Thứ Bảy, 24 tháng 7, 2021

Nguyễn vạn An : Hôm qua bố cháu đã vào chết ở trong rừng

Ở bên này, giới tự coi là “trí thức” đều đọc báo Le Monde. Tờ báo này không những cho đầy đủ tin tức thời sự, mà còn có nhiều bài luận rất giá trị về chính trị, văn hóa, nghệ thuật, vân vân. Tranh ảnh rất đẹp, phần lớn là trắng đen, gần đây mới có ảnh mầu. Báo có rất nhiều tài liệu, muốn đọc hết phải bỏ cả giờ, nên nhiều khi chiều về mệt mỏi tôi chỉ đọc phớt qua, chờ cuối tuần, hay khi nào rảnh, mới lấy ra đọc tiếp.

Nhưng có một trang mà tôi đọc đều đều. Đó là trang “Le carnet du Monde”. Trong đó có các tin hôn nhân, sanh con, đẻ cái, và rất nhiều tin… cáo phó. Phải có tiền hay có tiếng mới đăng vào đó. Tôi đọc thấy rất thư giãn. Tin sanh đẻ, cưới gả thì thường chẳng có gì hay, nhưng tin cáo phó thì rất đáng đọc. Khi những người nổi tiếng chết, thì báo Le Monde viết một bài nhỏ, kể tiểu sử và công trình đóng góp của họ. Đọc mới thấy có nhiều người mình chỉ quen hay biết về phạm vi chuyên môn, thực ra còn có nhiều hoạt động khác trong đời tư, như chơi nhạc, hội họa, chụp ảnh, làm thơ, viết sách ngoài ngành chuyên môn, làm thể thao giỏi, nấu bếp, làm việc thiện, vân vân. Khi họ chết mới biết họ có một cuộc đời thật đáng sống! Khi đăng cáo phó, gia đình hay gắn một câu kỷ niệm, thường là những câu trong thánh kinh, hay những câu triết lý về thế sự, hay một câu nào đáng nhớ của người đã mất. Nhiều câu rất sâu xa, đọc không khỏi bùi ngùi cảm động, suy nghĩ mông lung…

Một hôm tôi đọc cáo phó một người không biết là ai, thì thấy dòng chữ này:

“Hôm qua bố cháu đã vào chết ở trong rừng.”

Câu viết ngắn ngủi đó đã ám ảnh tôi suốt cả buổi tối. Dĩ nhiên đó là câu của một đứa bé. Mẹ nó đã đăng lên cho nó. Nó bao nhiêu tuổi mà đã mồ côi? Tôi đoán nó thương bố nó lắm, và chắc nó chưa hiểu rõ thế nào là cái chết. Tôi nhớ đến cuốn phim “La ballade de Narayama” của nhà đạo diễn Shohei Imamura, kể chuyên ở một xứ nghèo bên Nhật, lạnh lẽo, hẻo lánh, một bà cụ già đã sống đủ đời, biết là đã đến lúc ra đi, bảo đứa con trai bế mình lên núi, xa lánh làng mạc, để bình yên chết một mình trên đó.

Tôi trở lại tờ báo, thấy có ghi ngày đưa đám, và địa chỉ. Lên mạng tìm thì thấy đó là một làng nhỏ khá xa Ba Lê, gần một tỉnh mà tôi đã đến nhiều lần vì công việc. Nhìn cuốn sổ thấy hôm đó là ngày nghỉ. Tôi bèn quyết định đi đưa đám người không quen kia. Tôi muốn nhìn thấy đứa bé, và muốn biết mẹ nó là ai.

Hôm đó là trong hè, trời nắng đẹp. Ra khỏi vùng ngoại ô Ba Lê chừng một giờ, bản đồ dẫn vào một con đường nhỏ vòng vèo, nhưng trơn tru, sạch sẽ, phong cảnh chung quanh đầy hoa nở rất đẹp. Đường xá vắng vẻ, gần như chỉ có tôi phóng xe chạy vèo vèo. Hồi đó tôi có một cái xe nhỏ mở mui, thành buổi đi rất thoải mái. Gió mơn man mái tóc, thấy đời rất thần tiên. Tôi nghĩ không có vụ này mình chẳng bao giờ có dịp đi thăm thú những làng mạc hẻo lánh như thế này.

Tôi đến làng sớm hơn chừng nửa giờ. Hỏi han tìm đường, xa xa đã thấy nghĩa địa, nhưng nghĩa địa vắng teo. Tôi trở về làng, vào một vườn hoa, ngồi đó, chờ động tĩnh. Không biết tang gia ở đâu, nhưng chắc chắn phải đi qua con đường này ra nghĩa địa. Chung quanh nhà cửa sạch sẽ, vườn tược sửa sang rất đẹp. Nhưng nhà nào cũng đóng của kín mít. Đường không một chiếc xe, phố không một bóng người.

Chờ ít lâu, bỗng nghe tiếng động. Xa xa, có một vợ chồng già mở cửa đi ra. Họ mặc quần áo đen, bà choàng khăn đen. Chắc chắn họ đi dự đám tang. Tôi thở phào. Rồi thấy một nhà thứ hai mở cửa. Rồi thứ ba, rồi thứ tư, rồi thứ năm…Tôi đứng bật dậy. Vì như có hẹn trước, tất cả các nhà chung quanh đều lần lượt mở cửa. Những cặp vợ chồng, toàn là ông bà già, quần áo đều một mầu đen, yên lặng hiện ra, như những bóng ma chơi hiện giữa ban ngày. Không ai nói một lời. Họ yên lặng theo nhau đi về một phía. Điều làm tôi sợ hãi là tất cả các cửa đều mở ra, tất cả trong làng đều đi đưa đám, hình như không thiếu một người nào.

Tôi ra xe, phóng về phía nghĩa trang, leo xe lên một cái đồi gần đó, rồi đến một bục đá ngồi chờ. Một lúc sau, xe tang hiện ra. Theo sau là một người đàn bà bé nhỏ, quần áo đen, đầu chùm khăn, tay dắt một đứa bé. Đúng là đứa bé rồi! Tôi thấy cổ nghẹn ngào. Chắc nó năm sáu tuổi. Không nhìn rõ mặt mẹ con. Đoàn người theo sau dài thòng, không biết bao nhiêu người, ngoằn ngoèo sau bụi cây, xa xa vẫn còn kéo dài. Xe tới mộ, người ta khiêng quan tài ra, làm lễ, và bắt đầu đọc diễn văn. Tôi ở xa không nghe rõ, nhưng thấy nhiều người rút khăn ra lau nước mắt. Bốn năm người đọc diễn văn, kéo dài gần một tiếng. Rồi họ hạ quan tài, và theo nhau tới trước mộ, làm dấu thánh, và mỗi người ném một bông hoa xuống. Tôi ngần ngừ, rồi quyết định xuống làm đuôi để được nhìn thấy mặt mẹ con đứa bé.

Tôi từ trên đồi đi xuống, người ta đã để ý. Có lẽ tôi là người Á Châu độc nhất đến dự đám tang. Ai cũng ngạc nhiên. Họ xì xào gì với nhau. Có vài người có vẻ lo lắng sợ sệt. Tôi lẳng lặng đứng vào sau hàng. Tới gần mộ, bà mẹ đã thấy tôi. Bà trố mắt ngạc nhiên. Tôi xin một bông hoa, cũng làm dấu thánh theo như người đi trước, rồi ném hoa xuống quan tài. Sau đó, tôi chắp hai tay, vái xuống mộ ba vái và quay ra vái nhẹ bà một vái. Có ai vái như vậy đâu, nên bà luống cuống cúi xuống chào tôi, miệng lẩm bẩm gì không rõ. Tôi quay ra, nhưng đã thấy trong đôi mắt bà có một nét thỉnh cầu, muốn tôi ở lại để bà ra hỏi chuyện. Tôi bèn đứng lại môt bên.

Khi buổi lễ kết thúc, bà và mấy người thân đi về phía tôi. Bà hỏi:

- Chào ông. Ông là đồng nghiệp của chồng tôi phải không? Sao không bao giờ chồng tôi nói về ông?

- Dạ, không phải… Tôi không hề biết ông. Hôm qua xem báo Le Monde, tôi có đọc câu của cháu viết: “Hôm qua bố cháu đã vào chết ở trong rừng!”. Câu đó làm tôi rất xúc động, nên tôi đến đây đưa đám ông, chào cháu, và chào bà.

Bà kinh ngạc trố mắt nhìn tôi, quay lại nhìn con. Rồi òa khóc. Bà nói:

- Con ra chào ông đi.

Đứa bé đưa tay ra bắt tay tôi. Nó bé nhỏ, xinh đẹp, đôi mắt to buồn thiu. Nó không thể hiểu tôi đến đây chỉ vì nó. Tôi nhìn nó một hồi, nhưng không dám xoa đầu nó, không dám bế nó lên. Một lúc sau bà nói:

- Chồng tôi là giáo sư trên tỉnh. Ông được bầu làm xã trưởng của làng. Vì thế mọi người trong làng đều đến đưa đám ông. Tuần trước, chồng tôi vào rừng chạy bộ. Ông leo lên một ngọn đồi, vấp ngã, đầu đụng vào hòn đá. Chúng tôi ở làng nhỏ, xa nhà thương, khi đến nhà thương thì chồng tôi đã mất. Bà nói tiếp:

- Tôi có mời mọi người đến nhà uống một chén nước. Mời ông đến uống với chúng tôi. Tôi ngần ngại:

- Thôi, bà để tôi về. Tôi được đến đưa ông đi, gặp bà và cháu như thể đã đủ rồi. Tôi ở xa, trời đã xế chiều, phải đi hai giờ mới về đến nhà.

Tôi cúi chào, rồi quay ra leo lên đồi, đưa xe vòng vèo ra khỏi nghĩa địa. Tôi có cảm tưởng cả làng đưa mắt nhìn theo. Không hiểu họ nghĩ gì. Trên đường về, tôi cũng tự hỏi: “Mình là ai nhỉ? Từ một xứ xa xôi, lưu lạc tới đây làm ăn, hôm qua đọc tờ báo, chỉ vì một câu của đứa con mà lặn lội đến đây để nhìn thấy mặt nó, đưa tiễn người cha, một người mình không quen, chưa bao giờ gặp, tiễn người đó về một thế giới mà mình chưa hề biết. Đời cũng nhiều chuyện lạ thật…”

Hôm qua, bố cháu đã vào chết ở trong rừng…