Chủ Nhật, 25 tháng 7, 2021

Lê Thiệp: Nhà Báo Nông Dân (Tiếp theo và hết)

Thái Lân không có nhu cầu tâm sự hay kể lể và tôi không thấy ông ngồi nói chuyện tầm phào hay tham dự vào những dịp chúng tôi tán phét đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Nhưng sau hôm đó, khi tỉnh lại ông đã ngồi khá lâu với tôi :

- Ông còn trẻ lại được đeo đuổi học vấn có qui trình tử tế chứ bọn chúng tôi khác. Tôi đang đi học sắp sửa thi Diplome thì đại chiến bùng nổ và như ông biết sau đó là Việt Minh. Bố mẹ tôi lôi tôi về quê bảo học là để làm người đâu cần bằng cấp. Chưa đến hai mươi và cũng bị cuốn hút vào cao trào chung của cả nước tôi lăn xả theo Việt Minh, xung phong vào Đội Bảo Vệ Hồ Chí Minh. Khi đó quê tôi ở Thanh Hóa nào có thấy ông Hồ nhưng tâm tưởng tôi coi ông là bậc thánh. Nhưng khi lăn vào hoạt động mới thấy chính cán bộ Cộng Sản lại là những ông vua con còn cường hào ác bá hơn cả địa chủ. Tâm hồn trong trắng của tôi bị giao động và tôi tìm đọc sách vở Cộng Sản, đồng thời chú tâm quan sát những gì xẩy ra xung quanh. Dần dần tôi nhận ra Cộng Sản không phải là giải pháp cho nước mình. Ông nghĩ tôi làm gì?

Tôi chống họ. Suy nghĩ nông cạn và lòng hăng say của tuổi trẻ, tôi và vài người bạn làm báo chống Cộng. Ấy, thời buổi đó làm gì có phương tiện in ấn, tụi tôi viết tay in thạch bản và nghĩ mình đang làm một việc gì kinh thiên động địa. Không lâu sau, tôi bị công an bắt. Chỉ hơn một tháng sau tôi vượt ngục, ông ạ. Dễ quá vì chỉ bị giữ ở trại giam cấp huyên. Tôi tuy vậy không hề sợ hãi mà còn hăng say hơn, lại viết truyền đơn và in báo chống chúng nó. Tất nhiên tôi bị bắt lại ngay và lần này bị đem đi giam ở một nhà tù trong núi tứ bề vách đá cheo leo không thể trốn được. À, không phải trại Lý Bá Sơ. Trại tù tôi ở cách đó khoảng ba bốn cây số gì đó, nhưng so với Lý Bá Sơ thì chẳng thua gì. Ông còn trẻ chưa trải qua tù đày nhất là tù đày Cộng Sản, khó mà tả cho ông hiểu. Theo tôi, cái đáng sợ nhất là bản tính ác của con người. Từ lâu, tôi vẫn chiêm nghiệm về câu “Nhân chi sơ tính bản Thiện.” Theo tôi, con người sinh ra trong trắng không có “Bản” gì, nhưng khi cái ác được dung dưỡng và khuyến khích thì là thảm họa cho loài người. Ông đọc Trại Đầm Đùn rồi, phải không? Tôi bị đánh, bị hành hạ không thua gì nhân vật chính trong cuốn này. Cái đáng sợ nhất không phải là những trận đòn mà là gương mặt hả hê của đám cai tù Công Sản khi hành hạ tù nhân. Tôi coi như mình sẽ chết trong xó tù hẻo lánh. Bỗng dưng chúng lôi tôi lên bảo nhà nước khoan hồng và quyết định thả tôi vì đã biết ăn năn hối lỗi, đã giác ngộ cách mạng. Nhưng không phải như vậy. Về đến nhà hai hôm thì một người bà con trong họ báo cho biết tôi phải trốn ngay vì
sẽ có phong trào thanh toán địa chủ và phản động để trấn áp quần chúng mà gia đình tôi, đặc biệt là tôi đứng đầu danh sách. Chúng tha tôi để định đem tôi ra xử làm gương. Tôi trốn ra được Hà Nội. Ông hay giễu cợt tôi là đứa chống Cộng đến chiều. Vâng ông còn trẻ có thể ông nhìn vấn đề Cộng Sản khác tôi, nhưng ông phải tin tôi điều này. Cộng Sản là thảm họa cho dân mình.

Mặc dù kính trọng, tôi vẫn nhìn ông như một ông già bất cập thời thế, bo bo giữ những thói quen suy nghĩ thủ cựu và nhất là không chấp nhận thay đổi. Có thể từ nhiều yếu tố khác nhau như dáng đi cục mịch của ông với cái lưng hơi gù và đôi vai ngang, hoặc thái độ đôi khi có vẻ lầm lỳ luôn giữ khoảng cách không tham dự của ông. Hoặc là ông thiếu cởi mở, không có phong thái của một nhà báo phóng khoáng. Nhiều lần úp mở đùa cợt hay đôi khi sỗ sàng, tôi vẫn tấn công về chuyện này nhưng ông thường né tránh và nếu quá nữa thì cười nói “Thì tôi nhà quê, cái máu nông dân nó ăn vào xương vào tủy rồi, làm sao bây giờ.”

Phải chăng vì có cái nhìn nông dân nên đôi khi từ ông có những chuyện nho nhỏ mà bây nhớ lại tôi tủm tỉm cười. Tin cho biết một thiếu nữ tên Hoa vì thất tình đã mướn phòng ngủ, mua rất nhiều hoa hồng chất trong phòng và rải cánh hoa trên giường, xong uống một liều thuốc ngủ tự vẫn, ông đặt tít “Cô Hoa Chết Vì Hoa.” Một lần buổi chiều ông bỗng cười lớn và đưa tôi tờ Tia Sáng bảo “Đặt tít như thế này là nhất.” Tin liên quan đến vụ hai phe Ấn Quang và Việt Nam Quốc Tự tranh nhau chùa trên đường Trần Quốc Toản, giữa đêm gậy gộc choảng nhau có nhiều người bị thương. Báo Tia Sáng đặt tít tám cột “Sư Sãi Giành Chùa Máu Loang Cửa Phật.” Quả là cát tít để đời mô tả sự kiện ngắn gọn đầy mỉa mai và hết sức cải lương. Tin về một sản phụ sinh năm ông đặt tít “Đẻ Một Lứa Nuôi Phờ Râu.” Ông tự nhận cách suy nghĩ của ông là nông dân và có vẻ hãnh diện về điều này :

- Bố mẹ tôi có chút ruộng nương và ngay từ ngày bé, tôi đã hít thở cái không khí ruộng nương cày cấy, đã bị ảnh hưởng từ những người cả đời chưa bước chân khỏi mảnh vườn thửa ruộng. “Tính Tập Thành” ngay từ thuở nhỏ khó mà đổi được. Tất nhiên tôi đi học chữ Tây, đọc sách tiếng Tây nhưng đó là kiến thức, không phải giáo dục. Ông đừng quên là chúng tôi hồi đó thù ghét Tây vô cùng. Nếu không vì những xáo trộn thời cuộc thì chắc tôi chả bao giờ bỏ làng bỏ nước ra đi.

Nhưng ông đã phải bỏ trốn khỏi làng ngay từ khi chớm hai mươi ra sống ở Hà Nội và chỉ khoảng sáu tháng sau có tin thân phụ ông chết trong tù sau đợt trấn áp địa chủ và những người có uy tín. Sau đó, ông di cư vào Nam, làm việc cho một hãng tư. Ông kể :

- Tôi đi làm để mà đi làm nhưng tâm tưởng lúc nào cũng chỉ nghĩ đến chuyện nước non. Ông nghĩ tôi đại ngôn? Các ông may mắn hơn chúng tôi vì được sống một đời sống tương đối thanh bình thời ông Diệm và chỉ mới đây vài năm cuộc chiến mới thật sự ảnh hưởng tới ông.

Tôi nhìn ông ngạc nhiên về nhận xét này. Kiểm lại những đứa như tôi quả đã có cả chục năm được học hành tử tế, không bị cuốn hút vào những xáo trộn như thế hệ ông. Chúng tôi được hưởng một chút thời tuổi trẻ mà thế hệ ông không có. Tôi nhìn ông thông cảm.

- Tôi ngày thì đi làm nhưng lúc nào rảnh là đọc sách, là chiêm nghiệm. Tôi không nhớ rõ là 1956 hay 1957 gì đó manh nha có vụ trung lập nên tôi viết một bài bàn về vấn đề này và gửi cho báo Ngôn Luận của ông Hồ Anh. Bài của tôi được đăng và ông Hồ Anh mời tôi đến tòa soạn. Mãi sau này tôi mới biết bài báo được ông Ngô Đình Nhu ghé mắt tới và hỏi tác giả là ai. Chúng ta đều biết báo bổ hồi đó lệ thuộc chính quyền đến độ nào. Khi gặp, tôi đã đề nghị xin vào làm không lãnh lương cho Ngôn Luận chỉ với dụng ý học hỏi và đằng sau đó là niềm tin chỉ có giáo dục và truyền thông là những đóng góp hữu ích nhất. Chẳng bao lâu sau tôi trở thành nhân viên chính thức của Ngôn Luận. Đấy, chả có gì là ghê gớm như thỉnh thoảng ông vẫn thắc mắc. Tôi trở thành người viết báo vì lòng ham học hỏi và một niềm tin rằng báo chí có thể là một phương tiện để chống lại chúng nó.

Ngôn ngữ đôi khi phản ánh cách nhìn. Ông ăn nói nhỏ nhẹ, đối với những người xung quanh, lúc nào cũng lễ độ và tôi chưa thấy ông chửi thề hay văng tục bao giờ. Ông gọi tôi và các bạn tôi là ông nhưng khi nói đến Cộng Sản thì “Chúng Nó” và ông dùng chữ “Thằng” để gọi tất cả lãnh tụ Cộng Sản từ Hồ Chí Minh trở xuống. Dưới thời ông Diệm, báo chí bị gò bó và ngay cả những tờ bán chạy nhất như Dân Đen, Tự Do, Sài Gòn Mới, Ngôn Luận… thật sự không đóng được vai trò Đệ Tứ Quyền, không bao giờ đăng tải lập trường của những

người đối lập. Dư luận vẫn coi tờ Ngôn Luận là báo Cần Lao, báo của Văn Phòng Chính Trị và ông Hồ Anh là đảng viên đảng Cần Lao. Trong một môi trường như vậy, hoài bão đóng góp e có phần bị lung lay chăng ?

- Ông phải nhớ làm báo cũng như bất cứ công cuộc kinh doanh nào đều phải nhìn vào vấn đề tài chính. Tôi và nhất là ông Từ Chung đều đồng ý về chuyện này. Tờ Ngôn Luận là một kinh doanh thành công. Sau đó là vấn đề giáo dục. Nếu nhìn lại tờ Ngôn Luận, chúng tôi đã có ít nhiều thành quả trong cung cách viết lách, cho dù là báo hàng ngày chúng tôi luôn luôn cân nhắc chữ nghĩa và khi lựa bài vở dù chỉ giải trí chúng tôi rất cẩn trọng. Ông chắc ở trong lứa tuổi đọc Bé Ngôn Bé Luận thì phải, ông nghĩ thế nào? Phải chăng cứ chống đối chính quyền mới xứng đáng là nhà báo? Tôi vẫn nghĩ cần đặt lại vấn đề này nhất là vào hoàn cảnh Việt Nam. Nếu chỉ vì lợi nhuận, vì nhu cầu câu khách, vì quyền lợi phe nhóm, mà quên đi chuyện chung thì thật đáng buồn. Ông nghĩ sao?

Hình như từ “Chúng Tôi” bao hàm không chỉ riêng ông mà là một tập thể nho nhỏ quanh ông trong đó có ông Từ Chung, một người ông rất trọng. Từ Chung đỗ tiến sĩ Kinh Tế nhưng nhìn ông khó ai nghĩ ông là một trí thức khoa bảng. Dáng người mảnh khảnh, ăn mặc xuề xòa ăn nói thì tuy nhỏ nhẹ nhưng “đầy chất nhà báo.” Bao giờ cũng vậy khi nói về Từ Chung, giọng ông Lân cũng ngậm ngùi nuối tiếc :

- Tôi kể ông nghe chuyện này. Ông Từ Chung khi làm Ngôn Luận vẫn tơ tưởng đến huyền thoại Kháng Chiến, đến lý tưởng Cộng Sản. Tôi đã cùng Từ Chung cãi nhau, tranh luận suốt một tuần, có hôm tôi đến nhà ông, hai đứa lý luận với nhau đến sáng. Từ từ ông Từ Chung phải đồng ý với quan điểm của tôi. Theo tôi, bản án tử hình có lẽ được Cộng Sản treo lên cổ ông ngay từ khi ông đang theo học tại Thụy Sĩ. và mãi sau mới được thi hành. Hồi đó khi ở Thụy Sĩ, ông lân la và hay gặp những cán bộ Công Sản Bắc Việt thuộc tòa đại sứ của chúng nó hay những đứa sang dó công tác. Trong những lần gặp gỡ đó, Từ Chung đã tranh luận để chứng minh Cộng Sản không phải là giải pháp cho dân tộc và có lẽ điều làm chúng nó bực nhất là Từ Chung đã vạch rõ chân dung Hồ. Với chúng nó, đụng đến Hồ là kỵ húy, là đáng tội chết. Tôi phải nói với ông đây là suy nghiệm của riêng tôi, vì dù lý do nào thì rõ ràng chúng nó sợ những người cầm bút có lập trường dứt khoát nên phải dùng bạo lực để thanh toán. Vâng, ông Từ Chung là người trí thức có khả năng. Chính ông là người đã viết những vấn đề rắc rối chuyên môn về kinh tế như lạm phát, cung cầu, kinh tế vĩ mô, khiếm dụng nhân công… bằng ngôn từ giản dị với các thí dụ thực tế khiến những độc giả bình thường có thể hiểu được những gì đang xảy ra. Nhưng với tôi thì cái lòng, cái tâm quan trọng hơn nhiều. Không chỉ với anh em bạn bè gia đình mà nhất là đối với chuyện chung. Từ Chung chết đi để lại một khoảng trống rất lớn trong đời tôi, không cách gì trám được.

Tờ Chính Luận ra đời khá giản dị. Ông thuật lại :

- Sau khi ông Diệm chết, mấy ông tướng ra lệnh đóng cửa tất cả báo và chúng tôi thất nghiệp. Ít lâu sau đó, bọn tôi, Từ Chung hình như có Thái Linh và Phan Nghị nữa, đăng báo để tìm người cộng tác bỏ vốn làm báo. Ông Đặng Văn Sung là người duy nhất tìm đến và Chính Luận ra đời. Vâng chúng tôi chẳng ký kết gì với ông Sung mà tất cả chỉ là giao ước bằng lời. Ông còn trẻ nên khó thông cảm với những người ở lứa tuổi tôi. Hay có khi vì cung cách đó mà chúng tôi gặp nhiều thất bại chăng. Tôi vẫn nghĩ tin nhau là đủ. May mà giữa chúng tôi và ông Sung lúc đầu có đụng chạm, một phía là chuyên nghiệp một phía là những liên hệ rắc rối của ông Sung trong hoạt động chính trị. Cái khó là cá tính cương cường của bọn tôi và cá nhân ông Sung. Nhưng mọi khó khăn lúc đầu vượt qua được có lẽ vì ông Sung biết người biết ta và chỉ khoảng ít lâu thì tờ báo hoàn toàn do chúng tôi lo liệu, thoảng lắm, ông Sung mới đóng góp ý kiến, ngoài ra, ông chỉ đóng vai trò của một ông chủ báo tài tử, lùi ra ngoài để chúng tôi lo phần chuyên môn. Trong suốt những năm tôi viết lập trường trên Chính Luận chưa một lần nào ông Sung đặt vấn đề cả .

Ông thuật lại một sự việc mà theo ông rất ít người để ý, ngoài “Bọn Chúng Nó.” Nguyên Hồ Chí Minh chết đúng vào ngày 2 tháng 9 năm 1969 nhưng Hà Nội giấu kỹ chưa loan báo vội có thể vì muốn tránh đó là ngày kỷ niệm tuyên ngôn Độc Lập, hoặc có thể vì chia chác nội bộ chưa xong. Nhưng Chính Luận do theo dõi kỹ và phối kiểm tin tức đã loan vào ngày hôm sau, tin Hồ Chí Minh chết. Tin đó được tất cả các hãng tin thế giới trích thuật và Hà Nội buộc lòng phải công bố sự việc Hồ Chí Minh qua đời. Hình như cho đến bây giờ, Cộng Sản vẫn chưa nguôi ngoai lòng bực dọc đối với Chính Luận. Trong cuốn Báo Chí Ở Thành Phố Hồ Chí Minh của Trương Ngọc Tường và Nguyễn Ngọc Phan, nhà xuất bản Văn Hóa Sài Gòn trang 300 có đoạn nguyên văn: “Tháng 9/1969 Hồ Chủ tịch mất, nhân dân trong nước và cả thế giới bùi ngùi trước tin đau buồn ấy. Thế mà tờ Chính Luận, tờ báo duy nhất đã viết bài xúc phạm đến sự nghiệp và cuộc đời của Bác. Nhiều thanh niên sinh viên học sinh và nhiều đồng bào các giới khác đã tới tấp gọi điện thoại đến tòa soan cảnh báo đòi đốt tòa báo đòi trừng trị những tên viết bài hỗn láo. Vì vậy Tổng Nha Cảnh Sát Sài Gòn đã phải huy động một lực lượng công an để bảo vệ nghiêm ngặt cho tòa báo. Tháng 12/1969, tòa báo Chính Luận ở đường Lê Lai bị lực lượng vũ trang bí mật của Thành Đoàn dùng mìn đánh xập, phải dời qua đường Hai Bà Trưng.”

Nhiều năm sau ôn lại chuyện cũ, Thái Lân tâm sự :

- Tôi không ngờ khi Chính Luận loan tải tin Hồ chết lại ảnh hưởng đến bọn chúng nó lớn đến độ như vậy. Có thể tin đó đã khiến Bộ Chính Trị phải thay đổi toàn bộ dự tính để đối phó với dư luận thế giới và những dàn xếp nội bộ giữa các phe phái đang tranh giành nhau tại Hà Nội. Thời điểm này, 1969, cuộc chiến ở mức độ cao nhất nên Hồ chết là một biến cố rất quan trọng. Lúc đó, anh em mình không hiểu tại sao bỗng bị đặc công tới tấp dọa sẽ đặt mìn nổ tung Chính Luận, nhưng nay thì mọi sự đã rõ. Ông có nhớ vụ này không ?

Tôi nhớ chứ. Vài ngày cả tòa soạn lại nháo lên vì bị đe dọa, đôi khi phải di tản từ Võ Tánh sang tòa soạn cũ ở đường Lê Lai. Một hôm, tôi vừa lò dò leo lên cầu thang thì anh Phan Nghị ôm cái máy chữ lao xuống khiến cả hai ngã chỏng gọng. Anh Phan Nghị la oai oái “Mày lên làm gì, chạy cho mau, tụi nó đặt mìn chết cả đám bây giờ.” Xin đính chính cùng hai tác giả Báo Chí Ở Thành Phố Hồ Chí Minh rằng đặc công Thành Đoàn đặt mìn ở trụ sở tòa soạn Chính Luận đường Võ Tánh chứ không phải đường Lê Lai. Điều nữa là chả có lực lượng công an nào của Tổng Nha Cảnh Sát đến bảo vệ những tên nhà báo cả. Tôi nhớ sáng hôm đó khi đến thì chỉ thấy láo nháo một số đông cảnh sát trước tòa báo và nhân viên tòa soạn tụ cả phía bên kia đường nhìn sang. Đặc công Thành Đoàn đặt mìn khiến một em nhỏ thợ in thiệt mạng. Đó là thành tích duy nhất trong công tác của Thành Đoàn, nhưng không làm suy chuyển thái độ của Chính Luận mà Thái Lân là linh hồn.

Cũng xin ghi nhận thêm là cuốn Báo Chí Ở Thành Phố Hồ Chí Minh có nội dung hoàn xuyên tạc với ngôn ngữ sặc mùi tuyên truyền, vùi lấp sự thật về báo chí miền Nam một cách trắng trợn. Mong rằng sau này mọi sự kiện sẽ được ghi nhận xác thực để các thế hệ sau hiểu rõ những gì đã thực sự xảy ra trong giai đoạn lịch sử này.

Kể từ sau Mậu Thân, chiến tranh thực sự đã làm đời sống người dân Miền Nam bị đảo lộn đến gốc rễ. Bom đạn không chỉ nổ ở Khe Sanh, Mỏ Vẹt hay Chư Pao mà có thể ở bất cứ đâu giữa Huế, Sài Gòn, Cần Thơ. Cuộc sống của mọi người bị xoáy hút vào cơn bão, không một cá nhân nào có thể đứng ngoài lề. Hơn giới nào khác, người làm báo nay phải đối phó với những vấn nạn lớn nhất của nghề nghiệp. Họ chạy đua với thời sự tin tức. Họ phải cân nhắc để có những chọn lựa cho chính xác và trình bày tin tức cho hợp với chủ trương tòa báo. Họ phải đương đầu với áp lực không chỉ từ chính quyền mà còn dư luận và những khuynh hướng chính trị luôn luôn mâu thuẫn nhau. Tin tức về chiến tranh Việt Nam ngày ngày chiếm những chỗ quan trọng nhất không chỉ trên báo Sài Gòn mà cả thế giới.

Trong bối cảnh đó, Thái Lân vẫn lẳng lặng lui cui mỗi ngày viết một bài bình luận và điều động tờ Chính Luận. Công việc nói thì thật giản dị, nhưng phải có một sức làm việc vượt mức bình thường và một tinh thần chịu đựng vô bờ bến. Có thể vì đa đoan với công việc hàng ngày, ông không còn thì giờ ,giao du với bên ngoài, bạn bè hay những sinh hoạt bù khú của đám anh em cùng nghề. Rất nhiều người trong làng báo Sài Gòn lúc đó không biết Thái Lân hoặc có biết thì cũng chỉ nghe loáng thoáng. Quần chúng độc giả lại càng không biết đến tên Thái Lân cho dù ngày ngày họ đọc ông trong mục bình luận thời cuộc. Khi Từ Chung bị Cộng Sản ám sát, mọi người đều nghĩ tên ông sẽ được ghi như Tổng Thư Ký Tòa Soạn Thái Lân thay cho chỗ vẫn ghi Từ Chung. Nhưng ông lắc đầu cương quyết từ chối để Chính Luận cuối vẫn giữ hàng chữ cũ và ghi Cố Tổng Thư Ký Tòa Soạn Từ Chung. Không những thế, trong những ngày tờ báo còn ở đường Lê Lai, ông vẫn ngồi làm việc ở chỗ cũ lẫn lộn với tất cả nhân viên khác của tòa báo, không rời vào ngồi ở phòng nhỏ phía trong trước đây vẫn dành cho ông Từ Chung. Mới đầu có tiếng xì xào “Làm bộ làm tịch” hoặc “Gàn dở!” Ông tỉnh bơ bỏ ngoài tai giữ mọi sinh hoạt bình thường để rồi cuối cùng mọi người đều thấy Thái Lân vẫn là Thái Lân không có gì thay đổi.

Khoảng 1972, bỗng có dạo trông ông đờ đẫn hẳn, càng ít cười ít nói và trông như người mất hồn. Hỏi thì ông chỉ lắc đầu. Ông bán chiếc xe hơi mua một xe đạp, ngày ngày đạp xe đi làm. Mãi sau này khi gặp lại lúc ông đã ngoại tám mươi, ngồi ôn lại chuyện xưa ông nói với tôi: “Hồi đó tôi thấy chắc chắn chúng mình thua. Không cách gì cứu vãn được. Tôi xuống tinh thần, định bỏ nghề, bán hết tài sản và tìm một chỗ nào vắng vẻ sống cho qua ngày. Tôi không thể nói ra suy nghĩ của tôi vì e sẽ có người nói tôi điên hay trở chứng chết. Nhưng rồi vì nhà tôi và các cháu nhỏ, tôi lại ngày ngày viết báo nhưng nếu ông có chút tinh ý thì những bài bình luận của tôi từ dạo đó về sau bi quan nhiều hơn lạc quan.”

Nhận định đó của ông có thể vì ông là người ngày ngày đương đầu với thời sự, với chính trị và do óc nhận xét phân tích để đi kết luận “Chúng mình thua.” Nhưng ngẫm nghĩ lại, ông nhẹ nhàng bảo “Có thể là như vậy nhưng có lẽ đúng hơn là cái nhậy cảm trong con người nông dân của tôi”.

Cái gốc gác nông dân của ông phản ảnh rõ nét khi hơn hai chục năm trước, tôi ghé thăm ông ở California và nhìn thấy thửa vườn sau nhà với cà bát, cà pháo, cải vồng, rau muống, mồng tơi, mướp và đủ loại rau thơm. Mới đây khi hỏi thăm thì ông bảo “Giống cà bát chỉ trồng được hai mùa, sau đó cà ra trái lớn hơn nhiều nhưng ăn dai nhách không giòn như ở quê mình. Thổ ngơi nó khác ông ạ, gió khác, nắng khác, ấm lạnh khác thành mình nay cũng khác giống như cà bát, có cố lắm cũng chỉ được một hai mùa.”

Trích từ tác phẩm Lững Thững Giữa Đời của Lê Thiệp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét