LTS. Dù toàn bộ bài này đã được đăng trên DĐTK vào tháng 8 năm 2021, nay vì một “lý do đặc biệt”, chúng tôi xin đăng lại trong số báo này. Lý do là vào chiều ngày 15 tháng 5, 2022 trong buổi ra mắt cuốn sách Phan Thanh Giản và Vụ Án ‘Phan Lâm Mãi Quốc, Triều Đình Khí Dân’ của tác giả Phan Đào Nguyên, diễn giả Phạm Phú Minh đã dùng bài Ai Điếu của Phạm Phú Thứ viếng Phan Thanh Giản làm đề tài cho bài thuyết trình của mình. Nhiều khán giả tỏ ý muốn biết rõ hơn về bài Ai Điếu này, chúng tôi đã hứa sẽ đăng lại toàn bài trên số DĐTK hôm nay để ai quan tâm sẽ có tài liệu để xem lại kỹ càng hơn. DĐTK
***
Trong thế kỷ 19, Việt Nam đã nếm trải bao nỗi cay đắng trước sự xâm lăng bằng vũ lực mà một triều đình nhà Nguyễn mặc dù đã rất vững chãi với một lãnh thổ lần đầu tiên rộng lớn nhất trong lịch sử kéo dài từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, đã cuối cùng cũng phải mất nước trước kẻ cướp đến từ phương Tây. Nếu phải chọn một nhân vật Việt Nam điển hình đã trực tiếp đương đầu với cái kịch bản đấu trí đấu lực suốt cái quá trình đau khổ ấy, thì thiết nghĩ không ai khác hơn là Phan Thanh Giản. Ông đã phục vụ suốt ba triều Minh Mạng (1820 – 1841), Thiệu Trị (1841-1847), Tự Đức (1847-1883), đặc biệt trong triều Tự Đức ông đã nổi lên như một rường cột chính phục vụ quốc gia cho đến hơi thở cuối cùng, để thấy đời ông cũng chính là hình ảnh cái bi kịch của nước ta khi chống chọi với sự xâm lăng của người Pháp.
Sau khi quân Pháp đã chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, ông Phan Thanh Giản là người được vua Tự Đức cử làm chánh sứ, Lâm Duy Hiệp làm phó sứ đi vào Gia Định thương thuyết với Pháp để nghị hòa. Kết quả là hòa ước Nhâm Tuất 1862 đã được ký kết, Việt Nam nhượng cho Pháp ba tỉnh Biên Hòa, Gia Định và Định Tường. Theo Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, vua Tự Đức bất đắc dĩ phải chấp nhận hòa ước Nhâm Tuất nhưng trong bụng vẫn muốn cố hết sức để chuộc lại vì đất Gia Định là đất khai nghiệp của nhà Nguyễn và lại là đất quê ngoại của nhà vua. Chính vì lý do này mà năm 1863 vua Tự Đức mới cử một phái đoàn Việt Nam gồm Phan Thanh Giản chánh sứ, Phạm Phú Thứ phó sứ và Ngụy Khắc Đản bồi sứ, qua tận Pháp để thương thuyết chuộc lại ba tỉnh ấy. Nhưng đã gọi là thực dân, đã chiếm được đất của người ta rồi, làm sao có chuyện trả lại! Không trả lại, mà còn lấy thêm ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ và đưa đến cái chết bi tráng của Phan Thanh Giản.
Chúng ta đều biết bản án mà triều đình Huế dành cho Phan Thanh Giản sau khi Pháp chiếm nốt ba tỉnh miền Tây và ông đã tuẫn tiết : tước bỏ hết quan tước và đục xóa tên trong bia tiến sĩ. Một đời làm quan suốt ba triều nhà Nguyễn, nhiều lần xin rút lui vì tuổi già sức yếu mà vua khăng khăng không chấp thuận, bắt phục vụ cho đến giây phút cuối cùng, để rồi sau cái chết đã bị xóa trắng bao công sức mà suốt đời ông đã bỏ ra cho vua, cho dân, cho nước. Bi kịch ấy của cuộc đời Phan Thanh Giản rất thấm thía trong lịch sử nước ta, mà các thế hệ về sau đã ra công điều chỉnh để giữ gìn công đạo của một dân tộc có lương tâm.
Nhưng ít ai biết ngay trong thời gian xảy ra vụ án này, ngay giữa triều đình Tự Đức, đã có một tiếng nói cất lên để bênh vực Phan Thanh Giản. Đó là bài điếu văn của Phạm Phú Thứ viếng Phan Thanh Giản. Đúng hơn đây là một tài liệu mượn hình thức là điếu văn để khẳng định bao công lao, mưu lược, tài kinh bang tế thế của vị lão thần Phan Thanh Giản, dù tuổi già sức yếu đã mấy lần xin về hưu, đã bị nhà vua khư khư đưa ra tuyến đầu đại diện cho triều đình để đương đầu với một thế lực cướp nước quá hùng cường. Gọi là điếu văn mà không có một tiếng khóc Ô Hô!, không một từ ngữ đã thành sáo ngữ để tưởng niệm người quá cố. Trái lại, như một bài chính luận đanh thép nhằm đặt để lại giá trị của vị lão thần đã đem hết sức tàn lực kiệt để lo cho nước, và đã được “trả ơn” bằng một bản án có thể gọi là bất nhân, bất cận nhân tình. Với bản án đó, sau khi chết, cụ Phan Thanh Giản ra đi tay trắng, chẳng còn một sự nghiệp “hợp pháp” nào để lại cho người đời và con cháu.
Trước cái án rất nặng nề mà Phan Thanh Giản nhận lãnh từ nhà vua và triều đình, bỗng dưng có một tiếng nói cất lên bênh vực ông, đi ngược hẳn với những khẳng định từ tầng lớp tối cao của đất nước. Một sự kiện bất thường trong chế độ phong kiến, rất đáng để đời sau tìm hiểu lý do.
Sau đây chúng tôi xin giới thiệu bài “văn tế chính luận” ấy của Phạm Phú Thứ, đầy đủ nguyên tác bằng Hán văn, đã được nhà biên khảo Nguyễn Duy Chính phiên âm, ghi chú và dịch sang tiếng Việt.
 |
|
Ký Vãn Nguyên Nam Kỳ Kinh Lược Đại Thần
Phan Lương Khê Công
(寄輓原南圻經畧大臣潘梁谿公 )
***
Nguyễn Duy Chính phiên dịch
***
BÀI TƯỞNG NIỆM CỤ PHẠM PHÚ THỨ VIẾNG CỤ PHAN THANH GIẢN
(Ký Vãn Nguyên Nam Kỳ Kinh Lược Đại Thần
Phan Lương Khê Công)
(寄輓原南圻經畧大臣潘梁谿公 )
***
Đây là bản dịch của bài văn tế cụ Phan Thanh Giản do cụ Phạm Phú Thứ viết sau khi cụ Phan Thanh Giản từ trần.
Phạm Phú Thứ biệt hiệu Giá Viên chính là giáp phó sứ trong phái đoàn Phan Thanh Giản khi sang Pháp điều đình việc chuộc lại ba tỉnh miền đông Nam Kỳ bị mất về tay người Pháp.
Bài điếu văn này đã xuất hiện ở nhiều nơi nhưng vẫn ít người biết đến. Trong bản dịch này chúng tôi tham khảo:
Bản chữ Hán (viết tay) trích từ tập 11 trong Giá Viên Toàn Tập (do Phạm Phú Viết giới thiệu là Tư Liệu Nội Bộ trong gia tộc Phạm Phú) từ trang 89-99. Bản này do giáo sư Phạm Phú Minh cung cấp.
Bản chữ Hán trích từ tác phẩm Phan Thanh Giản 1796-1867 et sa famille d’après quelques documents annamites do Pierre Daudin và Lê Van Phuc soạn. Ngoài ra có bản dịch bằng tiếng Pháp, chú giải kỹ lưỡng nhan đề « Elégie composée en 1867 par Pham-phu-Thu à la mémoire de S. E. Phan-thanh-Gian dit Phan-luong-Khê, ex-Vice-Roi de Cochinchine » (Điếu văn để truy niệm ngài Phan Thanh Giản tự Phan Lương Khê, cố tổng đốc Nam Kỳ)
Bản phiên âm và dịch trích từ quyển 7 trong Kinh Hương thi lục, Phạm Phú Thứ toàn tập (PPTTT) (nxb Đà Nẵng, 2014) từ trang 749-757. Rất tiếc bản này không có nguyên văn chữ Hán.
Theo lời đề trong bản dịch tiếng Pháp (Daudin) thì bản chữ Hán được cung cấp bởi chính gia đình cụ Phan Thanh Giản (“document communiqué par la famille de Phan-thanh-Gian”) nên tuy có một vài chỗ hơi khác với bản của gia tộc họ Phạm Phú nhưng chúng tôi vẫn coi là một văn bản có giá trị, đã được chấm câu kỹ lưỡng, phù hợp với ý nghĩa của toàn văn, nhất là liên hệ với thời cuộc.
Chính bản chép tay của họ Phạm Phú cũng có một hai chữ có thể đã thay đổi khi sao chép, làm ý nghĩa câu văn bị khác đi. Ngoài ra, tình hình lúc bấy giờ rất nhiễu nhương, đa sự nên những chi tiết mà cụ Giá Viên Phạm Phú Thứ đề cập đến thật cũng không dám chắc là chỉ vào việc gì, chẳng hạn hai chữ nội hồng (內訌) mà Daudin dịch là “đấu đá nội bộ” (querelles intestines) không biết có phải nhắc đến việc vua Tự Đức tranh chấp với anh ruột là Hồng Bảo gây ra cái “loạn chày vôi” không?
Có lẽ đây là một bản “điếu văn” rất khác thường, tưởng như là một bản trường thi nói về tình thế lúc bấy giờ trong đó ẩn nhiều ý bi phẫn, đôi lúc bất toại chí của những đại thần kêu gọi canh tân nhưng triều đình không đáp ứng. Có lẽ đặt tên cho nó là “điếu văn” chỉ là một cách ngụy trang để cụ Phạm biện minh cho cụ Phan, trong lúc từ vua cho đến triều thần đều muốn kết tội cụ Phan, mà thật ra đã kết tội rất nặng nề.
Bài văn này có ưu điểm là cụ Phạm Phú Thứ không dùng điển tích Trung Hoa mà dùng toàn việc xảy ra trong nước mình. Tuy văn tế mà đọc rất bi tráng, nhất là cụ Phạm kể lại những «đấu tranh ngoại giao »; khi cùng đi với cụ Phan sang Pháp.
Bản dịch này là một công trình tổng hợp do tài liệu từ giáo sư Phạm Lệ-Hương, giáo sư Phạm Phú Minh và nhất là sự tiếp tay rất chu đáo của nghĩa đệ Nguyễn Vũ.
Nguyễn Duy Chính
11-2020
TEXTE CHINOIS (NDC) | PHẠM PHÚ THỨ TOÀN TẬP |
BẢN DỊCH (NDC)
|
寄輓原南圻經畧大臣潘梁谿公 | Ký Vãn Nguyên Nam Kỳ Kinh Lược Đại Thần Phan Lương Khê Công |
|
佛郎之國雄西方 | Phật lang chi quốc hùng Tây phương | Phật Lang (France) là nước hùng mạnh ở phương Tây |
與我遠隔九萬里[之]重洋 | Dữ ngã viễn cách cửu vạn lý [chi] trùng dương | Xa cách nước ta trùng dương chín vạn dặm |
何年濟師恃有舊 | Hà niên tế sư thị hữu cựu | Năm nào đã đem quân lấy cớ chuyện cũ |
來請弛禁兼通商 | Lai thỉnh di cấm kiêm thông thương | Đến xin bỏ lệnh cấm [đạo] và để cho hai bên buôn bán |
再三投書不得志 | Tái tam đầu thư bất đắc chí | Mấy lần gửi thư nhưng không toại nguyện |
狡焉嘯黨站據茶山傍 | Giảo yên khiếu đảng trạm cứ Trà Sơn bàng | Xảo quyệt gọi những kẻ cùng bầy đến đóng chiếm bên cạnh Trà Sơn |
和榮軍次屢見挫 | Hòa Vang quân thứ lũ kiến tỏa | Quân của ta ở Hoà Vang nhiều lần bị khốn khó |
彼則爭利非爭長 | Bỉ tắc tranh lợi phi tranh trường | [Nhưng] phía bên kia chỉ tranh lợi chứ không tính chuyện lâu dài |
三年一旦棄之去 | Tam niên nhất đán khí chi khứ | Sau ba năm một sớm bỗng bỏ đi |
他船復闖牛江渚 | Tha thuyền phục sấm Ngưu Giang chử | Thuyền của chúng quay lại xông vào Bến Nghé |
大屯終始亦三年 | Đại đồn chung thủy diệc tam niên | Đồn lớn [của ta] trước sau được ba năm |
和則不成戰莫禦 | Hòa tắc bất thành chiến mạc ngự | Hoà thì không xong mà đánh thì không giữ nổi |
於是嘉定與邊祥 | Ư thị Gia Định dữ Biên, Tường | Vì thế nên Gia [Định] cùng Biên [Hoà], [Định] Tường |
遂為封豕長蛇倂呑據 | Toại vi phong thỉ trường xà tính thôn cứ | Đều bị quân hung dữ tham lam kia lấy mất |
屈指軍興五稔申 | Khuất chỉ quân hưng ngũ nẫm thân | Bấm ngón tay việc dùng binh đã kéo dài năm mùa |
殺人糜帑國幾空 | Sát nhân mi thảng quốc cơ không | Chết nhiều người mà kho đụn của quốc gia trống rỗng |
九重憂勞將臣恥 | Cửu trùng ưu lao tướng thần sỉ | Nhà vua thì lo lắng, khó nhọc còn tướng lãnh bầy tôi thì hổ thẹn |
豈虞小醜生內訌
| Khởi ngu tiểu xú sinh nội hồng | Trong khi đang có chuyện lo thì trong nước lại có loạn |
北匪乘虛蠢動 | Bắc phỉ thừa hư xuẩn nhiên động | Giặc ở phía bắc nhân kẽ hở mà nổi lên |
海安西北處處如屯蜂 | Hải Yên Tây Bắc xứ xứ giai đồn phong | Các xứ Hải [Dương], [Quảng] Yên, [Sơn] Tây, Bắc [Ninh] đều ùn ùn như bầy ong |
是辰星孛兼旱水 |
Thị thời tinh bột kiêm hạn thủy |
Khi đó thì có sao chổi lại thêm hạn hán lũ lụt |
自午至戌無歲止 | Tự ngọ chí tuất vô tuế chỉ | Từ năm [Mậu] Ngọ (1858) đến năm [Nhâm] Tuất (1862) không năm nào là không có |
運道倂為梗 | Vận đạo tính vi ngạnh | Đường sá đều tắc nghẽn |
洋氛正如燬 | Dương phân chính như hủy | Giặc bể thì lại ầm ầm |
通山改漕更不效 | Thông sơn cải tào cánh bất hiệu | Dùng đường núi hay đổi cách chở thuyền đều không hiệu quả |
向匱民饑亂未弭 | Hướng quỹ dân cơ loạn vị nhị | Lương hết, dân đói loạn không ngừng |
朝廷服暴非佳兵 | Triều đình phục bạo phi giai binh | Triều đình dẹp giặc nhưng không có lính giỏi |
機苟可乘利傾否
| Cơ cẩu khả thừa lợi khuynh phủ | Thời cơ đưa đến liệu có nghiêng đổ chăng |
忽焉議和自戎始 | Hốt yên nghị hòa tự nhung thủy | Bỗng dưng từ bên địch đưa ra ý bàn chuyện hoà |
我則應之豈獲已 | Ngã tắc ứng chi khởi hoạch dĩ | Ta phải hùa theo để nắm lấy |
公與林公奉旨充全權 | Công dữ Lâm công phụng chỉ sung toàn quyền | Ngài và ông Lâm [Duy Hiệp] nhận lệnh làm toàn quyền |
量辰度力實憂天 | Lượng thời đạc lực thực ưu thiên | Tính thời, đo sức thật lo chuyện trời sập |
河靳既失之三省 | Hà cận ký thất chi tam tỉnh | Gần đây đã mất đi ba tỉnh |
與四百萬之銀元
| Dữ tứ bách vạn chi ngân nguyên | Cùng với bốn trăm vạn đồng tiền |
鷹鸇一飽宜颺去 | Ưng chiên nhất bão nghi dương khứ | Chim ưng tưởng no rồi sẽ bay đi |
蛇龍之蟄方圖存 | Xà long chi trập phương đồ tồn | Rắn lớn náu mình ắt còn ở lại |
強兵猛將轉而北 | Cường binh mãnh tướng chuyển nhi bắc | Binh mạnh, tướng giỏi đưa về bắc |
公私商載從此離燒燔 | Công tư thương tải tòng thử ly thiêu phiền | Buôn bán qua lại công tư từ nay không còn bị đốt phá |
北征將士遂戳力 | Bắc chinh tướng sĩ toại lục lực | Tướng sĩ ra đánh ở miền bắc lại cũng phải cố hết sức |
募勇援剿益軍實 | Mộ dũng viện tiễu ích quân thực | Mộ binh dũng để tiếp tay tiễu trừ cốt giữ sức cho quân |
拘原截海又五年 | Câu nguyên tiệt hải hựu ngũ niên | Đánh dẹp trên bộ, ngăn cấm dưới biển cũng được năm năm |
伏莽弄池乃粗熄 | Phục mãng lộng trì nãi thô tức | Náu trong bụi, quậy hồ ao nay cũng đã dập tắt được |
不教南掃靜鯨波 | Bất giao nam tảo tĩnh kình ba | Còn như ở biển phía nam thì sóng của cá kình chưa quét sạch |
兩圻受敵無寧日 | Lưỡng kỳ thụ địch vô ninh nhật | Hai kỳ đều gặp địch không ngày nào yên |
是役之議然不然
| Thị dịch chi nghị nhiên bất nhiên | Chiến dịch đó bàn nghị nên hay không nên |
念此令人長太息 | Niệm thử linh nhân trường thái tức | Nghĩ đến khiến cho người ta phải thở dài |
豺狼難厭恐難親 |
Sài lang nan yếm khủng nan thân |
Lang sói không thể ghét mà cũng không thể thân cận được |
小海之南方與鄰 | Tiểu hải chi Nam phương dữ lân | Biển nhỏ phía nam không thể không ở tiếp giáp với chúng |
永隆江河實浮寄
| Vĩnh Long Giang Hà thực phù ký | Ba tỉnh Vĩnh Long, [An] Giang, Hà [Tiên] thật chênh vênh |
圖囘此責讓誰人 | Đồ hồi thử trách nhượng thùy nhân | Trách nhiệm lấy lại đất này giao cho ai được bây giờ |
昨奉西浮志益壯 | Tạc phụng Tây phù chí ích tráng | Trước đây đi sứ bên tây chí khí đã vững mạnh |
全權今作正使君 | Toàn quyền kim tác chính sứ quân | Giao cho toàn quyền bây giờ chính là về tay ông |
堅持拜字不屈膝 | Kiên trì bái tự bất khuất tất | Khi từ biệt dặn dò rằng không được uốn gối (quì lạy theo lễ nước ta) |
寧收故疆多贖銀 | Ninh thu cố cương đa thục ngân | Để lấy lại được đất đai thì phải đền cho họ nhiều tiền |
金繪歲幣從古事
| Kim hội tuế tệ tòng cổ sự | Vàng bạc vải vóc hàng năm giống như chuyện ngày xưa |
不致不納我已伸
| Bất trí bất nạp ngã dĩ thân | Không thể không nạp nên ta đành phải chịu |
千載機來却遺恨 |
Thiên tải cơ lai khước di hận |
Việc này đã để lại cái hận nghìn năm
|
分分爭言恐錢盡 | Phân phân tranh ngôn khung tiền tận
| Tranh cãi lẫn nhau sợ hết không còn tiền |
契丹邊酋據幽薊 | Khiết Đan biên tù cứ U Kế | Kẻ mọi rợ Khiết Đan ở biên cương chiếm cứ U Kế |
情知宋人勢不振
| Tình tri Tống nhân thế bất chấn | Biết rằng thế của người Tống không thể ngoi lên được |
要功力駁新約書 | Yểu công lực bác tân ước thư | [Nên họ] ra sức bác bỏ hoà ước mới |
我亦恬熙不復問 | Ngã diệc điềm hi bất phục vấn | Còn bên ta thì cứ điềm nhiên không dám đòi hỏi ngược trở lại |
南陲從此事更多 | Nam thùy tòng thử sự cánh đa | Biên thuỳ phương nam từ đó rất nhiều việc |
漏師伺釁日紛拏 | Lậu sư tứ hấn nhật thân noa | Ra quân gây hấn mỗi ngày càng nhiều hơn |
毅然一疏請再往 | Nghị nhiên nhất sớ thỉnh tái vãng | Ông lại dâng sớ xin đi thêm lần nữa |
諸國曲直令平他 | Chư quốc khúc trực lệnh bình tha | [Bày tỏ việc] Ngay hay cong của các nước cho rõ ràng |
向者紛紛更誰可 | Hướng giả phân phân cánh thùy khả | Phía bên kia cứ khăng khăng nói không chịu |
進退維谷公奈何 | Tiến thoái duy cốc công nại hà | Tiến thoái cùng đường, ông thật chẳng biết phải làm sao |
軟慈硬首戎集冠 | Nhuyễn từ ngạnh thủ nhung tập quán | Cái thói của kẻ mọi rợ nói thì mềm mà tay thì cứng |
楚於黃蓼費甚麽 | Sở ư Hoàng liêu phí thậm ma | Sở họp ở Hoàng, Liêu thì thật phí công |
昔年和約立 | Tích niên hòa ước lập | Năm trước hoà ước thành lập |
甘作罪人紓緩急 | Cam tác tội nhân thư hoãn cấp | Đành chịu cái tiếng tội nhân để làm dịu tình hình gấp gáp |
今也隆江河 | Kim dã Long Giang Hà | Nay lại thêm [Vĩnh] Long, [An] Giang, Hà [Tiên] |
風雨飄搖勢岌岌 | Phong vũ phiêu diêu thế ngập ngập | Gió mưa lồng lộng thế nguy ngập |
田廣不虞爲所襲 | Điền quảng bất ngu vi sở tập | Đất đai rộng lớn không lo toan nên đã bị tấn công |
責當歸己何嗟及 | Trách đương quy kỷ hà ta cập | Trách nhiệm thuộc về ta than thở sao kịp nữa |
封疆之死封疆臣 | Phong cương chi tử phong cương thần | Phong cương đại thần đành lấy cái chết ở nơi đất mình cai quản |
取義成人諒所執 | Thủ nghĩa thành nhân lượng sở chấp | Giữ lấy điều nghĩa để thành người nên phải giữ |
一封遺表披衷曲 | Nhất phong di biểu phi trung khúc | Một tờ di biểu tỏ tấm lòng của mình |
憂國深心堪涕泣 | Ưu quốc thâm tâm kham thế khấp | Lo cho nước trong thâm tâm đáng để lên tiếng khóc |
昔哉雲雷丁辰艱 | Tích tai vân lôi đinh thời gian | Tiếc thay trong giờ phút bão tố này |
公以忠諒當其難 | Công dĩ trung lượng đương kỳ nan | Ông đem tấm lòng trung để đương đầu với khó khăn |
疆事終須歸洞燭 | Cương sự chung tu quy đổng chúc | Việc đất đai rồi sẽ được soi chiếu đến |
衆人却作誤國看 | Chúng nhân khước tác ngộ quốc khan | Người đời vẫn xem như làm hỏng việc nước |
平生德業聞朝野 | Bình sinh đức nghiệp văn triều dã | Trước nay đức độ của ông trong ngoài triều đình đều nghe biết |
發為文章絕古雅 | Phát vi văn chương tuyệt cổ nhã | Văn chương viết ra đều cổ kính nhã nhặn |
三朝四紀七袠身 | Tam triều tứ kỷ thất trật thân | Ba đời vua làm quan bốn mươi năm và đã bảy mươi tuổi |
祗愼一心無夙夜 | Chi thận nhất tâm vô túc dạ | Giữ lòng cẩn thận không kể ngày đêm |
况乎歷閱之所經 | Huống hồ lịch duyệt chi sở kinh | Huống hồ với kinh nghiệm từng trải qua |
信敬可行遍夷夏 | Tín kính khả hành biến Di Hạ | Được tin tưởng về đức hạnh đối với cả Di [tức người Pháp] lẫn người Hán [chỉ người Việt] |
世間眞個讀書立品人 | Thế gian chân cá độc thư lập phẩm nhân | Trên đời này quả là người đọc sách mà lại có nhân phẩm |
臨事應非誤國者 | Lâm sự ứng phi ngộ quốc giả | Gặp việc ắt không làm lỡ việc nước |
嘐嘐得喪場 | Hao hao đắc táng trường | Hiên ngang trong cõi dù được hay mất |
矮人看不破 | Nụy nhân khan bất phá | Lũ người thấp kém làm sao nhìn thấu được |
噏飛囈走生疑詫 | Ông phi nghệ tẩu sinh nghi sá | Hoảng hốt run sợ nhưng nghi ngờ hoang tưởng |
即金風會日推移
| Tức kim phong hội nhật suy di | Ngày nay thay đổi hàng ngày hàng giờ |
宇內大勢人幾知 | Vũ nội đại thế nhân kỷ tri | Đại thế trong thiên hạ mấy ai biết được |
本原軍事傷公志 | Bản nguyên quân sự thương công chí | Vốn vì việc quân mà làm tổn thương chí của ông |
寄概秋風爲綴辭。 | Ký khái thu phong vị chuyết từ. | Lời vụng về cảm khái gửi gió thu |
|
|
|
嗣德二十年八月日 | Tự Đức nhị thập niên bát nguyệt … nhật | Tự Đức 20 (1867), ngày … tháng Tám |
范富庶拜書 | Phạm Phú Thứ bái thư | Phạm Phú Thứ bái thư |
Ghi chú:
[1] Ký vãn 寄輓: gửi người đã khuất. Một loại điếu văn.
[2] Giáp phó sứ: Phó sứ số 1, Ất phó sứ: phó sứ số 2. Hai chức vụ này còn gọi là phó sứ và bồi sứ.
[3] Daudin, Pierre, Lê Văn Phúc. Phan-Thanh-Gian, 1796-1867, et sa famille d’après quelques documents annamites. Saigon : Imprimerie de l’Union ; Nguyễn Văn Của, 1941. (152 tr,)
[4] Phạm Phú Thứ. Phạm Phú Thứ toàn tập / Phạm Ngô Minh, Chương Thâu, và những người khác. Đà Nẵng : NXB Đà Nẵng, 2014 (2v.)
[5] Daudin:佛郎桀驁雄西方Phật lang kiệt ngạo hùng tây phương.
[6] 弛: Di là nới lỏng, nói về việc cấm đạo của triều đình Huế, nên người Pháp yêu cầu được tự do truyền đạo. Bản Giá Viên: 來請恃禁兼通商 Lai thỉnh thí (thị) cấm kiêm thông thương. 恃 : Thị là dựa vào. Hai chữ có ý nghĩa hơi khác nhau.
[7] 通商thông thương: Giao thông và thương mại, xin tự do đi lại, tự do buôn bán.
[8] 再三Tái tam: Đôi ba lần, nghĩa là nhiều lần, không nhất thiết chính xác là ba lần như bản Giá Viên/PPTTT giải thích “thư nộp đến ba lần”.
[9] Bản Giá Viên: 和榮 ‘Hòa Vinh’. Phải đọc ‘Hòa Vang’ theo âm Hán Nôm. Địa danh có chữ Vang, hán tự ghi榮Vinh, ví dụ: Nam Vang được ghi là 南榮Nam Vinh.
[10] Tháng 7 Mậu Ngọ (1858) thuỷ sư đề đốc Rigault de Genouilly đem 14 tàu chiến và 3.000 quân tấn công Đà nẵng. Cuối Kỷ Mùi (1859), thiếu tướng Joseph Page, người thay đề-đốc Rigault de Genouilly được lệnh đem quân sang Trung-Hoa trợ lực cho hải quân Pháp ở Hoàng Hải, bèn đốt cả dinh trại ở Trà Sơn rồi kéo vào Gia Định đặt 1.000 quân đồn trú trước khi sang Trung-Hoa. Việc quân Pháp rút lui và thay đổi kế hoạch có nhiều nguyên nhân rộng lớn, cà nội bộ chính phủ Pháp lẫn biến chuyển ngoại giao ở Á Đông nhưng triều đình Huế không hiểu rõ nên thường chỉ nói đến việc họ đột nhiên bỏ đi mà không nói lý do.
[11] Daudin:賊船Tặc thuyền.
[12] PPTTT và Bản Giá Viên: 服𨶹 phục quan. Daudin: 服闖phục sấm. Phục quan là quay vào chặn ngang, phục sấm là quay về xông vào. Quân Pháp quả có vào tấn công Gia Định chứ không chỉ đóng chặn cửa biển Cần Giờ. Theo sử thì sau khi đánh thắng ở Trung Hoa, tháng Giêng Tân Dậu (1861) trung tướng Charner đã đem 70 tàu chiến và 3.500 ngàn quân quay về đánh vào Gia Định, Kỳ Hoà.
[13] Chỉ chiến luỹ Kỳ Hoà do Nguyễn Tri Phương đắp năm Canh Thân (1860)
[14] 封豕長蛇: Phong thỉ trường xà (heo lớn, rắn dài), Gốc từ Tả Truyện, nói về kẻ tham lam tàn bạo.
[15] 26-2-1861, Kỳ Hoà thất thủ.
[16] Dauddin: 稔中 nẫm trung. Ngũ nẫm thân là vươn dài ra năm mùa. Năm mùa là 5 năm, tính từ năm 1856 khi người Pháp đánh bán đảo Sơn Trà đến 1861 khi Kỳ Hoà thất thù thì chiến tranh Việt Pháp kéo dài 5 năm. Thân 申 và trung 中 chỉ khác nhau có một nét.
[17] Nội hồng內訌: đấu đá nội bộ (internal conflict). Chữ từ Kinh Thi, Đại Nhã. Thiên giáng tội cổ, mâu tặc nội hồng (天降罪罟,蟊賊內訌) Trời phạt tội nên sâu rầy cắn phá. Theo mạch văn, tác giả nhấn mạnh vào những vụ nổi dậy ở miền bắc 5, 6 năm trước nhưng cũng có thể ám chỉ những việc gần ngay trong triều đình nhưng nói tránh đi để khỏi bị kết tội nếu lộ ra ngoài (Nội hồng內訌 theo nghĩa đen nghĩa là anh em trong nhà tranh chấp, chém giết nhau). Có thể Phạm Phú Thứ ám chỉ cuộc nổi dậy Đoàn Hữu Trưng (1866) để đưa Đinh Đạo (tức Ưng Đạo, con trai trưởng của Hồng Bảo洪保) lên thay Tự Đức (Hồng Nhậm洪任) sau cuộc nội loạn của Hồng Bảo (1854) và Hồng Tập (1864) thất bại. Quân nổi dậy dùng chày vôi làm vũ khí, nên sử gọi sự kiện này là Loạn chày vôi hoặc Giặc chày vôi. Cuộc mưu phản thất bại,hậu duệ Hồng Bảo phải đổi sang họ mẹ là họ Đinh và bị xoá tên khỏi sổ Tôn Thất.Cả gia đình Hồng Bảo gồm 8 người là: Đinh Đạo 丁導, Đinh Tự 丁寺, Đinh Chuyên 丁傳, Đinh Tương 丁將, Thị Thụy 氏瑞 (vợ Hồng Bảo) và hai đứa con Đinh Đạo (một trai, một gái) đều bị xử giảo (treo cổ). Sử liệu chép: "Đứa con trai của Đinh Đạo mới 3 tuổi, bị thắt cổ đến 2 lần mà vẫn chưa chết, khi bỏ vào quan tài còn khóc oa oa".
[18] Đầu Nhâm Tuất (1862), giặc theo tên Phụng, tên Trường đánh phá rất ngặt ở Quảng-Yên và Hải-Dương. Nguyễn Văn Thịnh, tục gọi cai-tổng Vàng, thì phá rối ở Bắc-Ninh.
[19] Chữ thời/thì 時vì kỵ huý tên vua Tự Đức nên viết thành thìn 辰 nhưng đọc thời/thì.
[21] Ngày 5 tháng 6 năm 1862, PhanThanh Giản-Lâm Duy Hiệp ký hoà ước với Louis Adolphe Bonard (Pháp) và Carlos Palanca y Gutierrez (Y-pha-nho) nhường đứt ba tỉnh Biên Hoà, Gia Định, Định Tường cho người Pháp.
[22] Theo hiệp ước Nhâm Tuất (1862) thì nước ta phải trả chiến phí cho Pháp là 400 vạn nguyên trong 10 năm.
[23] Bản Giá Viên viết là giao 蛟. Giao long là con thuồng luồng.
[24] Daudin viết là trạc戳. Giá Viên viết là lục戮. Lục lực là “đồng tâm hết sức” có lý hơn. Bản sao lại viết tay có thể nhầm vì mặt chữ gần gống nhau.
[25] Chữ này bản Giá Viên viết tay là thụ 授, không có nghĩa. Thụ và viện mặt chữ gần giống nhau.
[26] Bản Giá Viên viết là tẩm 浸 (ngấm dần dần)
[27] Daudin chú thích là“chỉ Cửa Tiểu của sông Mékong”.
[28] Vua Tự Đức căn dặn sứ bộ: “… Chư khanh đừng quên rằng mình là sứ-bộ thay mặt cho một nước muốn thương thuyết một cách xứng đáng, không như những lần trước đi sứ bên Trung-quốc, chư khanh phải giữ tư-cách xứng đáng của bậc phương-diện quốc-gia. Nếu phải vào triều-kiến Nã-Phá-Luân đệ-tam thì chư khanh nên cúi đầu là đủ rồi, chứ đừng lạy”. Khuất tất nghĩa đen là cong đầu gối, hiện nay nhiều khi hiểu sai là có điều không minh bạch.
[29] Tuế tệ:Thời Bắc Tống hàng năm phải triều cống cho Khiết Đan vải vóc, tiền bạc để cho được yên thân
[30]U Kế: châu U, châu Kế phía bắc Trung Hoa. Đời Tống, người Kim chiếm phương bắc, nhà Tống giữ phương nam nước Tàu nên gọi là Nam Tống. Đây là ví von người Pháp giống như rợ Khiết Đan còn triều đình Việt Nam giống như nhà Nam Tống.
[31] Ý nói việc làm chính đáng nhưng bên kia không theo thì cũng chẳng ích gì. (Tả truyện: Đông Chu năm 704 TCN, thế lực thiên tử suy yếu, vua Sở là Hùng Thông muốn xưng vương vị nên hội chư hầu ở Trầm Lộc, nhưng nước Hoàng và nước Tùy không đến dự).
[32] Phong cương đại thần chỉ tổng đốc, trấn nhậm một vùng.
[33] Lấy chữ trong sách Luận Ngữ, Vệ Linh Công, ý nói không mong sống mà làm hại điều nhân. Chữ nhân 仁 và 人 đồng âm, nên khi dùng lại câu trong Luận Ngữ thì “vô cầu sinh dĩ hại nhân” trở thành không mong sống là làm hại nhân mạng, cụ Phạm Phú Thứ muốn nhấn mạnh đến việc cụ Phan chịu chết để bảo vệ đồng bào.
[34] Quyết định đầu hàng, giao thành không giao tranh của ông dù để tránh đổ máu quân dân Việt, triều đình vẫn kết tội ông là phản quốc, xử án chém sau khi chết, tước bỏ mọi phẩm hàm và đục tên khỏi bia tiến sĩ.
[35] Bản Daudin viết là cổn袞,nhầm từ chữ trật袠là “mười năm”. Thất trật là 70 tuổi.
[36] Ông làm quan từ 1826-1867, qua ba triều Minh-Mạng, Thiệu-Trị,Tự-Đức.
[37] Những lời bình phẩm trên báo “Courrier de Saigon” cùng những lời phân ưu của Eliacin Luro, Henri Rieunier và Paulin Vial cho thấy sự trân trọng của người Pháp đối với phẩm hạnh và tiết tháo của ông.
[38] Bản Giá Viên chép ngàm啽 nhưng ghi âm yểm. Có lẽ chép nhầm. Daudin viết chữ hấp 噏, và chú thích đọc là ngàm như ngàm nghệ nghĩa là kêu gào mớ ngủ. Hấp 噏 cũng chính là dị thể của chữ ông 嗡 nghĩa là bay túa ra. Ông phi nghệ tẩu nghĩa là “bỏ chạy tứ tán” ý nói triều thần khi có giặc thì hoảng hốt không dám đánh nhưng hay đưa ra những kế sách không thực tế.
PHỤ LỤC 1
 |
Daudin, Pierre, Lê Văn Phúc. Phan-Thanh-Gian, 1796-1867, et sa famille d’après quelques documents annamites. Saigon : Imprimerie de l’Union, 1941. (152 tr,) |
PHỤ LỤC 2












Phạm Phú Thứ. Giá Viên toàn tập : tài liệu nội bộ họ tộc Phạm Phú Viết giới thiệu [bản chép tay chữ Hán và dịch sang tiếng Việt của Phạm Phú Viết. [Kn. xuất bản, Phạm Phú Viết tự xuất bản, 2011. (26 quyển) (Quyển 11: Kinh Hương, có bài điếu văn của Cụ Phạm Phú Thứ gửi viếng tang cụ Phan Thanh Giản.")
*
Trên đây là một công trình rất đầy đủ : sưu tầm, phiên âm, chú thích và dịch bài văn tế từ chữ Hán sang tiếng Việt của nhà biên khảo Nguyễn Duy Chính. Ý tình nơi từng câu từng chữ của tác giả đã được giảng giải rất rõ ràng, nhờ vậy người đọc bản dịch hiểu được những chỗ súc tích của nguyên bản Hán văn.
Đôi điều tóm tắt về Phạm Phú Thứ, tác giả bài văn tế
Ông sinh năm 1821 trong một gia đình làm nông ở làng Đông Bàn, huyện Diên Phước (sau đổi là phủ Điện Bàn), tỉnh Quảng Nam. Năm 1843 ông đậu Tiến sĩ. Năm 1844 vào đời Thiệu Trị 4, ông bắt đầu làm chức hành tẩu (tập sự) ở văn phòng của vua. Đây là bước khởi đầu cuộc đời làm quan dài 38 năm không hoàn toàn phẳng phiu của ông : khi thì bị cách chức đày khổ sai ở trạm Thừa Nông vì đã lên tiếng can gián vua đừng quá ham mê vui chơi; khi thì lãnh các chức vụ tại nhiều địa phương khác nhau trong nước, khi thì làm việc với các bộ trong triều đình, như Thượng thư bộ Hộ, Thị lang, rồi Tả tham trị bộ Lại.
Năm 1863 ông được cử làm Phó sứ trong phái bộ Phan Thanh Giản sang Pháp để điều đình xin chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Khi về nước ông dâng vua bản Tây Hành Nhật Ký và tập Tây Phù Thi Lục, cả hai tác phẩm đều nhằm thuyết phục vua và triều đình mạnh dạn mở cửa ra thế giới và học tập khoa học kỹ thuật của phương Tây để canh tân đất nước.
Chức vụ quan trọng sau cùng của ông là vào năm 1874 được cử làm Tổng đốc Hải Yên (gồm tỉnh Hải Dương và tỉnh Quảng Yên) kiêm chức Tổng lý Thương chính đại thần, có nhiệm vụ đứng mũi chịu sào cho triều đình nơi đầu sóng ngọn gió, một nơi tiêu điều do địch họa và thiên tai, mọi việc hầu như phải làm lại từ đầu. Ông đặt ra những biện pháp rất hữu hiệu, trong một thời gian ngắn đạt kết quả tích cực, đã làm cho “một vùng sông Cấm thuyền bè tấp nập, trở lại thành nơi vui vẻ” như Liệt Truyện đã khen.
Nói chung Phạm Phú Thứ là một người có nhiều năng lực và thiện chí làm việc, không ngại nói lời thẳng thắn dù là với vua hay các quan lớn đồng triều. Ông lại rất hiểu giá trị một người như Phan Thanh Giản, một người lớn hơn ông đúng 25 năm, lão luyện và khôn ngoan nhất trong việc đàm phán với người Pháp. Có lẽ trong thời của mình, hai vị đã là đôi bạn vong niên dù tuổi tác cách nhau cả một thế hệ, nhờ cùng nhận lãnh trách nhiệm nặng nề trong chuyến đi Pháp với nhau và cùng có cái nhìn thực tế về vấn đề cải cách đất nước.
Vốn biết tính “nói thẳng” của Phạm Phú Thứ, chúng ta ngày nay không lấy làm ngạc nhiên khi đọc bài văn tế Phạm Phú Thứ viếng Phan Thanh Giản, đã gặp những câu nhằm bênh vực và đề cao cụ Phan :
Người đời vẫn xem như làm hỏng việc nước
Trước nay đức độ của ông trong ngoài triều đình đều hay biết
Văn chương viết ra đều cổ kính nhã nhặn
Ba đời vua làm quan bốn mươi năm và đã bảy mươi tuổi
mà còn, một cách gián tiếp, táo bạo phản đối việc “lên án” mà triều đình dành cho vị lão thần, đồng thời đánh giá trình độ hiểu biết đại cuộc rất hạn chế của quan lại trong triều :
Lũ người thấp kém làm sao nhìn thấu được
Hoảng hốt run sợ nhưng nghi ngờ hoang tưởng
Ngày nay thay đổi hàng ngày hàng giờ
Đại thế trong thiên hạ mấy ai biết được
Với những câu này, chúng ta thấy Phạm Phú Thứ đã tỏ ra một tâm trạng bi phẫn đối với sự nhẫn tâm của vua và triều đình qua bản án dành cho Phan Thanh Giản. Thay vì nhận thức được sự yếu kém của đất nước mình và cấp tốc lo canh tân cho hùng cường, cả triều đình khư khư giữ lấy nếp cũ, không hiểu biết gì nhiều về đại cuộc, chỉ biết trừng phạt trước những thất bại mà không mạnh dạn cứu xét và áp dụng những đề nghị cải cách của những ai đã có cơ hội hiểu biết về sự tiến bộ văn minh của Tây phương.
Riêng vua Tự Đức thì càng về già càng hiểu tính nết hay nói thẳng của bầy tôi Phạm Phú Thứ. Hai mươi ba năm sau khi bị vua đày đi chăn ngựa vì tội nhắc nhở vua bớt ham chơi để lo việc triều chính, Phạm Phú Thứ đã luống tuổi và có địa vị cao, vẫn phê bình vua : “Phóng túng, tuần du vô độ”, nhưng lần này nhà vua chỉ chữa thẹn bằng câu : “Đó là lỗi đã thành tật của ta, không thể khiển trách được.” Vua tôi đã đến lúc hiểu nhau. Sau khi Phạm Phú Thứ qua đời (vào năm 1882), bạn đồng triều rất thân của ông là Nguyễn Tư Giản đã viết trên văn bia của ông câu này : “Vua đối với ông, hiểu biết sâu, ân đãi hậu như vậy. Nếu không, ông khó có thể một ngày yên thân ở triều…” Chính vua Tự Đức đã nhận xét ông là “cố chấp, nhưng ngựa có cắn, có đá, mới đi ngàn dặm.”
Tất cả những điều vừa nêu ra trên đây có thể giải thích vì sao Phạm Phú Thứ là người đã dám đứng ra viết một bài “văn tế” để bênh vực cho Phan Thanh Giản giữa lúc triều đình vừa tuyên một bản án nặng nề cho vị lão thần.
Tài liệu tham khảo :
Phạm Phú Thứ. Nhật Ký Đi Tây. Phạm Phú Thứ, Quang Uyển dịch. Đà Nẵng: Nxb Đà Nẵng, 1999.
Trần Trọng Kim. Việt Nam Sử Lược. Saigon: Bộ Giáo Dục, Trung Tâm Học Liệu, 1971.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét