Thứ Ba, 31 tháng 8, 2021

Ngô Nhân Dụng: Mỹ, cơ hội ‘thoát Trung’ cho Việt Nam?

Bà Kamala Harris đến 2 nước Đông Nam Á để xác định: “Chúng tôi không muốn xung đột, nhưng có những vấn đề như vùng Biển Nam Hải chúng tôi cần phải lên tiếng.”

Tại Singapore, bà Harris tố cáo Bắc Kinh chiếm đoạt bất hợp pháp vùng biển Đông Nam Á bằng “cưỡng ép và đe dọa” (coercion and intimidation); cho nên các nước trong vùng cần chống lại mạnh hơn.

Ở Hà Nội, Harris tiếp tục “phản đối chính sách chèn ép của Trung Cộng để chiếm đoạt các vùng biển.” Một cách cụ thể, “Chúng ta phải tìm cách tạo áp lực, tăng thêm áp lực (to pressure, raise the pressure)…, buộc Bắc Kinh phải tuân thủ Công ước Luật Biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS).

Năm 2013, Philippines đệ đơn thưa kiện tại Liên Hiệp Quốc không cho Trung Cộng áp đặt một “biên giới mở rộng” bằng “Đường Chín Đoạn” (Cửu đoạn tuyến). Năm 2016, một hội đồng tài phán, căn cứ trên UNCLOS, đã phán cho Philippines thắng kiện. Trung Cộng từ chối tôn trọng phán quyết này mặc dù họ đã tham dự đàm phán về Công ước Luật Biển UNCLOS từ 1973 đến 1982, và năm 1996 đã chính thức ký kết.

Bây giờ, Bà Harris nhắc tới phán quyết Liên Hiệp Quốc để kêu gọi các nước Đông Nam Á cùng tạo áp lực với Bắc Kinh. Bà chọn đến hai nước, vì Việt Nam bị Trung Cộng chèn ép thô bạo nhất và Singpore vẫn tỏ ra độc lập đối với Trung Cộng nhất. Singpore vẫn nhận chiến hạm Mỹ ghé hải cảng Changi hàng trăm lần mỗi năm.

Đáng lẽ Bà Harris phải nhắc nhở phán quyết Liên Hiệp Quốc với Philippines. Nhưng Tổng thống Rodrigo Duterte vẫn chưa dứt khoát dù đã hoàn toàn thất vọng sau 5 năm bỏ Mỹ để kết thân với Tập Cận Bình. Trung Cộng hứa hẹn $9 tỷ mỹ kim hỗ trợ phát triển (ODA) và $15 tỷ đầu tư trực tiếp, để xây dựng hạ tầng cơ sở. Lúc đầu có 55 dự án, năm 2017 tăng lên 75 và ba năm sau thành 104 dự án nhưng chưa thấy kết quả nào đáng kể. Con đường xe lửa mà Duterte mong Bắc Kinh tài trợ $1.64 tỷ mỹ kim vẫn chưa thành hình ở Mindanao, quê hương của chính ông ta. Ngày 10 tháng Tám, bộ Tài chánh Philippines tuyên bố mới ký hợp đồng $7.95 tỷ đô la trong chương trình ODA, nhưng trong đó Nhật Bản cung cấp $6.12 tỷ.

Hoàng Trường Sa: Kamala Harris thăm Việt Nam - Đánh giá vị thế địa chính trị của Việt Nam

Khác biệt Việt Mỹ trong cách nhìn mối quan hệ của hai bên


Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris kết thúc chuyến thăm Singapore và Việt Nam. Trước và sau chuyến thăm này, có rất nhiều ý kiến lạc quan về quan hệ Việt Mỹ. Bài viết này bày tỏ một cách nhìn thực dụng và không lạc quan như vậy.

Có ý kiến cho rằng đây là thời cơ để Việt Nam nâng quan hệ với Hoa Kỳ lên tầm “đối tác chiến lược” (Phạm Quý Thọ, RFA Tiếng Việt). Alexander L. Vuving điểm lại quá trình nước Mỹ chật vật đề xuất với Việt Nam nâng tầm quan hệ thành “đối tác chiến lược” từ 2010 đến nay và tin tưởng vào mối quan hệ hai nước những năm sắp tới. Có ý kiến nhấn mạnh đến vai trò và vị trí của Việt Nam trong quan hệ thương mại và đầu tư giữa Hoa Kỳ và ASEAN (Ted Osius, Hanoi Times). Một bài viết hiếm hoi trên báo chí nhà nước ở Việt Nam nói về thái độ của người dân Việt nam đối với Mỹ “Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy, có tới 94,2% số người được hỏi đều tỏ thái độ có thiện cảm với Mỹ, 97,3% số người được hỏi đều ủng hộ mối quan hệ gần gũi giữa Mỹ với Việt Nam” và “93,7% số người được hỏi đều ủng hộ việc nâng cấp quan hệ lên “đối tác chiến lược”” (VTC News).

Đối với Hoa Kỳ, các chuyên gia hoạch định chính sách của Hà Nội thường chú tâm vào quan hệ về an ninh hàng hải (vấn đề Biển Đông), quan hệ kinh tế, “xử lý hậu quả chiến tranh” và hiện nay là chống đại dịch COVID (Xem: Nguyễn Quốc CườngPhạm Quang Vinh, cả hai là cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ).

Và Mỹ cũng hầu như tiếp cận Việt Nam ở những vấn đề tương tự, chỉ bổ sung thêm vấn đề nhân quyền.

Tất nhiên, mục đích tiếp cận của Mỹ hoàn toàn khác Việt Nam. Tuy cùng nhìn vào Biển Đông, giao thương, chống đại dịch, nước Mỹ khác Việt Nam ở chỗ nhìn từ góc độ “địa chính trị”, đặt Việt Nam trên bàn cờ châu Á của mình. Điều này dẫn đến sự khác biệt cốt lõi nằm ở chỗ: các vấn đề nêu trên đều là vấn đề sinh tử của Việt Nam, nhưng không phải là lợi ích sát sườn của Mỹ.

Hệ giá trị và địa chính trị trên bàn cân


Trọng Thành (RFI): Covid - ''Mô hình'' quân đội đi chợ cho dân Sài Gòn thất bại

Tại tâm dịch Covid ở TP.HCM – thủ phủ kinh tế của Việt Nam, một diễn biến gây nhiều chú ý hôm qua, 28/08/2021. Sở Công Thương thành phố yêu cầu cho 25.000 shipper trở lại vận chuyển hàng hóa phục vụ người dân.

Theo nhiều nhà quan sát, việc chính quyền đưa ra đề xuất nói trên cho thấy chính quyền đã thừa nhận chính sách đưa quân đội đảm nhận việc cung ứng thực phẩm cho toàn bộ dân cư thành phố, cùng với chính quyền cơ sở, là một thất bại.

Ngay từ khi chính quyền ấn định kế hoạch bộ đội cung cấp thực phẩm cho hơn 10 triệu dân thành phố, bắt đầu thực hiện từ ngày đầu đợt siết chặt phong tỏa 23/08, nhiều chuyên gia, nhà hoạt động xã hội đã lên tiếng cảnh báo về thất bại được báo trước.

Từ Sài Gòn, giáo sư Hoàng Dũng nhận định với RFI Tiếng Việt về vấn đề này:

«Từ sự kiện này, có hai cách đánh giá khác nhau. Một cách nhìn có vẻ tươi sáng, là khen ông Nhà nước uyển chuyển, biết sửa lại các quyết định của mình sao cho phù hợp với thực tiễn hơn. Nhưng mặt khác, người ta cũng thấy điều mà Nhà nước không thấy. Đó là những người ở vị trí quyết định đã vội vàng đưa ra những chủ trương mà ngay từ đầu đã thấy sai lầm. Cụ thể là cấm hoàn toàn shipper trong một số quận. Còn một số quận còn lại vẫn cho hoạt động, nhưng trong phạm vi của một quận thôi. Việc giải quyết hàng hóa cho hơn 10 triệu dân, họ trông cậy hoàn toàn vào bộ đội. Khi Sở Công Thương đề nghị cho 25.000 shipper hoạt động trở lại, điều đó có nghĩa là công khai thừa nhận mô hình cung cấp thực phẩm trước đây là hoàn toàn thất bại. Thất bại có thể biết trước được. Với một thành phố hơn 10 triệu dân, để đưa được đồ ăn thức uống đến cho dân, thì phải một lực lượng ước chừng 50 ngàn người. Không thể điều 50 ngàn lính làm việc đó được. Số lượng đó là quá lớn. Riêng việc đó đã đủ thất bại! … Còn về việc di chuyển, các shipper khi cần ngay lập tức có thể tới ngay, còn với những người không chuyên nghiệp, đó là chuyện không dễ. Thêm một điểm khác, là shipper họ thường quen với hàng hóa…».

– Ông nhìn nhận ra sao về việc các hoạt động của thị trường, của xã hội dân sự gặp khó khăn trong giai đoạn đại dịch?

Nguyễn Thanh Mỹ (Doanh nhân, Nhà khoa học): Những trái mìn nổ chậm

Tôi và nhân viên đều hiểu, thực hiện “ba tại chỗ” giống như đi trên đường đầy những trái mìn nổ chậm.

Tôi nhận được công văn yêu cầu doanh nghiệp phải ngừng thực hiện "ba tại chỗ" sau 15 ngày. Vaccine chỉ làm tôi ớn lạnh, nhưng công văn khiến tôi phát sốt. Sau khi yêu cầu doanh nghiệp phải áp dụng "ba tại chỗ", cơ quan quản lý địa phương đã ra văn bản yêu cầu chúng tôi phải ngừng.

Ngày 1/8, UBND tỉnh và Ban quản lý Khu kinh tế Trà Vinh đã yêu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn "phải chủ động, linh hoạt áp dụng phương án ba tại chỗ để duy trì sản xuất".

Là công ty công nghệ cao của tỉnh, sản phẩm của chúng tôi đang xuất khẩu sang 63 quốc gia qua những hợp đồng đã được ký dài hạn. Làm ăn với khách hàng nước ngoài rất nguyên tắc, nếu giao hàng trễ hoặc không đúng chất lượng, bạn có thể bị hủy hợp đồng và phải bồi thường thiệt hại cho tất cả chi phí liên quan của công ty họ.

Sau hai tuần lập kế hoạch, theo quy định, chúng tôi phải gởi công văn đến Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh đề nghị được thực hiện "ba tại chỗ". Sau khi nhận được công văn đồng ý từ Ban, chúng tôi chọn 387 nhân viên vào công ty để thực hiện mô hình. Công ty tôi có gần 800 nhân viên, một phần tư làm việc từ nhà, hơn một phần tư còn lại phải tạm ngừng công việc và được trả trợ cấp bằng mức tối thiểu vùng.

Sáng sớm ngày 28/7/2021, nhân viên khăn gói vào nhà máy. Trước đó, chúng tôi hợp đồng với bệnh viện tỉnh đến công ty tiến hành xét nghiệm PCR Covid-19 và nhận được kết quả mọi người đều âm tính.

Mô hình được áp dụng trong nhà máy trên 20 hecta tại Khu công nghiệp Long Đức. Chúng tôi có hai nhà ăn lớn phục vụ ba bữa cho nhân viên. Khu nuôi trồng riêng gần 10 hecta ở cù lao Long Trị cung cấp thực phẩm sạch và tươi cho nhà ăn.

Chủ Nhật, 29 tháng 8, 2021

Nguyễn Duy Chính: Đọc Nghiên cứu Lịch sử Phan Thanh Giản và Vụ án Phan Lâm Mãi Quốc Triều Đình Khí Dân của Winston Phan Đào Nguyên


Đọc Nghiên Cứu Lịch Sử

Phan Thanh Giản 

潘清簡

Và Vụ Án

Phan Lâm Mãi Quốc Triều Đình Khí Dân

潘林賣國朝廷棄民

Của Winston Phan Đào Nguyên


Khác hẳn với việc bênh/chống của các nhà nghiên cứu đã nêu ra để khen/chê về tư đức hay công hạnh, Winston Phan Đào Nguyên tìm đến một luận đề khác hẳn. Đó là ông đi tìm xem cái gốc tích của vấn đề khen chê đó từ đâu và đi đến kết luận rằng đây chỉ là một bản án xuất hiện sau này, được dàn dựng để thành một tấm “bìa giấy” đeo lên cổ những tội nhân mà chúng ta đã thấy trong những cuộc đấu tố của Hồng Vệ Binh thời Cách Mạng Văn Hoá. Winston Phan đã đội rất nhiều mũ và đóng rất nhiều vai, cả vai trò thám tử, điều tra viên, thẩm phán công tố, thẩm phán xử án, luật sư và luôn cả vai trò một hội thẩm đoàn để hoàn thành công việc “lật từng viên gạch” này.


Mở đầu

Mặc dầu tác giả đã có nhiều công trình được phổ biến trên tạp chí hay báo mạng, lưu truyền rộng rãi trong giới nghiên cứu lịch sử trong và ngoài nước, đây là ấn phẩm đầu tiên của Winston Phan Đào Nguyên tại Nam California. Lược qua cuốn sách, chúng ta có thể đưa ra một nhận xét cơ bản. Tác phẩm của Winston Phan được thực hiện rất bài bản trên cả hai mặt, 1/ trước hết là công phu sưu tầm và đánh giá tài liệu, 2/ là cách lập luận để bênh hay chống một quan điểm.Quyển sách cũng thể hiện đượcsở trường của tác giả, ông không những tốt nghiệp ngành chuyên môn sử mà còn là một luật sư hành nghề đã lâu năm.

Với nhan đề Phan Thanh Giản và vụ án “Phan Lâm Mãi Quốc, Triều Đình Khí Dân” (384 trang) do nhà xuất bản Nhân Ảnh (Cali. USA) ấn hành năm 2021, quyển sách được chia ra thành ba phần chính (không kể phần Dẫn Nhập và Thay Lời Kết).


Thi Sĩ và Chiến Tranh

Ở bất cứ thời điểm nào, quốc gia nào, chiến tranh luôn luôn là đề tài cho những người cầm bút. Đặc biệt Việt Nam, hầu hết nửa sau của thế kỷ 20 đã chìm trong khói lửa. Trong bối cảnh ấy rất nhiều người đã làm thơ với chủ đề chiến tranh.

Trần Mộng Tú là một nhà thơ bắt đầu những bài thơ của mình trong cuộc chiến tranh ấy. Tuy nhiên tmt không phải chỉ xúc động về chiến tranh trên quê hương mình mà còn để tâm mình đến sự an nguy của nhóm dân tộc này, đến tiếng súng nổ ra ở đất nước kia, những phần đất mà nhà thơ chưa hề đặt chân tới.

Mời độc giả đọc hai bài thơ dưới đây để biết chiến tranh đã gây nên ấn tượng thế nào trong tâm hồn một thi sĩ.

THI SĨ VÀ CHIẾN TRANH


Sáng nay bên đường có bụi hoa vàng Daffodil nở
gương mặt hoa trông giống gương mặt trẻ thơ
cánh hoa như con mắt thuôn dài ngơ ngác mở
tôi vừa lái xe, ngắm hoa vừa nghe phát thanh về chiến tranh

Tôi sinh ra từ nơi có chiến tranh
tôi lăn tròn sau chiến tranh như viên đá cuội
cái lăn cuối cùng thật rất đỗi xa
ngoảnh mặt lại quê nhà thăm thẳm

Tôi vừa lái xe vừa nghe nói chiến tranh chỉ còn hai giờ nữa
cứ tưởng tượng những khuôn mặt như hoa Daffodil vừa nở
mầu vàng tươi sẽ loang lổ đỏ
những con mắt đẹp như cánh hoa
sẽ khép lại không bao giờ mở nữa

Trần Thị Nhật Hưng: Chọn Một Đường Tu

Lý số, Đông y là nghề của bố chồng tôi. Không rõ nhờ cụ thực tài hay tại hành nghề miễn phí, không nhận thù lao của khách nên khách của cụ khá đông.

Một ngày, năm đó tôi vừa 23 tuổi, có một vị khách đặc biệt đến nhà giữa lúc bố tôi đi vắng. Vị khách tướng tá khác phàm, râu tóc bạc phơ, cốt cách như một tiên ông. Cụ mặc chiếc áo dài the, đầu đội khăn đóng như bố chồng tôi vậy, tay cụ cầm gậy trúc và tự xưng là bạn của bố tôi mặc dù xưa nay tôi chưa hề gặp cụ bao giờ. Tôi mời cụ vào nhà. Trong khi chờ bố tôi về, cụ tò mò hỏi tôi:

- Cháu có lá số tử vi không, đem đây ông đoán xem?

Tôi gật đầu:

- Dạ có.

Rồi lục hồ sơ tử vi của gia đình, rút ra lá số của tôi.

Sau khi xem xong, câu đầu tiên cụ phán:

- Cháu có số đi tu!

Tôi hơi ngạc nhiên, chau mày mỉm cười rồi lắc đầu nguầy nguậy:

- Bẩm cụ, xưa nay cháu không thích đi chùa, không thích tụng kinh làm sao đi tu được?

- Lá số có sao Thiên Phủ thủ mệnh. Thiên Phủ là sao cực kỳ tốt trong làng tử vi và rất hiền lương. Sao này không tu ở chùa thì cũng tu ở nhà.

Tôi không tin, nhưng không cãi lại, chỉ cười thầm và chả thắc mắc gì thêm. Tuy vậy tôi vẫn ngồi yên lắng nghe cụ phán tiếp:

Thứ Bảy, 28 tháng 8, 2021

Tưởng Nhớ Nguyễn Mạnh Trinh

Được tin buồn

Nhà văn NGUYỄN MẠNH TRINH

Sau một thời gian dài bệnh nặng, đã qua đời vào ngày 24 tháng 8 năm 2021 tại tư gia, thọ 73 tuổi.

DĐTK xin chân thành chia buồn cùng chị Nguyễn MạnhTrinh và tang quyến.

Nguyện cầu Hương Linh Nguyễn Mạnh Trinh sớm thảnh thơi nơi Cõi Vĩnh Hằng.

*





Như một kỷ niệm đối với cây bút phê bình văn học Nguyễn Mạnh Trinh, dưới đây chúng tôi xin trích đoạn bài Nguyễn Mạnh Trinh phỏng vấn Trần Mộng Tú về vấn đề sáng tác văn học, đã đăng trên báo Người Việt vào khoảng năm 1995.

NGUYỄN MẠNH TRINH PHỎNG VẤN TRẦN MỘNG TÚ


Nguyễn Mạnh Trinh: Hình như trước năm 1975 chị đã làm thơ viết văn. Chị có kỷ niệm nào về những ngày đầu tiên ấy không ?Lúc ấy, hình như chị có nhiều thân thiết với nhà văn Mai Thảo, chị có thể kể cho độc giả một vài kỷ niệm.

Trần Mộng Tú: Tôi có thân với anh Mai Thảo từ Việt Nam, không phải trên lãnh vực viết, mà là lãnh vực đọc. Tôi làm việc cho Hãng Thông Tấn The Associated Press, văn phòng ở trên lầu 4 Thương Xá Eden, Nguyễn Huệ. Thỉnh thoảng lại gặp anh Mai Thảo đi xích lô đến mua tạp chí Pháp ở mấy cái sạp báo ngay trước vỉa hè, lối vào của cầu thang máy. Tôi cũng mua báo Văn ở mấy cái sạp đó. Hai anh em làm quen với nhau. Lúc đó vào khoảng 67-69. Sau này, tôi quen và bạn với Du Tử Lê (vì hàng ngày qua bên Chiến Tranh Tâm Lý, lấy bản tin buổi sáng cho AP ). Tôi với DTL, hay một người ngồi xích lô, một người đi Honda cùng đem rượu đến tòa báo cho Mai Thảo (tôi làm ở AP, nên nhờ mấy ông nhà báo Mỹ mua rượu rất dễ). Có khi anh Mai Thảo cho cả tôi và DTL đi ăn trưa.


Trần Thị Diệu Tâm: Quận Mười Ba - Paris


Quận 13 là một trong số 20 quận của thủ đô Paris nước Pháp, một quận có dân cư đông đảo buôn bán khá sầm uất, trục chính của quận là Place d'Italie. Đa số người Á Đông thường sinh hoạt suốt dọc hai con phố chính là Avenue D'ivry và Avenue de Choisy, nơi có nhiều siêu thị lớn nhỏ và các cửa hàng ăn uống nổi tiếng.

Trước đây, khoảng 1975, nghe nói khu phố này quán xá lèo tèo, vài cửa hàng người Ả Rập buôn bán không mấy phát đạt, đa số dân cư ngụ thuộc giới lao động bình dân .Nhưng từ khi có dòng người tỵ nạn xuất hiện, vùng này bỗng thay da đổi thịt. Cả khối Việt Miên Lào của Đông Dương xưa, tụ về nơi này sinh sống cùng nhau. Nhớ xưa kia cả ba đều con dân thuộc địa mẫu quốc Pháp, và sau này cùng là nạn nhân của chế độ Cộng Sản, một đàng là Khờ -Me Đỏ, một đàng là Bắc Việt. Người Ả Rập làm sao cạnh trạnh nổi, phải bán nhà cửa đi chỗ khác chơi. Người Việt đến Pháp định cư, đa số gia đình là dân Tây trước kia, hay là nhân viên làm việc cho cơ sở Pháp tại Sàigòn, hoặc có thân nhân con cái du học trước 1975. Số người đến Pháp theo giấy tờ như vậy ít ỏi không nhiều, dòng người boat -people khi đến đảo đều khoái American Dream, ít ai thích French Dream. Hoa Kỳ muốn đền bù cho dân miền Nam vì sự bỏ rơi tháo chạy của mình, đã ô-kê cho nhập cư vào Mỹ hầu hết thành phần cựu quân nhân theo diện H.O. Pháp không có H.O. Người Tàu đến Pháp cũng không nhiều lúc ban đầu, nhưng họ biết tạo thành một tập hợp vững mạnh phát triển với mục đích kiếm tiền sinh lợi, không chia rẽ vì mục đích chính trị. Người Tàu thích buôn bán hơn thích học chữ, phi thương bất phú mà, người Việt thích học chữ hơn thích bán buôn, nên người Việt cứ mãi làm thuê, người Tàu luôn làm chủ.

Nguyễn Đức Tùng: Mùa Thu Nhớ Mẹ


Khi còn bé, có lần tôi đi học về nhà, nhà vắng, không bóng người, không biết mẹ tôi đi đâu. Tôi đi tìm khắp nơi, nhìn thấy dép của bà mỗi nơi một chiếc, những chiếc áo của bà nằm rải rác nhiều chỗ, một điều rất lạ. Tôi nhặt chúng lên đặt vào một góc, nhưng không thể nào tìm thấy mẹ tôi. Trên bậc cửa, con chó nhỏ của chúng tôi ngồi đó. Đó là con chó mẹ tôi mang về cách đó không lâu, một con chó vô chủ bà tìm thấy sau cái giếng gạch cuối làng, chỗ đi qua đồi cát trắng mọc nhiều sim. Con chó ngồi trên bậc cửa chỗ mẹ tôi hay ngồi têm trầu, im lặng khác thường. Hôm ấy mẹ tôi bận việc bất ngờ, trên đường đi chợ về, qua khỏi bến đò thì gặp một người đàn bà chuyển dạ sinh đẻ, bà phải ở lại. Khi mẹ tôi về tới nhà, mới thấp thoáng bóng đầu ngõ, từ trong cửa con chó nhỏ đã nhận ra, tíu tít phóng qua sân, quấn lấy chân mẹ tôi. Thì ra nó nhớ mẹ tôi còn hơn cả tôi nữa, chạy khắp nơi để tìm, kéo hết áo quần xuống, lục trong những ngăn tủ, sau những cái cột, ở mỗi góc nhà, gầm giường, nó chạy sục sạo khắp nơi nhưng không sủa, một mình im lặng. Nó nghĩ gì, tôi không biết được, nhưng khi nhìn vào mắt con vật, tôi biết nó suy nghĩ.

Ngự Thuyết: Lại Las Vegas

Vùng tôi ở cách Las Vegas khoảng 4 giờ lái xe. Cũng khá gần, cho nên trung bình mỗi năm tôi đi Las Vegas một lần. Tính ra tôi đã đến đó hơn 30 lần. Năm vừa rồi không đi vì cơn đại dịch. Nay được tin Las Vegas đã “chế ngự” được đại dịch, và đã mở cửa 100%, vợ chồng đứa con trai của tôi mời bố mẹ đi Las Vegas xem thử bây giờ nó ra sao. Hơn một năm trời không gặp lại cũng thấy nhớ. Những đứa con khác thì im lặng chờ tôi quyết định có nhận lời đi hay không.

Tôi phân vân.

Cơn đại dịch này ghê gớm quá. Nhìn lại lịch sử nhân loại, ta vẫn biết đại dịch cũng có xẩy ra, một vài trăm năm một lần, nhưng không chừng lần này khủng khiếp nhất từ xưa đến nay. Nó như đám mây dày đặc bao trùm cả hành tinh ta đang sống. Có lẽ ví von như thế không đúng. Mà đấy là những đám bụi mênh mông, đứng yên một chỗ chờ chực, hay có thể bám vào một môi trường hoặc một vật thể nào đó để di chuyển và đậu vào nơi khác, hạt bụi nhỏ vô cùng nhỏ, không màu sắc, không hương vị, không hình, không dáng, không bóng. Nó lồng lộng như một thứ ánh sáng kinh dị, bí ẩn, và chứa đầy chất độc giết người. Chỉ giết người thôi. Nó có khả năng len lỏi vào mọi ngõ ngách, và tụ lại vào bất cứ nơi nào. Trên đồ vật, trên động vật. Trên và trong con người. Tất nhiên đây không phải là một cái nhìn của giới khoa học.

Nó mang bệnh tới, lan truyền từ người này qua người khác, gây chết chóc cho hàng triệu người trên thế giới. Loài người hối hả một mặt ngăn cản sức tấn công của nó bằng cách tự cô lập hay cách ly để tránh lây nhiễm, mặt khác ra sức tìm cách kháng cự. Nhờ vậy cũng đạt được vài chiến thắng nhỏ sau những tổn thất lớn. Nhưng nó chưa chịu tha. Như một kiếm khách võ nghệ tuyệt luân thời cổ, nó luôn luôn biến chiêu khiến địch thủ của nó là loài người thoạt tiên ngơ ngác, rồi lúng túng, hoảng hốt chống trả. Nó còn biết liên kết với tàn quân của những đại dịch trước để tạo thành một sức mạnh khó lường. Nay một vùng nào đó vừa mới tuyên bố thắng trận, thì vùng khác lại bị nó tàn sát tơi bời. Mai nó trở lại vùng nó từng chiến bại để phục thù. Trận chiến cứ thế tiếp diễn kéo dài cho đến nay là gần hai năm trời rồi. Cuối cùng, ai sẽ thắng ai? Câu hỏi chưa có câu trả lời dứt khoát.

Thứ Sáu, 27 tháng 8, 2021

Lê Quỳnh - BBC News Tiếng Việt: 48 giờ Kamala Harris ở Hà Nội - Ngắn ngủi nhưng tác động lâu dài

Chiều 26/8, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đã tạm biệt Hà Nội, với hoạt động cuối cùng là cuộc họp báo 20 phút.

Dựa theo tài liệu của phía Hoa Kỳ và Việt Nam, chúng tôi dựng lại các hoạt động của bà trong 48 giờ thăm Việt Nam.

Thứ Ba 24/8/2021, 10 giờ tối:

Chuyến máy bay của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris từ Singapore đến Việt Nam tối 24/8 đã bị hoãn ba giờ đồng hồ do một cuộc điều tra về nghi ngờ xảy ra 'Hội chứng Havana' cho nhân viên Mỹ ở Hà Nội.

Bà Harris đã đáp xuống Nội Bài vào khoảng 10 giờ tối, giờ Hà Nội.

Hội chứng Havana là tên gọi của một loạt các sự cố sức khỏe bí ẩn được cho là xảy ra lần đầu tiên với các nhà ngoại giao Mỹ và các nhân viên chính phủ khác ở thủ đô Cuba bắt đầu từ năm 2016.

Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội ra thông cáo:

"Cuối giờ chiều nay, phái đoàn công tác của Phó Tổng thống đã bị trì hoãn trong việc rời Singapore bởi vì Văn phòng Phó Tổng thống đã được thông báo về một báo cáo về một sự việc y tế mới đây có thể là bất thường tại Hà Nội, Việt Nam. Sau khi đánh giá một cách cẩn trọng, quyết định được đưa ra là chuyến thăm sẽ tiếp tục."

Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói trường hợp ở Hà Nội không phải là "trường hợp đã được xác nhận" của Hội chứng Havana. Bà nói rằng ca này xảy ra "từ vài ngày trước" liên quan đến một người không đi cùng bà Harris.

Lưu Trọng Văn: Cán cân lệch sẽ... ngã

Sau phản ứng của dư luận trong nước và có thể cả từ phía Mỹ, chắc lãnh đạo Việt Nam đã có chỉ đạo cho truyền thông phải đưa tin đầy đủ cùng nội dung chính các cuộc hội đàm cấp cao Việt-Mỹ.

Sáng nay Tuổi trẻ - tờ báo chính trị xã hội hàng đầu VN đã tường thuật:

"Phát biểu tại cuộc hội đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính, bà Harris cho biết Mỹ cân nhắc "làm những điều chúng tôi có thể" nhằm nâng tầm mối quan hệ đối tác toàn diện hiện nay giữa hai nước lên đối tác chiến lược. "Điều này sẽ gửi đi một tín hiệu tích cực tới chính phủ, nhân dân hai nước cũng như khu vực khi chúng ta làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa hai bên".

Khi truyền thông VN công khai đề nghị này của đại diện hàng đầu Chính phủ Mỹ thì lãnh đạo Việt Nam, cụ thể người có toàn quyền cao nhất là TBT Nguyễn Phú Trọng không thể im lặng mà phải chỉ đạo trả lời đề nghị chính thức của Mỹ.

Đu dây là nghệ thuật của các nhà lãnh đạo các quốc gia có vị trí địa chính trị quan trọng. Trong mối tương quan của thế giới, việc không chọn phe là sự khôn ngoan để quốc gia của mình có sự ổn định cần thiết, không bị lệ thuộc vào bất cứ cường quốc nào. Thuật ngữ "đu dây" là biểu hiện của việc không chọn phe ấy.

Việc đu dây chỉ an toàn nếu không bị lệch cán cân.

Hiện Việt Nam đang phải vào tình thế đu dây giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc.

Nhưng VN lại đang chính danh có hiệp định mức cao nhất của sự gắn bó là "Đối tác Toàn diện Chiến lược” với Trung Quốc, trong khi đó lại chỉ chính danh ký kết hiệp định "Đối tác Toàn diện", mức thứ ba của sự gắn bó, với Mỹ.

Điều này thể hiện ở khía cạnh chính danh, cán cân quá lệch về phía Trung Quốc bấy lâu nay.

Thanh Hà (RFI): Trung Quốc - Yếu tố cản trở việc nâng quan hệ Mỹ - Việt lên "đối tác chiến lược"

Giới quan sát đã nhiều lần đề cập đến hình ảnh Việt Nam bắt tay với Mỹ nhưng mắt vẫn nhìn về phía Bắc Kinh. Trong hai tháng liên tiếp, bộ trưởng Quốc Phòng rồi phó tổng thống Hoa Kỳ đã công du Việt Nam. Washington và có lẽ là Hà Nội đều muốn nâng cấp quan hệ song phương lên mức “đối tác chiến lược”, nhưng yếu tố Trung Quốc vẫn cản trở việc này.

Trước giờ tiếp nhân vật số 2 trong chính quyền Mỹ, thủ tướng Việt Nam đã có một buổi làm việc với đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội. Phải chăng đó là những dấu hiệu cho thấy một số giới hạn trong bang giao Việt - Mỹ và phản ánh thế khó xử của Hà Nội trên bàn cờ ngoại giao ?

Trả lời trang mạng nghiencuuquocte.org hôm 23/08/2021, nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, viện Nghiên Cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak Institute) tại Singapore lưu ý bang giao Việt Mỹ “chưa bao giờ thuận lợi như hiện nay” và bên cạnh những lợi ích về kinh tế, vế an ninh quốc phòng và chiến lược ngày càng thu hút chú ý của đôi bên. Vẫn theo ông Lê Hồng Hiệp, chính việc có cùng những lợi ích về chiến lược, đặc biệt là “trên Biển Đông” đang thúc đẩy “hai nước xích lại gần nhau hơn”.

Hà Nội và Washington đã bình thường hóa quan hệ từ năm 1995. Mỹ là đối tác thương mại quan trọng thứ nhì của Việt Nam sau Trung Quốc. Từ năm 2015, bộ Quốc Phòng Mỹ đã cho phép xuất khẩu một số trang thiết bị quân sự sang Việt Nam và cũng từ 2018, hàng năm, lãnh đạo Lầu Năm Góc vẫn dành thời gian đến Hà Nội.

Trong bối cảnh tình hình tại Biển Đông đã nóng lên, Việt Nam tỏ ra tâm đầu ý hợp với Mỹ về chiến lược an ninh biển. Dù vậy, về mặt chính thức, đến nay Việt Nam vẫn xem Hoa Kỳ là “một đối tác hàng đầu trong chính sách đối ngoại” và tránh né cụm từ “đối tác chiến lược” khi nói về quan hệ với Mỹ. Thái độ thận trọng đó phần nào cho thấy Hà Nội không được thoải mái giữa một nước cựu thù là Hoa Kỳ và một nước láng giềng quá lớn là Trung Quốc.

Chu Mộng Long: Làm gì để giảm áp lực và sợ hãi?

Một đất nước mà giới lãnh đạo không có tầm nhìn xa (mặc dù trong các đề án đều ghi "tầm nhìn đến...") thì khi gặp sự cố, ắt gánh lấy một áp lực kinh khủng. Áp lực từ lãnh đạo sẽ đè lên người dân bằng các biện pháp trấn áp, tất yếu sẽ gieo rắc sự sợ hãi và biến người dân thành một dân tộc khiếp nhược.

Nhớ rằng tôi đang phân tích tâm lý nhân loại nói chung, không có ý đồ gì về chính trị đối với bất cứ thể chế nào. Khi phân tích tâm lý, hiển nhiên tôi cũng đã đồng cảm và chia sẻ áp lực căng thẳng hiện nay trong giới lãnh đạo các cấp.

Và bài này không chỉ nói về chuyện đại dịch, trong câu chuyện về y tế có cả vấn đề giáo dục và những vấn đề khác.

Đại dịch gây áp lực căng thẳng lên toàn cầu, không chỉ cho chính quyền Việt Nam. Nhưng tôi tin chính phủ của các nước giàu có, văn minh không phải chịu một áp lực kinh khủng, mặc dù ở quốc gia đó, làm sai có thể bị cách chức, thậm chí bị lật đổ. Nhìn vào cách làm của họ, đủ thấy họ rất tự tin. Tự tin về cái gì? Về một chiến lược lâu bền để đối phó dài hạn với đại dịch.

Phong toả, giãn cách với họ chỉ là biện pháp nhất thời trong thời điểm nóng.

Đầu tư y tế dự phòng, giường bệnh, trang thiết bị hiện đại, vaccine, thuốc men mới là giải pháp lâu dài và bền vững.

Và hiển nhiên, với sự tự tin ấy, chính phủ đối xử với dân rất cởi mở, ôn hoà, tất nhiên cũng rất nghiêm minh theo luật. Đó là lý do, dân của họ không hoang mang, sợ hãi. Những nhóm người nhận thức và hành động quá khích ắt sẽ có đối thoại và dần dần đi đến thống nhất với tinh thần chung vì lợi ích quốc gia dân tộc. Mọi trấn áp chỉ làm nổ bùng xung đột và rối loạn thêm.

Không chỉ với đại dịch. Các biến cố khác như lũ lụt, động đất,... các chính phủ người ta cũng đã làm như vậy.

Thứ Năm, 26 tháng 8, 2021

Ngô Nhân Dụng: Địa vị Mỹ trên thế giới sẽ ra sao?

Sau khi quân Mỹ chiếm được Kabul, tháng 11 năm 2001, giáo sĩ Muhammad Omar lãnh tụ Taliban đang ở Kandahar, liên lạc với Hamid Karzai, người sắp được Mỹ đưa lên làm tổng thống lâm thời. Omar xin đầu hàng. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald H. Rumsfeld tuyên bố không chấp nhận.

Muhammad Omar chạy qua Pakistan rồi chết năm 2013. Donald H. Rumsfeld mới qua đời ngày 29 tháng Sáu năm 2021. Ngày 15 tháng Tám quân Taliban trở lại chiếm thủ đô Kabul. Vai trò ở Afghanistan đã đảo ngược, bây giờ Mỹ cần Taliban hơn là Taliban cần Mỹ.

Ngày 22 tháng Tám, giám đốc Trung ương Tình báo Mỹ (CIA) William Burns phải tìm gặp Abdul Ghani Baradar, người đại diện cho Taliban thương thuyết với chính phủ Mỹ từ năm 2018. Cuộc gặp gỡ bí mật, có lẽ để yêu cầu họ giúp cho dân Mỹ và các nước NATO có thể đến phi trường Kabul nhanh chóng hơn, trước kỳ hạn 31 tháng Tám. Hai ngày sau, phát ngôn viên Zabihullah Myjahid của Taliban tuyên bố Mỹ có đủ khả năng đưa hết người của mình ra đi trước ngày hẹn. Cùng lúc đó, ông Joe Biden nói với các nước đồng minh G-7 rằng cuộc rút lui sẽ giữ đúng hẹn, dù chính phủ Anh và Đức, lo lắng cho kiều dân của họ, đang muốn Mỹ trì hoãn.

Cả thế giới kinh ngạc trước cảnh sụp đổ của một chính quyền Afghanistan được Mỹ xây dựng và hỗ trợ gần 20 năm. Uy tín của nước Mỹ sụp đổ không khác gì sau thất bại ở Việt Nam.

Những người Hồi Giáo cực đoan khắp nơi sẽ nức lòng. Các nước đối nghịch, Nga, Trung Cộng, Iran được cơ hội lấp vào chỗ trống Mỹ để lại trong vùng Trung Đông và Trung Á châu.

Các nước đồng minh cảm thấy người Mỹ chỉ lo cho chính mình theo chủ trương “Mỹ trước hết” sẵn sàng bỏ rơi bè bạn. Armin Laschet, người có thể sẽ làm thủ tướng Đức kế vị bà Merkel, nói thẳng, “Đây là vụ thất bại lớn nhất của khối NATO kể từ khi thành lập.” Tom Tugendhat, một dân biểu Anh đã từng chiến đấu ở Afghanistan, đề nghị Anh phải tăng cường hợp tác với các nước Âu châu để không tùy thuộc vào một ông tổng thống Mỹ nào cả. Nirupama Rao, cựu nhân viên ngoại giao Ấn Độ thấy trong vùng này nước Mỹ không còn được tin tưởng nữa. Thủ tướng Pakistan, Imran Khan, còn ca ngợi Taliban đã phá vỡ những “xiềng xích nô lệ” cho dân Afghanistan.

Bùi Văn Phú: Sống với Covid, chết vì Covid

Sau hơn một năm vất vả phòng chống Covid và kể từ khi có thuốc tiêm ngừa, nước Mỹ đang trở lại bình thường trong những điều kiện mới. Việc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội sẽ trở thành những nét sinh hoạt trong đời sống. Bắt buộc cũng có mà tự nguyện cũng có.

Hàng quán trong khu Vietnam Town ở San Jose đông khách vào một trưa Chủ Nhật gần đây (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Từ mùa xuân năm nay nhiều tiểu bang đã bỏ những giới hạn sinh hoạt vì Covid. Riêng California, nơi có nhiều hạn chế gắt gao nhất trong công tác phòng chống, giới hạn được bỏ từ ngày 15/6 vừa qua.

Vì ban hành những chính sách khắt khe nên Thống đốc Gavin Newsom, người của Đảng Dân chủ mới làm lãnh đạo tiểu bang California được hai năm, nay đang phải đối mặt với cuộc bầu cử nhằm bãi nhiệm ông vào ngày 14/9 tới đây.

Ngay khi vừa được bãi bỏ giới hạn sinh hoạt, cuối tuần 20/6, ngày Father’s Day đã có tiệc trong khu Little Saigon San Jose với 5, 6 trăm người tham dự.

BBC Tiếng Việt: Afghanistan - Lệnh cảnh báo tấn công khủng bố được phát đi tại sân bay Kabul

Một số quốc gia cho biết đã xuất hiện mối đe dọa cao về một cuộc tấn công khủng bố tại sân bay Kabul và cảnh báo các công dân không đi đến đây.

Úc, Mỹ và Anh đều đã đưa ra cảnh báo an ninh đến các công dân. Những người đang chờ bên ngoài sân bay được yêu cầu rời khỏi khu vực ngay lập tức.

Hơn 82.000 người đã được sơ tán ra khỏi sân bay Kabul, khi Taliban đã giành quyền kiểm soát cách đây 10 ngày.

Các quốc gia cũng đang đẩy nhanh tiến trình sơ tán công dân trước ngày 31/8.

Hàng ngàn người vẫn đang chờ bên trong và bên ngoài sân bay Kabul để hy vọng bay ra nước ngoài.

Taliban đã phản đối việc gia hạn thời hạn chót nhưng cũng đã cam kết cho phép công dân nước ngoài và người dân Afghanistan rời khỏi quốc gia này trước ngày 31/8, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken cho biết.

Hôm nay, Bộ trưởng Ngoại giao Úc, Marise Payne cho biết: "Hiện có một mối đe dọa rất cao và đang hiện hữu về một cuộc tấn công khủng bố".

Cảnh báo được phát đi vài giờ sau Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết những người nào đang chờ tại cổng Abbey, cổng phía Đông hoặc cổng Bắc "phải rời đi ngay lập tức".

Trước đó, Anh Quốc đã phát đi lời khuyến cáo tương tự khi yêu cầu mọi người tại sân bay "di chuyển ra khỏi đó và đến nơi an toàn, và chờ lời khuyến cáo tiếp theo".

Bộ Ngoại giao Anh cũng cho biết thêm tình hình an ninh tại Afghanistan "vẫn có thể thay đổi theo chiều hướng xấu" và "vẫn có nguy cơ cao và hiện hữu về các một cuộc tấn công khủng bố".

Trân Văn (VOA): Đại dịch, uổng tử, bao giờ sẽ chất vấn đảng về ‘thù địch’?

Bác sĩ Võ Xuân Sơn – người tổ chức Oxy cho sự sống – vừa loan báo: Sáng 25 tháng 8, các viên chức hữu trách ở TP.HCM đã hỗ trợ nhóm của ông về thủ tục để các thiện nguyện viên có thể tiếp tục đi nạp oxy vào bình. Ông hy vọng họ có thể tiếp tục đem những bình chứa oxy giao tận tay những gia đình có thân nhân đang cần trợ thở (1)…

Oxy cho sự sống qui tụ tình nguyện viên thuộc nhiều giới. Họ đóng góp và nhận đóng góp để mua vỏ bình chứa oxy, đồng hồ đo áp lực, nạp oxy vào bình, mang bình đi giao cho những đồng bào nhiễm COVID-19 đang cần trợ thở, rồi thu lại bình, nạp lại oxy, tiếp tục chuyển giao để hỗ trợ gìn giữ sự sống…

Từ khi COVID-19 lan rộng, hệ thống y tế quá tải, người bị nhiễm COVID-19 phải tự cầm cự tại gia, TP.HCM có hàng chục nhóm thiện nguyện, hỗ trợ oxy như Oxy cho sự sống (2). Đó là chưa kể đến hàng trăm nhóm cung cấp dịch vụ vận chuyển, trang bị, dược phẩm thiết yếu với hy vọng hạn chế số người thiệt mạng…

Người Việt ở nhiều nơi vẫn đang dõi theo dịch dã, quyên góp, đóng góp, tìm mua trang bị, thiết bị y tế nhằm giảm áp lực cho hệ thống y tế đang kiệt quệ cả về sức lực lẫn vật dụng… Chẳng hạn sau khi quyên góp để mua monitor tự động theo dõi các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân, giúp tiết kiệm nhân lực trong chăm sóc, điều trị, nhóm Cơm có thịt - vốn chuyên tiếp sức cho trẻ em khu vực cao nguyên học hành – mới gửi thông báo mời những nơi chuyên doanh thiết bị y tế báo giá để chọn nhà thầu (3)…

***

Tuy ngành y tế cấm nhân viên trong ngành sử dụng mạng xã hội để kêu gọi hỗ trợ, đặc biệt là hỗ trợ vật dụng, trang bị, thiết bị y tế,… nhưng ai cũng biết khi dịch lan rộng, hệ thống y tế không chỉ thiếu nhân lực mà còn… thiếu đủ thứ! Tại sao đại dịch đã lan rộng trên toàn cầu khoảng một năm rưỡi nhưng hệ thống y tế lại thiếu đủ thứ như vậy? Tại sao hệ thống chính trị, hệ thống công quyền không nghĩ đến việc phải tích trữ những loại vật dụng, trang bị, thiết bị thiết yếu trong tệ thống kho dự trữ quốc gia như những xứ khác?

Thứ Tư, 25 tháng 8, 2021

Will Nguyễn: Kamala Harris có cơ hội đứng lên đấu tranh cho dân chủ trong tuần này – Bà ấy nên nắm lấy nó (Hoa Nguyễn dịch)

Đây là tiêu đề của Tờ báo The Washington Post đăng hôm nay với bài viết xã luận của Will Nguyễn, mục Ý kiến Toàn cầu. Tôi cố gắng hết sức để dịch sang Tiếng Việt một cách sát nghĩa nhất với những gì Will, người đồng nghiệp tuyệt vời của chúng tôi, viết. Song do gấp gáp nên sẽ có những lỗi nhỏ, mong được thể tất.

Nhà vệ sinh, bồn rửa và bồn rửa mặt của tôi tất cả là một cái hố trên sàn nhà. " Cái gối" của tôi là một bao đường nhỏ và giường của tôi là một cái chiếu manh trên nền đá trống không. Trong suốt 41 ngày của năm 2018, tôi đã sống mòn mỏi trong một phòng giam nhỏ ở tp HCM, bị đánh đập và bị bắt vì giúp người Việt Nam bản xứ thực hiện các quyền hiến định của họ.

Nhưng nếu xét về những vụ kết án chính trị ở Việt Nam, tôi là một trong những người may mắn. Tôi có nguồn gốc là người Việt Nam, nhưng do một sự thay đổi của số phận, tôi đã được sinh ra ở Hoa Kỳ. Những công dân Việt Nam đang đấu tranh cho quyền lợi của mình phải chịu đựng những điều kiện thời Trung Cổ này trong nhiều năm, có khi hơn một thập kỷ, việc họ ở sau song sắt trực tiếp liên quan tới những ý kiến bất chợt của cảnh sát, điều tra viên, công tố viên và những thẩm phán toà án, những người đều do một đảng chính trị hợp pháp kiểm soát.

Sự bất công có thể thấy rõ - và Phó Tổng thống Harris có thể nỗ lực để giảm bớt nó khi bà đến thăm Việt Nam trong tuần này. Với tư cách là một chính quyền đã hứa sẽ nhấn mạnh lại việc thúc đẩy dân chủ và nhân quyền, bà có cơ hội lên tiếng đòi trả tự do cho các nhà bất đồng chính kiến Việt Nam, những người không làm gì hơn là yêu cầu những gì mà Hiến pháp của chính họ đảm bảo cho họ.

Trong số ít các nước “cộng hoà xã hội chủ nghĩa” còn lại trên thế giới, Việt Nam là một nhà nước độc tài do một đảng cộng sản trên danh nghĩa điều hành, cai trị một dân số thuộc nhóm thân tư bản và thân Mỹ nhất trên Trái đất*. Sự sụp đổ nhanh chóng của Afghanistan cho thấy rằng Hoa Kỳ không thể đơn giản áp đặt nền dân chủ tự do lên các quốc gia khác, ngay cả khi họ có chung quan hệ đồng cảm như vậy. Mong muốn về quyền và cải cách phải xuất phát từ chính người dân. Và ở Việt Nam, thì cũng đúng là như vậy.


Thư ký giả Dan Rather gởi các nhân viên y tế (Nhã Duy chuyển dịch)

Lời giới thiệu của người dịch: Dan Rather là nhà bình luận kỳ cựu trên hệ thống CBS và là một ký giả tên tuổi của làng truyền thông Hoa Kỳ trong nhiều thập niên. Cùng với Peter Jennings của ABC và Tom Brokaw của NBC, ông thuộc về nhóm "Big Three" đầy ảnh hưởng này của nước Mỹ. Ở tuổi 89 hiện nay, ông vẫn tiếp tục dự phần vào các hoạt động truyền thông một cách thông tuệ, luôn gởi ra những thông điệp đáng suy nghĩ và lan truyền cảm hứng đến hàng triệu khán-thính-độc giả đang luôn theo dõi các bài viết, những cuộc nói chuyện cùng các cuộc phỏng vấn, trò chuyện của ông với một vài nhân vật nổi tiếng.

Xin giới thiệu lá thư rất chân thành mới nhất của ký giả Dan Rather gởi đến các nhân viên y tế, nhưng chắc chắn cũng gây nên những suy nghĩ cho nhiều người nói chung. (Nhã Duy)

Các bạn nhân viên y tế Hoa Kỳ thân mến!

Thay mặt cho quốc gia của chúng ta, tôi xin lỗi các bạn. Tôi rất tiếc là chúng ta phải ở trong tình trạng đại dịch vẫn còn đang hoành hành hiện tại, trong khi lại có sẵn các loại vaccine miễn phí rất hiệu nghiệm.

Tôi xin lỗi là các trung tâm ICU và phòng cấp cứu nằm đầy những người lẽ ra không cần phải vướng bệnh như vậy. Tôi xin lỗi vì sự ích kỷ, vô tri và cao ngạo đã làm cuộc khủng hoảng này thêm trầm trọng và các bạn đã phải chịu gánh nặng của những cuộc tranh giành giữa sự sống và cái chết, hối hả qua lại các giường bịnh. Tôi rất tiếc vì có những vị dân cử đã cố lấy điểm chính trị bằng cách tung ra những câu chuyện phản khoa học dựa trên những dối trá chung quanh loại virus này, quanh vaccine và các phương pháp điều trị không có thật, đồng thời tấn công cả uy tín và sự phục vụ của các bạn. Thật đáng xấu hổ. Tôi xin lỗi vì các bạn đã bị sách nhiễu bằng lời nói và thậm chí cả thể chất trong khi các bạn đã đặt cược tính mạng mình cùng của cả gia đình.

Tôi còn nhớ vào những ngày đầu tiên của đại dịch khi chúng ta tụ tập hàng đêm tại New York để tán dương sự hy sinh của các bạn. Trong những ngày đó, chưa có thuốc chủng ngừa, chưa có kỳ vọng sẽ sớm có bất kỳ sự bảo vệ nào. Vậy mà ngày qua ngày, các bạn đã lao vào cuộc chiến, đã cố gắng cứu sống bao sinh mạng. Nó vẫn hiển hiện như mới hôm qua. Qua bao nhiêu dâu bể, có người còn giữ hy vọng, nhiều người đã quá nhụt chí.

Bonnie S. Glaser & Gregory Poling: Sự cướp đoạt quyền lực của Trung Quốc ở Biển Đông (Biên dịch: Phan Nguyên)

Nguồn: Bonnie S. Glaser & Gregory Poling, “China’s Power Grab in the South China Sea”, Foreign Affairs, 20/08/2021.

Hoa Kỳ phải đối mặt với một bài toán hóc búa ở Biển Đông: Trung Quốc đang thay đổi mạnh mẽ hiện trạng trên biển theo hướng có lợi cho mình. Nhưng kể từ năm 2016, các quốc gia Đông Nam Á, những nước có quyền lợi hợp pháp đang bị chà đạp, lại miễn cưỡng trong việc chống lại Bắc Kinh.

Hoa Kỳ và các nước cùng chí hướng không thể thay đổi hành vi trên biển của Trung Quốc nếu không có sự tham gia tích cực của các bên tranh chấp thuộc khu vực này. Tuy nhiên, ở phần lớn Đông Nam Á, đặc biệt là Philippines và Việt Nam, giới tinh hoa và công chúng đánh giá cam kết của Washington đối với khu vực một phần dựa vào việc liệu Mỹ có giúp họ bảo vệ các quyền lợi trên biển hay không.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và nhóm của ông đã kế thừa phần lớn các chính sách của chính quyền Trump ở Biển Đông. Chính quyền hiện tại của Hoa Kỳ đã xác nhận quan điểm từ thời Trump rằng, tất cả các yêu sách trên biển nào của Trung Quốc, mà không phù hợp với phán quyết năm 2016 của tòa trọng tài đặc biệt, đều là bất hợp pháp. Hơn nữa, chính quyền Biden đã khẳng định rằng các nghĩa vụ hiệp ước của họ đảm bảo Hoa Kỳ sẽ đáp trả trong trường hợp xảy ra tấn công vào các lực lượng của Philippines ở Biển Đông, đồng thời tiếp tục đẩy nhanh tốc độ các hoạt động của hải quân Hoa Kỳ trong khu vực, vốn được thiết lập dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Chuyến thăm gần đây của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đến Manila đã mở ra một cơ hội để tăng cường chính sách của Hoa Kỳ ở Biển Đông. Philippines từ lâu đã là quốc gia “tuyến đầu” ở Đông Nam Á [trong việc chống Trung Quốc], nhưng dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte, nước này đã theo đuổi quan hệ chặt chẽ hơn với Bắc Kinh và hạ cấp quan hệ với Washington. Duterte đã cam kết hủy bỏ Thỏa thuận Lực lượng Viếng thăm (VFA), vốn tạo điều kiện cho việc đưa binh lính Hoa Kỳ vào nước này, nhưng trong chuyến thăm của Austin, ông đã thông báo sẽ chấm dứt quy trình bãi bỏ hiệp định này. Bước đột phá này đã mang lại cho liên minh Hoa Kỳ – Philippines một số thuận lợi – và đặt Washington vào một vị thế mạnh mẽ hơn trong việc đẩy lùi các hành vi xấu của Trung Quốc.


Anh Vũ (RFI): Afghanistan - Taliban thay đổi, hay thích nghi để tồn tại?

Sau khi giành chính quyền tại Afghanistan, phe Taliban đã cố trấn an thế giới là họ đã thay đổi nhiều so với lần cai trị đất nước cách đây 20 năm. Cho dù Taliban cam kết tôn trọng nữ quyền, cố tỏ ra ôn hòa, thân thiện với thế giới bên ngoài, bộ mặt mới của Taliban vẫn khó thuyết phục được quốc tế.

Hai ngày sau khi Kabul thất thủ, khán giả truyền hình Afghanistan đã chứng kiến những hình ảnh không thể tưởng tượng được dưới chế độ đầu tiên của Taliban (1996-2001) : Một chiến binh được một nữ phóng viên phỏng vấn trên kênh truyền hình Tolo News. Nhà báo Beheshta Arghand ngồi cách người phỏng vấn khoảng 2,5 mét, hỏi ông ta về tình hình an ninh trong thủ đô Afganistan. Kênh truyền hình tư nhân này cũng đưa lên một video cho thấy một nữ phóng viên đang đưa tin từ các phố của Kabul.

Những hình ảnh như thế xuất hiện cùng lúc các lãnh đạo của phong trào Taliban thi nhau nhắc lại rằng họ muốn chấm dứt đổ máu. Tại cuộc họp báo hôm 17/08, phát ngôn viên Zabihullah Mujahid khẳng định « ân xá toàn thể » cho các công chức nhà nước. Ông này cũng khẳng định Taliban đã rút ra những bài học của lần cầm quyền đầu tiên và sẽ có « nhiều cái khác » trong cách lãnh đạo lần này, cho dù về tư tưởng và tín ngưỡng, « không có gì khác ».

Dưới chế độ Taliban trước đây, các hoạt động như trò chơi, âm nhạc, nhiếp ảnh, truyền hình bị cấm. Tội phạm trộm cắp bị chặt tay, giết người bị hành hình công khai, người đồng tính bị sát hại. Thiếu nữ không có quyền học hành. Phụ nữ ra ngoài phải có đàn ông đi cùng và bị cấm đi làm, nếu bị quy tội như ngoại tình thì họ chỉ có chết vì đòn roi hay bị ném đá giữa đường. Phát ngôn viên Taliban cam đoan các quyền của phụ nữ từ giờ sẽ được tôn trọng, trong « khuôn khổ của luật Hồi giáo ».

Ý thức hệ cơ bản của Taliban vẫn như cũ


Thứ Ba, 24 tháng 8, 2021

Ngô Nhân Dụng: Kabul khác Sài Gòn

Có người coi vụ triệt thoái hỗn loạn ở Kabul năm 2021 là “Sài Gòn của Biden.” Người Việt nào đã sống qua thời chiến, hoặc đã học lịch sử, thì biết dù số phận tương đồng, Sài Gòn rất khác Kabul.

Trước hết, cuộc chiến chỉ xảy ra tại Afghanistan sau khi Mỹ tấn công tìm bắt Osama bin Laden, trả thù vụ khủng bố 11 tháng 9 tại New York. Al Qaeda tan vỡ và 10 năm sau, bin Laden chết, quân Mỹ vẫn ở lại cho nên dính líu mãi.

Cuộc nội chiến hai miền Nam - Bắc Việt Nam đã xảy ra trước khi quân Mỹ tới. Có thể đã bắt đầu từ những cuộc “quốc cộng phân tranh” thời 1940. Năm 1954 Bắc Việt đã để lại binh sĩ, cán bộ và vũ khí để chuẩn bị chiến tranh. Năm 1959 Cộng sản bắt đầu đưa quân vào miền Nam phát động cuộc chiến. Năm 1965 quân Mỹ đổ bộ vào cứu vì miền Nam có thể mất vào tay Bắc Việt.

Tuy hai cuộc chiến khác về nhiều mặt, nhưng khi khởi đầu và khi chấm dứt cũng có phần tương tự.

Thứ nhất, Mỹ bước vào hai cuộc chiến đều vì tình hình thế giới. Ở Afghanistan cũng như Iraq, muốn ngăn chặn phong trào khủng bố của tín đồ Hồi Giáo cực đoan. Tại Việt Nam, Mỹ ủng hộ Việt Nam Cộng Hòa là để ngăn làn sóng bành trướng chế độ cộng sản của Liên Xô và Trung Cộng. Mỹ thay đổi mục tiêu khi biết có thể hợp tác với Trung Cộng để chống Liên Xô.

Thứ nhì, hai cuộc chiến tranh đều kết thúc khi nước Mỹ tuyên bố rút lui, khiến cho các đối thủ quyết chiến hơn; các đồng minh của Mỹ thì yếu thế. Mỹ đã ký hiệp định Paris năm 1973 và sau đó rút về hết. Ở Afghanistan Mỹ ký kết riêng với quân Taliban tại Doha vào tháng Hai, 2020, hứa rút quân vào ngày 1 tháng Năm 2021.

Nhưng Việt Nam và Afghanistan khác biệt trên rất nhiều điểm.

Gió ViVu (từ Canada): Afghanistan Sẽ Đi Về Đâu?

Tổ chức khủng bố Hồi giáo luôn tin tưởng rằng họ được ủy thác một sứ mạng thiêng liêng của cuộc Thánh chiến là "tận diệt thế giới" (những ai không theo Hồi giáo), Bin Laden đã tuyên bố : "Những kẻ phản giáo sẽ không bao giờ được sống yên ổn!"

Ngày nay, toàn thế giới công nhận Taliban là hiện thân của tổ chức khủng bố Hồi giáo, chuyên áp đặt luật Hồi giáo (Sharia) hà khắc với phụ nữ và vi phạm nhân quyền. Sau vụ khủng bố tấn công Trung Tâm Thương Mại Thế Giới ở New York (9 /11 /2001), vào tháng 10 năm 2001 chính phủ Canada quyết định liên minh hợp tác với Hoa Kỳ để tiêu diệt quân Taliban ở Afghanistan. Vì nhóm khủng bố này đã tiếp tay ủng hộ và che giấu Bin Laden - một tội phạm đã tổ chức cuộc tấn công 9/11. Kể từ đó chính sách ngoại giao của Canada đã thay đổi từ nhiệm vụ của người đi gìn giữ hòa bình (peacekeeper), quân đội Canada đã tham gia liên minh với Hoa Kỳ và một số quốc gia trong khối NATO để chiến đấu, bảo vệ an ninh, chống khủng bố, và bảo vệ nhân quyền cho dân Afghan.

Afghanistan được mệnh danh là một xứ sở của cực đoan, một đất nước mà trước kia đã có một thời thịnh trị yên bình từ năm 1929 đến năm 1978. Trong suốt thời đệ nhị thế chiến, Afghanistan vẫn giữ được sự an bình trong và ngoài nước, không có sự xung đột nào dù rất nhỏ với những xứ láng giềng. Nhưng vào năm 1978, cuộc đảo chính của quân cộng sản đã khiến Afghanistan trở thành một xứ sở có nhiều biến động với những cuộc nổi dậy của nhiều phe nhóm khác chính kiến. Năm 1979, Liên Bang Xô Viết đã xâm lược vào Afghanistan, dấy lên cuộc chiến tranh với nhóm chống cộng sản. Cho đến năm 1989, quân Liên Xô mới rút khỏi Afghanistan và dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền cộng sản Afghan vào năm 1992. Sau khi chế độ cộng sản ở Afghanistan bị hủy diệt, những đảng phải chính trị đã tụ họp lại và cùng nhau lập một Hiệp Ước Peshawar. Thật ra, hiệp ước này chỉ là mặt ngoài thỏa thuận của những đảng phái đang tranh giành quyền lực trong nước. Cuộc nội chiến chấm dứt khi Taliban được sự hậu thuẫn quân sự của Pakistan, và ủng hộ tài chánh của Saudi Arabia. Taliban lên ngôi và thiết lập một Tiểu Vương Quốc Hồi Giáo của Afghanistan.

Đỗ Thiện phỏng vấn Lê Hồng Hiệp: Tại sao Việt Nam nên thiết lập khuôn khổ đối tác chiến lược với Mỹ?

https://lh4.googleusercontent.com/proxy/Kt99Orovt5Fchcn6f5mcaeVqEM9pktEmWcmTQCTJMW6a3zSSEq678xB3BcjYs5SwxucDC-8HwyruPHHYRzkN2cWY5JLV3mn7n33GMAwyZqYC2pbR-VvCnYHJWeyWUpoMo9U=s0-d


Ngày mai (24-8), Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris dự kiến sẽ rời Singapore và đến thăm Việt Nam theo chương trình công du châu Á kéo dài khoảng một tuần. TS Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS – Yusof Ishak Institute, Singapore), nhận định: Quan hệ Việt Nam và Mỹ đang vào giai đoạn thuận lợi nhất trong vòng hơn hai thập niên qua. Đây là nền tảng quan trọng để cả hai nghiên cứu thúc đẩy mối quan hệ song phương lên tầm cao mới trong tương lai.

Vị thế Việt Nam đang cao nhất trong mắt Mỹ từ năm 1995.


Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về quan hệ Việt – Mỹ hiện nay, nhất là khi Mỹ gần đây liên tục có các chuyến thăm và các chính sách tích cực với Việt Nam?

TS Lê Hồng Hiệp: Theo tôi, quan hệ Việt – Mỹ chưa bao giờ thuận lợi như hiện nay. Hiện tại, Mỹ đang rất coi trọng quan hệ với Việt Nam, vị thế của Việt Nam trong mắt Mỹ đang ở mức cao nhất kể từ khi hai bên bình thường hóa quan hệ năm 1995. Ngược lại, Việt Nam cũng đang rất coi trọng vai trò của Mỹ về mặt kinh tế cũng như an ninh – quốc phòng và chiến lược. Ngoài các lợi ích từ hợp tác kinh tế vốn là nền tảng cho mối quan hệ song phương hơn 25 năm qua, chính sự song trùng lợi ích gia tăng về mặt chiến lược trong bối cảnh xuất hiện nhiều thách thức an ninh trong khu vực, đặc biệt là trên Biển Đông, cũng đang thúc đẩy hai nước xích lại gần nhau hơn.

Mạc Văn Trang: Không có dân cứu nhau thì sẽ ra sao?

Tìm hiểu về câu lạc bộ “TÂM VUI” do cô Đặng Thị Thu Huyền làm chủ nhiệm mới càng thấy người dân thương nhau, giúp nhau trong đại dịch quan trọng biết chừng nào.

1. Chủ nhà trọ nuôi người trọ


Cô Huyền có 28 cái nhà trọ cho hơn 80 công nhân trọ, trong đó có 20 công nhân vẫn còn việc làm, còn hơn sáu mươi công nhân mất việc đã 2 tháng. 20 công nhân có việc làm thì “3 tại chỗ" ở xí nghiệp, còn hơn 60 công nhân “ở yên trong nhà là yêu nước"! Hơn 60 công nhân này từ ngày mất việc nằm nhà, mỗi người được hỗ trợ 10 kg gạo, mấy gói mì, mấy quả dứa.

Khu nhà trọ của cô Huyền có một cô quản lý, cô này cứ báo cáo với “sếp Huyền" về tình trạng thiếu đói của các công nhân ở trọ và cô Huyền với cái tâm của nhà thiện nguyện, cứ xuất tiền ra mua gạo, rau quả cung cấp đủ nuôi những người này. Lúc đầu tưởng cứu giúp một hai tuần rồi chính quyền sẽ hỗ trợ qua 1 tháng “giãn cách", không ngờ kêu lên Phường thì Phường bảo lý do này nọ, đổ tại chỗ nọ, chỗ kia… Sau đó thì không nghe điện thoại, né không gặp nữa… Khi nghe lệnh “giãn cách” tiếp từ 15/8 đến 15/9 thì các công nhân này mới hoảng lên, làm đơn ký tên gửi lên Phường xin trợ cấp… Nhưng cho đến nay thì vẫn chủ nhà phải cung cấp lương thực, thực phẩm nuôi hơn 60 người trọ!

2. Cung cấp bữa ăn theo yêu cầu của bác sĩ


Nhóm “Tâm Vui" gồm gần một chục chị em đều là các Phật tử, với tâm nguyện “cứu giúp được người là VUI; “đối với người bi quan, khi gặp khó thường nản, nhưng nhóm Tâm Vui chúng em thì vượt qua khó khăn lại càng vui"... Cô Huyền nói.

Bếp của nhóm “Tâm Vui" ở số 117 Hoàng Hà, Phường 2, quận Tân Bình lúc đầu dự định phục vụ các nhà sư và Phật tử ăn chay bị F0 tập trung điều trị ở bệnh viện. Nhưng sau đó việc này được giao cho bếp của chùa Vĩnh Nghiêm.

Chủ Nhật, 22 tháng 8, 2021

Nhân Rằm Tháng Bảy…

Lời Tòa soạn DĐTK.- Hôm nay nhằm ngày Rằm Tháng Bảy, lễ Vu Lan, chúng tôi mời bạn đọc xem lại Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh của Nguyễn Du. Bản văn tế đăng dưới đây là bản được học giả Hoàng Xuân Hãn hiệu đính khi so sánh các bản khác nhau, và đã giao cho ông Thanh Tuệ năm 1993.

Năm 1995 nhà xuất bản An Tiêm của ông Thanh Tuệ đã ấn hành bản văn tế này với lời Tựa của chính học giả Hoàng Xuân Hãn. Xin trích một đoạn từ lời Tựa ấy :

… Nay, có ông Thanh Tuệ, ngụ tại Paris, vốn xưa tại Sài Gòn quen nghề xuất bản, lại say mê văn cổ, quí chuộng bài Văn tế THẬP LOẠI CHÚNG SINH. Ông nhận thấy bản cảo của tôi mang lại cho Ông nhiều điều sở nguyện. Ông đã yêu cầu tôi để Ông chia thú cùng các bạn hải ngoại, nhất là các bạn rất đông ở bên kia Đại-tây-dương. Tôi tự nhiên đồng ý. Tôi nghĩ đến đồng bào đứng tuổi ở hải ngoại, đã từng quen và cảm với văn hóa dân tộc nước nhà. Nay vì sinh hoạt, đành nhìn con cháu một ngày một xa văn hóa gốc. Nếu mình có thể bảo tồn một cách chính xác những cái hay của gốc, thì có lẽ mình thuyết phục con em cố giữ gốc dễ hơn.

Vậy nên, tôi đã lấy bản cảo cũ, đọc lại, bổ túc và sửa chữa một vài điểm nhỏ, rồi giao cho ông Thanh Tuệ tự tiện dụng hành. Mong có những tiếng giội của độc giả để phủ chính thêm.

PARIS tháng 10 năm Quí-dậu (1993)

Hoàng Xuân Hãn



VĂN TẾ THẬP LOẠI CHÚNG SINH

Nguyễn Du


DỰNG ĐÀN GIẢI THOÁT


Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt,
Lọt hơi sương lạnh buốt xương khô
Não người thay bấy chiều thu,
Ngàn lau khảm bạc, giếng ngô rụng vàng

Đường bạch dương bóng chiều man mác,
Ngọn đường lê lác đác mưa sa
Lòng nào lòng chẳng thiết tha
Cõi dương còn thế nữa là cõi âm

Nhà văn Kim Lefèvre từ trần



Nhà văn Kim Lefèvre đã từ trần tại Marseille ngày 6 tháng 8-2021 vừa qua tại thành phố Marseille (Pháp) sau một thời gian dài trọng bệnh, thọ 86 tuổi.

Kim Lefèvre sinh năm 1935 tại Việt Nam, cha là người Pháp, mẹ người Việt. Bà tốt nghiệp Khoa Pháp văn Trường Đại học Sư Phạm Sài Gòn trước khi sang Pháp năm 1960, theo học văn khoa ở trường Sorbonne.

Ra trường, Kim Lefèvre làm diễn viên sân khấu và bắt đầu viết văn. Cuốn tiểu thuyết tự truyện đầu tay, Métisse Blanche (Cô gái lai ra trắng), được giới phê bình chào đón nồng nhiệt. Tiếp theo là ba tiểu thuyết, ký sự khác.

Từ cuối thập niên 1980, Kim Lefèvre dịch sang tiếng Pháp tiểu thuyết và truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Quang Lập. Tướng về hưu (Un général à la retraite) là tác phẩm đầu tiên của Nguyễn Huy Thiệp được dịch ra tiếng nước ngoài.

Tác phẩm của Kim Lefèvre :


* Métisse blanche, Paris, Bernard Barrault, 1989 (J'ai Lu, 1990). (Cô gái lai da trắng, bản dịch của Dương Linh và Hoàng Phong, Nhà Xuất bản Nhã Nam và Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, 2011.
* Retour à la saison des pluies, Paris, Bernard Barrault, 1990 (La Tour d'Aigues, Éditions de l'Aube, 1995)
* Moi, Marina la Malinche, 1994 (Phébus, 2007)
* Les Eaux mortes du Mékong, Paris, Flammarion, 2006 (Point, 2010)

Dịch phẩm :


* Dương Thu Hương, Histoire d'amour racontée avant l'aube (Chuỵện tình kể trước rạng đông), 1986
* Nguyễn Huy Thiệp, Un général à la retraite (Tướng về hưu), éditions de l'Aube, 1990
* Nguyễn Huy Thiệp, Le Cœur du tigre (Trái tim hổ), éditions de l'Aube, 1995
* Nguyễn Huy Thiệp, La Vengeance du loup (Sói trả thù), éditions de l'Aube, 1997
* Nguyễn Huy Thiệp, Conte d'amour un soir de pluie (Chuyện tình kể trong đêm mưa), éditions de l'Aube, 1999
* Nguyễn Huy Thiệp, L'Or et le Feu (Vàng Lửa), éditions de l'Aube, 2002
* Phan Thị Vàng Anh, Quand on est jeune (Khi người ta trẻ), éditions Philippe Picquier, 1996*
* Nguyễn Quang Lập, Fragments de vie en noir et blanc (Những mảnh đời đen trắng), éditions Philippe Picquier, 1998

K.V.



Nguồn : Theo Diễn Đàn Forum

Liễu Trương: Nhà Tôi Bên Chiếc Cầu Soi Nước

Những đổi thay trong xã hội do những biến cố lịch sử gây nên thường phản ánh ít nhiều trong một trường học, nhất là trong một lớp học như lớp học của tôi, đi từ tuổi nhỏ đến hết bậc trung học. Tôi có dịp nhận xét về những đổi thay trong các lớp tôi đã từng đi qua. Năm tôi học 8ème, tức lớp nhì tiểu học, ở trường Couvent des Oiseaux, Đà Lạt, lúc đó cuối thời Pháp thuộc, người Pháp chưa rời hẳn Việt Nam, trong lớp tôi chỉ có 4 học sinh Việt Nam, còn lại là học sinh Pháp, những học sinh này vẫn còn đầu óc thực dân, coi rẻ người Việt Nam. Hai, ba năm sau học sinh Pháp lần lượt biến mất, để chỗ cho một loạt học sinh từ Huế lên Đà Lạt học ; không hiểu sao lúc đó học sinh các trường Đồng Khánh và Jeanne d’Arc ở Huế ồ ạt lên Đà Lạt. Các bậc phụ huynh sợ con cái đi chiến khu chăng ? Hay có sự lựa chọn cho con em nền văn hóa giáo dục Pháp của ngôi trường nổi tiếng này ? Những tiếng nói qua lại ngoài giờ học nghe rất lạ tai : « Mi để cuốn sách ở mô ? », « Cái chi mà lạ rứa ? », « Tao nhớ mạ tao chi lạ ! »… Rồi khi tôi lên lớp seconde, tức lớp 10 ngày nay, một lần nữa bộ mặt của lớp học lại thay đổi : các bạn học mới của tôi phần nhiều là người Bắc di cư vào Nam, họ vẫn còn xót xa nghĩ đến quê hương vừa rời bỏ.

Trong số các bạn mới có một người không phải là di cư, một người có vẻ như biệt lập, đó là một cô gái lai xinh đẹp, tên Kim Thư. Tôi biết lờ mờ rằng gia đình Kim Thư ở Nha trang, Thư vào Sài Gòn học một hai năm gì đó, rồi lên Đà Lạt. Đôi mắt màu hạt dẻ của Thư luôn luôn đượm một vẻ buồn khiến tôi cảm thấy mến bạn, tuy nhiên chúng tôi không có cơ hội thân nhau, vì Thư ở nội trú còn tôi ngoại trú. Tuy thế chúng tôi cũng có chung với nhau nhiều kỷ niệm, như những lần đi pique–nique xa với cả lớp hay đi công tác xã hội. Nhưng kỷ niệm đẹp nhất mà tôi nhớ mãi là giọng hát của Thư. Ở trường, ngoài những giờ học có những giờ gọi là « étude », học sinh được tự do học ôn bài vở ngoài đồi, vì ngôi trường tọa lạc trên một ngọn đồi. Có lần tôi ngồi dưới gốc một cây thông, đang ôn bài vật lý để ngày hôm sau thi, bỗng một giọng hát vang lên :

Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước
Em đến tôi một lần
Bao lũ chim rừng họp đàn trên khắp bến xuân.

Tiếng hát trong trẻo, cao vút. Tôi ngạc nhiên vội xếp sách, nín thở để lắng nghe.

Nguyễn Thị Chân Quỳnh: Kim LEFEVRE - Nửa Dòng Máu Việt

Sinh tại Hà Nội, có lẽ vào năm 1937 : Kim không có khai sinh thực sự. Cái tên Lan Kim Thu do cha dượng đặt và khai cho khi Kim lên mười để có giấy tờ đi học.

Cha đẻ là một quân nhân Pháp, Jean Tiffon, song hai cha con chưa bao giờ gặp nhau : Kim là con vô thừa nhận. Mẹ Kim người Bắc, có một trình độ học vấn cao so với phụ nữ thời xưa (Certificat d’études), vì trót sinh con hoang nên bị gia đình hất hủi. Thời thơ ấu của Kim là một chuỗi ngày đau khổ, lọt lòng mẹ đã bị gửi đi ở vú, rồi nhờ họ hàng, hết nhà này đến nhà kia - mẹ còn phải nhọc nhằn kiếm tiền. Đi đến đâu Kim cũng toàn nghe những lời cay đắng :"Cái giống lai nó bạc lắm". Năm lên 6, mẹ bị gia đình ép phải bỏ Kim vào Viện mồ côi, đời sống lại còn cay cực hơn đến nỗi có lần Kim toan tự tận. Năm 1945, vì thời cuộc, Viện phải giải tán, Kim đuợc mẹ đón về, song vì không nhận ra mẹ, bà phước không chịu giao trả. Người mẹ buồn tủi, khóc lóc, trông cái dáng sụt sùi, thiểu não của mẹ, một hình ảnh quen thuộc chợt lóe ra trong ký ức Kim, cuối cùng hai mẹ con cũng được đoàn tụ. (Nếu quả Kim sinh năm 1937, 1943 vào Viện, 1945 xuất Viện thì mới ở có hai năm sao Kim đã có thể quên được mẹ ?). Tiếng gọi là "đoàn tụ", thực ra xuất Viện là Kim lại tiếp tục cuộc đời "ăn cơm nhà dì, uống nước nhà cô" một thời gian nữa rồi mới được mẹ đón về ở với cha dượng, một người Tầu ở Chợ Lớn, hết sức lạnh nhạt với Kim mặc dầu cô bé tìm đủ mọi cách để lấy lòng. Không thành công, Kim dám xoay ra ăn cắp tiền cốt để bị trừng phạt, ít nhất như thế người ta cũng có đếm xỉa đến Kim, nhưng Kim vẫn thất bại. Năm 12 tuổi cha bán đi làm con ở.

Cũng may mẹ Kim đủ sáng suốt để nhận định Kim cần phải có học vấn để tự tạo một tương lai sáng sủa. Người đàn bà vốn rất phục tòng chồng này đã không ngần ngại, lén lút xin cho con riêng đi học, và Kim đã đi học trong một tình trạng khác người : học bài vụng trộm trong bếp, cặp sách dấu trong đống củi...Mặc dầu gặp nhiều trở ngại, song nhờ trí thông minh và nhất là nhờ sự giúp đỡ tận tình của mẹ, Kim đã giành được một địa vị trong xã hội : tốt nghiệp hạng ba trường Đại học sư phạm và được bổ nhiệm ngay tại Saigon. Mấy tháng sau, được học bổng sang Pháp (1960) Kim đã chọn ở lại Pháp, đi dạy học các trường trung học một thời gian rồi chuyển sang ngành ca kịch. Đã từng trình diễn ở các nước Âu, Á và Phi châu.

Thứ Bảy, 21 tháng 8, 2021

Giới thiệu sách mới: PHAN THANH GIẢN và vụ án “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”

Để giới thiệu nội dung của tác phẩm này, chúng tôi được sự đồng ý của tác giả, đăng lại dưới đây phần Dẫn Nhập của cuốn sách, là một công trình tóm tắt rất đầy đủ và sáng sủa những gì được trình bày trong sách.

Cuối bài Dẫn Nhập này sẽ có các thông tin về việc phát hành sách.

DẪN NHẬP


Có lẽ ít có nơi đâu trên thế giới mà một “câu” gồm 8 chữ và không có xuất xứ rõ ràng lại được đem ra làm bằng chứng, mà lại là bằng chứng độc nhất, để buộc tội “bán nước” cho một nhân vật lịch sử. Nhưng chính điều đó đã và đang diễn ra trong sử học cận đại Việt Nam suốt 60 năm qua. Và cái câu 8 chữ nói trên là “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”. Sử dụng câu này liên tục từ thập niên 1950s đến nay, các sử gia tại miền Bắc Việt Nam đã nhân danh “nhân dân” để kết tội bán nước cho hai đại thần triều Nguyễn là Phan Thanh Giản (Phan) và Lâm Duy Hiệp (Lâm), với sự chú trọng đặc biệt vào Phan Thanh Giản, vị tiến sĩ đầu tiên của đất Nam Kỳ.

Mặc dù không có xuất xứ rõ ràng, mặc dù không biết tác giả của nó là ai, và mặc dù không biết cái câu gồm 8 chữ đó là câu đối, câu thơ, câu phú, “khẩu hiệu”, hay thậm chí là một loại “vè”, nó đã được đem ra để làm bằng chứng mỗi khi một “sử gia” nào đó tại Việt Nam muốn lên án Phan Thanh Giản. Và do không hề có một bài viết hay một tác giả nào đặt vấn đề để gạn hỏi một cách rõ ràng và có hệ thống về câu này, hiện nay ở Việt Nam hầu như tất cả mọi người đều chấp nhận sự hiện hữu cũng như tính chất “lịch sử” của nó. Họ dễ dãi cho rằng nó có gốc gác “trong dân gian”, đồng thời nhìn nhận rằng nó đã nói lên tâm trạng của “nhân dân” thời đó, là lên án cả hai ông Phan, Lâm và triều đình nhà Nguyễn thời vua Tự Đức.

Điển hình là bài viết sau đây về Phan Thanh Giản trong Wikipedia:

“Ngày 5 tháng 6 năm 1862, Phan Thanh Giản, Lâm Duy Hiệp có Trương Vĩnh Ký làm thông ngôn đã ký với Bonard và Palanca một hiệp ước gọi là Hòa ước Nhâm Tuất (1862), cắt đứt 3 tỉnh miền Đông cho Pháp, bồi thường chiến phí trong 10 năm, mỗi năm 400 ngàn quan cho đại diện của Pháp ở Sài Gòn . . . Do hành động này mà dân gian có câu truyền ‘Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân’ (Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp bán nước; triều đình bỏ dân chúng).”

Nguyễn Đức Tùng: Bài Thơ Afghanistan

Tôi ngồi trước màn hình ti vi nhấp nháy
Nhìn khuôn mặt mệt mỏi của tổng thống Joe Biden
Tuyên bố về Afghanistan, rút quân, sự tháo chạy
Cuộc chiến tranh đã kéo dài quá lâu, nhiều người chết, nước Mỹ đã kiệt sức
Chúng ta không thể tiếp tục chiến đấu ở nơi người dân không muốn chiến đấu cho đất nước họ, ông nói
Giọng bực tức, khuôn mặt u tối, của một người thất bại
Tôi thấy lòng không dưng buồn rũ

Khi bạn ở một mình, cô độc, bất lực, bạn cũng có một khuôn mặt như vậy
Rút quân là cần thiết
Rút quân vội vàng là tự huỷ diệt
Tôi biết, tôi biết, nhưng bạn biết để làm gì?
Sau hiệp ước Doha bậy bạ
Đôi khi vầng trăng chiếu sáng xa ngoài cửa, nhưng bạn không nhìn thấy
Một đứa bé bấm chuông bạn không nghe được
Buổi sáng ở đây không có người nào bấm chuông, người đưa thư chưa tới
Tôi mặc áo lạnh đi ra đường, cơn mưa vừa dứt
Sau hai mươi tám ngày không mưa
Bạn cảm thấy mùi đất xông lên, mùi hoa cúc, mùi dâu chín thơm lừng
Bầy sáo đen bay tưng bừng trước mặt
Tôi nhớ cái chết của một người lạ
Trên đường ngày hôm qua, dưới chiếc xe tải
Tôi nhìn thấy những đoàn người trốn dịch nhễ nhại kéo nhau bồng bế ra khỏi Sài Gòn
Những đứa bé chân còn đi chưa vững
Không ai mặc áo rách, nhưng những khuôn mặt mệt mỏi
Tôi đi chậm, bàn chân phải nhức buốt khi tôi đi nhanh lên
Tim đập rộn ràng như tới cuộc hẹn hò
Chia cho người khác buồn đau
Gió thổi mạnh, đám cỏ lau dạt đi
Nằm nhớ những bàn chân thanh tân
Lòng tôi buồn lạ lùng

Trùng Dương: Sách, phim - Van Gogh không hề tự tử

Người họa sĩ gạt xuống sàn nhà ly rượu còn đầy do cô hầu bàn vừa đặt xuống bàn cho anh, chán chường rời khỏi quán cà phê giữa dòng người ôm nhau nhẩy nhót cười vui trong tiếng nhạc ồn ào trong một ngày hội.

Anh xách giá vẽ tìm tới cánh đồng lúa mì cành nặng hạt ngả nghiêng trước gió như không cưu mang nổi những hạt lúa chờ mong bàn tay người gặt. Anh đã vẽ gần xong bức tranh đồng lúa mì khi đàn quạ đen bay tới tấp quanh anh kêu quang quác như hối giục. Anh bèn đưa những nhát cọ giận dữ đem bầy quạ vào tranh. Xong, anh buông bảng mầu và cây cọ, lảo đảo bước tới bên một gốc cây, móc túi lấy ra một mảnh giấy nhầu nhò, kê lên một nhánh cây, viết nguệch ngọac lên đó. Tôi tuyệt vọng quá rồi. Tôi không còn thấy một lối ra nào nữa. Rồi anh móc túi kia lấy ra một khẩu súng.

Người nông dân đánh xe ngựa đi qua ngoảnh nhìn qua người họa sĩ, rồi tiếp tục trên con đường đất giữa các ruộng lúa mì. Thình lình ông ta nghe một tiếng súng nổ, bèn ngừng xe ngoảnh nhìn lại phía nơi mình vừa đi qua…

Đó là hình ảnh về cái chết tự chọn của hoạ sĩ Vincent van Gogh (1853-1890) mà ai cũng đã quen thuộc, không chỉ qua phim “Lust for Life“ (1956) -- dựa trên cuốn tiểu sử cùng tên của Irving Stone xuất bản lần đầu vào năm 1934, với diễn xuất tuyệt vời của tài tử Kirk Douglas— đã trở thành kinh điển, mà còn qua vô số phim truyện, phim tài liệu, sách vở, triển lãm, Web sites, và gần đây là loạt trình diễn luân lưu bộ tranh số hoá Hoà nhập cùng Van Gogh.

Cái chết do tự chọn này cũng đã từng đuợc lãng mạn hoá, thăng hoa đến thành rực rỡ, và đã trở thành huyền thoại. Cao điểm của sự lãng mạn hoá này có lẽ là đoàn xe hoa 600,000 bông thược dược mà thành phố Zundert ở Netherlands, nơi chôn nhau cắt rốn của nhà danh hoạ, tổ chức nhân ngày giỗ thứ 125 (thayvì thông thuờng là ngày sinh nhật) của ôngvào năm 2015. Trong đó có một xe hoa khổng lồ mô tả nhà danh họa nằm chết như mơ giữa cánh đồng hoa dại, cây cọ vẽ buông lơi giữa những ngón tay, tất cả được đan bện bằng hàng ngàn bông thược dược mầu tím với các tông mầu khác nhau. Nhìn mà không khỏi bồi hồi.

Van Gogh qua đời ở tuổi 37 sau nhiều năm phấn đấu với bệnh tâm thần và những cơn điên dại bất chợt, để lại hơn 2,000 hoạ phẩm, trong đó có 860 bức tranh sơn dầu mà khi sinh tiền, ông chỉ bán được có một bức và phải sống nhờ vào sự trợ giúp tài chính của người em, Theo, một nhà buôn bán tranh làm việc ở Paris.


*Song Thao: Lương Khô C-ration

Chợ trời đồ Mỹ ở Sài Gòn là nơi đầy màu sắc. Toàn những màu hấp dẫn. Nhưng đâu đó có chen vào những mảng màu phân ngựa, màu của quân đội. Đã lâu ngày, tôi không thể nhớ giá của những đồ nhà binh nhưng nhà dân xài này. Chỉ nhớ giá hộp thịt mắc hơn hộp bánh hay bơ, phó mát, kẹo. Đây là loại lương thực phát cho binh sĩ dùng khi đi hành quân nên gọi là C-Ration, viết tắt của Combat Rations.

C-Ration được phân chia ra ba bữa ăn: sáng, trưa và tối. Mỗi bữa ăn lại gồm có nhiều món khác nhau. Bữa điểm tâm gồm một gói bánh quy, một thanh chocolate, một gói trà chanh, thịt gà đóng hộp và một thanh kẹo cao su. Bữa ăn trưa gồm một gói bánh quy, bốn viên đường, thịt bò đóng hộp, bánh trái cây và một gói cà phê. Bữa ăn tối cũng gồm một gói bánh quy, thịt gà đóng hộp, kẹo caramel, súp và bốn điếu thuốc lá. Thuốc lá gồm nhiều loại, trúng thứ nào hút thứ đó. Pall Mall, Winston, Benson and Hedges. Nhưng kể từ năm 1972, thuốc lá bị cắt.

Thức ăn đóng hộp nhưng đều được đặt tại các hãng thực phẩm lớn và danh tiếng ở Mỹ như HJ Heinz, Patten Food Products hay The Cracker Jack Company thực hiện. Đồ hộp thường nguội lạnh nên khi ăn, nếu có thể được, lính Mỹ hâm nóng lên. Họ không đốt lửa mà thường dùng chất nổ C-4 dễ cháy và không có khói.

Đại khái là như vậy nhưng mỗi thứ có thay đổi cho đỡ chán. Như thịt thì có thịt gà, thịt bò, thịt gà tây, thịt heo. Bánh quy có bảy loại khác nhau. Trái cây cũng vậy, khi thì lê khi thì đào. Ngoài ra còn có những thứ linh tinh nhưng cần thiết như giấy vệ sinh, cà phê, đường, muối, diêm quẹt, muỗng và đồ khui.

Cái đồ khui là thứ ngày đó chúng tôi rất thích. Nó nhỏ, nhẹ, dễ dùng. Nhưng thú thiệt tôi đã quên hẳn hình dáng cái đồ khui này. Cho tới khi nhìn hình tôi mới nhớ. Nó chỉ là một miếng kim loại hình chữ nhật có khoét một lỗ tròn để có thể móc được. Thường lính Mỹ hay móc vào sợi dây chuyền có thẻ bài đeo trên cổ. Bên cạnh có khoét một khoảng hình bầu dục để mở nắp bia. Nằm trên khoảng này là một hình ống của con dao mở đồ hộp. Con dao này được gấp vào khi không dùng tới để đỡ vướng víu và không gây nguy hiểm.

Thứ Sáu, 20 tháng 8, 2021

VOA Tiếng Việt: Phó Tổng thống Mỹ sẽ khai trương văn phòng CDC Đông Nam Á ở Việt Nam

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ cùng các quan chức Việt Nam chủ trì sự kiện chính thức khai trương văn phòng Khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) tại Hà Nội vào thứ Tư tuần sau, các quan chức cao cấp của chính quyền Mỹ cho biết ngày thứ Năm, trong một chuyến công du mà vấn đề y tế công có phần chắc sẽ đứng đầu nghị trình thảo luận.

Bà Harris theo lịch trình sẽ thăm Việt Nam trong hai ngày 25 và 26 tháng 8 trong chuyến thăm đầu tiên từ trước đến nay của một phó tổng thống Mỹ tới Việt Nam giữa lúc Mỹ đang nỗ lực củng cố quan hệ với các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhằm đối trọng với Trung Quốc.

Chuyến đi cũng diễn ra trong bối cảnh Việt Nam, nước đã kiểm soát thành công đại dịch COVID-19 trong thời gian đầu, đang chật vật tìm cách cách khống chế một đợt bùng phát mạnh do biến thể Delta của virus corona gây ra, với hàng ngàn ca nhiễm được ghi nhận mỗi ngày.

Bà Harris dự kiến sẽ thảo luận trực tiếp với các quan chức Việt Nam và trực tuyến với các quan chức của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và biện pháp ứng phó đại dịch của Mỹ và “cách thức mà tất cả chúng ta cần làm việc cùng với nhau để chấm dứt đại dịch và tăng cường an ninh y tế toàn cầu,” một quan chức cao cấp của chính quyền nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo.

“Chính quyền Biden - Harris đã thể hiện rõ thông qua các hành động của mình, việc cung cấp vaccine, gia tăng số lượng vaccine trên khắp thế giới bao gồm hơn 23 triệu liều cho vùng Đông Nam Á, rằng chúng tôi nhận thức tầm quan trọng của vấn đề này,” một quan chức cao cấp khác của chính quyền nói thêm. “Và chúng tôi hiểu chúng tôi có lợi ích quốc gia cũng như lợi ích nhân đạo trong việc giúp các quốc gia khác giải quyết vấn đề này.”

Quan chức này từ chối cho biết liệu bà Harris sẽ loan báo bất cứ sự hỗ trợ tiềm năng nào từ Mỹ hay không trong chuyến đi.

Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng trả lời phỏng vấn của BBC: Việt Nam - Afghanistan có ảnh hưởng chuyến thăm của PTT Mỹ Kamala Harris?

Liệu ngoại giao cấp cao của chính quyền Mỹ, mà cụ thể là chuyến thăm chính thức vào hạ tuần tháng Tám 2021 của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris tới Việt Nam được lên kế hoạch từ trước, có bị ảnh hưởng hay phủ bóng bởi biến cố chính trị đang xảy ra ở Afghanistan hay không là vấn đề được một cựu quan chức và chuyên viên cấp cao Bộ Ngoại giao Việt Nam phân tích với BBC hôm thứ Năm.

"Việt Nam đang 'khát' vaccine do đại dịch bết bát, ngư dân bị Trung Quốc cấm ra Biển Đông đánh bắt cá, cuộc mưu sinh đang gõ cửa từng nhà. Bối cảnh này khiến chuyến thăm của Phó TT Mỹ có ý nghĩa đặc biệt" bên cạnh biến cố với Taliban hiện nay ở Afghanistan, Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Hà Lan, hiện là Giám đốc Truyền thông của Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển (PLD) nêu quan điểm riêng với BBC News Tiếng Việt hôm 19/8 từ Hà Nội.

Tên gọi hay thực chất?


BBC: Theo Tiến sĩ, diễn biến thời sự ở Afghanistan liệu có ảnh hưởng gì đến kế hoạch chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sang Đông Nam Á và thăm chính thức Việt Nam tới đây không?

TS. Đinh Hoàng Thắng: Cho đến giờ này, theo những gì tôi quan sát được, chưa thấy có dấu hiệu gì về việc hoãn kế hoạch chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sang Đông Nam Á và Việt Nam vào cuối tháng này. Cho dù hàng loạt bối cảnh bất ngờ - hỗn loạn do đại dịch Covid 19 gây ra trong khu vực lẫn hỗn loạn do quân Taliban tiến vào thủ đô Kabul - tôi nghĩ cả hai nước vẫn tích cực chuẩn bị cho chuyến thăm đầu tiên của nhân vật số hai trong chính quyền Hoa Kỳ.

Âu Dương Thệ: 76 năm „Cách mạng Tháng 8“ đẻ ra nhóm cầm đầu hiện nay như thế!

Tất cả đều do Nguyễn Phú Trọng: Độc tài, kiêu ngạo CS và ngớ ngẩn đã khiến bệnh dịch đe dọa cả nước!


Giữa lúc đại dịch lại ồ ạt không lo tìm thuốc chích chống dịch, lại chỉ tụ tập đông người trong các đại hội, hội nghị Đảng, Quốc hội, Mặt trận… - Hàng triệu người phải sống đói rách - Kinh tế gẫy đổ - Các quan đỏ bất lực, chính sách bất cập -Tình trạng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược trong tầng lớp lãnh đạo!

Tình hình đại dịch cực kì căng thẳng


Vào giữa đúng lúc chế độ toàn trị dưới quyền Nguyễn Phú Trọng đang tính hồ hởi tuyên truyền về thành quả 76 năm „Cách mạng Tháng 8“ với khẩu hiệu „Chưa bao giờ đất nước ta có cơ đồ, vị thế, uy tín như ngày hôm nay“ để thực hiện mục tiêu “ Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước” thì toàn quốc bị đại dịch bao phủ. Thành phố HCM lớn nhất cả nước với trên chục triệu dân và trung tâm kinh tế cả nước bệnh dịch Covid-19 đang hoành hành suốt mấy tháng nay. Ngày 14.8 Phạm Minh Chính lại ban lệnh gia hạn thi hành Chỉ thị 16 giãn cách xã hội thêm nhiều tuần nữa và nghiêm cấm di tản về quê cũ, „ai ở đâu thì ở yên đó“


Nhưng Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư thành phố Nguyễn Văn Nên đã lên tiếng, „hàng trăm ngàn người muốn rời thành phố vì nhiều lý do, trong đó có sức chịu đựng có hạn, cuộc sống thiếu thốn trăm bề, không biết tương lai ra sao nên không thể để kéo dài thêm nữa.“ Sự thực là từ sau Chỉ thị kéo dài giãn cách xã hội, nên nhân dân đã bất chấp lệnh phong tỏa, làn sóng người lao động thất nghiệp kéo gia đình cả với con thơ có tới nhiều ngàn người mỗi ngày chạy về quê. Vì ở lại thì chết đói, chết bệnh!

Nguyễn Đức Tùng: Nên Tiêm Loại Covid Vaccine Nào?

Ở Việt Nam hiện nay chuyện nên tiêm vaccine loại nào coi bộ là câu hỏi quan trọng. Sở dĩ tôi biết như vậy, vì có những phản ứng bất bình của dân chúng trong việc được hay bị chích vaccine Trung quốc.

Đến nỗi nhà ngôn ngữ học Hoàng Dũng mới đây phải ghi lại trên FB của anh: “Trong một video phổ biến trên mạng xã hội (có lẽ quay ở công viên Tao Đàn, quận 1, TP HCM), người dân khi đến tiêm mới được phổ biến vaccine Vero Cell của hãng Sinopharm. Đối với dân bình thường, không phải ai cũng biết Sinopharm là hãng dược phẩm Trung Quốc. Nhưng có một người dân cảnh giác hỏi lại: Sinopharm là của nước nào? Và khi nhân viên y tế trả lời nước sản xuất là Trung Quốc, thì họ kéo nhau ra về, sau khi buông ra vài câu chửi bới!”

Thực ra, ngay từ đầu, Trung quốc đã kịch liệt chống lại các vaccine dùng phương pháp mRNA như Pfizer hay Moderna, hay viral vector như Moderna, ra sức dèm pha, có lẽ với dụng tâm quảng cáo cho các vaccines của họ, Sinovac và Sinopharm, mà việc chế tạo vốn dựa trên những cơ chế khác, không phải mRNA.

Nhưng tại Canada, nơi tôi ở, người dân không có nhiều lựa chọn như vậy. Hơn thế nữa, trong hầu hết trường hợp mà tôi được biết, người được chích thuốc không biết mình sẽ chích loại gì trước khi đến địa điểm y tế.

Khi đến lượt tôi, lần đầu, khá sớm vì dành cho nhân viên y tế, tôi không hề biết trước loại thuốc dành cho mình, mặc dù có thể đoán chừng một trong ba hay bốn loại lúc đó, Moderna, Pfizer, Astra Zeneca, Johnson &Johnson. Tôi có tìm hiểu kỹ các loại vaccine ấy, vì đó là nhiệm vụ, nhưng không quan tâm lắm đến việc chính tôi sẽ chích loại nào. Vì tôi tin rằng sự chỉ định của nhân viên y tế là đúng đắn, công tâm, bình đẳng. Vả lại tôi không có cơ hội nào để chọn lựa. Sau này những người chích Astra Zeneca được quyền chọn giữa hai thứ vaccine dành cho họ, nhưng đó là chuyện khác.

Thứ Năm, 19 tháng 8, 2021

Nguyễn Quang Dy: Ngoại giao Phó tổng thống - Điều hành quan hệ của Mỹ ở Châu Á

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris có kế hoạch thăm Singapore ngày 22/8 và Việt Nam ngày 24/8. Đây là lần đầu tiên một phó tổng thống Mỹ đương nhiệm sang thăm Việt Nam, tiếp theo chuyến thăm thành công của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tới Singapore, Việt Nam, và Philippines vào cuối tháng bảy. Tổng thống Joe Biden dự kiến có thể tham gia các hội nghị thượng đỉnh ASEAN và Đông Á vào cuối năm nay.

Tại sao Việt Nam và Singapore?


Trong sáu tháng đầu năm, trong khi tiếp tục cổ vũ cho tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chính quyền Biden đã tập trung vào các khu vực khác. Trong sáu tháng cuối năm, khu vực này chắc sẽ được chú ý hơn với nhiều chuyến thăm cấp cao. Nhưng tại sao đoàn Austin và Harris đến thăm Singapore và Việt Nam hai lần trong một tháng, mà không chú ý tới Indonesia và Thailand là hai nước đối tác khác cũng quan trọng?

Tuy các quan chức cấp cao không thể đến mọi nơi trong một chuyến đi, nhưng việc lựa chọn đến đâu, vào lúc nào là có ý nghĩa. Chuyến thăm của Harris vào cuối tháng tám sẽ làm rõ vai trò của Đông Nam Á nói chung là một phần thiết yếu của “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở” để đẩy lùi Trung Quốc, trong khi đặc biệt nhấn mạnh tiềm năng của Việt Nam và Singapore là hai đối tác chiến lược của Mỹ trong khu vực.

Với bờ biển dài hơn 3000km, Việt Nam có vị trí thuận lợi để ngăn chặn Trung Quốc tiến xuống Đông Nam Á. Căn cứ hải quân ở vịnh Cam Ranh có vị trí chiến lược đặc biệt đối với Biển Đông. Trong khi đó, Singapore kiểm soát vị trí yết hầu tại eo biển Malacca nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương. Năm 2019, Singapore đã gia hạn cho Mỹ sử dụng căn cứ hải quân và không quân ở Changi thêm 15 năm tới 2035.