Thứ Ba, 18 tháng 5, 2021
Nguyễn Hoài Vân: Tổng thống Biden và kế hoạch giảm cách biệt giàu nghèo
"Sleepy Joe" đánh thức nước Mỹ bằng một nhận xét đơn giản : "650 cá nhân đã gia tăng tài sản của họ hơn 1000 tỷ USD trong đại dịch COVID, để ngày hôm nay, thủ giữ được trên 4000 tỷ USD".
Gia tăng cách biệt giàu nghèo tại Hoa Kỳ :
Sự gia tăng cách biệt giàu nghèo tại Hoa Kỳ đã bắt đầu từ đầu thập niên 1970, với những con số đáng quan ngại : trong khi 1% người có thu nhập cao nhất tăng lợi tức từ 11% tổng lợi tức quốc gia lên 20-21% năm 2012-2015, thì 50% người "bên dưới" giảm thu nhập từ 21% tổng lợi tức quốc gia xuống chỉ còn 12,5% năm 2015. Đại khái, trong khoảng thời gian được chọn, 10% lợi tức của 50% người "bên dưới" được đem lên phụng dưỡng 1% người « bên trên » ...
Vào năm 1970, 50% người "bên dưới" có thu nhập trung bình là 15200 USD mỗi năm, trong khi 1% người "bên trên" kiếm được 403 000 USD mỗi năm (tỷ lệ 1/26). Đến năm 2015 thu nhập trung bình của 50% người bên dưới là 16200 USD mỗi năm, so với 1% bên trên thu nhập 1 triệu 305 ngàn USD mỗi năm (tỷ lệ 1/81).
Ảnh hưởng trên phát triển :
Mặc kệ ? Miễn kinh tế chạy tốt ? Không ! Sự gia tăng chênh lệch ấy đi kèm với giảm phát triển một cách rõ ràng : giữa 1950 và 1990, tăng trưởng lợi tức đầu người là 2,2% mỗi năm, để chỉ còn 1,1% trong khoảng 1990 - 2020, tức giảm đi một nửa. Cùng thời gian, lợi tức của 1% người có thu nhập cao nhất tăng từ 12% lên 18% (1).
Super Biden tăng thuế của các công ty từ 21 lên 28%, nhân gấp đôi thuế của các chi nhánh ở ngoại quốc lên 21%, và mức thuế lợi tức cao nhất tăng từ 37 lên 39.6%.
Trong quá khứ, thuế đánh trên các công ty ở Hoa Kỳ vào khoảng 45 - 50% cho đến thập niên 1980, trước khi giảm xuống 30 - 35%, rồi trụ ở mức 35% từ 1992 đến đến 2017, trước khi hạ xuống 21% năm 2018.
Còn thuế lợi tức cao nhất ở Mỹ thì lên đến 92% (!) năm 1943, rồi khoảng 91% giữa 1951 đến 1962. Trung bình của mức thuế cao nhất là 81% từ 1932 đến 1980, trước khi hạ xuống chỉ còn 39% từ 1980 đến 2018, một trong những lý do gia tăng cách biệt giàu nghèo mạnh mẽ như vừa nói ở trên.
Tăng thuế là tai vạ ? Sẽ làm sụp đổ kinh tế ? Không ! Chính việc giảm thuế trong quá khứ đã đi kèm với giảm tăng trưởng. Thật vậy, mức thuế lợi tức "đỉnh thu" giảm từ 72% trong những năm 1950 - 1990 xuống 35% giữa các năm 1990 - 2020. Trong cùng thời gian mức tăng trưởng thu nhập đầu người rơi từ 2,2% xuống 1,1% !
Tăng lương tối thiểu :
Tổng thống Biden cũng tăng lương tối thiểu cho nhân viên làm việc cho chính quyền Liên Bang lên 15 USD một giờ, như một bước đầu đi đến áp dụng mức lương này cho cho toàn thể công nhân viên Hoa Kỳ.
Vào năm 1950, lương tối thiểu cho một giờ ở Hoa Kỳ là 4,25 USD (tính theo PPP 2019), để trở thành 7,25 USD năm 2019. Cùng thời gian, lương tối thiểu ở Pháp tăng từ 2,23 USD lên 10,03 USD năm 2019. Năng suất làm việc (2) ở Pháp đã qua mặt Hoa Kỳ giữa những năm 2000 - 2007, rồi ngang hàng với Mỹ sau đó.
Tăng lương tối thiểu sẽ đẩy toàn bộ lương bổng lên cao, giảm bớt sự cách biệt giàu nghèo đáng quan ngại như vừa nói ở trên. Cùng với việc tăng thuế đánh trên những người giàu nhất (thiểu số nắm 20% tài sản tư), việc này sẽ hạn chế hiện tượng phú hữu chảy ngược từ dưới lên trên, nhà nghèo chu cấp cho nhà giàu ...
Nguyễn Hoài Vân
17/05/2021
Chú thích :
(1) Một nghiên cứu của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế công bố ngày 15 tháng 6, 2015, phủ định lý thuyết cho rằng gia tăng phú hữu của người giàu có lợi cho phát triển (trickle down theory). Thật vậy khi lợi tức của 20% người giàu nhất tăng lên 1%, thì tăng trưởng GDP giảm đi trong 5 năm sau đó (0,08 điểm). Ngược lại, khi lợi tức của 20% người nghèo nhất tăng 1% thì GDP tăng 0,38 điểm. Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế (OECD), trong những nghiên cứu được công bố vào tháng 12 năm 2014 và tháng 5 năm 2015 (In it together : why less inequality benefits all ?) cũng đã đi đến những kết luận tương tự. Một cách cụ thể : gia tăng chênh lệch giàu nghèo giữa 1985 và 2005 đã làm mất đi 4,7 điểm phát triển trong các nước tiên tiến.
(2) GDP chia cho số giờ làm việc.