Thứ Sáu, 6 tháng 8, 2021

BBC Tiếng Việt: Olympics Tokyo - VĐV TQ bị chỉ trích 'không có huy chương, không yêu nước'

Áp lực phải đạt thành tích cao đối với các vận động viên Trung Quốc chưa bao giờ lớn như lúc này. Nếu họ không đạt huy chương vàng, họ sẽ bị những người dân tộc chủ nghĩa trên mạng giận dữ coi là không yêu nước. Phóng viên BBC Waiyee Yip viết.

Tuần trước, đội bóng bàn đôi hỗn hợp nam nữ Trung Quốc tại Olympics Tokyo phải xin lỗi trong nước mắt vì chỉ đoạt huy chương bạc.

"Tôi càm thấy tôi đã làm cho đội thất vọng…Tôi xin lỗi tất cả mọi người." vận đồng viên Lưu Thi Văn nói, cúi người xin lỗi, nước mắt lưng tròng.

Bạn thi đấu của cô, Hứa Hân, nói thêm: "Cả nước đã chờ đợi trận chung kết này. Tôi nghĩ toàn đoàn Trung Quốc không thể chấp nhận kết quả này."

Kết quả thua trước Nhật trong trận chung kết ở môn thể thao họ thường thắng khiến nhiều người tức giận trên mạng.

Trên mạng xã hội Weibo, một số "anh hùng bàn phím" tấn công cặp đôi Lưu - Hứa, nói rằng họ đã "làm cả nước xấu mặt".

Những người khác lại đổ cho trọng tài thiên vị cặp đôi Jun Mizutani và Mima Ito của Nhật dù không có cơ sở.

Khi cơn sốt dân tộc chủ nghĩa tràn khắp Trung Quốc, đoạt huy chương Olympic không chỉ là vinh quang thể thao.

Đối với đám đông dân tộc chủ nghĩa cực đoan, mất một huy chương Olympic có nghĩa là "không yêu nước", các chuyên gia bình luận với BBC.

"Với những người này, bảng huy chương Olympic là thước đo sức mạnh quốc gia và hơn nữa, uy tín quốc gia," TS Florian Scheneider, giám đốc Trung tâm Châu Á Leiden, Hà Lan.

"Trong bối cảnh đó, một vận động viên thất bại trước đối thủ nước ngoài đã làm xấu mặt, thậm chí là phản bội dân tộc đó."

Thua trận chung kết bóng bàn lần này là đặc biệt 'khó nuốt' đối với người Trung Quốc vì họ thua Nhật Bản, một đối thủ có lịch sử phức tạp với Trung Quốc.

Nhật Bản chiếm đóng khu Mãn Châu, bắc Trung Quốc, năm 1931. Sáu năm sau đó, một cuộc chiến rộng hơn bùng nổ, khiến hàng triệu người Trung Quốc thiệt mạng. Đây vẫn là một điểm chua xót giữa hai nước.

Với những người Trung Quốc đầy tinh thần dân tộc chủ nghĩa, một trận đấu không chỉ là sự kiện thể thao, TS Schneider nói. "Nó là một cuộc giao tranh giữa Nhật và Trung Quốc."

Tinh thần chống Nhật Bản trên mạng Weibo lên rất cao trong suốt trận bóng bàn, và các công dân mạng dùng đủ mọi từ ngữ để gọi các vận động viên Mizutani và Ito của Nhật.

Hai vận động viên Lý Tuấn Tuệ và Lưu Vũ Thần bị tấn công trên mạng khi họ thua trận chung kết cầu lông trước Đài Loan.

"Các ông không tỉnh à? Không cố gắng chút nào. Quá tệ!" một người dùng Weibo viết.

Căng thẳng giữa TQ và Đài Loan dâng cao trong những năm gần đây. Trung Quốc coi Đài Loan là một tỉnh của mình, nhưng nhiều người Đài Loan phản đối và muốn Đài Loan là một quốc gia riêng.

Các động viên khác bị tấn công gồm cả xạ thủ Dương Thiến, vận động viên bắn súng dành huy chương vàng đầu tiên tại Thế vận hội Tokyo.

Khuyết điểm của cô? Đăng trên Weibo một bức ảnh khoe bộ sưu tập giầy Nike.

Nhiều người Trung Quốc không hài lòng, nhất là vì Nike nẳm trong số các brand bị tẩy chay vì cam kết không dùng bông Tân Cương do lo ngại có sử dụng lao động cưỡng bức.

"Là một vận động viên Trung Quốc, tại sao cô lại sưu tập giầy Nike? Cô phải dẫn đầu trong việc tẩy chay Nike chứ?" một người bình luận.

Sau đó, Dương đã xóa post đó.

Đồng đội của cô, Vương Lộ Dao cũng bị dân mạng tức giận lên án sau khi cô không vào được vòng Chung kết bắn súng hơi cự ly 10m.

"Gửi cô đi đi đấu Olympic để đại diện đất nước mà cô chỉ yếu thế thôi à?" một người bình luận.

Các ý kiến chỉ trích nặng lời đến nỗi Weibo phải khóa tài khoản của 33 người dùng, theo truyền thông Trung Quốc.

Chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc dâng trào trong những năm gần đây do ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc mạnh lên và bất kỳ lời chỉ trích nào của quốc tế được coi là âm mưu làm tổn hại đến sự phát triển của Trung Quốc.

Thế vận hội Tokyo cũng diễn ra không lâu sau dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng CS TQ hôm 1/7, khi ông Tập Cận Bình có bài diễn văn nói rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ để các thế lực nước ngoài "bắt nạt".

Tuy nhiên, TS Schneider và các chuyên gia khác cho rằng các phản ứng đầy tính dân tộc chủ nghĩa này có lẽ không đại diện cho đại đa số dân Trung Quốc.

TS Hassid, chuyên gia về khoa học chính trị ở Đại học Iowa State University nói: "Nếu những tiếng nói trên mạng được khuyến khích là những người theo chủ nghĩa dân tộc lớn tiếng nhất, chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi những tiếng nói này áp đảo các thảo luận trên mạng, nhiều hơn nhiều so với số người thực sự."

Giữa những lời chỉ trích giận dữ trên Weibo, có cả sự ủng hộ cho Đoàn Trung Quốc, và một số người lên án những người chửi rủa là "quá đáng".

Truyền thông nhà nước cũng kêu gọi người dân "phải chăng" hơn.

"Tôi hy vọng tất cả chúng ta ngồi trước màn hình sẽ có quan điểm phải chăng về huy chương vàng, về chiến thắng và thất bại, và cùng vui với tinh thần Olympic," một bài xã luận của Tân Hoa Xã viết.

Các chuyên gia cho rằng đây là chỉ dấu về "sự nguy hiểm" - khi chủ nghĩa dân tộc đi quá đà, ngay cả cho nhà nước.

"Đảng CS TQ tìm cách khai thác chủ nghĩa dân tộc trên mạng để phục vụ cho mục đích của riêng họ, nhưng các sự kiện như thế này cho thấy một khi các công dân TQ đã hăng lên, nhà nước khó mà kiểm soát được cảm xúc của họ," TS Hassid nói.

"Khai thác tinh thần dân tộc chủ nghĩa như là cưỡi hổ vậy. Một khi đã lên, rất khó mà kiểm soát và khó mà xuống."

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét