Thứ Bảy, 21 tháng 8, 2021
Trùng Dương: Sách, phim - Van Gogh không hề tự tử
Người họa sĩ gạt xuống sàn nhà ly rượu còn đầy do cô hầu bàn vừa đặt xuống bàn cho anh, chán chường rời khỏi quán cà phê giữa dòng người ôm nhau nhẩy nhót cười vui trong tiếng nhạc ồn ào trong một ngày hội.
Anh xách giá vẽ tìm tới cánh đồng lúa mì cành nặng hạt ngả nghiêng trước gió như không cưu mang nổi những hạt lúa chờ mong bàn tay người gặt. Anh đã vẽ gần xong bức tranh đồng lúa mì khi đàn quạ đen bay tới tấp quanh anh kêu quang quác như hối giục. Anh bèn đưa những nhát cọ giận dữ đem bầy quạ vào tranh. Xong, anh buông bảng mầu và cây cọ, lảo đảo bước tới bên một gốc cây, móc túi lấy ra một mảnh giấy nhầu nhò, kê lên một nhánh cây, viết nguệch ngọac lên đó. Tôi tuyệt vọng quá rồi. Tôi không còn thấy một lối ra nào nữa. Rồi anh móc túi kia lấy ra một khẩu súng.
Người nông dân đánh xe ngựa đi qua ngoảnh nhìn qua người họa sĩ, rồi tiếp tục trên con đường đất giữa các ruộng lúa mì. Thình lình ông ta nghe một tiếng súng nổ, bèn ngừng xe ngoảnh nhìn lại phía nơi mình vừa đi qua…
Đó là hình ảnh về cái chết tự chọn của hoạ sĩ Vincent van Gogh (1853-1890) mà ai cũng đã quen thuộc, không chỉ qua phim “Lust for Life“ (1956) -- dựa trên cuốn tiểu sử cùng tên của Irving Stone xuất bản lần đầu vào năm 1934, với diễn xuất tuyệt vời của tài tử Kirk Douglas— đã trở thành kinh điển, mà còn qua vô số phim truyện, phim tài liệu, sách vở, triển lãm, Web sites, và gần đây là loạt trình diễn luân lưu bộ tranh số hoá Hoà nhập cùng Van Gogh.
Cái chết do tự chọn này cũng đã từng đuợc lãng mạn hoá, thăng hoa đến thành rực rỡ, và đã trở thành huyền thoại. Cao điểm của sự lãng mạn hoá này có lẽ là đoàn xe hoa 600,000 bông thược dược mà thành phố Zundert ở Netherlands, nơi chôn nhau cắt rốn của nhà danh hoạ, tổ chức nhân ngày giỗ thứ 125 (thayvì thông thuờng là ngày sinh nhật) của ôngvào năm 2015. Trong đó có một xe hoa khổng lồ mô tả nhà danh họa nằm chết như mơ giữa cánh đồng hoa dại, cây cọ vẽ buông lơi giữa những ngón tay, tất cả được đan bện bằng hàng ngàn bông thược dược mầu tím với các tông mầu khác nhau. Nhìn mà không khỏi bồi hồi.
Van Gogh qua đời ở tuổi 37 sau nhiều năm phấn đấu với bệnh tâm thần và những cơn điên dại bất chợt, để lại hơn 2,000 hoạ phẩm, trong đó có 860 bức tranh sơn dầu mà khi sinh tiền, ông chỉ bán được có một bức và phải sống nhờ vào sự trợ giúp tài chính của người em, Theo, một nhà buôn bán tranh làm việc ở Paris.
Tác giả: Van Gogh chết không phải vì tự tử
Trên một thế kỷ sau, hai nhà nghiên cứu Steven Naifeh và Gregory White Smith, tốt nghiệp phân khoa luật thuộc Đại học Harvard, sau khi bỏ ra 10 năm điều tra tới ngọn nguồn về cuộc đời của nhà danh hoạ, đã cho ấn hành cuốn tiểu sử dầy 900 trang, “Van Gogh: The Life,” với một trong những chi tiết khiến nhiều người yêu Van Gogh không thể không lắng nghe. Đó là nhà danh hoạ của chúng ta qua đời hai ngàysau khi bị một phát súng vào bụng, nhưng không phải do tự sát như Hollywood vẽ ra và chúng ta đã yên chí tới độ thăng hoa và lãng mạn hoá cái chết đó, mà là bị bắn.
Hai ông Naifeh và Smith – cũng là đồng tác giả cuốn tiểu sử đã đoạt giải Pulitzer Prize về hoạ sĩ yểu mệnh người Mỹ chuyên về tranh trừu tượng Jackson Pollock (1912-1956) – đã nghiên cứu cặn kẽ các tài liệu thu thập được khi thăm vùng Auvers-sur-Oise ở phía bắc Paris, nơi Van Gogh sống vỏn vẹn có 70 ngày vào mùa hè 1890, nhưng lại là thời kỳ sáng tạo sung mãn nhất, và là nơi ông đã chết và được an táng. Hai tác giả cho biết có nhiều phần là nhà danh hoạ bị chết vì một phát súng vào bụng nhưng do bị bắn thay vị tự bắn. Ngoài ra, ông bị bắn trong lúc đang vẽ ở sân nhà trọ, không phải tại một cánh đồng lúa mì, và do mấy đứa trẻ đang chơi trò cao bồi - da đỏ ồn ào làm ông bực mình, và một cách nào đó tai nạn đã xẩy ra. Mặc dù, căn cứ vào tài liệu thu thập đuợc, hai tác giả Naifeh và Smith cho biết đường đạn đi cho thấylà từ xa lại, không thể do tự bắn, nhưng Van Gogh trối trăn lại với bác sĩ Paul Gachet, người săn sóc ông ở Auvers và đã từng ngồi làm mẫu cho ông vẽ, là “Tôi làm tôi bị thương đấy,” ý hẳn ông muốn cứu mấy cậu bé nghịch ngợm vô ý thức. “Xin đừng buộc tội ai hết. Chính tôi là người muốn tự sát,” Van Gogh nói trước khi nhắm mắt lìa đời.
Đấy cũng là cảnh đạo diễn kiêm hoạ sĩ Julian Schnabel dựng lại trong phim “At Eternity’s Gate” (Cổng Nhập Chốn Thiên Thu), phát hành năm 2018. Cuốn phim mô tả mấy tháng cuối cùng của nhà danh hoạ trong khi phấn đấu với bệnh tâm thần ở Auvers, nơi người em đã đưa ông về sống sau khi ông được phép rời nhà thương ở Arles, cho gần Paris là nơi Theo làm việc, cho tiện đi lại thăm viếng người anh.
Do tài tử Willem Dafoe với diễn xuất xuất thần trong vai Van Gogh, cuốn phim là một hành trình đi vào bên trong cái thế giới đầy những dằn vặt khốn khổ của một người đã cống hiến cho đời những tuyệt tác nghệ thuật nhưng đã không được giới nghệ thuật đương thời hiểu, cảm và công nhận. Khác với “Lust for Life” với những bức tranh đã hoàn tất được trưng bầy trên màn ảnh khiến người xem như đang dự một cuộc triển lãm tranh, “Cổng Nhập Chốn Thiên Thu” có tính cách kỹ thuật hội hoạ--các bức tranh đã được cấu tạo ra sao, trong những bối cảnh thiên nhiên gió máy bụi bậm thế nào, và cả môi trường với những đứa trẻ vô ý thức nghịch ngợm, chế nhạo và phá phách hoạ sĩ ra sao. Nhiều cảnh trong phim người xem thấy mình như phải, cùng với máy thu hình, chạy theo hoạ sĩ đầu chụp chiếc mũ rộngvành, giá vẽ máng trên lưng, hộp mầu bên hông, rảo bước miệt mài giữa ruộng đồng hay leo lên đồi đá để tìm một góc nhìn, một vùng ánh sáng thích hợp. Có cảnh khán giả như thấy mình chạy hộc tốc theo hoạ sĩ, để cuối cùng cùng ông tới một cánh đồng trống vào lúc trời về chiều, vất đồ nghề sang một bên, nằm lăn xuống đất thở dốc nhìn trời. Phải nói đây là một cuốn phim xem hơi… nhọc nhằn, như tâm trạng vật vã khôn nguôi của người hoạ sĩ bất bình thường nhưng tài hoa. Và có lẽ đấy cũng là mục đích của nhà đạo diễn--muốn khán giả cùng trải nghiệm những phấn đấu của họa sĩ ở những giây phút cuối đời.
Chính diễn viên Dafoe đã nhìn nhận rằng cuốn phim không phải là một tiểu sử trơn tru về Van Gogh nhằm kể chuyện về cuộc đời của hoạ sĩ. “[Phim] đúng ra là về hội hoạ,” Dafoe trả lời trong một cuộc phỏng vấn tại một hội phim ở New York. Ông nói đây là chuyện kể về một hoạ sĩ bởi một hoạ sĩ, tức đạo diễn Schnabel. Để diễn tả chân thực nhân vật Van Gogh, Dafoe đã phải học vẽ như Van Gogh đã vẽ, dưới sự hướng dẫn của chính nhà đạo diễn kiêm hoạ sĩ. Để biết thêm về cách Dafoe đã học hỏi, nghiên cứu và thực tập hội hoạ ra sao để có thể lột tả được vai trò, bạn đọc có thể đọc thêm ở đây.
Trong “At Eternity’s Gate,” những cảnh cuối không phải là cảnh tuy là bi kịch song có cái đẹp lãng mạn của “Lust for Life,” mà là cảnh nhà hoạ sĩ đang ngồi vẽ trong sân một ngôi nhà, bị một đám thiếu niên chơi trò cao bồi-mọi da đỏ đánh nhau ồn ào khiến ông nổi đoá, xua đuổi các cậu, rồi dằng co sao đó. Và rồi có một tiếng súng nổ. Màn ảnh chao đảo. Bóng dáng người hoạ sĩ ôm bụng bước đi loạng quạng trong góc nhìn ngược từ dưới lên của máy quay phim. Lũ trẻ hoảng sợ đem giá vẽ và khung bố đang vẽ dở vùi xuống đất, vất khẩu súng xuống ao để phi tang. Như giả thiết về cái chết do tai nạn mà hai tác giả “Van Gogh: The Life” đã đề ra.
Danh hoạVan Gogh đã chết như thế nào? Ông có thực sự tự tử, như chúng ta, kể cả người viết bài này, vẫn lâu nay nghĩ, nhất là mỗi lần ngắm bức tranh cuối cùng của ông, “Đồng Luá Mì và Bầy Quạ,” một trong những bứcVan Gogh ưa thích nhất của tôi, và là bức Van Gogh in lại tôi lồng khung treo tường trong phòng ngủ lâu nay? Khi thăm Viện Bảo tàng Van Gogh khá đồ sộ ở Amsterdam năm 2013, tôi đã không bỏ lỡ cơ hội nhìn tận mắt nguyên tác bức tranh trưng tại đây, đã đứng lặng ngắm tranh, đồng thời ngắm lại kỷ niệm đi xem phim “Lust for Life” lần đầu với người yêu đầu đời ở rạp Lê Lợi, SàiGòn, vào đầu thập niên 1960.
Hay chẳng qua người hoạ sĩ chết do một tai nạn, không do chọn lựa?
Viện Bảo tàngVan Gogh ở Amsterdam lên tiếng
Viện Bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam thì vẫn duy trì thông tin về việc Van Gogh tự kết thúc đời mình vì bệnh tâm thần ngày một nặng. Và ông không muốn tiếp tục là gánh nặng cho em trai, Theo, vừa lập gia đình, mới có một đứa con và đang chuẩn bị mở một công ty mua bán tranh riêng.
Trả lời đài BBC về giả thiết “Van Gogh không hề tự tử” của hai tác giả Steven Naifeh và Gregory White Smith, Viện Bảo tàng Van Gogh gọi giả thuyết đó “đầy kịch tính” và nhằm “khêu gợi tò mò.” Trong một thông cáo về sự kiện này, viện cho biết “còn nhiều câu hỏi chưa được trả lời” và “còn quá sớm để bác bỏ việc tự sát,” nhưng thêm là chắc chắn sẽ còn gây nhiều tranh cãi.
Trong khi đó, một trong vô số Web sites chuyên về Van Gogh, The Van Gogh Gallery, sau khi kể lại thời gian an trí ngắn ngủi tại Auvers kết thúc bằng biến cố nhà danh hoạ bị thương vì một phát súng vào ngày 29 tháng 7, 1890,đã kết luận: “Cái đáng nhớ về ông không phải là cái chết của ông, mà là cái đẹp và niềm vui ông đã sáng tạo cho đời trước khi ông ra đi vậy.”
Hai tác phẩm đã nêugiả thiết danh họa Vincent van Gogh chết vì tại nạn, không phải tự tử. Trái, bià cuốn “Van Gogh: The Life,”của Steven Naifeh và Gregory White Smith (Random House, 2011). Phải, bích chương phim “At Eternity’s Gate” (2018)
Van Gogh qua đời trong vô danh, không được giới nghệ thuật thời đó công nhận. Phải chờ tới hơn 10 năm sau vào đầu thế kỷ 20, người ta mới bắt đầu biết tới tên tuổi của ông và cảm nghiệm được nghệ thuật độc đáo của ông hơn. Tất cả là nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ của người em dâu và vợ goá của Theo, Johanna van Gogh-Bonger. Chính Johanna là người đã đưa tên tuổi và tác phẩm của Van Gogh đến với nhân loại, như một bài viết rất chi tiết về bà đã đề tựa “The Woman Who Made van Gogh” (Người đàn bà đã làm nên Van Gogh).
Người đàn bà đã làm nên tên tuổi Van Gogh
Johanna là một phụ nữ mới 28 tuổi khi Theo Van Gogh, chồng bà, qua đời chưa đầy hai năm chung sống,vào năm 1891,chỉ một năm sau khi người anh hoạ sĩ mất. Theo chết đi để lại cho Johanna một đứa con trai mới một tuổi, và một đống tranh của người anh chồng không ai muốn mua chất đầy trong căn chung cư ở Paris, cùng hàng ngàn trang thư trao đổi giữa hai anh em khi còn sinh tiền.
Không phương tiện sinh sống, Johanna ôm con và tranh dọn về tỉnh Bussum ở quê nhà là Hoà Lan, và mở một nhà trọ. Bà chọn Bussum vì đây cũng là nơi tập trung của giới văn nghệ sĩ, và qua các giao tiếp tại nhà trọ, bà có dịp tiếp xúc với nhiều người trong giới này và đã được họ giúp tìm đường vào thế giới hội hoạ.
Johanna tự giao cho đời mình một sứ mệnh: bà muốn thực hiện mộng ước bất thành của chồng, đó là làm cho đời biết tới nghệ thuật của anh mình.
Năm 1892, Johanna tổ chức cuộc triển lãm lớn với sự hợp tác của họa sĩ Richard Roland (1868-1938). Cuộc triển lãm được báo chí tường thuật rộng rãi nhưng không được đông đảo giới thưởng ngoạn tán thành. Họ cho là tranh của Van Gogh quá mới, với mầu sắc quá rực rỡ, đường cọ quá bạo, quá sống sượng, không hạp với thị hiếu đương thời vốn coi hội hoạ là một bộ môn thẩm mỹ, nhằm tôn xưng cái đẹp hài hoà của đời người và vạn vật. Để vượt lên được các gò bó học thuật về các đề tài lịch sử, tôn giáo, giới quí tộc của thời Phục Hưng để đem đời sống xã hội hiện thựcvào tranh, qua các trường phái khác nhau, giới làm hội hoạ đã phải mất cả mấy thế kỷ nỗ lực để được công nhận. Thế nên giới thưởng ngoạn nghệ thuật thời Van Gogh chưa sẵn sàng cho một cuộc hành trình đi vào chiều sâu rắc rối phức tạp của người làm nghệ thuật, và có lẽ cũng chưa có ý thức rõ nét về thứ kích thước này. Đặc biệt khi người hoạ sĩ đó, theo họ, lại mắc bệnh điên, bất bình thường, không đáng quan tâm.
Trái, bíchchương của cuộc triển lãm tranh Van Gogh tại the Kunstzaal Panorama Amsterdam, tháng Mười Hai 1892. Phải, bích chương cuộc triển lãm tranh Van Gogh tại Viện bảo tàng Stedelijk Museum Amsterdam năm 1905. (ẢnhVincent van Gogh Foundation)
Vào năm 1905, trưởng thành hơn với kinh nghiệm đã gặt hái được trong hơn 10 năm qua, và sẵn óc tổ chức, Johanna thực hiện một cuộc triển lãm thứ hai, tự tay điều khiển từ việc chọn và sắp xếp các tác phẩm để trưng bầy đến việc trả công cho nhân viên giúp việc. Tổng cộng 480 tác phẩm của hoạ sĩ được trưng bầy trong cuộc triển lãm này tại Viện Bảo tàng Stedelijk ở Amsterdam. Đây quả là một số lượng tranh đồ sộ so với bất kỳ cuộc triển lãm nào.
Kết quả là sau cuộc triển lãm này, giá tranh Van Gogh gia tăng nhanh chóng. Dù vậy, không phải các tác phẩm đều trưng để bán. Johanna đã cẩn thận giữ lại, tuy trưng bầy nhưng không bán, những tác phẩm nào bà cho là tiêu biểu và quan trọng của sự nghiệp hội hoạ của người anh chồng. Bà chỉ đồng ý bán các tác phẩm lớn của nhà danh hoạ cho nhà sưu tầm hay viện bảo tàng nào có khuynh hướng sẽ trưng bầy cho công chúng vào cùng thưởng ngoạn, thay vì thuộc quyền sở hữu của một nhà sưu tập tư nào đó.
Song song, Johanna còn xúc tiến một công trình quan trọng khác, đó là chọn và hiệu đính các thư từ trao đổi giữa hai anh em Van Gogh. Làm việc này không những mang bà lại gần với và hiểu hơn về người anh chồng hoạ sĩ, song đồng thời khiến bà hiểu người chồng quá cố của mình hơn, vì hai anh em Van Gogh viết cho nhau thường xuyên. Không những sắp xếp và hiệu đính những lá thư của hai anh em, Johanna còn viết trong bài giới thiệu cuốn sách tiểu sử của Vincent Van Gogh. Bài giới thiệu này sau đó đã là nền tảng của nhiều cuốn tiểu sử về nhà danh hoạ.
Chính nhờ việc xuất bản những lá thư này vào năm 1914 mà sự thưởng ngoạn Van Gogh càng gia tăng. Với vốn liếng Anh ngữ sẵn có, Johanna cũng dịch các thư từ trao đổi giữa hai anh em ra tiếng Anh. Khi bà qua đời vào năm 1925, Johanna đã dịch được khoảng hai phần ba thư từ của anh em nhà Van Gogh. Bản Anh ngữ cuối cùng được hoàn tất và xuất bản bốn năm sau đó, và hiện đã được số hoá và phổ biến rộng rãi tại đây. Đây là những tài liệu phong phú giúp giới thưởng ngoạn hiểu hơn, và do đấy thưởng ngoạn tác phẩm Van Gogh một cách sâu sắc hơn. Đặc biệt là có những thư Van Gogh viết cho Theo kể về hành trình thực hiện một bức tranh nào đó của mình, kèm với cả phác hoạ, nói lên suy tư của hoạ sĩ xung quanh một đề tài.
Sự xuất hiện của bộ thư từ này cũng đã giúp mở ra một kỷ nguyên mới trong việc thưởng ngoạn tác phẩm nghệ thuật. Theo đó, giới thưởng ngoạn không chỉ thưởng ngoạn tranh như một trò giải trí, mà còn muốn biết tới trong bối cảnh nào mà một họa sĩ đã sáng tạo nên một tác phẩm nào đó, để giúp cho sự thưởng ngoạn của họ trở nên sâu sắc, đậm đà và ý nghĩa hơn.
Vài trang thư kèm phác hoạ của Vincent Van Gogh. Xem toàn bộ thư của Van Gogh viết cho Theo, các bằng hữu và người quen.(https://www.openculture.com/2016/04/a-complete-archive-of-vincent-van-goghs-letters.html)
Từ năm 1891 khi bà trở thành goá phụ, đến 1925 khi bà qua đời, Johanna chỉ bán khoảng 200 hoạ phẩm của Vincent. Có một hoạ phẩm mà cả bà và con trai cùng thấy khó lòng chia tay, đó là bức hoa hướng dương nổi tiếng tiêu biểu Van Gogh, mặc dù họ sở hữu hai trong tổng cộng năm bức hoa hướng dương mà họa sĩ đã vẽ.
Cuối cùng, Johanna đồng ý bán đi một bức cho viện bảo tàng National Gallery ở Luân Đôn vào năm 1924. Trong thư gửi cho viên giám đốc của viện bảo tàng, Johanna cho biết, “Đây chính là một sự hy sinh dành cho niềm vinh quang của Vincent.”
Cũng nhờ đấy mà công chúng đã có dịp thấy tận mắt nguyên tác của một trong những hoạ phẩm đã giúp định nghĩa hoạ pháp và cá tính của nhà danh hoạ.
Gia đình nhà Van Gogh còn giữ một số tranh đáng kể của nhà danh hoạ. Sau khi Johanna qua đời, con trai bà là Vincent mở một quỹ riêng và chuyển hết tranh vào đó, gọi là Van Gogh Foundation. Ông cũng trở thành một trong các nhà sáng lập của Viện Bảo tàng Van Gogh tại Amsterdam, thiết lập vào giữa thập niên 1970 và hiện đã khai triển thêm và khá đồ sộ. Viện bảo tàng nàyhiện lưu giữ một bộ sưu tầm họa phẩm lớn nhất của nhà danh hoạ.
Theo Wikipedia, thống kê năm 2017 cho thấy có tổng cộng có 2.3 triệu người viếng thăm Viện Bảo tàng Van Gogh, và viện này đã chiếm hàng đầu trong số các viện bảo tàng tại Netherlands có nhiều người tới viếng nhất.
Vào năm 2019, tận dụng kỹ thuật số hoá, Viện Bảo tàng Van Gogh đã thực hiện loạt “triển lãm hoà nhập” (immersive exhibition), tựa là “Meet Van Gogh Experience” (Trải nghiệm cùng Van Gogh) về cuộc đời và tác phẩm của nhà danh hoạ. Loạt tranh này đã đi lưu diễn khắp nơi, nhằm đem tranh Van Gogh tới nhiều người hơn. Xem video giới thiệu tại đây.
[TD2021/08]
----------
Xem loạt tranh Van Gogh sáng tác trong thời gian sống ngắn ngủi 70 ngày, từ 20 tháng Năm tới 29 tháng Bẩy, 1890, ở Auvers-sur-Oise, Pháp: https://www.vincentvangogh.org/auvers-sur-oise.jsp
Theo bước chân Van Gogh ở Auvers-sur-Oise, Pháp: