mơ Việt kiều, Lam có nghĩ vậy không?

- Thành có vẻ không vui phải không? Quên đi một kỷ niệm buồn cũng là điều tốt chứ. Sống hoài với nó có ích gì. Đời sống vẫn còn đang ở phía trước cơ mà!

Phan Quốc Sơn: Thần Thoại Bách Việt

Bô Lão, người giữ thần thoại Việt


Cho đến trước thời đại biến động trên đất nước ta cách đây hơn nửa thế kỷ, hình ảnh êm đềm trong gia đình của làng xóm Việt Nam vẫn là: Sau bữa cơm chiều của một ngày đồng áng nương rẫy, con cháu quây quần chung quanh ông bà để nghe kể chuyện đời xưa. Đây không những tập tục quen thuộc trong cuộc sống tổ tiên ta mà còn của tất cả những tộc người trên giải đất Bách Việt. Câu tục ngữ “Ăn cơm mới, nói chuyện cũ” không phải riêng của chúng ta mà còn phổ biến cùng khắp các dân tộc anh em, người Hán về sau dịch ra thành câu: “Khất tân cốc, thuyết cựu thoại.” Cuốn sách đầu tiên Trung Quốc chép về dân tộc phương nam là Hoa Dương Quốc Chí của Thường Cừ vào thế kỷ thứ 4, viết: “Theo tục Nam Man, người mà có tài thuyết phục hơn người được gọi là Lão. Đó là người được quyền chủ trì các buổi họp bàn bạc, trong đó họ thường kể chuyện ngụ ngôn, gọi là cổ tích di.

“Cổ tích di” chính là kho tàng thần thoại Bách Việt mà tác giả là các bô lão, họ cũng là người lưu giữ kho tàng Văn Hóa Dân Tộc này để ký thác lại cho con cháu đời sau qua nghệ thuật truyền khẩu.

Thần thoại của bô lão không hẳn là cổ tích thần tiên để “mua vui,” vì mỗi câu chuyện trong đó chứa đựng một ẩn đề của người xưa. Những sự biến trong thời chưa có sử chỉ có thể sống còn trong tâm thức và hoài niệm chúng ta qua dạng thần thoại. “Thần thoại là sự nói lên bằng ngôn ngữ của thần bí: diễn tả những điều có thực không thấy được bằng phương tiện của những điều thấy được”(J. Schniewind 1953: 47). Định nghĩa này rất gần gũi với quan điểm của giới khảo cổ học rằng huyền thoại là thần tích (sacred tale).

Đối với con người thời ban sơ, vạn vật trần gian đều mang mầu sắc huyền bí. Con người bỡ ngỡ trước các hiện tượng thiên nhiên. Sấm chớp, giông bão, lụt lội, những cơn thịnh nộ thiên tai làm con người kính sợ. Họ dùng trí tưởng tượng mà nhân cách hóa hoặc thần thánh hóa thiên nhiên, “tạo ra thần thánh qua hình ảnh của chính mình” để tự lý giải với mình. Họ dựa vào cái biết trong cuộc sống để sáng tạo nên thế giới không thể biết của thần linh. Đang khi thế giới ấy hình thành thì biết bao truyện linh dị hoang đường được thêu dệt. Thần thoại ra đời như thế.

Thứ Bảy, 25 tháng 9, 2021

Phong Tử Khải: Thu (Nguyễn Văn Thực dịch từ nguyên văn chữ Hán)

Thu

Phong Tử Khải

豐子愷

Nguyễn Văn Thực dịch từ nguyên văn chữ Hán

Vô ngôn độc thướng tây lâu, nguyệt như câu: Im lặng một mình lên lầu tây, trăng như móc câu/ Văn Trị Tiên Sinh Thôi Mã: Ông Thôi Mã, người Văn Trị/ Tranh: Tử Khải

Lễ gia quan (1) của tôi phải tới năm “ba mươi” tuổi mới cử hành được; và bây giờ thì đã qua hai năm. Tôi là kẻ không hiểu sao bén nhạy với chuyện đời, nên nhận được không phải là ít những gợi ý và chịu ảnh hưởng khá nhiều từ hai chữ “ba mươi” ấy. Tuy nhiên, tôi biết rõ là sức khoẻ thể lý cũng như tinh thần của tôi so sánh với lúc tôi hai mươi tuổi, thì chẳng khác gì nhau, ngoại trừ tôi thấy cái ý niệm “ba mươi” ấy là một chiếc dù trương ra che toàn thân tôi và làm cho tôi trở thành một cái bóng mờ mờ, và ý niệm ấy còn phảng phất như một tờ lịch có chữ lập thu (2) xé từ cuốn lịch treo tường; lập thu mà trời vẫn nóng hừng hực không giảm, nhiệt độ trên hàn thử biểu không xuống, và phải chờ cho tới khi sức nóng chỉ còn rơi rớt, tàn lụi, lúc sương rơi, lá rụng cái đã, thì lúc ấy khí hậu của trời đất mới trao thân cho thu.

Văn Công Tuấn: Vô Ngã thì ai là tôi?


Vô ngã là “không có ta”. Không có ta, vậy thì ai nói, ai viết đây?

Cô bạn văn viết Email cho tôi và nói, mới nhận món quà quý của bác Trụ Vũ, không biết có nên khoe với anh không? Tôi trả lời ngay, nên chứ! Khoe món quà văn chương là việc nên làm và nên làm ngay. Ấy là việc chia sẻ niềm vui kiến thức với bạn, nhất là món quà thơ từ một nhà thơ lão thành nổi tiếng. Không khoe mà giữ riêng cho mình, là chơi không đẹp.

Vậy là nàng Ngọc Thúy Hoàng Quân gởi ngay cho tôi xem bản thư pháp bài thơ của cụ Trụ Vũ. Bài thơ viết về „Vô Ngã“ có 3 khổ. Hoàng Quân còn viết thêm rằng: Hôm nào, anh Tuấn có chút thì giờ để thở, anh Tuấn giải thích thêm cho Thúy bài thơ, nhìn qua lăng kính của "Hạt Nắng Bồ Đề" nghe. Lời sao mà nhẹ nhàng, âm hưởng của sông Hương núi Ngự nghe như vẫn còn quyện đâu đây! Dù vậy cái cục đá nặng tôi đang đeo trong ba lô vẫn cứ nặng.

Thường ngày, khi có điều kiện trao đổi một đề tài về Phật học với bạn bè thân hữu, cốt là để cùng học hỏi tu tập thêm, tôi đều cố hết sức, cho dù lúc đó bận hay rảnh, đang thở thoải mái hay thở hồng hộc như chạy đua. Nhưng đụng chuyện vô ngã này thì khác, nó quả đã vượt qua khỏi cái lằn ranh khái niệm cụ thể, vượt qua cái đầu hạn hẹp của tôi. Lại là thơ của Trụ Vũ! Nếu không có yêu cầu, khi gặp các bài thơ tầm cỡ như vậy, tôi chỉ đọc lên mấy câu, ngước mắt nhìn trời, gật gù thán phục rồi im lặng luôn. Làm sao mà nói được? Tôi lại còn biết rất rõ, cụ Trụ Vũ không chỉ là một nhà thơ mà còn là một nhà nghiên cứu Phật học rất thâm sâu. Bao nhiêu năm nay tôi vẫn trân quý cuốn Pháp Cú (Dhammapada) do cụ dịch ra thể thơ, một tuyệt tác vì nó đã chở được không những ý mà cả lời của Pháp Cú. Đây là cuốn sách nằm thường trực phía trước mặt thuận tay với ở trên kệ sách nhà tôi (thường gọi là sách gối đầu giường).

Nhưng chả lẽ lại im luôn, thì coi sao được. Vì vậy, tôi cứ gồng mình ghi ra đây những suy nghĩ của mình về vô ngã, xem như là những ghi chú, trước cho chính mình, sau đáp lời yêu cầu của một người bạn.

***

Vương Đình Thanh: Cú Đấm

Tôi còn nhớ một chuyện, chẳng vui cũng chẳng buồn mà có thể gọi là trớ trêu. Đó là chuyện tôi dạy võ cho một công an Việt Cộng miền Nam, để hạ đo ván một công an Việt Cộng miền Bắc. Dạy trực tiếp mà coi như dạy hàm thụ, vì chẳng thực hành bao nhiêu, lại phải dạy cấp tốc. Mới nghe tưởng như chỉ có trong chuyện kiếm hiệp.

Số là sau khi miền Nam sập tiệm, tất cả quân, cán, chính Việt Nam Cộng Hòa phải tập trung cải tạo, nghĩa là đi tù mút chỉ, không biết ngày ra tù, vì tất cả bị kêu án ba năm tập trung cải tạo, nhưng sau ba năm vẫn ở tù tiếp, có người trên chục năm tù.

Tôi cũng như nhiều sĩ quan khác trong tù, thường bị chuyển trại hoài. Tôi gần như đi hết các trại trong miền Nam: Phú Quốc, Suối Máu, Cà Tum, Xuyên Mộc...

Chuyện nầy xảy ra ở trại Xuyên Mộc, năm đó khoảng 1980.

Trại tù nào cũng thế, hàng rào kiên cố, công an gác khắp nơi. Trại có nhiều dãy nhà, mỗi dãy có nhiều lán. Mỗi lán chứa độ một trăm hai mươi (120) tù. Đi lao động về là cửa nhà tù đóng và khóa lại. Mỗi ngày như mọi ngày. Buổi sáng công an mở cửa nhà tù. Sau khi làm vệ sinh cá nhân, tù tập họp ở trước sân trại, ngồi chờ đi lao động. Khi ra cổng, bao giờ cũng có vài cán bộ đứng trên bục điểm số xuất trại. Khi đi vào rừng để lao động thì có hai công an đi theo. Một công an mang súng AK (tiểu liên) gọi là bảo vệ (cảnh vệ), theo tù để trấn áp nếu tù nổi loạn hay trốn trại. Một công an đeo súng ngắn, gọi là quản giáo, lo đốc thúc tù làm việc. Chiều về, ngồi xếp hàng cho cán bộ điểm danh rồi vô lán, cửa khóa lại.

Bấy giờ đội của tôi do cán bộ quản giáo B. phụ trách. Cán bộ quản giáo nào, trước khi phụ trách đội lao động đều phải nghiên cứu hồ sơ từng người tù một. Vì thế, ngoài bãi lao động, cán bộ quản giáo thường gọi từng người tù đến để hỏi lý lịch, lên lớp, nghĩa là tuyên truyền rồi động viên kèm theo hăm dọa tù phải yên tâm học tập, lao động tốt để thành người tiến bộ và sẽ được cứu xét cho về sum họp với gia đình. Chủ trương thì như vậy, nhưng thực tế thì cán bộ thường gọi những người tù nào khéo nói chuyện để hỏi han linh tinh những chuyện bù khú, chuyện ăn chơi trước bảy lăm ở miền Nam, vì tò mò và để giết thì giờ. Vì đa số công an đều rất trẻ, là những người sống sót sau chiến tranh. Họ xuất thân từ vùng quê, tâm hồn chất phác, chưa bị nhồi sọ thù hận nhiều, nên bề ngoài thường hùng hổ nhưng vẫn còn bản chất con người trung thực. Dĩ nhiên những cán bộ lớn tuổi trong ban giám thị trại thì khỏi nói, nhất là những cán bộ công an chuyên nghiệp (không phải từ bộ đội chuyển ngành). Họ thường tìm mọi cách hành hạ tù, từ thể xác đến tinh thần, để chứng tỏ "lập trường" với đảng, với cấp trên.

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Một Người Việt Tên Dang

Tên đúng của ông có thể là “Đăng,” “Đặng,” “Đằng,” hay “Đáng,” hoặc “Đang” (Việt Ngữ không có từ “Dang”) nhưng tôi không dám chắc vì chỉ được biết qua một bài báo bằng tiếng nước ngoài (“Han ble smuglet inn i Norge i et bagasjerom. Et halvt år senere ble han pågrepet på en hasjplantasje”) đăng tải trên tờ Aftenposten, phát hành từ Na Uy, vào ngày 27 tháng 8 năm 2021.

Bản tiếng Việt (gồm 4371 từ) của dịch giả tên Trang, xuất hiện trên FB Que Toi mấy hôm sau đó. Xin được tóm lược:

“Dang” cho biết quê anh là làng chài Đô Thành, thuộc miền Trung Việt Nam. Từ nơi đây, nhiều thanh niên Việt Nam đã đi lậu trong các xe container xuyên qua Trung Quốc, rồi vượt biên giới vào Nga (Russland), trước khi trở thành nhân công lao động giá bèo hoặc gái mại dâm ở các thành phố Châu Âu.

Trên hành trình dài 11.660 km đến Na Uy, “Dang” trốn trong một thùng container sau xe tải. Đến ngày hôm nay, anh vẫn còn ám ảnh trong giấc mơ về những điều khủng khiếp mà anh đã thấy trên tuyến đường đó…

Ô nhiễm môi trường, đánh bắt cá quá mức và bất hợp pháp, công nghiệp hóa ngày càng phát triển đã dẫn đến tình trạng rất khó khăn cho ngành ngư truyền thống ở Việt Nam. Đối với đại gia đình của “Dang”, giải pháp cuối cùng là gửi cậu con trai lớn nhất trong một chiếc container đến Tây Âu. “Dang” cho biết gia đình đã phải thế chấp căn nhà và bán tất cả những gì đáng giá để trả tiền cho nhóm buôn người.

Tôi ra đi để tìm một cuộc sống tốt hơn. Nhưng nếu tôi biết trước kết quả thế này, tôi thà chọn cuộc sống một ngư dân nghèo. Theo “Dang”biết, gia đình đã thỏa thuận giá 25.000 USD với nhóm buôn người. Và đã trả trước một nửa.

Thứ Sáu, 24 tháng 9, 2021

Ngô Nhân Dụng: Thị trường công việc đảo lộn vì Covid

Kinh tế Mỹ bắt đầu suy thoái đầu năm 2020 vì Covid-19, các doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, sa thải hàng chục triệu công nhân; nhưng nay đã vượt lên cao hơn thời chưa bị bệnh dịch.

Theo các số liệu của Văn Phòng Ngân Sách Quốc Hội, Wall Street Journal, và Quỹ Dự Trữ Liên Bang chi nhánh St. Louis, vào tháng 10 năm 2019, Tổng Sản Lượng Nội Địa (GDP) nước Mỹ là $19,20 ngàn tỷ đô la; Tháng Giêng năm 2020, tụt xuống còn $18.95 ngàn tỷ; tháng Tư xuống nữa, $17.26 ngàn tỷ, cơn suy thoái bắt đầu; nhưng đến tháng Tư 2021, GDP lên trở lại, được $19.36 ngàn tỷ; tháng tới sẽ lên $19.95 ngàn tỷ đô la.

Các cửa hàng, xí nghiệp mở cửa lại, số người được chích vaccine lên cao, họ sẽ đi làm và mua sắm. Động lực thúc đẩy mạnh nhất là người tiêu thụ phải nhịn chi tiêu suốt năm trời rồi, mà họ lại đang sẵn tiền.

Nhiều người Mỹ đã để dành tiền trong cả năm qua. Quỹ Dự Trữ Liên Bang (Fed) tức Ngân Hàng Trung Ương Mỹ cho biết số tiền mặt và tiền gửi trong ngân hàng đã lên tới $14.5 ngàn tỷ đô la vào tháng Ba năm 2021, tăng thêm $850 tỷ trong ba tháng đầu năm. Riêng tiền để dành, gửi chương mục tiết kiệm, đã tăng thêm $2 ngàn tỷ; đang nôn nóng đòi được lưu hành!

Cho nên kinh tế sẽ tăng trưởng trở lại. Nhưng tình trạng hồi phục lần này diễn ra những cảnh tượng bất bình thường, đặc biệt trong Thị trường Công Việc (labor market), Số Cung và số Cầu không ăn khớp với nhau. Nhiều người không có việc làm, nhiều xí nghiệp lại không tuyển được đủ nhân viên.

Chuyện này vẫn thường xảy ra. Một xưởng chế tạo xe hơi tạm đóng cửa vì thiếu cơ phận, công nhân mất việc. Trong khi đó một bệnh viện nỗ lực không tuyển đủ nhân viên. Các công nhân hãng xe không thể đổi qua săn sóc bệnh nhân ngay được; cung và cầu không ăn khớp với nhau. Nhưng chưa bao giờ số chênh lệch lên cao như năm nay. Đầu tháng Chín 2021, các xí nghiệp cần 11 triệu người vào làm nhưng chưa tuyển được. Trong lúc đó 10 triệu người tìm chưa ra công việc.

Ngô Thế Vinh: Việt Nam Một Thế Kỷ Qua – Nguyễn Tường Bách và Tôi

Hình chụp một buổi ca nhạc trong gia đình Nguyễn Tường Bách - Hứa Bảo Liên ở Phật Sơn, 1967. (Hình: Tư liệu Hứa Bảo Liên)

Dẫn nhập: Việt Nam Một Thế Kỷ Qua, Nguyễn Tường Bách và Tôi là tên hai tác phẩm hồi ký của bác sĩ Nguyễn Tường Bách và cô giáo Hứa Bảo Liên, người bạn trăm năm của Nguyễn Tường Bách. Đây là hai bộ hồi ký đặc sắc về cuộc tình lãng mạn của một chàng trai Việt và một cô gái người Hoa ở Hà Nội cùng nổi trôi theo vận nước cho tới khi họ gặp lại nhau trên đất Côn Minh Vân Nam và trở thành đôi vợ chồng sắt son thuỷ chung với bao nhiêu tận tuỵ và hy sinh – nhưng quan trọng hơn thế nữa, đây chính là một phần của lịch sử sinh động và đầy biến động trong ngót một thế kỷ qua trong những cơn bão táp của Cách Mạng Việt Nam và cả lục địa Trung Hoa.

*

Thứ Năm, 23 tháng 9, 2021

Phạm Phú Khải: Nguyên nhân và bối cảnh hình thành AUKUS

 Vào ngày thứ Năm 16 tháng 9 (múi giờ Úc), ba lãnh đạo của Úc – Anh – Mỹ, gồm Thủ tướng Scott Morrison và Boris Johnson, và Tổng thống Joseph Biden, đã họp báo trực tuyến để công bố sự hình thành quan hệ đối tác an ninh chung giữa ba nước AUKUS.

Một ngày trước đó, thứ Tư 15 tháng 9, Morrison đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp liên quan đến an ninh quốc phòng với một số thành viên nội các của mình, và bốn nhân vật hàng đầu phe đối lập cũng được mời. Có lẽ Morrison muốn bảo đảm rằng phía cầm quyền hay đối lập đều hỗ trợ quyết định này, và dù ai lên nắm quyền sau này cũng có đầy đủ thông tin từ quyết định hệ trọng này. Vì gần như toàn nước Úc đang bị phong tỏa, những thành viên thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia đã được chính quyền tiểu bang cấp giấy thông hành đặc biệt để có thể bay đến thủ đô Canberra tham dự. Tình trạng khẩn cấp như thế này không phải là điều xảy ra thường xuyên.

Rõ ràng quyết định hợp tác chung với Mỹ và Anh để xây tàu ngầm xử dụng nhiên liệu hạt nhân là một quyết định vô cùng quan trọng và sẽ ảnh hưởng lâu dài. Nó sẽ thay đổi sâu sắc chính sách ngoại giao và quốc phòng Úc, không chỉ với Trung Quốc mà còn trong vùng và quốc tế. Với quyết định này, Úc chỉ còn con đường tiến, không phải lùi, trong việc đối đầu với Trung Quốc. Trong ba nước, Úc nằm ở trong vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, gần Trung Quốc hơn Anh và Mỹ. Sự ảnh hưởng của Trung Quốc lên nước Úc trong nhiều thập niên qua là rất lớn, nhất là về mặt kinh tế. Vì thế, quan hệ giữa hai nước kể từ 16 tháng 9 sẽ đi qua một bước ngoặc lớn mới. Như Thủ tướng Morrison xác định, Úc đang bước vào một thời kỳ mới, mà tương lai của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ ảnh hưởng đến tất cả tương lai của Úc.

Tuy nhiên, những gì chính quyền Morrison hay giới truyền thông cho biết và đưa tin trong những ngày qua, vẫn chưa trả lời thỏa đáng vì sao quyết định xây tàu ngầm dùng hạt nhân cũng như quan hệ đối tác AUKUS được hình thành một cách khẩn cấp, và được công bố đột ngột như thế?

Thái độ của lãnh đạo Bắc Kinh

Chính trị, hay mọi điều khác, đều có nguyên lý nhân (và) quả. Sự kiện 16 tháng 9 chỉ là hệ quả của chuỗi sự kiện kéo dài bao năm qua.


BBC Tiếng Việt: Covid - Chủ tịch VN Nguyễn Xuân Phúc đề nghị LHQ hỗ trợ vaccine

Trong cuộc gặp Chủ tịch Đại hội đồng và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị Liên Hiệp Quốc tiếp tục hỗ trợ Việt Nam vấn đề vaccine.

Cuộc hội kiến của ông Nguyễn Xuân Phúc với ông Abdulla Shahid, Chủ tịch Đại hội đồng, và ông Antonio Guterres, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc ngày 21/9 diễn ra trong khuôn khổ chuyến công tác của ông Phúc tham dự Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khoá 76.

Vấn đề dịch bệnh Covid-19 và vaccine được ưu tiên trên bàn nghị sự.

Trong các buổi gặp gỡ, ông Phúc nói về cuộc chiến chống Covid tại Việt Nam. Ông cảm ơn Chương trình COVAX và các tổ chức Liên Hiệp Quốc đã hỗ trợ vaccine, trang thiết bị, vật tư y tế và tư vấn chính sách về phòng chống dịch và phục hồi sau đại dịch cho Việt Nam.

Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị Liên Hiệp Quốc tiếp tục hỗ trợ vaccine cho Việt Nam.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc khẳng định Liên Hiệp Quốc sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ Việt Nam ứng phó với đại dịch, đồng thời luôn sát cánh, đồng hành và hỗ trợ Việt Nam trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch.

Các bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác giữa Liên Hiệp Quốc và ASEAN trong giải quyết các vấn đề khu vực, duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực, đề cao việc tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hiệp Quốc năm 1982 về luật Biển.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cũng bày tỏ mong muốn Việt Nam tiếp tục đóng góp vào nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu, nhất là nâng mức cam kết giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới Hội nghị COP26 tháng 11/2021 tại Glasgow tới đây.

Phiên khai mạc Đại hội đồng LHQ diễn ra vào sáng 21/9 giờ New York, tại Trụ sở Liên Hiệp Quốc (LHQ) ở thành phố New York (Mỹ).

Tham dự khai mạc có nguyên thủ, thủ tướng và đại diện cấp cao của 193 quốc gia thành viên cùng các quan chức LHQ. Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu.

Các nhà lãnh đạo được kỳ vọng cùng thảo luận và đưa ra các giải pháp, đề xuất hành động đa phương nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu được quan tâm nhất hiện nay như ảnh hưởng kéo dài của đại dịch Covid-19, phục hồi và phát triển bền vững, những điểm nóng ở các khu vực, và các thách thức an ninh phi truyền thống, trong đó có biến đổi khí hậu, an ninh lương thực...

Bùi Bích Hà: Bà Nhất Linh Nguyễn Tường Tam

 (Bài nói chuyện nhân dịp ra mắt tuyển tập Nhất Linh, Người Nghệ Sĩ-Người Chiến Sĩ, tại nhật báo Người Việt, quận Cam, ngày 22/8/2004).


Trong trí tưởng tôi như một độc giả con nít những năm 40, thiếu nữ những năm 50 và trẻ tuổi những năm 60, Nhất Linh trong Tự Lực Văn Đoàn cùng những vị cầm bút thời của ông là những nhân vật gần như huyền thoại, chỉ hiện hữu bằng tài năng, thanh danh và tác phẩm, không bằng nhục thể có thể nhìn thấy hay tiếp cận, như những con người bình thường khác xung quanh tôi.


Chân dung bà Nguyễn Tường Tam, do Nguyễn Gia Trí vẽ

Giữa năm 1963, tuy đã tốt nghiệp đại học, đi dạy, đã bước vào một cuộc hôn nhân khó khăn và đang sinh sống tại một tỉnh lỵ trù phú gần cực nam miền nam Việt Nam, tin nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam tự vẫn để phản đối sự bất công chuyên chính của chính quyền đương thời tới với tôi là một nỗi buồn lặng lẽ. Dường như một phần của ông, cái hồn Tự Lực Văn Đoàn mà tôi gắn bó mật thiết thời còn đi học, trước đó, đã được tôi chôn cất kỹ trong hoàn cảnh làm vợ không có chỗ nào dành cho văn chương của tôi. Nay ông thực sự  ra đi, là một tên tuổi chính trị lẫy lừng, một tư cách chính trị hiếm hoi, khuôn mặt này của ông, dẫu thế, hoàn toàn xa lạ trong cảm thức của tôi. Có vẻ như thế hệ chúng tôi, nhút nhát, lãng mạn, nên yêu thích cái đẹp trừu tượng, thậm chí trừu tượng hóa mọi vẻ đẹp của đời sống để thấy chúng tinh khiết, linh thiêng, và như thế, chúng càng đẹp hơn, an toàn và bền bỉ hơn.


Phải đợi đến bây giờ, những năm đầu thế kỷ 21 và do tạp chí Thế Kỷ 21 đề xuất, chúng tôi mới có dịp nhìn lại thần tượng Nhất Linh của chúng tôi suốt hơn nửa thế kỷ vừa qua.


Nguyễn Hữu Phước: Từ Việt Gốc Pháp - Phần 2 (Tiếp theo kỳ trước)

 Bom, bôm, và bơm

Trong các loại tráng miệng sau bữa cơm, chúng ta có thể dùng trái “bôm” (pomme) hay còn gọi là trái táo tây. Gần đây có một loại bôm nổi tiếng của Nhật tên Fuji.  California đã sản xuất tràn ngập loại bôm nầy. 


Tiện đây xin cho nói luôn kẻo quên, trong tiếng Việt có đến ba từ  Việt gốc Pháp có âm đọc gần như nhau: “bôm,” “bơm,”   và “bom.”


Bơm (pomper) là động từ chỉ động tác đem không khí, hay một chất lỏng vào một chỗ nào đó như bơm bánh xe, bơm nước từ giếng lên thùng chứa nước, bơm mỡ bò vào bạt đạn xe. Vật dùng để bơm, gọi là cái bơm, ống bơm hoặc máy bơm (pompe). 


Từ thứ ba là “bom” (bombe)  chỉ một loại vũ khí gây nổ có tác dụng phá hoại và giết chóc. Ném bom, dội bom (bombarder) là động từ chỉ việc dùng phi cơ thả bom xuống từ trên không. 


Từ Việt gốc Pháp trong giao thiệp và ăn mặc


Chào hỏi


Các ông tây bà đầm (madame) khi gặp nhau, chào nhau bằng cách bông rua hoặc bủa sua  (bonjour: bắt tay chào nhau). Khi từ giã nhau thì nói ô rờ voa (au revoir: sẽ gặp lại) hay a-dơ (adieu: vĩnh biệt).  Khi cần thoái thác hay xin lỗi điều chi thì bắt đầu bằng từ bạt đông (pardon: xin lỗi).  Lại nhớ có câu thơ rằng :

           Bạt đông anh chớ pha sê (1)          

           Ắt tăn moa  rắc công tê tú xà  

(1)  (fâcher: giận;   attendre: đợi ;  moi: tôi;   raconter: kể;    tout ca: tức thời; phụ âm c  trong từ ca của tiếng Pháp, còn thiếu cái râu bên dưới).


Thứ Tư, 22 tháng 9, 2021

Hoàng Trường: 23/9 này ông Nguyễn Xuân Phúc có dám ‘kháng chỉ thiên triều’?

Chiều 23/9 này, tại New York, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc được cho là sẽ có bài phát biểu trong Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 76 (ĐHĐ/LHQ). Mặc dầu đề tài của khoá này là ứng phó với biến đổi khí hậu, nhưng do những đột biến bất ngờ của thời cuộc, nên Biển Đông, một vấn đề mà người dân trong nước và giới quan sát quốc tế đang hết sức nóng lòng muốn được nghe ông Phúc đề cập. Dư luận muốn biết vấn đề Biển Đông sẽ thế nào trong bối cảnh Úc, Anh quốc và Hoa Kỳ vừa quyết định thiết kế một chiến lược mới nhằm chấm dứt chính sách bắt nạt và cưỡng bức của Trung Quốc đối với các nước láng giềng và các nước liên quan, trong đó có Việt Nam. AUKUS là hợp tác quốc phòng tay ba Úc – Anh – Mỹ sẽ có ảnh hưởng rất lớn và quyết định đối với vòng vây ngăn chặn Trung Quốc [1].

Luật quốc tế hay luật rừng?


Giữa cao điểm đại dịch Vũ Hán, lãnh đạo và người dân Việt Nam đang phải đầu tắt mặt tối để “sống chung với Covid-19” như là sống chung với địch. Tuy nhiên, cục diện quốc tế từ khi Chủ tịch nước lên đường sang New York đang nóng lên từng ngày, khiến lòng người bất an. Việc Trung Quốc tháng trước yêu cầu tàu thuyền nước ngoài phải khai báo thông tin khi đi vào cái gọi là “các vùng biển của Trung Quốc” là một biến cố mới, nguy hiểm về hành động leo thang bất chấp luật pháp quốc tế (LPQT) của Trung Quốc đối với quyền tài phán trên biển, đặc biệt là khu vực Biển Đông [1]. Trong khi đó, sau hàng chục năm thực hiện chính sách cân bằng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, với AUKUS, từ nay nước Úc đã chọn Mỹ làm người bảo vệ an ninh cho mình.

Hầu hết các chuyên gia về Biển Đông đều cho rằng tham vọng mới của Trung Quốc chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối từ những nước có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông cũng như những nước có quyền lợi liên quan ở vùng biển này, bao gồm cả Việt Nam, Mỹ và đồng minh của Mỹ. Mỹ và đồng minh không chỉ đã phản đối bằng lời, mà trên hành động cũng đã thể hiện sự không tuân thủ các quy định vô thiên vô pháp của Trung Quốc. Ngày 8/9/2021, một tàu khu trục của Hải quân Hoa Kỳ đã thực hiện cuộc tuần tra hàng hải đi qua Đá Vành Khăn ở Biển Đông, chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc áp đặt luật yêu cầu các tàu nước ngoài phải thông báo trước khi đi vào vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Theo một bản tin của Hạm đội 7 thuộc Hải quân Hoa Kỳ, tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Benfold đã “khẳng định quyền và tự do hàng hải” (FONOP) trong phạm vi 12 hải lý của Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa [2]. Cũng phải thôi! Nếu Mỹ và phương Tây đầu hàng Trung Quốc, họ sẽ phải gánh chịu những hậu quả khôn lường khi Trung Quốc biến được toàn bộ Biển Đông thành “cái ao nhà” của họ.

Anh Vũ (RFI): Mất hợp đồng tàu ngầm với Úc, Pháp có thể quay sang Ấn Độ

Bị đổ bể hợp đồng lớn trang bị tàu ngầm cho Úc, nhưng trong cái rủi vẫn còn có cái may, Pháp vẫn có thể quay sang một cường quốc khác trong vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương, đó là Ấn Độ, nước từ nhiều năm nay vẫn đang có tham vọng hiện đại hóa hạm đội hải quân để đối phó với đà bành trướng của Trung Quốc.

Giới quan sát nhận thấy, sau khi bị cú « đâm sau lưng » của Mỹ-Úc trong vụ hợp đồng cung cấp tàu ngầm đang gây ồn ào những ngày qua, Pháp có thể sẽ rút ra những bài học cần thiết, cởi mở hơn nhiều trong các dự án cung cấp tàu ngầm cho các nước. Theo nhà phân tích Harsh Pant, thuộc trung tâm nghiên cứu chính trị tại New Delhi, Observer Research Foundation, « thỏa thuận Aukus cho thấy các nước trong vùng Ấn Độ -Thái bình Dương mong muốn kiềm chế sự hiện diện của Trung Quốc sẽ phải triển khai hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao », đẩy mạnh hiện đại hóa quốc phòng, đặc biệt trong lĩnh vực hải quân đối với những nước có vùng biển rộng lớn. Đây cũng là mối quan tâm của Ấn Độ nhiều năm nay. Nước này đang nhìn vào vụ khủng hoảng tàu ngầm giữa Pháp với các đồng minh Mỹ-Úc với sự chú ý đặc biệt.

Theo nhiều nhà phân tích tại New Delhi, Ấn Độ sẽ có thể nắm bắt cơ hội này để thúc đẩy Pháp chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực đóng tàu ngầm, đặc biệt là lớp tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Từ nhiều năm qua, chính phủ Ấn Độ đang cố gắng hiện đại hóa hạm đội hải quân của mình. Ông Pravin Sawhney, tổng biên tập tạp chí quốc phòng Force, được nhật báo Le Figaro, trích dẫn cho biết « về mặt chính thức, Hải quân (Ấn Độ) nhận có 15 tàu ngầm, nhưng một số là loại cũ. Chỉ có 8 hay 9 chiếc còn hoạt động. Hải quân của chúng tôi phải tính đến khả năng hiện diện của Trung Quốc trong Ấn Độ Dương và khả năng liên kết tác chiến của họ với hạm đội của Pakistan. »

Vì thế mà nâng cấp, hiện đại hóa năng lực hải quân là nhiệm vụ cấp bách của quân đội Ấn Độ. Hồi tháng 6 vừa rồi, bộ Quốc phòng Ấn đã cho phép Hải quân gọi thầu đóng 6 tàu ngầm tấn công quy ước chạy bằng diesel-điện. Các con tàu này sẽ được đóng tại Ấn Độ bởi một công ty trong nước phối hợp với đối tác nước ngoài, với trị giá đầu tư khoảng 5 tỷ euro.

Nguyễn Hữu Phước: Từ Việt Gốc Pháp

Dẫn nhập

Bài nầy nhắm vào việc giới thiệu với giới trẻ một khía cạnh của tiếng Việt, đó là những từ Việt gốc Pháp. Do đó nhiều chỗ có những giải nghĩa dài dòng, có thể hơi thừa đối với những người lớn tuổi (45-50 trở lên), xin quí vị lớn tuổi chấp nhận cho. Một số những từ trong bài nầy có trong quyển Việt Nam Tự Điển (VNTD) của các ông Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ, hoặc trong quyển Gốc Và Nghĩa Từ Việt Thông Dụng (GvN) của ông Vũ Xuân Thái, một số những từ Việt hóa mà tôi kể ra ở phần sau không có trong hai quyển nầy.

Một số từ Việt hóa ghi trong VNTD chỉ ghi phần giải thích mà không có ghi nguyên ngữ Pháp. Dưới đây, một số nguyên ngữ Pháp do chúng tôi ghi trong các dấu ngoặc đơn là theo trí nhớ của chúng tôi với sự giúp đỡ của bạn tôi là anh Nguyễn Ánh Dương. Mong rằng chúng tôi nhớ đúng, mặc dầu đã trên 30 năm không viết hay đọc tiếng Pháp. Nếu thấy chỗ nào sai xin quý vị chỉ dạy hoặc bổ túc dùm, chúng tôi cảm ơn nhiều.
*

Trong tiếng Việt có thể nói trên năm mươi phần trăm các từ có nguồn gốc Hán Việt (HV). Nhiều từ loại nầy chúng ta đã dùng lâu đời và đã trở thành thông dụng đến nỗi chúng ta không để ý chúng là những từ Hán Việt nữa. Ảnh hưởng của Trung Hoa (TH) trong tiếng Việt là kết quả tự nhiên của hàng ngàn năm Bắc Thuộc và ngay trong thời kỳ tự chủ gần mười thế kỷ cũng dùng Hán tự như ngôn ngữ viết chính thức của quốc gia.
Nhưng còn khoảng 100 năm dưới ảnh hưởng của Pháp thì sao? Chúng tôi thử ghi nhận ra đây những từ (chữ) mà thế hệ chúng tôi, những người mà hiện giờ đang trong lứa tuổi 45-70 trở lên, đã có dịp đọc qua, hoặc nghe nói nhiều lần, hay chính mình trực tiếp dùng những từ đó, dùng một cách tự nhiên, hay dùng để nhớ lại một dĩ vãng nào đó. Trong những từ nầy, một số đã có một thời thông dụng mà bây giờ thì ít ai nhắc đến nữa. Một số từ khác vẫn còn thông dụng ở một vài địa phương trong nước, hoặc hải ngoại.

Giọng Hán Việt và các địa danh


Vấn đề người VN đọc các địa danh hay nhân danh ngoại quốc bằng cách nào là một vấn đề cho đến nay vẫn còn trong vòng tranh luận. Tuy nhiên trong một thời gian dài chúng ta đã chấp nhận việc đọc các địa danh ngoại quốc bằng cách mượn những từ Trung Hoa đã dùng sẵn và đọc theo giọng Hán Việt.

Nguyễn Văn Trung: Góp Ý Với Số Đặc Biệt Về Phan Thanh Giản Của Tạp Chí Thế Kỷ 21 (Số Tháng Chín, 2004)

Người đọc các bài số đặc biệt này có thể nhận ra các phản ứng khác nhau của những người đều là đảng viên cộng sản về thái độ đối với Phan Thanh Giản vào thời điểm 1963, 1975, 2003. Hồi 1963 trước thái độ của Trần Huy Liệu và những người đồng tình với ông mạt sát nặng nề và kết án Phan Thanh Giản, những trí thức miền Nam tập kết hoặc đã phải giữ im lặng, hay như Ca Văn Thỉnh, Phạm Thiều chỉ lên tiếng yêu cầu nên dè dặt trong việc kết án.

- Những ai am hiểu đôi chút sinh hoạt văn học ở miền Nam từ đầu thế kỷ 20 sẽ nhận thấy những nhà báo nhà văn gốc Bắc vào Nam viết báo in sách như Trần Huy Liệu, Đào Trinh Nhất đã bày tỏ thái độ khinh bỉ mạt sát đạo Cao Đài là nhảm nhí, tạp-pí-lù khi đạo này xuất hiện ở Nam kỳ vào những năm 1926-1930.

- Ngược lên nữa hồi 1915, Phạm Duy Tốn cộng tác với Lục Tỉnh Tân Văn ở Sài Gòn, nhân Bắc kỳ bị bão lụt lớn, viết bài kêu gọi người Nam kỳ quyên góp tiền cứu trợ nạn nhân bão lụt. Không hài lòng về số tiền quyên được, Phạm Duy Tốn viết bài chê trách người Nam kỳ sở dĩ không đủ hào hiệp vì đất Nam kỳ không có văn minh, hoặc chỉ là thứ văn minh giả. Bài báo đã gây nhiều phản ứng dữ dội trong giới cầm bút ở Nam kỳ.

- Năm 1919, Phạm Quỳnh chủ bút Nam Phong vào công du Nam kỳ, về Hà Nội, viết loạt bài bày tỏ thái độ khinh biệt Nam kỳ: Trí thức là hạng người mất gốc, văn chương thì nhiều về số lượng, nhưng nghèo về phẩm chất, những nhân vật được người Nam kỳ quý trọng như Trương Vĩnh Ký, chẳng qua chỉ là người soạn sách giáo khoa cho con nít nào có công trạng gì đáng kể làm vẻ vang cho đất nước... (bài này đã bị bỏ ra trong toàn tập Phạm Quỳnh xuất bản ở Hoa Kỳ).

Thứ Ba, 21 tháng 9, 2021

sử mặc hoàng xuân sơn: V À I K H Ú C T Ớ I R Ằ M T H Á N G T Á M

Tao Lengyue, The MET Museum

) ) )


{ c ó n g ư ờ i b ả o t a p h o n g l ư u }

phong lưu gì đâu vẫn tàng tàng
quậy đời cho mộng đỡ khô khan
chữ nghĩa vẫn rách hồn vẫn nát
đâu phong lưu gì cái hở hang

{ n h ớ. đ ể q u ê n }

phải đến
phải đi
phải chờ
phút yên lặng
đợi
tới giờ giấc
quên
nhớ ra rằng
mất cái tên
vào lăn lóc
tuổi miếu đền
hương
hoa

{ về n h ữ n g k h u ô n m ặ t c ư ờ I }

ôn ni là ai sao cười toe
đọc bài thơ buồn {răng} cứ nhe
cuộc đời thú nhỉ. à. vui nhỉ
nỏ biết khi mô giọt lệ nhòe

{ t u y ệ t đ ỉ n h n ó i l á i }

tôi bây giờ chả lo gì
chỉ lo già khú làm chi hết đời

))

vũ như cẩn là tên tôi
vẫn như cũ không một lời phân bua

{ áo l ụ a h à đ ô n g }*

này em sư tử của tôi ơi
hà đông chiều đã tắt nắng rồi
cớ chi tơ lụa còn mê mải
từ rạng đông hồng tới thôi nôi

{ c ụ c h ạ c h t h ơ }

mần thơ cục hạch như ri
nống thêm chút nữa
thành thi công tồi!

)))


sử mặc hoàng xuân sơn
hai mươi tháng chín, 2021-09-20



*Áo Lụa Hà Đông: Nguyên Sa/Ngô Thuỵ Miên

*Song Thao: Tiến Sĩ Giấy

Vinh Quy bái tổ trong tranh Đông Hồ.

Ngày tôi nhỏ thiệt nhỏ, cỡ 5 hay 6 tuổi, Trung Thu năm nào gia đình cũng có bàn cỗ bày ngoài sân. Trên bàn lủ khủ các thứ trái cây: bưởi, hồng, quýt. Bánh dẻo bánh nướng trung thu. Tôi chỉ nhớ đại khái như vậy. Thứ chúng tôi thích và say sưa ngắm nhìn là các con giống làm bằng bột đầy màu sắc. Ngày nay người ta gọi những con này là “tò he”. Bên bàn treo một chiếc đèn kéo quân. Đây là thứ chúng tôi nhìn mãi không chán. Những quan quân lần lượt kéo nhau đi đi lại lại dưới ánh đèn mờ từ cây đèn cầy đặt chính giữa đèn tỏa sức nóng cho quan quân diễn hành. Trung tâm bàn cỗ là ông tiến sĩ giấy ngồi bảnh chọe, mắt nhìn thẳng như chẳng cần biết những thứ linh tinh lang tang kế bên. Ngày đó tôi mê khuôn mặt ông tiến sĩ này. Mặt trắng bóc như trứng gà, mắt đen láy, môi màu đỏ đậm. Màu nào cũng là màu nguyên thủy, đâu ra đó. Mặt ông tiến sĩ trông không như mặt người thường làm cho lũ trẻ chúng tôi cảm thấy xa cách. Ông như là một thứ tiên đến từ những đám mây trên trời. Người lớn nói là ngày sau chúng tôi phải học giỏi như ông tiến sĩ này. Lũ chúng tôi, vừa bắt đầu cắp sách tới trường, đi học như đi vào nhà tù, thấy cái bằng Tiểu Học còn xa vời huống chi cái bằng Tiến Sĩ. Nhưng vẫn thích ông tiến sĩ vì cái dáng ngồi oai phong, rực rỡ của ông. Ông mặc áo vàng hay đỏ, thẻ bài cầm trên tay, mũ trạng nguyên trên đầu. Phía trên là chiếc lọng nhiều màu. Dưới chân áo được trang trí cờ quạt xanh đỏ tím vàng.

Ngô Nhân Dụng: Cả thế giới ‘lên đồng’

Covid-19 đảo lộn cuộc sống mọi người, dù dính bệnh hay không. Có những việc rất nhỏ mình vẫn làm lúc bình thường, bây giờ có thể bị tù. Nói dối một câu vô hại, chẳng hạn.

Bình thường, một công nhân có thể gọi vào sở xin nghỉ vài ngày vì cảm cúm. Chẳng ai bắt phải ra phường khóm khai báo và xin chứng nhận, miễn đừng có nghỉ đều đều mỗi tuần lễ, mỗi tháng!

Anh Pitman, 23 tuổi, ở thị xã Wollongong, NSW ở Australia, nghĩ như thế. Sớm ngày 2 tháng Tám 2021, anh nhắn qua điện thoại cho “boss” báo tin không thể đi làm vì thử nghiệm Covid thấy “positive,” dương tính. Pitman không nghĩ trước đến hậu quả!

Biết tin một công nhân bị Covid, “Sếp” lập tức ngưng mọi công việc để khử trùng, tẩy uế khu nhà đang xây cất; 25 công nhân đi làm “test” và bị cô lập. Mấy quán ăn ở gần mà buổi trưa Pitman vẫn thường đến, cũng đóng cửa, nhân viên tự cô lập và đi thử nghiệm.

Bản tin báo Daily Telegraph ở Sydney ngày 15 tháng Chín 2021 không nói anh Pitman có biết mình làm mấy chục người phải nghỉ việc gây hay không. Nhưng chiều hôm đó anh đã “text” lại, báo tin cho các sếp biết mình mới test lại, negative, không nhiễm vi rút!

Pitman đã bị bắt, chờ ngày ra tòa, có thể bị án 5 năm tù.

Covid-19 gây ra không biết bao chuyện phiền nhiễu không ngờ! Một ông vẫn quen điện thoại về nhà báo tin, “Anh phải ở lại sở làm việc tối nay, quá nửa đêm mới về được.” Bây giờ làm vậy sẽ “lộ tẩy!” Vì suốt mùa Covid ông đã làm việc ở nhà không sao cả! Có ông đi phố nhìn xa xa thấy một người đẹp, tính ghé đến làm quen, bỗng nhận ra chính là bà vợ mình! Bà đeo mạng che kín nửa mặt!

Ts Đinh Xuân Quân: Hệ Quả Thỏa Thuận Quốc Phòng Mới Aukus

Trong tuần qua vào ngày 15 tháng 9, 2021 Hoa kỳ đã gây một cú “shock” với thỏa thuận quốc phòng mới gọi là AUKUS (chữ họp lại của Australia, United Kingdom và US) tại Thái Bình Dương. Chính sách quốc phòng mới gồm 3 nước nói tiếng Anh có cái gì khác với các hiệp ước quốc phòng trước đây như ANZUS (Australia, New Zealand và US) và liên minh QUAD gồm Ấn, Nhật, Úc và HK?

Theo tác giả thì đây là việc thay thế hiệp ước ANZUS trước đây và sự trở lại của nước Anh sau vụ Brexit (ra khỏi khối EU) là hai điểm nổi bật.

Trước đây trong thời chiến tranh lạnh thì có hai hiệp ước phòng thủ quân sự - SEATO và ANZUS. Hai hiệp ước này nay không còn giá trị vì có khá nhiều thay đổi tại Á châu nhất là có hiệp hội ASEAN và nhất là sự trỗi dậy của TQ muốn tranh ghế số 1 của Hoa kỳ tại Á châu.

Trong 4 năm, chính sách của cựu TT Trump không mấy giúp hỗ trợ sự tin cậy của các nước Á châu, dù là đồng minh hay không đồng minh của Hoa kỳ. Chính phủ TT Biden phải vội vàng trấn an các nước trong khu vực và đưa ra nhiều thỏa ước mới hợp thời hơn. Các sách lược chính trị đang bị đảo lộn vì nó cho thấy Hoa kỳ còn nhiều đồng minh trong khu vực.

Chúng ta đang chứng kiến những thay đổi trong việc Hoa kỳ xoay trục về Á châu, kéo theo những thay đổi về chính trị, quân sự và kinh tế. Việc bà phó TT Harris thăm VN, việc các tướng Hoa Kỳ thăm khu vực Á châu có nằm trong các thay đổi mà Hoa kỳ đang dự tính trong ván cờ cạnh tranh với TQ ? Việc Ngoại trưởng Vương Nghị của TQ chạy theo sau bà Harris có phải là để chống thế cờ Hoa kỳ? Việc Bộ trưởng quốc phòng Nhật đến VN cùng lúc với NT Vương Nghị có phải là một đòn chính trị ngoại giao khôn khéo của VN?

Đó là cái nhìn toàn thể các hoạt động bề nổi, nhưng thực chất Hoa kỳ đang tái sắp xếp các con cờ ra sao?

Việc xây dựng một thỏa ước quốc phòng mới có ảnh hưởng gì đến các nước trong khu vực và đâu sẽ là phản ứng của Trung Quốc ? Các nước khác phản ứng ra sao nhất là Pháp bị mất một hợp đồng rất lớn đóng các tàu ngầm diesel cho Úc? Đừng quên là Pháp cũng có một lãnh thổ rất lớn tại khu vực Thái Bình Dương và đang bị Anh qua mặt trong tình thế hiện tại. Hiệp ước này có ảnh hưởng giây chuyền với các đồng minh khác tại Âu châu hay các nơi khác, nhất là quan hệ Anh - Pháp?

Trần Đông A: Ngoại giao Việt Nam liệu có mất đà?

Từ chối nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ, động hướng ngoại giao của Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc – trong tuần lễ ở Cuba và Liên Hợp Quốc, sau đó, theo Bộ Ngoại Giao Việt Nam, sang Washington “để có một số hoạt động song phương tại Mỹ” – liệu có bị mất đà? Chính quyền Mỹ không có bất cứ lời mời chính thức nào đã đành, mà ngay cả các cuộc tiếp xúc giữa ông Phúc với sở tại, cho đến nay, chưa thấy có một cơ quan nào ở Mỹ đứng ra nhận “lobby” hay bảo lãnh.

Trần Đông A


Bối cảnh mới: Liên minh tay ba - AUKUS


Ngày 15/9 năm nay sẽ đi vào lịch sử thế giới. Tổng thống Joe Biden vừa công bố thành lập liên minh quân sự mới giữa Hoa Kỳ, Anh và Úc nhằm củng cố sự ổn định ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương giữa lúc Trung Quốc gia tăng sức mạnh và ảnh hưởng quân sự trong khu vực. Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Úc Scott Morrison cùng Tổng thống Biden công bố sự ra đời của liên minh này qua mạng. Như vậy từ nay, một “Bộ Tam” mới đã xuất hiện. “Hôm nay, chúng ta thực hiện thêm một bước đi lịch sử để làm sâu sắc và chính thức hóa sự hợp tác giữa cả ba nước chúng ta, vì chúng ta đều nhận thấy nhất thiết phải bảo đảm hòa bình và ổn định ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương về lâu dài”, Tổng thống Biden tuyên bố từ “Phòng Phía Đông” (East Room) của Nhà Trắng. Ông Biden khẳng định: “Sự hợp tác này là nhằm đầu tư cho nguồn sức mạnh lớn nhất, đó là liên minh của chúng ta” [1].

Một sự trùng hợp ngẫu nhiên, liên minh quân sự mới này được công bố trước thời điểm Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc bay sang Cuba, LHQ và Hoa Kỳ. Cầu Trời khấn Phật sao cho ông Nguyễn Xuân Phúc và ông Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel đừng nghe Trung Quốc xui dại, lại ra tuyên bố lên án tập hợp lực lượng mới này. Bởi vì, “bước đi lịch sử” nói trên được đánh giá là tất yếu và sẽ được các chiến lược gia thế giới, đặc biệt là các nhà phân tích của “Bộ Tứ” và ASEAN quan tâm, mổ sẻ và phân tích. Họ sẽ mổ sẻ và phân tích ngay trong thời gian LHQ họp. Hiển nhiên, Trung Quốc hết sức giận dữ về “Hiệp ước AUKUS” [2], một hiệp ước đã không ra đời nếu như Trung Quốc không tiến hành các động hướng cản phá và đẩy lùi chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở” (FOIP). Còn nhớ ngày mới khai sinh, Ngoại trưởng Vương Nghị từng diễu cợt, FOIP sẽ chỉ là một “miếng bọt biển” không hơn không kém và sẽ bị sóng đánh tan tành [3]. Giờ đây, “miếng bọt biển” ấy đã lớn thành một hiệp ước an ninh làm Trung Quốc lo sốt vó, nhưng dư luận quốc tế thì đánh giá, 60 năm nay, mới có một tập hợp lực lượng quyết liệt và quy mô như vậy.

Chủ Nhật, 19 tháng 9, 2021

Kate Chopin: The Story Of An Hour ( Gió ViVu phỏng dịch )

Lời người dịch.-

Nhìn những phụ nữ Hồi giáo mặc trang phục và trùm khăn Burka tôi không khỏi rùng mình lo nghĩ dù đang sống ở Bắc Mỹ - ở một xứ tự do, độc lập - và trong một xã hội được xếp hạng là "Nhất trẻ em, nhì đàn bà, thứ ba là chó". Từ bao thế kỷ trước, người đàn ông luôn được xếp hàng cao "chót vót" ngay cả ở những xứ Bắc Mỹ; đàn ông là trụ cột và được quyền khống chế, điều khiển vợ con nhất thiết phải sống theo ý mình. Thật là một bất công, vì từ đó bao cảnh đau khổ, đắng cay, nhục nhằn mà phụ nữ đã phải gánh chịu khi bước vào cuộc sống hôn nhân. Thời gian qua với bao nhiêu tranh đấu phụ nữ đã đạt được sự tự do và quyền bình đẳng. Nhưng không phải tất cả phụ nữ trên thế giới đều được may mắn như nhau. Vì ở một số nơi, người phụ nữ vẫn còn sống dưới sự áp bức và cai quản của đàn ông, và hôn nhân coi như một sự áp đặt sẵn hoặc mua bán, trao đổi vì quyền lợi chính trị, kinh tế, giai cấp,...chứ không có tình yêu lãng mạn, hẹn hò của lứa đôi.

Dù đã hai thế kỷ qua, câu chuyện "Một Khoảnh Khắc Thần Tiên" (Story Of An Hour) của Kate Chopin như vừa mới viết hôm qua - để nói lên cuộc đời, thân phận và tâm tình của những người đàn bà, những người vợ phải sống dưới chế độ thống trị, áp bức của nam giới - đã và đang còn tồn tại ở một số nơi trên thế giới ngày nay (thế kỷ 21).

TIỂU SỬ TÁC GIẢ

Bà Kate Chopin - 1894
Kate Chopin (1851 - 1904)

Kate Chopin (được biết với tên Catherine O'Flaherty trước khi lập gia đình với Oscar Chopin vào năm 1870) sinh tại St. Louis, Missouri (USA) - Mẹ là người gốc French-Creole, cha là người di dân gốc Ái Nhĩ Lan. Kate Chopin lớn lên trong "Chế độ phụ hệ" chứng kiến bao thế hệ phụ nữ bị "nam giới thống trị". Từ thời bà cố ngoại, Chopin đã nghe nhiều truyền thuyết về người Pháp đặt bước chân đầu tiên đến St. Louis. Những "thần thoại" này cũng đã ảnh hưởng nhiều đến truyện ngắn của bà với đầy đủ màu sắc, hương vị và âm thanh của dân Creole và Acadian.

Những câu chuyện của Kate Chopin viết hầu hết về những người phụ nữ đã miệt mài, buồn khổ đi tìm kiếm tự do dưới chế độ cai quản của "đàn ông", và bà được mệnh danh là người tiên phong dám viết lên tiếng nói và tâm tình của những người phụ nữ bị hà hiếp, thống trị thời đó. Bà đã viết hơn một trăm truyện ngắn, rất nhiều truyện đã được xuất bản hai lần như: Bayou Folk (1894) và A Night in Acadia (1897). Hai cuốn: At Fault (1890), và The Awakening (1899), đã gây tranh cãi gay gắt về vấn đề ly dị và ngoại tình. Bị bài bác như một kẻ vô luân, vô đạo đức, The Awakening đã làm dư luận sôi nổi, phản kháng kịch liệt khiến Kate Chopin rơi vào tâm trạng buồn chán, thất chí và viết rất ít vào khoảng năm năm cuối đời.

Lê Thiệp: Tâm Kinh

Lễ phát tang bà cụ mẹ ông bạn ở chùa Giác Hoàng đường 16 đông ra phết, phần vì gia đình lớn, phần vì ông bạn là người quảng giao. Hai vợ chồng tôi trịnh trọng thắp hương vái bàn thờ xong lui ra nhường chỗ cho người khác. Căn phòng không rộng lắm và tôi từ từ bị đẩy ra ngoài hành lang lúc nào không biết. Đứng lớ ngớ thấy vợ tôi vẫn mặt nghiêm và buồn nói chuyện với những người trong tang quyến, tôi đi hẳn ra phòng ngoài ngồi. Trên giá để một lô sách, tiện tay tôi rút và vớ được cuốn Nghi Thức Tụng Niệm. Cuốn sách bìa cứng màu đỏ chữ mạ vàng còn mới tinh, bên trong chữ in khá lớn có lẽ cỡ 16 để cho Phật tử nào già nua mắt kém cũng có thể đọc được. Đây là điểm son của chùa chiền Việt Nam vì thỉnh thoảng đi lễ nhà thờ thấy thánh kinh in chữ nhỏ li ti. Đang lật qua lật lại mắt liếc mấy câu chú ... tà ha tát nị … thì có tiếng chào :

- Ông Thiệp đọc gì đó?

Tôi ngẩng đầu lên. Một ông sư mặc áo chẽn màu trắng ngà tươi cười, xà xuống ngồi trước mặt tôi.

Tôi buột mồm trả lời không nghĩ ngợi :

- Thưa tôi đang đọc kinh.

- Á! Thế ông Thiệp đọc kinh gì vậy ?

Tôi ớ người ra. Tôi có đọc kinh gì đâu, chả qua chỉ liếc đi liếc lại nhưng vốn láu cá, tôi cười.

- Thưa đọc Tâm Kinh.

- Tâm Kinh là kinh được tụng nhiều nhất hơn hẳn Pháp Hoa và Kim Cương. Nó ngắn gọn xúc tích.

Tôi nhìn ông sư, cố nhớ xem đã gặp ông ở đâu, nhưng khuôn mặt nâu rắn rỏi và chiếc đầu nhẵn bóng không gợi nhắc một quen biết nào trong quá khứ. Tại sao ông lại gọi tôi là “ông Thiệp” đầy thân tình như vậy?

Bản tính tinh nghịch khiến tôi cười.

Trùng Dương: 1,000 số báo Sóng Thần ‘tái xuất giang hồ’ trên Liên Mạng do công lao của một người trẻ yêu sách báo

Vào đầu tháng Chín năm nay, Võ Phi Hùng, một cựu học sinh Petrus Ký hiện đang sinh sống tại Chantilly, VA, viết thư cho nguyên tổng thư ký Uyên Thao và tôi, cựu chủ nhiệm nhật báo Sóng Thần, thông báo đã gần hoàn tất việc scan xong bộ báo Sóng Thần từ toàn bộ gồm bẩy cuộn microfilm 35mm mượn của thư viện Đại học Cornell qua chương trình Interlibrary Loan. Anh Hùng cho biết “đang tiến hành công việc chụp lại từng film một tại thư viện địa phương Fairfax Regional Library ở Fairfax, VA, và sau đó về nhà ráp từng trang lại thành một số báo,” hy vọng trong hai tuần nữa thì hoàn tất.

Hệ thống scan báo từ microfilm sang dạng PDF trên comupter tại thư viện. (Ảnh Võ Phi Hùng)

Sóng Thần là một trong những bộ báo xuất bản tại Miền Nam mà anh Hùng “vì yêu đọc sách báo và muốn phổ biến cho việc tham khảo các báo chí Việt Nam đã phát hành ở Miền Nam trước năm 1975” nên thực hiện. Những báo kia, anh Hùng cho biết, hoặc đã hoàn tất, gồm có Phụ Nữ Tân Văn, Tiếng Dân, Thần Chung, và An Hà Nhật Báo, đã gởi đăng trên trang mạng Kho Sách Xưa; hoặc đang thực hiện, ngoài nhật báo Sóng Thần, là Chính Luận (tồn tại lâu nhất trong làng báo Miền Nam), Đông Pháp Thời Báo, và Đuốc Nhà Nam.

Sách mới tái bản của Nguyễn Hưng Quốc:


 



Thứ Bảy, 18 tháng 9, 2021

Dương Như Nguyện: Nói về nhạc phẩm Nguyệt Cầm của Cung Tiến - Nguyệt Cầm và trí thức lạc loài

To my parents, my one and only ever-lasting love, in their melodic native tongue; they taught me my love for the written words: she put me on a chair and told me to sing, and he led me to the piano...

Tôi viết bài này như tàn văn hay tùy bút, nhớ gì viết đó, khỏi cần...footnotes.

____________________

Nguyệt Cầm cuả Cung Tiến là một bản nhạc đặc biệt vì là nhạc Việt, nhưng ảnh hưởng nhạc cổ điển Tây Phương, nói thẳng thắn như Cung Tiến ("CT") đã nói, là lấy ý từ Beethoven, Romance en Fa, No.2, Op.50, thường được gọi là "Adagio Cantabile," viết cho violin và dàn nhạc hoà tấu/giao hưởng orchestra (đôi khi người đời sau viết lại cho tiếng phụ họa của dương cầm). (Tứ nhạc của “Romance en Fa” viết theo "tông" trưởng thì tôi thấy bàng bạc trong nhiều bài của Beethoven, và ngay cả trong bản đơn ca tuyệt vời được coi là hay nhất của nhân loại, thời Bel Canto sau phục hưng, đó là bài Casta Diva, của Bellini, thần tượng của Chopin). Vì thế nếu Cung Tiến chịu ảnh hưởng tứ nhạc này, tôi cũng không ngạc nhiên.

Nhạc sĩ Cung Tiến

(Tôi đi vào phạm vi ca hát tài tử qua nhạc Cung Tiến và Phạm Duy, hai bản Hoài Cảm và Hương Xưa, và hai bản Ngậm Ngùi – Nghìn Trùng Xa Cách, từ thuở mới 14 tuổi, ở Saigon. Khi lớn lên tôi không thích hát Nguyệt Cầm, vì lý do rằng dòng nhạc đối với tôi trừu tượng, khó giữ vững và khó thuộc lòng hơn các bài khác. Sau này đến tuổi 60 tôi mới có dịp chú tâm đến bài Nguyệt Cầm (xin cám ơn nhóm nhạc ở Houston), và lần này tôi cảm thấy rằng: ngay từ thời sáng tác Nguyệt Cầm, Cung Tiến đã bắt đầu có sự chuyển hướng đi vào ảnh hưởng nhạc cổ điển trừu tượng Tây Phương, tức là đường lối của Debussy. Bản Nguyệt Cầm rõ ràng là nhạc có "tông," không trừu tượng, nhưng tứ nhạc có phần trừu tượng vì dòng nhạc hẹp dù khoảng cách (interval) rộng và cao, và viết bằng "tông" có nhiều dấu thăng, rồi dấu bình/giảm, tức là người hát phải hát nhiều "note" nửa "tông." Bản Nguyệt cầm chuyển âm giai (nôm na người Việt gọi là “tông”) từ Mi trưởng qua Mi thứ rồi quay lại Mi trưởng (parallel keys). (Mi thứ là âm giai buổn, nhưng lại là âm giai có liên hệ trực tiếp với âm giai Sol trưởng (relative keys; submedian; superdominant) vì cùng chung các nốt và chung dấu nhạc ở đầu bài, Fa thăng, dù khác chủ âm(tonic).

Tôi viết bài này vì: ngày nay, khi Nguyệt Cầm vẫn còn đi vào thính giả VN, theo tôi, đã có nhiều ngộ nhận.

Điểm thứ nhất: lời giới thiệu của độc giả/thính giả hay người điều khiển chương trình/chương mụcthường nói rằng Cung Tiến "phổ" thơ Xuân Diệu. Theo tôi là không chính xác. Trong tập nhạc viết tay của CT được in ra, CT đề rất rõ ràng: nhạc và lời của CT. CT đã lấy ý thơ của Xuân Diệu, bài Nguyệt Cầm, để soạn "ca từ" (tôi dùng chữ này theo khán thính giả VN ngày nay), và để lấy ý bài thơ tạo nên bài hát. Đọc lời bài hát, sẽ thấy rõ ràng CT chỉ lấy ý thơ, chứ không phổ nhạc theo đúng nghĩa của nó. Nói chính xác phải là: Bài hát Nguyệt Cầm của Cung Tiến, lấy tên và dựa theo ý thơ của Xuân Diệu." "Phổ nhạc" thì phải như Phạm Duy: "Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng," hay "Ngày Xưa Hoàng Thị," "Tiễn Em," "Kiếp Nào Có Yêu Nhau," "Ngậm Ngùi," “Muà Thu Chết,” etc...Phổ nhạc có nghĩa là lời thơ thế nào, lời nhạc thế ấy. Chỉ có thể thay đổi chút ít vì giai điệu mà thôi. Trong bản Nguyệt Cầm, lời bài hát không là lời bài thơ. Điều này quan trọng vì: lời bài hát Nguyệt Cầm cũng vẫn là sáng tác của CT, copyright, bản quyền của CT.

Trần Thị Nhật Hưng: Ao Nhà - Ao Người

Bà Mai đưa mắt ngắm cô dâu, chú rể. Cô dâu ba mươi sáu tuổi, chú rể hai mươi bảy tuổi. Trông cũng xứng ấy chứ, nhất là đối với người con gái Việt đứng bên cạnh một chàng trai Thuỵ Sĩ. Đã vậy, Trang, tên của cô dâu, vốn dĩ xuất thân từ một gia đình khá giả. Thân phụ nàng từng giữ chức vụ cao trong chế độ Việt Nam Cộng Hoà. Mẹ có một cửa hàng buôn. Trong đời sống ăn sung mặc sướng không lo nghĩ tiền bạc mặc dù sau năm 1975 gia đình có sa sút, Trang vẫn giữ được nét trẻ của ngày nào. Với dáng dấp mảnh mai, Trang đứng bên Heinz cao lớn với bộ râu xồm xoàm, cái mức tuổi chênh lệch dường như không thấy nữa.

Đối với người Âu, Úc cũng như Mỹ Châu nói chung và người Thuỵ Sĩ nói riêng, khó mà họ định được tuổi tác của dân Việt. Hầu như cái nhìn của họ đều thấy dân Á Châu trẻ đi, có lẽ vì dáng người Á Châu nhỏ nhắn hay tại không bương chải ra đời sớm nên còn nét ngây thơ. Cũng như bà, khi tới Thuỵ Sĩ, lúc đó đã 32 tuổi, một lần mua vé xe Bus, người tài xế nghiễm nhiên bán cho bà vé nửa giá dành cho người dưới 16 tuổi. Lần khác mua vé xe lửa đi chơi xa, quày vé hỏi bà đã tới 16 tuổi chưa để bán nửa giá dành cho trẻ em. Cũng chính vì điểm này, lúc giới thiệu người phối ngẫu cho Trang, khi bí cùng bà mới tìm cho nàng một người chồng trẻ tuổi.

Bà Mai nhìn lại cô dâu, chú rể. Tuy cả hai đã xứng cặp nhưng trong thâm tâm bà vẫn chưa hài lòng. Đối với bà, một người con gái Việt lấy chồng ngoại quốc, bà cảm thấy như mất mát cái gì, bà làm như tổ quốc Việt Nam thân yêu của bà vừa mất một người con. Tự nhiên bà buồn vu vơ rồi chợt thở dài.

Trước khi làm mai cho Trang với Heinz, thật ra đâu phải bà không nhớ câu “Ta về ta tắm ao ta. Dù trong, dù đục, ao nhà vẫn hơn”. Vốn không muốn con gái Việt lấy chồng ngoại quốc, lẽ đương nhiên bà phải nghĩ đến cái “ao nhà”. Tiếc rằng cái ao nhà của bà không những đục mà còn cạn không có một tí nước. Ao cạn thì làm sao mà tắm đây?! Người Việt vốn ở hải ngoại không mấy đông, có hơn vài triệu rải khắp trên thế giới. Thuỵ Sĩ là một nước nhỏ, diện tích khoảng 41.300 cây số vuông, nhiều đồi núi, số lượng người Việt càng ít ỏi hơn. Đôi khi bà nhìn đám dân Việt của bà ở Thuỵ Sĩ có khác nào dân thiểu số miền rừng núi. Tuy vậy, trước khi tìm cho Trang một tấm chồng, bà cũng đã suy nghĩ nát óc, lùng trong trí nhớ rồi ngồi liệt kê lập thành danh sách những chàng trai … ế vợ trong thành phố, vùng phụ cận, kể cả các nước láng giềng Áo, Đức, Pháp, Ý…

Nguyễn Hiền: Câu chuyện trong đêm ngủ đỗ

Cho đến khi gặp chiếc bảng thứ tư với hàng chữ “Stau” loé sáng thì cả bốn đứa chúng tôi đều đồng ý là không thể nào đi thêm được nữa, phải tìm chỗ ngủ lại thôi. Lời đề nghị ném ra là phải tìm một nơi nào đó, trước ăn, sau là ngả lưng, không có lời phản đối hay ưng thuận. Bên cạnh tôi, Cử vừa ngồi rột dậy sau một chuỗi những giấc ngủ ngắn. Anh ta vươn vai rồi bẻ khục tay kêu lắc cắc:

– Mẹ bà nó, đi làm chi cho khổ dữ vậy nè trời.

Vừa nói Cử vừa bực dọc quay kính xuống. Nắng chiều xiên khoai ngột ngạt hắt vào trong chiếc xe đang lê những bước con rùa. Tôi quờ tay ra sau cốp, lục trong bị, đưa mỗi người một lon bia, cố tìm một đề tài diễu:

– Nè mấy cha uống đi, giấc này mấy thày cảnh sát đâu có huởn mà tìm bắt dân nhậu.

Không tiếng trả lời. Chất bia phơi nắng đắng nghét chảy vào cổ họng. Đầu váng vất. Mồ hôi nhễ nhại. Các băng nhạc mang theo đã nghe đến lần thứ mấy không biết. Bảo lò mò tìm một chương trình nhạc nhộn, nhưng chỉ gặp những tiếng rột rẹt, rột rẹt nếu không phải là những chuyện lảm nhảm. Hắn tắt radio cái phụp, trả số hai, chiếc xe gầm lên phóng sát đít thằng đồng loại đi trước, chúi mũi hậm hực.

–Ê chạy từ từ giùm cái coi bác tài. Bộ hết chuyện giỡn hả mấy cha?

Câu pha trò xìu xuống như miếng bánh mì mắc mưa. Cả bốn đứa đều ngóng đến một chỗ quẹo nào đó vào trong làng hay một ngôi nhà cạnh trạm xăng với chữ M màu xanh, dấu hiệu của cái motel. Chỉ thấy con đường phía trước quanh co đang bò lên đồi, hai hàng xe đủ màu di động như hai con rết khổng lồ quằn quại ngược chiều nhau. Bảo 'gà tồ' cứ lầu bầu mãi trong miệng:

– Hồi sáng tôi nói mấy già đi sớm mà cứ lừng chừng lừng chừng hoài. Kia kìa quẹo đại vô cái đường kia rồi tới đâu tới.

Thứ Năm, 16 tháng 9, 2021

Ngô Nhân Dụng: Nước Mỹ vẫn lạc quan

Tháng trước, 5,000 quân Mỹ đã tổ chức cuộc không vận lớn chưa từng thấy trong lịch sử, đưa hơn 120,000 người thoát ra khỏi nước Afghanistan trong 12 ngày. Tại phi trường Kabul hỗn loạn Đài Truyền hình của chính phủ Iran phỏng vấn một viên chức Taliban. Nhà báo Iran hỏi một câu hóc búa: “Tại sao Taliban mới nắm quyền mà nhiều người muốn bỏ đi như vậy?”

Phát ngôn viên của chính quyền Taliban giải thích: “Khi người Mỹ đem máy bay đến chỗ nào, nói họ sẽ đưa qua Mỹ dân bất cứ nước nào cũng được, thì người từ bốn phương sẽ chạy tới để được leo lên máy bay!” Chàng phóng viên Iran bác bỏ, nói rằng dân Iran chúng tôi thì không! Viên chức Taliban lắc đầu, không tin!

Một người Taliban, chắc không ưa gì nước Mỹ, cũng biết rằng bao nhiêu người khắp thế giới coi Mỹ là một miền đất hứa hẹn tương lai. Những gia đình Việt Nam liều chết xuống thuyền vượt biển sau năm 1975; dân tị nạn từ Syria, Somalia; những sinh viên gốc Ấn Độ, Trung Hoa tốt nghiệp rồi tìm việc làm để ở lại; cho tới những bà mẹ ở Guatalama hay Ecuador gửi con đến tận biên giới Mexico.

Dân Mỹ thường vẫn than phiền rằng nước họ đang xuống dốc! Đánh nhau ở Afghanistan 20 năm chẳng nên tích sự gì; đến lúc rút đi lại càng hỏng việc! Chỉ một chuyện chích ngừa, đeo mạng cũng cãi cọ, đưa nhau ra hết tòa này tới tòa khác, dù biết 650 ngàn người đã chết! Bầu cử xong, bên thua vẫn tố cáo bên thắng là gian lận! Nhưng người nước ngoài, từ Afghanistan tới châu Mỹ Latinh thì vẫn liều mạng tìm cách vào nước Mỹ sống!

Đọc diễn văn tưởng niệm các nạn nhân vụ 11 tháng 9, cựu Tổng thống Georges W. Bush nói:

“Trong lúc có những người sinh ra ở đây khuấy động lòng thù ghét và dùng bạo lực chống lại những ai họ cho là người ngoài, thì tôi thấy nhiều người Mỹ vẫn xác định lại rằng họ hoan nghênh những người tị nạn và di dân. Đó là người dân Mỹ mà tôi vẫn biết.”

Mac Văn Trang: Đành nói vài lời

Tôi không bao giờ muốn nói gì về những người chết mà mình không ưa. Trường hợp ĐT Phùng Quang Thanh (PQT) cũng vậy. Chết là cho qua, rồi lịch sử sẽ phán xét.

Nhưng việc tổ chức tang lễ ông Phùng Quang Thanh như bậc “khai quốc công thần” và khu “lăng mộ” của ông chiếm mấy ngàn m2 ruộng đất ở quê, khiến đành nói vài lời.

1. Tang lễ của ông giữa lúc giãn cách vì dịch bệnh nhưng được tổ chức tập trung rất đông người; điếu văn và những lời lẽ ca ngợi ông trên các phương tiện truyền thông… có cái gì đó “Ý Đảng trái với Lòng Dân”; nó che lấp đi điều gì đó trước con mắt của Nhân Dân? Chuyện ông Phùng Quang Thanh vì sao “mất chức” và biệt tăm? Bao nhiêu lời đồn đại, người dân đều không có quyền biết sự thật; trắng, đen lẫn lộn. Giờ đây truyền thông “bắt” người dân phải tin rằng Đại tướng Phùng Quang Thanh như vị tướng quân vĩ đại. Nay mai lại đặt tên đường phố, dựng tượng đài mang tên Phùng Quang Thanh?

2. Nhiều người dân mà tôi quen biết, nghĩ gì về Phùng Quang Thanh?

– Phùng Quang Thanh là một anh hùng ở chiến trường, nhưng là tướng hèn, đột nhiên làm Bộ trưởng QP; mấy cựu chiến binh, mấy bà già ở CLB Cầu lông của tôi, sau khi nghe, nhìn Phùng Quang Thanh rụt cổ, cúi đầu phát biểu ngập ngọng ở Hội nghị Đối thoại an ninh khu vực Shangri-La, tại Singapore, đều bực tức, cảm thấy nhục, thấy hèn không chịu được!

– 10 năm Phùng Quang Thanh làm Bộ trưởng QP là thời kỳ quân đội làm kinh tế bung bét; “thị trường sao vạch” sôi động nhất. Lúc đó quân đội VN đã có hơn 400 tướng, vào loại nhiều tướng nhất thế giới, mà ông vẫn phát biểu trước Quốc hội rằng, không được thăng chức thì “anh em tâm tư lắm”(!).

– Phùng Quang Thanh nói ở Quốc hội rằng: “Tôi thấy lo lắng lắm, không biết tuyên truyền thế nào, chứ từ trẻ con đến người già có xu thế ghét Trung quốc, ai nói tích cực cho TQ là ngại. Tôi cho rằng cái đó nguy hiểm cho dân tộc”. Lời nói này nên ghi trên bia mộ của ông.
Một Đại tướng chỉ huy quân đội chống giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập chủ quyền quốc gia mà sợ quân xâm lược như vậy thì còn ai tin, ai theo lệnh ông chống giặc?

Tuấn Khanh: Đại nghiệp của tỷ phú Jack Ma sẽ bị thủ tiêu trong tương lai?

Khôn ngoan và và tham vọng, Jack Ma đã tự dựng nên một trong những đế chế kinh doanh lớn nhất Trung Quốc từ con số không, tạo ra hàng tỷ đô la của cải và giới thiệu cuộc sống đổi mới kỹ thuật số cho hàng trăm triệu người Trung Quốc. Dĩ nhiên Jack Ma không phải kiểu người như Jeff Bezos, Elon Musk hay Bill Gates của Trung Quốc. Nhưng sau cú vươn vai và giàu có ấy, Jack Ma trở thành đồng nghiệp, sánh vai cùng những người đó.

Thế nhưng giờ đây, ông ta đã biến mất gần như hoàn toàn khỏi tầm nhìn của công chúng ở Trung Quốc, Thật kỳ lạ. Những gì thuộc về Jack Ma từng được báo chí nhà nước ca ngợi không ngừng, coi là động lực hữu ích để Trung Quốc bắt kịp phương Tây, nay lại được báo chí trở mặt, đúc kết lại như một mối đe dọa đối với Đảng Cộng sản cầm quyền.

Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ, đang viết lại các quy tắc kinh doanh cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Theo những người hiểu ông Tập, đã nhận định rằng hậu quả hiện thời, do Jack Ma đã không bắt kịp với những quan điểm chính trị đang thay đổi của Bắc Kinh. Có người bình luận rằng trong ảo mộng về một thứ tự do không có thật ở đế quốc cộng sản, Jack Ma quên, và cư xử giống một doanh nhân Mỹ.

Jack Ma đột nhiên mất dần khỏi sân khấu thế giới cũng như tại quê nhà, sau một vài phát biểu thẳng thắn, kể từ tháng 10-2020. Ông ta lên tiếng chỉ trích các cơ quan quản lý Trung Quốc vì đã kìm hãm sự đổi mới tài chính. Có vẻ đó là những nhận định trở thành nguy hiểm, nhất là khi Ma đang trở thành một hình mẫu thần tượng của hàng trăm triệu người ở Trung Quốc. Tập Cận Bình đã đích thân can thiệp vài ngày sau đó để chặn đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng kỷ lục trị giá hơn 34 tỷ đô la của Ant Group, công ty công nghệ tài chính đầu não của Jack Ma. Kể từ đó, Ant Group buộc phải cơ cấu lại hoạt động kinh doanh của mình, khiến các nhân viên và nhà đầu tư của công ty rơi vào tình trạng lơ lửng, không biết số phận của mình rồi sẽ ra sao.